Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 14tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN, CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH; ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương";

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 89/TTr-SNV ngày 19/3/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, với các nội dung sau:

I. Mục tiêu, yêu cầu, phạm vi và đối tượng

1. Mục tiêu

1.1. Xác định Chỉ số cải cách hành chính để theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính hằng năm của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh (Sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị).

1.2. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức về công tác cải cách hành chính trong từng cơ quan, đơn vị.

1.3. Căn cứ Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ và tình hình thực tế địa phương, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế của các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

d) Hằng năm tổ chức triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.

2. Yêu cầu

a) Chỉ số cải cách hành chính phải bám sát các tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh do Bộ Nội vụ ban hành và đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của tỉnh và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.

b) Chỉ số cải cách hành chính phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của tỉnh và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính hằng năm của các cơ quan, đơn vị.

c) Đánh giá định lượng để có thể so sánh việc thực hiện công tác cải cách hành chính giữa các cơ quan, đơn vị.

d) Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị thông qua điều tra xã hội học.

e) Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính hằng năm của các cơ quan, đơn vị.

b) Đối tượng áp dụng

Các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (không bao gồm Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh); Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố.

II. Nội dung Đề án

1. Cấu trúc Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính

 Bộ tiêu chí gồm 2 Phụ lục:

- Phụ lục 1: Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phụ lục 2: Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Bộ tiêu chí cấu trúc gồm: 8 lĩnh vực đánh giá, cụ thể:

+ Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

+ Cải cách thủ tục hành chính.

+ Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

+ Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

+ Cải cách tài chính công.

+ Hiện đại hóa hành chính.

+ Tác động của cải cách hành chính đến công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức, cá nhân.

2. Thang điểm, phương pháp đánh giá và xếp hạng

2.1. Thang điểm

- Thang điểm đánh giá là 100, trong đó:

+ Đối với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Điểm đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính là 70/100; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 30 điểm.

+ Đối với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Điểm đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính là 75,5/100; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 24,5 điểm.

- Thang điểm được xác định cụ thể đối với từng nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2.

2.2. Phương pháp đánh giá

2.2.1. Tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị

- Các cơ quan, đơn vị tự đánh giá và chấm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trên Phần mềm quản lý chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính các cấp tỉnh Tuyên Quang theo tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 và hướng dẫn của Sở Nội vụ. Điểm tự đánh giá được thể hiện tại cột “Tự đánh giá” của Phụ lục 1, Phụ lục 2.

- Các cơ quan, đơn vị tự đánh giá giải trình và cung cấp đầy đủ tài liệu kiểm chứng. Trường hợp tiêu chí nào tự đánh giá mà không có giải trình hoặc tài liệu kiểm chứng thì không được điểm tại tiêu chí đó.

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các cơ quan, đơn vị. Kết quả thẩm định được thể hiện tại cột “Điểm thẩm định” của Phụ lục 1, Phụ lục 2.

2.2.2. Đánh giá thông qua điều tra xã hội học

- Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học được xác định với các nội dung tại Phụ lục 1, Phụ lục 2.

- Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí của Bộ tiêu chí.

- Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học được thể hiện tại cột “Điều tra XHH” của Phụ lục 1, Phụ lục 2.

2.3. Xác định Chỉ số cải cách hành chính và xếp hạng

- Tổng hợp điểm đánh giá qua điều tra xã hội học và điểm thẩm định được thể hiện tại cột “Điểm đạt được”.

- Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa tổng điểm đạt được và tổng điểm tối đa của các cơ quan, đơn vị. Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị được thể hiện ở dòng cuối cùng của Phụ lục 1, Phụ lục 2.

- Xếp hạng đối với các cơ quan, đơn vị từ cao xuống thấp theo Chỉ số cải cách hành chính đạt được.

Điều 2. Giao trách nhiệm

1. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tự đánh giá, chấm điểm thực hiện cải cách hành chính theo Bộ tiêu chí.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng Bộ câu hỏi điều tra xã hội học và tổ chức điều tra xã hội học theo quy định.

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định kiện toàn Hội đồng thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm thực hiện cải cách hành chính theo Bộ tiêu chí.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật các tiêu chí chấm điểm theo Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định này trên Phần mềm quản lý chấm điểm.

- Lập dự toán kinh phí xác định Chỉ số cải cách hành chính hằng năm; kinh phí duy trì và nâng cấp Phần mềm quản lý chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính.

- Tham mưu, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức công bố Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định dự toán kinh phí phục vụ công tác đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị hằng năm.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ cập nhật các tiêu chí chấm điểm theo Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định này trên Phần mềm quản lý chấm điểm.

- Phối hợp với Sở Nội vụ triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chấm điểm trên Phần mềm; kịp thời cập nhật, nâng cấp Phần mềm quản lý chấm điểm.

4. Bưu điện tỉnh

Phối hợp với Sở Nội vụ triển khai thực hiện công tác điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

5. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Chỉ đạo, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị; phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức điều tra xã hội học, xác định Chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 13/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh uỷ; Báo cáo
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3 (thực hiện);
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng TH&CB, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn