Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1423/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 24 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2012 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4414/QĐ-BTP ngày 8/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch năm 2012 triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 893/TTr-STP ngày 26/6/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý năm 2012 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2012 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1423/QĐ-UBND ngày 24/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Giang để nhằm nâng cao nhận thức về dân trí pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc nhóm “yếu thế” của xã hội có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước, góp phần đảm bảo cho mọi người (dù giàu hay nghèo) đều được bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội.

- Phát triển trợ giúp pháp lý là để phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật và định hướng phát triển ngành Tư pháp.

2. Yêu cầu

- Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý trước hết phải phù hợp với yêu cầu và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2012.

- Trợ giúp pháp lý phải gắn với cơ sở, hướng về cơ sở, được tổ chức thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách giảm nghèo một cách có hiệu quả, chất lượng, đúng mục tiêu, tiến độ theo lộ trình của Kế hoạch.

II. TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CHIẾN LƯỢC

1. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hoạt động 1: Củng cố kiện toàn Trung tâm và 03 chi nhánh đã được thành lập, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thành lập các chi nhánh trợ giúp pháp lý tại 04 huyện nghèo theo lộ trình của đề án vào năm 2013.

Hoạt động 2: Bổ nhiệm số trợ giúp viên pháp lý khi có đủ điều kiện tăng cường cho các chi nhánh.

Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 1012.

2. Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý

Hoạt động 1: Biên soạn chuyên đề về trợ giúp pháp lý và các lĩnh vực pháp luật cung cấp cho 191 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (trừ 04 phường Minh Khai, Trần Phú, Nguyễn Trãi và Quang Trung không thành lập câu lạc bộ).

Hoạt động 2: Biên soạn, in và phát hành các loại tờ gấp pháp luật cung cấp cho người dân tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động; các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (số lượng in khoảng 50.000 tờ mỗi loại).

Hoạt động 3: Cung cấp bảng tin giới thiệu về trợ giúp pháp lý cho 105 xã thuộc 06 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần).

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thời gian thực hiện: Quý III và quý IV năm 2012.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và tăng cường trợ giúp pháp lý ở cơ sở

Hoạt động 1: Cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý dự kiến thực hiện từ 30 vụ việc trở lên (bao gồm cả trợ giúp viên và luật sư).

Hoạt động 2: Thường xuyên tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến tận thôn, bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, năm 2012 tổ chức từ 35 đến 40 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên trợ giúp pháp lý tại các xã thuộc 6 huyện nghèo, phấn đấu 100% xã thuộc chương trình 30a được tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và mỗi xã tổ chức tại 02 thôn. Tăng số vụ việc tư vấn thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động và thông qua tư vấn bằng văn bản do các cộng tác viên thực hiện từ 2000 vụ việc trở lên (bao gồm cả trợ giúp viên và luật sư thực hiện).

Hoạt động 3: Tổ chức 06 hội nghị tập huấn tại 06 huyện nghèo cho các thành viên chủ chốt của 105 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý thuộc Chương trình 30a và 01 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho chuyên viên, cộng tác viên nhằm nâng cao kỹ năng trợ giúp pháp lý và kiến thức pháp luật cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Hoạt động 4: Các hình thức trợ giúp pháp lý khác:

+ Hướng dẫn các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tổ chức sinh hoạt đều đặn, duy trì và ổn định về cách thức tổ chức sinh hoạt.

+ Tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật tại các xã.

+ Xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động tại một số Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để đảm bảo việc sử dụng kinh phí đúng mục đích.

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp.

Đơn vị thực hiện: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thời gian thực hiện: Cả năm.

4. Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý

Bổ sung kinh phí cho Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức Hội nghị tập huấn cho chuyên viên, các cộng tác viên và thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và tăng thêm biên chế năm 2012 cho Trung tâm trợ giúp pháp lý.

Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính.

Thời gian thực hiện: Quý III.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các ngành

1.1. Sở Tư pháp

- Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch.

- Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý năm 2012 trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện các nội dung cụ thể nêu trên và xây dựng dự toán ngân sách để triển khai Kế hoạch này.

1.2. Sở Tài chính

Có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông pháp luật và hoạt động tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

1.3. Sở Nội vụ

Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xác định, bổ sung định mức biên chế được giao hàng năm cho các đơn vị sự nghiệp trong đó có Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

1.4. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo báo, đài thực hiện truyền thông về các hoạt động trợ giúp pháp lý.

1.5. UBND các huyện, thành phố

Chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương.

1.6. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

- Triển khai thực hiện tốt các nội dung phối hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý, thực hiện tốt công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao chất lượng tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý.

1.7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên

Tham gia tích cực trong việc tổ chức giám sát và phản biện xã hội về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; vận động, tập hợp các tổ chức thành viên tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

2. Chế độ thông tin báo cáo

Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2012, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1423/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý năm 2012 trên địa bàn tỉnh Hà Giang

  • Số hiệu: 1423/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Đàm Văn Bông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản