Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1354/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 07 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/5/2015;

Căn cứ Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 07/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW;

Thực hiện Kết luận số 17-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 885/SKHĐT-ĐKKD ngày 14/7/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu

Xây dựng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, có khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh, năng động, nhạy bén, thích nghi với môi trường kinh doanh trong thời kỳ hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới;

Bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có trình độ và khả năng quản lý, điều hành doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cơ bản về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp chuyên sâu, kiến thức pháp luật; có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiến tới hội nhập toàn cầu; phấn đấu đến năm 2020 có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi có thương hiệu tầm quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp, doanh nhân có thương hiệu và đủ năng lực cạnh tranh khu vực Đông Nam Á.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

a) Nhiệm vụ

- Xác định cụ thể các khóa bồi dưỡng chuyên sâu mà doanh nghiệp đang cần và có xu hướng phát triển, nhất là ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng.

- Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho khoảng 60 lớp (khoảng từ 1.500 - 2.000 học viên tham gia) các khóa bồi dưỡng; trong đó, tăng cường các lớp ươm mầm khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu.

- Hàng năm tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác bồi dưỡng. Tổng hợp, phân loại danh sách các học viên đăng ký theo từng loại hình doanh nghiệp và từng đối tượng cụ thể để tổ chức bồi dưỡng riêng cho từng chuyên đề đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

- Tổ chức tham quan các mô hình doanh nghiệp làm kinh tế giỏi, điển hình và các hoạt động hướng nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề về đối thoại, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tư vấn và cung cấp các kiến thức cơ bản cho các doanh nghiệp, doanh nhân về cơ hội và thách thức trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt, Việt Nam trở thành thành viên Cộng đồng kinh tế ASIAN (AEC); thành viên chính thức của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương; Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

- Các cơ sở đào tạo ký kết hợp đồng thực hiện phải tổ chức biên soạn nội dung, chương trình, tài liệu cho các lớp bồi dưỡng (quy trình biên soạn tài liệu, thực hiện theo quy định).

b) Giải pháp thực hiện

- Đổi mới phương thức bồi dưỡng thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nhân, đảm bảo trang bị cho doanh nhân có kiến thức về lý luận và thực tiễn trong kinh doanh; hiểu biết về pháp luật, nâng cao vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân đối với người lao động, với cộng đồng xã hội. Các nội dung bồi dưỡng phải phù hợp với nhu cầu của học viên và thực tế với định hướng phát triển của doanh nghiệp.

- Bố trí thời gian và địa điểm cho từng lớp học phải phù hợp với thực tế của các học viên và từng địa phương; Đánh giá chất lượng của học viên sau khi được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ phải đạt kết quả nhất định.

- Lựa chọn giảng viên là người có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và đã tham gia giảng dạy về bồi dưỡng cho doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hiệp Hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy vai trò đại diện cho đội ngũ doanh nhân. Tăng cường hợp tác, tham vấn, đối thoại giữa các hiệp hội doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, nhất là bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

- Các tổ chức chính trị xã hội và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm đến công tác vận động chính trị trong đội ngũ doanh nhân bằng nhiều hình thức, tập hợp, phản ánh nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân, tham mưu cho chính quyền về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận xã hội về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung; tôn vinh kịp thời sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội.

- Tăng cường mối quan hệ, liên kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp; lựa chọn một số cơ sở đào tạo có khả năng và thế mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển.

II. NỘI DUNG VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

I. Đối tượng bồi dưỡng (chi tiết đính kèm Phụ lục số 01)

Là những người có ý tưởng thành lập doanh nghiệp trong tương lai; các doanh nhân đã thành lập doanh nghiệp đang hoạt động và các đối tượng khác nếu có nhu cầu. Để đảm bảo bồi dưỡng có chất lượng, các đối tượng trên được phân theo các nhóm, cụ thể như sau:

Nhóm 1: Khởi sự doanh nghiệp, gồm các doanh nhân tiềm năng như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; chủ hộ kinh doanh trong các làng nghề, chủ hộ kinh doanh trang trại; thanh niên lập nghiệp, cá nhân có nhu cầu chuẩn bị khởi nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp mới đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Nhóm 2: Quản trị doanh nghiệp, gồm: Chủ doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp; cán bộ quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.

Nhóm 3: Bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu riêng cho các đối tượng là: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và những người có hoài vọng trở thành giám đốc điều hành doanh nghiệp trong tương lai.

Nhóm 4: Bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật mới, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của tỉnh.

2. Nội dung bồi dưỡng

a) Nhóm khởi sự doanh nghiệp

- Kiến thức chuyên môn: Nhận thức kinh doanh và ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, những vấn đề về thị trường và Maketing trong khởi sự doanh nghiệp, quản trị tài chính trong khởi sự doanh nghiệp, phân tích tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Kiến thức bổ trợ: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiện hành liên quan đến khởi sự doanh nghiệp. Tâm lý lãnh đạo quản lý, văn hóa doanh nghiệp, đàm phán và ký kết hợp đồng...

- Kiến thức kỹ năng khi thành lập doanh nghiệp: Kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh và ý tưởng kinh doanh,...

- Đối thoại theo chuyên đề và phổ biến các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; giải đáp vướng mắc của các học viên với các chuyên gia và các cơ quan nhà nước liên quan trong vấn đề khởi sự doanh nghiệp và các nội dung liên quan.

b) Nhóm quản trị doanh nghiệp

- Kiến thức chuyên môn: Quản trị chiến lược kinh doanh, quản trị sản xuất, quản trị nhân sự, quản trị Marketing, quản trị tài chính, quản trị về kỹ thuật và công nghệ, phân tích hoạt động kinh doanh (phân tích báo cáo tài chính), kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, lập dự án và phương án kinh doanh.

- Kiến thức bổ trợ: Tâm lý lãnh đạo quản lý, văn hóa doanh nghiệp, đàm phán và ký kết hợp đồng, một số vấn đề và kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin,..

- Kiến thức kỹ năng: Kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh, kỹ năng dự báo và ý tưởng kinh doanh, kỹ năng quản trị của chủ doanh nghiệp...

- Đối thoại theo chuyên đề và phổ biến các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, phân tích các cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định Thương mại FTA, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP, các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

c) Nhóm quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

Tập trung vào các nội dung chính như:

- Bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cho giám đốc điều hành (CEO): Báo cáo tài chính và phân tích báo cáo tài chính.

- Kỹ năng hoạch định và kiểm soát công việc.

- Marketing và công tác phát triển thương hiệu.

- Sức mạnh của nguồn nhân lực và một số quyết sách sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của CEO.

Ngoài ra, tùy theo nhu cầu và điều kiện thực tế từng giai đoạn để điều chỉnh, bổ sung các chuyên đề bồi dưỡng cho phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp; có thể tổ chức tham quan học tập thực tế tại các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên địa bàn.

3. Thời gian bồi dưỡng cho một khóa học

- Khóa bồi dưỡng khởi sự doanh nghiệp: 03 ngày.

- Khóa bồi dưỡng quản trị doanh nghiệp: 05 ngày.

- Khóa bồi dưỡng quản trị doanh nghiệp chuyên sâu: tối thiểu là 07 ngày.

- Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, đối thoại: 01-03 ngày.

Ưu tiên bố trí học vào các ngày Thứ 7, Chủ nhật. Thời gian các khóa bồi dưỡng sẽ điều chỉnh khi có sự thay đổi theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Địa điểm bồi dưỡng: Tổ chức tại thành phố Quảng Ngãi và Trung tâm các huyện.

5. Giảng viên: Có trình độ uy tín, có kinh nghiệm của các Viện nghiên cứu Kinh tế, Trường Đại học, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, lãnh đạo các ngành và các doanh nhân thành đạt.

6. Hình thức chiêu sinh:

- Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi tổ chức khóa bồi dưỡng ít nhất là 20 ngày.

- Thông qua Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức hiệp hội, hội doanh nghiệp.

- Thông qua các trang web của các sở, ban, ngành, đơn vị, thành phố, các huyện và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp;

- Trực tiếp liên lạc với các doanh nhân trên cơ sở lưu trữ và cập nhật danh bạ liên lạc của doanh nghiệp, doanh nhân.

Nội dung chiêu sinh cần nêu rõ: Đội ngũ giảng viên, thời gian và nội dung chương trình khóa bồi dưỡng; đối tượng tham gia khóa học.

7. Kinh phí thực hiện (chi tiết đính kèm Phụ lục số 02)

Căn cứ Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê; Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Quảng Ngãi. Kinh phí thực hiện được lập như sau:

a) Tổng kinh phí thực hiện: 4.022.500.000 đồng (Bốn tỷ không trăm hai mươi hai triệu năm trăm ngàn đồng), cụ thể:

* Năm 2016                                                                 307.450.000đ

- Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng:          100.000.000đ

- Lớp khởi sự doanh nghiệp: (03 lớp)                           132.600.000đ

- Lớp cập nhật kiến thức mới: (01 lớp)                          74.850.000 đ

Kinh phí năm 2016: 307.450.000 đ đã được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 1154/QĐ-UBND ngày 30/6/02016 là 207.450.000đ và nguồn kinh phí năm trước chuyển sang năm 2016 tại Quyết định số 35/QĐ-STC ngày 09/3/2016 của Giám đốc Sở Tài chính là 100.000.000đ.

Các năm sau từ 2017 - 2020 được lập chi tiết tại Phụ lục số 03 và Phụ lục số 04 kèm theo.

b) Nguồn kinh phí

Toàn bộ kinh phí để thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% từ nguồn ngân sách địa phương và được tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm của tỉnh. Trường hợp chế độ tài chính thay đổi thì kinh phí được điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu Kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các chuyên gia kinh tế đầu ngành; lãnh đạo các ngành và các doanh nhân thành đạt; Đảng ủy Khối doanh nghiệp; Tỉnh đoàn Quảng Ngãi; các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp; các Câu lạc bộ doanh nhân,... xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai Kế hoạch và báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân hàng năm trên địa bàn tỉnh.

b) Cùng với thời điểm xây dựng dự toán hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán kinh phí và tổng hợp chung trong dự toán của đơn vị, gửi Sở Tài chính.

c) Chịu trách nhiệm về chương trình, nội dung chuyên đề bồi dưỡng và chất lượng đội ngũ giảng viên của các lớp bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020.

d) Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về Kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020; Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền, cập nhật, cung cấp các thông tin về tổ chức các lớp học; đồng thời cập nhật thông tin trên Website của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

đ) Theo dõi, quản lý lớp học và tình hình thực hiện Kế hoạch, nếu có những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế; kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

2. Sở Tài chính: Cùng với thời điểm xây dựng dự toán hàng năm, trên cơ sở dự toán do Sở Kế hoạch và Đầu tư lập và căn cứ khả năng ngân sách, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư duy trì, cập nhật, cung cấp các thông tin về kế hoạch, tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch này.

4. Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia thực hiện Kế hoạch; lập dự toán chi tiết các lớp ươm mầm khởi nghiệp cho thanh niên lập nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu và tổ chức mở lớp bồi dưỡng đảm bảo nội dung chương trình thiết thực và hiệu quả.

5. Các hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác lập, điều tra khảo sát nhu cầu bồi dưỡng, lập kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn doanh nhân. Thống kê số lượng, chất lượng, trình độ, độ tuổi, giới tính... của doanh nhân đến thời điểm 31/11 hàng năm, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

b) Lập phương án chi tiết các khóa bồi dưỡng (Chương trình, nội dung, giảng viên, danh sách học viên và dự toán kinh phí...) cho các hội viên và doanh nghiệp, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt để tổ chức thực hiện.

6. Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí

Tích cực tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận xã hội về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và bản thân doanh nghiệp, doanh nhân.

7. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp; hiệp, hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bồi dưỡng cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch các hiệp, hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMT TQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- VP UB: PCVP, các P. Ng/cứu, CBTH;
- Lưu: VT, ĐNMNntha310.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Trường Thọ

 

PHỤ LỤC 01

CÁC CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 27/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

1. Các chuyên đề bồi dưỡng khởi sự doanh nghiệp

- Nhận thức kinh doanh và ý tưởng kinh doanh;

- Lập kế hoạch kinh doanh;

- Kiến thức và kỹ năng cần thiết thành lập doanh nghiệp;

- Những vấn đề về thị trường và Maketing trong khởi sự doanh nghiệp;

- Quản trị tài chính trong khởi sự doanh nghiệp;

- Phân tích tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh.

- Phổ biến các Văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiện hành liên quan đến khởi sự Doanh nghiệp.

2. Các chuyên đề bồi dưỡng về quản trị doanh nghiệp

- Quản trị chiến lược kinh doanh;

- Quản trị nhân sự;

- Quản trị tài chính;

- Quản trị sản xuất;

- Quản trị Marketing;

- Quản trị về kỹ thuật và công nghệ, Phân tích hoạt động kinh doanh (phân tích báo cáo tài chính);

- Lập dự án và phương án kinh doanh;

- Kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa;

3. Các chuyên đề bồi dưỡng về quản trị doanh nghiệp chuyên sâu:

- Bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cho giám đốc điều hành (CEO);

- Báo cáo tài chính và phân tích báo cáo tài chính;

- Kỹ năng hoạch định và kiểm soát công việc;

- Marketing và công tác phát triển thương hiệu;

- Sức mạnh của nguồn nhân lực và một số yếu quyết sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của CEO.

4. Phổ biến, cập nhật các văn bản và chính sách mới liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (phổ biến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn; phổ biến các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; phân tích các cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định Thương mại FTA, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP; Thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia quá trình hội nhập)

 

PHỤ LỤC 02

DỰ TRÙ KINH PHÍ TỔ CHỨC CÁC LỚP KHỞI SỰ DOANH NGHIỆP, QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP CHUYÊN SÂU
(Kèm theo Quyết định số: 1354/QĐ-UBND ngày 27/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

I. Chi điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu bồi dưỡng: Thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

II. Nội dung chi tổ chức khóa đào tạo: Thực hiện theo Thông tư số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV);

a) Các khoản chi phục vụ trực tiếp lớp học:

- Chi cho giảng viên: Chi thù lao giảng viên; chi phụ cấp tiền ăn giảng viên; chi phí đi lại, lưu trú cho giảng viên;

- Chi tài liệu học tập theo nội dung chương trình khóa đào tạo cho học viên (không bao gồm tài liệu tham khảo);

- Chi khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc;

- Chi thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ học tập;

- Văn phòng phẩm;

- Chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; Chi phí cho lễ khai giảng, bế giảng;

- Chi nước uống, giải khát giữa giờ;

- Chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế (nếu có): thuê phương tiện đưa đón học viên;

- Chi phí cấp chứng chỉ;

- Chi phí chiêu sinh: gọi điện thoại, gửi thư mời, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Chi khác phục vụ trực tiếp lớp học (điện, nước, vệ sinh, trông giữ xe);

b) Chi hoạt động quản lý một khóa đào tạo của đơn vị đào tạo (không vượt quá 10% tổng kinh phí tổ chức một khóa đào tạo):

- Chi công tác phí cho cán bộ quản lý khóa đào tạo của đơn vị đào tạo trong trường hợp phải tổ chức khóa đào tạo ở xa đơn vị đào tạo;

- Chi làm thêm giờ của các bộ quản lý khóa đào tạo (nếu có);

- Các khoản chi khác để phục vụ quản lý, điều hành khóa đào tạo.

III. Mức chi cụ thể cho một khóa đào tạo, bồi dưỡng như sau: Thực hiện theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 và Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND ngày 14/12/2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi

1. Lớp khởi sự doanh nghiệp

a) Thời gian đào tạo lớp khởi sự doanh nghiệp: mỗi lớp là 3 ngày, số học viên tối thiểu của mỗi lớp học là 30 người

b) Nội dung chi của lớp đào tạo:

* Chi cho giảng viên: 12.850.000đ

- Chi thù lao báo cáo viên: 600.000đ/1 buổi (một buổi giảng được tính 5 tiết) x 2buổi x 3ngày = 3.600.000đ

- Chi biên soạn tài liệu, ra đề thi, coi thi, chấm thi: 3.000.000đ

- Chi phí đi lại: 2.000.000đ x 2 lần = 4.000.000đ

- Chi phí lưu trú: 600.000đ x 3ngày/đêm = 1.800.000đ

- Phụ cấp tiền ăn: 150.000đ x 3 ngày = 450.000đ

* Chi tổ chức lớp học: 35.850.000đ

- Chi mua hoặc in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo): 150.000đ/bộ x 50 bộ = 7.500.000đ

- Chi thuê hội trường (hoặc phòng học), thuê dụng cụ phục vụ giảng dạy như máy chiếu, máy vi tính (trong đó: thuê hội trường 2.000.000đ; thuê máy chiếu 700.000đ): 2.700.000đ x 3 ngày = 8.100.000đ

- Tiền hoa, khẩu hiệu trang trí phòng học: 1.500.000đ

- Chi điện thoại, gửi thư mời, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng: 6.000.000đ

- Chi tiền văn phòng phẩm: 35.000đ/1 người x 50người = 1.750.000đ

- Chi tiền nước uống phục vụ lớp học: (50người x 3ngày) x 20.000đ = 3.000.000đ

- Chi tiền thưởng học viên xuất sắc: 05 người x 200.000đ = 1.000.000đ

- Chi phí in chứng chỉ: 20.000đ x 50 người = 1.000.000đ

- Chi phí lễ khai giảng, bế giảng: (200.000đ x 3người) x 2 = 1.200.000đ

- Chi tiền trông coi xe: 200.000đ x 3 ngày = 600.000đ

- Chi tiền phục vụ lớp học: 200.000đ x 3 ngày = 600.000đ

- Chi phí quản lý lớp học: 200.000đ x 3 ngày = 600.000đ

- Chi công tác phí cho cán bộ quản lý khóa đào tạo của đơn vị đào tạo trong trường hợp phải tổ chức khóa đào tạo ở xa đơn vị đào tạo: 3.000.000đ

Tổng cộng chi phí cho 01 lớp khởi sự doanh nghiệp: 48.700.000đ

2. Lớp quản trị doanh nghiệp:

a) Thời gian đào tạo lớp quản trị doanh nghiệp: mỗi lớp là 5 ngày, số học viên tối thiểu của mỗi lớp học là 30 người.

b) Nội dung chi của lớp đào tạo:

* Chi cho giảng viên: 16.750.000đ

- Chi thù lao báo cáo viên: 600.000đ/1buổi (một buổi giảng được tính 5 tiết) x 2buổi x 5ngày = 6.000.000đ

- Chi biên soạn tài liệu, ra đề thi, coi thi, chấm thi: 3.000.000đ

- Chi phí đi lại: 2.000.000đ x 2 lần = 4.000.000đ

- Chi phí lưu trú: 600.000đ x 5ngày/đêm = 3.000.000đ

- Phụ cấp tiền ăn: 150.000đ x 5 ngày = 750.000đ

* Chi tổ chức lớp học: 47.950.000đ

- Chi mua hoặc in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo): 150.000đ/bộ x 50 bộ = 7.500.000đ

- Chi thuê hội trường (hoặc phòng học), thuê dụng cụ phục vụ giảng dạy như máy chiếu, máy vi tính. 2.700.000đ x 5 ngày = 13.500.000đ

- Tiền hoa, khẩu hiệu trang trí phòng học: 1.500.000đ

- Chi điện thoại, gửi thư mời, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng: 6.000.000đ

- Chi tiền văn phòng phẩm: 35.000đ/1 người x 50người = 1.750.000đ

- Chi tiền nước uống phục vụ lớp học: (50người x 5ngày) x 20.000đ = 5.000.000đ

- Chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế (nếu có): thuê phương tiện đưa đón học viên: 6.500.000đ

- Chi tiền thưởng học viên xuất sắc: 05 người x 200.000đ = 1.000.000đ

- Chi phí in chứng chỉ: 20.000đ x 50 người = 1.000.000đ

- Chi phí lễ khai giảng, bế giảng: (200.000đ x 3người) x 2 = 1.200.000đ

- Chi tiền trông coi xe: 200.000đ x 5 ngày = 1.000.000đ

- Chi tiền phục vụ lớp học: 200.000đ x 5ngày = 1.000.000đ

- Chi phí quản lý lớp học: 200.000đ x 5ngày = 1.000.000đ

Tổng cộng chi phí cho 01 lớp quản trị doanh nghiệp: 64.700.000đ

3. Lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu:

a) Thời gian đào tạo lớp quản trị doanh nghiệp: mỗi lớp là 7 ngày, số học viên tối thiểu của mỗi lớp học là 30 người)

b) Nội dung chi của lớp đào tạo:

* Chi cho giảng viên: 27.450.000đ

- Chi thù lao báo cáo viên: 800.000đ/1buổi (một buổi giảng được tính 5 tiết) x 2buổi x 7ngày = 11.200.000đ

- Chi biên soạn tài liệu, ra đề thi, coi thi, chấm thi: 5.000.000đ

- Chi phí đi lại: 3.000.000đ x 2 lần = 6.000.000đ

- Chi phí lưu trú: 600.000đ x 7ngày/đêm = 4.200.000đ

- Phụ cấp tiền ăn: 150.000đ x 7 ngày = 1.050.000đ

* Chi tổ chức lớp học: 59.750.000đ

- Chi mua hoặc in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo): 200.000đ/bộ x 50 bộ = 10.000.000đ

- Chi thuê hội trường (hoặc phòng học), thuê dụng cụ phục vụ giảng dạy như máy chiếu, máy vi tính: 2.800.000đ x 7 ngày = 19.600.000đ

- Tiền hoa, khẩu hiệu trang trí phòng học: 1.500.000đ

- Chi điện thoại, gửi thư mời, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng: 6.000.000đ

- Chi tiền văn phòng phẩm: 35.000đ/1 người x 50người = 1.750.000đ

- Chi tiền nước uống phục vụ lớp học: (50người x 7ngày) x 20.000đ = 7.000.000đ

- Chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế (nếu có): thuê phương tiện đưa đón học viên; 6.500.000đ

- Chi tiền thưởng học viên xuất sắc: 05 người x 200.000đ = 1.000.000đ

- Chi phí in chứng chỉ: 20.000đ x 50 người = 1.000.000,đ

- Chi phí lễ khai giảng, bế giảng: (200.000đ x 3người) x 2 = 1.200.000đ

- Chi tiền trông coi xe: 200.000đ x 7 ngày = 1.400.000đ

- Chi tiền phục vụ lớp học: 200.000đ x 7ngày = 1.40.000đ

- Chi phí quản lý lớp học: 200.000đ x 7ngày = 1.40.000đ

Tổng cộng chi phí cho 01 lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu: 87.200.000đ

4. Lớp cập nhật kiến thức mới: Phổ biến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn; Phổ biến các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; Phân tích các cơ hội và thách thức của Doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại FTA, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP; Thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Giải đáp các vướng mắc của Doanh nghiệp khi tham gia quá trình hội nhập:

a) Thời gian: 3 ngày, số học viên tối thiểu là 100 người.

b) Nội dung chi:

* Chi cho giảng viên: 17.050.000đ

- Chi thù lao báo cáo viên: 800.000đ/1buổi (một buổi giảng được tính 5 tiết) x 2buổi x 3ngày = 4.800.000đ

- Chi biên soạn tài liệu: 4.000.000đ

- Chi phí đi lại: 3.000.000đ x 2 lần = 6.000.000đ

- Chi phí lưu trú: 600.000đ x 3ngày/đêm = 1.800.000đ

- Phụ cấp tiền ăn: 250.000đ x 3 ngày = 450.000đ

* Chi tổ chức lớp học: 49.800.000đ

- Chi mua hoặc in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo): 150.000đ/bộ x 100 bộ = 15.000.000đ

- Chi thuê hội trường (hoặc phòng học), thuê dụng cụ phục vụ lớp tập huấn như máy chiếu, máy vi tính: 4.700.000đ x 3 ngày = 14.100.000đ

- Tiền hoa, khẩu hiệu trang trí phòng học: 1.500.000đ

- Chi điện thoại, gửi thư mời, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng: 6.000.000đ

- Chi tiền văn phòng phẩm: 30.000đ/1 người x 100người = 3.000.000đ

- Chi tiền nước uống phục vụ lớp học: (100người x 3ngày) x 20.000đ = 6.000.000đ

- Chi phí lễ khai mạc, bế mạc: (200.000đ x 3người) x 2 = 1.200.000đ

- Chi tiền phục vụ: (200.000đ x 3 người) x 3ngày = 1.800.000đ

- Chi phí quản lý: (200.000đ x 2 người) x 3ngày = 1.200.000đ

Tổng cộng chi phí cho 01 lớp cập nhật kiến thức mới: 66.850.000đ

 

PHỤ LỤC SỐ 03

BIỂU CHI TIẾT KINH PHÍ CỦA KẾ HOẠCH
(Kèm theo Quyết định số: 1354/QĐ-UBND ngày 27/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

STT

Nội dung

Số lớp

Thành tiền (VNĐ)

Do ngân sách địa phương hỗ trợ

A

Năm 2016

05

307.450.000

307.450.000

01

Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng

01

100.000.000

100.000.000

02

Lớp khởi sự doanh nghiệp

03

132.600.000

132.600.000

03

Lớp quản trị doanh nghiệp

 

 

 

04

Lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

 

 

 

05

Lớp cập nhật kiến thức mới

01

74.850.000

74.850.000

B

Năm 2017

21

1.328.450.000

1.328.450.000

01

Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng

01

50.000.000

50.000.000

02

Lớp khởi sự doanh nghiệp

07

340.900.000

340.900.000

03

Lớp quản trị doanh nghiệp

06

388.200.000

388.200.000

04

Lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

04

348.800.000

348.800.000

05

Lớp cập nhật kiến thức mới

03

200.550.000

200.550.000

C

Năm 2018

13

795.700.000

795.700.000

01

Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng

01

50.000.000

50.000.000

02

Lớp khởi sự doanh nghiệp

05

243.500.000

243.500.000

03

Lớp quản trị doanh nghiệp

03

194.100.000

194.100.000

04

Lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

02

174.400.000

174.400.000

05

Lớp cập nhật kiến thức mới

02

133.700.000

133.700.000

D

Năm 2019

13

795.700.000

795.700.000

01

Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng

01

50.000.000

50.000.000

02

Lớp khởi sự doanh nghiệp

05

243.500.000

243.500.000

03

Lớp quản trị doanh nghiệp

03

194.100.000

194 100.000

04

Lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

02

174.400.000

174.400.000

05

Lớp cập nhật kiến thức mới

02

133.700.000

133.700.000

Đ

Năm 2020

13

795.700.000

795.700.000

01

Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng

01

50.000.000

50.000.000

02

Lớp khởi sự doanh nghiệp

05

243.500.000

243.500.000

03

Lớp quản trị doanh nghiệp

03

194.100.000

194 100.000

04

Lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

02

174.400.000

174.400.000

05

Lớp cập nhật kiến thức mới

02

133.700.000

133.700.000

 

TỔNG CỘNG

65

4.022.500.000

4.022.500.000

 

PHỤ LỤC SỐ 04

BIỂU TỔNG HỢP KINH PHÍ CỦA KẾ HOẠCH
(Kèm theo Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 27/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

STT

Nội dung

Số lớp

Thành tiền (VNĐ)

Do ngân sách địa phương hỗ trợ

01

Điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng

05

300.000.000

300.000.000

02

Lớp khởi sự doanh nghiệp

25

1.204.000.000

1.204.000.000

03

Lớp quản trị doanh nghiệp

15

970.000.000

970.000.000

04

Lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

10

872.000.000

872.000.000

05

Lớp cập nhật kiến thức mới

10

676.500.000

676.500.000

 

TỔNG CỘNG

65

4.022.500.000

4.022.500.000