Hệ thống pháp luật

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
-------

cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1271/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ VÀ THANG ĐIỂM ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CUỘC KIỂM TOÁN

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ các quy định về chuẩn mực, quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 556/QĐ- KTNN ngày 11/7/2006 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán Nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước,

quyết định:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí và thang điểm đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán.

Điều 2. Quy định này được áp dụng thống nhất trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và là cơ sở để đánh giá, xếp loại các cuộc kiểm toán phục vụ cho công tác thi đua - khen thưởng và nâng cao chất lượng kiểm toán.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
 - Như Điều 3;
 - Lãnh đạo KTNN;
 - Văn phòng ( TĐ- KT);
 - Lưu: VT.
 

Tổng kiểm toán Nhà nước




Vương Đình Huệ

 

QUY ĐỊNH

Tiêu chí và thang điểm đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán

( Ban hành kèm theo Quyết định số 1271/QĐ-KTNN ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

I. Các quy định chung

1. Khái niệm: Chất lượng cuộc kiểm toán đánh giá thông qua việc đạt được mục tiêu, nội dung kiểm toán đã xác định, mức độ tuân thủ chuẩn mực, quy trình kiểm toán, các quy định khác về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán và hiệu quả hoạt động kiểm toán.

2. Mục tiêu đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán

- Phát hiện, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thực hiện các cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng qua đó phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến;

- Xếp loại các cuộc kiểm toán phục vụ cho công tác thi đua khen thưởng hàng năm của Kiểm toán Nhà nước đối với các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực;

- Góp phần tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán, khắc phục những tồn tại yếu kém trong công tác kiểm toán.

3. Căn cứ đánh giá

- Luật Kiểm toán nhà nước;

- Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và các văn bản khác có liên quan;

- Hệ thống các quy định về chuẩn mực và quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

4. Trình tự đánh giá

Thực hiện theo 2 bước:

4.1. Bước 1: Xác định các cuộc kiểm toán đạt điều kiện cần để đánh giá chấm điểm

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng các cuộc kiểm toán chỉ thực hiện đối với các cuộc kiểm toán đạt các tiêu chuẩn sau:

- Đoàn kiểm toán tuân thủ chuẩn mực, quy trình kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán Nhà nước, quy định về hồ sơ mẫu biểu; không có thành viên trong đoàn bị vi phạm kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.

- Lập và phát hành báo cáo kiểm toán đúng thời gian theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước (45 ngày sau khi kết thúc kiểm toán tại đơn vị, chậm nhất là 60 ngày). Trường hợp vượt thời gian quy định thì phải có lý do xác đáng và được sự đồng ý của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

- Sử dụng các nguồn lực, kinh phí phục vụ kiểm toán bảo đảm đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả; không có vi phạm về chứng từ, hoá đơn và thủ tục thanh toán công tác phí.

Đối với cuộc kiểm toán vi phạm một trong 3 nội dung trên đều không đủ điều kiện đánh giá chấm điểm theo quy định này và đều bị xếp vào loại không đạt yêu cầu.

4.2. Bước 2: Đánh giá chấm điểm các cuộc kiểm toán đạt điều kiện cần để xếp loại

5. Nội dung đánh giá

- Tiến hành đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán đạt điều kiện cần của Bước 1 thông qua việc đánh giá chất lượng sản phẩm của từng giai đoạn thực hiện cuộc kiểm toán: chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập và phát hành báo cáo kiểm toán và các hồ sơ kiểm toán có liên quan.

- Căn cứ vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thẩm định chất lượng kiểm toán có thể phân chia các tiêu chí đánh giá chất lượng kiểm toán thành ba nhóm là:

(1) Kế hoạch kiểm toán;

(2) Báo cáo kiểm toán;

(3) Kiểm tra, kiểm soát hoạt động của đoàn kiểm toán.

II. Các tiêu chí và thang điểm đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán

Sử dụng thang điểm 100 để chấm, thang điểm của các nhóm tiêu chí được quy định như sau:

1. Lập kế hoạch kiểm toán của Đoàn kiểm toán: 20 điểm.

1.1 Yêu cầu về kế hoạch kiểm toán: Kế hoạch kiểm toán phải thể hiện được các thông tin cơ bản theo quy định về kế hoạch kiểm toán: thu thập đầy đủ các thông tin cơ bản về đặc điểm chủ yếu, cơ sở pháp lý và môi trường hoạt động của đơn vị được kiểm toán, xác định rõ trọng yếu kiểm toán, các rủi ro kiểm toán trên cơ sở đó xác định mục tiêu kiểm toán, nội dung kiểm toán, phương pháp kiểm toán; các nội dung của phần kế hoạch kiểm toán được lý giải thoả đáng, có căn cứ, phù hợp, gắn liền với tình hình, số liệu của đơn vị được kiểm toán.

1.2. Xác định điểm cho kế hoạch kiểm toán

- Xác định, đánh giá và phân tích được trọng yếu kiểm toán : 4 điểm

Trong đó:

+ Xác định được trọng yếu kiểm toán : 2 điểm

+ Đánh giá các trọng yếu kiểm toán : 1 điểm

+ Phân tích thuyết phục trọng yếu kiểm toán : 1 điểm

- Xác định được các rủi ro tiềm tàng, rủi ro phát hiện, rủi ro kiểm soát : 4 điểm

Trong đó :

+ Xác định được các rủi ro kiểm toán : 2 điểm

+ Đánh giá các rủi ro kiểm toán  : 1 điểm

+ Phân tích thuyết phục các rủi ro kiểm toán : 1 điểm

- Xác định cụ thể mục tiêu kiểm toán : 1 điểm

- Xác định nội dung kiểm toán tổng hợp và kiểm toán chi tiết theo từng đơn vị được kiểm toán : 3 điểm

Trong đó:

+ Xác định cụ thể nội dung kiểm toán tổng hợp :1,5 điểm

+ Xác định cụ thể nội dung kiểm toán chi tiết theo đơn vị :1,5 điểm

- Xác định phạm vi kiểm toán phù hợp  : 1 điểm

- Xác định phương pháp kiểm toán tương ứng với rủi ro đã xác định : 1 điểm

- Mô tả đầy đủ hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá HTKSNB : 1 điểm

- Các số liệu và tình hình của đơn vị đầy đủ, rõ ràng, căn cứ lựa chọn mẫu kiểm toán phù hợp với trọng yếu, rủi ro kiểm toán, mục tiêu và nội dung kiểm toán : 2 điểm

- Việc bố trí về thời gian và nhân lực của đoàn kiểm toán đảm bảo hợp lý theo mục tiêu kiểm toán và tiết kiệm kinh phí kiểm toán : 2 điểm

- Kế hoạch kiểm toán được lập đúng mẫu quy định : 0,5 điểm

- Phương pháp khảo sát và thu thập thông tin hợp lý, hiệu quả : 0,5 điểm

2. Báo cáo kiểm toán: 65 điểm.

2.1. Yêu cầu về Báo cáo kiểm toán: Báo cáo kiểm toán phù hợp với chuẩn mực báo cáo và các quy định về báo cáo kiểm toán do KTNN ban hành. Báo cáo kiểm toán phản ánh đầy đủ tình hình, kết quả kiểm toán, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung, mục tiêu, phạm vi của kế hoạch kiểm toán. Các phát hiện kiểm toán phong phú, có bằng chứng thuyết phục, có địa chỉ rõ ràng, cụ thể để chứng minh. Các nhận xét, đánh giá mang tính hệ thống và khái quát cao tương ứng với các phát hiện kiểm toán nêu được cả ưu, khuyết điểm sai phạm của đơn vị được kiểm toán so với luật định và so với các cuộc kiểm toán trước; kết luận kiểm toán bảo đảm tính hệ thống khái quát cao tương ứng với các nhận xét, đánh giá và phù hợp với quy định hiện hành của Kiểm toán Nhà nước; kiến nghị kiểm toán phù hợp pháp luật và có tính khả thi. Báo cáo kiểm toán phải được lập đúng thời hạn quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước.

2.1. Xác định điểm cho Báo cáo kiểm toán

- Phạm vi, nội dung, mục tiêu và thời gian cuộc kiểm toán thực hiện đúng với kế hoạch kiểm toán đã được phê chuẩn (hoặc đã được điều chỉnh theo quy định) : 5 điểm Trong đó:

+ Đạt được mục tiêu kiểm toán của kế hoạch kiểm toán : 3 điểm

+ Tuân thủ nội dung kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán : 1điểm

+ Tuân thủ phạm vi, đối tượng kiểm toán, thời gian theo kế hoạch kiểm toán : 1điểm

- Các phát hiện kiểm toán phong phú có bằng chứng thuyết phục, có số liệu, địa chỉ rõ ràng cụ thể để chứng minh, các văn bản viện dẫn hợp pháp, đầy đủ, chính xác :10 điểm

- Các nhận xét, đánh giá phần kết luận kiểm toán mang tính hệ thống, khái quát cao tương ứng với các phát hiện kiểm toán, nêu được cả ưu, khuyết điểm của đơn vị được kiểm toán: 10 điểm

- Báo cáo kiểm toán phải đưa ra ý kiến xác nhận về Báo cáo tài chính (Báo cáo quyết toán): 10 điểm

- Kiến nghị kiểm toán đã xác định được trách nhiệm cá nhân, tập thể có sai phạm trong quản lý tài chính và có kiến nghị xử lý thoả đáng đúng các quy định của pháp luật:10 điểm

- Kiến nghị khắc phục những sai phạm và các ý kiến tư vấn sắc sảo, đúng luật pháp, có giá trị đảm bảo tính khả thi cao:10 điểm

- Báo cáo kiểm toán được trình bày cô đọng, súc tích các số liệu chính xác, khớp đúng, ít phải chỉnh sửa: 5 điểm

- Báo cáo kiểm toán đầy đủ các thủ tục, hồ sơ theo quy định : tờ trình về việc xét duyệt báo cáo, các bảng biểu theo quy định, biên bản thẩm định của các KTNN chuyên ngành (khu vực), ý kiến phản hồi của đơn vị, ý kiến của đoàn kiểm toán (mỗi nội dung 1 điểm)  : 5 điểm

3. Kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán: 15 điểm.

Đánh giá nội dung này chủ yếu thông qua việc trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán, việc thực hiện hồ sơ mẫu biểu kiểm toán và đánh giá hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của hoạt động kiểm toán.

3.1.Về hồ sơ kiểm toán khác: 10 điểm

Các hồ sơ kiểm toán còn lại bao gồm: Kế hoạch kiểm toán chi tiết, Biên bản kiểm toán, Biên bản xác nhận số liệu, tình hình kiểm toán của kiểm toán viên, các bằng chứng kiểm toán khác, nhật ký kiểm toán viên, các hồ sơ kiểm toán khác có liên quan. Việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình kiểm toán được thể hiện trong các nội dung của hồ sơ kiểm toán. Xem xét hồ sơ kiểm toán có thể xác định được những nguyên nhân cơ bản của việc đạt và không đạt mục tiêu kiểm toán.

3.1.1. Yêu cầu hồ sơ kiểm toán

- Kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán: Kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán được xây dựng đúng mẫu, đủ các chỉ tiêu theo quy định của KTNN, nội dung, mục tiêu kiểm toán phù hợp với kế hoạch kiểm toán tổng quát, sát hợp với tình hình thực tế của đơn vị được kiểm toán.

- Biên bản kiểm toán: Các biên bản kiểm toán phải chính xác, rõ ràng, súc tích, kịp thời; phản ánh đủ các nội dung, mục tiêu kiểm toán đã đề ra trong kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán; phản ánh đầy đủ kết quả kiểm toán trong các biên bản xác nhận tình hình, số liệu kiểm toán của kiểm toán viên và các bằng chứng kiểm toán khác; các ý kiến đánh giá, nhận xét, kiến nghị kiểm toán phải có đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp, phù hợp pháp luật.

- Bằng chứng kiểm toán: Thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở cho việc hình thành các ý kiến, kết luận kiểm toán về các nội dung, mục tiêu kiểm toán đã xác định trong kế hoạch kiểm toán.

- Hồ sơ kiểm toán khác: Nội dung trong nhật ký làm việc của kiểm toán viên, biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của kiểm toán viên phù hợp với các nội dung xác định trong kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán.

3.1.2 Xác định điểm

- Điểm của kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán: 3 điểm

Trong đó:

+ Các nội dung, mục tiêu kiểm toán được cụ thể hoá và phù hợp với các thông tin tình hình kinh tế tài chính của đơn vị:1 điểm

+ Xác định được phương pháp kiểm toán cho từng nội dung kiểm toán tại đơn vị: 1 điểm

+ Bố trí thời gian và nhân sự phù hợp với tình hình của đơn vị và nội dung kiểm toán: 1 điểm

- Điểm của biên bản kiểm toán (hoặc xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán đối với cuộc kiểm toán dự án đầu tư không lập biên bản kiểm toán): 2 điểm

Trong đó :

+ Các biên bản kiểm toán phản ánh đầy đủ kết quả kiểm toán trong các biên bản xác nhận tình hình, số liệu của kiểm toán viên: 1 điểm

+ Các đánh giá, nhận xét, kiến nghị xác đáng và hợp pháp: 1 điểm

- Điểm của bằng chứng kiểm toán: 2 điểm

Trong đó:

+ Bằng chứng kiểm toán được thu thập đầy đủ, xác thực có số liệu và địa chỉ cụ thể để chứng minh: 1 điểm

+ Bằng chứng kiểm toán được lưu trữ cẩn thận, khoa học được ghi chú đầy đủ nguồn gốc: 1 điểm

- Điểm của Nhật ký kiểm toán viên: 2 điểm

Trong đó:

+ Các nhật ký kiểm toán viên phản ánh đầy đủ các nội dung kiểm toán và kết quả làm việc kiểm toán viên theo đúng kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán: 1 điểm

+ Nội dung và kết quả kiểm toán của kiểm toán viên trong nhật ký được phản ánh đầy đủ và phù hợp với biên bản xác nhận số liệu và tình hình của kiểm toán viên: 1 điểm

- Các hồ sơ khác như biên bản họp tổ, biên bản thông qua biên bản kiểm toán tại đơn vị, các văn bản chỉ đạo của đoàn… lập và lưu trữ theo quy định: 1 điểm.

3.2. Quản lý hoạt động của cuộc kiểm toán: 5 điểm.

3.2.1. Yêu cầu: Cuộc kiểm toán được thực hiện tuân thủ Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán; sử dụng kinh phí, nguồn lực kiểm toán tiết kiệm, đúng chế độ nhà nước quy định.

- Kiểm toán viên, đoàn kiểm toán tuân thủ Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, các chuẩn mực kiểm toán chung theo quy định của KTNN, bao gồm: chuẩn mực về độc lập, khách quan và chính trực; khả năng và trình độ; Thận trọng và bảo mật.

- Sử dụng các nguồn lực kiểm toán: Phân bổ và quản lý, sử dụng đúng chế độ, hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực kiểm toán.

3.2.2 Xác định điểm

- Đoàn kiểm toán đã tổ chức quán triệt kế hoạch kiểm toán, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cho các thành viên trước khi tiến hành kiểm toán : 1 điểm

- Tuân thủ các quy định về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN : 1 điểm

- Soát xét chất lượng, chỉ đạo hoạt động kiểm toán được thể hiện trên thực tế và trong hồ sơ kiểm toán : 1 điểm

- Đảm bảo tính độc lập và bảo mật thông tin theo quy định : 1 điểm

- Đảm bảo sử dụng kinh phí, công tác phí đúng chế độ, thanh toán quyết toán theo đúng thủ tục quy định : 1 điểm

4. Quy định về điểm thưởng (điểm khuyến khích)

- Trong phạm vi từ 45 ngày đến 60 ngày sau khi kết thúc kiểm toán tại đơn vị nếu phát hành báo cáo kiểm toán sớm 01 ngày thì được tính thêm 0,5 điểm.

- Trong phạm vi từ 45 ngày sau khi kết thúc kiểm toán tại đơn vị, nếu phát hành báo cáo kiểm toán sớm 01 ngày thì được tính thêm 1 điểm.

* Phân loại chất lượng các cuộc kiểm toán: chia thành bốn mức độ như sau:

(1) Không đạt yêu cầu: dưới 50 điểm;

(2) Loại trung bình: từ 51 đến 70 điểm;

(3) Loại khá: từ 71 đến 90 điểm;

(4) Loại tốt: từ 91 đến 100 điểm (trong các cuộc kiểm toán được xếp loại tốt sẽ chọn ra các cuộc kiểm toán có quy mô lớn, độ phức tạp cao và điểm cao nhất để bình xét cuộc kiểm toán chất lượng vàng)

III. Tổ chức THực hiện

1. Đoàn kiểm toán

Sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, từng Đoàn kiểm toán tự xác định cuộc kiểm toán đủ điều kiện để đánh giá chấm điểm và tiến hành đánh giá cho điểm ở 3 khâu của cuộc kiểm toán: Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán (theo Mẫu số 01/ CĐ - TĐ).

2. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực

Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực tổ chức thẩm định và chấm điểm cho từng cuộc kiểm toán (theo Mẫu số 01/ CĐ - TĐ), tổng hợp kết quả (theo Mẫu số 02/ CĐ - TĐ) báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán).

3. Vụ Tổng hợp: Căn cứ vào báo cáo thẩm định của Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế và kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán khi phát hành để thẩm định, đánh giá cho điểm đối với Kế hoạch kiểm toán và Báo cáo kiểm toán (theo Mẫu số 03/ CĐ - TĐ), tổng hợp kết quả, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán).

4. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán

- Thẩm định, đánh giá cho điểm đối với việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của các cuộc kiểm toán (theo Mẫu số 01/ CĐ- TĐ).

- Tổng hợp kết quả đánh giá, cho điểm của Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, phân loại các cuộc kiểm toán theo kết quả đánh giá, chấm điểm (theo Mẫu số 04/ CĐ - TĐ) báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước.

5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Kiểm toán Nhà nước: Xem xét báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định phân loại các cuộc kiểm toán để khen thưởng các cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng và bình xét thành tích thi đua của các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực./.