Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1283/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 06 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CẮM MỐC CHỈ GIỚI XÁC ĐỊNH PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT, PHẠM VI HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG SẮT THUỘC ĐỊA PHẬN TỈNH NAM ĐỊNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1856/QĐ-TTG NGÀY 27/12/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 ngày 27/6/2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2010 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt;

Căn cứ Văn bản số 1753/BGTVT-KHĐT ngày 14/3/2012 của Bộ Giao thông vận tải về việc đầu tư sớm các công trình thuộc Giai đoạn 2+3, Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ;

Căn cứ Văn bản số 968/TTg-KTN ngày 16/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các công trình thuộc giai đoạn 2 và 3 của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ;

Căn cứ văn bản số 1879/ĐS-DAAT ngày 14/8/2012 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam về việc làm rõ phương án cắm mốc chỉ giới HLAT đường sắt theo kế hoạch 1856 địa phận tỉnh Nam Định;

Xét đề nghị tại Tờ trình số 1803/TTr-ĐS ngày 14/8/2010 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Tờ trình số 1852/TTr-SGTVT ngày 28/8/2012 của Sở Giao thông Vận tải về việc phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt thuộc địa phận tỉnh Nam Định theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt thuộc địa phận tỉnh Nam Định theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ, với những nội dung như sau:

1. Nội dung công việc:

Thực hiện cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt thuộc kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn trên các tuyến đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Địa điểm:

Thuộc phạm vi tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định dài 41,226 Km gồm:

- Huyện Mỹ Lộc: các xã Mỹ Hưng, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận và thị trấn Mỹ Lộc

- Huyện Vụ Bản: các xã Hiển Khánh, Liên Bảo, Liên Minh, Tân Thành, Tam Thanh, Thành Lợi và thị trấn Gôi;

- UBND thành phố Nam Định: các phường Cửa Bắc, Trần Đăng Ninh, Trường Thi, Năng Tĩnh, Trần Quang Khải, Văn Miếu và các xã Lộc An, Lộc Hoà;

- Huyện Ý Yên: các xã Yên Bằng, Yên Hồng, Yên Ninh, Yên Tiến.

3. Phạm vi thực hiện cắm mốc chỉ giới:

- Điểm đầu: Km72+134 (ranh giới giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định);

- Điểm cuối: Km113+400 (ranh giới giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình);

- Trên tuyến có 06 ga thuộc địa phận Nam Định: Cầu Họ, Đặng Xá, Nam Định, Trình Xuyên, Núi Gôi và Cát Đằng.

4. Vị trí, quy cách, khối lượng cắm mốc chỉ giới HLATĐS:

a. Vị trí, cự ly cắm mốc chỉ giới: Theo Nghị định 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006; Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

- Trên đường sắt tuyến chính:

+ Tại vị trí nền đường đắp: Cắm mốc chỉ giới cách mép chân ta luy dương 15m; cắm cả 2 bên phải, trái;

+ Tại vị trí nền đường đào: Cắm mốc chỉ giới cách mép chân ta luy âm 15m; cắm cả 2 bên phải, trái;

+ Tại vị trí nền đường không đào, không đắp: Cắm mốc chỉ giới cách mép ray ngoài cùng 15m; cắm cả 2 bên phải, trái;

+ Trường hợp đường bộ, đường sắt liền kề và chung nhau rãnh dọc thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía nền đường cao hơn, nếu cao độ bằng nhau thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy phía đường sắt.

- Tại vị trí cầu:

+ Cầu cạn và cầu vượt sông trong đô thị có chiều dài dưới 20m, tính từ mép lan can ngoài cùng trở ra mỗi bên là 5m;

+ Cầu vượt sông trong đô thị có chiều dài từ 20m trở lên và cầu ngoài đô thị, tính từ mép ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi bên là 20m đối với cầu dài dưới 20m; 50m đối với cầu dài từ 20m đến 60m; 100m đối với cầu dài từ 60m đến 300m; 150m đối với cầu dài trên 300m.

- Trong phạm vi của Ga: Chiều rộng giới hạn hai bên đường sắt từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2m đối với đường sắt trong ga, trong tường rào.

- Cự ly cắm mốc chỉ giới: Khoảng cách giữa các cọc mốc chỉ giới là 100m (có thể thay đổi phù hợp với địa hình nhưng phải đảm bảo không quá 200m).

b. Quy cách mốc:

- Cọc BTCT đúc sẵn mác M200 kích thước 15x15x130 cm;

- Phần chôn dưới đất sâu 70 cm được đổ bê tông mác M150 để giữ ổn định, kích thước hố 40x40cm, móng đệm đá dăm dày 10cm;

- Đầu cọc sơn đỏ, phía dưới sơn trắng, hai mặt đối diện có 2 vạch sơn đen, mặt thứ 3 ghi lý trình tuyến, mặt còn lại khắc sâu vào bề mặt cọc chữ “CGĐS”

c. Khối lượng cọc mốc dự kiến: 770 cọc.

(Chi tiết theo hồ sơ dự án do đơn vị tư vấn lập)

5. Chủ đầu tư: Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.

6. Nguồn vốn đầu tư: Sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Hình thức quản lý: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

8. Thời gian thực hiện: 2012-2013.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

a) Tổng Công ty đường sắt Việt Nam:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi giới hạn đảm bảo an toàn đường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt qua địa phận tỉnh Nam Định đã được phê duyệt; phối hợp với UBND các huyện, xã, phường, thị trấn liên quan công bố công khai phương án cắm mốc, vị trí cắm mốc chỉ giới phạm vi HLATĐS, chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đường sắt cho nhân dân địa phương biết, giải quyết các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng (nếu có).

- Sau khi cắm mốc chỉ giới, tổ chức bàn giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có tuyến đường sắt đi qua và phối hợp để quản lý, bảo vệ theo quy định.

b) UBND các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và UBND thành phố Nam Định phối hợp với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam:

- Tổ chức công bố công khai các mốc chỉ giới xác định phạm vi giới hạn đảm bảo an toàn đường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt đã được phê duyệt cho nhân dân trong địa phương biết.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tuyên truyền, vận động nhân dân trong địa bàn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ngành Đường sắt thực hiện việc cắm mốc chỉ giới theo đúng phương án được phê duyệt.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận cọc mốc chỉ giới sau khi ngành Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thi công xong bàn giao, xây dựng phương án quản lý, bảo vệ theo quy định.

Điều 3.

- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;

- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, thành phố Nam Định; Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
Phó CHỦ TỊCH




Đoàn Hồng Phong

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1283/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt thuộc địa phận tỉnh Nam Định theo Quyết định 1856/QĐ-TTg năm 2007

  • Số hiệu: 1283/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Đoàn Hồng Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản