Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 136-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NHÀ KHÁCH CỦA CHÍNH PHỦ 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính
,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nhà khách Chính phủ nói tại Quyết định này là những Nhà khách của Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao quản lý để sử dụng vào mục địch phục vụ các hoạt động lễ tân đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ (sau đây gọi là Đảng và Nhà nước). Đó là những tổ chức sự nghiệp bao gồm:

1- Nhà khách số 12 Ngô Quyền, Hà Nội,

2- Nhà khách số 2 Lê Thạch, Hà Nội,

3- Nhà khách số 1 Lý Thái Tổ, thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Các Nhà khách Chính phủ có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a/ Tổ chức đón tiếp, phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt và làm việc đối với các đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm chính thức hoặc thăm làm việc ở nước ta.

b/ Phục vụ các cuộc hội đàm, ký kết, hội nghị, họp báo, tiếp khách, chiêu đãi và các hoạt động đối ngoại chính thức khác của Đảng và Nhà nước, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương trở lên chủ trì.

c/ Nhà khách số 12 Ngô Quyền và số 1 Lý Thái Tổ chủ yếu dành để phục vụ:

- Các hoạt động lễ tân đối ngoại của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

- Các cuộc hội đàm, ký kết văn kiện, chiêu đãi chính thức do cấp Bộ trưởng trở lên chủ trì,

- Các cuộc đón tiếp, bố trí ăn ở, sinh hoạt và làm việc đối với các Nguyên thủ Quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội hoặc cấp tương đương và người đứng đầu các Tổ chức Quốc tế quan trọng.

Các hoạt động lễ tân đối ngoại tại Nhà khách số 12 Ngô Quyền và số 1 Lý Thái Tổ do Bộ Ngoại giao sắp xếp nhằm đảm bảo yêu cầu chính trị và quy định về lễ tân.

Trong trường hợp có nhiều yêu cầu phục vụ cùng một lúc, Bộ Ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với Văn Phòng Chính phủ và các cơ quan hữu quan tìm biện pháp khắc phục nhăm đáp ứng thật tốt các yêu cầu đó.

Điều 3. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc chỉ đạo và quản lý toàn diện các Nhà khách nói tại Điều 1 Quyết định này, chủ động lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ, phấn đấu để trong một thời gian ngắn có thể nâng trình độ quản lý và tay nghề của cán bộ, nhân viên các Nhà khách Chính phủ ngang tầm với trình độ Quốc tế, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Điều 4. Các Nhà khách Chính phủ được thực hiện chế độ quản tài chính như đối với các tổ chức sự nghiệp có thu theo quy định tại Thông tư số 01 TC/HCVX ngày 4/1/1994 và Thông tư số 25 TC/TCT ngày 28/3/1994 của Bộ Tài chính. Mọi hoạt động thu chi của các Nhà khách Chính phủ phải thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và các nguyên tắc sau đây:

a/ Toàn bộ chi phí phục vụ các hoạt động lễ tân của lãnh đạo Đảng và Nhà nước (do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Ngoại yêu cầu) được ngân sách Nhà nước cấp thông qua Bộ Ngoại giao theo chế độ chi tiêu tài chính và dự toán đã được duyệt.

b/ Các hoạt động lễ tân khác do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ yêu cầu, được phân làm hai loại:

- Đối với các hoạt động do Nhà nước cấp kinh phí (có quyết định của Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản trong đó ghi rõ phía Việt Nam đài thọ), các Nhà khách Chính phủ chỉ thanh toán tiền ăn, ở ... trên thực tế, không thu các phụ phí khác.

- Đối với các hoạt động do nước ngoài tài trợ hoặc do các cơ quan, đơn vị chi bằng vốn tự có thì các Nhà khách Chính phủ sẽ thanh toán theo giá thị trường.

c/ Ngoài nhiệm vụ được giao, các Nhà khách Chính phủ có thể tận dụng hết năng lực khi điều kiện cho phép để phục vụ một số đối tượng khách nhất định (Bộ Ngoại giao quy định cụ thể các đối tượng khách loại này) và được phép giữ lại toàn bộ số tiền thu được từ các nguồn khách này để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và bù đắp một phần chi phí. Về nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư mới phải thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản.

Điều 5. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo đủ kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên và định kỳ cải tạo, nâng cấp các Nhà khách Chính phủ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Điều 6. Định kỳ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lý và sử dụng các Nhà khách Chính phủ theo nội dung của Quyết định này.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đầu bãi bỏ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 136-TTg năm 1995 về việc quản lý và sử dụng các nhà khách của Chính Phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 136-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/03/1995
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 09/03/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản