Hệ thống pháp luật

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 11-NQ/TW

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2002

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ

I.TÌNH HÌNH CHUNG

Từ khi thành lập, trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến, Đảng ta đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ. Đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đề ra nhiệm vụ: "luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các vùng, các ngành, các cấp". Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định "Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành và địa phương". Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị.

Từ sau Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động và luân chuyển nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý từ Trung ương về địa phương, từ địa phương về Trung ương và từ địa phương này sang địa phương khác; một số tỉnh uỷ, thành uỷ đã thực hiện tốt việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện hoặc từ huyện xuống xã và ngược lại; một số ngành cũng đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Những việc làm đó đã đáp ứng một phần yêu cầu tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho một số địa phương, góp phần tích cực giúp các địa phương này ổn định nội bộ, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tiến hành tốt đại hội đảng bộ; cũng tạo điều kiện tốt cho việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, được đa số cán bộ, đảng viên đồng tình, ghi nhận; một số đồng chí được điều động từ các địa phương về Trung ương đã bước đầu thích ứng với công việc và trưởng thành trên cương vị công tác mới.

Tuy nhiên, việc luân chuyển cán bộ trong thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế: đa số trường hợp luân chuyển chưa dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; mới chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt; một số trường hợp chưa được nghiên cứu kỹ, nên việc điều động cán bộ chưa hợp lý; chưa làm tốt công tác tư tưởng đối với một số cán bộ được điều động; nhận thức của một số cán bộ và tổ chức đảng đối với công tác luân chuyển cán bộ chưa đúng đắn. Có đồng chí khi có quyết định thuyên chuyển công tác còn vì suy tính cá nhân hoặc ngại khó, ngại khổ mà chưa thực sự tự giác, tự nguyện nhận nhiệm vụ mới. Có nơi trên điều động cán bộ về tăng cường thì băn khoăn, thắc mắc là cấp trên thiếu tin tưởng cán bộ tại chỗ, không nhiệt tình tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ được điều về địa phương, đơn vị mình. Cũng có cán bộ lãnh đạo lợi dụng việc điều động, luân chuyển cán bộ để đưa ra khỏi cơ quan, cấp uỷ những người không hợp với mình.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Chưa tạo được sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên về sự cần thiết, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc luân chuyển cán bộ.

- Chưa có kế hoạch luân chuyển cán bộ gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ một cách cơ bản, lâu dài ở các cấp, các ngành; luân chuyển cán bộ chưa trở thành nền nếp thường xuyên trong Đảng và trong hệ thống chính trị.

- Kỷ luật, kỷ cương trong Đảng chưa nghiêm.

- Chưa có chính sách, chế độ thoả đáng tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt thuận lợi cho cán bộ được điều động đến nơi công tác mới.

II. CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục đích, yêu cầu

Việc luân chuyển cán bộ là để thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về công tác cán bộ, nhằm các mục đích, yêu cầu sau đây:

- Tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang.

- Từng bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là cho cơ sở, cho nông thôn, một số địa bàn, đơn vị có nhiều khó khăn...

- Tạo nên một trong những bước đột phá góp phần đổi mới sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Làm cho việc luân chuyển cán bộ dần trở thành việc làm bình thường, thành nền nếp thường xuyên, phá bỏ những quan điểm và thói quen lạc hậu trong công tác cán bộ hiện nay, như: khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị, nhất là trong từng địa phương; tâm lý thoả mãn, trì trệ của nhiều cán bộ chỉ muốn chọn nơi công tác dễ dàng, muốn ổn định chức vụ hoặc lên chức nhưng không chịu nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ và hiệu quả công tác; công việc trì trệ, kém hiệu quả, cán bộ uy tín thấp nhưng rất khó thay được người phụ trách bằng những cán bộ có uy tín và khả năng hơn; chính sách đãi ngộ còn mang nặng tính bình quân, v.v..

2. Phương châm, nguyên tắc

- Việc luân chuyển cán bộ phải được tiến hành vừa mạnh mẽ, vừa thận trọng, giải quyết tốt quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Nói chung chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết).

- Coi trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt về tư tưởng, thống nhất về nhận thức để tự giác, quyết tâm thực hiện; vừa làm tốt việc động viên, khuyến khích tính tự giác của cán bộ, vừa yêu cầu cán bộ, đảng viên nghiêm túc chấp hành quyết định điều động, luân chuyển của tổ chức.

- Thận trọng trong cách làm, phải chuẩn bị kỹ kế hoạch và lộ trình thực hiện từng bước, chuẩn bị tốt cả nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến, không làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng. Đối với các chức danh được điều động giữ các chức vụ phải thông qua bầu cử thì các cấp uỷ đảng phải lãnh đạo đảng đoàn các cơ quan dân cử, các đoàn thể tổ chức thực hiện tốt quyết định của Đảng.

- Chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị, không muốn nhận người từ nơi khác đến; ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện không lành mạnh như cô lập, gây khó khăn, làm giảm uy tín người được điều động tới, hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ để đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực, nhưng không hợp với mình đi nơi khác.

- Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương, đơn vị khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.

3. Các giải pháp

a) Làm tốt công tác phổ biến quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng đối với công tác luân chuyển cán bộ.

b) Các cấp uỷ đảng xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ theo hướng:

- Ở Trung ương:

Điều động một số thứ trưởng, phó trưởng ban đảng, phó các ngành, đoàn thể chính trị ở Trung ương còn trẻ (chủ yếu là những đồng chí dưới 50 tuổi), có năng lực, có triển vọng phát triển, đưa về một số địa phương giữ các chức vụ như: bí thư, phó bí thư, uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ, trưởng ban đảng, chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố... để đào tạo và rèn luyện trong thực tiễn, chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng thời lựa chọn một số đồng chí vụ trưởng ở các bộ, ban, ngành tuổi từ 35 đến 45 về công tác ở uỷ ban nhân dân, các sở, ngành của tỉnh hoặc về công tác tại các quận, huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều động một số đồng chí bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ và một số đồng chí lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tỉnh, thành phố có năng lực về giữ chức vụ mới ở các cơ quan Trung ương.

Điều động một số cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, quân đội và công an từ Trung ương và các địa phương để tăng cường cho các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc.

- Ở địa phương:

Điều động một số đồng chí trưởng, phó các ban đảng, đoàn thể, giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch các quận, huyện; điều động một số đồng chí bí thư, chủ tịch quận, huyện lên làm trưởng, phó các ban đảng, giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố.

- Luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị ở Trung ương, giữa các tỉnh, thành phố và giữa các quận, huyện trong một tỉnh, thành phố. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, huyện không phải là người ở địa phương.

Trước mắt, làm điểm việc điều động, luân chuyển một số đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, giám đốc sở tài chính, giám đốc sở kế hoạch đầu tư, giám đốc công an, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh này sang giữ chức vụ lãnh đạo và quản lý tương đương ở các tỉnh, thành phố khác lân cận. Khi việc thực hiện luân chuyển này có hiệu quả sẽ nhân rộng ra các đối tượng khác và luân chuyển từ vùng, miền này sang vùng, miền khác.

Ở Trung ương và ở các tỉnh, thành phố cũng có thể thực hiện luân chuyển một số cán bộ giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể có chuyên môn gần nhau.

- Thời gian luân chuyển nói chung từ 3 năm trở lên. Đối với những trường hợp có dự định rõ thời gian luân chuyển, thì trước khi kết thúc thời hạn luân chuyển, các cơ quan quản lý cán bộ cần nhận xét, đánh giá, cân nhắc việc bố trí nhiệm vụ mới cho cán bộ.

c) Xây dựng chế độ, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công tác luân chuyển cán bộ.

- Xây dựng và thực hiện chế độ nhà công vụ thống nhất theo từng cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) để tạo điều kiện sinh hoạt, làm việc thuận lợi cho cán bộ được điều động từ các nơi khác đến địa phương công tác.

- Có chính sách hỗ trợ đối với các đồng chí được luân chuyển công tác, nhưng phải bảo đảm hợp lý, hài hoà giữa cán bộ mới luân chuyển đến với cán bộ đang công tác tại chỗ.

- Trợ cấp khó khăn ban đầu (một lần) hoặc trợ cấp thường xuyên cho cán bộ được điều động đến công tác ở những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế chậm phát triển.

d) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ không chấp hành quyết định điều động, luân chuyển của các cấp uỷ đảng mà không có lý do chính đáng và những cán bộ vì tư tưởng cục bộ, động cơ cá nhân mà cản trở, gây khó khăn, làm giảm uy tín người được điều động tới hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ mà đẩy người không hợp với mình đi nơi khác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ các nội dung nêu trên, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể hướng dẫn, chỉ đạo triển khai việc thực hiện luân chuyển cán bộ thuộc diện mình phụ trách; định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết này với Bộ Chính trị.

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với cấp uỷ và các ban đảng có liên quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và giúp Bộ Chính trị đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng, định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo Bộ Chính trị.

Nghị quyết này phổ biến đến chi bộ.

TM. BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ




Nông Đức Mạnh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2002 luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý do Bộ Chính trị ban hành

  • Số hiệu: 11-NQ/TW
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 25/01/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Chính trị
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản