Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1359/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 04 tháng 8 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN CỦA TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;

Quyết định số 122/QĐ-TTg , ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 1368/TTr-SYT, ngày 13 tháng 7 năm 2015 của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân của tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(Kèm theo Kế hoạch số 1367/KHHĐ-SYT, ngày 13/7/2015 của Sở Y tế).

Điều 2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thanh

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Thực hiện Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung cơ bản như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN CỦA TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2014

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2011- 2014:

1. Những chỉ số y tế và sức khoẻ chủ yếu tỉnh đến năm 2014

a) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế: 79%;

b) Tỷ số bác sỹ/vạn dân: 5,44;

c) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sỹ trong định biên: 100%;

d) Tỷ số giường bệnh/vạn dân: 21,48;

đ) Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: 14,1%;

e) Tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt > 95%;

g) Tỷ lệ tăng dân số số tự nhiên <1%.

2. Những kết quả đạt được:

2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

- Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể xã hội và nhân dân cùng tham gia phối hợp với ngành y tế, mọi tầng lớp nhân dân đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các cấp được củng cố về tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân được tăng cường, nhờ vậy các chương trình y tế đã đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục được duy trì.

2.2. Nhân lực y tế:

- Việc bổ sung cán bộ hàng năm và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho cán bộ ở tất cả các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm. Tính đến năm 2014, số bác sỹ bình quân một vạn dân là 5,44; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ là 100% và có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản - nhi là 100%.

- Nhận thức đầy đủ về vai trò của ngành y tế và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, coi trọng nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

- Nâng cao trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong việc phối hợp thực hiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

- Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.

- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Trong những năm qua, hoạt động ngành y tế từng bước đi vào nền nếp và ổn định, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng: Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu ứng dụng hiệu quả, đảm bảo cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế. Hầu hết, các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ đều đạt. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, đã đào tạo nhiều cán bộ đại học và sau đại học từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau như: Ngân sách, kinh phí đào tạo của ngành và các dự án,...

- Tình hình nhân sự tính đến ngày 31/12/2014 toàn ngành y tế có: 3.316 CBCCVC, CBYT/10.000 dân là 31,9 người, trong đó:

+ Tuyến tỉnh có 1.044 CBCCVC gồm BS: 221; Y sĩ: 102; Dược sĩ: 81; Điều dưỡng: 300; Hộ sinh: 59; KTV: 59; CB khac ngành: 222

+ Tuyến huyện có 1.313 CBVC, gồm BS: 241; Y sĩ: 205; Dược sĩ: 122; Điều dưỡng: 370; Hộ sinh: 110; KTV: 63; CB khác ngành: 202;

+ Tuyến xã, phường, thị trấn có 959 CBVC, gồm BS: 140; Y sĩ: 383; Dược sĩ: 176; Điều dưỡng: 54; Hộ sinh: 175; KTV: 03; CB khác ngành: 28.

2.3. Về tổ chức bộ máy và công tác chuyên môn:

- Hệ thống y tế Vĩnh Long tiếp tục được củng cố và phát triển, trong đó hệ thống y tế công lập giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ y tế; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đơn vị y tế được tăng cường theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

- Chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu của nhân dân được nâng lên rõ rệt, môi trường sống được cải thiện, lòng tin của nhân dân ngày càng được nâng cao.

- Các bệnh dịch nguy hiểm được giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không có dịch lớn xảy ra, không để tử vong do dịch bệnh. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai có hiệu quả. Các bệnh: Phong, Bại liệt, Uốn ván sơ sinh đã được loại trừ; tỷ lệ mắc và chết đã giảm rõ rệt, do các bệnh có tiêm phòng vắc-xin ở trẻ em. Từ đó góp phần khống chế dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, thể lực và tuổi thọ của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Công tác khám chữa bệnh đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân, chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh được nâng lên. Trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế được nâng lên từ việc triển khai ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, một số lĩnh vực được triển khai như: Hồi sức cấp cứu, điều trị tích cực; phẫu thuật nội soi,... Các bệnh viện đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức triển khai thực hiện các kỹ thuật theo phân tuyến; đã củng cố, thành lập một số khoa nhằm đáp ứng yêu cầu theo mô hình bệnh tật trên địa bàn; thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người tàn tật và trẻ em dưới 6 tuổi.

- Công tác quản lý Nhà nước về Dược được tăng cường, đảm bảo đủ thuốc có chất lượng phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trang thiết bị y tế được đầu tư bổ sung theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

- Công tác xã hội hóa về y tế bước đầu thu được kết quả tốt. Hệ thống y tế tư nhân phát triển nhanh, đầu tư thiết bị y tế hiện đại, triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 05 phòng khám bệnh tư nhân hoạt động, đã góp phần tích cực vào hệ thống y tế phục vụ khám bệnh cho người dân.

3. Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu:

3.1. Tình hình phòng chống các bệnh có vaccin phòng ngừa:

Ngành y tế đã luôn chủ động phân bổ vaccine, dụng cụ tiêm chủng ngay đầu năm, tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai thực hiện. Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm, uống các loại vaccine tạo miễn dịch đầy đủ. Với kết quả hoạt động của chương trình tiêm chủng mở rộng, các bệnh có vaccine phòng ngừa đã giảm rõ rệt. Phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ tiêm VAT2+ đều đạt so với kế hoạch.

3.2. Tình hình phòng chống các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm:

Từ năm 2011 - 2014, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, do ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch hàng năm, chú trọng xây dựng, cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh đều khắp trong tỉnh, phát hiện sớm và dập tắt ổ dịch kịp thời. Trong những năm gần đây tình hình mắc bệnh sốt rét giảm; các trường hợp mắc sốt rét ngoại lai, không có người tử vong. Chỉ tiêu số xã và số điểm điều tra dịch tễ đều đạt theo kế hoạch.

Công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) được chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai từ đầu năm, các ổ dịch nhỏ được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Số bệnh nhân sốt xuất huyết phát hiện mới trong năm có xu hướng giảm từ 1.385 trường hợp năm 2012 giảm xuống còn 356 trường hợp trong năm 2014 và không có trường hợp tử vong.

Công tác phòng, chống bệnh Lao, tuy công tác tuyên truyền luôn được duy trì từ tỉnh đến cơ sở và công tác khám phát hiện, thu dung và quản lý điều trị luôn được đảm bảo, nhưng tình hình bệnh lao có xu hướng tăng từ năm 2011 đến nay.

Công tác phòng, chống bệnh phong. So với các bệnh khác thì số bệnh phong mới qua các năm không cao, nhung số bệnh nhân phong cần chăm sóc tàn tật khá nhiều. Từ năm 2014 không còn bệnh nhân phong mới, nhưng tổng số bệnh nhân phong cần chăm sóc tàn tật lên đến 107 người.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó, số người nhiễm HIV mới giảm qua các năm, tỷ lệ nhiễm HIV/ 100.000 dân được dao động từ 210 đến 245 trường hợp.

Công tác phòng, chống bướu cổ: Từ năm 2011-2014 không phát hiện tình trạng bướu cổ ở trẻ em từ 8-12 tuổi và toàn tỉnh hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng muối I ốt đạt trên 90%.

Tình hình thực hiện công tác phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm giai đoạn 2011 - 2014 (chi tiết phụ lục I đính kèm).

4. Kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2014 và ước thực hiện năm 2015 (chi tiết phụ lục II đính kèm).

4.1. Về trình độ khoa học kỹ thuật:

Thực hiện Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 03/9/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Sở Y tế tổ chức triển khai Đề án Quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Vĩnh Long cho các đơn vị trong ngành y tế, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan ở địa phương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

4.2. Về kết quả bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân:

- Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã đạt được một số thành tựu và kết quả hoạt động trong bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân. Nhiều chỉ tiêu về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ đề ra hàng năm của tỉnh, của Bộ Y tế đều đạt và vượt.

- Tuy nhiên với đặc điểm địa lý là vùng ĐBSCL, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) chủ yếu tập trung phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dân cư sống trên địa bàn sông nước, kênh rạch nhiều còn gặp nhiều khó khăn, còn tồn tại nhiều vấn đề sức khoẻ như sốt rét, lao, phong, sốt xuất huyết, viêm hô hấp trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em,... sức khoẻ các đối tượng chính sách nhu trẻ em, phụ nữ, học sinh, người dân tộc, người nghèo, công nhân,.... chưa được đáp ứng.

- Kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây phát triển khá, mô hình bệnh tật có các vấn đề sức khoẻ mới phát sinh trong xu thế đô thị hóa, công nghiệp hóa như tim mạch, tốc độ nhiễm HIV, tai nạn giao thông, tâm thần, nước sạch vùng nông thôn, vệ sinh môi trường dân cư, đô thị và các khu công nghiệp,.... nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao và chuyển biến nhanh, ngành y tế tỉnh chưa phát triển kịp với những thay đổi này.

4.3. Về đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế:

- Trong những năm qua, sự đầu tư của tỉnh cho ngành y tế đáp ứng cơ bản cho sự phát triển sự nghiệp y tế, trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Các công trình đã được đầu tư xây dựng cụ thể như sau:

- Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng có 07 dự án gồm: BVĐK thành phố Vĩnh Long; Trung tâm YTDP tỉnh Vĩnh Long; Dự án đầu tư xây dựng Trạm Y tế xã (AP); Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình, Bình Minh; Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Bình Tân;

- Có 04 dự án đang triển khai gồm: BVĐK huyện Tam Bình; BVĐK huyện Bình Tân; Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện tâm Thần.

- Các dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư - chuẩn bị thực hiện dự án có 06 dự án gồm: Nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh; BVĐK khu vực Hòa Phú; Trường Cao đẳng Y tế Vĩnh Long; TTYT huyện Bình Tân, huyện Long Hồ; BVĐK Khu vực kết hợp quân dân y Tân Thành.

- Do nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, nhu cầu phát triển KT-XH trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mạng lưới tổ chức y tế cần tăng cường năng lực hoạt động ở tất cả các tuyến y tế, nhất là ở các đơn vị y tế tuyến huyện, tuyến xã về trang thiết bị y tế. Trong năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư trang thiết bị chuyên môn cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và Trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn của tỉnh Vĩnh Long, nhằm cơ bản đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị y tế phục vụ tốt trong công tác khám và điều trị cho người dân.

II. ĐÁNH GIÁ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN, THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN Y TẾ TỈNH VĨNH LONG:

Trong hơn 10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; được sự đầu tư từ nhiều nguồn và nhất là sự nỗ lực phấn đấu liên tục của tập thể cán bộ công chức, viên chức, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đồng thời nâng cao chất lượng các mặt công tác phục vụ sức khoẻ người dân, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.

1. Những điểm mạnh của ngành y tế:

1.1. Hệ thống mạng lưới tổ chức ngành y tế được quan tâm đầu tư các nguồn lực trải đều từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở. Tổ chức y tế tuyến tỉnh được tổ chức lại, nhiều bệnh viện, TTYT được thành lập mới; một số các cơ sở điều trị cũng như dự phòng được xây dựng mới và nâng cấp. Tuyến huyện cũng được đầu tư cơ sở vật chất và nâng cấp, đến nay có hơn 95 TYT xã, phường, thị trấn đã xây dựng mới bằng nguồn vốn tài trợ từ tổ chức AP (của Hoa Kỳ) và nguồn ngân sách tỉnh. 100% TYT xã có bác sĩ phục vụ; các khu phố, ấp có nhân viên y tế (đạt mục tiêu đề ra của quy hoạch sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2001-2010).

1.2. Công tác dự phòng đã được thực hiện tốt, khống chế được các bệnh truyền nhiễm có vaccine, các bệnh dịch nguy hiểm, thanh toán được bệnh bại liệt, tiến đến thanh toán bệnh phong; một số bệnh giảm rõ rệt như sốt rét, bướu cổ. Không có dịch xảy ra trong nhiều năm. Các chương trình y tế được thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra của quốc gia. Kết quả đạt được năm 2010: Hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản được thực hiện tốt, giảm tỷ suất sinh thô còn 6,29‰. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi giảm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi còn 14,1%. Tỷ lệ trẻ đẻ dưới 2.500g còn 1,2%. Tỷ lệ tiêm phòng VAT cho phụ nữ và phụ nữ có thai đạt cao (đạt và vượt so với các chỉ số hiệu quả của quy hoạch sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2001-2010 đề ra).

1.3. Công tác khám chữa bệnh đã có bước phát triển tốt. Công suất sử dụng giường bệnh nhiều năm liên tục đạt cao (85-100%). Tỷ lệ tử vong ở bệnh viện liên tục giảm, đến năm 2010 còn 0,3%. Đã đưa vào sử dụng một số trang thiết bị kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị cho người bệnh. Hoạt động y tế ngoài công lập được phát triển góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

1.4. Đầu tư cho ngành y tế liên tục tăng, nhất là giai đoạn 2005- 2010. Ngân sách y tế tăng trung bình khoảng 30% mỗi năm. Trong đó, nguồn thu ngân sách y tế chiếm tỷ trọng lớn là ngân sách địa phương và viện phí, BHYT. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực y tế cũng rất được quan tâm. Năm 2010 tỷ lệ cán bộ sau đại học tăng cao so với năm 2005. Công tác quản lý tài chính thực hiện tốt. Công tác quản lý Nhà nước trong ngành được quan tâm; công tác thanh - kiểm tra, giám sát được thực hiện theo quy định của Nhà nước.

1.5. Công tác xã hội hóa rất được quan tâm, nhiều phòng khám đa khoa (PKĐK), các cơ sở khám bệnh và công ty dược ngoài công lập được cấp giấy phép hoạt động.

2. Những hạn chế và tồn tại của ngành y tế:

2.1. Hệ thống tổ chức y tế đã phân bố từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, tuy nhiên còn thiếu các cơ sở chuyên khoa: Nhi, lao, tâm thần; TTYT hoặc bệnh viện ở các KCN, trung tâm cấp cứu; các bệnh viện chuyên khoa mắt, da liễu, răng hàm mặt,... Các bệnh viện tuyến huyện có lúc thiếu giường bệnh, có lúc lại không sử dụng hết công suất giường bệnh.

Số giường bệnh được quan tâm tăng cường, tuy nhiên đến năm 2010, tỷ lệ giường bệnh công lập/10.000 dân chỉ đạt 17,8 giường bệnh, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra là 22,49 giường bệnh/10.000 dân của quy hoạch sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2001-2010. Đến năm 2014 tỷ lệ giường bệnh công lập /10.000 dân là 21,48 giường bệnh.

Tuyến huyện: Khi thực hiện việc tách TTYT thành 3 đơn vị là Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và BVĐK việc phải bố trí lại cơ sở làm việc, nhân lực và trang thiết bị chuyên dụng, thiết bị văn phòng, nên chưa đáp ứng với nhiệm vụ được giao.

2.2. Năm 2010, nguồn nhân lực y tế đạt 30,4/10.000 dân và 5,2 bác sĩ/10.000 dân đạt chỉ tiêu quy hoạch sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2001-2010 đã đề ra. Tuy nhiên, nhân lực y tế vẫn thiếu và chưa cân đối theo cơ cấu. Số lượng cán bộ y tế, bác sĩ, dược sĩ/10.000 dân đều thấp so với trung bình của cả nước. Số cán bộ đại học có trình độ chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ chiếm 10%. Các cán bộ sau đại học chuyên khoa lâm sàng còn ít,... Nhìn chung, nhân lực y tế còn bất cập so với nhu cầu hoạt động tại một số đơn vị, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở, hệ dự phòng,... Chế độ tiền trực và phụ cấp ưu đãi ngành chưa phù hợp, đặc biệt là đối với cán bộ đại học và cán bộ làm công tác quản lý. Một số ít cán bộ y tế chưa yên tâm công tác, có tư tưởng chuyển công tác đến cơ sở y tế ngoài công lập với thu nhập cao hơn. Tóm lại, trình độ chuyên môn cán bộ y tế còn chưa đồng đều và thiếu để có thể nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân.

2.3. Ở tuyến tỉnh, tình trạng thiết bị y tế của cả khối lâm sàng cũng như dự phòng còn thiếu. Các trang thiết bị kỹ thuật cao chưa được đầu tư đầy đủ. Ở tuyến huyện kém thu hút người bệnh góp phần tạo ra tình trạng quá tải ở tuyến trên.

2.4. Đối với một số bệnh dịch lưu hành, chưa có các giải pháp hữu hiệu để khống chế: Lao, HIV/AIDS, sốt xuất huyết,... Các vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc vẫn xảy ra. Các chương trình mục tiêu y tế chưa đạt được chỉ tiêu theo kế hoạch: Phòng chống HIV/AIDS số người nhiễm HIV vẫn tăng, tỷ lệ người được tư vấn và quản lý điều trị HIV còn thấp. Phòng chống bệnh lao chưa giảm nhiều nguy cơ nhiễm (giảm 5% hàng năm).

2.5. Công tác khám chữa bệnh đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân. Tuy nhiên với đà phát triển công nghiệp, đô thị hóa thì công tác khám chữa bệnh chưa đáp ứng tốt được việc vận chuyển cấp cứu, giải quyết các chấn thương, nhất là chấn thương sọ não.

3. Đánh giá nguyên nhân thành tựu và hạn chế, tồn tại:

3.1. Về trình độ khoa học kỹ thuật:

Theo Quyết định 1581/QĐ-TTg , ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến 2050, tỉnh Vĩnh Long được Chính phủ phê duyệt là vùng đô thị trung tâm của ĐBSCL cùng với Cần Thơ, Long Xuyên và Cao Lãnh, là những nơi phát triển KT-XH nhanh và mạnh, có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Ngành y tế tỉnh đã bước đầu phát triển một số chuyên khoa, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phát triển một số kỹ thuật cao tương tự các tỉnh khác trong khu vực.

3.2. Về nguồn nhân lực y tế:

Nguồn nhân lực y tế tuy có được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Các chỉ số về nhân lực y tế của tỉnh Vĩnh Long vẫn thấp so với mức trung bình của cả nước, nhất là về số lượng bác sĩ, dược sĩ, cử nhân trên 10.000 dân. Trình độ chuyên môn, năng lực cán bộ chưa phát triển theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật; chưa có được đội ngũ cán bộ chuyên sâu, nên việc khám, chẩn đoán và điều trị vẫn chưa đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu hiện nay.

3.3. Về kết quả bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân:

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã đạt được một số thành tựu và kết quả hoạt động trong bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân. Nhiều chỉ tiêu về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ đề ra hàng năm của tỉnh, của Bộ Y tế giao đều đạt và vượt.

Tuy nhiên với đặc điểm địa lý là vùng ĐBSCL, phát triển KT-XH chủ yếu tập trung phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dân cư sống trên địa bàn sông nước, kênh rạch còn gặp nhiều khó khăn, còn tồn tại nhiều vấn đề sức khoẻ như: Sốt xuất huyết, lao, viêm hô hấp trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em,... sức khoẻ các đối tượng chính sách như trẻ em, phụ nữ, học sinh, người dân tộc, người nghèo, công nhân,... chưa được đáp ứng.

Kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây phát triển nhanh, mô hình bệnh tật có các vấn đề sức khoẻ mới phát sinh trong xu thế đô thị hóa, công nghiệp hóa nhu tim mạch, lây nhiễm HIV, tai nạn giao thông, tâm thần, nước sạch vùng nông thôn, vệ sinh môi trường dân cư, đô thị và các khu công nghiệp,... nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao và chuyển biến nhanh, ngành y tế tỉnh chưa phát triển kịp với những thay đổi này.

3.4. Về đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế:

Sự đầu tư của tỉnh Vĩnh Long cho ngành y tế trong 05 năm đã đáp ứng cơ bản cho sự phát triển sự nghiệp y tế. Một số cơ sở y tế được xây dựng mới, trang thiết bị y tế được bổ sung, giải quyết được phần nào những khó khăn.

Do nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, nhu cầu phát triển KT-XH trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mạng lưới tổ chức y tế cần được sắp xếp lại, tăng cường năng lực hoạt động ở tất cả các tuyến y tế, nhất là ở các đơn vị y tế tuyến huyện, xã còn gặp nhiều khó khăn, trình độ năng lực quản lý của cán bộ y tế còn yếu, chưa triển khai được đầy đủ các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người dân.

4. Cơ hội và thách thức đối với ngành y tế:

4.1. Các cơ hội đối với ngành y tế:

- Nghị quyết số 46/NQ/TW, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết này, đã mở ra những hướng mới cho sự phát triển của ngành y tế.

- Chính phủ đã có Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với sự đầu tư của TW cũng như của địa phương để phát triển KT-XH của các tỉnh trong vùng, đây là cơ hội để ngành y tế phát triển.

- Chính phủ và Bộ Y tế có chiến lược phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến năm 2015 và năm 2020; Quy hoạch phát triển hệ thống tổ chức y tế Việt Nam đến 2020, có các dự án tăng cường năng lực cho hệ thống y tế dự phòng cấp huyện, các chương trình y tế mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện để ngành y tế tỉnh phát triển và đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, tạo những định hướng cơ bản cho hoạt động phát triển ngành y tế tỉnh.

4.2. Các thách thức đối với ngành y tế:

- Sự hội nhập và phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL đòi hỏi công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng, do đó ngành y tế phải tăng cường chăm sóc y tế phổ cập cho người dân, đồng thời phải phát triển khoa học kỹ thuật y học.

- Kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, nhiều vấn đề sức khoẻ mới nảy sinh: Nhiễm HIV ngày càng tăng, các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tâm thần, môi trường bị ô nhiễm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông,... diễn biến ngày càng phức tạp.

- Các cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của ngành y tế còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế; công tác sức khoẻ lao động môi trường, phòng chống bệnh nghề nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP),... vẫn chưa đáp ứng được với nhịp độ phát triển KT-XH của tỉnh hiện nay cũng như trong tương lai. Cần phải có nguồn lực rất lớn để đầu tư cho phát triển sự nghiệp y tế. Thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Vĩnh Long là một giải pháp, tuy nhiên với tình hình KT-XH của tỉnh hiện nay việc thu hút đầu tư cho ngành y tế còn gặp rất nhiều khó khăn.

III. NGUYÊN NHÂN:

1. Nguyên nhân kết quả đạt được:

- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

- Được đầu tư xây dựng hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở với trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại.

- Công nghệ thông tin, truyền thông phát triển tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin và nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ.

- Chính sách về BHYT được ban hành, đã góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân.

- Sự phát triển về kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật cùng với đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y tế, đã đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

2. Nguyên nhân của hạn chế:

2.1. Nguyên nhân khách quan:

- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và vai trò của công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xem nhiệm vụ này là của ngành y tế; hoạt động của Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân tuyến cơ sở chưa phát huy hết vai trò và trách nhiệm.

- Mô hình hệ thống y tế thay đổi chưa ổn định. Nhiều cơ chế chính sách chậm đổi mới. Công tác thanh quyết toán BHYT trong khám chữa bệnh còn nhiều bất cập, chưa thống nhất giữa các bên liên quan.

- Sự biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng khó kiểm soát; phát sinh nhiều bệnh dịch mới nguy hiểm, khó khống chế và điều trị; mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh không truyền nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh về chuyển hóa, tai nạn thương tích,... gia tăng.

- Ngân sách nhà nước chi cho y tế còn ở mức thấp, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế còn nhiều bất cập, chưa thu hút được cán bộ có trình độ cao, đặc biệt là tuyến cơ sở và hệ thống y tế dự phòng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được đầu tư, nâng cấp và bổ sung, song vẫn còn thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

2.2. Nguyên nhân chủ quan:

- Lãnh đạo ở một số đơn vị còn hạn chế về năng lực quản lý và điều hành, chưa phát huy được hết nguồn lực hiện có; chưa triển khai đủ các dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu.

- Việc quản lý nguồn nhân lực y tế còn chưa thật sự hiệu quả, thiếu tính khoa học; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nâng cao y đức và quản lý đội ngũ cán bộ y tế còn chưa được thường xuyên, chặt chẽ.

- Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát ở các lĩnh vực hoạt động, ở các tuyến chưa được tiến hành thường xuyên và liên tục; hiệu quả chưa cao.

IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KINH PHÍ GIAI ĐOẠN 2011-2014 VÀ DỰ KIẾN NĂM 2015:

1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp, thu dịch vụ (chi tiết Phụ lục III đính kèm).

2. Chương trình MTQG (chi tiết Phụ lục IV đính kèm).

3. Đầu tư xây dựng cơ bản từ các dự án đầu tư (chi tiết Phụ lục V đính kèm).

3.1. Vốn trái phiếu Chính phủ;

3.2. Vốn hỗ trợ có mục tiêu NSTW;

3.3. Vốn ODA và vốn đối ứng;

3.4. Vốn xổ số kiến thiết.

Phần II

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO:

1. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

2. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng Công bằng - Hiệu quả - Phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước khắc phục tình trạng khác biệt về chăm sóc sức khoẻ (CSSK) giữa thành thị và nông thôn; giữa vùng kinh tế phát triển và vùng sâu, vùng xa; giữa người giàu và người nghèo; giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh;

3. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật;

4. Đặt đúng vị trí, yêu cầu của công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân để đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực tương xứng; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế gắn với việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân để nhanh chóng thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong các hoạt động của ngành y tế;

5. Kết hợp hài hòa giữa củng cố mạng lưới y tế cơ sở với phát triển y tế chuyên sâu; giữa phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng; giữa y học hiện đại với y học cổ truyền; giữa phát triển y tế công lập với y tế ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò nòng cốt.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung đến năm 2020:

Bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

2.1. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật; khống chế các bệnh truyền nhiễm, các bệnh gây dịch thường gặp và mới nổi, không để dịch lớn xảy ra. Cụ thể: Khống chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc các bệnh sốt xuất huyết, viêm gan B, viêm não Nhật Bản B; khống chế cơ bản bệnh lao, sốt rét, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; duy trì kết quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; hạn chế thấp nhất gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Hướng tới kiểm soát các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm, các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống, hành vi, an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, bệnh học đường;

2.2. Đảm bảo các tuyến triển khai được 100% các dịch vụ kỹ thuật theo quy định; nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, bao phủ y tế toàn dân kết hợp với phát triển y tế chuyên sâu. 100% Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã trước năm 2020;

2.3. Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu, hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân;

2.4. Tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng chính sách, người có công cách mạng, người nghèo, người dân tộc, trẻ em và người cao tuổi;

2.5. Chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khoẻ sinh sản có chất lượng, tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành;

2.6. Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một số chuyên khoa; chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao; mở rộng đào tạo điều dưỡng trình độ đại học, cao đẳng, tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sỹ và điều dưỡng, kỹ thuật viên,...

2.7. Tiếp tục triển khai chính sách quốc gia về thuốc. Cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị có chất lượng với giá cả hợp lý. Sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả;

2.8. Nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hệ thống thông tin y tế đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế.

3. Các chỉ tiêu cơ bản năm 2015 và đến năm 2020 (chi tiết phụ lục VI đính kèm).

4. Các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 (chi tiết phụ lục VII đính kèm).

5. Mục tiêu định hướng đến năm 2030:

Đến năm 2030, hệ thống y tế từ tỉnh đến xã được hoàn thiện, hiện đại, phù hợp với từng vùng; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố vững chắc; y tế chuyên sâu phát triển. Phối hợp giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò nòng cốt; kết hợp tốt y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc; mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chất lượng cao. Tài chính cho y tế chủ yếu từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế. Mọi người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Phát triển và hoàn thiện mạng lưới y tế:

1.1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế gồm: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khoẻ sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với thực tế địa phương;

1.2. Kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế từ tỉnh đến xã; vừa củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, vừa phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu; tăng cường đầu tư phát triển y tế công lập đi đôi với việc khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền.

2. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu:

- Nghiên cứu để củng cố và hoàn thiện hợp lý mạng lưới trạm y tế xã, các đơn vị y tế tuyến huyện; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; thực hiện tốt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế khóm, ấp, nhất là ở vùng khó khăn; triển khai có chất lượng mô hình hoạt động bác sỹ gia đình; triển khai quản lý hiệu quả mô hình bệnh không lây nhiễm gắn với chăm sóc sức khoẻ ban đầu và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng.

- Đào tạo và bồi dưỡng để phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Bảo đảm cơ cấu đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ y - dược học cổ truyền.

- Có chính sách ưu tiên và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng khó khăn.

- Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả của Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở cơ sở; nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia, phối hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu; thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng.

3. Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ, phòng chống HIV/AIDS và an toàn vệ sinh thực phẩm:

- Củng cố và hoàn thiện hệ thống giám sát, cảnh báo dịch và phòng chống dịch bệnh chủ động; thiết lập hệ thống giám sát, phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, bảo đảm đủ năng lực kiểm soát, phát hiện các đối tượng nguy cơ cao của bệnh không lây nhiễm để chủ động tư vấn, hướng dẫn điều trị dự phòng.

- Tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát các chất thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý các chất thải y tế và các chất thải độc hại. Quản lý hiệu quả các yếu tố có hại đến sức khoẻ như: Hút thuốc, lạm dụng rượu bia, tình dục không an toàn, chế độ ăn không hợp lý, ngộ độc thực phẩm,... đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ thanh tra liên ngành và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh để thực hiện việc “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”.

- Tiếp tục đầu tư cho các đơn vị y tế dự phòng nhằm đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng và phòng xét nghiệm an toàn sinh học phù hợp. Củng cố và nâng cao năng lực của Trung tâm kiểm nghiệm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng chống tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai các giải pháp thích hợp để phòng và khắc phục nhanh hậu quả đối với sức khoẻ do thảm hoạ, thiên tai, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, bạo lực gia đình,...

4. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng:

- Triển khai các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện; từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh; tham gia vào mạng lưới bệnh viện vệ tinh; kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa và các khoa ung bướu, tim mạch, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, sản nhi, phục hồi chức năng; chú trọng phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Thực hiện chăm sóc liên tục và toàn diện cho người bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm; xây dựng chương trình bảo đảm và cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; kiện toàn cơ chế xử lý, phản hồi ý kiến, bảo vệ quyền lợi của người bệnh; áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng phù hợp và ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh.

- Nâng cao năng lực quản lý toàn ngành, quản lý bệnh viện, bảo đảm khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực ở các bệnh viện; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị, tăng cường kiểm soát kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định kỹ thuật; hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc và công nghệ y tế; thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm các tai biến, sai sót chuyên môn, bảo đảm an toàn cho người bệnh và công khai minh bạch trong quản lý, hoạt động chuyên môn và phân bổ nguồn lực. Tăng cường giáo dục y đức, quy chế ứng xử cho cán bộ y tế.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực cán bộ để thực hiện tốt công tác giám định tư pháp (giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần) và giám định y khoa.

5. Phát triển y dược học cổ truyền:

- Xây dựng và phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh với quy mô hợp lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện; tăng cường hoạt động y học cổ truyền tại các Trạm y tế.

- Xây dựng quy trình kỹ thuật điều trị bằng y dược cổ truyền và quy trình điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đối với một số chứng bệnh. Ban hành phác đồ điều trị bằng y dược cổ truyền đối với một số bệnh mà y dược cổ truyền có khả năng điều trị đạt kết quả tốt. Triển khai toàn diện chương trình mục tiêu của ngành y tế về y học cổ truyền.

- Tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hóa y dược học cổ truyền trên các mặt: Nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, chẩn đoán, điều trị, sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành y dược học cổ truyền.

6. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy, ổn định và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở các cấp theo hướng chuyên nghiệp hoá. Tăng cường kiểm tra, thanh tra; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật về dân số - sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

- Tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số, vai trò của dân số với sự phát triển - xã hội tới mọi người dân; cập nhật, cung cấp thông tin tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng. Triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ nhân dân, sức khoẻ sinh sản phù hợp với từng nhóm đối tượng. Kết hợp tốt truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số.

- Kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật, đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản thiết yếu ở tất cả các tuyến. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch sử dụng phương tiện tránh thai hợp lý và cung cấp đủ, kịp thời dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

- Mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn về quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo kỹ thuật sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

- Nâng cao chất lượng thu thập, xử lý thông tin số liệu về dân số, sức khoẻ sinh sản trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, số liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành, quản lý ở các cấp.

- Huy động rộng rãi các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng tham gia công tác dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

7. Phát triển nhân lực y tế:

- Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, trách nhiệm, cơ cấu hợp lý và đồng bộ, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, khám chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Trong đó, nhân lực cho hệ y tế dự phòng và y tế cơ sở đảm bảo tốt nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý y tế giỏi chuyên môn nghiệp vụ, giỏi về quản lý điều hành.

- Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý ngành, cán bộ kỹ thuật có khả năng sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại.

- Đưa cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới để phát triển năng lực, nâng cao uy tín, trình độ và đồng thời tăng cường sự gắn kết và hợp tác với lực lượng y tế tư nhân trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

- Có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế có chất lượng về tỉnh công tác; có chính sách khuyến khích để cán bộ yên tâm công tác.

7.1. Dự kiến nhu cầu đào tạo đến năm 2020: Dân số tỉnh là 1.040.721 người, theo mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thì nhu cầu cán bộ ngành y tế như sau:

- Tổng số cán bộ y tế: 1.040.721 x 43 cán bộ y tế/vạn dân = 4.475 cán bộ y tế.

- Bác sĩ: 1.040.721 x 10 bác sĩ/vạn dân = 1.040 bác sĩ.

- Dược sĩ đại học: 1.040.721 x 1,5 dược sĩ/vạn dân = 156 dược sĩ.

- Cử nhân kỹ thuật y học: 1.040.721 x 3,5 KTV/vạn dân = 364 người (điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật).

- Sau đại học: 15% x 4.475 cán bộ y tế = 670 cán bộ y tế), trong đó, Tiến sĩ: 10, Thạc sĩ: 40, chuyên khoa I: 580, chuyên khoa II: 40.

7.2. Nhu cầu đào tạo đến 2020:

Bảng 1: Bậc Đại học (Chính quy và liên thông).

Chuyên môn

Dự kiến nhân lực năm 2020

Hiện có 31/12/2014

Đủ tuổi hưu đến 2020

Số đang đào tạo

Nhu cầu đào tạo đến năm 2020

Liên thông

Chính quy

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)=(2+4)- (3+5+6)

Bác sĩ các loại

1.040

553

106

102

162

329

Dược sĩ đại học

156

50

03

54

56

-

Cử nhân các loại

364

119

52

116

06

175

Bảng 2: Bậc sau Đại học

Chuyên môn

Nhu cầu nhân lực đến năm 2020

Hiện có 31/12/2014

Số đang đào tạo

Nhu cầu đào tạo đến năm 2020

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)=(2)-(3+4)

Tiến sĩ

10

01

-

09

Thạc sĩ

40

13

03

24

Chuyên khoa I

560

267

61

232

Chuyên khoa II

60

15

27

18

8. Phát triển khoa học - công nghệ y tế:

- Xây dựng cơ sở y tế kỹ thuật cao, tạo nguồn vốn đầu tư cho chuyển giao công nghệ, đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành.

- Các đơn vị y tế tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và y tế dự phòng.

9. Đổi mới công tác tài chính và đầu tư:

- Tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, bảo đảm đủ kinh phí cho hoạt động thường xuyên của trạm y tế xã, phường, thị trấn và phụ cấp cho nhân viên y tế khóm, ấp. Xây dựng cơ chế tài chính thích hợp cho hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu, ưu tiên ngân sách cho chăm sóc sức khoẻ người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc.

- Tăng cường đầu tư xây dựng các TTYT huyện, Phòng khám đa khoa khu vực và đầu tư trang thiết bị phù hợp cho TYT xã.

- Tiếp tục triển khai tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc. Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã; nhằm làm giảm tải bệnh nhân chuyển tuyến trên.

- Tiếp tục huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế, đồng thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp để hạn chế tác động không mong muốn của chính sách xã hội hóa hoạt động y tế đối với người dân.

- Tăng cường vận động về tài chính và kỹ thuật từ các đối tác phát triển cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

- Sử dụng nguồn vốn có hiệu quả: Không đầu tư dàn trải, có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo đầu tư đúng kế hoạch, không gây lãng phí.

- Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

- Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách và phương thức chi trả, nhằm khuyến khích việc cung ứng dịch vụ y tế một cách hiệu quả tại tuyến y tế cơ sở.

- Lồng ghép các chỉ số tài chính vào khung giám sát và đánh giá y tế tổng thể, đặt trọng tâm vào công bằng, hiệu quả, diện bao phủ, tiếp cận và giảm bớt chi phí y tế cho người dân.

10. Cung ứng, quản lý thuốc vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng y tế:

- Đảm bảo cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng đến người dân, thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

- Tăng cường công tác quản lý giá thuốc, chấn chỉnh công tác đấu thầu thuốc. Cải cách, kiện toàn mạng lưới sản xuất, lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc. Quản lý chặt chẽ quy chế kê đơn, bán thuốc tại các quầy thuốc, nhất là các quầy thuốc tư nhân, bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

- Quan tâm công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị y tế. Khuyến khích phát triển đội ngũ bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị y tế; cân đối đủ kinh phí của đơn vị cho việc bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa thiết bị và hạ tầng y tế. Nâng cao năng lực mạng lưới kiểm chuẩn và kiểm định thiết bị y tế.

11. Tăng cường hợp tác quốc tế:

- Tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới và khu vực cho phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

- Củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác hiện có, mở rộng quan hệ mới với các nước, các tổ chức quốc tế; tăng cường vận động và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh hợp tác về chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo chất lượng cao và hợp tác trao đổi chuyên gia.

12. Phát triển hệ thống thông tin y tế:

- Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống thông tin y tế; theo dõi được các vấn đề y tế ưu tiên và tình hình thực hiện mục tiêu y tế quốc gia; hoàn thiện sổ sách ghi chép và báo cáo thống kê y tế, tài liệu hướng dẫn về thông tin quản lý y tế, thông tin bệnh viện, thông tin y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và thông tin về nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nhân lực cho y tế.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin y tế trên địa bàn tỉnh và cơ chế chia sẻ, phản hồi thông tin; nâng cao chất lượng thông tin y tế. Tăng cường khả năng tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu, thông tin y tế; đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin với các hình thức đa dạng và phù hợp với người sử dụng ở từng đơn vị, từng tuyến, phục vụ cho hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, quản lý ngành y tế dựa trên bằng chứng.

- Tăng cường hoạt động theo dõi, giám sát trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đồng thời tăng cường công tác truyền thông vận động nâng cao nhận thức của người dân.

- Từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin y tế, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật và nhu cầu sử dụng của từng tuyến; xây dựng các phương thức trao đổi thông tin, truyền tin, gửi báo cáo, số liệu qua trang điện tử.

13. Đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ:

- Kiện toàn mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khoẻ. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động và kỹ năng truyền thông - giáo dục sức khoẻ cho các tuyến.

- Xây dựng chương trình truyền thông phù hợp với nhóm đối tượng đích, phù hợp với các yếu tố về văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc. Phát triển các mô hình truyền thông hiệu quả tại cộng đồng; mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân với quan điểm “Sức khoẻ cho mọi người” và “Mọi người vì sức khoẻ” Tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức hành vi về an toàn sức khoẻ trong lứa tuổi học đường.

- Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân về lối sống, hành vi ảnh hưởng đến sức khoẻ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, tình dục không an toàn, dinh dưỡng không hợp lý; về sức khoẻ học đường, dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khoẻ sinh sản, rèn luyện thể dục - thể thao, giúp người dân có các kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tật, có lối sống lành mạnh, tự rèn luyện để giữ gìn và nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh truyền thông về lợi ích, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và giá dịch vụ y tế.

14. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế:

- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách y tế, kiểm tra và trợ giúp pháp lý cho các đơn vị ngành y tế nhằm bảo đảm thực thi tốt hệ thống chính sách, pháp luật đối với ngành y tế.

- Nâng cao năng lực hoạch định và vận động chính sách, năng lực quản lý hoạt động chuyên môn, quản lý tài chính, đầu tư, công sản, trang thiết bị và nhân sự, trước hết cho lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo các khoa, phòng và các cán bộ tổ chức, kế hoạch, tài chính. Từng bước chuẩn hóa năng lực chuyên môn, quản lý cho từng vị trí công tác của cán bộ. Đảm bảo từng vị trí đều quản lý tốt, khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt mức tối ưu, hiệu quả, chất lượng; đáp ứng sự hài lòng của người dân.

- Kiện toàn hệ thống thanh tra y tế, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng, đủ năng lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Tăng cường công tác pháp chế ở các cơ quan quản lý y tế, tăng cường hoạt động của Thanh tra y tế từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo trật tự kỷ cương trong các hoạt động của ngành y tế. Thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước trong bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

- Cải cách hành chính và hoàn thiện các thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực trong các dịch vụ y tế. Nâng cao trách nhiệm và vai trò tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh. Bồi dưỡng cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế.

- Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công; nâng cao trách nhiệm giải trình; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý tại các đơn vị y tế.

- Hướng dẫn triển khai bảo hiểm nghề nghiệp cho cán bộ hành nghề y, dược; đồng thời khuyến khích thành lập “Hội Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ y tế”.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020:

1. Nguồn ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp, thu dịch vụ (chi tiết phụ lục VIII đính kèm).

2. Kinh phí Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 (chi tiết phụ lục IX đính kèm).

3. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị:

3.1. Nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu NSTW: 470,6 tỷ đồng

- Cải tạo nâng cấp BVĐK tỉnh (phần xây mới): 198,6 tỷ đồng;

- Xây dựng mới BVĐK huyện Mang Thít: 200 tỷ đồng;

- Xây dựng mới Trung tâm Y tế huyện Bình Tân: 32 tỷ đồng;

- Xây dựng mới Trung tâm Y tế huyện Long Hồ: 40 tỷ đồng;

3.2. Nguồn kinh phí Trái phiếu Chính phủ: 619 tỷ đồng

- Chuyển tiếp nâng cấp BVĐK huyện Bình Tân: 21,15 tỷ đồng;

- Chuyển tiếp nâng cấp BVĐK huyện Tam Bình: 91,85 tỷ đồng;

- Xây dựng mới BVĐK huyện Mang Thít: 200 tỷ đồng;

- Xây dựng mới BV Y dược cổ truyền tỉnh: 250 tỷ đồng;

- Xây dựng BVĐK kết hợp quân dân y Tân Thành: 56 tỷ đồng.

3.3. Nguồn vốn ODA: 670 tỷ đồng

Đầu tư trang thiết bị cho BVĐK tỉnh: 670 tỷ đồng

4. Kinh phí đào tạo (chi tiết phụ lục X đính kèm)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế:

- Hàng năm, chủ trì xây dựng nhằm cụ thể hóa các nội dung của kế hoạch và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch năm về phát triển sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh phù hợp với Kế hoạch này. Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp về phát triển sự nghiệp y tế trên địa bàn trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện; định kỳ hàng năm, 5 năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch và trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh mục tiêu nội dung Kế hoạch, Quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ và sự hỗ trợ, tăng cường năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực y tế, ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ cho công tác phòng bệnh, khám và chữa bệnh của Bộ Y tế và các cơ quan trực thuộc Bộ.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương rà soát, thống kê, đánh giá, sắp xếp danh mục đề án, dự án iru tiên đầu tư; chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong việc triển khai các chương trình, đề án, dự án phát triển sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quản lý tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động y tế.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế cân đối, tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh cho các chương trình, dự án phát triển sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh. Tham mưu giúp Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định về cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư cho phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan xây dựng dự toán, bố trí, hướng dẫn và kiểm tra sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các chương trình, dự án phát triển sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh theo chiến lược, kế hoạch hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định về cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư cho phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh.

4. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và sở, ban, ngành liên quan xây dựng các quy định về tiêu chuẩn trình độ, kỹ năng của công chức, viên chức về chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống chính trị của tỉnh; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ Thầy thuốc, dược sỹ đại học, cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao về công tác tại địa bàn tỉnh.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất, phối hợp kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chính sách an sinh xã hội, chính sách y tế cho các đối tượng dễ bị tổn thương (người nghèo, cận nghèo, người già, đối tượng bảo trợ xã hội,...)

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu về đào tạo phát triển nguồn nhân lực nói chung và y tế nói riêng, đặc biệt là y tế học đường, sức khoẻ sinh sản phù hợp cho các đối tượng.

7. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

Có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế và sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách, quy định về BHYT đối với các cơ sở y tế trên địa bàn theo quy định của Pháp luật.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì xây dựng các nội dung, giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến tác hại của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Chủ trì phối với Sở Y tế triển khai thực hiện tốt các nội dung Thông tư Liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT , ngày 22/12/2014 và Chương trình phối hợp số 624/CTPH-SYT-STNMT ngày 07/4/2015 giữa Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương tổ chức thực hiện các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án vận động toàn dân luyện tập thể dục thể thao bảo vệ, nâng cao sức khoẻ; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình, đề án thể dục thể thao trong trường học, nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực của người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

11. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì thực hiện và huy động các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

12. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Phối hợp với Sở Y tế thực hiện hiệu quả công tác kết hợp quân dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân và bộ đội trên địa bàn tỉnh, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng tại mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành chịu trách nhiệm về công tác chăm lo sức khoẻ cho nhân dân thuộc địa bàn quản lý; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ban, ngành có liên quan chủ động tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn, đảm bảo thống nhất kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Quy hoạch phát triển chung của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Chỉ đạo việc củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở cơ sở, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, giải pháp và triển khai thực hiện các hoạt động nhằm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về chuẩn y tế xã đến năm 2020, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân địa phương; phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, huyện để thực hiện các dự án có liên quan đến địa phương mình, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả cao.

Định kỳ hàng năm các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo đánh giá kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong Kế hoạch thực hiện chương trình, đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương gửi Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CÁC BỆNH XÃ HỘI VÀ BỆNH DỊCH NGUY HIỂM GIAI ĐOẠN 2011-2014

Nội dung

2011

2012

2013

2014

Phòng, chống sốt rét

 

 

 

 

Số mắc sốt rét (SR)/100.000 dân

2

1

07

4

Số tử vong do SR/100.000 dân

0

0

0

0

Phòng, chống sốt xuất huyết

 

 

 

 

Tổng số mắc sốt xuất huyết

997

1.385

640

356

Tổng số chết

04

01

01

0

Phòng, chống lao

 

 

 

 

Tổng số bệnh lao mới phát hiện

1.457

1.371

1.480

1.533

Trong đó: BK(+)

873

777

828

843

Tổng số người được quản lý và điều trị

2.372

2.317

2.372

2.481

Số mắc lao / 100.000 dân

142

133

142

147

Phòng, chống phong

 

 

 

 

Tổng số BN phong mới

9

4

6

0

Số BN phong được quản lý

147

138

136

129

Tổng số BN phong cần chăm sóc tàn tật

112

106

107

107

Số mắc Phong /100.000 dân

14,3

13,3

13,1

12,4

Phòng, chống HIV/AIDS

 

 

 

 

Tổng số người nhiễm mới HIV

140

80

253

151

Tổng số mắc HIV tích lũy

2.079

2.169

2.436

2.546

Tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân

202

210

234

245

Tổng số AIDS tích lũy

1.092

1.160

1.316

1.411

Tổng số BN chết tích lũy

649

680

707

738

Phòng, chống bướu cổ

 

 

 

 

Tỷ lệ trẻ 8-12 tuổi bị bướu cổ (%)

0

0

0

0

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối lốt (%)

>90

>90

>90

>90

 

PHỤ LỤC II

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2011-2015

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Mục tiêu KH 2011- 2015

TH 2011

TH 2012

TH 2013

TH 2014

Ước TH năm 2015

Ước thực hiện GĐ 2011-2015

So với mục tiêu kế hoạch GĐ 2011-2015

A

DÂN SỐ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dân số trung bình (năm cuối kỳ)

Nghìn người

1.045,70

1029,05

1034,5

1040,5

1.041,0

1.052,5

1.052,5

 

 

Trong đó: Dân số nông thôn

Triệu người

 

869.744

873.415

866.780

864.611

862.412

 

 

 

- Mức giảm tỷ lệ sinh (năm cuối kỳ)

0,10

Tăng 1,4

Tăng 2

Giảm 1

Giảm 0,22

 

 

 

 

- Tỷ suất sinh thô

15,20

14,30

16,30

15,30

15,58

1,50

15,00

 

 

- Tỷ lệ tăng dân số (năm cuối kỳ)

%

1 - 1,1

0,74

0,92

0,82

0,79

< 1

< 1

Đạt

D

Y TẾ (năm cuối kỳ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số giường bệnh/ 1 vạn dân của tỉnh

Giường

21,48

17,93

17,83

19,65

21,48

24,36

24,36

 

1.1

Số giường bệnh quốc lập /1 vạn dân của tỉnh (tính cả giường của TYT xã)

Giường

21,48

17,93

17,83

19,65

21,48

24,36

24,36

 

1.2

Số giường bệnh quốc lập /1 vạn dân (không tính giường của trạm y tế xã)

Giường

15,16

12,97

12,90

14,56

16,24

19,13

15,16

Đạt

1.3

-Số giường bệnh tư/ 1 vạn dân

Giường

-

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

 

2

Số bác sỹ/1 vạn dân

Bác sỹ

7,0

5,17

5,29

5,32

5,44

5,89

5,89

Không đạt

3

Tỷ suất chết của người mẹ trong thời gian thai sản trên 100.000 trẻ đẻ sống

Người

50,0

6,98

11,81

7,00

8,18

8,00

8,39

Đạt

4

Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi

10,7

0,41

0,34

0,87

0,00

10,70

2,46

Đạt

5

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi

10,7

0,55

0,48

1,21

0,10

10,70

2,61

Đạt

6

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi)

%

15,3

16,90

16,20

15,30

14,10

14,00

14,00

Đạt

7

Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế

%

80,0

 

39,45

78,90

95,40

98,00

98,00

Đạt

8

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 7 loại vaccine

%

92,0

87,65

93,05

95,28

95,00

95,00

93,20

Đạt

9

Tỷ lệ xã có bác sỹ

%

100,0

100

100

100

100

100

100

Đạt

10

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế

%

71,0

56,3

59,1

64,0

68,1

71,0

71,0

Đạt

11

Tỷ lệ chất thải và nước thải của các cơ sở y tế được thu gom và xử lý

%

100

100

100

100

100

100

100

Đạt

 

PHỤ LỤC III

NGUỒN NSNN CẤP VÀ NGUỒN THU SỰ NGHIỆP, THU DỊCH VỤ

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Kinh phí thực hiện

2011

2012

2013

2014

2015*

I

NGUỒN NSNN CẤP

184.362

225.433

265.578

373.859

313.280

 

Quản lý hành chính

5.195

5.526

7.021

6.700

6.715

Đào tạo

7.210

15.723

11.620

15.802

14.717

Sự nghiệp y tế

161.907

191.614

233.850

328.270

270.564

Sự nghiệp môi trường

135

350

377

405

 

Mua sắm sửa chữa

4.500

5.500

4.500

13.320

8.240

Đề tài nghiên cứu khoa học

115

130

210

133

44

 

Kinh phí duy tu bảo dưỡng từ nguồn thu 10% XSKT

5.300

6.590

8.000

9.229

13.000

II

THU SỰ NGHIỆP, THU DỊCH VỤ

247.007

277.979

320.832

341.343

361.200

 

Viện phí

210.000

240.740

276.870

292.102

310.000

Lệ phí

7.500

7.075

8.441

13.221

14.200

Thu dịch vụ, thu khác

29.507

30.164

35.521

36.020

37.000

 

PHỤ LỤC IV

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHƯƠNG TRÌNH MTQG GIAI ĐOẠN 2011-2014 VÀ ƯỚC THỰC HIỆN NĂM 2015

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Chương trình

Kế hoạch

Thực hiện

TC

2011

2012

2013

2014

2015

TC

2011

2012

2013

2014

2015*

1

2

3=4+5+ 6+7+8

4

5

6

7

8

9=10+11+ 12+13+14

10

11

12

13

14

 

Tổng cộng

70.730

16.982

19.363

16.426

8.414

9.545

67.593

15.552

19.029

15.053

8.414

9.545

1

CTMTQG NS và VSMT nông thôn

3.940

1.000

1.000

840

700

400

3.899

439

1.534

826

700

400

1.1

Dự án vệ sinh nông thôn

3.240

1.000

1.000

840

300

100

3.199

439

1.534

826

300

100

1.2

Dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình

700

 

 

 

400

300

700

 

 

 

400

300

2

CTMTQG y tế

24.712

5.998

6.437

6.207

2.636

3.434

23.872

5.427

6.476

5.899

2.636

3.434

2.1

Dự án: Phòng, chống các bệnh lây nhiễm (bệnh lao, bệnh phong, bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết)

18.666

4.933

4.553

4.668

2.000

2.512

17.958

4.393

4.591

4.462

2.000

2.512

 

Dự án Phòng chống sốt rét

993

228

216

231

159

159

985

227

213

227

159

159

 

Dự án Phòng chống lao

2.474

503

442

783

145

601

2.481

466

506

763

145

601

 

Dự án Phòng chống phong

1.077

310

434

169

72

92

1.073

308

433

168

72

92

 

Dự án phòng chống SXH

5.523

1.313

1.426

1.364

710

710

5.530

1.337

1.421

1.352

710

710

 

Dự án PC tăng huyết áp

1.407

360

383

380

144

140

1.211

340

358

229

144

140

 

Dự án PC đái tháo đường

1.062

313

230

319

100

100

1.066

328

224

314

100

100

 

Dự án SKTT cộng đồng

4.172

1.500

1.016

1.016

320

320

3.664

981

1.031

1.012

320

320

 

Dự án tiêm chủng mở rộng

1.958

406

406

406

350

390

1.948

406

405

397

350

390

2.2

Dự án PC một số bệnh không có tính chất nguy hiểm với CĐ (bệnh nghề nghiệp)

170

 

80

90

 

 

178

 

79

99

 

 

2.3

Dự án: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em

4.169

985

1.159

1.051

356

618

4.059

984

1.096

1.005

356

618

2.4

Dự án quân dân y kết hợp

230

80

70

60

 

20

244

50

143

31

 

20

2.5

Dự án nâng cao năng lực truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình

1.477

 

575

338

280

284

1.433

 

567

302

280

284

3

CTMTQG dân số và KHHGĐ

29.507

6.690

8.004

6.280

4.037

4.496

28.289

6.908

7.197

5.651

4.037

4.496

3.1

DA đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ

13.318

1.017

2.414

3.471

3.149

3.267

12.833

1.395

2.180

2.842

3.149

3.267

3.2

DA tầm soát các dị dạng, dị tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

5.210

2.263

1.130

1.129

372

316

5.253

2.420

830

1.315

372

316

3.3

DA nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chương trình

10.979

3.410

4.460

1.680

516

913

10.203

3.093

4.187

1.494

516

913

4

CTMTQG vệ sinh an toàn thực phẩm

4.924

1.384

1.540

1.101

390

509

4.846

1.365

1.539

1.043

390

509

4.1

DA nâng cao năng lực quản lý chất lượng VSATTP

1.768

420

630

487

100

131

1.760

402

641

486

100

131

4.2

DA thông tin giáo dục truyền thông đảm bảo chất lượng VSATTP

1.281

464

350

207

110

150

1.284

463

355

206

110

150

4.3

DA tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP

683

200

200

153

60

70

702

200

220

152

60

70

4.4

DA phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm

1.192

300

360

254

120

158

1.100

300

323

199

120

158

5

CTMTQG phòng chống HIV/AIDS

7.647

1.910

2.382

1.998

651

706

6.687

1.413

2.283

1.634

651

706

5.1

Dự án thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng HIV/AIDS

2.863

960

819

732

164

188

2.812

901

858

701

164

188

5.2

Dự án giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV

2.723

526

825

647

389

336

2.110

290

755

340

389

336

5.3

Dự án hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

2.061

424

738

619

98

182

1.765

222

670

593

98

182

 

PHỤ LỤC V

TÌNH HÌNH KẾ HOẠCH CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ 5 NĂM 2011-2015

1. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ:

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Tên dự án

Năng lực thiết kế

Quyết định đầu tư

Kế hoạch vốn

Lũy kế thực hiện từ khởi công đến hết 31/01/2015

Dự kiến kế hoạch năm 2015

I

DỰ ÁN HOÀN THÀNH VÀ BÀN GIAO ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRONG GIAI ĐOẠN 2011-2015

 

-

501.520

282.518

4.000

1

Bệnh viện đa khoa huyện Bình Minh

100 giường

1348/QĐ-UBND 02/7/2007 và 102/QĐ-UBND 19/01/2010

112.086

70.000

-

2

Bệnh viện đa khoa huyện Vũng Liêm

100 giường

1629/QĐ-UBND 28/8/2008

70.334

54.00

-

3

Bệnh viện đa khoa huyện Tam Bình

100 giường

880/QĐ-UBND 30/5/2008 và 1826/QĐ-UBND 07/11/2013

138.850

43.000

4.000

4

Bệnh viện đa khoa thành phố Vĩnh Long

200 giường

852/QĐ-UBND 14/4/2009 và 623/QĐ-UBND 10/4/2013

180.250

169.518

-

II

DỰ ÁN KHỞI CÔNG MỚI VÀ BÀN GIAO ĐƯA VÀO SỬ DỤNG GIAI ĐOẠN 2011-2015

 

 

245.632

68.000

139.482

1

Bệnh viện đa khoa huyện Bình Tân

100 giường

1807/QĐ-UBND 10/8/2009 và 1342/QĐ-UBND 06/9/2014

109.620

18.000

70.470

2

Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long

100 giường

863/QĐ-UBND 15/4/2009 và 1035/QĐ-UBND 09/7/2014

54.000

25.000

30.000

3

Bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Long

100 giường

3432/QĐ-UBND 08/10/2004 và 1036/QĐ-UBND 09/7/2014

82.012

25.000

39.012

2. Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu NSTW:

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Tên dự án

Năng lực thiết kế

Quyết định đầu tư

Kế hoạch vốn

Lũy kế thực hiện từ khởi công đến hết 31/01/2015

Dự kiến kế hoạch năm 2015

I

DỰ ÁN HOÀN THÀNH VÀ BÀN GIAO ĐƯA VÀO SỬ DỤNG GIAI ĐOẠN 2011-2015

 

 

29.600

29.600

0

1

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh

80 CNV

2603/QĐ-UBND 21/10/2009

24.600

24.600

-

2

Trung tâm y tế huyện Trà Ôn

30 CNV

2148/QĐ-UBND 30/9/2010

5.000

5.000

-

II

DỰ ÁN CHUYỂN TIẾP SANG GIAI ĐOẠN 2016-2020

 

 

250.000

28.000

23.400

1

Dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa Vĩnh Long (phần xây dựng mới)

2013-2018

635/QĐ-UBND 11/4/2013

250.000

28.000

23.400

3. Nguồn vốn ODA và vốn vay, viện trợ:

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Tên dự án

Năng lực thiết kế

Quyết định đầu tư

Kế hoạch vốn

Lũy kế thực hiện từ khởi công đến hết 31/01/2015

Dự kiến kế hoạch năm 2015

Ghi chú

 

DỰ ÁN CHUYỂN TIẾP TỪ TRƯỚC NĂM 2010 SANG GIAI ĐOẠN 2011- 2015

 

 

83.130

83.130

 

Dự án AP hỗ trợ: 3,82 triệu USD

1

Vốn ODA: Dự án "Hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long" tiểu dự án tại Vĩnh Long

Vĩnh Long

 

77.094

77.094

 

Dự án AP hỗ trợ: 3,82 triệu USD

2

Vốn đối ứng

Vĩnh Long

 

6.036

6.036

 

 

4. Nguồn vốn xổ số kiến thiết

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Tên dự án

Năng lực thiết kế

Quyết định đầu tư

Kế hoạch vốn

Lũy kế thực hiện từ khởi công đến hết 31/01/2015

Dự kiến kế hoạch năm 2015

I

DỰ ÁN CHUYỂN TIẾP TỪ TRƯỚC NĂM 2010 SANG GIAI ĐOẠN 2011-2015

 

 

351.602

406.362

10.676

1

Bệnh viện đa khoa thành phố Vĩnh Long

200 giường

852/QĐ-UBND 14/4/2009; 623/QĐ-UBND 10/4/2013

70.321

75.234

3.100

2

Bệnh viện đa khoa huyện Tam Bình

100 giường

880/QĐ-UBND 30/5/2008; 1826/QĐ-UBND 07/11/2013

41.150

131.492

-

3

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh

80 CNV

2603/QĐ-UBND 21/10/2009

22.253

16.400

-

4

Trung tâm y tế huyện Tam Bình

37 CNV

1878/QĐ-UBND 14/8/2009

10.076

7.300

-

5

Trung tâm y tế huyện Bình Minh

37 CNV

150/QĐ-UBND 22/01/2010; 1026/QĐ-UBND 11/6/2013

17.104

16.516

76

6

Đề án trạm y tế xã do tổ chức AP (Hoa Kỳ) tài trợ

95 trạm

1877/QĐ-UBND 14/8/2009; 152/QĐ-UBND 07/02/2012

168.303

144.820

7.500

7

Hạ tầng khu đất BV lao, phổi, tâm thần và trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần

53699 m2

1335/QĐ-UBND 22/6/2009

22.395

14.600

'

II

DỰ ÁN KHỞI CÔNG MỚI TRONG GIAI ĐOẠN 2011-2015

 

 

166.731

110.594

35.192

1

Bệnh viện đa khoa huyện Bình Tân

100 giường

1342/QĐ-UBND 06/9/2014

50.500

50.620

"

2

Trung tâm y tế huyện Vũng Liêm

37 CNV

151/QĐ-UBND 22/01/2010

12.928

12.190

-

3

Trung tâm y tế huyện Trà Ôn

30 CNV

2148/QĐ-UBND 30/9/2010

11.914

9.700

192

4

Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long

100 giường

592/QĐ-UBND 11/4/2012; 1035/QĐ-UBND 09/7/2014

62.191

20.400

30.000

5

Bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Long

100 giường

593/QĐ-UBND 11/4/2012; 1036/QĐ-UBND 09/7/2014

11.514

-

5.000

6

Hỗ trợ san lấp mặt bằng các Trạm y tế thuộc Đề án trạm y tế xã do tổ chức AP (Hoa Kỳ) tài trợ

SLMB

Nhiều quyết định

9.484

9.484

-

7

Trạm y tế xã Đông Bình, thị xã Bình Minh

582,8 m2

3031/QĐ-UBND 25/10/2013

4.200

4.200

-

8

Trạm y tế phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh

582,9 m2

3030/QĐ-UBND 25/10/2013

4.000

4.000

-

III

DỰ ÁN CHUYỂN TIẾP SANG GIAI ĐOẠN 2016-2020

 

 

318.564

85.152

85.400

1

Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long (phần xây dựng mới)

600 giường

635/QĐ-UBND 11/4/2013

250.000

76.650

75.400

2

Bệnh viện đa khoa khu vực Hòa Phú, huyện Long Hồ

50 giường

1936/QĐ-UBND 13/10/2011

68.564

8.502

10.000

 

PHỤ LỤC VI

CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN NĂM 2015 VÀ ĐẾN NĂM 2020

TT

Chỉ tiêu

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

1

Số bác sỹ/vạn dân

4,9

5,89

8,25

2

Số dược sỹ đại học/vạn dân

0,3

0,8

1,5

3

Tỷ lệ khóm ấp có nhân viên y tế hoạt động (%)

97%

100%

100%

4

Tỷ lệ trạm y tế các xã có bác sỹ hoạt động (%)

100%

100%

100%

5

Tỷ lệ trạm y tế các xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi (%)

 

 

 

6

Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân (không bao gồm giường trạm y tế xã)

17,5

24,36

26,5

 

Trong đó: Giường bệnh viện ngoài công lập

 

 

 

7

Tỷ lệ trẻ em <1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ (%)

>95

>95

>95

8

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế

 

>80%

>90%

9

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (%)

42,49%

70%

>80%

10

Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại (%)

10%

20%

30%

11

Tỷ lệ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn

100%

100%

100%

12

Tuổi thọ trung bình (tuổi)

72

73

75

13

Tỷ suất chết mẹ (100.000 trẻ đẻ ra sống)

<50

<50

<40

14

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi (1.000 trẻ đẻ ra sống)

12,7‰

12,4‰

12‰

15

Quy mô dân số (triệu người)

1,027

1,052

1,076

16

Tỷ suất tăng dân số hàng năm (‰)

4,6‰

3,35‰

3‰

17

Tỷ số giới tính khi sinh (trai/100 gái)

106/100

108/100

105/100

18

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) (%)

18,8

14,5

12,0

19

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng (%)

<0,3

<0,3

<0,3

20

Tỷ lệ chất thải, nước thải tại các cơ sở y tế được thu gom và xử lý

90%

100%

100%

 

PHỤ LỤC VII

CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2016-2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện 2011-2015

KH2016

KH2017

KH2018

KH2019

KH2020

Mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020

A

DÂN SỐ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dân số trung bình (năm cuối kỳ)

Triệu người

1,050

1,050

1,055

1,060

1,065

1,070

1,070

 

Trong đó: Dân số nông thôn

Triệu người

 

865.428

869.364

863.324

860.010

851.510

 

 

- Mức giảm tỷ lệ sinh (năm cuối kỳ)

 

Giảm 0,28

Giảm 0,3

Tăng 0,6

-

Giảm 0,9

 

 

- Tỷ suất sinh thô

15,00

14,80

14,50

14,40

14,10

14,00

14,00

 

- Tỷ lệ tăng dân số (năm cuối kỳ)

%

< 1

0,75

0,74

0,73

0,82

0,7

0,7

D

Y TẾ (năm cuối kỳ)

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổng số giường bệnh/ 1 vạn dân của tỉnh

Giường

24,36

27,01

27,01

27,01

27,01

27,01

0,05

1.1

- Số giường bệnh quốc lập/ vạn dân của tỉnh (tính cả giường của TYT xã)

Giường

24,36

26,96

26,96

26,96

26,96

26,96

 

1.2

- Số giường bệnh quốc lập/ vạn dân (không tính giường của Trạm y tế xã)

Giường

19,13

21,43

21,43

21,43

21,43

21,43

21,43

1.3

- Số giường bệnh tư/ vạn dân

Giường

0,00

0,047

0,047

0,047

0,047

0,047

0,047

2

Số bác sỹ/1 vạn dân

Bác sỹ

5,89

6,19

6,59

6,97

7,35

7,87

7,87

3

Tỷ suất chết của người mẹ trong thời gian thai sản trên 100.000 trẻ đẻ sống

Người

8,39

50

50

50

50

50

50

4

Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi

2,46

1,00

1,00

1,00

1,00

1,00

1,00

5

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi

2,61

1,00

1,00

1,00

1,00

1,00

1,00

6

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi)

%

14,00

13,50

13,00

12,50

12,30

12,00

12,00

7

Tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia (theo tiêu chí mới)

%

100

100

100

100

100

100

100

8

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 7 loại vaccine

%

93,20

97

97

97

97

97

97

9

Tỷ lệ xã có bác sỹ

%

100

100

100

100

100

100

100

10

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế

%

71,0

74,0

77,0

79,0

81,0

82,00

82,00

11

Tỷ lệ chất thải và nước thải của các cơ sở y tế được thu gom và xử lý

%

100

100

100

100

100

100

100

 

PHỤ LỤC VIII

NGUỒN NSNN CẤP VÀ NGUỒN THU SỰ NGHIỆP, THU DỊCH VỤ

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Kinh phí thực hiện

2016

2017

2018

2019

2020

I

NGUỒN NSNN CẤP

392.552

412.181

432.790

454.428

477.150

 

Quản lý hành chính

7.035

7.387

7.756

8.144

8.551

Đào tạo

16.592

17.422

18.293

19.207

20.168

Sự nghiệp y tế

344.684

361.918

380.014

399.014

418.965

Sự nghiệp môi trường

425

447

469

492

517

Mua sắm sửa chữa

13.986

14.685

15.420

16.191

17.000

Đề tài Nghiên cứu khoa học

140

147

154

162

170

 

Kinh phí duy tu bảo dưỡng từ nguồn thu 10% XSKT

9.690

10.175

10.684

11.218

11.779

II

THU SỰ NGHIỆP, THU DỊCH VỤ

379.260

398.224

418.134

439.041

460.992

 

Viện phí

325.500

341.775

358.864

376.807

395.647

Lệ phí

14.910

15.656

16.438

17.260

18.123

Thu dịch vụ, thu khác

38.850

40.793

42.832

44.974

47.222

*Ghi chú: (Kinh phí năm 2016 = KP thực hiện năm 2014 x 5%), (kinh phí năm 2017 = kinh phí năm 2016 x 5%) và kinh phí năm tiếp theo cao hơn năm trước 5%.

 

PHỤ LỤC IX

KẾ HOẠCH KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH MTQG GIAI ĐOẠN 2016-2020

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Tên Chương trình

Tổng cộng

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

 

TỔNG CỘNG

64.373

10.545

11.600

12.758

14.033

15.437

1

CTMTQG NS và VSMT Nông thôn

2.685

440

484

532

585

644

2

Dự án vệ sinh nông thôn

672

110

121

133

146

161

2.1

Dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình

2.015

330

363

399

439

483

 

CTMTQG y tế

26.420

4.327

4.761

5.237

5.760

6.335

 

Dự án: phòng, chống các bệnh lây nhiễm (bệnh lao, bệnh phong, bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết)

16.870

2.763

3.040

3.343

3.678

4.046

 

Dự án Phòng chống sốt rét

1.068

175

192

212

233

256

 

Dự án Phòng chống lao

4.036

661

727

800

880

968

 

Dự án Phòng chống phong

618

101

111

122

135

148

 

Dự án phòng chống SXH

4.768

781

859

945

1.040

1.143

 

Dự án PC tăng huyết áp

940

154

169

186

205

225

 

Dự án PC đái tháo đường

672

110

121

133

146

161

 

Dự án SKTT cộng đồng

2.149

352

387

426

469

515

 

Dự án tiêm chủng mở rộng

2.619

429

472

519

571

628

2.2

Dự án PC một số bệnh không có tính chất nguy hiểm và bệnh dịch mới nổi

3.358

550

605

666

732

805

2.3

Dự án: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em

4.151

680

748

823

905

995

2.4

Dự án quân dân y kết hợp

134

22

24

27

29

32

2.5

Dự án nâng cao năng lực truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình

1.907

312

344

378

416

457

3

CTMTQG dân số và KHHGĐ

27.109

4.441

4.884

5.373

5.910

6.501

3.1

DA đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ

21.146

3.464

3.810

4.191

4.610

5.071

3.2

DA tầm soát các dị dạng, dị tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

2.498

409

450

495

545

599

3.3

DA nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chương trình

3.465

568

624

687

755

831

4

CTMTQG vệ sinh an toàn thực phẩm

3.419

560

617

677

745

820

4.1

DA nâng cao năng lực quản lý chất lượng VSATTP

880

144

159

174

192

211

4.2

DA thông tin giáo dục truyền thông đảm bảo chất lượng VSATTP

1.009

165

182

200

220

242

4.3

DA tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP

470

77

85

93

102

113

4.4

DA: phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm

1.060

174

191

210

231

254

5

CTMTQG phòng chống HIV/AIDS

4.740

777

854

939

1.033

1.137

5.1

Dự án thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng HIV/AIDS

1.262

207

227

250

275

303

5.2

Dự án giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV

2.257

370

407

447

492

541

5.3

Dự án hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

1.221

200

220

242

266

293

 

PHỤ LỤC X

KINH PHÍ ĐÀO TẠO

1. Đại học:

Đơn vị tính: Triệu đồng

Chuyên môn

Nhu cầu đào tạo
(người)

Thời gian đào tạo
(năm)

Kinh phí/ người/năm học

Hỗ trợ tốt nghiệp

Tổng kinh phí

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)=(2x3x4)+(2x5)

1. Hệ chính quy

- Bác sĩ

 

200

 

6

 

35

 

 

 

42.000,0

- Dược sĩ

35

5

34

-

5.950,0

- Cử nhân các loại

70

4

27

-

7.560,0

2. Hệ liên thông

- Bác sĩ

 

129

 

4

 

45

 

4,5

 

23.800,5

- Dược sĩ

35

4

45

4,5

6.457,5

- Cử nhân các loại

105

4

39

4,5

16.852,5

Tổng kinh phí đại học

102.620,5

2. Sau đại học:

Đơn vị tính: Triệu đồng

Chuyên môn

Nhu cầu đào tạo
(người)

Thời gian đào tạo
(năm)

Kinh phí/ người/năm học

Hỗ trợ tốt nghiệp

Tổng kinh phí

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)=(2x3x4)+(2x5)

Tiến sĩ

9

2

61

51

1.557

Thạc sĩ

24

2

54

36

3.456

Chuyên khoa I

232

2

52,5

31

31.552

Chuyên khoa II

18

2

54

41

2.682

TỔNG KINH PHÍ SAU ĐẠI HỌC

39.247

Tổng cộng kinh phí đào tạo: 102.620,5 + 39.247 = 141.867,5 triệu đồng

(Một trăm bốn mươi một tỷ, tám trăm sáu mươi bảy triệu năm trăm ngàn đồng).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1359/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân của tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 1359/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Nguyễn Văn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản