Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1435/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu Vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, KGVX (3b). KN79

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1435/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Kế hoạch) xác định các nhiệm vụ, dự án, làm cơ sở cho các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trên lưu vực sông triển khai nhằm đạt được các chỉ tiêu của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Đề án).

II. PHÂN VÙNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY

1. Phân vùng bảo vệ môi trường

Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được phân thành hai vùng chính là vùng đồi núi và đồng bằng gồm: Vùng đồi núi nằm ở phía Tây lưu vực và vùng đồng bằng nằm phía hữu ngạn sông Hồng.

Từ hai vùng này được chia ra thành 14 tiểu vùng gồm: Núi đất thấp; vườn quốc gia Ba Vì, vườn quốc gia Cúc Phương, núi đá vôi liền khối, gò đồi, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, đô thị và công nghiệp Tam Điệp, đồng bằng tích tụ, đồng bằng ven biển, đô thị và công nghiệp Sơn Tây, đô thị và công nghiệp Hà Nội, đô thị và công nghiệp Phủ Lý, đô thị và công nghiệp Nam Định, đô thị và công nghiệp Ninh Bình.

2. Định hướng, phát triển không gian chung và riêng lẻ cho các tiểu vùng

- Tiểu vùng núi thấp (gồm khu vực Trung Hà, Hòa Lạc thành phố Hà Nội; huyện: Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn tỉnh Hòa Bình), định hướng: Khoanh nuôi, bảo vệ vốn rừng hiện có, cấm khai thác gỗ để rừng tự phục hồi trong thời gian tới.

- Tiểu vùng núi đá vôi (gồm khu vực huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội, huyện Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình), định hướng: Quản lý chặt chẽ việc các doanh nghiệp khai thác đá vôi xâm lấn sang các khu vực không được phép khai thác, đặc biệt là những nơi có hang động có giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, bảo tồn, du lịch.

- Tiểu vùng gò đồi (gồm khu vực huyện Ba Vì thành phố Hà Nội, huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thủy tỉnh Hòa Bình, huyện Nho Quan, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình), định hướng: Duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng, đặc biệt quan tâm vốn rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại; phủ xanh bề mặt đất đồi bằng các loại thảm thực vật thích hợp tùy theo địa hình và nguồn nước.

- Tiểu vùng đồng bằng tích tụ (gồm khu vực huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên thành phố Hà Nội, huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục tỉnh Hà Nam, huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh tỉnh Nam Định), định hướng: Tập trung xử lý nước thải từ các đô thị; thu gom, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; nghiên cứu cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất.

- Tiểu vùng đồng bằng ven biển (gồm khu vực huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình và huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định), định hướng: Duy trì, phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn và trồng bổ sung rừng ngập mặn; thực hiện các dự án bảo vệ đê biển và những vùng đất đã thau chua rửa mặn để canh tác nông nghiệp; xây dựng những dự án nghiên cứu cho tương lai theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

- Tiểu vùng Vườn quốc gia Ba Vì (gồm toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Ba Vì), định hướng: Bảo vệ vốn rừng và cảnh quan để bảo vệ đa dạng sinh học với các loài động thực vật quý hiếm, phát triển du lịch sinh thái.

- Tiểu vùng Vườn quốc gia Cúc Phương (gồm toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Cúc Phương), định hướng: Bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học hiện có, đặc biệt là các sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao; phát triển du lịch sinh thái hợp lý.

- Tiểu vùng Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (gồm toàn bộ diện tích khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long), định hướng: Bảo tồn một quần thể các hệ sinh thái mang tính đặc thù của khu đất ngập nước nội đồng ở miền Bắc Việt Nam.

- Tiểu vùng đô thị và công nghiệp thị xã Tam Điệp (bao gồm thị xã Tam Điệp và các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn thị xã), định hướng: Tập trung bảo vệ môi trường không khí bị tác động do các hoạt động khai thác chế biến vật liệu xây dựng.

- Tiểu vùng đô thị và công nghiệp thành phố Phủ Lý (bao gồm các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn thành phố Phủ Lý và khu công nghiệp Đồng Văn), định hướng: Bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng nước sông Đáy và đặc biệt là phụ lưu sông Nhuệ ở đoạn gần thành phố Phủ Lý, nơi sử dụng nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho thành phố Phủ Lý.

- Tiểu vùng đô thị và công nghiệp thành phố Nam Định (gồm thành phố Nam Định và các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn thành phố), định hướng: Xây dựng hệ thống thu gom và hệ thống thoát nước mưa độc lập với hệ thống thu gom và thoát nước thải đô thị của thành phố Nam Định; cải tạo, nâng cấp các hồ, cải thiện chất lượng nước các hồ trong nội đô.

- Tiểu vùng đô thị và công nghiệp thành phố Ninh Bình (gồm thành phố Ninh Bình và các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất thuộc thành phố Ninh Bình), định hướng: Hoàn thiện hệ thống kênh thoát nước mưa, thoát nước thải; cải tạo dòng sông Vân, hồ Máy Xay, tạo cảnh quan môi trường; phát triển các vườn hoa, cây xanh, các hành lang, dải cây xanh dọc theo các đường nội thị, quy định và thực hiện tốt việc giữ vệ sinh, môi trường tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí công cộng.

- Tiểu vùng đô thị và công nghiệp trung tâm Hà Nội (gồm khu vực nội thành thành phố Hà Nội, các đô thị vệ tinh và các cơ sở sản xuất thuộc khu vực nội thành Hà Nội ở phía Nam sông Hồng), định hướng: Đảm bảo khu vực trung tâm Hà Nội sẽ là một đô thị sinh thái, môi trường xanh, sạch, đẹp; toàn bộ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải vào sông Nhuệ; tại các khu đô thị vệ tinh, hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị phải được quy hoạch, thiết kế từ đầu, tách riêng hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn và đảm bảo 100% nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

- Tiểu vùng đô thị Sơn Tây - Miếu Môn (gồm thị xã Sơn Tây, Hòa Lạc và Miếu Môn), định hướng: Tiểu vùng đất xấu, bạc màu, năng suất cây trồng thấp, nền địa chất công trình tốt, xây dựng đô thị và phát triển khu công nghiệp.

III. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường

- Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực tập trung dân cư, khu vực nhạy cảm, vùng ưu tiên cần bảo vệ; chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường.

- Tăng cường công tác kiểm tra xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức; không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng.

- Nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi các mô hình thân thiện với môi trường: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cơ sở sản xuất, chế biến, trang trại chăn nuôi, chợ.

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000.

- Khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải, thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại nguồn nhằm hạn chế tác động đến môi trường lưu vực sông.

2. Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm

- Hàng năm điều tra bổ sung, cập nhật và quản lý các nguồn thải vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Xây dựng, trình ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường khu vực nông thôn đến năm 2020, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Triển khai Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 tại Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 03 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm

- Triển khai các Dự án trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2012.

- Xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư về cải tạo, phục hồi môi trường hồ, ao, kênh mương và các đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư, trong đó chú trọng gắn quy hoạch chỉnh trang đô thị với việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước thải, nước mưa và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Xác định ranh giới diện tích các hồ, kênh mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư và tiến hành kè bờ, chấm dứt tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép; hạn chế, tiến tới không cho phép thực hiện các dự án san lấp hoặc có hạng mục san lấp làm thu hẹp diện tích mặt nước.

- Triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm tồn lưu, cải thiện môi trường tại các ao, hồ, kênh, mương, đoạn sông trong đô thị, các vùng bị tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Triển khai thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Điều tra, đánh giá xây dựng bản đồ ô nhiễm nước ngầm trên phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, xây dựng Kế hoạch phục hồi chất lượng nước ngầm.

4. Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy:

- Xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư về nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình cung cấp nước sạch khu vực nông thôn.

- Xây dựng và triển khai dự án đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động.

- Xây dựng và triển khai dự án đầu tư và vận hành công trình xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt; ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ tại các trung tâm và đô thị, đặc biệt những khu vực đang có nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra, đảm bảo thu gom nước thải 100%.

- Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các thành phố, thị xã; nước thải sau khi xử lý phải đạt quy chuẩn môi trường phù hợp với nguồn tiếp nhận. Đảm bảo nước thải thành phố Hà Nội được xử lý 100% trước khi đổ vào các sông: Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu, Nhuệ.

- Quy hoạch hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp. Thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; xử lý 60% chất thải rắn nguy hại; hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải, phấn đấu 30% chất thải thu gom được tái chế.

- Đảm bảo 100% chất thải bệnh viện từ tuyến quận, huyện trở lên và 80% các trạm y tế xã, phường được xử lý; 100% các xí nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại, nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường.

- Xây dựng kè ở các đoạn sông xung yếu, đặc biệt các đoạn sông đi qua khu vực thành phố, đô thị; chống sạt lở, đảm bảo mỹ quan và ngăn chặn lấn chiếm đất dọc hai bên sông (đặc biệt dọc 2 bên hành lang sông Nhuệ).

- Giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để giữ cân bằng sinh thái, tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực đô thị. Thiết lập hành lang bảo vệ các sông, hồ, đập thủy lợi.

5. Quy hoạch hành lang cây xanh, diện tích rừng và các khu vực sinh thái cần được bảo vệ đến năm 2020, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

- Bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học với 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái cảnh quan, điều hòa khí hậu, giảm nhẹ ô nhiễm môi trường, tăng sức chịu tải môi trường. Tạo lập hành lang cây xanh dọc 2 bờ sông Nhuệ, sông Đáy và các khu đô thị.

- Bảo vệ thảm rừng nhiệt đới ẩm để duy trì nguồn thủy sinh cho các hồ Suối Hai và hồ Đồng Mô, giữ nguồn nước sạch cho cư dân vùng đệm của Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long.

- Xã hội hóa việc bảo vệ các hệ sinh thái kết hợp phát triển du lịch sinh thái để nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

- Giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực đô thị.

- Đảm bảo diện tích cây xanh và tỷ lệ cây rừng che phủ đất cho lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 bình quân là 2 m2/người.

- Tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013.

6. Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; tổng kết, nhân rộng các mô hình tự quản, tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Phổ biến rộng rãi cho nhân dân, cán bộ các cơ quan, ban, ngành, các mục tiêu cơ bản, nội dung hoạt động cần thiết bảo vệ môi trường, các chương trình trọng điểm bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ tiến hành.

- Tăng cường vai trò của phát thanh, truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông khác, khuyến khích tham gia mạnh mẽ, thiết thực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

7. Tăng cường năng lực quản lý môi trường

- Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường từ cấp trung ương đến địa phương, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý môi trường ở cấp cơ sở tại các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý về môi trường cho cán bộ công chức làm công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị và biên chế cho các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường tại các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Tăng cường quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh, thành phố và của toàn bộ lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

8. Tăng cường về cơ chế chính sách

- Nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế tài chính đặc thù về việc triển khai các hoạt động phòng ngừa, khắc phục và cải thiện môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Xây dựng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy phù hợp với thực tế.

9. Nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam, trong đó tập trung vào các giải pháp về chính sách và đổi mới công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Xây dựng và thực hiện lộ trình loại bỏ công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị gây ô nhiễm môi trường đang sử dụng; hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ sản xuất, công nghệ thân thiện với môi trường.

- Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong môi trường, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, phát triển công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ sản xuất từng bước thay đổi công nghệ hiện đại, theo hướng giảm tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu, giảm lượng chất thải và rủi ro.

10. Áp dụng các công cụ kinh tế

- Thực hiện nguyên tắc gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục bồi thường, thực hiện việc thu thuế, phí, ký quỹ bảo vệ môi trường.

- Áp dụng các chính sách cơ chế hỗ trợ vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Các nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, vốn đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên lưu vực sông, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn cho vay tín dụng ưu đãi và sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước; nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và các nguồn vốn hợp pháp khác.

12. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh công tác phối hợp và hợp tác với các tỉnh, thành phố nhằm tận dụng kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Tích cực tham gia các cuộc hội thảo, diễn đàn về phát triển bền vững, tham quan học tập kinh nghiệm từ các địa phương có nền khoa học phát triển cũng như tiếp thu thêm kiến thức cho quá trình phát triển bền vững.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức phi chính phủ của quốc tế để học hỏi, tận dụng các kinh nghiệm, sự trợ giúp của bạn bè quốc tế trong bảo vệ môi trường lưu vực sông nói chung và áp dụng thực tế trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học có sự đầu tư của tổ chức trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường lưu vực sông, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

IV. CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN

Các chương trình, dự án được phân chia theo 6 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm:

1. Khắc phục các khu vực có môi trường đã bị ô nhiễm.

2. Ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường.

3. Xây dựng và phê duyệt quy hoạch sử dụng nước.

4. Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

5. Nâng cao hiệu quả phòng chống và khắc phục sự cố môi trường.

6. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về nguyên tắc 33 nhiệm vụ và dự án ưu tiên cấp quốc gia để triển khai, thực hiện các nội dung cơ bản của Kế hoạch (tại Phụ lục chi tiết kèm theo).

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

b) Hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Kế hoạch; chủ trì giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm.

c) Chủ động tìm kiếm các nguồn vốn, đề xuất cơ chế triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi liên tỉnh của Kế hoạch.

d) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc điều tra, bổ sung và cập nhật các nguồn thải (nước thải) vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; xây dựng bản đồ phân bố nguồn thải trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; cập nhật, chia sẻ thông tin, dữ liệu nguồn thải, diễn biến môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:

Cân đối, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

4. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020.

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phụ.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

a) Căn cứ nội dung của Kế hoạch, danh mục dự án, nhiệm vụ ưu tiên của Kế hoạch, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy hàng năm cửa địa phương và tổ chức triển khai thực hiện.

b) Chủ động phát huy mọi nguồn lực trong tỉnh, thành phố theo phương châm xã hội hóa trong quá trình thực hiện Kế hoạch; chủ động đề xuất cơ chế triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch; ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia, đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải tại địa phương trong lưu vực.

c) Tổ chức giám sát đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đề án tại địa phương. Định kỳ báo cáo việc thực hiện Kế hoạch này với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy để tổng hợp.

6. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có trách nhiệm:

a) Tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện Kế hoạch.

b) Điều phối và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong quá trình thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

c) Thông qua và chỉ đạo việc thực hiện các dự án, kế hoạch hàng năm theo nguyên tắc phối hợp giữa các tỉnh trong phạm vi lưu vực.

d) Kiến nghị các Bộ, ngành liên quan để phê duyệt, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai các chương trình, dự án để thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường.

đ) Kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện hiệu quả Kế hoạch bảo vệ môi trường.

e) Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để góp phần thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường.

g) Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đề án; các dự án, nhiệm vụ của Kế hoạch được phê duyệt.

h) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung của Kế hoạch.

i) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên chương trình, dự án, nhiệm vụ

Thời gian hoàn thành

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Ghi chú

I. Nhóm nhiệm vụ I: Khắc phục các khu vực có môi trường đã bị ô nhiễm

1

Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải của thành phố: Nam Định, Phủ Lý, Ninh Bình.

2015 - 2016

UBND các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình

Bộ Xây dựng

 

2

Xây dựng đề án xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các đô thị loại 5 trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

2015 - 2016

Bộ Xây dựng

UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực và Bộ TN&MT

 

3

Cải tạo chất lượng nước các ao, hồ nội thành tại các tiểu vùng đô thị trên địa bàn 5 tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

2015 - 2016

UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực

Bộ TN&MT;
Bộ NN&PTNT

 

4

Hoàn thiện các công trình xử lý nước thải thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy (gồm các nhà máy: Nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội).

- Nhà máy xử lý nước thải Hồ Bảy Mẫu;

- Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà;

- Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh;

- Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng;

- Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô;

- Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá;

- Nhà máy xử lý nước thải La Khê (cửa sông La Khê, quận Hà Đông);

- Nhà máy xử lý nước thải mương cầu Đá, 20.000 m3/ngày đêm).

2020

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Bộ TN&MT;
Bộ Xây dựng;
Bộ KH&CN;
Bộ Tài Chính;
Bộ NN&PTNT

 

5

Đầu tư xây dựng bãi đổ phế thải xây dựng tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín (vốn ngân sách Thành phố); Khu xử lý rác thải Đồng Ké, Chương Mỹ (nguồn vốn xã hội hóa).

2020

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Bộ TN&MT;
Bộ XD

 

6

Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề:

- Làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với công suất 200 - 300 m3/ngày đêm;

- Làng nghề mây tre đan Phú Vinh - Chương Mỹ, Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu - Hoài Đức;

- Làng nghề xương sừng Thụy Ứng - Thường Tín, cơ kim khí Rùa Hạ - Thanh Oai.

2015 - 2016

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Bộ TN&MT;
Bộ Xây dựng;
Bộ KH&CN;
Bộ Tài Chính;
Bộ NN&PTNT

 

7

Đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải Xuân Sơn - Sơn Tây (Giai đoạn 2).

2015 - 2016

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Bộ TN&MT;
Bộ XD

 

8

Đầu tư xây dựng các Khu xử lý rác thải: Núi Thoong (giai đoạn 2: 10,4 ha), Đan Phượng (5 ha); Lại Thượng - Thạch Thất (15 ha).

2015 - 2016

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Bộ TN&MT;
Bộ XD

 

9

Xây dựng khu xử lý chất thải rắn cho tỉnh Hà Nam.

2015 - 2016

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam

Bộ TN&MT
Bộ NN&PTNT

 

10

Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề:

- Làng nghề dũa Đại Phu - Bình Lục;

- Làng nghề dệt Đại Hoàng - Lý Nhân;

- Làng nghề thêu An Hòa - Hòa Ngãi;

- Làng nghề bánh Đa - Đầm Tái - Thanh Liêm;

- Làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu.

2020

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam

Bộ TN&MT
Bộ Công Thương

 

11

Xây dựng 2 trạm xử lý nước thải tại phường Minh Khai và thôn Đọ Xá - xã Thanh Châu - Thành phố Phủ Lý - Hà Nam:

- Điểm 1: Diện tích 0.2 ha; công suất 2.500 m3/ngày đêm);

- Điểm 2: Diện tích 4 ha; công suất 5000 m3/ngày đêm).

2015-2016

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam

Bộ TN&MT
Bộ Công Thương

 

12

Nâng cấp mở rộng quy mô chôn lấp và xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ rác tại khu Liên hiệp xử lý rác thải Lộc Hòa, thành phố Nam Định.

2015 - 2016

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định

Bộ TN&MT
Bộ Xây dựng

 

13

Xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Nam Định.

2020

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định

Bộ TN&MT
Bộ Xây dựng

 

14

Xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình với công suất 15.000 m3/ngày đêm.

2015 - 2016

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

Bộ TN&MT
Bộ Xây dựng

 

15

Xây dựng hệ thống thu gom rác thải và xử lý nước thải tại khu công nghiệp sạch Phúc Sơn với công suất 2.500 m3/ngày đêm.

2015 - 2016

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

Bộ TN&MT
Bộ Xây dựng

 

16

Xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề:

+ Làng nghề bún bánh, thị trấn Yên Thịnh - Yên Mô

+ Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư

2015

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

Bộ TN&MT
Bộ NN&PTNT

 

II. Nhóm nhiệm vụ II: Ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường

1

Nạo vét, khai thông dòng chảy, làm sống toàn bộ dòng sông Đáy từ đập Đáy đến Ba Thá.

2015 - 2016

UBND thành phố Hà Nội

Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT

 

2

Nạo vét sông Nhuệ, chỉnh trang sông Nhuệ đoạn Hà Đông - Liên Mạc, nâng cấp đê sông Nhuệ, sửa chữa, nâng cấp các cống Lương Cổ, Nhật Tựu.

2015 - 2016

Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

3

Tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích.

2015

UBND thành phố Hà Nội

Bộ NN&PTNT

 

4

Xây dựng công trình âu Kim Đài phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt, đặc biệt trong bối cảnh nước biển dâng cho 6 huyện thị xã khu vực Nam Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

2020

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

Bộ NN&PTNT;
Bộ TN&MT

 

5

Nghiên cứu xây dựng và ban hành danh mục công nghệ và kỹ thuật xử lý môi trường đối với 5 loại hình công nghiệp: Chế biến tinh bột sắn, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da, sản xuất bột giấy trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

2015

Bộ TN&MT

Bộ Công Thương

 

6

Nghiên cứu xây dựng hạn ngạch xả nước thải vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

2016

Bộ TN&MT

Các Bộ, ngành và các địa phương

 

III. Nhóm nhiệm vụ III: Xây dựng và phê duyệt quy hoạch sử dụng tài nguyên nước

1

Xây dựng và phê duyệt quy hoạch quản lý sử dụng tài nguyên nước các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020.

2020

UBND các tỉnh, thành phố

Bộ TN&MT

 

IV. Nhóm nhiệm vụ IV: Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

1

Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của các tỉnh trong LVS Nhuệ - Đáy.

2015 - 2016

UBND các tỉnh, thành phố

Bộ TN&MT

 

2

Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động đa dạng sinh học tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

2015 - 2016

UBND các tỉnh, thành phố

Bộ TN&MT

 

3

Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2020

UBND các tỉnh, thành phố

Bộ TN&MT

 

V. Nhóm nhiệm vụ V: Nâng cao hiệu quả phòng chống và khắc phục sự cố môi trường

1

Xây dựng lại trạm bơm Đông Mỹ.

2015 - 2016

Bộ NN&PTNT,
UBND TP Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ

2

Xây dựng trạm bơm Yên Sở.

2015 - 2016

Bộ NN&PTNT,
UBND TP Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường

3

Xây dựng trạm bơm Ngoại Độ II.

2015 - 2016

Bộ NN&PTNT,
UBND TP Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường

4

Nâng cấp một số trạm bơm tiêu vào sông Nhuệ và sông Châu.

2015 - 2016

Bộ NN&PTNT,
UBND TP Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường

5

Xây dựng trạm bơm Liên Mạc (giai đoạn 1 trong cụm công trình gồm cống, trạm bơm Liên Mạc).

2015 - 2016

Bộ NN&PTNT,
UBND TP Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường

6

Xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa.

2015 -2016

Bộ NN&PTNT,
UBND TP Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường

VI. Nhóm nhiệm vụ VI: Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy

1

Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

2015

Bộ TN&MT

Sở TN & MT các tỉnh, thành phố trên lưu vực

 

(Phụ lục này bao gồm 33 dự án, nhiệm vụ)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1435/QĐ-TTg năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1435/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/08/2014
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản