Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 140/QĐ-NH14

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN PHÒNG NGỪA RỦI RO CỦA NGÂN HÀNG VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 23-5-1990;
- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ;
- Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo và Vụ trưởng Vụ Tín dụng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về tổ chức và hoạt động thông tin phòng ngừa rủi ro của Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng".

Điều 2. Quy chế này áp dụng cho Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Công ty tài chính và Hợp tác xã tín dụng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan ở Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các tổ chức tín dụng nói ở điều 2 trên đây.

 

 

KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Chu Văn Nguyễn

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN PHÒNG NGỪA RỦI RO CỦA NGÂN HÀNG VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ban hành kèm theo quyết định số: 140/QĐ-Nh14 ngày 24-7-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương I

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Thông tin phòng ngừa rủi ro đối với hoạt động tín dụng, ngân hàng là một yêu cầu cần thiết và là trách nhiệm chung của Ngân hàng Nhà nước (dưới đây viết tắt là NHNN) và của các tổ chức tín dụng (Tổ chức tín dụng nói ở đây bao gồm các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng liên doanh, Công ty tài chính và Hợp tác xã tín dụng - dưới đây viết tắt là TCTD). Trong đó NHNN có trách nhiệm làm đầu mỗi để thực hiện công tác này trong toàn hệ thống Ngân hàng và các TCTD.

Điều 2. Mục đích thực hiện công tác thông tin phòng ngừa rủi ro là xây dựng một mạng lưới thu nhập thông tin từ cơ sở nhằm:

- Giúp các TCTD có thêm các thông tin cần thiết để làm cơ sở cho việc đầu tư tín dụng có hiệu qủa, phòng ngừa và phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

- Giúp Nân hàng Nhà nước hoạch định chính sách tiền tệ phân phối tín dụng hợp lý, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.

- Giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có thêm các thông tin cần thiết để hạn chế và phân tán bớt rủi ro trong hoạt động và các mối quan hệ kinh tế.

Điều 3. Tại NHNNTW thành lập Trung tâm thông tin phòng ngừa rủi ro đặt tại Vụ Tín dụng (viết tắt là Trung tâm TPRTW). Tại các chi nhánh NHNN Thành phố Hà nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có khối lượng hoạt động tín dụng lớn thành lập Trung tâm thông tin phòng ngừa rủi ro (dưới đây viết tắt là Trung tâm TPR); các chi nhánh NHNN còn lại có Bộ phận thông tin phòng ngừa rủi ro nằm trong phòng Tổng hợp, hoặc phòng Tín dụng, kế toán tùy điều kiện từng nơi (dưới đây viết tắt là Bộ phận TPR). Tại các TCTD thành lập Bộ phận thông tin phòng ngừa rủi ro ở cấp phòng hoặc trực thuộc phòng chức năng của tổ chức tín dụng (viết tắt là bộ phận TPR).

Chương II

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH CỦA TRUNG TÂM PHÒNG NGỪA RỦI RO TRUNG ƯƠNG

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ:

- Là đầu mối thông tin phòng ngừa rủi ro trong toàn hệ thống Ngân hàng TCTD nhằm thu nhận lưu trữ, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin; đưa ra báo cáo đánh giá, phân loại xí nghiệp; dự báo về kinh tế, tiền tê, tín dụng nhằm phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh của Ngân hàng, các Tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp.

- Hướng dẫn hoạt động của các Trung tâm và Bộ phận thông tin phòng ngừa rủi ro ở các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và ở các TCTD.

- Phối hợp với các TCTD để xây dựng và tổ chức hoạt động tốt công tác thông tin phòng ngừa rủi ro trong toàn hệ thống tín dụng - Ngân hàng.

- Thực hiện thêm một số nhiệm vụ mới khác do Thống đốc NHNN giao thêm theo yêu cầu phát triển công tác Ngân hàng.

Điều 5. Tổ chức:

Trung tâm TPR TW là đơn vị thuộc bộ máy của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước. Điều hành là giám đốc giúp việc; Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng. Trung tâm TPR TW được biên chế đầy đủ cán bộ, được trang bị phương tiện và điều kiện cần thiết để làm việc.

Điều 6. Điều hành và tổ chức thu nhận, cung cấp thông tin:

Giám đốc trung tâm TPR TW chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng Vụ Tín dụng trong việc điều hành hoạt động của Trung tâm để thực hiện đầy đủ các chức năng nhiệm vụ của Trung tâm và điều hành việc thu nhập, cung cấp thông tin suốt trong toàn hệ thống.

Việc tổ chức thu nhập thông tin từ các Trung tâm và Bộ phận TPR của hệ thống thông tin phòng ngừa rủi ro về Trung tâm TPR TW được thực hiện qua kênh liên lạc của Trung tâm tin học Ngân hàng Nhà nước. Các Trung tâm, Bộ phận TPR của các tỉnh phía Nam truyền về Trung tâm tin học Ngân hàng khu vực I thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm tin học Ngân hàng khu vực I có trách nhiệm tổng hợp và truyền ngay về Trung tâm tin học Ngân hàng Nhà nước. Các Trung tâm, Bộ phận TPR của các tỉnh phía Bắc truyền tin về Trung tâm tin học Ngân hàng Nhà nước. Trung tâm tin học Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp và truyền ngay Trung tâm TPR TW.

Việc cung cấp thông tin của Trung tâm TPR TW đối với các Trung tâm, Bộ phận TPR được thực hiện trực tiếp từ Trung tâm TPR TW đến Trung tâm, Bộ phận TPR bằng Modem truyền tin.

Chương III

TỔ CHỨC, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRUNG TÂM, BỘ PHẬN TPR TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Điều 7. Tổ chức Trung tâm, Bộ phận TPR tại chi nhánh NHNN:

7.1 Tại các chi nhánh NHNN: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vũng Tàu - Bà Rịa.... và các tỉnh có khối lượng hoạt động tín dụng lớn được thành lập Trung tâm TPR trực thuộc Giám đốc chi nhánh. Điều hành Trung tâm TPR là Giám đốc và có một số Phó giám đốc, Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm TPR do Giám đốc chi nhánh NHNN bổ nhiệm.

Trung tâm có con dấu riêng, được biên chế từ 5-7 cán bộ, được trang bị phương tiện và điều kiện cần thiết để làm việc.

7.2 Tại các chi nhánh NHNN còn lại, Bộ phận TPR được tổ chức trong phòng Tổng hợp, hoặc phòng Tín dụng. kế toán do một Phó trưởng phòng trực tiếp phụ trách, Bộ phận được biên chế từ 3-5 cán bộ, được trang bị phương tiện và điều kiện cần thiết để làm việc.

Điều 8. Các Trung tâm, Bộ phận TPR tại các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố có chức năng thu nhận, lưu trữ tổng hợp, phân tích cung ứng thông tin phòng ngừa rủi ro; đưa ra các báo cáo, đánh giá, dự báo về kinh tế, tiền tệ, tín dụng nhằm phòng ngừa trên địa bàn tỉnh, thành phố nói riêng và trong cả nước nói chung.

Điều 9. Trung tâm, Bộ phận TPR tại các chi nhánh NHNN có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1- Thu nhập từ tổ chức tín dụng trên địa bàn các thông tin ban đầu, thông tin bổ sung và thông tin đột xuất theo các biểu mẫu quy định của các doanh nghiệp của các doanh nghiệp có quan hệ với TCTD, đồng thời cồn có nhiệm vụ thu thập thông tin từ các nguồn khác mà Bộ phận TPR có thể khai thác được.

2- Tổng hợp, phân tích, xử lý các nguồn số liệu, dữ liệu do bộ phận TPR đã tiếp nhận và thu thập được, trên cơ sở đó để xây dựng các báo cáo đánh giá, dự báo về tiền tệ, tín dụng có liên quan đến rủi ro trong hoạt động tín dụng.

3- Thông báo kịp thời thông tin rủi ro đã được quy định về Trung tâm TPR TW theo định kỳ và đột xuất khi Trung tâm TPR TW yêu cầu.

4- Bộ phận TPR có thể liên hệ với bộ phận TPR các tỉnh khác hoặc Trung tâm TPR TW để xin cung cấp thông tin.

5- Cung cấp thông tin theo định kỳ và theo yêu cầu đột xuất của TCTD trên địa bàn tỉnh, thành phố với thời gian nhanh nhất do hai bên thỏa thuận.

6- Sau khi đã được Giám đốc chi nhánh NHNN duyệt, được quyền công bố các báo cáo đánh giá, dự báo về tiền tệ tín dụng có liên quan đến rủi ro trong hoạt động tín dụng trong từng thời kỳ.

7- Việc cung cấp thông tin cho các TCTD ngoài địa bàn tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân khác phải được Giám đốc chi nhánh NHNN chấp nhận, hoặc phải thông qua Trung tâm TPR TW

8- Việc cung cấp thông tin cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài sẽ có quy định riêng của Thống đốc NHNN.

9- Bộ phận TPR phải đảm bảo cung cấp thông tin tin cậy, chuẩn xác về nội dung thông tin và đảm bảo giữ bí mật thông tin theo quy định của Thống đốc NHNN.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 140/QĐ-NH14 năm 1993 về tổ chức và hoạt động thông tin phòng ngừa rủi ro của Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 140/QĐ-NH14
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/07/1993
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Chu Văn Nguyễn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản