Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2014/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 11 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CỤ THỂ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2014/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 882/TTr-STNMT ngày 29 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cụ thể một số điều của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai năm 2013.

(có Quy định chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười (10) ngày kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2012 và Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- TT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Trung tâm Lưu trữ tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT - Hiệu 85 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Bùi Đức Hải

 

QUY ĐỊNH

CỤ THỂ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2014/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI
(Kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định các nội dung mà Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ phân cấp cho UBND cấp tỉnh cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, với các nội dung sau đây:

a) Hạn mức giao đất ở mới cho hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân để tự xây dựng nhà ở tại đô thị hoặc nông thôn theo quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

b) Hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao khi được cơ quan nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận); xác định lại diện tích đất ở với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có vườn, ao trong cùng một thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận nay có nhu cầu xác định lại diện tích đất ở, hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi đã đo đạc lập bản đồ địa chính.

c) Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước giao đất trống, đồi núi trọc để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc xác định lại diện tích đất trống, đồi trọc cho hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận; hạn mức giao khoán đất sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ nông trường viên.

d) Diện tích đất tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tách thửa.

e) Quy định về định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa.

f) Quy định việc cưỡng chế thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành.

2. Các nội dung không quy định tại Quyết định này thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ.

3. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan Nhà nước có liên quan tới việc quản lý, sử dụng đất đai.

b) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đai.

c) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ nhưng trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở và trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ, được cấp, hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận, đã xây dựng nhà ở và công trình chính ổn định, phù hợp với quy hoạch khu dân cư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 (ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành).

Điều 2. Quy định này không áp dụng cho các trường hợp

1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

 2. Các trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế được cơ quan Nhà nước giao đất theo dự án tạo nguồn thu từ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng; hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vượt hạn mức đất ở theo quy định.

3. Công nhận đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm kinh tế trang trại.

4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà gắn với quyền sử dụng đất.

5. Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất sau khi ly hôn theo quyết định của tòa án hoặc kết quả tự thỏa thuận giữa 2 vợ chồng khi ly hôn.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Diện tích tối thiểu để tách thửa đối với các loại đất (cụ thể Khoản 2 Điều 143 và Khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai)

1. Đối với đất ở

Việc tách thửa đất ở quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 dưới đây phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch chi tiết khu dân cư được duyệt.

a) Khu vực đô thị (phường, thị trấn)

Diện tích tối thiểu để được công nhận là diện tích đất ở sau khi tách thửa phải từ 35 m2 trở lên, chiều rộng mặt đường tối thiểu là 3,5 m, chiều sâu tối thiểu 5 m.

b) Khu vực nông thôn

Diện tích tối thiểu để được công nhận là đất ở sau khi tách thửa quy định cụ thể như sau:

- Khu vực thị tứ, trung tâm cụm xã, trung tâm xã, khu vực giáp ranh với đô thị (trong phạm vi 100 m tính từ ranh giới phường, thị trấn), các vị trí giáp đường giao thông có chiều rộng từ 13 m trở lên thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị: Diện tích tối thiểu để bố trí lô đất ở phải từ 50 m2 trở lên chiều rộng mặt đường tối thiểu là 4 m, chiều sâu tối thiểu 5 m.

- Các khu vực còn lại: Diện tích tối thiểu để bố trí lô đất ở phải từ 60 m2 trở lên chiều rộng mặt đường tối thiểu là 4 m, chiều sâu tối thiểu 6 m.

c) Thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa thuộc khu vực đô thị và nông thôn phải đảm bảo các điều kiện về diện tích, kích thước cạnh như quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này.

d) Trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất

Nếu thửa đất được thừa kế, khi phân chia tài sản cho những người thừa kế mà có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định thì không làm thủ tục chia tách thửa đất mà chỉ cấp đổi lại Giấy chứng nhận cho một người được đứng tên thừa kế theo thỏa thuận của những người thừa kế để đảm bảo diện tích thửa đất cấp lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu.

2. Đối với đất nông nghiệp

a) Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác:

- Khu vực đô thị: Diện tích tối thiểu tách thửa phải từ 1.000 m2 trở lên.

- Khu vực nông thôn: Diện tích tối thiểu tách thửa phải từ 2.000 m2 trở lên.

b) Đất trồng cây lâu năm:

- Khu vực đô thị: Diện tích tối thiểu tách thửa phải từ 2.000 m2 trở lên.

- Khu vực nông thôn: Diện tích tối thiểu tách thửa phải từ 5.000 m2 trở lên.

c) Đất trồng rừng sản xuất:

- Khu vực đô thị: Diện tích tối thiểu tách thửa phải từ 1ha trở lên.

- Khu vực nông thôn: Diện tích tối thiểu tách thửa phải từ 3 ha trở lên.

3. Xử lý các trường hợp đã tách thửa trước ngày Quyết định này có hiệu lực.

Thửa đất ở hộ gia đình, cá nhân đã tách thửa và làm đầy đủ thủ tục tách thửa trước ngày 27 tháng 9 năm 2012 (ngày Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND có hiệu lực); thửa đất nông nghiệp đã tách thửa và làm đầy đủ thủ tục tách thửa trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành mà phù hợp với quy định của Luật Đất đai và phù hợp với quy hoạch chi tiết khu dân cư (đối với đất ở) hoặc quy hoạch sử dụng đất (đối với đất nông, lâm nghiệp) nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận theo diện tích đất thực tế đã tách thửa.

4. Đối với đất nông nghiệp là đất vườn liền kề với đất ở

Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất ở gắn với đất vườn thì diện tích và kích thước cạnh thửa đất ở phải đảm bảo lớn hơn hoặc bằng diện tích và kích thước cạnh tối thiểu được tách thửa. Diện tích đất nông nghiệp (đất vườn liền kề với đất ở) xác định theo quy hoạch chi tiết được duyệt, không áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều này.

5. Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư (không phải là đất vườn ao liền kề với đất ở)

Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất đồng thời với việc chuyển mục đích sang đất ở nếu phù hợp với quy hoạch khu dân cư đã được phê duyệt và diện tích, kích thước cạnh thửa đất xin tách thửa lớn hơn hoặc bằng diện tích, kích thước cạnh tối thiểu được tách thửa đối với đất ở thì không áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều này.

6. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất ở thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin hợp thửa đất ở đó với thửa đất ở khác liền kề để tạo thành thửa đất ở mới có diện tích và kích thước cạnh bằng hoặc lớn hơn diện tích và kích thước cạnh tối thiểu được tách thửa đối với đất ở thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp giấy chứng nhận thửa đất ở mới.

7. Các thửa đất sau khi tách thửa, hợp thửa theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 và Khoản 6 Điều này phải đảm bảo có đường vào thửa đất đó mới được tách thửa, hợp thửa theo quy định.

8. Không cho phép tách thửa đất ở đối với các thửa đất đã được giao tại những nơi có quy hoạch chi tiết khu dân cư tỷ lệ 1/500 trở xuống đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh phá vỡ quy hoạch hạ tầng khu dân cư.

Điều 4. Hạn mức giao đất ở mới khu vực đô thị (cụ thể Khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai)

1. Các vị trí giáp đường giao thông từ 13m trở lên tính từ chỉ giới giao thông (đường đỏ)

Diện tích giao từ 50 m2 đến 150 m2/hộ. Chiều rộng theo mặt đường chính tối thiểu là 4m, chiều sâu tối thiểu 5m.

2. Các vị trí còn lại

Diện tích từ 60 m2 đến 200 m2/hộ. Chiều rộng theo mặt đường chính tối thiểu là 4m, chiều sâu tối thiểu 5m.

3. Đối với khu dân cư mới đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì diện tích đất ở được xác định theo diện tích đã quy hoạch. Khi thu tiền sử dụng đất phần diện tích đất trong hạn mức theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này tính theo giá đất trong bảng giá đất của UBND tỉnh; phần diện tích vượt hạn mức tính theo giá đất cụ thể.

Điều 5. Hạn mức giao đất ở mới khu vực nông thôn (cụ thể Khoản 2 Điều 143 Luật Đất đai)

1. Đối với khu vực thị tứ, trung tâm cụm xã, trung tâm xã

a) Từ 60 m2 đến 200 m2/hộ đối với các vị trí giáp đường trục chính tính từ chỉ giới giao thông (đường đỏ), chiều rộng theo mặt đường chính tối thiểu là 4m, chiều sâu tối thiểu 5m.

b) Từ 60 m2 đến 250 m2/hộ cho các vị trí còn lại, chiều rộng theo mặt đường chính tối thiểu là 4m, chiều sâu tối thiểu 5m.

2. Khu vực còn lại

a) Vị trí giáp đường giao thông là quốc lộ, tỉnh lộ

Từ 60 m2 đến không quá 300 m2/hộ. Chiều rộng theo mặt đường tối thiểu là 4 m, chiều sâu tối thiểu 6 m.

b) Các khu vực còn lại khác từ 60 m2 đến không quá 400 m2/hộ. Chiều rộng theo mặt đường tối thiểu là 4m, chiều sâu tối thiểu 6m.

3. Hộ gia đình có từ 3 thế hệ (hoặc có từ 2 cặp vợ chồng) trở lên cùng chung sống mức giao không quá hai (02) lần hạn mức giao đất ở mới tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

4. Đối với khu dân cư mới đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì diện tích đất ở được xác định theo diện tích đã quy hoạch. Khi thu tiền sử dụng đất phần diện tích trong hạn mức theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 điều này tính theo giá đất trong bảng giá đất của UBND tỉnh; phần diện tích vượt hạn mức tính theo giá đất cụ thể.

Điều 6. Hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao được sử dụng từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 (cụ thể Tiết a, Khoản 4 Điều 103 Luật Đất đai)

 1. Hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao được sử dụng từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 15 tháng 10 năm 1993

1.1. Trường hợp người đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở được xác định như sau:

a) Khu vực đô thị

Bằng một phẩy năm (1,5) lần với hộ dưới 5 khẩu; bằng hai (02) lần với hộ có từ 5 khẩu trở lên so với hạn mức giao đất ở mới quy định tại Điều 4 Quy định này.

 b) Khu vực nông thôn

Bằng một phẩy năm (1,5) lần với hộ dưới 5 khẩu; bằng hai (02) lần với hộ có từ 5 khẩu trở lên so với hạn mức giao đất ở mới quy định tại Điều 5 Quy định này.

c) Số khẩu được quy định để xác định mức công nhận phải là khẩu có tên trong sổ hộ khẩu và hiện đang cùng chung sống trên khu đất xin công nhận hạn mức đất ở.

1.2. Trường hợp người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ thì hạn mức đất ở được xác định như sau:

a) Khu vực đô thị

Mức công nhận theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Quy định này.

 b) Khu vực nông thôn: Mức công nhận theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 5 Quy định này.

2. Hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở có vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ thì hạn mức đất ở được xác định như sau:

a) Hộ thuộc khu vực đô thị mức công nhận theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Quy định này.

b) Hộ thuộc khu vực nông thôn mức công nhận theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 5 Quy định này.

Điều 7. Xử lý một số trường hợp cụ thể

1. Việc xác định hạn mức công nhận đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có vườn, ao trong cùng một thửa đất theo quy định tại Điều 6 trên đây trên cơ sở nguyện vọng của các hộ gia đình, cá nhân.

2. Tổng diện tích công nhận là đất ở khi xác định lại hạn mức công nhận đất ở của hộ gia đình, cá nhân tối thiểu không nhỏ hơn hạn mức giao đất ở mới tại các khu vực dân cư tương ứng và tối đa không vượt quá diện tích thực tế hiện có của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.

3. Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà đất vườn tại vị trí xin công nhận đất ở có độ dốc lớn (trên 300) thì phần diện tích đất vườn này không được công nhận là đất ở.

4. Trong quá trình thực hiện bồi thường về đất (trước khi bồi thường) hoặc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai nếu diện tích đất ở ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Nhà nước sẽ xác định lại theo hạn mức quy định tại Điều 6 Quy định này, đồng thời Nhà nước cấp đổi Giấy chứng nhận cho phù hợp với kết quả xác định lại.

5. Hộ gia đình đã được giao đất ở, đất vườn, ao trong cùng một thửa đất khi thực hiện quy hoạch mở đường giao thông đi qua giữa mảnh đất ở. Nay cấp lại Giấy chứng nhận, trong điều kiện quỹ đất cho phép thì phần đất ở được phép dồn về một phía có diện tích lớn hơn (diện tích và kích thước cạnh phải lớn hơn hoặc bằng diện tích và kích thước cạnh thửa đất ở tối thiểu theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quy định này) để thuận tiện cho người sử dụng.

6. Diện tích đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân đã chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở hoặc đã chuyển quyền sử dụng đất cho người khác làm đất ở mà đã nộp tiền sử dụng đất trước khi xét công nhận hạn mức đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao thì không phải tính vào hạn mức công nhận đất ở quy định tại Điều 6 Quy định này.

7. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận là đất ở, và đã xây dựng nhà ở trên diện tích đó trước ngày 21 tháng 4 năm 2008 (ngày Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành); hoặc hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận, nay Nhà nước thu hồi theo quy hoạch (phần diện tích đất thu hồi không liên quan đến công trình nhà ở đã xây dựng từ trước) nếu phần đất còn lại của hộ gia đình đó có nhà ở không đảm bảo về diện tích và kích thước các cạnh so với quy định tại Điều 3 Quy định này mà Nhà nước không bố trí tái định cư cho hộ gia đình đó hoặc Nhà nước có bố trí tái định cư song hộ gia đình đó không có nhu cầu di chuyển, nay nếu các hộ này có nhu cầu xin cấp đổi Giấy chứng nhận vẫn tiến hành làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận theo diện tích còn lại.

8. Trường hợp thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng hiện trạng vẫn sử dụng ổn định theo Giấy chứng nhận đã cấp mà không đảm bảo về diện tích và kích thước các cạnh (nhỏ hơn) quy định tại Điều 3 Quy định này thì vẫn cho phép làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cấp đổi Giấy chứng nhận.

9. Trường hợp thửa đất ở bị thu hồi mà phần đất còn lại không đảm bảo về diện tích và kích thước các cạnh quy định tại Điều 3 Quy định này thì nhà nước tiến hành thu hồi đất và bồi thường theo quy định hiện hành mà không cấp Giấy chứng nhận. Diện tích đất bị thu hồi giao cho UBND xã quản lý

Điều 8: Hạn mức giao khoán đất sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ nông trường viên.

Hộ là cán bộ công nhân viên của các nông, lâm trường trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp được nhận khoán đất sản xuất nông, lâm nghiệp của các nông, lâm trường, các Công ty nông nghiệp. Hạn mức giao khoán đất sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ căn cứ vào quỹ đất hiện có của các nông, lâm trường, Công ty nông nghiệp nhưng mức giao khoán tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.

Điều 9. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình và cá nhân (cụ thể Khoản 5 Điều 129 Luật Đất đai)

1. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng để sử dụng vào mục đích trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 2 ha đối với mỗi loại đất.

2. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc để sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha.

3. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc để sử dụng vào mục đích trồng rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ; trồng rừng sản xuất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất.

4. Hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông, lâm nghiệp theo hạn mức tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này không tính vào hạn mức giao đất nông, lâm nghiệp cho hộ gia đình cá nhân.

5. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cụ thể cho hộ gia đình, cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo thực tế quỹ đất hiện có của địa phương nhưng không vượt quá mức quy định tại tại Khoản 1, Khoản 2, và Khoản 3 Điều này.

Điều 10. Quy định về định mức đất và chế độ quản lý việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa (cụ thể Khoản 2 Điều 162 Luật Đất đai)

1. Việc xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa phải căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước khuyến khích việc an táng không sử dụng đất. Căn cứ vào phong tục tập quán và tình hình thực tế của từng khu vực mỗi nghĩa trang, nghĩa địa có thể gồm các hạng mục công trình sau: Tượng đài, bia tưởng niệm, phần đất để an táng

2. Diện tích mỗi phần mộ, huyệt mộ trong phần đất để an táng theo quy hoạch được phê duyệt (không tính diện tích đường đi xung quanh mộ) thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 phần quy định ban hành kèm theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh.

3. Tượng đài được xây dựng thể hiện tính uy nghiêm, tôn kính, phù hợp với cảnh quan của nghĩa trang, nghĩa địa, diện tích đất xây tượng đài (kể cả khuôn viên) căn cứ vào quỹ đất của nghĩa trang, nghĩa địa nhưng tối đa không quá 300 m2/tượng đài.

4. Bia tưởng niệm là nơi lưu giữ di ảnh và các kỷ vật của người quá cố để người thân đến tưởng niệm việc xây dựng bia phải thể hiện tính uy nghiêm, tôn kính; bia tưởng niệm được chia thành các ngăn để lưu giữ di ảnh và kỷ vật của người quá cố. Diện tích mỗi ngăn căn cứ vào tình hình thực tế của bia tưởng niệm nhưng tối đa không quá 2.500 cm2 (50 cm x 50 cm)/ngăn.

5. Mỗi nghĩa trang, nghĩa địa phải xây dựng quy chế quản lý và bố trí một tổ quản trang để trông coi, quản lý và làm các dịch vụ tang lễ đảm bảo tính uy nghiêm, tôn kính của nghĩa trang, nghĩa địa.

Điều 11. Quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành (cụ thể Khoản 2 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP)

Trường hợp tranh chấp đất đai đã có quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành của cấp có thẩm quyền mà đương sự cố tình không thực hiện thì UBND cấp huyện ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành theo quy định sau:

1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai 2013;

2. Cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

a) Đương sự không chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành của cấp có thẩm quyền.

b) Quyết định cưỡng chế đã được niêm yết công khai tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư, tại trụ sở UBND cấp xã nơi có tranh chấp đất đai.

c) Quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực thi hành.

d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế;

4. Trình tự thủ tục thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành:

a) Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế. Thành phần gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban; thành viên gồm: Đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, UBND cấp xã nơi có tranh chấp đất đai và một số thành viên khác do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.

b) Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

c) Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế theo quy định tại điểm b khoản này thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.

d) Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành:

a) UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; bố trí nơi ăn, ở cho người bị cưỡng chế trước khi thực hiện cưỡng chế và các điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành.

b) Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình UBND cấp huyện phê duyệt; thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao đất theo đúng quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành.

Trường hợp trên đất cưỡng chế có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán.

c) Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất;

d) UBND cấp xã nơi có đất cưỡng chế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành; tham gia thực hiện cưỡng chế;

đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định hòa giải thành khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu;

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các ngành, các cấp

1. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Quy định này.

 2. Cục thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục thuế các huyện, thành phố phối hợp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện áp dụng quy định này vào thu tiền sử dụng đất và các khoản thuế về đất theo quy định.

3. Sở Xây dựng hướng dẫn các huyện, thành phố lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn làm cơ sở cho việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận.

 4. UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2014/QĐ-UBND về quy định cụ thể một số điều của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP do tỉnh Sơn La ban hành

  • Số hiệu: 14/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/08/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Bùi Đức Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản