Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1371/QĐ-BNN-TCTS | Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2017 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1684/QĐ-TTg ngày 30/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 3640/QĐ-BNN-KH ngày 5/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016-2020;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế” với các nội dung chính sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của ngành thủy sản với các nước và tổ chức quốc tế.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và sản phẩm thủy sản trong bối cảnh Việt Nam đi sâu hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
II. QUAN ĐIỂM
1. Chủ động tích cực trong quá trình hội nhập, gắn kết nền kinh tế thủy sản Việt Nam với kinh tế thủy sản khu vực và thế giới thông qua việc thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế từ việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ và phát triển thủy sản trong nước phù hợp với các quy định của các Công ước, Hiệp định quốc tế, cũng như phát huy tối đa tiềm năng, nội lực của ngành để đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương trong các lĩnh vực hợp tác khoa học công nghệ, vốn, thương mại và đào tạo nguồn nhân lực.
2. Đa dạng hóa, đa phương hóa các hình thức hợp tác quốc tế theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương mà Việt Nam cam kết thực hiện.
3. Hội nhập kinh tế và triển khai các FTA nhằm ổn định và mở rộng phát triển thị trường xuất khẩu, thu hút công nghệ khai thác, sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao gắn với với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
4. Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, tập trung vào các sản phẩm thủy sản chủ lực có chất lượng, thương hiệu vào các thị trường tham gia FTA đảm bảo hiệu quả.
III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Rà soát hoàn thiện thể chế ngành thủy sản
- Điều chỉnh, bổ sung Luật Thủy sản (sửa đổi) về các khái niệm và nội hàm về quản lý nghề cá mà Luật hiện hành và các văn bản dưới Luật chưa tương thích với các khái niệm quốc tế.
- Rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cùng với các quy định chặt chẽ về sản xuất từ nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh; phương thức nuôi thương mại..) đến chế biến và xuất khẩu ra thị trường (nguyên liệu vào nhà máy, bảo quản, chế biến, đóng gói bao bì..).
- Điều chỉnh và bổ sung quy định về nhập khẩu sản phẩm thủy sản và nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu phù hợp với chuẩn mực quốc tế được Việt Nam thỏa thuận trong các FTA.
- Bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn thủy sản các quy định về truy xuất nguồn gốc (chất lượng sản phẩm, thành phần, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm và các giấy chứng nhận), quy định trách nhiệm bảo quản, chế biến và tiêu thụ xuất khẩu, quản lý một cửa chuyên nghiệp được chấp nhận trong các hiệp định FTA trên nền tảng tiêu chuẩn quốc tế (SPS, TBT. Codex ..).
- Điều chỉnh bổ sung các chính sách đầu tư gắn thực hiện các FTA tại nguồn vốn được phê duyệt trong các kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm trong các lĩnh vực Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản đảm bảo đủ điều kiện hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng.
- Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, các thông tin về thị trường, và các cam kết quốc tế của Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và của một số thị trường nhập khẩu chính khác.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống, đối tác tiềm năng phục vụ cho công tác hợp tác quốc tế của ngành.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng xây dựng văn bản pháp luật, cập nhật kiến thức về pháp luật, thương mại cho cơ quan, tổ chức và chuyên gia tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật liên quan.
2. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng hội nhập của ngành
2.1. Tăng cường việc ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác nghề cá và đường dây nóng với các nước nhằm giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu, đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác trên biển.
a) Xây dựng Đề án gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc; Hiệp định tuân thủ của FAO, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng để tạo điều kiện cho các đội tàu của Việt Nam tham gia hoạt động khai thác tại các ngư trường trên các vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế theo thông lệ quốc tế.
b) Xây dựng Đề án khai thác thủy sản viễn dương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Đẩy mạnh đàm phán, hoàn tất thủ tục để Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), xây dựng phương án tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác lớn là thành viên sáng lập và có ảnh hưởng trong WCPFC nhằm tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ về kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm quản lý nghề cá.
d) Đàm phán ký kết Hiệp định/Thỏa thuận hợp tác nghề cá với các quốc đảo như: Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Mai-crô-nê-xi-a, Pa-lau và một số nước trong khu vực ASEAN như Bru-nây Đa-rút-xa-lam nhằm đưa tàu cá của Việt Nam sang khai thác hải sản tại vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước này theo định hướng khai thác bền vững, hoặc hợp tác khai thác theo hạn ngạch mà các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực đã cấp cho các nước này tại vùng nước thẩm quyền của mình.
đ) Đàm phán ký kết Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng với các nước có vùng biển giáp ranh với Việt Nam và các nước có bắt giữ tàu cá của ta như Ma- lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Úc, Mai-crô-nê-xi-a, Thái Lan nhằm ngăn ngừa các hoạt động vi phạm khai thác bất hợp pháp, tiến hành cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh trú bão cho các tàu của ngư dân nước ta khi hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.
2.2. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ sản xuất một số đối tượng sản phẩm thủy sản quốc gia, chủ lực
a) Xây dựng Phương án đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất tôm sú, tôm thẻ chân trắng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh, thích nghi tăng trưởng nhanh với Mỹ, Xinh-ga-po, Ê-cu-a-đo; cá Rô phi với Trung Quốc, Đài Loan, I-xra-en; nhuyễn thể với Hàn Quốc; cá biển với Nhật Bản, Na Uy; rong biển với Nhật Bản, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a.
b) Xây dựng Phương án Hợp tác với Ai Cập, I-xra-en, Ê-cu-a-đo, Đài Loan, Trung Quốc về chuyển giao, ứng dụng và phát triển các công nghệ nuôi tôm nước lợ mới như: hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), công nghệ Biofloc, Nano bạc, sử dụng công nghệ sinh học (như dung dịch EM gốc...) nhằm phòng chống được một số loại bệnh trên tôm nuôi giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm không kháng sinh; công nghệ Raceway cho nuôi cá rô phi, cá nước ngọt.
c) Xây dựng phương án hợp tác với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về thú y thủy sản và phát triển sức khỏe vật nuôi trong nuôi trồng thủy sản, xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh, các chương trình giám sát, kiểm dịch phục vụ xuất khẩu đối với một số đối tượng chủ lực.
d) Xây dựng Phương án hợp tác với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản về phát triển công nghệ khai thác vây đuôi, hiện đại hóa tàu cá, các công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng khai thác cá nổi.
đ) Tăng cường nghiên cứu về dinh dưỡng thủy sản, phát triển nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất trong nuôi trồng thủy sản hiện nay, đặc biệt là các đối tượng chủ lực.
2.3. Tranh thủ hợp tác với các nước phát triển, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường năng lực, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành Thủy sản
a) Xây dựng đề xuất, tranh thủ các hỗ trợ kĩ thuật với các nước có cam kết hỗ trợ trong các đàm phán FTA với Việt Nam
- Với Hoa Kỳ tập trung vào: (1) Tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đánh giá nguồn lợi và hiện đại hóa việc quản lý nghề cá xa bờ; (2) Tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biên; (3) Hợp tác xây dựng các quy định quản lý tương đương; (4) Đào tạo về quản lý nghề cá, hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP.
- Với Liên minh Châu Âu (EU) tập trung vào:(1) Hỗ trợ kĩ thuật giúp Việt Nam phê chuẩn, nâng cao năng lực và thực hiện các Hiệp định ràng buộc quốc tế mà Việt Nam có kế hoạch tham gia; (2) Triển khai các hoạt động ngăn ngừa và chống khai thác IUU; (3) Hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật quản lý khai thác thủy sản sau khi Quốc hội ban hành Luật Thủy sản (sửa đổi).
b) Tăng cường hợp tác với các đối tác có quan hệ hợp tác chiến lược và truyền thống với ngành Thủy sản
- Với Nhật Bản tập trung vào: (1) Hỗ trợ phương tiện và tăng cường năng lực thực thi trên biển cho lực lượng kiểm ngư; (2) Xây dựng các cơ chế quản lý, chính sách, đào tạo, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật khai thác và bảo quản cá ngừ đại dương chất lượng cao; (3) Tranh thủ nguồn vốn ODA đầu tư xây dựng cho các cảng cá động lực của các Trung tâm nghề cá lớn ; (4) Hỗ trợ kĩ thuật tăng cường năng lực quản lý nghề cá, sản xuất nuôi biển và rong biển.
- Với các nước Bắc Âu như Nauy, Đan Mạch: Tập trung vào rà soát, chọn lọc, trên cơ sở phát huy kết quả của các hỗ trợ kĩ thuật giai đoạn 2000-2015 để xây dựng Chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ về nuôi biển, sản xuất thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả, thúc đẩy các hoạt động hợp tác công tư cả hai bên cùng có lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư của các nước này vào Việt Nam.
c) Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế
- Tranh thủ tối đa hỗ trợ kĩ thuật của các tổ chức kĩ thuật chuyên ngành mà Việt Nam là thành viên: Tổ chức Nông Lâm Liên Hiệp quốc (FAO), Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Quĩ Môi trường toàn cầu (GEF), Mạng lưới Nuôi trồng thủy sản Châu Á, Thái Bình dương (NACA).... trong các lĩnh vực: (1) Nâng cao năng lực quản lý chất lượng, công nghệ sau thu hoạch và phát triển thị trường cho sản phẩm thủy sản; (2) Hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý nghề cá thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn về chuyên môn như đánh giá nguồn lợi, công nghệ khai thác, công nghệ nuôi biển...; (3) Tăng cường năng lực quản lý hành chính và năng lực thể chế tiến tới hoàn thiện môi trường pháp lý ngành thủy sản.
- Đẩy mạnh hợp tác với các thể chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ADF để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho phát triển nghề cá, tập trung chủ yếu vào: đầu tư xây dựng cho 5 Trung tâm nghề cá lớn các cảng cá loại 1, các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; các vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn; hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường.
2.4. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI phục vụ phát triển
a) Phát triển nuôi thủy sản ở cả 3 vùng nước ngọt, lợ và mặn. Sản xuất các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao; các chế phẩm vi sinh để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản; các loại vacxin phòng, trị bệnh cho các loài thủy sản nuôi; các loại thức ăn đặc thù cho từng loài thủy sản nuôi.
b) Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác xa bờ như: sản xuất các loại ngư cụ khai thác có chọn lọc một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu; sửa chữa, cải tạo và đóng mới tàu khai thác xa bờ với trang thiết bị và ngư cụ phù hợp hơn.
c) Liên doanh xây dựng các khu chế biến thủy sản hiện đại mang tính liên kết vùng phục vụ cho xuất khẩu.
3. Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng thủy sản
3.1. Tận dụng lợi thế về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tiềm năng theo lộ trình giảm thuế tại các thị trường có FTAs với Việt Nam và mở rộng các thị trường tiềm năng
a) Đẩy mạnh xuất khẩu tôm và cá tra sang thị trường EU tận dụng một số dòng thuế các mặt hàng chủ lực này giảm ngay về 0 ngay sau khi Hiệp định FTA Việt Nam - EU có hiệu lực.
b) Duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ tươi đông lạnh sang thị trường Nhật Bản, Mỹ.
c) Nâng cao lợi thế xuất khẩu tôm bao gồm cả tôm nguyên liệu và tôm chế biến, cá tra, mực và bạch tuộc sang thị trường Hàn Quốc theo hạn ngạch thuế quan, và cam kết giảm thuế bằng 0 đối với các sản phẩm này trong Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc.
d) Đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cá tra và các mặt hàng thủy sản thuộc chương 3 và chương 16 sang thị trường Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (hầu hết sản phẩm thủy sản đều được bỏ thuế ngay khi Hiệp định Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu có hiệu lực).
đ) Phát triển thị trường Trung Quốc theo hướng bền vững thông qua: Phối hợp, thiết lập hệ thống thông tin, nghiên cứu thị trường cụ thể, minh bạch, kịp thời, đặc biệt là những thông tin về nhu cầu và chính sách biên mậu; Thúc đẩy liên kết đầu tư, liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc để xây dựng chuỗi giá trị kết nối trực tiếp với nơi tiêu thụ. Lưu ý những mặt hàng thủy sản tươi sống có lợi thế xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: tôm sú, cua, tôm hùm, tôm càng xanh, cá biển nuôi, các loại thủy sản đặc sản khác.
e) Tiếp cận thị trường Nam Mỹ, Châu Phi và Trung Đông như các thị trường tiềm năng thông qua: Đẩy mạnh tiếp cận các tập đoàn, chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Trung Đông để kết nối trực tiếp với thị trường này; Xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại; Thiết lập quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước nhập khẩu để xây dựng cơ chế, phương thức thanh toán nhanh chóng, an toàn.
g) Duy trì và phát triển thị trường Đài Loan, ASEAN, Đông Âu, Úc, Ca-na-đa, Đài Loan thông qua thiết lập hệ thống thông tin thị trường cụ thể, minh bạch, kịp thời, tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp giữa các bên để tạo điều kiện cho các doanh nhân gặp gỡ, tiếp xúc và ký kết hợp đồng.
3.2. Nâng cao năng lực giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại thủy sản quốc tế
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu về các rào cản kỹ thuật bắt buộc và các rào cản kỹ thuật tự nguyện tại các thị trường nhập khẩu thủy sản chính nhằm cung cấp nguồn thông tin giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các nhà sản xuất chủ động đáp ứng được các yêu cầu thị trường.
b) Thành lập 1 tổ công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về các biện pháp đối phó đối với các rào cản kỹ thuật trên cơ sở nắm bắt cập nhật, xử lý các thông tin về rào cản từ các thị trường xuất nhập khẩu các sản phẩm thủy sản để có giải pháp ứng phó phòng vệ kịp thời.
c) Tăng cường thế mạnh trong các đàm phán công nhận tương đương thông qua đẩy mạnh, hoàn thiện hệ thống qui chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý giống, thức ăn, vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh thủy sản.
d) Kiên trì, tích cực đàm phán giải quyết tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phi thuế quan với các nước nhập khẩu thông qua: (1) Tổ chức Đối thoại thủy sản thường niên cấp Lãnh đạo Bộ với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc...; (2) Tăng cường đối thoại với các cơ quan thẩm quyền chuyên môn quốc tế; (3) Mở rộng phạm vi công nhận tương đương các chuẩn của Việt Nam với các chuẩn quốc tế; (4) Phối hợp, thiết lập hệ thống thông tin thị trường cụ thể, minh bạch, kịp thời đặc biệt là những thông tin về tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật.
3.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành hàng bền vững với sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong tái cơ cấu ngành thủy sản.
a) Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực và ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đi sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
b) Đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm thủy sản được sản xuất trong chuỗi giá trị gia tăng thông qua: (1) Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất thủy sản giá trị gia tăng; (2) Tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi sản xuất thủy sản; (3) Giảm tối đa giá thành sản xuất của từng khâu trong chuỗi sản xuất thủy sản.
c) Xây dựng Chiến lược phát triển ngành hàng thủy sản quốc gia đối với ngành hàng Tôm, Cá Tra, Cá Ngừ, Cá Rô phi trên cơ sở lấy định hướng xuất khẩu làm động lực cho sản xuất, chế biến, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các ngành hàng thủy sản này
d) Xây dựng Thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu Tôm Việt Nam, thương hiệu Cá Tra Việt Nam và thương hiệu Cá Ngừ Việt Nam bảo đảm các yêu cầu theo chuẩn quốc tế, gắn với chỉ dẫn xuất xứ địa lý của Việt Nam.
đ) Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng và giữ vững thị trường xuất khẩu của các sản phẩm thủy sản.
4. Kinh phí thực hiện đề án
4.1. Nguồn kinh phí: (1) Hỗ trợ của quốc tế thông qua các dự án nước ngoài; (2) Nguồn vốn vay của các tổ chức Ngân hàng thương mại trong và ngoài nước; (3) Ngân sách Nhà nước cấp vốn theo từng giai đoạn và hàng năm trên cơ sở có sự lồng ghép các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt; (4) Nguồn lực xã hội hóa trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4.2. Tổng hợp nhu cầu kinh phí
Tổng kinh phí triển khai các nội dung đề án (04 năm): 102,2 tỷ đồng trong đó: (1) Kinh phí từ ngân sách Nhà nước: 40 tỷ đồng; (2) Kinh phí huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế: 62,2 tỷ đồng.
5. Danh mục các dự án ưu tiên (Phụ lục kèm theo).
1. Các Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
a) Tổng cục Thủy sản
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án, định kỳ báo cáo kết quả lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư, các dự án cụ thể để thực hiện Đề án.
- Xây dựng nội dung thông tin thị trường ngoài việc phục vụ công tác quản lý nhà nước mà tập trung thông tin hữu ích phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và người sản xuất nguyên liệu thủy sản.
b) Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính
- Tham mưu cho Bộ đề xuất với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn, kinh phí để Bộ và các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
- Cân đối và bố trí vốn, kinh phí đảm bảo cho các đơn vị thực hiện Đề án.
c) Vụ Hợp tác Quốc tế
- Phối hợp với Tổng cục Thủy sản triển khai và tham gia các hoạt động.
- Hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai hoạt động hợp tác quốc tế; đấu tranh với các rào cản thương mại.
d) Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường
Tham mưu cho Bộ các nội dung nghiên cứu về sản xuất giống, công nghệ nuôi mới, chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các đối tượng thủy sản chủ lực.
đ) Các cơ quan, đơn vị khác
Phối hợp cùng với Tổng cục Thủy sản thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại chương trình hành động triển khai Đề án.
2. Các Doanh nghiệp, Hiệp hội
Phối hợp cùng với Tổng cục Thủy sản thực hiện các nhiệm vụ về xúc tiến thương mại các sản phẩm thủy sản, xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản, tập huấn cho doanh nghiệp và ngư dân, triển khai các dự án về khoa học công nghệ.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản cụ thể hóa các hoạt động về sản xuất mặt hàng chủ lực của địa phương từ quy mô hộ đến quy mô công nghiệp theo chuỗi giá trị.
- Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phát triển, trong đó chú trọng gắn kết với người sản xuất nguyên liệu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thủy sản.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1371/QĐ-BNN-TCTS ngày 12 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TT | Nội dung | Đơn vị thực hiện | Đơn vị phối hợp | Thời gian | Kinh phí | |
Tổng số | 102.200 | |||||
Trong đó | Ngân sách NN | Nguồn huy động | ||||
40.000 | 62.200 | |||||
I | Hoàn thiện thể chế pháp luật ngành thủy sản tương thích với luật pháp quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng hội nhập của ngành |
|
|
|
|
|
1 | Rà soát, xây dựng kế hoạch bổ sung, sửa đổi các văn bản QPPL phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, Hiệp định đàn cá di cư, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng, cam kết các FTA trong lĩnh vực nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản. | Tổng cục Thủy sản | Vụ Pháp chế | 2017-2018 | 300 |
|
2 | Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hợp tác quốc tế, thông tin thị trường, các cam kết quốc tế của một số đối tác lớn phục vụ công tác quản lý và hợp tác quốc tế của ngành. | Tổng cục Thủy sản | Vụ Hợp tác quốc tế | 2017-2020 | 1200 |
|
3 | Nâng cao năng lực về hội nhập quốc tế, thực thi pháp luật và tiếp cận thị trường | Tổng cục Thủy sản | Hiệp hội, doanh nghiệp, Sở NN&PTNT các tỉnh | 2017-2020 | 1000 | 800 |
4 | Dự án truyền thông tuyên truyền phổ biến về cách tiếp cận và triển khai các FTA nhằm tận dụng tối đa các lợi thế mà các FTA đem lại | Tổng cục Thủy sản | Doanh nghiệp, Hội nghề cá, VASEP | 2017-2020 | 500 | 300 |
II | Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới nhằm giảm áp lực khai nguồn lợi thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu |
|
|
|
|
|
5 | Xây dựng Đề án gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của LHQ; Hiệp định tuân thủ của FAO; Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO | Tổng cục Thủy sản | Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác Quốc tế | 2017-2020 | 2000 | 1000 |
6 | Đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá với Micronesia, Palau, Fiji | Tổng cục Thủy sản | Vụ Hợp tác Quốc tế | 2017-2020 | 3000 |
|
7 | Triển khai dự án thí điểm đưa tàu đi khai thác tại vùng biển ngoài Việt Nam (Brunei) qua hình thức đầu tư trọn gói lấy doanh nghiệp làm nòng cốt | Tổng cục Thủy sản | Vụ Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội, doanh nghiệp | 2017-2020 | 10000 | 40000 |
III | Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản |
|
|
|
|
|
8 | Dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất giống sạch bệnh, giống kháng bệnh cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng | Các Viện nghiên cứu NTTS | Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Tổng cục Thủy sản | 2017-2020 | 6000 | 6000 |
9 | Xây dựng Dự án hợp tác với Israel về công nghệ sinh học trong sản xuất giống và chuyển giao, ứng dụng và phát triển hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), công nghệ BIOFLOC trong nuôi công nghiệp (thâm canh, siêu thâm canh) tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, cá cảnh | Tổng cục Thủy sản | Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, các Viện nghiên cứu NTTS, các doanh nghiệp | 2018-2020 | 5000 | 10000 |
10 | Xây dựng Dự án hợp tác với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản về phát triển, ứng dụng công nghệ khai thác cá ngừ, bảo quản sau thu hoạch cá nổi. | Tổng cục Thủy sản | Viện Nghiên cứu Hải sản và doanh nghiệp | 2018-2019 | 2000 | 2000 |
11 | Xây dựng Chiến lược phát triển ngành hàng thủy sản quốc gia đối với Tôm, Cá Tra, Cá Ngừ, Cá Rô Phi | Tổng cục Thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản | Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thú y, NAFIQAD, các hiệp hội | 2017-2020 | 1000 | 1000 |
12 | Xây dựng Thương hiệu quốc gia đối với Tôm, Cá Ngừ, Cá tra | Tổng cục Thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản | Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thú y, NAFIQAD, các hiệp hội | 2017-2020 | 6000 | 1000 |
13 | Xây dựng Kế hoạch Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực và ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu | Tổng cục Thủy sản | Hiệp hội, doanh nghiệp | 2017-2020 | 2000 | 100 |
- 1Quyết định 13/QĐ-BNN-TCTS năm 2016 công bố mã HS đối với danh mục quản lý hàng hóa chuyên ngành thủy sản tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 3799/VPCP-KTTH năm 2017 về nghiên cứu, bổ sung Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 4612/QĐ-BNN-CBTTNS năm 2018 về ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường giai đoạn 2018-2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Công văn 625/VPCP-QHQT năm 2024 dự báo bối cảnh quốc tế giai đoạn 2024-2030 và kiến nghị chính sách cho Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Công ước về Luật biển năm 1982
- 2Quyết định 2760/QĐ-BNN-TCTS năm 2013 phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 1684/QĐ-TTg năm 2015 về phê duyệt chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 13/QĐ-BNN-TCTS năm 2016 công bố mã HS đối với danh mục quản lý hàng hóa chuyên ngành thủy sản tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Nghị định 15/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 6Công văn 3799/VPCP-KTTH năm 2017 về nghiên cứu, bổ sung Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Chỉ thị 09/CT-TTg năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 4612/QĐ-BNN-CBTTNS năm 2018 về ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường giai đoạn 2018-2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11Công văn 625/VPCP-QHQT năm 2024 dự báo bối cảnh quốc tế giai đoạn 2024-2030 và kiến nghị chính sách cho Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 1371/QĐ-BNN-TCTS năm 2017 phê duyệt "Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 1371/QĐ-BNN-TCTS
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/04/2017
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Vũ Văn Tám
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra