Hệ thống pháp luật
ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 139/2006/QĐ-UBND
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 9 năm 2006
 
QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ MẪU VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÁN SỰ TÌNH NGUYỆN PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN THUỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo Thông tư liên tịch số 27/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBTWMTTQVN ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn, tổ chức, hoạt động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Điều 3 Quyết định số 56/2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về cho phép thành lập Tổ Cán sự xã hội tình nguyện tại phường, xã, thị trấn thuộc thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 525/TTr-SNV ngày 05 tháng 9 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành Quy chế mẫu về Tổ chức và hoạt động của Tổ Cán sự xã hội tình nguyện phường, xã, thị trấn thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn căn cứ Quy chế mẫu để xây dựng Quy chế Tổ chức và hoạt động của Tổ Cán sự xã hội tình nguyện phường, xã, thị trấn phù hợp với tình hình địa phương và trình Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, người đứng đầu tổ chức được phân công phụ trách Tổ Cán sự xã hội tình nguyện phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

QUY CHẾ (MẪU)

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÁN SỰ XÃ HỘI TÌNH NGUYỆN PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 139/2006/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi

Tổ Cán sự xã hội tình nguyện phường, xã, thị trấn là tổ chức xã hội, bao gồm một số cán bộ, hội viên, thành viên nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân tình nguyện tham gia công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và giúp đỡ học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng làm ăn sinh sống, góp phần lành mạnh hóa phường, xã, thị trấn, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

Điều 2. Lĩnh vực và phạm vi hoạt động

1. Tổ Cán sự xã hội tình nguyện hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và tham gia một số hoạt động có liên quan đến công tác phòng chống tệ nạn xã hội khác.

2. Tổ Cán sự xã hội tình nguyện hoạt động trên phạm vi địa bàn phường, xã, thị trấn.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

1. Mỗi phường, xã, thị trấn chỉ thành lập một Tổ Cán sự xã hội tình nguyện.

2. Tổ Cán sự xã hội tình nguyện do một tổ chức chính trị - xã hội được phân công phụ trách (sau đây gọi chung là tổ chức phụ trách) trực tiếp quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, xã, thị trấn và chịu trách nhiệm về nội dung, kết quả hoạt động của Tổ.

3. Tổ Cán sự xã hội tình nguyện hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và các thành viên tự giác chấp hành các quy định tại Quy chế này.

4. Tổ Cán sự xã hội tình nguyện hoạt động theo cơ chế phối hợp, tham gia cùng các đoàn thể, tổ chức xã hội, công an, quân sự, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội thực hiện các hoạt động phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, các hoạt động lồng ghép chương trình kinh tế - xã hội, an sinh xã hội có liên quan đến công tác giúp đỡ các đối tượng tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Chương 2

NHIỆM VỤ

Điều 4. Tổ Cán sự xã hội tình nguyện có nhiệm vụ

1. Hoạt động theo đúng Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ do Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt.

2. Tham gia phối hợp các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội khác trên địa bàn thực hiện các hoạt động phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng thông qua các hoạt động liên quan như xóa đói giảm nghèo, vì người nghèo, cứu tế xã hội và giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

3. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn phường, xã, thị trấn; tư vấn giúp đỡ người mại dâm, người nghiện ma túy, người bị nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng.

4. Tích cực phát hiện và thông báo kịp thời với tổ chức phụ trách, Công an phường, xã, thị trấn về các hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm, ma túy, hành vi lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có biện pháp giải quyết và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm.

5. Tham gia với Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện hoạt động lồng ghép cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” với xây dựng phường, xã, thị trấn lành mạnh, cơ bản không có tệ nạn mại dâm, ma túy.

Chương 3

TỔ CHỨC VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

Điều 5. Số lượng, thành viên và thể thức tham gia Tổ

1. Tùy vào kết quả phân loại địa bàn phường, xã, thị trấn để bố trí số lượng thành viên Tổ. Địa bàn phường, xã, thị trấn trọng điểm, nhiều tệ nạn ma túy, mại dâm bố trí 05 người; địa bàn có ít tệ nạn ma túy, mại dâm bố trí 03 người; địa bàn chưa có tệ nạn ma túy, mại dâm bố trí 02 người.

2. Thành viên của Tổ là những người sinh sống thường xuyên trên địa bàn phường, xã, thị trấn, tự nguyện tham gia, có sức khỏe; phẩm chất đạo đức tốt; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; có khả năng tuyên truyền vận động và sắp xếp được thời gian thực hiện nhiệm vụ.

3. Người tham gia làm thành viên của Tổ làm bản lý lịch trích ngang theo mẫu và được Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn xác nhận.

4. Tổ có Tổ trưởng và các thành viên (nếu có từ 3 thành viên trở lên có thể có 01 Tổ phó).

Điều 6. Chế độ đề cử, cho thôi giữ nhiệm vụ đối với Tổ trưởng, Tổ phó và thành viên

1. Nhiệm kỳ của Tổ trưởng, Tổ phó là 01 năm; trường hợp đặc biệt phải kéo dài thì không quá 18 tháng. Tổ trưởng, Tổ phó phải tự đánh giá kết quả hoạt động và được tổ chức phụ trách, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đánh giá năng lực điều hành Tổ làm cơ sở cho việc tái đề cử.

2. Tổ trưởng, Tổ phó do tổ chức phụ trách đề cử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, xã, thị trấn xem xét, lựa chọn đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định công nhận.

3. Thành viên Tổ do Tổ trưởng đề nghị, tổ chức phụ trách, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xem xét và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn ra quyết định công nhận.

4. Việc cho thôi giữ nhiệm vụ Tổ trưởng, Tổ phó và thành viên theo trình tự và thẩm quyền như quyết định công nhận.

Điều 7. Nhiệm vụ của Tổ trưởng

1. Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Tổ trước tổ chức phụ trách và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Tổ sau khi được tổ chức phụ trách, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thông qua.

3. Gương mẫu, tạo điều kiện cho các thành viên trong Tổ hoàn thành nhiệm vụ.

4. Quản lý, điều hành hoạt động của Tổ theo Quy chế này, thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, quý, năm với tổ chức phụ trách, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn về kết quả hoạt động của Tổ theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Điều 8. Quyền hạn của Tổ trưởng

1. Tham gia cùng tổ chức phụ trách xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, dự toán kinh phí hoạt động, chế độ chính sách theo quy định, phân công thành viên thực hiện nhiệm vụ và tham gia các hoạt động khác của Tổ;

2. Cùng với tổ chức phụ trách và các ngành liên quan đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn các biện pháp giải quyết tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS và công tác xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ của Tổ;

3. Định kỳ hoặc đột xuất, cùng với tổ chức phụ trách đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng thành viên Tổ thực hiện tốt nhiệm vụ hoặc đề nghị xử lý đối với thành viên vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ.

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ phó

Tổ phó là người giúp Tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên khi được Tổ trưởng phân công.

Chương 4

CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 10. Chính sách, chế độ

1. Thành viên của Tổ được hưởng các chính sách, chế độ như sau:

a) Tham dự tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ, được cung cấp tài liệu và thông tin có liên quan đến công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS;

b) Được tạo điều kiện về văn phòng phẩm để làm việc và sử dụng phòng họp của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn để hội họp;

2. Chế độ phụ cấp đối với Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 11. Kinh phí hoạt động của Tổ

1. Kinh phí hoạt động của Tổ cân đối từ dự toán ngân sách phường, xã, thị trấn được giao hàng năm, Quỹ phòng chống ma túy và các nguồn vận động khác theo quy định. Việc sử dụng và quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

2. Hàng năm, tổ chức phụ trách cùng với Tổ trưởng căn cứ nguồn kinh phí và nhu cầu hoạt động xây dựng dự toán của Tổ trình Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân phường, xã, thị trấn xem xét, quyết định.

3. Tổ chức phụ trách và Tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn về việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Tổ, đảm bảo việc thu, chi kinh phí hoạt động đúng quy định.

Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Trong quá trình công tác, tập thể và cá nhân thành viên Tổ được xét khen thưởng theo kết quả thành tích đạt được.

2. Thành viên Tổ bị xem xét cho thôi nhiệm vụ nếu vi phạm:

a) Trong thời gian 01 tháng (cộng dồn) nếu không tham gia hoạt động của Tổ hoặc trong 02 tháng thường xuyên không đảm bảo thời gian sinh hoạt mà không có lý do chính đáng và không thực hiện nhiệm vụ của Tổ phân công;

b) Vi phạm Quy chế hoạt động của Tổ, sau khi được góp ý, kiểm điểm hai lần mà không sửa chữa;

c) Nếu vi phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tổ chức thì tùy theo mức độ sẽ xử lý theo pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn là cấp có thẩm quyền ra quyết định khen thưởng, đề xuất khen thưởng lên cấp cao hơn; quyết định cho thôi thành viên Tổ trên cơ sở đề xuất của tổ chức phụ trách và ý kiến thống nhất của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, xã, thị trấn.

Chương 5

MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC

Điều 13. Tổ Cán sự xã hội tình nguyện có mối quan hệ làm việc như sau:

1. Tổ chịu sự chỉ đạo, quản lý chung của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.

2. Tổ chịu sự quản lý trực tiếp của tổ chức chính trị - xã hội được phân công phụ trách.

3. Tổ chịu sự giám sát và được sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phường, xã, thị trấn.

4. Tổ phối hợp hoạt động và được sự hỗ trợ của Công an, Quân sự và cán bộ chuyên trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội phường, xã, thị trấn.

Chương 6

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan, các thành viên Tổ cán sự xã hội tình nguyện có trách nhiệm thi hành Quy chế này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH


Lê Hoàng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 139/2006/QĐ-UBND ban hành Quy chế mẫu về Tổ chức và hoạt động của Tổ Cán sự tình nguyện phường, xã, thị trấn thuộc thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 139/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: 28/09/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản