Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1336/GD-ĐT | Hà nội, ngày 26 tháng 4 năm 1997 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG NHẬN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 1996 – 2000
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
- Căn cứ Nghị định 29/CP ngày 30-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Căn cứ Luật Phổ cập giáo dục tiểu học ban hành ngày 12-8-1991 và Nghị định 338/HĐBT ngày 26-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về thi hành Luật Phổ cập giáo dục tiểu học;
- Căn cứ Nghị định 90/CP ngày 24-11-1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng chứng chỉ giáo dục và đào tạo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tiểu học;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1996-2000, áp dụng thống nhất cho tất cả các loại hình trong trường tiểu học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2: Bản quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Các Ông (bà) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CÔNG NHẬN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 1996-2000
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1366/GD-ĐT, ngày 26 tháng 4 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo )
Điều 1: Trường tiểu học là đơn vị cơ sở của giáo dục tiểu học - cấp học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường tiểu học phải có đủ những điểm chuẩn cần thiết để đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục theo yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhằm đưa giáo dục Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điều 2: Tiêu chuẩn trường tiểu học là căn cứ để Chính quyền địa phương các cấp xây dựng kế hoạch đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học.
Điều 3: Tất cả các trường tiểu học, không phân biệt trường công lập, bán công hay dân lập, có cơ sở vật chất riêng, có đủ các khối lớp của toàn cấp học, đối chiếu với tiêu chuẩn do Bộ ban hành tại văn bản này, nhận thấy đã đủ điều kiện, đều có quyền được đề nghị cấp trên kiểm tra, xét công nhận đạt chuẩn.
Điều 4: Trường tiểu học được đề nghị cấp trên xét để kiểm tra công nhận đạt chuẩn phải đạt danh hiệu trường tiểu học tiên tiến cấp huyện (quận, thị xã) của năm học trước.
Điều 5: Việc xét công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia chỉ tiến hành một lần trong năm học đối với mỗi trường. Trường nào đã được kiểm tra, đánh giá, nhưng chưa đạt đủ tiêu chuẩn, nếu năm sau phấn đấu đạt đủ các tiêu chuẩn, thì được đề nghị kiểm tra, đánh giá lại. Khi đề nghị cấp trên xét công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trường tiểu học phải chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ cần thiết quy định tại văn bản này.
TIÊU CHUẨN TRƯỜNG TIỂU HỌC GIAI ĐOẠN 1996-2000
Điều 6: Trường tiểu học được công nhận là trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1996-2000 phải đạt đủ 5 tiêu chuẩn sau đây:
1. Tổ chức và quản lý
1.1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
- Hiệu trưởng đạt các tiêu chuẩn:
+ Về trình độ: Có trình độ đào tạo từ THSP trở lên, đã dạy học ít nhất 5 năm (không kể thời gian tập sự), có trình độ chính trị sơ cấp, đã qua bồi dưỡng hoặc được đào tạo về nghiệp vụ quản lý trường học.
+ Về hiểu biết: nắm được nội dung cơ bản của công tác quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo và mục tiêu kế hoạch đào tạo của trường tiểu học, nắm chắc nội dung, chương trình, kế hoạch của các môn học; có năng lực tổ chức, quản lý trường học.
+ Về phẩm chất: giữ được sự đoàn kết trong trường, được cán bộ, giáo viên trong trường và cán bộ nhân dân địa phương tín nhiệm về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức.
- Các phó Hiệu trưởng phải có đủ trình độ, hiểu biết, năng lực và phẩm chất để giúp hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ.
Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng làm việc đúng chức trách, quản lý mọi hoạt động của nhà trường theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo tính dân chủ trong nhà trường.
1.2. Các tổ chức và hội đồng trong nhà trường
- Chi bộ Đảng trường học lãnh đạo nhà trường theo Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam.
- Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Đội thiếu niên tiền phong HCM và Sao Nhi đồng HCM được tổ chức chặt chẽ và hoạt động theo Điều lệ Đoàn, theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản HCM.
- Công đoàn giáo dục nhà trường được tổ chức và hoạt động theo Luật công đoàn và theo sự chỉ đạo của công đoàn ngành giáo dục đào tạo.
- Các Hội đồng tư vấn trong nhà trường (Hội đồng sư phạm, Hội đồng thi đua và khen thưởng, Hội đồng kỷ luật), các tổ chuyên môn và nghiệp vụ được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ trường tiểu học.
- Các tổ chức và các hội đồng trong trường hoạt động có hiệu quả, có đóng góp cụ thể vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường, có sự phối hợp vì mục đích chung của sự nghiệp giáo dục tiểu học.
1.3. Thực hiện quản lý, hiệu lực quản lý
- Nhà trường có kế hoạch năm học và phương hướng phát triển từng thời kỳ, có biện pháp tổ chức thực hiện kế hoạch đúng tiến độ.
- Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn và nghiệp vụ quản lý công tác của giáo viên, nhân viên theo chức năng, nhiệm vụ.
- Hiệu trưởng và các phó Hiệu trưởng chỉ đạo công tác hành chính, quản trị, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động giảng dạy và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường, cụ thể:
+ Tổ chức công tác văn thư lưu trữ, công tác hồ sơ, sổ sách theo quy định của Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường và từng lớp có đủ hồ sơ, sổ sách theo quy định. Hồ sơ, sổ sách đảm bảo tính chính xác và tính cập nhật.
+ Thực hiện chế độ thu chi hợp lý, đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính của Nhà nước.
+ Quản lý, bổ sung và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục khác.
+ Đảm bảo các quyền lợi của cán bộ, giáo viên theo quy định của Nhà nước; có biện pháp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên.
1.4. Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương và của phòng Giáo dục.
- Nhà trường thực hiện các Nghị quyết của Đảng liên quan đến giáo dục tiểu học, chấp hành sự quản lý hành chính của Chính quyền địa phương, đồng thời chủ động tham mưu cho cấp bộ Đảng và Chính quyền địa phương và kế hoạch và các biện pháp cụ thể lãnh đạo hoạt động của nhà trường theo mục tiêu và kế hoạch giáo dục tiểu học.
- Nhà trường chấp hành sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Giáo dục và báo cáo kịp thời tình hình giáo dục tiểu học ở địa phương cho Phòng Giáo dục.
2. Xây dựng đội ngũ giáo viên
2.1. Số lượng và trình độ đào tạo:
- Đảm bảo tỉ lệ 1,15 giáo viên/lớp.
- Đảm bảo dạy đủ 9 môn bắt buộc ở tiểu học.
- Có ít nhất 80% số giáo viên đạt chuẩn THSP; có giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo; giáo viên Thể dục, Âm nhạc, Ngoại ngữ chưa qua đào tạo tiểu học, cần qua tập huấn để có chứng chỉ sư phạm tiểu học.
2.2. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
- Có ít nhất 20% số giáo viên đạt trình độ dạy khá - giỏi cấp huyện (quận, thị xã), tỉnh (thành phố).
- Có ít nhất 50% số giáo viên đạt trình độ dạy khá - giỏi cấp trường.
- Không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.
2.3. Hoạt động chuyên môn
- Hàng tuần giáo viên có lịch báo giảng và chuẩn bị bài soạn chu đáo trước khi lên lớp.
- Hàng tháng các tổ chuyên môn tổ chức dự giờ, thăm lớp, kiểm tra giáo án, sổ theo dõi đánh giá, xếp loại học sinh.
- Hàng năm nhà trường tổ chức các hoạt động khác như trao đổi chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, tham quan học tập kinh nghiệm các trường bạn.
2.4. Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng
- Nhà trường có quy hoạch xây dựng đội ngũ, có kế hoạch bồi dưỡng để đến năm 2000 tất cả giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo.
- Thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo sự chỉ đạo của Bộ.
- Từng giáo viên có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Xây dựng cơ sở vật chất
3.1. Khuôn viên, sân chơi, bãi tập
- Diện tích khuôn viên nhà trường không dưới 10m2/ học sinh đối với vùng nông thôn và miền núi, không dưới 6m2/ 1 học sinh vùng thành phố và thị trấn. Đối với trường học 2 buổi/ngày diện tích tăng thêm 25%.
- Diện tích khu sân chơi ít nhất 3m2/ 1 học sinh, khu tập thể dục thể thao (hoặc nhà đa năng) ít nhất 1m2/ 1 học sinh, khu tập cách xa lớp học ít nhất 15m, có phần diện tích dành cho để trồng cây bóng mát, thảm cỏ. Khu nội trú, nếu có, đảm bảo ít nhất 12m2/ 1 học sinh và xây tách biệt với khu học.
3.2. Phòng học, phòng chức năng, thư viện
- Trường có không quá 30 lớp, mỗi lớp bình quân có không quá 35 học sinh.
- Có đủ phòng học cho mỗi lớp học. Diện tích phòng học bình quân không dưới 1m2/ 1 học sinh.
- Có thư viện gồm kho sách, phòng học cho học sinh, phòng học cho giáo viên.
- Có các phòng chức năng: Phòng Thường trực, Văn phòng nhà trường, phòng Hiệu trưởng, phòng Hội đồng sư phạm, phòng Thiết bị giáo dục, phòng Hoạt động Đội, phòng Giáo dục nghệ thuật, phong Y tế học đường.
3.3. Phương tiện, thiết bị giáo dực
- Trong phòng học kê đủ bàn ghế cho giáo viên và học sinh. Bàn, ghế, bảng, bục giảng, hệ thống chiếu sáng, trang trí phòng học đúng quy cách.
- Có kế hoạch trang bị cho kho sách đủ 3 loại: sách dùng chung, sách nghiệp vụ cho giáo viên, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh.
- Có kế hoạch trang bị đầy đủ các loại thiết bị giáo dục theo danh mục chuẩn do Bộ quy định (máy móc, dụng cụ thí nghiệm, mô hình, mẫu vật, hoá chất, tranh ảnh, bản đồ, dụng cụ thể dục thể thao, nhạc cụ, thiết bị nghe nhìn).
3.4. Điều kiện vệ sinh
- Trường đặt tại nơi yên tĩnh, cao ráo, thoáng mát, thuận tiện cho học sinh đi học.
- Đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh: trường có nguồn nước sạch, có khu vệ sinh và khu để xe, có hệ thống cống rãnh thoát nước, có tường hoặc hàng rào bao quanh trường, không có hàng quán trong khu vực trường, giữ vệ sinh xung quanh khu vực trường.
4. Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục
4.1. Đại hội giáo dục cấp cơ sở, Hội đồng giáo dục cấp cơ sở, Hội cha mẹ học sinh.
- Nhà trường phối hợp với cộng đồng tổ chức Đại hội Giáo dục cấp cơ sở theo định kỳ với nội dung thiết thực.
- Nhà trường đóng vai trò nòng cốt trong Hội đồng Giáo dục cấp cơ sở, chủ động đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương và kế hoạch do Đại hội giáo dục đề ra.
- Hội cha mẹ học sinh hoạt động đều, có hiệu quả trong việc kết hợp với nhà trường để giáo dục học sinh.
4.2. Các hoạt động của gia đình và cộng đồng nhằm xây dựng môi trường giáo dục Nhà trường - gia đình - xã hội lành mạnh.
- Có các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức để tăng thêm sự hiểu biết trong cộng đồng về mục tiêu giáo dục tiểu học, về nội dung, phương pháp và cách đánh giá học sinh tiểu học, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia thực hiện mục tiêu và kế hoạch giáo dục tiểu học.
- Nhà trường phối hợp với các bậc cha mẹ theo cơ chế phân công - hợp tác, cùng gia đình giáo dục con em và tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập; đảm bảo mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường, giáo viên và gia đình thông qua việc sử dụng hợp lý các hình thức trao đổi thông tin như họp giáo viên - gia đình, ghi sổ liên lạc,…
- Tổ chức các hoạt động giáo dục cụ thể như giáo dục đạo đức, lối sống, luật pháp, văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao.
4.3 Sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào việc làm tăng cơ sở vật chất cho nhà trường.
Huy động được sự đóng góp về công sức và tiền của của các tổ chức, cá nhân và gia đình để xây dựng cơ sở vật chất; tăng thêm phương tiện, thiết bị dạy và học; khen thưởng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi và hỗ trợ học sinh nghèo.
5. Hoạt động và chất lượng giáo dục.
5.1. Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục
- Dạy đủ 9 môn, dạy đúng chương trình, kế hoạch theo quy định của Bộ.
- Có một số lớp học 2 buổi/ngày.
- Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh.
- Tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi và dạy thêm cho học sinh yếu theo đúng quy định.
5.2. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh
- Có biện pháp chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.
- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học sinh theo thông tư 15/GD-ĐT.
5.3. Thực hiện mục tiêu PCGDTH và CMC
- Góp phần thực hiện nhiệm vụ phổ cập gíáo dục tiểu học và chống mù chữ ở địa phương; có kế hoạch phổ cập gíáo dục tiểu học đúng độ tuổi; không để xẩy ra hiện tượng tái mù chữ.
- Tổ chức tốt “ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường”, huy động được ít nhất 95% số trẻ em trong độ tuổi đi học.
- Duy trì sĩ số, tỉ lệ học sinh bỏ học dưới 1%.
5.4. Chất lượng vì những hiệu quả giáo dục
- Tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp đạt ít nhất 95%.
- Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm Tốt và Khá Tốt đạt ít nhất 95%. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực Giỏi đạt ít nhất 10%, loại khá ít nhất 40%, loại Yếu không quá 5%.
Hiệu quả đào tạo (tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học sau 5 năm học) đạt ít nhất 80%.
Điều 7: Năm tiêu chuẩn của trường tiểu học là những quy định bắt buộc, các tiêu chuẩn có giá trị như nhau. Qua kiểm tra đánh giá, nếu tiêu chuẩn nào chưa đạt thì Nhà trường, Cấp uỷ, Chính quyền địa phương có kế hoạch và biện pháp giúp nhà trường vươn lên đạt tiêu chuẩn đó.
QUY TRÌNH KIỂM TRA, XÉT DUYỆT CÔNG NHẬN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA.
Điều 8: Các bước tiến hành kiểm tra, đánh giá để đề nghị công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia như sau:
1. hiệu trưởng trường tiểu học căn cứ vào các tiêu chuẩn nói trên, nếu thấy trường đã đủ điều kiện thì đề nghị Chủ tịch UBND xã (phường, thị trấn) ra quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, đánh giá trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia (gọi tắt là Hội đồng cấp cơ sở)
Hội đồng cấp cơ sở được thành lập trên cơ sở Hội đồng giáo dục xã (Thành phố gồm: đại diện UBND xã, đại diện BCH Đoàn xã, đại diện Hội cha mẹ học sinh, Hiệu trưởng trường tiểu học, Chủ tịch công đoàn trường, Tổng phụ trách Đội).
Hội đồng cấp cơ sở tiến hành kiểm tra, đánh giá theo 5 tiêu chuẩn và báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá cho Chủ tịch UBND xã. Nếu thấy trường đã đạt chuẩn thì lập hồ sơ đề nghị lên UBND huyện (quận, thị xã) tổ chức thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá. Công văn đề nghị do UBND xã ký. Nếu thấy trường chưa đạt chuẩn thì Đảng uỷ, UBND xã có biện pháp chỉ đạo và xây dựng trường vươn lên trở thành trường đạt chuẩn.
2. Theo đề nghị của Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thi hành lập Đoàn kiểm tra cấp huyện gồm đại diện của UBND huyện và một số cán bộ của Phòng Giáo dục.
Đoàn kiểm tra cấp huyện tiến hành thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá của cấp cơ sở, báo cáo kết quả thẩm định do Chủ tịch UBND huyện. Nếu trường được kiểm tra đã đạt chuẩn thì UBND huyện làm văn bản đề nghị UBND tỉnh (thành phố) tổ chức thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá. Công văn đề nghị do Chủ tịch UBND huyện ký.
3. Theo đề nghị của UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra cấp tỉnh gồm đại diện UBND tỉnh, lãnh đạo Sở và một số chuyện viên của Sở Giáo dục - Đào tạo.
Đoàn kiểm tra cấp tỉnh tiến hành thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá các cấp cơ sở và cấp huyện, báo cáo kết quả thẩm định cho UBND tỉnh. Nếu trường được kiểm tra đã đạt chuẩn thì UBND tỉnh làm văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xét công nhận. Công văn đề nghị do Chủ tịch UBND tỉnh ký.
4. Theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố), Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra cấp Bộ gồm lãnh đạo cấp Vụ và một số chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đoàn kiểm tra cấp Bộ tiến hành thẩm định lại kết quả kiểm tra, đánh giá các cấp, báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu khẳng định trường được kiểm tra đã đạt chuẩn thì làm tờ trình đề nghị Bộ trưởng ra quyết định cấp bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia.
Điều 9: Việc kiểm tra, đánh giá hoặc thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá tiến hành theo quy trình như sau:
1. Nghe báo cáo chung của trường theo 5 tiêu chuẩn trường tiểu học.
2. Kiểm tra, tìm hiểu thêm tình hình thông qua các công việc:
- Kiểm tra các hồ sơ, sổ sách: Sổ đăng bộ, Sổ theo dõi trẻ em thất học, Sổ theo dõi đánh giá xếp loại của học sinh, Học bạ, Sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường, Danh sách học sinh tốt nghiệp tiểu học, kế hoạch năm học của Hiệu trưởng, Kế hoạch giảng dạy của giáo viên, Sổ tài sản nhà trường… và các văn bản, sổ sách khác có liên quan đến các nội dung tiêu chuẩn mà đoàn kiểm tra yêu cầu xem.
- Kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện của nhà trường.
- Kiểm tra qua các cá nhân và tổ chức trong và ngoài trường về những vấn đề liên quan, nếu thấy cần thiết
3. Lập biên bản kiểm tra, đánh giá nhà trường về từng tiêu chuẩn và kết luận tổng hợp cả 5 tiêu chuẩn.
Biên bản của Hội đồng kiểm tra cấp cơ sở phải có đủ chữ ký của tất cả các thành viên Hội đồng. Biên bản thẩm định của Đoàn kiểm tra cấp trên phải có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra, chữ ký của đại diện UBND xã và của Hiệu trưởng.
4. Nếu kết luận trường tiểu học được kiểm tra đạt chuẩn quốc gia thì trưởng đoàn kiểm tra làm văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp đề nghị lên cấp trên tổ chức bước tiếp theo của quy trình kiểm tra, đánh giá.
Điều 10: Quy chế này được thực hiện thí điểm ở 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình từ tháng 5 năm 1997; bắt đầu thực hiện trong cả nước từ tháng 1 năm 1998.
Vụ tiểu học có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện.
- 1Luật Công đoàn 1990
- 2Luật Phổ cập giáo dục tiểu học 1991
- 3Nghị định 338-HĐBT năm 1991 thi hành Luật phổ cập giáo dục tiểu học do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Nghị định 90-CP năm 1993 quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo của Việt Nam
- 5Nghị định 29-CP năm 1994 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và đào tạo
Quyết định 1336/GD-ĐT năm 1997 về Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1996-2000 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 1336/GD-ĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/04/1997
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Trần Xuân Nhĩ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra