Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1290/QĐ-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, THANH TRA CHUYÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tại Tờ trình số 817/TTr-QLCL ngày 30/3/2015 về việc ban hành Quyết định phân công, phân cấp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân công, phân cấp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Nguyên tắc phân công và phối hợp trong triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản:

1. Một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành bởi một cơ quan. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thì phân công một cơ quan chủ trì, cơ quan liên quan tham gia phối hợp theo yêu cầu của cơ quan chủ trì. Cơ quan được giao chủ trì chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và có trách nhiệm giải trình với cơ quan cấp trên về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

2. Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành phải bảo đảm không chồng chéo giữa các cơ quan trong Bộ, giữa cấp trung ương và địa phương, được thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trường hợp có sự trùng lặp kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thì thực hiện như sau:

a) Kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của cơ quan cấp dưới trùng với kế hoạch của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của cơ quan cấp trên;

b) Kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của cơ quan cùng cấp trùng nhau về địa bàn, cơ sở thì các bên trao đổi thống nhất thành lập đoàn liên cơ quan.

3. Hoạt động lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là ATTP) đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường được thực hiện phải đảm bảo tính khách quan trong đánh giá, cảnh báo nguy cơ và kịp thời truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm ATTP.

4. Thực hiện việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong Bộ, giữa cấp trung ương và địa phương từ lập kế hoạch đến thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành để biết và phối hợp.

5. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp thì báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với cơ quan cấp địa phương) xin ý kiến giải quyết.

Điều 3. Nguyên tắc phân cấp triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản:

1. Cơ quan cấp Trung ương:

a) Hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ cho cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành địa phương;

b) Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương theo quy định tại Khoản 2 điều này;

c) Kiểm tra cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm tra, chứng nhận ATTP bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam;

d) Tổ chức chương trình giám sát, cảnh báo, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm;

đ) Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo kế hoạch hoặc đột xuất theo quy định.

2. Cơ quan cấp Địa phương:

a) Kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài các đối tượng do cơ quan Trung ương thực hiện và theo phân công của cấp có thẩm quyền tại địa phương;

b) Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo kế hoạch hoặc đột xuất theo quy định;

c) Thực hiện lấy mẫu giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12/5/2015. Thay thế Phụ lục số 2, Quyết định số 3408/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phân công kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thay thế Quyết định số 1984/QĐ-BNN-QLCL ngày 21/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phân công tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nông lâm thủy sản và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ: Y tế, Công Thương; KHCN;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, THANH TRA CHUYÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1290/QĐ-BNN-TCCB ngày 17/4/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Chuỗi thực phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật

TT

Công đoạn

Phân công, phân cấp

Trung ương

Địa phương

1

Trồng trọt (kể cả hoạt động sơ chế được thực hiện tại cơ sở trồng trọt)

Cục Trồng trọt:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Cục Bảo vệ thực vật:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:

- Kiểm tra cơ sở trồng trọt, kể cả hoạt động sơ chế được thực hiện tại cơ sở trồng trọt (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

2

Sơ chế, chế biến độc lập

Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Kiểm tra cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm tra, chứng nhận ATTP bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra cơ sở, lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết (trừ cơ sở do cơ quan trung ương thực hiện).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

3

Lưu thông, tiêu thụ (Chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên doanh, phương tiện vận chuyển độc lập)

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tổ chức chương trình giám sát, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý vi phạm.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

- Thực hiện lấy mẫu giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

4

Xuất khẩu, nhập khẩu

Cục Bảo vệ thực vật:

- Kiểm tra, chứng nhận sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Thẩm định hồ sơ và công nhận nước xuất khẩu; kiểm tra tại nước xuất khẩu theo quy định; cảnh báo các nước có lô hàng vi phạm.

- Tổ chức truy xuất, xử lý vi phạm đối với các lô hàng xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Truy xuất, xử lý vi phạm theo quy định, theo cảnh báo của cơ quan trung ương.

2. Chuỗi thực phẩm nông sản có nguồn gốc động vật (trừ sản phẩm thủy sản)

TT

Công đoạn

Phân công, phân cấp

Trung ương

Địa phương

1

Chăn nuôi

Cục Chăn nuôi:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Kiểm tra cơ sở chăn nuôi, lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

2

Giết mổ, sơ chế

Cục Thú y:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương (kết hợp với kiểm dịch).

- Kiểm tra cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm tra, chứng nhận ATTP bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Kiểm tra cơ sở, lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết (trừ cơ sở do cơ quan trung ương thực hiện).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

3

Chế biến (giò, chả, thịt hộp, hàng khô, hun khói, ướp muối...)

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Kiểm tra cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm tra, chứng nhận ATTP bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Quản Lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra cơ sở, lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết (trừ cơ sở do cơ quan trung ương thực hiện).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

4

Lưu thông, tiêu thụ (Chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên doanh, phương tiện vận chuyển độc lập).

Cục Thú y:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương (kết hợp với kiểm dịch).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Tổ chức chương trình giám sát, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý vi phạm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Kiểm tra chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Thực hiện lấy mẫu giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm.

5

Xuất khẩu, nhập khẩu

Cục Thú y:

- Kiểm tra, chứng nhận sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Thẩm định hồ sơ và công nhận cơ sở của nước xuất khẩu; kiểm tra tại nước xuất khẩu theo quy định; cảnh báo cơ sở, nước xuất khẩu có lô hàng vi phạm.

- Tổ chức truy xuất, xử lý vi phạm đối với các lô hàng xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Truy xuất, xử lý vi phạm theo quy định, theo cảnh báo của cơ quan trung ương

3. Chuỗi thực phẩm thủy sản

TT

Công đoạn

Phân công, phân cấp

Trung ương

Địa phương

1

Nuôi trồng

Tổng cục Thủy sản:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Thủy sản:

- Kiểm tra cơ sở nuôi trồng (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

2

Khai thác/ đánh bắt

Tổng cục Thủy sản:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và giám sát, kiểm tra việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của cơ quan địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Thủy sản:

- Kiểm tra tàu cá, cảng cá (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

3

Thu mua, sơ chế, chế biến (bao gồm cả tàu cá chế biến), kho lạnh độc lập.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Kiểm tra cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm tra, chứng nhận ATTP bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra cơ sở, lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết (trừ cơ sở do cơ quan trung ương thực hiện).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

4

Lưu thông, tiêu thụ (Chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên doanh, phương tiện vận chuyển độc lập).

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Tổ chức chương trình giám sát (bao gồm cả giám sát dư lượng thủy sản nuôi và vệ sinh, an toàn thực phẩm vùng nhuyễn thể hai mảnh vỏ), cảnh báo nguy cơ và thanh tra, truy xuất, xử lý vi phạm.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên kinh doanh thực phẩm thủy sản.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Thực hiện lấy mẫu giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm.

5

Xuất khẩu, nhập khẩu

Cục Thú y:

- Kiểm tra, chứng nhận sản phẩm nhập khẩu.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra, chứng nhận sản phẩm xuất khẩu.

- Thẩm định hồ sơ và công nhận cơ sở của nước xuất khẩu; kiểm tra tại nước xuất khẩu theo quy định; cảnh báo cơ sở, nước xuất khẩu có lô hàng vi phạm.

- Tổ chức truy xuất, xử lý vi phạm đối với các lô hàng xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Truy xuất, xử lý vi phạm theo quy định, theo cảnh báo của cơ quan trung ương

 

 

 

 

 

4. Muối ăn.

Công đoạn

Phân công, phân cấp

Trung ương

Địa phương

Sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, tiêu thụ trong nước, xuất nhập khẩu

Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Kiểm tra cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩn về kiểm tra, chứng nhận ATTP bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Kiểm tra, chứng nhận sản phẩm xuất khẩu.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra cơ sở, lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết (trừ cơ sở do cơ quan trung ương thực hiện).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Kiểm tra, chứng nhận sản phẩm nhập khẩu.

5. Sản phẩm hỗn hợp, phối chế (thực vật, động vật, thủy sản), cơ sở sản xuất nước đá, sản phẩm khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TT-BYT-BNNPTNT-BCT.

Công đoạn

Phân công, phân cấp

Trung ương

Địa phương

Sơ chế, chế biến, kho lạnh bảo quản nông lâm thủy sản, cơ sở sản xuất vật liệu bao gói gắn liền với cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, lưu thông, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; nước đá dùng cho bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của cơ quan cấp địa phương.

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Kiểm tra cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm tra, chứng nhận ATTP bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết).

- Kiểm tra, chứng nhận sản phẩm xuất khẩu, khẩu khẩu.

- Thẩm định hồ sơ và công nhận cơ sở của nước xuất khẩu; kiểm tra tại nước xuất khẩu theo quy định; cảnh báo cơ sở, nước xuất khẩu có lô hàng vi phạm.

- Tổ chức truy xuất, xử lý vi phạm đối với các lô hàng xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:

- Kiểm tra cơ sở, lấy mẫu giám sát để thẩm tra ATTP khi cần thiết (trừ cơ sở do cơ quan trung ương thực hiện).

- Thanh tra chuyên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Truy xuất, xử lý vi phạm theo quy định, theo cảnh báo của cơ quan trung ương

Chú thích: * Đối với các tỉnh không có Chi cục Thủy sản thì giao cho Phòng Thủy sản, Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.