Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1401/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ (THÍ ĐIỂM TẠI QUẬN NINH KIỀU)

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 177/TTr-SVHTTDL ngày 17 tháng 01 năm 2022, Công văn số 1239/SVHTTDL-KHTC ngày 13 tháng 4 năm 2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) với các nội dung chủ yếu như sau:

I. TÊN ĐỀ ÁN

Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều).

II. ĐỊA ĐIỂM TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN

Thành phố Cần Thơ.

III. ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ LẬP ĐỀ ÁN

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

IV. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1 Sự cần thiết xây dựng

Ngày 27 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, hướng tới tăng trưởng kinh tế từ việc gia tăng nguồn thu từ các hoạt động kinh tế ban đêm.

Tương tự như các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; thành phố Cần Thơ hội tụ đầy đủ các tiền đề để phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, các tài nguyên sẵn có của thành phố Cần Thơ như hạ tầng thương mại dịch vụ, hạ tầng du lịch, các hoạt động kinh tế ban đêm sẵn có, điều kiện tự nhiên sông nước “trên bến dưới thuyền”, cảnh quan tự nhiên, các di sản văn hóa phi vật thể,… rất thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm, thu hút du khách. Do đó, phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ là cơ hội tốt để tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, nhiều việc làm cho xã hội, tạo nguồn thu ngân sách và góp phần tăng trưởng GRDP của thành phố. Đồng thời, khi phát triển kinh tế ban đêm giúp nâng cao hiệu quả các tài nguyên, bao gồm tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ; đồng thời gian tăng giá trị hình ảnh điểm đến của thành phố Cần Thơ đối với khách du lịch, gia tăng chi tiêu du lịch của du khách, kéo dài thời gian lưu trú.

Với những lý do trên, việc thực hiện Đề án thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ trên cơ sở phân tích tiềm năng, triển vọng và thực trạng hiện có là cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam;

- Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ “Về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới”;

- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch;

- Các số liệu, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch kinh tế - xã hội và các quy hoạch lĩnh vực ngành của thành phố Cần Thơ, quận Ninh Kiều và các quận huyện khác; ý kiến đóng góp của các sở ngành, quận huyện, các nhà quản lý và khoa học thông qua các hình thức góp ý bằng văn bản, hội thảo, hội nghị.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ tuân thủ quy hoạch, sản phẩm dịch vụ đa dạng, hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí vào ban đêm cho cư dân của thành phố, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khách quốc tế; góp phần giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, phát triển thành phố trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Mục tiêu cụ thể

Đề án đáp ứng các mục tiêu cụ thể sau:

- Khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm.

- Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển kinh tế ban đêm; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế ban đêm.

- Tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

- Tạo cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo lộ trình dự kiến như sau:

Từ năm 2022 đến 2024: Triển khai mô hình thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều (thực hiện trong 2 năm kể từ khi chọn lựa được nhà đầu tư). Kế hoạch triển khai mô hình thí điểm do Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều thực hiện với các nội dung thí điểm như tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động; đồng thời cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với các hoạt động hiện có như phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu; Chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học (kinh doanh hàng may mặc, mỹ nghệ...); Chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường sông Hậu; tuyến đường chuyên doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám; hoạt động karaoke,..; mời gọi đầu tư đối với các địa điểm có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm tập trung, như (i) khu vực từ Cầu đi bộ đến đường Trần Phú; (ii) khu vực đường Lê Lợi; (iii) khu vực kè rạch Khai Luông từ Cầu đi bộ đến Nhà lồng 3 của Trung tâm thương mại Cái Khế thuộc phường Cái Khế; (iv) khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi; (v) một phần diện tích của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ,..

Năm 2024: Đánh giá, đúc kết kinh nghiệm thí điểm và chuẩn bị các nguồn lực phát triển kinh tế ban đêm trên toàn địa bàn thành phố, (từ 3 đến 6 tháng, sau khi kết thúc hoạt động thí điểm tại quận Ninh Kiều).

Năm 2025: Vận hành, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế ban đêm tại các quận, huyện còn lại của thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án nhằm đáp ứng, các yêu cầu như (i) góp phần thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (ii) là cơ sở để xác định phương pháp tiếp cận, nguyên tắc, mục tiêu, định hướng và các tiêu chí cụ thể thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau trên địa bàn thành phố Cần Thơ; là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các quy hoạch các phân khu chức năng, cơ chế quản lý, quy chế hoạt động, mời gọi đầu tư hạ tầng, mô hình hoá các hoạt động dịch vụ ban đêm và các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ,... trên địa bàn thí điểm quận Ninh Kiều để đúc kết bài học kinh nghiệm, nhân rộng mô hình ở các quận huyện khác của thành phố Cần Thơ; là tiền đề để triển khai các Đề án xây dựng, hình ảnh điểm đến cho thành phố Cần Thơ, Đề án phát triển du lịch và các quy hoạch khác của thành phố và là cơ sở khoa học quan trọng cho việc xây dựng và phát triển đô thị sinh thái của thành phố Cần Thơ tầm nhìn đến 2030 theo hướng phát triển bền vững; cung cấp thông tin tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

4. Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ

Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ gồm các nhóm vui chơi giải trí; ẩm thực; mua sắm và du lịch, văn hoá, thể thao ban đêm. Cụ thể như sau:

a) Vui chơi giải trí: phát triển, đa dạng hóa các loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch vào ban đêm; tổ chức sự kiện văn hóa như lễ hội âm nhạc, lễ hội ánh sáng, lễ hội pháo hoa, thời trang, liên hoan phim, nghệ thuật đương đại hướng đến tổ chức định kỳ tại các trung tâm, tổ hợp giải trí hoặc tuyến phố đi bộ, khu vực bờ sông, hồ...; các tuyến phố “đường sách”, “đường hoa”, đường “ẩm thực Á-Âu”, đường “văn hóa các dân tộc Kinh-Hoa-Khơ me- Chăm”...; tạo điều kiện cho các rạp chiếu phim, xiếc, vũ trường, bar, cafe, karaoke hoạt động và phát triển.

b) Ẩm thực: hình thành không gian ẩm thực hấp dẫn với những món ăn là đặc sản vùng miền, hình thành các phố ẩm thực, chợ hải sản, các nhà hàng ẩm thực ven sông, trên sông Hậu, sông Cần Thơ. Tổ chức các festival ẩm thực như lễ Hội bánh dân gian Nam bộ; các cuộc thi vua đầu bếp Á-Âu; các sự kiện giúp du khách trải nghiệm ẩm thực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tham gia chế biến, nấu ăn, làm bánh, pha chế đồ uống,...

c) Mua sắm: nâng cấp hoạt động của các Trung tâm thương mại, siêu thị hiện có (kéo dài thời gian phục vụ, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ,..); mời gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại quy mô vùng đồng bằng sông Cửu Long như chợ đêm mang bản sắc vùng miền, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, quà lưu niệm; tổ chức các hội thi sáng tác quà lưu niệm, tổ chức các hoạt động dành cho khách du lịch trải nghiệm, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống,...

d) Du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm: các khu chăm sóc sức khỏe như massage, xông hơi, tắm lá thuốc; các trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp,.. Các hoạt động thả đèn trời, đèn hoa đăng trên sông, ngắm bình minh trên sông Hậu...; Các hoạt động thể thao về đêm (luyện tập, tổ chức các giải thi đấu,...) đối với các bộ môn như chạy bộ, tập thể hình, bóng đá trong nhà, thể thao dưới nước,... và du lịch trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam, thắng cảnh của thành phố Cần Thơ vào ban đêm.

Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ có thể lồng ghép trong các mô hình kinh tế ban đêm phổ biến hiện nay đã được nhiều địa phương áp dụng thành công như mô hình phố đi bộ, mô hình chợ đêm, mô hình khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp, mô hình kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế,..

Trong điều kiện thực tế hiện nay của thành phố Cần Thơ, cần lưu ý một số nội dung sau:

Đối với mô hình phố đi bộ: có thể phát triển mô hình này tại tuyến phố Hai Bà Trưng kéo dài đến cầu đi bộ; khu vực công viên sông Hậu kéo dài đến bến phà cũ và một số tuyến phố khác thích hợp; việc tổ chức phố đi bộ ở khu vực này bảo đảm tính kết nối, an toàn và có thể đầu tư nhiều tiện ích, địa điểm để thu hút người dân, khách du lịch đi bộ tham quan.

Đối với mô hình chợ đêm: các chợ đêm hiện có của thành phố Cần Thơ có thể phát triển, nâng cấp để phục vụ kinh tế ban đêm như chợ cổ Cần Thơ, chợ đêm Ninh Kiều, chợ đêm Cần Thơ.

Đối với mô hình khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp: nâng cấp và phát triển các hạ tầng các trung tâm mua sắm thương mại tổng hợp hiện có như Trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ, Trung tâm thương mại Vincom Xuân Khánh, Vincom Hùng Vương, siêu thị Go!, siêu thị Mega Market,., phục vụ kinh tế ban đêm và để có được nguồn thu lớn từ các hoạt động này, đồng thời tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến với thành phố Cần Thơ cần mời gọi, thu hút đầu tư vào các dự án phát triển các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí mang tầm vóc của vùng Đông bằng sông Cửu Long.

Đối với mô hình kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế: kết hợp tài nguyên san có như cảnh quan sông nước đẹp, các điểm đèn như Chợ nổi Cái Răng, đền thờ Vua Hùng, bến Ninh Kiều, hệ thống các điểm du lịch sinh thái ở Phong Điền, du lịch cộng đồng ở Bình Thủy. Để phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở khai thác giá trị của các điểm đến này thành phố Cần Thơ cần quan tâm nhiều hơn đối với việc xây dựng, phát triển mạng lưới các tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị hình ảnh điểm đến cho thành phố Cần Thơ để vừa thu hút du khách vừa tạo điều kiện để hệ thống các cơ sở kinh tế ban đêm hoạt động hiệu quả.

5. Thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Ninh Kiều

Thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Ninh Kiều dựa trên các nhóm sản phẩm dịch vụ kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ; đối với mỗi sản phẩm cụ thể, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn để xác định quy mô, loại hình, khung giờ hoạt động, tổ chức quản lý, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với từng hoạt động, giải quyết các phát sinh về công tác quản lý nhà nước trong thẩm quyền hoặc tham mưu, kiến nghị với các sở, ban ngành chức năng hoặc Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, hỗ trợ thực hiện... theo dõi, đánh giá khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Cụ thể thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên ….. cần đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Nội dung:

- Lập kế hoạch thực hiện trình các sở, ban ngành…… Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Triển khai các hoạt động mời gọi đầu tư, thẩm định năng lực, lựa chọn nhà đầu tư bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật.

- Tổ chức vận hành và theo dõi đánh giá mô hình thí điểm.

- Xây dựng báo cáo đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

b) Thời gian thực hiện: 24 tháng, kể từ khi lựa chọn và phê duyệt nhà đầu tư và tình hình dịch Covid - 19 đã được kiểm soát (dự kiến trong tháng 4 năm 2022).

c) Địa điểm: quận Ninh Kiều.

d) Các hoạt động thí điểm dự kiến:

- Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với các hoạt động hiện có như: phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu; Chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học (kinh doanh hàng may mặc, mỹ nghệ...); Chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường sông Hậu; tuyến đường chuyên doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám; hoạt động karaoke,… song song với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, yêu cầu đơn vị quản lý và khai thác phải có kế hoạch nâng cấp các cơ sở vật chất (cải tạo các quầy hàng hóa, thay đổi bổ sung ki-ốt cho đồng bộ), đảm bảo chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa các loại hàng hóa kinh doanh; nâng cao chất lượng, nâng tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên phục vụ khách hàng.

- Lập danh mục mời gọi đầu tư đối với các địa điểm có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm tập trung, như: (i) khu vực từ cầu đi bộ đến đường Trần Phú; (ii) khu vực đường Lê Lợi; (iii) khu vực kè rạch Khai Luông từ cầu đi bộ đến Nhà lồng 3 của Trung tâm thương mại Cái Khế thuộc phường Cái Khế; (iv) khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi; (v) một phần diện tích của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ,..

đ) Dự toán kinh phí: do quận Ninh Kiều đề xuất căn cứ vào kế hoạch và tình hình thực tế; nguồn ngân sách có thể bao gồm ngân sách hỗ trợ của thành phố, ngân sách của quận, nguồn huy động của các doanh nghiệp,... để phục vụ các chi phí lập kế hoạch; chi hỗ trợ cho các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, tôn tạo cảnh quan và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị,… và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác đúng với quy định của pháp luật.

6. Lô trình và nguồn lực thực hiện

a) Giai đoạn thí điểm: Thực hiện như quy định tại khoản 5 Mục IV.

b) Giai đoạn đánh giá, đúc kết kinh nghiệm và chuẩn bị nguồn lực để triển khai trên địa bàn toàn thành phố

- Nội dung thực hiện:

Xem xét đánh giá kết quả thí điểm của quận Ninh Kiều, kết hợp với việc kiểm soát, cập nhật cơ chế chính sách mới, hướng dẫn mới của các Bộ ngành Trung ương (nếu có) để hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên toàn thành phố (bao gồm quận Ninh Kiều và các quận, huyện còn lại).

Hoàn thiện cơ chế chính sách (bao gồm cơ chế chính sách theo quy định hiện hành và các cơ chế chính sách đặc thù của thành phố Cần Thơ) thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện danh mục mời gọi đầu tư phát triển kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ.

Tổ chức các hoạt động đánh giá, rút kinh nghiệm, học tập,... (bằng các hình thức hội nghị, tuyên truyền, các đoàn học tập trao đổi kinh nghiệm,..)

Tổ chức mời gọi nhà đầu tư, triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm. Ưu tiên xây dựng một số khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, tách biệt khu dân cư, quy mô lớn và đẳng cấp ngang tầm với các khu vui chơi giải trí nổi tiếng trên thế giới.

- Thời gian thực hiện: 6 tháng, kể từ ngày kết thúc thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều (dự kiến đầu năm 2024).

- Phân công thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

- Phân công phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan.

- Dự toán kinh phí: Căn cứ theo tình hình thực tế tại thời điểm triển khai để xem xét, quyết định.

c) Giai đoạn vận hành, nhân rộng và phát triển mô hình

- Nội dung thực hiện:

Hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án, các mô hình kinh tế ban đêm trên toàn địa bàn.

Báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương có hoạt động tương tự và mời gọi sự tham gia nghiên cứu, đúc kết bài học kinh nghiệm từ các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách thông qua các đề tài nghiên cứu, hội thảo hội nghị,..

Tăng tốc chọn lựa các mô hình hiệu quả để nhân rộng và phát triển và phát huy hiệu quả mang lại từ kinh tế ban đêm.

- Thời gian: kể từ ngày kết thúc giai đoạn đánh giá, đúc kết kinh nghiệm (giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2025 trở về sau). Thời gian thực hiện cụ thể tùy vào mô hình, dự án được phê duyệt.

- Phân công thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

- Phân công phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Cong an thành phố và và các đơn vị có liên quan.

- Dự toán kinh phí: do quận, huyện đề xuất căn cứ vào kế hoạch và tình hình thực tế; nguồn kinh phí có thể bao gồm ngân sách hỗ trợ của thành phố, ngân sách của quận, huyện, nguồn huy động của các doanh nghiệp,... để phục vụ các chi phí lập kế hoạch; chi hỗ trợ cho các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, tôn tạo cảnh quan và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị,.. và các hoạt động chi khác phù hợp với quy định.

7. Kinh phí thực hiện

a) Căn cứ tình hình thực tế trong từng thời điểm, các sở, ban ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí kinh phí; xem xét lồng ghép vào chương trình và kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm để thực hiện.

b) Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách nhà nước, mời gọi đầu tư của doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp theo quy định.

8. Phân công trách nhiệm

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí kinh phí lồng ghép vào Chương trình và kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện hàng năm đối với các nội dung phụ trách; nghiên cứu, cập nhật các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương,... để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp, cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm; chủ động tổ chức thực hiện theo kế hoạch, định kỳ báo cáo 6 tháng/lần hoặc khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.

- Là cơ quan thường trực theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý ngành để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế ban đêm, đồng thời hỗ trợ các đơn vị liên quan mời gọi đầu tư các loại hình du lịch ban đêm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật về đêm; phát triển các sản phẩm, loại hình hoạt động, dịch vụ vui chơi giải trí vào ban đêm phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu của người du khách.

b) Sở Công Thương

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, đảm bảo công tác quản lý thị trường, quy định về tiêu chuẩn, quy cách, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm,...

- Hỗ trợ các đơn vị liên quan về quản lý và thu hút đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi,..

- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các loại hình thương mại dịch vụ mới phục vụ kinh tế ban đêm chẳng hạn như chuỗi cửa hàng ăn đêm, chuỗi cửa hàng mua sắm hiện đại, tiện tích, khu trưng bày sản phẩm, quà lưu niệm hoạt động xuyên đêm.

c) Sở Xây dựng

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng có liên quan đến kinh tế ban đêm (bao gồm cả giai đoạn thí điểm và giai đoạn vận hành đề án).

- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quy hoạch hình thành điểm nhấn tại các khu vực riêng biệt cho phát triển kinh tế ban đêm.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường có liên quan đến kinh tế ban đêm.

- Phối hợp, hỗ trợ các bên liên quan đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, vệ sinh môi trường; giảm thiểu tác động do chất thải từ hoạt động kinh tế ban đêm ảnh hưởng đến người dân địa phương, đặc biệt là những địa điểm trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm; xây dựng phương án giảm thiểu tác động do chất thải, rác thải từ các hoạt động kinh tế ban đêm.

đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố cơ chế, chính sách hỗ trợ, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư phát triển các hoạt động và dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm và du lịch về đêm; đề xuất tham mưu bổ sung các chỉ tiêu thống kê về hoạt động kinh tế ban đêm để theo dõi quản lý.

- Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị liên quan các thủ tục mời gọi đầu tư, triển khai các dự án mô hình kinh tế ban đêm; lồng ghép các nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố và các quận, huyện.

e) Sở Thông tin và Truyền thông

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có liên quan đến kinh tế ban đêm.

- Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị liên quan liên quan, các quận huyện thực hiện tốt công tác thông tin truyền truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp/cơ quan quản lý nhà nước về phát triển kinh tế ban đêm.

g) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về lao động, việc làm, thanh tra, kiểm tra lao động nhằm đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh ban đêm trên địa bàn thành phố; lồng ghép các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế ban đêm vào kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chung của thành phố hàng năm.

h) Sở Y tế

Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị liên quan và các quận, huyện thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ vào bao đêm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là những địa điểm trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm.

i) Công an thành phố

Phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại các điểm có diễn ra hoạt động kinh tế ban đêm.

k) Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Tổ chức đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương để có cơ sở đề xuất các mô hình thí điểm phù hợp.

- Tham khảo mô hình thí điểm của quận Ninh Kiều để xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố và các sở ban ngành có ý kiến đánh giá, lựa chọn mô hình phù hợp cho địa phương.

- Phân công trách nhiệm cụ thể và phân kỳ thực hiện hàng năm.

9. Giải pháp thực hiện

Để đạt được yêu cầu đề ra, yêu cầu cần thực hiện các giải pháp sau:

a) Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm trên toàn địa bàn thành phố.

- Kết nối kênh thông tin về phát triển kinh tế ban đêm đến người dân, du khách tại các quận, huyện của thành phố để ghi nhận các góp ý về phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố.

- Tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, học tập các mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới, ở Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,.. và tình hình thực tế tại thành phố Cần Thơ; đồng thời theo sát các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,..

b) Quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm

- Nghiên cứu quy hoạch hình thành điểm nhấn tại các khu vực quy hoạch riêng biệt cho phát triển kinh tế ban đêm, trước mắt ưu tiên cho địa bàn quận Ninh Kiều; sau giai đoạn thí điểm là các quận huyện còn lại của thành phố, tùy vào quy hoạch phát triển của địa phương để chọn lựa mô hình thí điểm phù hợp.

- Nghiên cứu quy hoạch các khu phát triển kinh tế ban đêm tập trung gắn với quy hoạch kiến trúc, xây dựng hạ tầng, đô thị trên địa bàn thành phố. Quá trình thẩm tra, đánh giá, phê duyệt các quy hoạch cần phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và xem xét đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân và nhà đầu tư.

c) Thu hút đầu tư và cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm

- Lập danh mục dự án mời gọi đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với quy định pháp luật đối với từng quy mô của dự án.

- Xây dựng cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư phát triển các hoạt động và dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm và du lịch vào ban đêm.

- Vận động và liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi,… hoạt động trong và ngoài khu vực tập trung phát triển kinh tế ban đêm kéo dài thời gian phục vụ, tăng cường các hoạt động mang lại giá trị tăng thêm cho người dân địa phương và du khách.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách (các nội dung chưa được quy định nhưng trong phạm vi khuyến khích của Đề án phát triển kinh tế ban đêm của Chính phủ) để đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ.

d) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm

- Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công để đầu tư và tập trung hoàn thiện các hạng mục hạ tầng các khu vực, dự án được quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương để tạo điều kiện đón đầu, đưa vào khai thác, phục vụ kịp thời khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch được phục hồi, tạo động lực cho việc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ.

- Sắp xếp tổ chức các loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc trưng của thành phố Cần Thơ, tổ chức lễ hội sách, lễ hội đường phố,… cùng với mời gọi đầu tư các loại hình du lịch ban đêm tổ chức định kỳ, cố định tại các điểm du lịch để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm để phục vụ khách du lịch vào ban đêm.

- Nâng cấp hạ tầng thông tin liên lạc, dịch vụ công cộng lần mời gọi đầu tư theo hình thức “xã hội hóa” đối với hệ thống wifi công cộng để phục vụ tại các khu vực tập trung phát triển kinh tế ban đêm. Đồng thời, nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường và hệ thống nhà vệ sinh công cộng.

- Nâng cấp các tuyến đường giao thông đảm bảo kết nối thuận lợi cho người dân tại địa phương, du khác có thể tham gia các hoạt động vào ban đêm.

đ) Xúc tiến, quảng bá phát triển kinh tế ban đêm

- Tăng cường xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển kinh tế ban đêm, xây dựng các chiến dịch truyền thông, quảng bá phát triển kinh tế ban đêm gắn với Chương trình, Đề án đã được phê duyệt như Chiến lược tiếp thị địa phương thành phố Cần Thơ, đề án phát triển du lịch đường sông của thành phố Cần Thơ (khai thác các hoạt động phục vụ vào ban đêm, đặc trưng là các hoạt động đa dạng trên sông Hậu, sông Cần Thơ). Đồng thời phát huy văn hóa bản địa theo đặc trưng 10 chữ vàng của người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”.

- Lồng ghép các mô hình phát triển kinh tế ban đêm với các chương tình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và các chương trình liên kết hợp tác của thành phố.

- Quảng bá hình hình ảnh “Đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, “Thành phố đáng sống” năng động, an toàn, văn minh, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.. truyền tải thông điệp một cách hiệu quả đến người dân và du khách để định vị hình ảnh du lịch của thành phố.

e) Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế ban đêm

- Xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn cho người lao động làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh các loại sản phẩm dịch vụ của thành phố, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ vào ban đêm như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, spa, karaoke, vũ trường,...

- Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực (chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ) của người lao động làm việc tại các cơ sở/doanh nghiệp kinh doanh các loại sản phẩm dịch vụ của thành phố, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ vào ban đêm.

- Rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách về lao động, việc làm, thanh tra, kiểm tra lao động nhằm đảm bảo các điều kiện việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố.

g) Quản lý nhà nước về phát triển kinh tế ban đêm

- Xây dựng quy chế quản lý, bố trí nhân sự, kinh phí đối với mô hình quản lý đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm.

- Bổ sung các chỉ tiêu thống kê về hoạt động kinh tế ban đêm để theo dõi quản lý. Đồng thời lồng ghép các nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố và các quận huyện.

- Tăng cường thực hiện công tác phối hợp liên ngành, đa ngành thông qua xây dựng quy chế, văn bản quy phạm pháp luật đổ kiểm soát tốt công tác quản lý thị trường, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm,....

10. Hiệu quả và tác động

a) Hiệu quả và tác động tích cực

Việc triển khai thực hiện Đề án kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ sẽ mang lại những hiệu quả tích cực như:

- Tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đặc biệt là các hoạt động mở rộng phục vụ xuyên đêm; đóng góp tích cực vào sự tăng thêm của GRDP của thành phố dựa trên khai thác hiệu quả các lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị thế trung tâm, cảnh quan sông nước, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ,… sẵn có trên địa bàn để. Đồng thời, phát triển kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ tạo sức hút lôi kéo, hỗ trợ cho kinh tế xã hội của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển (đặc biệt là các địa phương vệ tinh, các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm,..) góp phần thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chính trị, của Chính phủ giao cho thành phố Cần Thơ thực hiện vai trò trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Giải quyết tốt vấn đề lao động phổ thông và lao động chất lượng cao; gián tiếp tạo việc làm và nguồn thu cho một bộ phận người lao động trên địa bàn và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Phát triển kinh tế ban đêm góp phần cải thiện hình ảnh điểm đến của thành phố Cần Thơ đối với du khách trong nước và quốc tế không chỉ đến để trải nghiệm cảnh quan sông nước, chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, tham dự hội nghị, du lịch nghỉ dưỡng,.. mà còn được sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí, tiêu dùng du lịch, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, thưởng thức văn hóa nghệ thuật,., từ các hoạt động kinh tế ban đêm.

- Thường xuyên tổ chức và đổi mới sáng tạo các loại hình văn hóa phi vật thể chẳng hạn như đờn ca tài tử, hò Cần Thơ, các lễ hội văn hóa của các dân tộc,.. trên địa bàn thành phố.

- Phát triển kinh tế ban đêm không chỉ đóng góp trực tiếp cho lĩnh vực thương mại dịch vụ của thành phố Cần Thơ mà còn tác động gián tiếp đến các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp; gia tăng sự tham gia của kinh tế tư nhân vào nền kinh tế, huy động hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Cần Thơ; góp phần phát triển ổn định và bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của thành phố; gia tăng lợi thế cạnh tranh của thành phố Cần Thơ trong vùng, cả nước và nhiều điểm đến khác của thế giới.

b) Hạn chế, ảnh hưởng không mong muốn khi thực hiện

Bên cạnh các hiệu quả tích cực, dự kiến sẽ có một số tác động không mong muốn như:

- Nhiều hoạt động kinh tế ban đêm có thể mang lại lợi ích về kinh tế cho một nhóm chủ thể (chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư) nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở khu vực lân cận (do ảnh hưởng tiếng ồn, ánh sáng, an ninh trật tự, môi trường,., hoặc do tác động bởi các dự án quy hoạch phát triển các trung tâm vui chơi giải trí quy mô lớn) và ảnh hưởng đến các công tác quản lý nhà nước (do vướng mắc các quy định, pháp luật hiện hành; mâu thuẫn trong quản lý nhà nước giữa các lĩnh vực ngành; giữa các cấp,.. hoặc các vấn đề phát sinh như phải gia tăng nguồn lực cho các hoạt động quản lý giao thông, an ninh trật tự,..), sẽ phát sinh mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước,... hoặc quyền lợi chung của toàn xã hội.

- Việc khai thác các tài nguyên bao gồm cả tự nhiên (di sản văn hoá, cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể,..) và nhân tạo (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại dịch vụ,..) để phục vụ các hoạt động kinh tế ban đêm có thể sẽ làm tổn hao, xuống cấp các nguồn lực này hoặc làm tổn hại môi trường. Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch, thẩm tra, đánh giá các dự án đầu tư; xem xét phê duyệt các hoạt động cần xem xét ở nhiều khía cạnh lợi ích kinh tế, chi phí cơ hội, các phí tổn ẩn,.. và cần phải có đánh giá tác động của môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường của từng dự án trước khi xem xét, phê duyệt..

- Việc đa dạng các loại hình hoạt động về đêm, hoạt động xuyên đêm sẽ có rủi ro, phát sinh nhiều vấn đề xã hội, tiềm ẩn hoặc gia tăng các loại tội phạm xã hội gây khó khăn cho quản lý an ninh trật tự, an ninh quốc phòng. Về lâu dài, sự phát triển của kinh tế ban đêm sẽ tạo môi trường, chất xúc tác có thể làm nảy sinh những băng, nhóm tội phạm mới, tội phạm có tổ chức tiềm ẩn hoặc nguy cơ xung đột bạo lực, các hiện tượng tiêu cực khác. Do đó, cần xây dựng các cơ chế, biện pháp quản lý chặt chẽ; đồng thời mời gọi, vận động sự tham gia của toàn xã hội thông qua các hình thức như cộng đồng tự quản, xây dựng các lực lượng chuyên trách, hợp đồng với các đơn vị chuyên nghiệp,.. đối với từng hoạt động kinh tế ban đêm cụ thể, từng khung giờ hoạt động cụ thể để ngăn chặn và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. Do đó, cần có sự tham gia hỗ trợ của các lực lượng có chuyên môn nghiệp vụ (chẳng hạn như lực lượng công an trật tự, lực lượng vũ trang của quân đội,..) để xây dựng các biện pháp phòng ngừa, quản lý đồng bộ, toàn diện.

- Hoạt động kinh tế ban đêm cũng có thể tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn lao động, cháy nổ, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, tập trung đông người làm lây lan dịch bệnh,… và nhiều vấn đề xã hội khác cần phải được xem xét, chuẩn bị trong từng phương án, kế hoạch của mỗi loại hình hoạt động cụ thể.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND TP;
- Cổng TTĐT TPCT;
- VP UBND TP (3BC);
- Lưu: VT. NNQ.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thực Hiện

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2022-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

STT

Nhiệm vụ thực hiện

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp thực hiện

Thời gian thực hiện (dự kiến)

I

Giai đoạn I: Thí điểm kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Ninh Kiều

(Thời gian thí điểm kéo dài 24 tháng, kể từ ngày lựa chọn và phê duyệt nhà đầu tư và trong điều kiện dịch Covid - 19 được kiểm soát ổn định)

 

 

2022

1

Thí điểm kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Ninh Kiều

Quận Ninh Kiều

Các sở ngành có liên quan

2022-2024

1.1

Lập kế hoạch, lựa chọn nhà thầu, thẩm định phê duyệt dự án

Quận Ninh Kiều

Các sở ngành có liên quan

2022

1.2

Tổ chức thực hiện các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn quận

Quận Ninh Kiều

Các sở ngành có liên quan

2022-2024

1.3

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ban hành cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm

Các sở ngành có liên quan

Quận Ninh Kiều

2022

1.4

Báo cáo đánh giá kết thúc giai đoạn thí điểm

Quận Ninh Kiều

Các sở ngành có liên quan

2024

2

Nâng cao nhận thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm

 

 

 

2.1

 

Tuvền truyền nâng cao nhận thức về lợi ích phát triển kinh tế ban đêm

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện

Hằng năm

2.2

Tuyên truyền, quảng bá việc thực hiện phát triển kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ đến người dân, du khách để tiếp thu các góp ý về phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố

Ủy ban nhân dân quận, huyện

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan

Hằng năm

2.3

Lập kế hoạch nghiên cứu, tham khảo, học tập các mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới và các địa phương tương tự; nghiên cứu phát triển các loại hình dịch vụ mới phục vụ kinh tế ban đêm

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện

Hàng năm

3.

Quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm

 

 

 

3.1

Lập quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ và danh mục đầu tư phát triển kinh tế ban đêm tại các vị trí riêng biệt, có tiềm năng và phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, quận huyện

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan

2022

3.2

Nghiên cứu quy hoạch không gian phát triển các trung tâm kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ gắn với quy hoạch kiến trúc, hạ tầng đô thị đảm bảo an ninh, an toàn đô thị, đảm bảo nguồn điện, nước, vệ sinh môi trường....

Sở Xây dựng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên Môi trường, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan

2022

4.

Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm

 

 

 

4.1

Trên cơ sở các chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được Quốc hội phê duyệt; tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế chính sách gọi thu hút, triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế ban đêm

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tư pháp

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương, Sở Tài Chính, và đơn vị liên quan

Hàng năm

4.2

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế; giải pháp tạo nguồn thu cho các chi phí phát triển kinh tế ban đêm

Cục Thuế thành phố; Sở Tài chính

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và đơn vị liên quan

Hằng năm

4.3

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố cơ chế chính sách mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; nhà hàng, cửa hàng tiện lợi.... phục vụ phát triển kinh tế ban đêm

Sở Công Thương

Sở Kế hoạch và đầu tư, Cục thuế thành phố và các đơn vị liên quan

2022

4.4

Từ thực tiễn thí điểm của quận Ninh Kiều, tình hình thực tế của địa phương và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương về kinh tế ban đêm rà soát cơ chế đặc thù (chính sách hỗ trợ, miễn giám thuế; giải pháp tạo nguồn thu cho các chi phí phát triển kinh tế ban đêm...)

Các đơn vị có liên quan

Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều

2022

5.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm

 

 

 

5.1

Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công để đầu tư và tập trung hoàn thiện các hạng mục hạ tầng các khu vực/dự án được quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm

Sở Giao thông vận tải

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan

Hằng năm

5.2

Sắp xếp tổ chức các loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc trưng như giỗ tổ Vua Hùng, lễ hội sách, lễ hội đường phố, lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, đờn ca tài tử...; mời gọi đầu tư các loại hình du lịch ban đêm tổ chức định kỳ, cố định tại các điểm du lịch để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm để phục vụ khách du lịch vào ban đêm

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban ngành và các đơn vị liên quan

Hàng năm

5.3

Nâng cấp hạ tầng thông tin liên lạc, dịch vụ công cộng lần mời gọi đầu tư theo hình thức “xã hội hóa” đối với hệ thống wifi công cộng để phục vụ lại các khu vực tập trung phát triển kinh tế ban đêm; nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường và hệ thống nhà vệ sinh công cộng

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở ban ngành và các đơn vị liên quan

2022

5.4

Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật điện các tuyến đường giao thông đảm bảo kết nối thuận lợi cho người dân tại địa phương, du khách có thể tham gia các hoạt động vào ban đêm

Sở Giao thông vận tải

Các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan

Hằng năm

6.

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế ban đêm

 

 

 

6.1

Xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí cho người lao động phục vụ các hoạt động kinh tế ban đêm

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; sở, ban ngành và các đơn vị liên quan

2022

6.2

Tập huấn nâng cao năng lực (chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ) của người lao động làm việc tại các cơ ở/doanh nghiệp kinh doanh kinh tế ban đêm

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; sở, ban ngành và các đơn vị liên quan

Hàng năm

6.3

Rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách về lao động, việc làm, thanh tra, kiểm tra lao động đảm bảo các điều kiện việc làm cho người lao động

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; sở, ban ngành và các đơn vị liên quan

Hàng năm

7.

Công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế ban đêm

 

 

 

7.1

Theo dõi, đánh giá các mô hình thí điểm kinh tế ban đêm; xây dựng quy chế quản lý, bố trí nhân sự, kinh phí... cho các mô hình và hoạt động phát triển kinh tế ban đêm

Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều

Các đơn vị liên quan

2022

7.2

Tăng cường công tác quản lý an ninh trật tự, theo dõi đánh giá các vấn đề phát sinh từ hoạt động kinh tế ban đêm

Công an thành phố

Các đơn vị liên quan

Hằng năm

7.3

Bổ sung các chỉ tiêu thống kê về hoạt động kinh tế ban đêm để theo dõi quản lý; lồng ghép các nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố và các quận huyện

Sở Kế hoạch vả Đầu tư

Các đơn vị liên quan

2022

7.4

Tăng cường thực hiện công tác phối hợp liên ngành, đa ngành thông qua xây dựng quy chế, văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát tốt công tác quản lý thị trường, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm,....

Sở Công thương

Các đơn vị liên quan

Hằng năm

II

Giai đoạn 2 (đánh giá, đúc kết kinh nghiệm thí điểm và chuẩn bị các nguồn lực phát triển kinh tế ban đêm trên toàn địa bàn thành phố)

(thời gian thực hiện 6 tháng, sau khi kết thúc thí điểm ở quận Ninh Kiều)

 

 

2024

1

Tổ chức các hoạt động đánh giá, rút kinh nghiệm

Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều

Các đơn vị liên quan

2024

2

Tiếp nhận ý tưởng, thẩm định đánh giá các dự án đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các khu vực kinh tế ban đêm

Các đơn vị liên quan

Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều

2024

3

Tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế ban đêm theo quy định, Theo dõi, giám sát vận hành các mô hình kinh tế ban đêm

Chủ đầu tư các dự án

Các đơn vị liên quan

2024

4

Tham mưu báo cáo với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương có hoạt động tương tự và mời gọi sự tham gia nghiên cứu, đúc kết bài học kinh nghiệm từ đội ngũ các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách thông qua các hình thức đề tài nghiên cứu, hội thảo hội nghị,..

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các đơn vị liên quan

2024

III

Giai đoạn 3 (vận hành, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế ban đêm

 

 

2025 trở về sau

1

Theo dõi, giám sát vận hành các mô hình kinh tế ban đêm

Các đơn vị được giao vận hành, quản lý các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn

Các đơn vị liên quan

Hằng năm

2

Tiếp tục tiếp nhận ý tưởng, đề xuất từ các nhà đầu tư: thẩm định đánh giá các dự án đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các dự án kinh tế ban đêm

Ủy ban nhân dân quận huyện

Các đơn vị liên quan

Hằng năm

3

Tham mưu báo cáo với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương có hoạt động tương tự và mời gọi sự tham gia nghiên cứu, đúc kết bài học kinh nghiệm từ các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách thông qua các hình thức đề tài nghiên cứu, hội thảo hội nghị,..

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các đơn vị liên quan

Hằng năm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1401/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều)

  • Số hiệu: 1401/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/04/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Thực Hiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản