Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1407/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT DANH LAM THẮNG CẢNH HỒ BA BỂ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 2 năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;
Căn cứ Nghị quyết số 1683/NQ-UBTVQH15, ngày 16 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 225/TTr-BVHTTDL ngày 20 tháng 6 năm 2025 và số 240/TTr-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, với những nội dung sau:
I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch di tích:
a) Quy mô lập quy hoạch: Khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích là 10.184,71 ha, bao gồm:
- Khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể (theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ), diện tích 10.048 ha, trong đó: Khu vực bảo vệ I, diện tích 952,75 ha; Khu vực bảo vệ II, diện tích 9.095,25 ha;
- Khu vực phát huy giá trị di tích, diện tích 136,71 ha: Là phần diện tích của khu vực nằm ngoài Khu vực bảo vệ của di tích có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, được bổ sung vào quy hoạch nhằm tổ chức không gian tái định cư, giao thông, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xây dựng các công trình dịch vụ phụ trợ, khu chức năng phục vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
b) Ranh giới lập quy hoạch được xác định như sau: Phía Bắc giáp xã Ba Bể; phía Nam giáp xã Đồng Phúc và xã Nam Cường; phía Đông giáp xã Ba Bể và xã Chợ Rã; phía Tây giáp xã Hồng Thái, tỉnh Tuyên Quang (các xã, phường được xác định theo Nghị quyết số 1683/NQ-UBTVQH15 ngày 16 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025).
Ranh giới cụ thể được xác định trong quá trình rà soát, đối chiếu, cập nhật điều chỉnh và tổ chức cắm mốc trên thực địa theo quy định của pháp luật.
2. Mục tiêu quy hoạch:
a) Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, hang động, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị tự nhiên đặc sắc khác của Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; đồng thời bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong khu vực di tích và phụ cận.
b) Nhận diện đầy đủ các giá trị đặc sắc, nổi bật của Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; giải quyết các vấn đề bất cập về dân cư, phát triển du lịch, hạ tầng kỹ thuật. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
c) Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch bền vững, hình thành thương hiệu du lịch đặc sắc của địa phương; hình thành tuyến kết nối du lịch - di sản liên vùng với các khu, điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030 và trung tâm du lịch trọng điểm của toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
d) Làm cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch khác có liên quan.
đ) Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, bảo đảm hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
e) Đề xuất mô hình và cấp độ quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, vai trò quản lý, quy mô đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch; hướng tới việc Hồ sơ khoa học “Khu Danh lam thắng cảnh Ba Bể - Na Hang” đáp ứng tiêu chí để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Quy hoạch phân vùng chức năng
a) Đối với Khu vực bảo vệ di tích:
Giữ nguyên diện tích và chức năng các khu vực bảo vệ di tích (theo Hồ sơ xếp hạng di tích); cụ thể:
- Khu vực bảo vệ I, gồm diện tích mặt nước Hồ Ba Bể và các khu vực cảnh quang xung quanh; có chức năng bảo tồn các giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, môi trường rừng và nước, các giá trị lịch sử, văn hóa;
- Khu vực bảo vệ II, vùng diện tích bao quanh và tiếp giáp với Khu vực bảo vệ I; có chức năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ và phục hồi rừng; cải tạo, chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa.
b) Khu vực phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể: Không gian này gồm: khu vực thôn Bản Cám (diện tích 20,74 ha); Khu điều hành Vườn quốc gia Ba Bể (diện tích 21,93 ha); khu vực Động Hua Mạ (diện tích 94,04 ha).
Ưu tiên xây dựng các công trình dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức tái định cư tại chỗ phục vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
2. Quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan di tích
a) Cấu trúc tổng thể: Tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan của khu vực quy hoạch lấy Hồ Ba Bể làm hạt nhân, xác lập thành 04 không gian chức năng chính, gồm:
- Không gian phía Bắc: Khai thác giá trị nổi bật về cảnh quan sông nước, thác, hang động tự nhiên, văn hóa bản địa và đầu mối kết nối Hồ Ba Bể với khu vực Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) dọc theo sông Năng;
- Không gian phía Nam: Cửa ngõ phía Nam của di tích; hình thành không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc bản địa; khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa cộng đồng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ dọc sông Lèng;
- Không gian phía Đông: Cửa ngõ phía Đông của di tích; hình thành trung tâm đón tiếp, điều hành, khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nghỉ dưỡng gắn với Vườn quốc gia Ba Bể;
- Không gian phía Tây: Không gian bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa người Mông, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sinh thái.
Các không gian được kết nối theo các trục liên kết chính, gồm: Trục liên kết sinh thái tự nhiên Hồ Ba Bể; liên kết theo trục giao thông Quốc lộ 3C (đường 254 hiện tại); Tuyến Khang Ninh - Na Hang; Tuyến Nam Mẫu - Quảng Khê.
b) Định hướng phân khu chức năng:
Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể được quy hoạch phát triển thành 19 phân khu chức năng, bảo đảm lồng ghép với các định hướng quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai các dự án thành phần, gồm:
- Tại không gian phía Bắc, phát triển các khu chức năng:
+ Khu vực dọc sông Năng, diện tích 261,59 ha: Phân khu phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, sinh thái và văn hóa bản địa. Xây dựng các công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, công viên cảnh quan, bãi đỗ xe, bến thuyền, đường giao thông; lập kế hoạch di dời một số hộ dân hiện trạng để bảo vệ cảnh quan và hành lang bảo vệ nguồn nước sông Năng (tái định cư tại chỗ);
+ Khu vực thôn Bản Cám, diện tích 45,44 ha: Phân khu phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện cải tạo, chỉnh trang, kiến trúc, hạ tầng khu dân cư hiện hữu, khôi phục kiến trúc nhà ở truyền thống; tổ chức lại khu vực dân cư hiện trạng (tái định cư tại chỗ) để tạo quỹ đất xây dựng công trình dịch vụ, công cộng, bến thuyền, đường giao thông phục vụ dân sinh và phát triển du lịch cộng đồng;
+ Thác Đầu Đẳng, diện tích 30,0 ha: Hình thành điểm tham quan, trải nghiệm thác. Xây dựng công trình dịch vụ, tháp ngắm cảnh, công viên cảnh quan, bãi đỗ xe, bến thuyền;
+ Động Puông, diện tích 20,00 ha: Hình thành điểm tham quan, trải nghiệm hang động. Xây dựng công trình dịch vụ, công viên cảnh quan, bến thuyền, bãi đỗ xe, đường giao thông;
+ Khu vực phía Tây hồ Pé Lầm, diện tích 21,75 ha: Phân khu du lịch sinh thái, gắn với khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, thể thao phía Tây hồ. Xây dựng công trình dịch vụ, bến thuyền, đường giao thông;
+ Khu vực phía Đông hồ Pé Lầm, diện tích 18,0 ha: Phân khu du lịch sinh thái kết hợp dã ngoại gắn với khám phá, trải nghiệm thiên nhiên phía Đông hồ. Xây dựng công trình dịch vụ, bến thuyền, đường giao thông;
+ Ao Tiên, diện tích 9,6 ha: Hình thành điểm tham quan, trải nghiệm khai thác cảnh quan Ao Tiên và Bàn cờ Tiên. Xây dựng công viên cảnh quan, bến thuyền, đường giao thông kết nối với sông Năng và khu vực lân cận;
- Không gian phía Đông (Khu điều hành Vườn quốc gia, diện tích 75 ha): Khu chức năng có vai trò là Trung tâm đón tiếp, phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường gắn với Vườn quốc gia. Xây dựng công trình dịch vụ, công viên sinh thái, bãi đỗ xe, đường giao thông; Tổ chức lại khu vực dân cư hiện trạng, lập kế hoạch tái định cư tại chỗ một số hộ dân để tạo quỹ đất phát triển dịch vụ và cải tạo, nâng cấp hạ tầng;
- Không gian phía Nam, phát triển các khu chức năng:
+ Khu vực dọc sông Lèng, diện tích 285,67 ha: Phân khu phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, văn hóa lễ hội. Lập kế hoạch di dời một số hộ dân để thiết lập vùng bảo vệ cảnh quan và hành lang bảo vệ nguồn nước sông Lèng (tái định cư tại chỗ); tạo quỹ đất xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch, công viên cảnh quan, bãi đỗ xe, đường giao thông;
+ Động Hua Mạ, diện tích 104,72 ha: Hình thành trung tâm dịch vụ đón tiếp, lễ hội, dịch vụ phía Đông Nam. Lập kế hoạch di dời, tái định cư tại chỗ một số hộ dân để tạo quỹ đất xây dựng các công trình hỗn hợp thương mại, văn hóa, dịch vụ, vui chơi giải trí, công viên cảnh quan, bến thuyền, bãi đỗ xe, đường giao thông;
+ Khu vực dân cư Pác Ngòi, diện tích 90,0 ha: Phân khu phát triển du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm văn hóa vùng đất ngập nước; Xây dựng công trình dịch vụ, nghỉ dưỡng, công viên cảnh quan, bãi đỗ xe, bến thuyền, đường giao thông; lập kế hoạch di dời một số hộ dân (tái định cư tại chỗ) để bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái vùng đất ngập nước;
+ Khu vực dọc suối Cốc Tộc, diện tích 123,62 ha: Phân khu phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm cảnh quan vùng bán ngập, cảnh quan ven hồ; Xây dựng công trình công cộng, dịch vụ, nghỉ dưỡng, công viên cảnh quan, bến thuyền, bãi đỗ xe, đường giao thông; Lập kế hoạch tái định cư tại chỗ và di dời một số hộ dân để tạo quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ, công viên cảnh quan;
+ Khu vực dân cư Cốc Tộc, diện tích 60,0 ha: Hình thành điểm du lịch cộng đồng theo mô hình làng văn hóa dân tộc Tày điển hình. Cải tạo chỉnh trang kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư hiện trạng, khôi phục hình thức kiến trúc, không gian sinh hoạt bản làng dân tộc Tày truyền thống.
+ Khu vực dân cư Bó Lù, diện tích 70,0 ha: Hình thành trung tâm đón tiếp phía Tây Nam gắn với du lịch cộng đồng theo mô hình bản văn hóa dân tộc Tày. Lập kế hoạch di dời một số hộ dân ven hồ để thiết lập vùng bảo vệ cảnh quan Hồ Ba Bể (tái định cư tại chỗ); tạo quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ, trung tâm diễn giải và thông tin du khách, lễ hội, bến thuyền, bãi đỗ xe, đường giao thông;
+ Bến thuyền phía Đông Hồ Ba Bể , diện tích 10,00 ha: Giữ vai trò là trung tâm đón tiếp và bến thuyền đầu mối các tuyến du lịch đường thủy trên Hồ Ba Bể; xây dựng các công trình dịch vụ, bến thuyền, bãi đỗ xe, đường giao thông;
+ Đảo An Mạ, diện tích 5,0 ha: Hình thành điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng gắn với di tích Đền An Mạ. Xây dựng các công trình dịch vụ, tín ngưỡng, sân nghi lễ, bến thuyền, cầu ra đảo và đường giao thông.
- Không gian phía Tây, phát triển các khu chức năng:
+ Khu vực dân cư Nà Phại, diện tích 125,0 ha: Hình thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Tổ chức lại khu vực dân cư hiện trạng (tái định cư tại chỗ) để tạo quỹ đất xây dựng công trình dịch vụ, vui chơi giải trí, công viên cảnh quan, bãi đỗ xe, đường giao thông;
+ Khu vực dân cư Đán Mẩy - Nà Nghè, diện tích 75,0 ha: Hình thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp chăm sóc sức khỏe và trải nghiệm văn hóa bản địa. Tổ chức lại khu vực dân cư hiện trạng tạo quỹ đất xây dựng các công trình dịch vụ, công trình công cộng, bãi đỗ xe, đường giao thông;
+ Khu vực dân cư Khau Qua - Nậm Dài, diện tích 180,0 ha: Hình thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp. Lập kế hoạch tái định cư tại chỗ; tổ chức lại khu vực dân cư hiện trạng tạo quỹ đất xây dựng các công trình dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, điểm ngắm cảnh, đường giao thông;
3. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích
a) Nguyên tắc: Bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển; bảo vệ giá trị của Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; ổn định đời sống, bảo đảm lợi ích, sinh kế cộng đồng; nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển du lịch, dịch vụ.
b) Định hướng quy hoạch bảo tồn:
- Bảo vệ vùng sinh thái, cảnh quan mặt nước, gồm: Hồ Ba Bể và các nguồn sinh thủy từ sông Năng, sông Lèng và các suối lân cận: Thực hiện duy trì cảnh quan mặt nước, nạo vét định kỳ, kè chống sạt lở dọc sông Năng và sông Lèng; quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước của Hồ Ba Bể (tối thiểu 30m), sông Lèng (tối thiểu 20m); tăng cường bảo vệ và phục hồi rừng đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước.
- Bảo tồn các giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan địa chất đặc thù: Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện danh mục các địa điểm có giá trị nổi bật về cảnh quan, kiến tạo địa chất,...; thực hiện nghiên cứu khoa học kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản địa chất.
- Bảo tồn đa dạng sinh học, gồm hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái đất ngập nước: Bảo vệ các khu vực sinh thái đất ngập nước, phục hồi các vùng rừng suy thoái; bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, theo Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Ba Bể giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường liên kết di tích với các khu vực lân cận, thiết lập các hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh theo Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Bảo vệ rừng: Bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên; thực hiện trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo tồn các khu vực rừng có giá trị đa dạng sinh học cao; thực hiện cho thuê môi trường rừng theo hướng bền vững, khai thác hợp lý tài nguyên rừng, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
- Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Bảo vệ các bãi đẻ trứng và vùng sinh trưởng thủy sản; khoanh vùng các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại Hồ Ba Bể, phù hợp với Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường: Quản lý các khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
- Bảo tồn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh: Tổ chức nghiên cứu và khảo cổ các hang động có dấu tích thời tiền sử; tu bổ và tôn tạo kết hợp khai thác du lịch tại hang Nả Phoòng, Khau Cổm, đền An Mạ, động Hua Mạ, Thẩm Phầy, động Puông, Thẳm Kít, Thẳm Thinh…; nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề xuất bổ sung các khu vực có giá trị tiêu biểu như: động Hua Mạ, hang Nả Phoòng, Khau Cổm, thác Đầu Đẳng, đền An Mạ, ao Tiên và một số khu vực cảnh quan tự nhiên có giá trị vào hồ sơ khoa học Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.
4. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể:
a) Kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân tộc ít người trong khu di tích làm cơ sở đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy giá trị.
b) Cải tạo và chỉnh trang kiến trúc, theo hướng khôi phục không gian bản làng, kiến trúc nhà ở truyền thống tại các thôn: Pác Ngòi, Bò Lù, Cốc Tộc, Bản Cám, Nậm Dài, Khau Qua, Nà Phại, Đán Mẩy, Nà Nghè gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
c) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của cộng đồng, như: lễ hội Lồng Tồng, di sản Then, Lượn Cọi, đàn Tính, duy trì thực hành các phong tục, tập quán, hoạt động sản xuất truyền thống.
d) Tăng cường công tác quảng bá di sản văn hóa, tổ chức sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa trong khu vực.
đ) Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc ít người trong khu vực.
5. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
a) Định hướng thị trường khách du lịch:
Khách du lịch trong nước là thị trường chủ đạo, hướng đến tăng dần tỷ trọng khách du lịch quốc tế; chú trọng khai thác các phân khúc khách chi trả cao và có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.
b) Sản phẩm du lịch:
- Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù:
+ Du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị nổi bật về cảnh quan, địa chất: Hình thành chuỗi các sản phẩm, gồm: Thung lũng đá thạch nhũ (Động Hua Mạ và khu vực ven sông Lèng); Làng nhà sàn (khu vực Pác Ngòi); vùng đất ngập nước (khu vực suối Cốc Tộc); Rừng cao nguyên (khu vực Khau Qua); Sông nước (khu vực sông Năng) và Thác nước (khu vực thác Đầu Đẳng);
+ Du lịch cộng đồng khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ít người Tày, Mông, Dao, Nùng.
- Các sản phẩm du lịch chính:
+ Du lịch sinh thái: tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái tại các phân khu chức năng, kết nối với các địa điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn quốc gia Ba Bể;
+ Du lịch nghỉ dưỡng: phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng như nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ cuối tuần, du lịch tuần trăng mật, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe...;
+ Du lịch tín ngưỡng, gắn với các khu vực: động Hua Mạ, đền An Mạ, thác Đầu Đẳng, động Puông, đảo Bà Góa, Ao Tiên;
+ Du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm và phát triển sản phẩm OCOP.
- Các dịch vụ bổ trợ về ẩm thực, vui chơi giải trí, thể thao: leo núi, đi bộ, dã ngoại, tổ chức sự kiện...;
c) Quy hoạch các điểm nhấn và trung tâm du lịch, dịch vụ
- Hình thành các khu vực điểm nhấn thu hút khách du lịch, gồm: Trung tâm du lịch Hua Mạ, trung tâm đón tiếp và tổ chức lễ hội quy mô vùng; Làng văn hóa dân tộc Tày Cốc Tộc, bản du lịch cộng đồng người Tày tiêu biểu; Trung tâm du khách Bó Lù, trung tâm dịch vụ, diễn giải và thông tin du khách ven Hồ Ba Bể;
- Phát triển các trung tâm du lịch - dịch vụ vệ tinh (nằm ngoài phạm vi khu vực quy hoạch) để phát triển các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, nhằm giảm áp lực từ hoạt động du lịch lên di tích, gồm: Trung tâm du lịch, dịch vụ Khang Ninh, Điểm du lịch cộng đồng Đồn Đèn (xã Ba Bể), Trung tâm du lịch, dịch vụ Quảng Khê (xã Đồng Phúc), Trung tâm du lịch sinh thái Nam Cường (xã Nam Cường).
d) Định hướng kết nối Hồ Ba Bể với các khu, điểm du lịch, các di tích có giá trị trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc:
- Các tuyến kết nối liên vùng, gồm: Tuyến du lịch lịch sử - cách mạng (du lịch về nguồn) và theo dấu chân Bác Hồ, kết nối Hồ Ba Bể với các di tích Hang Pác Bó, ATK Chợ Đồn, ATK Định Hóa, ATK Tân Trào; Tuyến du lịch sinh thái thiên nhiên kết nối Hồ Ba Bể với Khu bảo tồn Na Hang (Tuyên Quang) qua tuyến đường Ba Bể - Na Hang, Na Hang - Khang Ninh; Tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa kết hợp thiên nhiên theo hành trình Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - Mẫu Sơn (Lạng Sơn).
- Các tuyến kết nối nội vùng, gồm: Tuyến đường thủy trên Hồ Ba Bể, dọc theo sông Lèng, sông Năng; Tuyến đường bộ sinh thái, sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường như xe điện, xe đạp,...; Tuyến du lịch đi bộ xuyên rừng khám phá sinh thái, đa dạng sinh học và hoạt động giáo dục môi trường; Tuyến du lịch chuyên đề khám phá hệ thống hang động tiêu biểu như: hang Hua Mạ, hang Thẳm Thinh, động Puông, kết hợp trải nghiệm giá trị địa chất và bản sắc văn hóa địa phương.
6. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
a) Giao thông:
- Giao thông đối ngoại: Thực hiện, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông kết nối đến khu Danh lam thắng cảnh, bảo đảm phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, gồm: Quốc lộ 3C (nâng cấp từ đường Tỉnh 254); Quốc lộ 279; Đường tỉnh 258B; Tuyến đường kết nối Hồ Ba Bể với khu vực Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); Tuyến Quảng Khê - Khang Ninh; Tuyến dọc sông Năng đi Na Hang;
- Giao thông nội bộ: Nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống đường nội bộ di tích theo định hướng quy hoạch của địa phương; phát triển hệ thống đường đi bộ ngắm cảnh và đường chuyên dụng, phục vụ công tác quản lý và phát triển du lịch;
- Giao thông tĩnh: Hệ thống bãi đỗ xe (tổng diện tích khoảng 10 ha) được bố trí tại các địa điểm phù hợp, thuận tiện cho khách tham quan và các hoạt động dân sinh, gồm: Các bãi đỗ xe đầu mối tại Hua Mạ (diện tích 3,33 ha), Bó Lù (diện tích 2,35 ha) và khu điều hành Vườn quốc gia (diện tích là 0,85 ha); các bãi đỗ xe gắn với các khu chức năng, các khu dân cư, bến thuyền... chủ yếu phục vụ xe điện vận chuyển khách du lịch và dân cư;
- Giao thông đường thủy: Phát triển các tuyến chính theo quy hoạch địa phương, gồm: tuyến thác Đầu Đẳng - Hồ Ba Bể - Pác Co; tuyến nhánh lòng Hồ Ba Bể; tuyến phía tây thác Đầu Đẳng đi bến thuyền Đà Vị (Tuyên Quang);
- Nâng cấp kết hợp xây dựng mới hệ thống các bến thuyền và điểm neo đậu:
+ Nâng cấp các bến hiện có: Thác Đầu Đẳng, bến Cao Thượng, bến Bản Vài, bến Buốc Lốm, bến Pác Co (trên tuyến chính); bến Bờ Bắc, bến Kéo Slyu, bến Bờ Nam (trên tuyến nhánh);
+ Xây dựng các bến thuyền mới: Bến Bản Cám 1, bến Bản Cám 2 (trên tuyến chính); bến Tây Hồ Pé Lầm, bến Bó Lù, bến Quảng Khê 1, bến Quảng Khê 2, bến Tây Thác Đầu Đẳng (trên tuyến nhánh);
+ Nâng cấp, cải tạo điểm neo đậu hiện có (Pác Ngòi) và xây dựng mới một số điểm neo đậu: Động Puông, Tây Hồ Pé Lầm 2, Ao Tiên, Đông Hồ Pé Lầm, Cốc Tộc, Pác Ngòi 2, Nà Phại.
b) Chuẩn bị kỹ thuật san nền và thoát nước mưa: San nền cục bộ phục vụ việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình và khu vực cảnh quan có giá trị. Không đào đắp quy mô lớn, hạn chế làm biến dạng địa hình. Bảo vệ các tuyến thoát nước mưa tự nhiên: khe suối, tụ thủy; thiết kế riêng hệ thống thoát nước mưa tại các khu chức năng.
c) Quy hoạch cấp nước: Nguồn cấp nước sinh hoạt từ: Nhà máy nước Đồng Phúc và các trạm cấp nước: Vườn quốc gia Ba Bể (1.000 m3/ngày đêm), Bản Cám (800 m3/ngày đêm), Khau Qua (700 m3/ngày đêm), Nà Phại (500 m3/ngày đêm), Nà Nghè (500 m3/ ngày đêm). Các khu dân cư riêng lẻ sử dụng nước từ các nguồn tự nhiên: mó nước, giếng khoan.
d) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
- Nước thải được thu về và xử lý tại các trạm xử lý: Khang Ninh (500 m3/ngày đêm); Pác Ngòi (400 m3 /ngày đêm; Quảng Khê (1.000 m3/ngày đêm); Cốc Tộc (400 m3/ngày đêm), Bó Lù (400 m3/ngày đêm); Bản Cám (600 m3/ngày đêm); Nà Phại (300 m3/ngày đêm); Đán Mẩy (200 m3/ngày đêm); Nậm Dài (500 m3/ngày đêm).
- Bố trí các trạm thu gom, trung chuyển chất thải rắn trong khu di tích bảo đảm vệ sinh, an toàn, phù hợp với không gian cảnh quan chung. Chất thải rắn được thu gom, phân loại và chuyển đến khu xử lý chất thải rắn tập trung theo quy định của địa phương. Các khu vực riêng lẻ thực hiện thu gom cục bộ, xử lý nước thải qua bể tự làm sạch trước khi xả ra môi trường.
- Có lộ trình từng bước di dời các nghĩa trang dân sinh nằm phân tán về nghĩa trang tập trung theo quy hoạch của địa phương.
đ) Cấp điện và thông tin liên lạc:
- Hệ thống cấp điện: Khu vực được cấp điện từ đường dây 35KV lộ 373, 371, 371 và từ trạm biến áp 110 KV Ba Bể (theo quy hoạch của địa phương). Xây mới các trạm biến áp 35 KV và nâng cấp các trạm biến áp hiện có, phục vụ cấp điện cho các khu vực Khau Qua - Nậm Dài, Đán Mẩy - Nà Nghè, Nà Phại, các khu vực dân cư (Bó Lù, Cốc Tộc), khu vực dọc sông Năng, hồ Pé Lầm, khu điều hành Vườn quốc gia, khu vực dọc sông Lèng.
- Hệ thống thông tin liên lạc: Phát triển mạng thông tin không dây, bảo đảm thông tin liên lạc ổn định, kết nối với hệ thống cáp thông tin quốc gia.
7. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư
a) Các nhóm dự án thành phần:
- Nhóm dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (DA-01), gồm các dự án thành phần: Điều tra, đánh giá hiện trạng quản lý các nguồn gen đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm; Nghiên cứu phát triển các lâm sản ngoài gỗ theo định hướng các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với sinh kế của cộng đồng người dân địa phương; Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học Vườn quốc gia Ba Bể.
- Nhóm dự án bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản địa chất; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng (DA-02), gồm các dự án thành phần: Nghiên cứu khảo cổ học các hang động dấu tích bằng chứng giai đoạn tiền sử; cắm mốc các khu vực bảo vệ của Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; Khoanh vùng và cắm mốc bảo vệ các điểm, cụm điểm di sản địa chất; Tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích trong vùng di tích; Hỗ trợ khôi phục lại các giá trị kiến trúc nhà ở, làng bản, hình thức sản xuất canh tác truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Hỗ trợ đưa thực hành Then, Lượn cọi vào giảng dạy trong các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn.
- Nhóm dự án bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng (DA-03), gồm các dự án thành phần: Xác lập khu vực có dấu hiệu bị suy thoái của hệ sinh thái đất ngập nước Hồ Ba Bể; Nghiên cứu chính sách đầu tư về bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đất ngập nước Hồ Ba Bể; Phục hồi, phát triển và bảo vệ rừng trong Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể và Vườn quốc gia Ba Bể; Đào tạo, tập huấn kỹ thuật lâm nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Nhóm dự án bảo vệ môi trường nước của Hồ Ba Bể (DA-04), gồm các dự án thành phần: Nghiên cứu bảo vệ môi trường nước của Hồ Ba Bể; Khôi phục lòng hồ, nạo vét và kè chống sạt lở các đoạn trên sông Năng và sông Lèng; Bảo vệ nguồn nước và vùng thượng nguồn sông Năng.
- Nhóm dự án phát triển sản phẩm và xây dựng các công trình dịch vụ du lịch (DA-05), gồm các dự án thành phần: Giải tỏa và tái định cư tại chỗ cho các hộ dân trong một số khu vực chức năng; Xây dựng tuyến khám phá trải nghiệm 06 thung lũng của Hồ Ba Bể; Đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch tại 19 khu chức năng; Hỗ trợ liên kết đào tạo, bồi dưỡng về nguồn nhân lực du lịch; Hỗ trợ xúc tiến quảng bá danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.
- Nhóm dự án xây dựng cơ sở dữ liệu di sản và ứng dụng công nghệ số phục vụ du lịch bền vững (DA-06), gồm các dự án thành phần: Xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên nhiên và di sản văn hóa khu vực Hồ Ba Bể trên nền tảng công nghệ số; ứng dụng công nghệ hiện đại sưu tầm văn hóa dân gian về Hồ Ba Bể; ứng dụng công nghệ số trong kiểm soát môi trường, quản lý quy hoạch và phát triển du lịch bền vững Hồ Ba Bể; Xây dựng hệ thống diễn giải và hướng dẫn du lịch Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.
- Nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật (DA-07), gồm các dự án thành phần: Xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường nội bộ; Xây dựng bãi đỗ xe, trạm sạc điện cho tàu thuyền và xe điện; Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các bến thuyền phục vụ du lịch; cấp thoát nước, cấp điện, xử lý và thoát nước thải, vệ sinh môi trường và thông tin liên lạc.
b) Phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư:
- Thời kỳ thực hiện quy hoạch: Từ năm 2025 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó:
+ Giai đoạn 2025 - 2030: Hoàn thiện nhóm dự án DA-01; thực hiện nhóm dự án DA-02, DA-03, DA-04; DA-05; DA-06; DA-07;
+ Giai đoạn 2031 - 2035: Hoàn thiện nhóm dự án DA-02; DA-03; tiếp tục thực hiện nhóm dự án DA-04; DA-05; DA-06; DA-07;
+ Giai đoạn sau năm 2035: Hoàn thiện các dự án còn lại.
- Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương, địa phương và khả năng huy động vốn xã hội hóa:
+ Trên cơ sở các nhóm dự án thành phần, xác định các dự án để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư. Kinh phí thực hiện được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng dự án, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đất đai và pháp luật có liên quan;
+ Việc triển khai thực hiện đầu tư theo các nhóm dự án thành phần thuộc quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định (từ việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và tổ chức, triển khai thực hiện dự án);
+ Người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình, trong đó có việc xác định cụ thể vị trí, diện tích, quy mô, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, tiến độ, tình hình thực tiễn và thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.
c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: Dành cho nghiên cứu khảo cổ các hang động, cắm mốc khu chức năng trong Vườn quốc gia Ba Bể, bảo vệ rừng, phục hồi nghề thủ công truyền thống.
- Vốn ngân sách địa phương: Dành cho bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; cắm mốc ranh giới bảo vệ danh lam thắng cảnh; bảo tồn di sản địa chất, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trong vùng di tích; giải tỏa và tái định cư; phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái; bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ số; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật.
- Vốn xã hội hóa (đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nguồn đóng góp của nhân dân): Huy động đầu tư tu bổ di tích, cơ sở vật chất và phát triển hạ tầng du lịch; quảng bá Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể và đào tạo nhân lực du lịch.
8. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp quản lý quy hoạch:
- Quản lý xây dựng, sử dụng công trình theo đúng phân vùng quy hoạch và Quy hoạch được duyệt (chi tiết trong Hồ sơ quy hoạch). Các quy hoạch khác liên quan được lập cần phù hợp sau khi Quy hoạch này được phê duyệt. Thực hiện việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) theo lộ trình và tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về đất đai; nâng cao công tác kiểm tra, giám sát triển khai quy hoạch sử dụng đất trong khu vực quy hoạch.
- Thực hiện việc lập và ban hành Quy chế quản lý xây dựng, kiến trúc; Hướng dẫn xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực di tích; đánh giá, phân loại, lập danh mục để quản lý công trình kiến trúc và các khu vực cảnh quan có giá trị.
- Tăng cường phối hợp liên ngành để khai thác có hiệu quả giá trị của Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch ở địa phương. Tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ ngăn chặn các hành vi xâm hại đối với khu vực di tích.
b) Giải pháp về bộ máy quản lý, cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích:
- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực và củng cố nguồn lực của các cơ quan quản lý di tích; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý di tích với các cơ quan, tổ chức liên quan;
- Nghiên cứu xây dựng biện pháp bảo đảm sinh kế cho cộng đồng dân cư trong vùng di tích; khuyến khích các hộ dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; hình thành mô hình sản xuất phát triển kinh tế gắn với không gian trải nghiệm sinh thái nông nghiệp phục vụ khách du lịch.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hỗ trợ đào tạo người dân địa phương các kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; địa chất, sinh thái... và các kỹ năng kinh doanh du lịch, dịch vụ, thuyết minh,...
- Xây dựng đội ngũ thuyết minh viên tại di tích có trình độ kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Hợp tác với cơ sở giáo dục về bảo tồn di tích; hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo vệ di tích, tài nguyên và bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; xây dựng chương trình đào tạo về kinh doanh dịch vụ cho doanh nghiệp.
- Xây dựng đội ngũ nhân lực có kỹ thuật chất lượng cao trong phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục ... tại vùng di tích, áp dụng chính sách phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Giải pháp bảo vệ môi trường:
- Thực hiện định kỳ điều tra, quan trắc, đánh giá tình hình ô nhiễm, dự báo tác động và đánh giá sức chịu tải môi trường để có cơ sở xây dựng các định hướng và biện pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, xử lý các vấn đề môi trường và các vấn đề liên quan khác, xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên.
- Chú trọng bảo vệ môi trường nước và môi trường sinh thái của danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể. Ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường của tỉnh để triển khai các biện pháp hạn chế rác thải nhựa, thu hồi và xử lý hiệu quả, bền vững;
d) Giải pháp về đầu tư:
- Đề xuất các chương trình, kế hoạch đầu tư các hạng mục để kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong nước tham gia theo hình thức xã hội hóa. Ưu tiên đầu tư phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, bảo đảm phát huy có hiệu quả giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể và môi trường cảnh quan sinh thái của khu vực.
- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư vào khu vực. Kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án có liên quan và phù hợp được triển khai trên địa bàn. Cân đối nguồn lực đầu tư để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đầu để thực hiện quy hoạch.
đ) Giải pháp tạo sinh kế bền vững và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư:
- Nâng cao năng lực, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về vai trò và giá trị của danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, đặc biệt vai trò là nguồn lực tạo giá trị kinh tế phục vụ đời sống nhân dân.
- Xây dựng và đầu tư các mô hình sinh kế bền vững; nghiên cứu xây dựng đề án tái định cư và đề án giãn dân cho các hộ dân trong khu vực quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể và đảm bảo đời sống sinh kế cho người dân.
- Giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và trồng rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt các người dân trong khu danh lam thắng cảnh.
- Phát triển các lâm sản ngoài gỗ theo định hướng các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với sinh kế của cộng đồng người dân địa phương. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất để thực hiện Quy hoạch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội)
a) Chịu trách nhiệm toàn diện đối với đề xuất về phạm vi, quy mô, ranh giới quy hoạch; về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; về hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về quy hoạch và quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có); chỉ đạo việc quản lý, sử dụng đất trong phạm vi khu vực quy hoạch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền; tuyệt đối không để xảy ra các chồng chéo, tranh chấp, khiếu kiện cũng như thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm khi thực hiện các hoạt động, dự án đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.
b) Rà soát, hoàn thiện Hồ sơ đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu giữ và lưu trữ Hồ sơ Quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật liên quan.
c) Tổ chức công bố công khai Quy hoạch bằng các hình thức phù hợp, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện. Tiến hành rà soát, đối chiếu, xác định chính xác, cập nhật điều chỉnh và cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trên bản đồ và trên thực địa; cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và phương án sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh (phù hợp với từng thời kỳ quy hoạch). Xây dựng lộ trình, phương án sắp xếp, bố trí lại dân cư, tái định cư trong khu vực quy hoạch, bảo đảm ổn định sinh kế, bảo vệ cảnh quan di tích và đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên; triển khai kế hoạch bảo vệ và thực hiện các dự án thành phần bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phương.
d) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư trên cơ sở đồ án quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo Quy hoạch được duyệt; triển khai lập các quy hoạch xây dựng Trung tâm du lịch, dịch vụ Khang Ninh, Điểm du lịch cộng đồng Đồn Đèn (xã Ba Bể), Trung tâm du lịch, dịch vụ Quảng Khê (xã Đồng Phúc), Trung tâm du lịch sinh thái Nam Cường (xã Nam Cường) xác định trong quy hoạch này theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư.
đ) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện Quy hoạch.
e) Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường vùng di tích và các khu vực phụ cận bên ngoài vùng di tích; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tài liệu, cứ liệu khoa học về lịch sử, văn hóa, địa chất, đa dạng sinh học khu vực di tích; giáo dục tinh thần tự giác chấp hành tốt các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.
g) Thực hiện đầu tư xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch được phê duyệt tại quyết định này và các quy hoạch có liên quan được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định Hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; chịu trách nhiệm về nội dung số liệu báo cáo, đề xuất kiến nghị tại Tờ trình: số 225/TTr-BVHTTDL ngày 20 thang 6 năm 2025 và số 240/TTr-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2025.
b) Lưu giữ và lưu trữ Hồ sơ Quy hoạch được duyệt; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
c) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các dự án thành phần thuộc nội dung Quy hoạch được duyệt.
d) Phối hợp, hướng dẫn việc kết nối tuyến du lịch gắn Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể trên hành trình du lịch kết nối các điểm di sản thế giới, góp phần phát huy hiệu quả giá trị của di tích.
3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và địa phương trong việc xem xét tổng hợp chung các dự án bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo đề xuất của Tỉnh theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan; kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn địa phương cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào phương án sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh (phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng), phù hợp với thời kỳ quy hoạch.
5. Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch theo lĩnh vực ngành quản lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 756/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 757/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1407/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1407/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/06/2025
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Mai Văn Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra