Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/2006/QĐ-UBND

Vinh, ngày 13 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, TRỊ AN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN, DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/1 l/2003; Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Chỉ thị số 07/2000/CT-TTg ngày 30/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giữ gìn trật tự trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Tờ trình số 567/TTr-SDL ngày 7/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về công tác bảo đảm trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Du lịch, Văn hoá Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Y ế, Giao thông Vận tải, Công an tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có điểm tham quan, du lịch; Thủ trưởng các đơn vị quản lý các điểm tham quan, du lịch; Giám đốc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hành

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, TRỊ AN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN, DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích và phạm vi điều chỉnh

Quy định này nhằm bảo đảm trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các địa điểm di tích lịch sử, di tích văn hoá, danh lam, thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An (sau đây gọi là địa điểm tham quan, du lịch); góp phần tích cực vào việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; giới thiệu lịch sử, văn hoá, con người Nghệ An với du khách trong nước và quốc tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực trật tự, trị an, vệ sinh môi trường liên quan đến các địa điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. UBND cấp huyện, cấp xã nơi có điểm tham quan, du lịch.

3. Các đơn vị được Nhà nước giao quản lý các điểm tham quan, du lịch.

4. Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và khách tham quan, du lịch.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. QUY ĐỊNH VỀ GIỮ GÌN TRẬT TỰ, TRỊ AN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN, DU LỊCH

Điều 3. Quy định về giữ gìn trật tự, trị an

1. Mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ phải tuân thủ pháp luật và quy chế hoạt động của điểm tham quan, du lịch.

2. Việc xây dựng quầy, ốt, quán hàng, các công trình du lịch phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và đúng quy hoạch đã được công bố; đảm bảo mỹ quan, văn minh, lịch sự, phù hợp với môi trường cảnh quan.

3. Dịch vụ, hàng hoá phải niêm yết giá công khai và bán theo giá đã niêm yết; hàng hoá phải có nhãn mác, đảm bảo chất lượng.

4. Không được bán hàng rong, không đeo bám, nài ép, chèo kéo khách tham quan, du lịch.

5. Mô tô, xe máy tham gia vận chuyển khách tham quan, du lịch phải chờ đón khách tại các địa điểm được quy định, hoạt động phải có tổ chức. Người điều khiển phương tiện phải đăng ký hành nghề với cơ quan có thẩm quyền, chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, không nài ép, tranh giành khách, không đeo bám các phương kiện chở khách tham quan, du lịch để môi giới phòng nghỉ hưởng hoa hồng.

6. Phương tiện vận chuyển khách đường thuỷ phải được đăng kiểm, đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền, có trang bị phao cứu sinh. Người điều khiển phương kiện phải có giấy phép theo quy định.

7. Thợ chụp ảnh vì mục đích kinh doanh hoạt động tại các điểm tham quan, du lịch phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, không được tranh giành, đeo bám, nài ép khách.

8. Các điểm tham quan, du lịch phải có quy chế hoạt động, nội quy tham quan, lắp đặt các biển chỉ dẫn; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan chu đáo tận tình, văn minh, lịch sự; có bãi đậu xe quy mô phù hợp với lượng khách đón tham quan, các phương tiện dừng, đỗ, đón, trả khách đúng nơi quy định.

9. Tại các bãi tắm du lịch (biển, hồ, sông, suối) phải tổ chức cứu hộ.

10. Nghiêm cấm các hành vi lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự, trị an, hành nghề mê tín, dị đoan, các hoạt động tệ nạn xã hội, ăn xin tại các địa điểm tham quan, du lịch.

Điều 4. Quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường

1. Chủ đầu tư, chủ quản các dự án hoạt động tại các địa điểm tham quan, du lịch phải lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Xây dựng nội quy bảo vệ môi trường và niêm yết tại lối vào và những nơi dễ quan sát.

3. Đặt các thùng đựng rác ở vị trí thuận lợi cho khách bỏ rác, thường xuyên thu gom rác thải chuyển đến nơi xử lý, có hệ thống thoát nước thải hợp vệ sinh; xây dựng khu vệ sinh công cộng tại vị trí phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

4. Bố trí cán bộ (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) có kiến thức nghiệp vụ về bảo vệ vệ sinh môi trường theo dõi tình hình vệ sinh môi trường và thực hiện các yêu cầu vệ bảo vệ vệ sinh môi trường.

5. Không được thải chất thải rắn xuống các bãi tắm du lịch, chất thải lỏng trước khi thải xuống khu vực này phải xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

6. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh, không để lây lan đến các điểm tham quan, du lịch.

Mục 2. MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ GIỮ GÌN TRẬT TỰ, TRỊ AN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Điều 5. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giáo dục thuyết phục

Tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch; bồi dưỡng kiến thức về văn hoá ứng xử trong giao tiếp cho cộng đồng dân cư địa phương nơi có điểm tham quan, du lịch.

Điều 6. Xây dựng quy hoạch các điểm tham quan, du lịch

Xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các điểm tham quan, du lịch, công bố công khai các quy hoạch này cho các tổ chức, cá nhân biết; thực hiện nghiêm túc quy hoạch chi tiết các điểm tham quan, du lịch nhằm bảo tồn, tôn tạo các điểm tham quan, du lịch gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Điều 7. Quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư

Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư tại các địa điểm tham quan, du lịch tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ để gắn lợi ích của họ với việc giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường, giải quyết tốt công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo.

Điều 8. Công tác thanh tra, kiểm tra

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch; kịp thời biểu dương khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh

1. Sở Du lịch

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Quy định tại Quyết định này; hàng năm có báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh kết quả đảm bảo trật tự, trị an, vệ sinh môi trường theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Quy định này;

b) Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu và đề xuất với UBND tỉnh các mô hình, biện pháp bảo vệ trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch;

c) Phối hợp với các cơ quan có chức năng và chính quyền địa phương nơi có các địa điểm tham quan, du lịch tổ chức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư về văn hoá ứng xử đối với khách du lịch, tự giác và có biện pháp giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường;

d) Phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch. Tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trật tự, trị an, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Sở Văn hoá Thông tin

a) Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý, bảo vệ khai thác các di tích lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn;

b) Quản lý chất lượng các ấn phẩm, sản phẩm, hoạt động văn hoá phục vụ khách du lịch;

c) Chỉ đạo các Ban quản lý di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường trong khu vực được giao quyền quản lý;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương quản lý thợ chụp ảnh ở các điểm tham quan, du lịch đảm bảo văn minh, lịch sự.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo, hướng dẫn công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch;

b) Báo cáo hiện trạng hoặc các thông tin về chỉ tiêu chất lượng, hiện trạng môi trường tại các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh;

c) Hướng dẫn chủ đầu tư, chủ quản các dự án đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ về thủ tục lập, thẩm định và phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường;

d) Phối hợp với Sở Du lịch tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, kế hoạch ứng phó khắc phục sự cố môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch;

e) Phối hợp với Sở Du lịch kiểm tra định kỳ, đột xuất hiện trạng vệ sinh môi trường và công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch; tiến hành xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;

g) Thông báo cho Sở Du lịch, địa phương có liên quan các thông tin về sự cố môi trường một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác khi phát hiện sự cố môi trường có nguy cơ tổn hại môi trường điểm tham quan, du lịch.

4. Sở Y tế

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm quy định vệ sinh nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở SXKD ăn uống ở các địa điểm tham quan, du lịch theo quy định của pháp luật.

5. Sở Lao động thương binh và Xã hội

Chủ trì và phối hợp với chính quyền các cấp liên quan tổ chức đưa những người bị bệnh tâm thần không có người chăm sóc lang thang ở các đường phố, điểm tham quan, du lịch về các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh; ngăn chặn tình trạng ăn mày, ăn xin tại các điểm tham quan, du lịch.

6. Công an tỉnh

Chủ trì phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố, thị xã làm tốt công tác phòng chống các đối tượng hình sự; gây rối trật tự, trị an; quản lý hoạt động xe lai đảm bảo văn minh lịch sự, an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của du khách.

7. Sở Giao thông Vận tải

Hướng dẫn công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các địa điểm tham quan, du lịch.

Điều 10. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện

1. Phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan lập quy hoạch chi tiết và công bố công khai các khu chức năng phát triển dịch vụ du lịch; kế hoạch sử dụng đất phát triển dịch vụ, du lịch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch trên địa bàn do cấp huyện quản lý.

3. Xây dựng quy chế quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy chế đã ban hành.

4. Quản lý nhà nước các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương.

Điều 11. Trách nhiệm của UBND cấp xã

1. Trực tiếp giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thuộc quyền quản lý, chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về vấn đề này.

2. Tổ chức cho cộng đồng dân cư có điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ngăn chặn kịp thời các hành vi lấn chiếm quy hoạch đã được công bố.

3. Tuyên truyền vận động, giáo dục nhân dân địa phương nâng cao ý thức giữ gìn trật tự, trị an, vệ sinh môi trường.

Điều 12. Trách nhiệm của các Ban quản lý chuyên ngành

1. Bảo vệ an toàn các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh được giao quản lý.

2. Tổ chức tiếp đón, hướng dẫn, phục vụ khách tham quan chu đáo tận tình, văn minh, lịch sự.

3. Tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường trong khu vực được giao quản lý.

4. Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự trị an, vệ sinh môi trường của điểm tham quan, du lịch.

Điều 13. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư nơi các điểm tham quan, du lịch

1. Tham gia các hoạt động bảo vệ trật tự, trị an, vệ sinh môi trường.

2. Đấu tranh, phát hiện và báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi đầu tư, khai thác kinh doanh bất hợp pháp, không tuân thủ đúng quy định, quy chế của điểm tham quan, du lịch.

3. Tuân thủ nội quy, quy chế hoạt động của điểm tham quan, du lịch.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này có những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, Sở Du lịch tổng hợp đề xuất trình UBND tỉnh./.