Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1423/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CƠ QUAN TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quyết định số 67/QĐ/TW ngày 04/7/2007 của Bộ Chính trị về Quy định phân cấp quản lý cán bộ;

Căn cứ Quyết định Số 1313/QĐ-TLĐ ngày 18/9/2015 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Đề án Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức công đoàn;

Xét đề nghị của Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 2. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Đảng Đoàn TLĐ;
- Các UVĐCT;
- Ban Bí thư TW (để báo cáo);
- Ban Tổ chức TW (để báo cáo);
- Các tỉnh, thành ủy (để phối hợp);
- Lưu VT, ToC TLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Trần Thanh Hải

 

QUY ĐỊNH

LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CƠ QUAN TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1423/-TLĐ ngày 15 tháng 10 năm 2015 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (sau đây gọi chung là cán bộ) tại các Ban và tương đương của Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (viết tắt Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN) được cử đến công tác tại cơ quan liên đoàn lao động (viết tắt LĐLĐ) cấp tỉnh, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam theo một thời gian nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu luân chuyển cán bộ

1. Luân chuyển cán bộ để thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch, cán bộ trẻ được rèn luyện trong thực tiễn.

2. Chủ động tạo nguồn cán bộ, thực hiện chuẩn hóa cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực của tổ chức công đoàn.

3. Việc luân chuyển cán bộ phải căn cứ vào chức danh cán bộ được quy hoạch và kết quả đánh giá cán bộ trong quy hoạch hàng năm; căn cứ vào yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị của cơ quan và phù hợp với trình độ năng lực của cán bộ.

4. Thực hiện dân chủ, công khai, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo; bảo đảm không gây xáo trộn lớn; chú trọng sự ổn định, đảm bảo sự đoàn kết giữa cán bộ tại chỗ và cán bộ luân chuyển. Nghiêm cấm lợi dụng công tác luân chuyển cán bộ để bè phái, trù dập cá nhân hoặc nhằm mục đích vụ lợi.

Điều 3. Nguyên tắc

1. Luân chuyển cán bộ phải gắn với công tác quy hoạch, bồi dưỡng tạo nguồn và gắn với công tác bầu cử, bổ nhiệm. Chỉ thực hiện luân chuyển đối với cán bộ trong diện quy hoạch, có triển vọng phát triển.

2. Luân chuyển cán bộ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Cơ quan.

3. Luân chuyển cán bộ phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Những nơi có cán bộ luân chuyển đến được tăng thêm về số lượng chức danh cán bộ để thực hiện bố trí cán bộ trong thời gian luân chuyển sau khi có sự thống nhất với tổ chức đảng theo quy định phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị.

Điều 4. Đối tượng và địa bàn luân chuyển cán bộ

1. Đối tượng luân chuyển là cán bộ tại các Ban thuộc Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN bao gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương đã được quy hoạch ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn.

2. Địa bàn luân chuyển cán bộ đến công tác là các vùng kinh tế trọng điểm, nơi thường phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ lao động tại các LĐLĐ cấp tỉnh có số lượng từ 100.000 đoàn viên trở lên; hoặc các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có số lượng từ 30.000 đoàn viên trở lên.

Điều 5. Điều kiện luân chuyển

1. Là cán bộ trong quy hoạch, có triển vọng phát triển, có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; tuổi không quá 45.

2. Có đủ sức khỏe (không thực hiện luân chuyển đối với cán bộ nữ đang trong thời gian mang thai, hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, hoặc cán bộ đang điều trị bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế).

Điều 6. Hình thức luân chuyển

1. Căn cứ phân cấp quản lý cán bộ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN quyết định bổ nhiệm, hoặc chỉ định chức danh theo thời hạn luân chuyển trước khi cán bộ được luân chuyển đến đơn vị mới công tác.

2. Luân chuyển đến đơn vị mới đảm nhiệm chức danh tương đương hoặc cao hơn để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thử thách cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển toàn diện hơn về các mặt công tác.

Điều 7. Thời hạn luân chuyển

Thời hạn luân chuyển phải đủ 03 năm. Trường hợp đặc biệt, theo nhu cầu của công tác cán bộ và năng lực của cán bộ được luân chuyển, nếu cần phải bổ sung nhân sự theo đề án đại hội và chuẩn bị nhân sự cho đại hội, hoặc bổ nhiệm mới cho chức danh cán bộ do khuyết được bổ sung thì thời hạn luân chuyển được thực hiện sớm hơn 3 năm.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 8. Nhiệm vụ của cán bộ được luân chuyển

1. Nghiên cứu các chuyên đề chuyên môn, nghiệp vụ để tự học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Nghiên cứu xây dựng đề án có nội dung phù hợp với chức danh được quy hoạch, hoặc theo yêu cầu của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN.

3. Học tập, rèn luyện tác phong, phương pháp, kỹ năng điều hành, giải quyết công việc.

4. Tổ chức điều hành, triển khai và thực hiện một số công việc cụ thể do người đứng đầu cơ quan nơi luân chuyển giao để rèn luyện năng lực quản lý, điều hành công việc.

5. Tham dự các cuộc họp chuyên môn, giao ban của cơ quan để học tập quy trình tiếp cận thông tin, phương pháp xử lý thông tin của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

6. Được tham gia vào quá trình quản lý, giải quyết một, hoặc một số nhiệm vụ, hoặc lĩnh vực do người đứng đầu nơi cán bộ luân chuyển đến phân công và có thể được giao trách nhiệm, quyền hạn xử lý công việc hàng ngày của cơ quan theo chức danh cán bộ luân chuyển đảm nhiệm.

7. Thực hiện tự đánh giá phân loại cán bộ hàng năm theo quy định và làm báo cáo tự đánh giá trong thời gian thực hiện luân chuyển khi kết thúc thời hạn luân chuyển.

Điều 9. Chế độ, chính sách đối với cán bộ trong thời gian thực hiện luân chuyển

1. Được Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN giữ nguyên ngạch công chức, mức lương, phụ cấp chức vụ và các loại phụ cấp khác (nếu có) và nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, nâng ngạch, khen thưởng, tái bổ nhiệm (nếu đủ điều kiện); đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách khác theo quy định của Nhà nước, của tổ chức công đoàn và của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN như người đang làm việc tại cơ quan trong suốt quá trình luân chuyển. Nếu luân chuyển đến những nơi có chế độ phụ cấp khác (ngoài phụ cấp chức vụ) cao hơn thì thực hiện theo quy định mới cao hơn.

2. Được Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN thanh toán công tác phí đối với các hoạt động do Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN triệu tập đích danh tên cán bộ luân chuyển.

3. Được cơ quan nơi cán bộ luân chuyển đến thanh toán công tác phí đối với các hoạt động do nơi cán bộ luân chuyển đến phân công công tác và thực hiện các chế độ khác như ăn trưa, quà trong các dịp lễ, tết... (nếu có) như cán bộ, công chức của đơn vị nơi luân chuyển đến.

4. Được Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN thanh toán tiền tàu xe hàng năm về thăm gia đình 2 Iần/1 năm vào các dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và nghỉ tết âm lịch; được trợ cấp khó khăn thường xuyên hàng tháng (trừ tháng nghỉ theo chế độ phép, BHXH) bằng 1/2 tháng lương cơ sở trong thời gian luân chuyển; được Tổng Liên đoàn LĐVN bố trí chỗ ở không thu tiền, hoặc chi tiền thuê nhà trong thời gian cán bộ thực hiện luân chuyển.

5. Được cơ quan nơi luân chuyển đến đảm bảo thực hiện: Bố trí chỗ làm việc, phương tiện làm việc theo quy định chung của cơ quan; bố trí chỗ ở không thu tiền (nếu có điều kiện); tiếp nhận sinh hoạt Đảng, đoàn thể; làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.

Điều 10. Nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ luân chuyển hàng năm

1. Việc nhận xét đánh giá và phân loại cán bộ, kê khai tài sản, nhận xét của cấp ủy nơi cư trú đối với cán bộ luân chuyển hàng năm được thực hiện tại nơi cán bộ luân chuyển đến.

2. Bản đánh giá và phân loại cán bộ, kê khai tài sản hàng năm của cán bộ luân chuyển được làm thành 02 bản (01 bản lưu tại nơi cán bộ luân chuyển đến, 01 bản gửi Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn LĐVN để theo dõi, quản lý).

Điều 11. Nhận xét, đánh giá cán bộ khi kết thúc thời hạn luân chuyển

1. Nơi có cán bộ luân chuyển đến:

a. Tổ chức họp Cơ quan để lấy ý kiến của cán bộ, công chức đóng góp cho cán bộ trong thời gian công tác tại nơi luân chuyển (thành phần, đối tượng, số lượng do lãnh đạo cơ quan quyết định). Trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp, đảng đoàn, ban thường vụ công đoàn xem xét và thống nhất nhận xét, đánh giá kết quả công tác, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ luân chuyển trong thời gian công tác tại cơ quan gửi Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN;

b. Đối với cán bộ được luân chuyển đến công tác tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Sau khi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện nhận xét đánh giá theo Điểm a, Khoản 1 Điều này phải gửi nhận xét, đánh giá về LĐLĐ tỉnh, thành phố để thường trực LĐLĐ tỉnh, thành phố họp cho ý kiến nhận xét, đánh giá và gửi Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN;

2. Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN: Trên cơ sở báo cáo tự đánh giá và đề án của cán bộ được luân chuyển, cùng với nhận xét, đánh giá kết quả công tác, tu dưỡng, rèn luyện của cơ quan nơi cán bộ luân chuyển làm việc, Thủ trưởng Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN xem xét, đánh giá việc hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian luân chuyển và chất lượng đề án của cán bộ luân chuyển.

Điều 12. Bố trí công tác cho cán bộ sau luân chuyển

1. Cán bộ sau khi hoàn thành luân chuyển trở về Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN, được bổ nhiệm chức vụ tương đương với chức vụ trước khi luân chuyển; hoặc giữ nguyên chức vụ hiện tại; hoặc điều động để bổ nhiệm tại một đơn vị mới khác. Nếu được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian luân chuyển và xây dựng được đề án có tính khả thi, tùy theo năng lực sẽ được ưu tiên khi lựa chọn bổ nhiệm vào vị trí chức vụ mới khi có nhiều phương án nhân sự.

2. Trường hợp khi kết thúc thời gian luân chuyển, nếu đơn vị tại nơi cán bộ đang luân chuyển có nhu cầu xin cán bộ luân chuyển ở lại và được sự đồng ý của cán bộ luân chuyển, thì tùy từng trường hợp cụ thể, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN và Thủ trưởng Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN xem xét tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển được ở lại công tác tại đơn vị đang luân chuyển và làm các thủ tục chuyển công tác cho cán bộ.

Điều 13. Các chế tài liên quan đến cán bộ luân chuyển

1. Cán bộ không chấp hành quyết định luân chuyển sẽ đưa ra khỏi quy hoạch và xem xét kỷ luật.

2. Cán bộ luân chuyển nếu bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian thực hiện luân chuyển thì không được tiếp tục thực hiện luân chuyển và tùy theo mức độ kỷ luật để xem xét đưa ra khỏi quy hoạch.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14 . Trách nhiệm của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN

1. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN làm việc với tỉnh ủy, thành ủy để thống nhất về chủ trương luân chuyển cán bộ của Tổng Liên đoàn LĐVN giữ chức danh cán bộ lãnh đạo của LĐLĐ tỉnh, thành phố và làm việc với LĐLĐ tỉnh, thành phố về các chức danh của LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có cán bộ của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN luân chuyển đến.

2. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN quyết định tăng thêm về số lượng chức danh và thực hiện bổ nhiệm, chỉ định, hoặc chỉ đạo bầu bổ sung cán bộ luân chuyển của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN giữ chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trưởng, phó các ban tại cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố và lãnh đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

3. Các Ban Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN thực hiện phổ biến, quán triệt Quy định này tới cán bộ trong ban để thống nhất nhận thức đối với việc luân chuyển cán bộ; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thực hiện luân chuyển. Ban Tài chính và Văn phòng Tổng Liên đoàn LĐVN thực hiện thanh toán đầy đủ các chế độ theo Quy định này đối với cán bộ được luân chuyển và tham mưu đề xuất với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến chế độ của cán bộ trong thời gian thực hiện luân chuyển.

4. Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn LĐVN:

a. Tham mưu và giúp Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ. Hàng năm, sau khi thực hiện xong công tác đánh giá cán bộ, công chức và rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ; căn cứ quy hoạch cán bộ được phê duyệt và kết quả đánh giá cán bộ thuộc diện quy hoạch để làm cơ sở xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ;

b. Căn cứ kế hoạch luân chuyển cán bộ được phê duyệt để làm việc với LĐLĐ tỉnh, thành phố, các ban và cá nhân có liên quan đến kế hoạch luân chuyển cán bộ để thống nhất triển khai theo kế hoạch;

c. Giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN ban hành quyết định luân chuyển cán bộ;

d. Giúp Thủ trưởng Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN thực hiện Khoản 2, Điều 11 Quy định này;

đ. Chủ trì việc phối hợp với các Ban của Tổng Liên đoàn LĐVN và các LĐLĐ tỉnh, thành phố có cán bộ luân chuyển của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN triển khai thực kế hoạch luân chuyển cán bộ.

Điều 15. Trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có cán bộ luân chuyển của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN đến công tác

1. Báo cáo tỉnh ủy, thành ủy khi được Tổng Liên đoàn LĐVN chọn là nơi có cán bộ của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN luân chuyển đến.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN trong thời gian thực hiện luân chuyển theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Quy định này.

3. Phân công nhiệm vụ cho cán bộ luân chuyển của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN theo quyết định luân chuyển và tạo mọi điều kiện để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện đánh giá, nhận xét đánh giá cán bộ luân chuyển hàng năm và khi kết thúc thời hạn đối với cán bộ luân chuyển của Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN theo Khoản 2, Điều 10 và Khoản 1, Điều 11 Quy định này.

Điều 16. Trách nhiệm của cán bộ được luân chuyển

1. Thực hiện tốt các nhiệm vụ của người được luân chuyển và chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan nơi cán bộ luân chuyển đến làm việc.

2. Đăng ký xây dựng đề án và hoàn thành xây dựng đề án theo đăng ký gửi Thủ trưởng Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN (qua Ban Tổ chức).

3. Thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm và kê khai tài sản theo quy định tại Điều 10 Quy định này.

4. Làm báo cáo tự đánh giá khi kết thúc thời gian luân chuyển gửi cơ quan nơi cán bộ luân chuyển đến và Thủ trưởng Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN để nhận xét, đánh giá theo quy định tại Điều 11 Quy định này.

Điều 17. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị các Ban Cơ quan Tổng Liên đoàn LĐVN, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn LĐVN và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có liên quan kịp thời phản ánh về Tổng Liên đoàn LĐVN (qua Ban Tổ chức), để tổng hợp báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1423/QĐ-TLĐ năm 2015 về Quy định Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

  • Số hiệu: 1423/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2015
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Trần Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản