Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134/2001/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ XÂY DỰNG THEO QUY HOẠCH CHI TIẾT HUYỆN THANH TRÌ - HÀ NỘI, TỶ LỆ 1/5.000.(PHẦN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ QUY HOẠCH GIAO THÔNG).

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1991 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28 tháng 12 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định lập các đồ án Quy hoạch Xây dựng đô thị;
Căn cứ Quyết định số 133/2001/QĐ-UB ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì, Hà Nội, tỷ lệ 1/5.000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông).
Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này "Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì, Hà Nội, tỷ lệ 1/5.000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông)".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Kiến trúc sư trưởng Thành phố; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính - Vật giá, Địa chính - Nhà đất, Xây dựng, Giao thông công chính, Khoa học công nghệ và môi trường; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Thành Trì; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

 

ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ XÂY DỰNG

THEO QUY HOẠCH CHI TIẾT HUYỆN THANH TRÌ, TỶ LỆ 1/5.000.(PHẦN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ QUY HOẠCH GIAO THÔNG)
(Ban hành theo quyết định số 134/2001/QĐ-UB ngày 28 tháng 12 năm 2001 của UBND Thành phố Hà Nội).

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Điều lệ này hướng dẫn việc quản lý xây dựng, cải tạo, tôn tạo, bảo vệ và sử dụng các công trình theo đúng đồ án Quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì, tỷ lệ 1/5.000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) đã được phê duyệt theo Quyết định số 133/2001/QĐ-UB ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Điều 2: Ngoài những quy định nêu trong Điều lệ này, việc quản lý xây dựng trong địa bàn huyện Thanh Trì còn phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 3: Việc điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi Điều lệ phải được Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định trên cơ sở điều chỉnh Đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt. 

Điều 4: Uỷ ban nhân dân Thành phố giao cho UNBD huyện Thanh Trì quản lý xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Trì và phối hợp với các Sở, ngành chức năng thuộc Thành phố để hướng dẫn các chủ đầu tư và nhân dân thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp và sử dụng các công trình theo đúng quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì được duyệt và quy định của pháp luật.

Chương 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Huyện Thanh Trì có vị trí ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, có tổng diện tích đất tự nhiên theo địa giới hành chính là 9.791 ha gồm 24 xã và 1 thị trấn, được giới hạn như sau:

- Phía Bắc giáp quận Hai Bà Trưng và quận Đống Đa.

- Phía Tây Bắc giáp quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm.

- Phía Tây và Nam giáp tỉnh Hà Tây.

- Phía Đông giáp sông Hồng.

Tổng diện tích đất quy hoạch: 9.791 ha

Trong đó

- Khu vực phát triển đô thị thuộc thành phố trung tâm (theo Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998) có diện tích : 2.615 ha.

Gồm các xã: Định Công, Đại Kim , Tân Triều, Thịnh Liệt, thị trấn Văn Điển, và một phần các xã Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Yên Sở, Thanh Liệt.

- Khu vực đang được đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm có diện tích: 1.240  ha.

Gồm các xã: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Tứ Hiệp và một phần các xã Trần Phú, Lĩnh Nam, Yên Sở, Ngũ Hiệp.

- Khu vực ngoài đô thị (phần còn lại cuả huyện) có diện tích: 5.936 ha.

(Trong đó khu dân cư có diện tích: 1.074,7 ha)

Gồm các xã: Ngọc Hồi, Liên Ninh, Đại Áng, Hữu Hoà, Tả Thanh Oai, Đông Mỹ, Yên Mỹ, Vạn Phúc, Duyên Hà và một phần các xã Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, Thanh Liệt, Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp.

Điều 6: Quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì được chia thành các khu chức năng sau:

- Đất công nghiệp, kho tàng.

- Đất cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo.

- Đất an ninh, quốc phòng.

- Đất công trình công cộng thành phố, khu ở và đơn vị ở.

- Đất khu ở, đơn vị ở.

- Đất trường học phổ thông.

- Đất hành lang cách ly, cây xanh công viên, hồ điều hoà, bãi đỗ xe, công trình đầu mối.

Điều 7: Đất công nghiệp, kho tàng.

- Diện tích đất nằm trong khu vực phát triển đô thị thành phố trung tâm : 208,1935 ha (gồm 194,3335 ha đất công nghiệp tập trung và 13,86 ha đất công nghiệp sạch phân tán trong các đơn vị ở).

- Diện tích đất nằm trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 49,102 ha (gồm 33,462 ha đất công nghiệp tập trung và 15,64 ha phân tán).

- Mật độ xây dựng tối đa trên đất thuần công nghiệp: 70 %.

- Hệ số sử dụng đất: 0,6 - 0,9.

- Tầng cao công trình : sẽ được phê duyệt cụ thể theo dự án đầu tư xây dựng.

* Yêu cầu về quy hoạch.

- Chỉ giới xây dựng và khoảng cách giữa các công trình sẽ được xem xét quyết định ở đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ lớn hơn phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Không được gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh và đảm bảo khoảng cách ly công nghiệp.

- Hình thức kiến trúc công trình phải đẹp và phù hợp với quy hoạch khu vực, vật liệu xây dựng phải bền đẹp và an toàn.

- Giao thông trong các khu công nghiệp được tổ chức liên hệ với đường thành phố và khu vực một cách thuận tiện, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của giao thông thành phố.

Trong các khu công nghiệp phải bố trí đủ diện tích cây xanh, các bãi đỗ xe và khu vực thu gom, xử lý nước thải, rác thải. 

Điều 8: Các khu cơ quan, trường đào tạo, viện nghiên cứu.

- Diện tích đất nằm trong khu vực phát triển đô thị thành phố trung tâm : 119,078 ha (trong đó đất các cơ quan tập trung là: 91,415 ha, các cơ sở phân tán trong các đơn vị ở: 27,663 ha).

- Diện tích đất nằm trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 34,711 ha (trong đó đất cơ quan tập trung: 18,5 ha, các cơ sở phân tán trong các đơn vị ở: 16,211 ha).

- Mật độ xây dựng tối đa: 30 - 40 %.

- Hệ số sử dụng đất : 0,9 - 1,5 lần.

- Tầng cao công trình sẽ được phê duyệt cụ thể theo đồ án đầu tư xây dựng.

* Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và giao thông.

- Về kiến trúc: Bảo đảm chỉ giới xây dựng, khoảng cách các công trình tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Hình thức kiến trúc, màu sắc công trình, cây xanh, sân vườn, cổng và tường rào phải đẹp và phù hợp với quy hoạch khu vực.

- Về giao thông: Tổ chức đương ra vào hợp lý, trong từng công trình cần phải bố trí bãi đỗ xe riêng trong phạm vi đất cấp, không sử dụng lòng đường và vỉa hè để đỗ xe, trong từng công trình phải bố trí nơi thu gom rác thải theo quy định về vệ sinh môi trường.

Điều 9: Đất xây dựng khu ở - đơn vị ở.

- Tổng diện tích đất xây dựng khu ở nằm trong khu vực phát triển đô thị thuộc khu vực thành phố trung tâm là: 826,375 ha, bao gồm:

+ Đất công cộng khu ở: 40,608 ha.

+ Đất cây xanh khu ở: 36,536 ha.

+ Đất đường khu ở: 81,02 ha.

+ Đất dơn vị ở: 668,21 ha (bao gồm cả đất làng xóm nằm trong khu đô thị).

- Tổng diện tích đất xây dựng dân dụng nằm trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm là: 635,6476 ha, bao gồm:

+ Đất công cộng khu ở: 19,067 ha.

+ Đất cây xanh thể dục thể thao: 23,623 ha.

+ Đất giao thông: 71,62 ha.

+ Đất khu ở: 521,3376 ha (bao gồm đất các khu vực làng xóm và các khu dãn cư).  

- Mật độ xây dựng bình quân:

+ Khu vực đô thị phát triển mới: 35 - 40%.

+ Khu vực làng xóm cải tạo: 25 - 30%.

- Tầng cao bình quân:

+ Khu vực đô thị phát triển mới: 3 - 3,5 tầng.

+ Khu vực làng xóm cải tạo: 1 - 2 tầng.

- Tổng số người trong khu vực phát triển đô thị thuộc thành phố trung tâm đến năm 2020: 113.200 người.

- Tổng số người trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm đến năm 2020: 69.010 người.

- Khu vực làng xóm ngoài khu vực phát triển đô thị sẽ được từng bước cải tạo giữ nguyên bản sắc truyền thống. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật như cấp nước sạch, thu gom rác cùng với việc cải tạo hệ thống đường làng cải thiện từng bước điều kiện sống, đảm bảo vệ sinh môi trường. 

* Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và giao thông.

- Về kiến trúc:

+ Chỉ giới xây dựng và khoảng cách giữa các công trình phải phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

+ Hình thức kiến trúc, màu sắc công trình, cây xanh sân vườn đẹp và phù hợp với quy hoạch khu vực và phù hợp với tính chất sử dụng của công trình.

+ Khu vực làng xóm: yêu cầu công trình xây dựng đẹp, phù hợp với quy hoạch khu vực và giữ được bản sắc kiến trúc truyền thống.

- Về Giao thông:

+ Mạng lưới giao thông trong khu vực nhà ở cần được xây dựng hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn về chiếu sáng và cấp hạng đường để liên hệ thuận tiện với mạng lưới đường thành phố. Phải bố trí các hệ thống đường đảm bảo tiêu chuẩn cấp đường (bề rộng lòng đường và vỉa hè). Kết hợp xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

+ Đường dạo, vườn hoa, cây xanh được tổ chức tạo thành nơi nghỉ ngơi giải trí đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân.

+ Khu vực làng xóm từng bước được tổ chức xây dựng, cải tạo mạng lưới đường. Trước mắt cần giữ gìn tu tạo và nâng cấp hệ thống đường làng, ngõ xóm để giải quyết nhu cầu giao thông và thoát nước cho khu vực.

+ Khi lập dự án đầu tư xây dựng các khu nhà ở mới phải dành 3 - 5% quỹ đất xây dựng cho nhu cầu bãi đỗ xe.

Điều 10: Các trung tâm công cộng, dịch vụ, thương mại, bệnh viên, trường phổ thông trung học.  

- Công trình công cộng thành phố: bao gồm công trình tập trung quy mô lớn:     

+ Diện tích: 42,148 ha.

+ Chức năng: khách sạn, trung tâm thương mại, công trình văn hoá, y tế, thể dục thể thao.

+ Mật độ xây dựng: tuân thủ theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

+ Tầng cao công trình: sẽ được xem xét phê duyệt theo dự án đầu tư xây dựng.

- Công trình công cộng khu ở: Bao gồm các công trình công cộng tập trung về văn hoá, giáo dục (trường PTTH), thể dục thể thao, y tế, thương mại, dịch vụ…

+ Diện tích đất công trình công cộng nằm trong khu vực phát triển đô thị thuộc thành phố trung tâm: 40,608 ha.

+ Diện tích đất công trình công cộng nằm trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 19,067 ha.

+ Mật độ xây dựng: theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

+ Tầng cao công trình: phê duyệt theo dự án đầu tư xây dựng.

* Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và giao thông.

- Về kiến trúc:

+ Chỉ giới xây dựng và khoảng cách các công trình phải tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

+ Hình thức kiến trúc, màu sắc công trình, cây xanh sân vườn đẹp và phù hợp với quy hoạch khu vực và phù hợp với tính chất sử dụng của công trình.

+ Khu vực làng xóm: yêu cầu công trình xây dựng đẹp, phù hợp với quy hoạch khu vực và giữ được bản sắc kiến trúc truyền thống.

- Về giao thông: bố trí bãi đỗ xe riêng cho từng công trình, có lối ra vào thuận tiện, không sử dụng lòng đường và vỉa hè để đỗ xe.

Điều 11: Công viên, vườn hoa, cây xanh thành phố.

- Diện tích : 339,224 ha.

- Chức năng: công viên, vườn hoa, cây xanh phục vụ nhu cầu của thành phố và dân cư khu vực.

* Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và giao thông.

- Về kiến trúc: Hình thức tổ chức cây xanh, sân vườn đẹp, phong phú, thuận lợi cho sử dụng chung và phù hợp với quy hoạch khu vực.

- Về giao thông: Bố trí lối ra vào thuận lợi cho người đi bộ, hệ thống chiếu sáng và bố trí điểm đỗ xe thuận tiện. Không sử dụng lòng đường và vỉa hè để đỗ xe.

Điều 12: Đất an ninh quốc phòng.

- Diện tích đất:

+ Nằm tong khu vực phát triển thành phố trung tâm: 120,2635 ha.

+ Trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 5,075 ha.

- Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình theo dự án riêng và thực hiện theo đúng Nghị định số 09/CP ngày 12/02/1996 của Chính phủ.

* Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và giao thông.

- Về kiến trúc: Các công trình xây dựng phải đảm bảo cảnh quan kiến trúc khu vực, phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.

- Về giao thông: Trong từng công trình bố trí bãi đỗ xe riêng.

Điều 13: Các công trình di tích.

- Diện tích đất:

+ Nằm trong khu vực phát triển đô thị thành phố trung tâm: 16,99 ha.

+ Trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 6,6228 ha.

* Yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và giao thông.

- Về kiến trúc:

+ Đối với các công trình di tích lịch sử đã xếp hạng, các vùng bảo vệ xung quanh di tích được xác định theo danh sách cụ thể của Sở văn hoá thông tin.

+ Đối với các côngtrình chưa được xếp hạng trong phạm vi 30m đến tường rào của di tích không được xây dựng công trình cao trên 2 tầng.

- Về giao thông: Không được làm đường đi qua khu vực có công trình di tích.

Điều 14: Đất các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và các hành kang bảo vệ.

- Diện tích đất:

+ Trong khu vực phát triển đô thị thành phố trung tâm: 179,073 ha.

+ Trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 43,5854 ha.

* Yêu cầu về quy hoạch : tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về hành lang, phạm vi bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Điều 15: Các hồ điều hoà, hệ thống sông mương thoát nước và hành lang bảo vệ.

- Diện tích đất:

+ Trong khu vực phát triển đô thị thành phố trung tâm: 407,926 ha (trong đó riêng hồ điều hoà là 283,6 ha).

+ Trong khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 79,7188 ha (trong đó riêng hồ điều hoà là 25,26 ha).

* Yêu cầu về quy hoạch : tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về hành lang, phạm vi bảo vệ hệ thống thoát nước thành phố.

Điều 16: Đường giao thông theo quy hoạch.

* Đường sắt:

- Tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 9,8 km, đường đơn.

- Tuyến đường sắt vành đai dài 16,3 km, đường đôi, nền đường rộng 16m.

- Ga Giáp Bát là ga lập tàu khách, diện tích 40 ha.

- Ga Ngọc Hồi là ga lập tàu hàng diện tích 67,5 ha.

- Ga Văn Điển và ga Yên Sở là ga xép diện tích 1,65 ha và 4,5 ha. Ga Văn Điển về lâu dài sẽ trở thành ga đường sắt đô thị.

* Đường thuỷ: cảng Khuyến Lương là cảng cho tàu biển pha sông trọng tải đến 1.000T. Diện tích rộng 20 ha. Ranh giới các ga, đường sông, cảng sẽ được xác định trên bản đồ tỷ lệ 1/500.

* Đường bộ:

- Đường vành đai:

+ Đường vành đai 3: mặt cắt ngang rộng 51 - 70m.

+ Đường vành đai 4: rộng 55m (kể cả hành lang dành cho đường sắt vành đai rộng 16m).

- Đường chính thành phố: đường Giải Phóng và Quốc lộ 1 hiện nay có chiều rộng 46m.

- Đường liên khu vực:

+ Đường 70 có chiều rộng 50m.

+ Đường phía Tây trường đua ngựa (Đại Kim - Tân Triều) rộng 53,5m. 

+ Đường đê sông Hồng (từ xã Thanh Trì đến đường vành đai 3) cải tạo mở rộng (kết hợp dự án cải tạo đê) thành đường 6 làn xe.

- Đường khu vực có mặt cắt ngang rộng 40m.

- Đường phân khu vực và đường nhánh chính.

+ Đường phân khu vực có mặt cắt ngang rộng 25 - 30 m.

+ Đướng nhánh chính rộng 20,5 - 23,25m.

Chỉ giới đường đỏ của từng tuyến đường sẽ được xác định trên bản đồ tỷ lệ 1/500 phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17: Điều lệ này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 18: Các cơ quan có trách nhiệm quản lý xây dựng căn cứ đồ án Quy hoạch chi tiết được duyệt và các quy định của Điều lệ này để hướng dẫn thực hiện cải tạo, xây dựng theo quy hoạch và quy định của pháp luật.

Điều 19: Mọi vi phạm các điều khoản của Điều lệ này tuỳ theo hình thức và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 20: Đồ án quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì tỷ lệ 1/5.000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) được lưu trữ tại các cơ quan sau đây để các tổ chức, cơ quan và nhân dân được biết, kiểm tra, giám sát và thực hiện.

- UBND Thành phố Hà Nội.

- Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố.

- Sở xây dựng.

- Sở Địa chính - Nhà đất.

- UBND huyện Thanh Trì.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 134/2001/QĐ-UB về Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì-Hà Nội, Tỷ lệ 1/5.000 (Phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 134/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2001
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Văn Nghiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản