Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 14/2010/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Căn cứ Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26/01/2007 của Chính phủ quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ;
Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần;
Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 26/5/2009 hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;
Căn cứ Quyết định số 51/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 16/12/2008 về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010;
Xét đề nghị của Sở Lao động thương binh và xã hội tại Tờ trình số 91/TTr-LĐTBXH ngày 20/01/2010,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các Sở, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các Bộ: XD, LĐTBXH, YT (để b/c);
- Cục KTVB QPPL - Bộ TP (để b/c);
- Cổng TTĐT Chính phủ (để b/c);
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND TP (để b/c);
- Đoàn đại biểu QH TPHN (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các Đ/c PCT HĐNDTP;
- Ban VHXH HĐNDTP;
- Công báo HN; Các báo HNM, KTĐT CN TTXVN HN; Đài PTTH HN;
- Các đ/c PVP;
- LĐCSXH, KT, XD, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Văn Bình

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 16 tháng 04 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về việc quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các loại nghĩa trang trên địa bàn thành phố bao gồm: nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang quốc gia và nghĩa trang người nước ngoài.

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến việc quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau và được UBND các cấp xác định vị trí, ranh giới.

2. Nghĩa trang nhân dân các cấp là nơi táng người dân thuộc ranh giới hành chính các cấp, được phân thành các loại: nghĩa trang cấp thành phố; nghĩa trang cấp quận, huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện); nghĩa trang cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); nghĩa trang thôn, làng, dòng họ, gia đình và nghĩa trang do tổ chức, cá nhân quản lý.

3. Nghĩa trang liệt sĩ là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các liệt sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Theo cấp quản lý, nghĩa trang liệt sĩ được phân thành các loại: nghĩa trang liệt sĩ cấp thành phố, nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, nghĩa trang liệt sĩ cấp xã.

4. Nghĩa trang quốc gia là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học … có công với đất nước.

5. Nghĩa trang người nước ngoài là nơi dành riêng cho chôn cất các phần mộ người nước ngoài. Theo cấp quản lý, nghĩa trang người nước ngoài được phân thành các loại: nghĩa trang người nước ngoài cấp thành phố và nghĩa trang người nước ngoài cấp huyện.

6. Nghĩa trang đã đóng cửa là nghĩa trang không cho phép tiếp tục thực hiện các hoạt động táng trong nghĩa trang.

7. Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của một người.

8. Táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của người chết.

9. Các hình thức táng người chết bao gồm: mai táng, hỏa táng và các hình thức táng khác.

10. Mai táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.

11. Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn trong đất.

12. Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.

13. Cải táng là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.

14. Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng.

15. Hỏa táng là thực hiện việc thiêu xác người chết hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.

16. Dịch vụ nghĩa trang bao gồm: tổ chức tang lễ, mai táng, hỏa táng thi hài hoặc hài cốt; xây mộ, cải táng, chăm sóc mộ, tu sửa mộ; chăm sóc, bảo quản, lưu giữ tro cốt tại các nhà lưu giữ tro cốt và dịch vụ phục vụ việc thăm viếng, tưởng niệm.

17. Quản lý nghĩa trang là việc thực hiện các nội dung theo quy chế quản lý đã được phê duyệt.

18. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang là người đang sống có quan hệ với người được táng trong nghĩa trang hoặc đến thăm viếng, tưởng niệm.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý và sử dụng nghĩa trang

1. Việc táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang. Trường hợp táng người chết ngoài khu vực nghĩa trang phải được sự chấp thuận của UBND cấp huyện hoặc thành phố.

2. Việc táng người chết trong các nghĩa trang phải phù hợp với phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh hiện đại và tuân thủ các quy định hiện hành về xây dựng, vệ sinh, môi trường.

3. Việc sử dụng đất trong nghĩa trang phải theo quy hoạch và đúng mục đích.

4. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.

Điều 4. Chính sách áp dụng đối với các đối tượng đặc biệt

1. Người vô gia cư, không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc táng, khi chết ở địa phương nào thì UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức táng.

2. Người không có thân nhân, sống ở địa phương nào thì khi chết UBND cấp xã ở địa phương đó có trách nhiệm tổ chức táng với chi phí được lấy từ tài sản của người chết (nếu có) hoặc từ ngân sách của địa phương.

3. Người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người địa phương khác có nguyện vọng được táng tại nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội do đơn vị quản lý nghĩa trang xem xét, chấp thuận.

4. Đối với các trường hợp chết trên địa bàn thành phố Hà Nội do thiên tai, dịch bệnh, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm hỗ trợ, tổ chức táng cho người chết, bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh phòng dịch, không gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Đối với các mộ trong nghĩa trang không có hoặc không còn thân nhân chăm sóc, đơn vị quản lý nghĩa trang được chép di chuyển mộ tới vị trí khác. Trong trường hợp muốn di chuyển mộ tới nghĩa trang khác phải được đơn vị quản lý nghĩa trang nơi tiếp nhận chấp thuận.

Điều 5. Các hành vi bị cấm

1. Xây dựng mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang không đúng quy định.

2. Mua bán, chuyển nhượng đất trong nghĩa trang dưới mọi hình thức.

3. Phá hoại các công trình xây dựng trong nghĩa trang.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc gây khó khăn cho người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ nghĩa trang.

5. Thu phí, lệ phí, thực hiện kinh doanh các dịch vụ nghĩa trang trái quy định của pháp luật.

6. Táng người chết ngoài các nghĩa trang đã được UBND các cấp xác định vị trí, ranh giới.

7. Không chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về đóng cửa nghĩa trang, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ.

8. Vi phạm các quy định, nội quy của nghĩa trang.

Chương 2.

QUẢN LÝ VỀ QUẢN LÝ NGHĨA TRANG

MỤC 1. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NGHĨA TRANG

Điều 6. Nội dung Quản lý nhà nước về nghĩa trang

1. Quy hoạch và xây dựng nghĩa trang

2. Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản về quản lý và sử dụng nghĩa trang.

3. Quản lý giá dịch vụ nghĩa trang.

4. Đề xuất việc đóng cửa nghĩa trang với các cấp chính quyền khi nghĩa trang không còn đủ điều kiện hoạt động. Nghĩa trang do cấp nào quản lý thì UBND cấp đó có thẩm quyền quyết định việc đóng cửa nghĩa trang.

5. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống nghĩa trang trên địa bàn thành phố.

6. Thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.

7. Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động, quản lý của các nghĩa trang.

8. Mở rộng hợp tác với quốc tế, với các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.

9. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các phương pháp mới trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.

10. Tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.

Điều 7. Thực hiện quản lý nhà nước về nghĩa trang

1. UBND thành phố thống nhất quản lý nghĩa trang trên toàn địa bàn thành phố.

2. Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quy hoạch, xây dựng nghĩa trang trên địa bàn thành phố.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố.

4. UBND các cấp (huyện, xã): Thực hiện quản lý nhà nước về nghĩa trang; giao đơn vị trực tiếp quản lý nghĩa trang trong phạm vi địa phương mình.

Điều 8. Phân cấp quản lý và xác định đơn vị quản lý trực tiếp nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội

1. Phân cấp quản lý nghĩa trang

a) Cấp thành phố: quản lý các nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang người nước ngoài cấp thành phố và nghĩa trang quốc gia.

b) Cấp huyện: quản lý các nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sĩ và nghĩa trang nước ngoài cấp huyện;

c) Cấp xã: quản lý nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, nghĩa trang thôn, làng, dòng họ, gia đình.

2. Đơn vị quản lý trực tiếp các nghĩa trang

a) Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội quản lý các nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang người nước ngoài cấp thành phố và nghĩa trang quốc gia;

b) UBND các cấp huyện, xã giao cho các đơn vị có đủ thẩm quyền, năng lực quản lý trực tiếp các nghĩa trang thuộc cấp mình quản lý;

c) Các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp hoặc thuê quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa.

Điều 9. Phê duyệt Quy định về các hoạt động trong nghĩa trang

1. UBND theo phân cấp quản lý nghĩa trang phê duyệt Quy định chi tiết về các hoạt động trong các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang người nước ngoài, nghĩa trang nhân dân được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân phê duyệt Quy định chi tiết về các hoạt động trong nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa sau khi có thoả thuận của UBND đã giao đất. Khi ban hành phải gửi cho Sở Lao động thương binh xã hội, UBND đã thỏa thuận, UBND nơi xây dựng nghĩa trang để quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

MỤC 2. NGHĨA TRANG NHÂN DÂN

Điều 10. Nội dung quản lý trực tiếp nghĩa trang nhân dân

1. Đối với nghĩa trang đang được sử dụng

a) Phổ biến, giám sát việc thực hiện những quy định về quản lý và sử dụng nghĩa trang;

b) Định kỳ chăm sóc cây xanh, bảo quản phần mộ, tro cốt, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về vệ sinh trong các hoạt động táng;

d) Bảo đảm về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.

đ) Trang bị các thiết bị bảo hộ cá nhân như: khẩu trang, quần áo, ủng, găng tay … cho nhân viên và yêu cầu sử dụng khi trực tiếp thực hiện công việc táng;

e) Giám sát, quản lý hoặc trực tiếp cung cấp các dịch vụ nghĩa trang;

g) Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang;

h) Rà soát việc đánh số, xác định vị trí khu mộ, hàng mộ, ngôi mộ trong nghĩa trang, đưa ra phương án điều chỉnh thích hợp (nếu cần thiết). Trong trường hợp các khu mộ, phần mộ và vị trí các ô lưu trữ tro cốt chưa được đánh số thì thực hiện việc đánh số theo hướng dẫn tại Điều 14 của Quy chế này;

i) Lập các bảng chỉ dẫn, sơ đồ vị trí các khu chức năng, khu mộ, hàng mộ, phần mộ và vị trí các ô lưu trữ tro cốt phục vụ cho người thăm viếng;

k) Xử lý các hành vi vi phạm; báo cáo cho các cơ quan chức năng các hành vi vi phạm nghiêm trọng để giải quyết kịp thời;

l) Thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm) về tình hình quản lý sử dụng nghĩa trang. (Đơn vị quản lý nghĩa trang được đầu tư theo phương thức xã hội hóa báo cáo với UBND cấp xã, nơi xây dựng nghĩa trang).

2. Đối với nghĩa trang đã đóng cửa: Thực hiện quản lý theo các nội dung ở khoản 1 điều này trừ 2 điểm c và đ.

Điều 11. Bảo vệ, chăm sóc, tu bổ nghĩa trang

1. Thường xuyên chăm sóc, bảo quản phần mộ, tro cốt. Khi phát hiện ra những hiện tượng bất thường liên quan đến phần mộ, tro cốt như: mất trộm, xuống cấp, hư hỏng … đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm báo ngay cho thân nhân của người chết và các cơ quan chức năng theo thẩm quyền giải quyết.

2. Kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây ảnh hưởng đến nghĩa trang và người sử dụng dịch vụ nghĩa trang.

3. Chăm sóc, ươm trồng các vườn hoa, thảm cỏ, cây cảnh, cây xanh, làm sạch đẹp môi trường, cảnh quan trong nghĩa trang.

4. Kiểm tra và đề xuất việc tu bổ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, nghĩa trang.

Điều 12. Vệ sinh trong các hoạt động táng và vệ sinh môi trường trong nghĩa trang

1. Trong đơn vị quản lý nghĩa trang phải có bộ phận chuyên trách về vệ sinh, môi trường.

2. Sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, quần áo, ủng, găng tay … khi trực tiếp thực hiện công việc táng.

3. Phải làm vệ sinh sạch sẽ ngay sau mỗi lần tổ chức táng. Thường xuyên vệ sinh trong khuôn viên nghĩa trang.

4. Thực hiện các hoạt động táng và vệ sinh môi trường trong nghĩa trang theo quy định hiện hành của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 13. Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang

1. Nội dung hồ sơ nghĩa trang:

a) Danh sách, sơ đồ vị trí các khu chức năng, khu mộ, hàng mộ, phần mộ, vị trí các ô lưu giữ tro cốt (bao gồm vị trí đã sử dụng và vị trí còn trống);

b) Sổ theo dõi hoạt động táng, lưu giữ tro cốt theo thời gian;

c) Lưu trữ các thông tin cơ bản của người được táng: họ tên, quê quán, nguyên nhân chết, ngày chết, địa chỉ thân nhân để liên hệ và các giấy tờ liên quan.

2. Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang; cung cấp thông tin cho tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

3. Khuyến khích áp dụng công nghệ tin học tiên tiến trong việc lập, lưu trữ, khai thác hồ sơ nghĩa trang.

Điều 14. Xác định vị trí các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt trong nghĩa trang

1. Tất cả các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt trong nghĩa trang đều phải được đánh số.

2. Việc xác định vị trí các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt trong nghĩa trang phải đảm bảo mục tiêu rõ ràng, thuận tiện cho người sử dụng và người quản lý.

3. Phương pháp xác định vị trí các phần mộ.

a) Vị trí của ngôi mộ trong nghĩa trang được tạo thành bởi: khu mộ/hàng mộ/số mộ;

b) Trong hồ sơ lưu trữ cần ghi đầy đủ khu mộ/hàng mộ/số mộ; trên mộ chỉ ghi số mộ. Số của các phần mộ trong nghĩa trang phải tương ứng với hồ sơ lưu;

c) Sử dụng các chữ cái A, B, C, … đặt tên cho các khu mộ;

d) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, … để đánh số cho các hàng mộ trong khu mộ dọc theo các trục đường chính;

đ) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, … để đánh số liên tiếp cho các mộ trong khu dọc theo các hàng (dự kiến cả số của những mộ chưa được xây dựng);

e) Trong trường hợp các ngôi mộ hiện hữu không được xây theo dãy, hàng thì sử dụng các chữ cái A, B, C, … để phân khu và sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, … đánh số liên tiếp các ngôi mộ trong khu.

4. Phương pháp xác định vị trí các ô lưu trữ tro cốt.

a) Sử dụng các chữ cái A, B, C, … đặt tên cho các khu, các phòng lưu trữ tro cốt;

b) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, … để đánh số thứ tự cho các tầng (nếu có) và cho các ô lưu trữ tro cốt;

c) Tùy theo cách bố trí các ô lưu trữ tro cốt, đơn vị quản lý nghĩa trang chủ động đưa ra phương pháp phân khu các ô lưu trữ cho phù hợp thuận tiện cho người tìm kiếm và người quản lý.

5. Ghi tên khu mộ, đánh số ngôi mộ, vị trí ô lưu giữ tro cốt phải rõ ràng, đảm bảo sử dụng lâu dài.

6. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào việc xác định vị trí các phần mộ và các ô lưu trữ tro cốt trong các nghĩa trang.

Điều 15. Sử dụng đất trong nghĩa trang

1. Việc sử dụng đất trong nghĩa trang phải đúng theo quy hoạch, theo vị trí khu mộ, hàng mộ và phần mộ. Sử dụng đất mai táng phải đúng mục đích, đúng đối tượng.

2. Việc giao đất mai táng trong nghĩa trang thực hiện lần lượt theo khu, hàng đã định trước, tránh việc tự ý lựa chọn khu đất mai táng.

3. Không được giao đất mai táng cho các đối tượng để dành. Trừ những trường hợp sau:

a) Người từ 70 tuổi trở lên;

b) Người đang mắc bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị;

c) Người từ 60 tuổi trở lên có vợ hoặc chồng đã được mai táng trong nghĩa trang thì được đặt trước 01 (một) vị trí táng cùng nghĩa trang.

4. Phần đất nơi huyệt mộ sau khi cải táng phải để tối thiểu là 12 tháng mới được tái sử dụng vào mục đích mai táng.

5. Diện tích tối đa cho mỗi mộ hung táng và chôn cất 1 lần không quá 5m2 và cho mỗi mộ cát táng tối đa không quá 3m2.

Điều 16. Xây mới, tu bổ phần mộ trong nghĩa trang

1. Việc xây mới, tu bổ phần mộ, bia mộ, trồng cây trong nghĩa trang phải được sự chấp thuận của đơn vị quản lý nghĩa trang.

2. Việc xây mới, tu bổ mộ không được làm ảnh hưởng đến các phần mộ xung quanh và cảnh quan chung của nghĩa trang.

3. Các phần mộ trong một khu mộ phải bố trí cách đều nhau. Khoảng cách tối đa giữa hai hàng mộ là 0,8m; khoảng cách tối đa giữa hai mộ trong một hàng là 0,6m.

4. Chiều cao tối đa cho một ngôi mộ là 2m (tính từ mặt đất, kể cả phần trang trí).

5. Hướng, kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ phải tuân thủ theo các quy định của đơn vị quản lý nghĩa trang.

6. Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây mới, tu bổ phần mộ trong nghĩa trang theo đúng quy định.

Điều 17. Kinh phí quản lý nghĩa trang và giá dịch vụ nghĩa trang

1. Đối với nghĩa trang nhân dân được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

a) Kinh phí quản lý nghĩa trang được lấy từ nguồn thu dịch vụ và nguồn vốn ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, mua sắm trang thiết bị được chi từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp. Trong trường hợp Quỹ này không đảm bảo đơn vị quản lý trình cấp có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.

c) UBND thành phố phê duyệt giá dịch vụ nghĩa trang cho từng loại nghĩa trang; quy định những trường hợp được miễn giảm tiền dịch vụ nghĩa trang.

2. Đối với nghĩa trang do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng

a) Kinh phí quản lý nghĩa trang được lấy từ nguồn thu dịch vụ nghĩa trang;

b) Giá dịch vụ nghĩa trang do Chủ đầu tư tự quyết định trên cơ sở phương án khai thác kinh doanh đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận.

3. Giá dịch vụ nghĩa trang phải được niêm yết công khai, minh bạch.

MỤC 3. NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

Điều 18. Nội dung quản lý trực tiếp nghĩa trang liệt sĩ

1. Phổ biến những quy định về quản lý và sử dụng nghĩa trang liệt sĩ

2. Trực tiếp hoặc phối hợp bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ.

3. Định kỳ chăm sóc, bảo quản phần mộ, di vật (nếu có) của liệt sĩ.

4. Bảo đảm các quy định về vệ sinh trong các hoạt động táng và vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.

5. Lập và lưu trữ hồ sơ phần mộ, hồ sơ nghĩa trang.

6. Đánh số, xác định vị trí các khu chức năng, khu mộ, hàng mộ, phần mộ theo Điều 14 của Quy chế này. Lập các bảng chỉ dẫn phục vụ người thăm viếng.

7. Xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm Quy chế, Quy định của nghĩa trang.

8. Thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm) về tình hình quản lý sử dụng nghĩa trang.

Điều 19. Bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ

1. UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tổ chức đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện được bàn giao từ Lào, Campuchia … về. (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện).

2. UBND cấp huyện tổ chức đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ quy tập trong nước.

3. UBND cấp xã tổ chức đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ di chuyển về địa phương. Đối với địa phương không có nghĩa trang liệt sĩ thì báo cáo với UBND cấp huyện để tổ chức đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ thuộc địa bàn huyện.

4. Trong trường hợp thân nhân có nguyện vọng giữ lại hài cốt liệt sĩ an táng tại địa phương (không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ), UBND địa phương cấp xã có trách nhiệm tổ chức đón nhận và hỗ trợ cho thân nhân an táng.

5. Khi bàn giao hài cốt liệt sĩ cần lập biên bản ghi rõ những thứ bàn giao: hài cốt, di vật, sơ đồ vị trí nơi phát hiện ra mộ, các thông tin liên quan đến liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ.

6. Lễ đón nhận, an táng phải trang nghiêm thể hiện lòng tôn kính đối với các liệt sĩ. Việc an táng phải tuân theo các quy định về vệ sinh trong các hoạt động táng.

Điều 20. Xây dựng mộ liệt sĩ

1. Mộ trong một nghĩa trang liệt sĩ phải được xây dựng thống nhất về hình dáng, kích thước, quy cách. UBND các cấp phối hợp với Sở Xây dựng quy định mẫu cho các phần mộ, bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ do mình quản lý.

2. Khoảng cách giữa các mộ tuân theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Quy chế này.

3. Bia mộ liệt sĩ bao gồm các nội dung chính sau (chỉ ghi những phần đã rõ thông tin): Họ và tên liệt sĩ, ngày tháng năm sinh, quê quán, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, ngày hy sinh.

Điều 21. Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang liệt sĩ

1. Nội dung hồ sơ nghĩa trang liệt sĩ

a) Sơ đồ vị trí các khu chức năng, khu mộ, dãy mộ, hàng mộ, phần mộ (bao gồm vị trí đã sử dụng và vị trí còn trống);

b) Sổ theo dõi hoạt động táng trong nghĩa trang, danh sách mộ liệt sĩ (bao gồm cả chuyển đến và chuyển đi). Số của các phần mộ trong nghĩa trang phải tương ứng với hồ sơ lưu.

c) Hồ sơ của từng phần mộ liệt sĩ.

d) Hồ sơ các công trình trong nghĩa trang.

2. Lập, lưu trữ hồ sơ của từng phần mộ liệt sĩ

a) Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ từng phần mộ liệt sĩ;

b) Hồ sơ từng phần mộ liệt sĩ bao gồm: họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh, đơn vị, chức vụ, biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ, địa chỉ thân nhân để liên hệ và các giấy tờ liên quan.

3. Các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp danh sách mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, danh sách mộ đã được chuyển đi, mộ liệt sĩ do thân nhân quản lý và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để báo cáo theo định kỳ 6 tháng, một năm.

4. Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội lập danh sách mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ cấp thành phố, danh sách mộ đã được chuyển đến, chuyển đi để báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo định kỳ 6 tháng, một năm.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp danh sách toàn bộ mộ liệt sĩ trên địa bàn thành phố Hà Nội để báo cáo UBND thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 22. Kinh phí quản lý nghĩa trang liệt sĩ

1. Kinh phí hỗ trợ cho việc xây mộ, an táng hài cốt liệt sĩ do ngân sách trung ương và địa phương bảo đảm. Mức chi theo các quy định của nhà nước.

2. Chi phí cho việc quản lý, chăm sóc, tu bổ mộ, công trình trong nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức đón nhận hài cốt liệt sĩ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý. Mức chi theo các quy định của nhà nước.

3. Hàng năm các đơn vị quản lý nghĩa trang liệt sĩ rà soát, lập kế hoạch tu bổ, sửa chữa trình UBND cấp quản lý phê duyệt.

MỤC 4. NGHĨA TRANG QUỐC GIA

Điều 23. Nội dung quản lý trực tiếp nghĩa trang quốc gia

1. Phổ biến những quy định về quản lý và sử dụng nghĩa trang

2. Định kỳ chăm sóc, bảo quản phần mộ, cây xanh, cảnh quan trong nghĩa trang.

3. Bảo đảm các quy định về vệ sinh trong các hoạt động táng và vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.

4. Quản lý sử dụng đất, xây mới, sửa chữa phần mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang theo quy định của trung ương.

5. Đánh số, xác định vị trí các khu chức năng, khu mộ, phần mộ trong nghĩa trang. Lập các bảng chỉ dẫn, hướng dẫn người thăm viếng.

6. Lập và lưu trữ hồ sơ của nghĩa trang và từng phần mộ trong nghĩa trang.

7. Xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm.

8. Thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm) về tình hình quản lý sử dụng nghĩa trang.

9. Thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu khác của nhà nước và thành phố giao.

Điều 24. Kinh phí quản lý nghĩa trang quốc gia

1. Kinh phí cho việc quản lý, tu bổ, tổ chức an táng tại nghĩa trang quốc gia do nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo.

2. Hàng năm Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội rà soát, lập kế hoạch tu bổ, sửa chữa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

MỤC 5. NGHĨA TRANG NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Điều 25. Nội dung quản lý trực tiếp nghĩa trang người nước ngoài

Thực hiện quản lý trực tiếp nghĩa trang người nước ngoài theo các nội dung quản lý nghĩa trang nhân dân tại Điều 10.

Điều 26. Kinh phí quản lý nghĩa trang người nước ngoài

Kinh phí quản lý nghĩa trang được ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý.

Chương 3.

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ NGHĨA TRANG

Điều 27. Quyền lợi của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang

1. Yêu cầu đơn vị quản lý cung cấp các dịch vụ nghĩa trang đúng theo quy định.

2. Thăm viếng, chăm sóc mộ theo quy định của đơn vị quản lý nghĩa trang.

3. Hưởng các quyền lợi trong thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang.

Điều 28. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang

1. Tuân thủ các quy định của nghĩa trang và các quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang.

3. Cung cấp lý lịch mộ, tro cốt để đơn vị quản lý nghĩa trang lập hồ sơ lưu trữ, quản lý.

4. Tham gia, đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 29. Xử lý những tồn tại trong việc quản lý nghĩa trang

1. Đối với nghĩa trang nhân dân chưa được quy hoạch xây dựng đồng bộ

a) UBND theo phân cấp quản lý nghĩa trang xác định lại ranh giới, phân khu chức năng, khu mộ, hàng mộ trong các nghĩa trang do mình quản lý.

b) Thực hiện việc xây mới, tu bổ các phần mộ trong nghĩa trang theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này.

2. Đối với các nghĩa trang do dòng họ, gia đình quản lý

a) UBND cấp xã thống kê các nghĩa trang do dòng họ, gia đình quản lý trên địa bàn, xác định lại ranh giới từng nghĩa trang, hướng dẫn và yêu cầu các dòng họ, gia đình thực hiện quản lý, sử dụng nghĩa trang theo các quy định tại Quy chế này.

b) UBND cấp xã kiểm soát, không cho phép việc thành lập mới và mở rộng ranh giới nghĩa trang của các dòng họ, gia đình.

3. Đối với các phần mộ không nằm trong các nghĩa trang đã được xác định vị trí, ranh giới

a) UBND cấp xã thống kê danh sách các phần mộ không nằm trong các nghĩa trang đã được xác định vị trí, ranh giới;

b) Các phần mộ này khi cải táng phải di chuyển vào trong các nghĩa trang;

c) Đối với các phần mộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, UBND cấp xã yêu cầu thân nhân di chuyển phần mộ vào trong các nghĩa trang;

d) Đối với các phần mộ không rõ thân nhân, UBND cấp xã tìm hiểu, xác định lại thông tin về thân nhân và lập kế hoạch di dời các phần mộ này vào trong các nghĩa trang.

Điều 30. Khen thưởng và xử lý các hành vi vi phạm

1. Cá nhân, tập thể có những đóng góp tiêu biểu vào việc quản lý nghĩa trang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

2. Các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm của các Sở, ngành

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tham mưu cho UBND thành phố về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang;

b) Theo dõi, quản lý các hoạt động về quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các đơn vị quản lý nghĩa trang triển khai thực hiện Quy chế này;

d) Thanh, kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang;

đ) Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các cấp đề xuất việc xây mới, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang, đóng cửa những nghĩa trang không còn đủ điều kiện hoạt động;

e) Nghiên cứu các ứng dụng tiên tiến, những phương pháp mới trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang;

g) Tổng kết, đánh giá việc quản lý và sử dụng nghĩa trang, báo cáo UBND thành phố.

2. Sở Xây dựng

a) Tham mưu cho UBND thành phố về việc quy hoạch, xây dựng hệ thống nghĩa trang trên địa bàn thành phố;

b) Hướng dẫn về kiểu dáng, kích thước mộ và các công trình trong nghĩa trang;

c) Thanh, kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang trên địa bàn thành phố;

d) Tổng hợp báo cáo UBND thành phố về tình hình quy hoạch và xây dựng nghĩa trang ở các địa phương.

3. Sở Quy hoạch kiến trúc: phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND thành phố về việc quy hoạch, xây dựng hệ thống nghĩa trang trên địa bàn thành phố.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: tham mưu cho UBND thành phố về kế hoạch đầu tư quy hoạch, xây dựng nghĩa trang.

5. Sở Tài chính

a) Tham mưu cho UBND thành phố về các vấn đề tài chính trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang. Bố trí kinh phí cho việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý nghĩa trang;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về tài chính trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang theo thẩm quyền.

6. Sở Y tế: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm việc thực hiện vệ sinh trong các hoạt động táng tại các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí: tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường.

Điều 32. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Xác định vị trí, ranh giới các nghĩa trang để quản lý.

2. Phê duyệt các Quy định chi tiết về quản lý và sử dụng nghĩa trang cho các nghĩa trang thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các nghĩa trang thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất, đảm bảo vệ sinh môi trường.

5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm) theo phân cấp quản lý (cấp xã báo cáo cấp huyện, cấp huyện báo cáo thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Điều 33. Trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp nghĩa trang

1. Lập Quy định chi tiết về các hoạt động trong nghĩa trang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Quản lý nghĩa trang theo các quy định của nhà nước, của thành phố và Quy định chi tiết về các hoạt động trong nghĩa trang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Cung cấp dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng theo quy định. Hướng dẫn người sử dụng dịch vụ nghĩa trang.

4. Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang.

5. Thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm) về tình hình quản lý sử dụng nghĩa trang.

Điều 34. Điều khoản thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị gửi ý kiến về UBND thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 14/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/04/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Đào Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản