Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/2000/QĐ-UB

ngày 07 tháng 12 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HỌAT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG,CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM TỈNH LÂM ĐỒNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ quyết định 61/2000/QĐ-UB ngày 5/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm;

Căn cứ quyết định số 01/QĐ-UBQG ngày 10/10/2000 của Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về việc ban hành Quy chế hoạt động của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm;

Căn cứ quyết định số 102/2000/QĐ-UB ngày 2/10/2000 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Lâm Đồng;

Theo đề nghị của Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Lâm Đồng,

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1: Ban hành theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Phan Thiên

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo QĐ số 130/2000/QĐ-UB ngày 07/12/2000 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (dưới đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) là một tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đối với địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Qui chế này và các quy định của pháp luật về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Cụ thể là:

1/ Căn cứ vào chiến lược, chủ trương của Chính phủ, chương trình, kế hoạch của UB Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và tình hình nhiệm vụ cụ thể của tỉnh để xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của tỉnh.

2/ Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động về công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm của các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành , đoàn thể trong tỉnh.

3/ Tổ chức sự phối hợp các Sở, Ngành, các đoàn thể và hướng dẫn chỉ đạo việc lồng ghép phối hợp các chương trình, kế hoạch và nguồn lực của công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

4/ Tổng hợp và định kỳ báo cáo UBND tỉnh và UB Quốc gia về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống các tệ nạn ma túy, mại dâm tại tỉnh.

5/ Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống các tệ nạn ma túy, mại dâm.

Điều 3: Ban chỉ đạo có Thường trực Ban chỉ đạo và có các tổ chức giúp việc sau:

Thường trực Ban chỉ đạo gồm Trưởng Ban và các Phó Trưởng Ban chỉ đạo.

Tổ chức giúp việc của Ban chỉ đạo gồm:

1 chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh giúp Trưởng Ban tổng hợp các hoạt động chung của Ban chỉ đạo.

Bộ phận Thường trực phòng chống AIDS trực thuộc Sở Y tế giúp giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo về lĩnh vực phòng chống AIDS, do giám đốc Sở Y tế tổ chức trong chỉ tiêu biên chế của Sở Y tế.

Bộ phận Thường trực phòng chống ma túy, trực thuộc Công an tỉnh, giúp giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo về lĩnh vực phòng chống tệ nạn ma túy, do giám đốc Công an tỉnh tổ chức trong chỉ tiêu biên chế của Công an tỉnh.

Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội, giúp giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo về lĩnh vực phòng chống tệ nạn mại dâm.

Điều 4: Ban chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc phối hợp liên ngành, các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo đối với lĩnh vực công tác được phân công theo nhiệm vụ chuyên ngành.

Chương II

NGUYÊN TẮC, CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG

Điều 5: Ban chỉ đạo thảo luận tập thể và quyết định những vấn đề sau:

1. Chương trình công tác hàng năm của Ban chỉ đạo.

2. Phương hướng, nhiệm vụ phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm.

3. Chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm.

4. Dự kiến cân đối nguồn lực theo mục tiêu và nhiệm vụ chung trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

5. Phối hợp lồng ghép các hoạt động của các chương trình quốc gia hoặc chương trình, kế hoạch phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm đã được phê duyệt. Hướng dẫn, chỉ đạo các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện chương trình theo những mục tiêu, nhiệm vụ chung; kiểm tra, giám sát tình hình và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và UB Quốc gia.

6. Những công tác có tính chất liên ngành hoặc vượt quá thẩm quyền giải quyết của một số sở, ngành.

7. Các báo cáo chuyên đề, tổng hợp của Ban chỉ đạo trình UBND tỉnh hoặc UB Quốc gia.

8. Đối với những vấn đề cần giải quyết gấp, nhưng không có điều kiện họp Ban chỉ đạo thì theo chỉ đạo của Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban phụ trách lĩnh vực lấy ý kiến các thành viên có liên quan, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Ban chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.

Điều 6: Nhiệm vụ của thường trực Ban chỉ đạo:

1. Thống nhất việc xây dựng chương trình, kế hoạch đảm bảo lồng ghép các hoạt động phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm giữa các sở, ngành.

2. Thống nhất việc xây dựng và phân bổ kinh phí giữa các lĩnh vực phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm.

Điều 7: Trưởng Ban chỉ đạo có những nhiệm vụ sau đây:

1. Thông qua các đề án trước khi trình UBND tỉnh hoặc UB Quốc gia.

2. Thông qua chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

3. Chỉ đạo phối hợp hoạt động lồng ghép các chương trình Quốc gia hoặc chương trình, kế hoạch phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm thực hiện theo nhiệm vụ, mục tiêu chung.

4. Chỉ đạo phối hợp hoạt động của các thành viên Ban chỉ đạo; quyết định hoặc giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành đã được các Sở, ngành phối hợp xử lý nhưng còn có ý kiến khác nhau.

5. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của Ban chỉ đạo.

Điều 8: Các Phó trưởng Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:

1. Chịu trách nhiệm chính, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm theo chức năng chuyên ngành. Cụ thể là:

a) Sở Y tế: Là cơ quan thường trực về phòng, chống AIDS; chủ trì, tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành về phòng, chống AIDS; tổ chức khám bệnh, chữa bệnh xã hội tại các cơ sở y tế, các cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng cho những người nghiện ma túy, mại dâm và bị nhiễm HIV/AIDS.

b) Công an tỉnh: Là cơ quan thường trực về phòng, chống tệ nạn ma túy; chủ trì tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành phòng, chống và kiểm soát ma túy; phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh phát hiện, điều tra xử lý, truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng, chống AIDS; tập trung phân loại đối tượng nghiện ma túy, đối tượng mại dâm để đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

c) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội : Là cơ quan thường trực về phòng, chống tệ nạn mại dâm; chủ trì, tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm; tổ chức và quản lý công tác chữa trị, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho những người nghiện ma túy, mại dâm tại cơ sở chữa bệnh và cộng đồng.

d) UBMTTQVN tỉnh: Phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương và các tổ chức thành viên của Mặt trận để xây dựng chương trình, kế hoạch liên ngành, thống nhất nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, vận động phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm, đặc biệt là ở cơ sở, ở cộng đồng dân cư; xây dựng các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp về vận động phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm.

2. Trực tiếp điều hành cơ quan thường trực giúp việc, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo trong tình lĩnh vực và theo chức năng nhiệm vụ chuyên ngành.

3. Trực tiếp tổ chức, quản lý, điều hành sử dụng kinh phí, trang thiết bị theo kế hoạch chung đã được Ban chỉ đạo thông qua theo đúng quy định.

Điều 9: Các thành viên Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:

Chủ trì xây dựng kế hoạch, thực hiện và báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm đã được phân công và hướng dẫn phối hợp của các ngành thường trực. Cụ thể là:

1. Sở Văn hóa-Thông tin : chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo, tổ chức công tác giáo dục về phòng, chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm trong trường học.

3. Sở Tư Pháp: Tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm; tham mưu, rà soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm.

4. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ban Dân tộc và Miền núi: Thực hiện các chương trình lồng ghép giữa phát triển kinh tế với công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính Vật giá: Tham mưu việc lập kế hoạch và cân đối kinh phí của chương trình phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm; giám sát việc sử dụng kinh phí đảm bảo thực hiện có hiệu quả và đúng quy định.

6. Các đoàn thể: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh: Phối hợp cùng UBMTTQVN tỉnh, xây dựng kế hoạch của tổ chức mình thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục đối với đoàn viên, hội viên của tổ chức mình về công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm, nhất là việc lồng ghép trong các cuộc vận động, trong các phong trào do tổ chức mình phát động.

7. Văn phòng UBND tỉnh: Giúp Trưởng Ban chỉ đạo tổng hợp chương trình, kế hoạch và đề xuất các chủ trương, biện pháp chung trong công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm trình Trưởng Ban giải quyết theo thẩm quyền; xây dựng báo cáo tổng hợp chung về kết quả thực hiện, hiệu quả sử dụng kinh phí; giúp Trưởng Ban theo dõi đôn đốc tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch chung của từng lĩnh vực.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ CÔNG TÁC THÔNG TIN BÁO CÁO 

Điều 10: Các phiên họp của Ban chỉ đạo.

1. Trưởng Ban chỉ đạo triệu tập phiên họp thường kỳ của Ban chỉ đạo và của Thường trực Ban chỉ đạo mỗi năm 2 lần vào tháng 6 và tháng 12; thường trực Ban chỉ đạo mỗi năm 4 lần vào tháng cuối của mỗi quí.

2. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban chỉ đạo triệu tập phiên họp bất thường.

3. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm chuẩn bị các cuộc họp của Ban chỉ đạo và thường trực Ban chỉ đạo.

Các thành viên của Ban chỉ đạo chuẩn bị các đề án chuyên đề từng lĩnh vực được phân công phụ trách, bốn thành viên là Phó Trưởng Ban chuẩn bị báo cáo tổng hợp về tình hình theo lĩnh vực chuyên ngành.

4. Các thành viên Ban chỉ đạo phải tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban chỉ đạo, trường hợp không tham dự được phải báo cáo và ủy quyền cho cấp phó (đối với các cơ quan là Phó Trưởng Ban chỉ đạo), cấp phòng hoặc tương đương (đối với các thành viên khác của Ban chỉ đạo) đi thay nhưng phải chuẩn bị đầy đủ báo cáo tình hình về lĩnh vực được phân công.

5. Các phiên họp của Ban chỉ đạo, của Thường trực Ban chỉ đạo đều phải được ghi biên bản đầy đủ. Tùy theo từng nội dung phiên họp, giám đốc Sở- Phó Trưởng Ban chỉ đạo phụ trách từng lĩnh vực hoặc Phó Văn phòng UBND tỉnh - thành viên Ban chỉ đạo có văn bản thông báo cho các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện, đồng thời theo dõi đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện những nội dung đã nêu trong thông báo.

Điều 11: Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống các tệ nạn ma túy, mại dâm của cấp huyện có trách nhiệm:

1. Tổ chức thực hiện công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm ở trên địa bàn theo hướng dẫn, chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh và các ngành thường trực Ban chỉ đạo tỉnh.

2. Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình thực hiện công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm tại địa bàn địa phương và báo cáo đột xuất về từng lĩnh vực theo yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh, các ngành thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh.

Điều 12: Các Sở, Ban, Ngành , đoàn thể và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo, các ngành thành viên Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Điều 13: Căn cứ báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo và của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các địa phương, các Phó Trưởng Ban phụ trách từng lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo từng lĩnh vực để Ban chỉ đạo họp, thống nhất trình UBND tỉnh và UB Quốc gia; Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị báo cáo tổng hợp để trình.

Điều 14: Thẩm quyền sử dụng con dấu được quy định như sau:

1. Trưởng Ban chỉ đạo sử dụng con dấu của UBND tỉnh.

2. Phó Trưởng Ban chỉ đạo và các thành viên của Ban chỉ đạo sử dụng con dấu của sở, ngành và tổ chức mình./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 130/2000/QĐ-UB Quy chế họat động của Ban chỉ đạo phòng,chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 130/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/12/2000
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phan Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản