Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1385/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO KHẢ NĂNG KHAI THÁC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TUYẾN HÀ NỘI - VINH

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

n cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 4/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050;

Căn cứ Quyết định số 1399/QĐ-BGTVT ngày 18/02/2012 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đầu mối Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BGTVT ngày 20/08/2014 của Bộ Giao thông vận tải ban hành chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ CNH - HĐH và phát triển bền vững giai đoạn đến 2020 theo quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/07/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1512/QĐ-BGTVT ngày 27/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đề án tái cơ cấu vận tải đường sắt đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2477/QĐ-BGTVT ngày 9/7/2015 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam;

Căn cứ Quyết định số 1423/QĐ-BGTVT ngày 10/5/2016 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020; danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh", với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM

Tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và các thành phố, các khu công nghiệp dọc tuyến đường sắt là tuyến chiến lược kết nối giữa tuyến đường sắt phía Nam và các tuyến phía Bắc. Trong những năm gần đây, sản lượng và doanh thu trên tuyến lại có xu hướng sụt giảm, vì vậy cần xây dựng một Đề án nghiên cứu những tồn tại, bất cập trong vận tải đường sắt, các nguyên nhân gây ra việc sụt giảm sản lượng, doanh thu để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng hiện có, nâng cao sản lượng và doanh thu.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Tận dụng khai thác hết năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có nhằm tăng sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến, tăng doanh thu, đảm bảo hiệu quả, an toàn trong kinh doanh vận tải.

2. Mục tiêu cụ thể:

Nghiên cứu điều chỉnh công tác tổ chức vận tải, bố trí các đơn vị vận tải thích hợp trên tuyến để nâng cao số lượng đôi tàu và doanh thu, đảm bảo mức tăng trưởng sản lượng vận tải đường sắt hàng năm từ 8% trở lên, đến năm 2020 sản lượng hành khách và hàng hóa thông qua trên tuyến là:

- Hành khách: 2.600.000 (lượt khách/năm).

- Hàng hóa: 4.500.000 (tấn/năm).

Về tốc độ chạy tàu trên tuyến đảm bảo được tốc độ trung bình của tàu khách là 80 km/h, tàu hàng là 60 km/h, để phù hợp với quyết định số 214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

III. GIẢI PHÁP

1. Các giải pháp trước mắt

a) Giải pháp điều hành và tổ chức vận tải

- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục chủ động làm việc với các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Mai để khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng của nhà máy, chịu trách nhiệm duy trì chất lượng hạ tầng và tổ chức khai thác, tổ chức xếp hàng tại nhà máy, giảm chi phí vận chuyển cho khách hàng nhằm thu hút khách hàng vận chuyển bằng đường sắt.

- Thông qua các nhà máy nắm bắt nhu cầu vận chuyển của các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào và các đại lý tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu luồng hàng trên tuyến, xây dựng hành trình chạy tàu phù hợp, Nghiên cứu tổ chức các đôi tàu hàng suốt vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho các nhà máy như: Bỉm Sơn - Đông Hà và ngược lại; tàu hàng từ Văn Điển đi Sóng Thần; Giáp Bát - Thịnh Châu, Bút Sơn v.v. Đến 2020 tăng thêm 3 đôi tàu hàng chạy trên khu đoạn Hà Nội - Vinh, tiến tới tham gia chuỗi tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy, khu công nghiệp.

- Rà soát sắp xếp đầu mối vận tải hàng hóa, hành khách hợp lý tránh chồng chéo cạnh tranh nội bộ trong hoạt động vận tải.

- Xây dựng, đưa vào ứng dụng phần mềm quản trị hàng hóa.

- Các công ty cổ phần vận tải đường sắt vận dụng toa xe hợp lý, bố trí lại lao động tại các chi nhánh vận tải để tinh giảm lao động.

- Liên kết với các công ty lữ hành du lịch nghiên cứu tổ chức các đoàn tàu du lịch kết nối các điểm du lịch trên các tuyến như: Vinh - Hà Nội - Lào Cai và ngược lại; Vinh - Hà Nội - Đồng Đăng. Phấn đấu đến 2020 chạy thêm được 2 đôi tàu khách du lịch/ngày. Năm 2017 thực hiện chạy thêm 1 đôi tàu SE35/36 từ Hà Nội - Vinh và ngược lại vào ban ngày ngoài giờ cao điểm.

b) Giải pháp kết nối với các tuyến đường sắt và phương tiện vận tải khác

- Phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng tổ chức kết nối giữa vận tải đường sắt và vận tải đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu, cụ thể như sau:

+ Mở các tuyến xe buýt kết nối trực tiếp đến cửa ga (rà soát một số ga lớn trên toàn tuyến để mở điểm kết nối xe buýt). Phân luồng, kết nối đường bộ vào các hóa trường tại các ga có xếp, dỡ hàng hóa;

+ Tổ chức bán vé trọn gói cho hành khách, bố trí đưa đón khách từ nhà đến ga và ngược lại bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp vận tải khác.

- Tại các ga lớn có lượng hành khách thường xuyên đi du lịch theo tua như: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Vinh bố trí phòng riêng phục vụ đối tượng hành khách này.

- Đầu tư phương tiện xếp dỡ cơ giới, vận chuyển đường ngắn hoặc liên kết để tổ chức triển khai vận chuyển từ kho đến kho sản phẩm của các nhà máy, khu công nghiệp nhằm hạ giá thành vận tải, giảm thời gian vận tải để cạnh tranh với vận tải đường bộ.

c) Giải pháp về kinh doanh dịch vụ

- Xây dựng cơ chế khuyến khích cho các tàu hàng Bắc - Nam chạy suốt đến ga Đông Anh và ga Yên Viên để thu hút khách hàng về 2 ga này nhằm giảm tải cho ga Giáp Bát.

- Xây dựng giá vé linh hoạt, cạnh tranh đối với từng đối tượng hành khách theo các ngày trong tuần, theo từng chiều, theo từng thời điểm trong năm để tăng cường thu hút hành khách đi bằng đường sắt, đặc biệt đối với các ngày và chiều vắng khách.

- Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phục vụ hành khách, chủ hàng tiên tiến, chuyên nghiệp; phát triển các dịch vụ gia tăng đặc biệt là kết nối với các phương thức vận tải khác để làm tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu vận tải hành khách bằng đường sắt. Xây dựng cơ chế, chiến lược chăm sóc khách hàng nhằm giữ chân và thu hút khách hàng với đường sắt. Tổ chức đào tạo lại, nâng cao trình độ phục vụ của nhân viên đường sắt.

- Tổ chức trọn gói các tua du lịch hoặc liên doanh, liên kết với các công ty du lịch lữ hành, tổ chức các đoàn tàu có hành trình phù hợp để kết nối các tua tham quan, thắng cảnh các tỉnh Bắc Trung bộ, Thừa Thiên Huế. Nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, tận dụng ưu thế khách có thể ngủ trên tàu thay khách sạn.

- Tăng cường công tác tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm vận tải đến khách hàng.

d) Giải pháp nâng cao năng lực phương tiện thiết bị

- Đẩy nhanh tiến độ dự án đóng mới 250 toa xe Container đã được phê duyệt tại Quyết định 1423/QĐ-BGTVT ngày 10/5/2016 của Bộ Giao thông vận tải.

- Khẩn trương hoàn thành dự án đóng mới 4 ram xe khách tiên tiến, chất lượng cao phục khách du lịch.

- Hoàn thành dự án đóng mới 50 đầu máy trong dự án 100 đầu máy đã được phê duyệt tại Quyết định số 1423/QĐ-BGTVT ngày 10/5/2016 của Bộ Giao thông vận tải để thay thế đầu máy Ấn Độ của Xí nghiệp đầu máy Vinh phục vụ kéo tàu trên tuyến.

- Thanh lý dần các loại đầu máy lạc hậu chi phí vận dụng cao, thanh lý đưa ra khỏi đường sắt các toa xe lạc hậu để giải phóng đường ga.

- Xây dựng bãi hàng, nhà kho phục vụ xếp dỡ, chứa hàng theo phương án xã hội hóa đầu tư.

e) Giải pháp đầu tư nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt

- Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục nhà ga:

+ Đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng đường ga Giáp Bát - đã được phê duyệt tại Công văn số 1 1628/BGTVT- KCHT ngày 5/10/2016, thực hiện trong năm 2017.

+ Cải tạo ga Vinh (tổng mức đầu tư 12,44 tỷ) đã được phê duyệt tại Quyết định 762/QĐ-CĐSVN ngày 30/12/2016; Cải tạo nâng cấp ga Thanh Hóa (tổng mức đầu tư dự kiến 51,87 tỷ) đã được phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-CĐSVN ngày 14/12/20l6.

+ Xây dựng mái che ke ga Nam Định (tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ) đã được phê duyệt kế hoạch chuẩn bị đầu tư tại Quyết định số 4356/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2016.

+ Nghiên cứu xây dựng mái che ke ga Phủ Lý (tổng mức đầu tư dự kiến 12 tỷ).

+ Nghiên cứu xây dựng bãi hàng ga Vinh theo hướng xã hội hóa.

- Nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng, các công trình thiết yếu nâng cấp tuyến để trình Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư theo khả năng bố trí vốn, cụ thể như sau:

+ Nâng cấp, cải tạo tuyến trên 16 khu gian, tổng chiều dài 138,69 km (cải tạo nền đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp đường và thay ray - hàn dài, thay ghi, tà vẹt hư hỏng, bổ sung đá ballats để nâng cao an toàn và tốc độ chạy tàu. Đối với đường cong bán kính nhỏ thực hiện cải tạo khi địa hình thuận lợi và không phải giải phóng mặt bằng).

+ Mở thêm đường số 3 đối với các ga: Chợ Tía, Cát Đằng, Yên Lý.

+ Kéo dài đường ga đối với 7 ga: Thường Tín, Phú Xuyên, Đồng Văn, Bình Lục, Cầu Họ, Đặng Xá, Nghĩa Trang.

+ Mở mới 01 ga trên khu gian Mỹ Lý - Quán Hành.

+ Xây dung 45 đoạn (dài 13,62 km) hàng rào, đường gom đồng bộ để xóa bỏ đường dân sinh tự mở (tập trung chủ yếu ở đoạn Hà Nội - Nam Định); Lắp đặt chắn tự động tại các đường ngang.

+ Xây dựng 33 đoạn (dài 23,08 km) hàng rào cách ly ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ, khu dân cư.

f) Giải pháp về cơ chế

- Rà soát, điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, định mức phù hợp với thực tế, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu, bố trí lao động hợp lý làm để giảm giá thành vận tải.

- Rà soát và tập hợp các vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh để đề xuất Bộ Giao thông vận tải chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

g) Giải pháp về huy động nguồn lực

- Đối với các bãi hàng, nhà kho, đường nhánh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án, cơ chế để kêu gọi các nhà đầu tư, chủ hàng cùng đầu tư xây dựng bãi hàng, nhà kho, đường nhánh mới theo phương án xã hội hóa.

- Nguồn vốn đầu tư đóng mới đầu máy, toa xe được huy động từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh và bằng vốn vay thương mại của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty cổ phần vận tải đường sắt.

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng mái che, ke ga, nâng cấp nhà ga được huy động từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án trình Bộ Giao thông vận tải xem xét phê duyệt.

- Việc đầu tư nâng cấp cải tạo hạ tầng, các công trình thiết yếu như kéo dài đường ga, thêm đường ga, các công trình đảm bảo an toàn giao thông (nguồn vốn của Chính phủ), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu xây dựng từng hạng mục đầu tư cụ thể trình Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định.

2. Nhóm giải pháp lâu dài

- Phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư làm các đường nhánh từ các nhà máy, khu công nghiệp kết nối vào đường sắt quốc gia, trong đó ưu tiên đường nhánh nối vào khu công nghiệp Nghi Sơn Thanh Hóa; đường sắt nối vào cảng ICD Đồng Văn tỉnh Hà Nam; đường sắt nối từ đường nhánh chuyên dùng xi măng Bỉm Sơn hiện nay với các nhà máy trong khu công nghiệp Bỉm Sơn; đường nhánh nối vào khu công nghiệp Nam cấm tỉnh Nghệ An.

- Làm việc với Tổng công ty Xi măng Việt Nam xây dựng phương án để đề xuất lên cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để tiếp nhận hệ thống đường sắt chuyên dùng hiện có tại các công ty cổ phần xi măng về mạng lưới đường sắt quốc gia.

- Nâng cấp mở rộng ga Khoa Trường thành ga hàng hóa để đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt của nhà máy xi măng Công Thanh và khu công nghiệp Nghi Sơn Thanh Hóa. Phối hợp với Tập đoàn xi măng Công Thanh đẩy nhanh dự án đường nhánh của nhà máy kết nối vào ga Khoa Trường.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp với các Vụ có liên quan tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

2. Cục Đường sắt Việt Nam đôn đốc, hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện Đề án, định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án, đề xuất kịp thời các khó khăn vướng mắc về Bộ Giao thông vận tải để kịp thời giải quyết.

3. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

- Thực hiện các nhóm giải pháp điều hành và tổ chức vận tải theo tiến độ và nội dung của Đề án, bảng phân công nhiệm vụ thực hiện Đề án (phụ lục kèm theo) đã được phê duyệt kèm theo Quyết định này.

- Chủ trì, phối hợp với các công ty cổ phần vận tải đường sắt thực hiện các nội dung có liên quan của Đề án.

- Chủ trì thống kê sản lượng vận tải, theo dõi đánh giá kết quả triển khai Đề án, định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

4. Các công ty cổ phần vận tải đường sắt

- Tổ chức triển khai các giải pháp điều hành và tổ chức vận tải liên quan theo nội dung của Đề án.

- Theo dõi và định kỳ 6 tháng một lần báo cáo tiến độ thực hiện Đề án, sản lượng vận tải về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm cơ sở đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện Đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Báo GT;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Lưu: VT, V.Tải (Trường3b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP  NÂNG CAO KHẢ NĂNG KHAI THÁC VẬN TẢI TUYẾN HÀ NỘI - VINH
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1385/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 05 năm 2017)

STT

Tên giải pháp

Đơn vị thực hiện

Thời gian thực hiện

Ghi chú

I. Nhóm giải pháp trước mắt

a

Giải pháp điều hành và tổ chức vận tải:

1

Mượn hệ thống kết cấu hạ tầng của các nhà máy xi măng, chịu trách nhiệm duy trì chất lượng hạ tầng và tổ chức khai thác tổ chức xếp hàng tại nhà máy. Tiến tới tham gia chuỗi phân phối sản phẩm của các nhà máy, khu công nghiệp.

Tổng công ty đường sắt Việt Nam chủ trì; Các công ty cổ phần vận tải đường sắt phối hợp.

2017-2020

 

2

Thông qua các nhà máy nắm bắt nhu cầu vận chuyển của các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào và các đại lý tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu luồng hàng trên tuyến, xây dựng hành trình chạy tàu phù hợp.

Nghiên cứu tổ chức các đôi tàu hàng suốt như: Bỉm Sơn- Đông Hà; Văn Điển - Sóng Thần; Giáp Bát - Thịnh Châu, Bút Sơn v.v. Phấn đấu đến 2020 tăng thêm 3/ngày đôi tàu hàng xuất phát trên khu đoạn Hà Nội - Vinh.

Các công ty cổ phần vận tải đường sắt chủ trì; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp xây dựng biểu đồ chạy tàu.

2017-2020

Thực hiện thường xuyên

3

Rà soát sắp xếp đầu mối vận tải hàng hóa, hành khách hợp lý tránh chồng chéo cạnh tranh nội bộ trong hoạt động vận tải.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì; Các công ty cổ phần vận tải đường sắt phối hợp.

2017

 

4

Xây dựng đưa vào ứng dụng phần mềm quản trị hàng hóa.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì; Các công ty cổ phần vận tải đường sắt phối hợp.

2017

 

5

Các công ty cổ phần vận tải vận dụng toa xe hợp lý, bố trí lại lao động tại các chi nhánh vận tải để tinh giảm lao động.

Các công ty cổ phần vận tải đường sắt.

2017

 

6

Liên kết với các Công ty lữ hành du lịch tổ chức các đoàn tàu du lịch kết nối các điểm du lịch trên các tuyến như: Vinh - Hà Nội - Lào Cai và ngược lại; Vinh - Hà Nội - Đồng Đăng v.v. Phấn đấu đến 2020 chạy thêm được 2 đôi tàu / ngày. Năm 2017 thực hiện chạy thêm 1 đôi tàu SE35/36 từ Hà Nội đến Vinh vào ban ngày ngoài giờ cao điểm.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội chủ trì.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp.

2017-2020

Thực hiện thường xuyên

b

Giải pháp kết nối với các tuyến đường sắt và phương tiện vận tải khác

 

 

 

1

Phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng tổ chức kết nối giữa vận tải đường sắt và vận tải đường bộ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu, cụ thể như sau:

+ Mở các tuyến xe buýt kết nối trực tiếp đến cửa ga (rà soát một số ga lớn trên toàn tuyến để mở điểm kết nối xe buýt). Phân luồng, kết nối đường bộ vào các hóa trường tại các ga có xếp, dỡ hàng hóa;

+ Tổ chức bán vé trọn gói cho hành khách, bố trí đưa đón khách từ nhà đến ga và ngược lại bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp vận tải khác.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì; Các công ty cổ phần vận tải đường sắt phối hợp.

 

 

 

 

 

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn thực hiện.

2017

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì nghiên cứu và đề xuất phương án kết nối với các Sở Giao thông vận tải địa phương.

Các công ty cổ phần vận tải đường sắt đề xuất các nhu cầu với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Vụ Vận tải phối hợp hỗ trợ

2

Tại các ga lớn có lượng hành khách thường xuyên đi du lịch theo tua như: Hà Nội; Ninh Bình; Thanh Hoá; Vinh, bố trí phòng riêng phục vụ đối tượng hành khách này.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn phối hợp cùng thực hiện.

2017-2020

 

3

Đầu tư phương tiện xếp dỡ, vận chuyển đường ngắn hoặc liên kết, tổ chức, triển khai vận chuyển từ kho tới kho sản phẩm của các nhà máy, khu công nghiệp;

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Ratraco thực hiện.

2017-2020

 

c.

Giải pháp về kinh doanh dịch vụ:

 

 

 

1

Xây dựng cơ chế khuyến khích cho các tàu đi hàng Bắc - Nam suốt đến ga Đông Anh và ga Yên Viên

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì; Các công ty cổ phần vận tải đường sắt phối hợp.

2017-2020

 

2

Xây dựng giá vé linh hoạt, cạnh tranh đối với từng đối tượng hành khách, các ngày trong tuần, theo chiều và mùa vụ.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn thực hiện.

2017

Thường xuyên

3

Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phục vụ tiên tiến chuyên nghiệp; Tổ chức các dịch vụ gia tăng đặc biệt là kết nối với các phương tiện vận tải khác, làm tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu vận tải hành khách bằng đường sắt. Xây dựng cơ chế, chiến lược chăm sóc khách hàng nhằm giữ chân khách hàng với đường sắt. Tổ chức đào tạo lại, nâng cao trình độ phục vụ của nhân viên.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Ratraco thực hiện.

2017

Xây dựng tiêu chuẩn năm 2017.

Tiếp tục phát triển dịch vụ gia tăng trong năm tiếp theo.

4

Liên kết với các công ty du lịch lữ hành tổ chức các đoàn tàu có hành trình phù hợp để kết nối các tua tham quan, thắng cảnh các tỉnh Bắc Trung bộ, Thừa Thiên Huế.

Hai Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn chủ trì; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp.

2017-2020

Thực hiện thường xuyên

5

Tăng cường công tác tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm vận tải đến khách hàng.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Ratraco thực hiện.

2017-2020

Thực hiện thường xuyên

d.

Giải pháp nâng cao năng lực phương tiện thiết bị.

 

 

 

1

Đẩy nhanh tiến độ dự án đóng mới 250 toa xe Container đã được phê duyệt tại Quyết định 1423/QĐ-BGTVT ngày 10/5/2016 của Bộ Giao thông vận tải..

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội thực hiện.

2017

Theo kế hoạch của Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội: tháng 4/2017 cho 100 xe ra xe vận dụng, tháng 7/2017 sẽ cho 150 xe tiếp theo ra vận dụng.

2

Khẩn trương hoàn thành dự án đóng mới 4 ram xe khách tiên tiến, chất lượng cao phục vụ khách du lịch.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội thực hiện.

2017

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội đầu tư

3

Hoàn thành dự án đóng mới 50 đầu máy trong dự án 100 đầu máy đã được phê duyệt tại Quyết định 1423/QĐ- BGTVT ngày 10/5/2016 của Bộ Giao thông vận tải.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện.

2017-2018

 

4

Thanh lý dần các loại đầu máy lạc hậu chi phí vận dụng cao, thanh lý đưa ra khỏi đường sắt các toa xe lạc hậu giải phóng đường ga

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện

2017-2018

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì rà soát về đầu máy. Các Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn chủ trì rà soát toa xe.

5

Xây dựng bãi hàng, nhà kho phục vụ xếp dỡ, chứa hàng theo phương án xã hội hóa đầu tư.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì xây dựng phương án xã hội hóa đầu tư.

2017-2020

 

e.

Giải pháp Đầu tư nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt

 

 

 

14

Đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cao đường ga Giáp Bát, đã được phê duyệt tại Công văn số 11628/BGTVT- KCHT ngày 5/10/2016.

Cục Đường sắt Việt Nam ra quyết định đầu tư.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện.

Quý II/2017

Ưu tiên thực  hiện trong năm 2017 (tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng).

2

+ Cải tạo ga Vinh (tổng mức đầu tư 12,44 tỷ) đã được phê duyệt tại Quyết định 762/QĐ-CĐSVN ngày 30/12/2016. Cải tạo nâng cấp ga Thanh Hóa (tổng mức đầu tư dự kiến 51,87 tỷ) đã được phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-CĐSVN ngày 14/12/2016.

+ Xây dựng mái che ke ga Nam Định (tổng mức đầu tư 20 tỷ) đã được phê duyệt kế hoạch chuẩn bị đầu tư tại quyết định số 4356/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2016.

+ Nghiên cứu xây dựng mái che ke ga Phủ Lý (dự kiến tổng mức đầu tư 12 tỷ).

+ Nghiên cứu xây dựng bãi hàng ga Vinh theo hướng xã hội hóa.

Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án trình Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định.

2017-2018

 

f.

Giải pháp về cơ chế.

 

 

 

1

Rà soát, điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, định mức phù hợp với thực tế, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu, bố trí lao động hợp lý làm để giảm giá thành vận tải.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty cổ phần vận tải đường sắt thực hiện.

2017-2020

 

2

Rà soát và tập hợp các vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh để đề xuất Bộ Giao thông vận tải chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Tổng công ty Đường sắt Việt nam đề xuất, Bộ Giao thông vận tải chỉnh sửa.

2017-2020

 

II

Nhóm giải pháp lâu dài :

 

 

 

1

Phối hợp với các địa phương quy hoạch, kêu gọi đầu tư làm các đường nhánh từ các nhà máy, khu công nghiệp kết nối vào đường sắt quốc gia

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

2017-2020

Thực hiện thường xuyên

2

Làm việc với Tổng công ty Xi măng Việt Nam xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao hệ thống đường sắt chuyên dùng hiện có tại các công ty cổ phần xi măng về mạng lưới đường sắt quốc gia.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất.

2017-2020

Đề nghị các Bộ, Ngành liên quan hỗ trợ.

3

Nâng cấp mở rộng ga Khoa Trường thành ga hàng hóa. Phối hợp với Tập đoàn Xi măng Công Thanh đẩy nhanh dự án đường nhánh của nhà máy kết nối vào ga Khoa Trường.

Phía Công Thanh xây dựng đường nhánh.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện.

2017-2020

Nghiên cứu phương án trình Bộ Giao thông vận tải để tiếp tục thực hiện