Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1267/QĐ-BNN-TY

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG VẬN CHUYỂN, GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 18/2004/PL-UBTVQH11 ;

Căn cứ Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014 - 2020” với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm trên toàn quốc phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng trong nước và sản phẩm xuất khẩu, góp phần ngăn ngừa lây lan dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ATTP đối với nhóm thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm.

2.2. Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực quản lý ATTP của hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương.

2.3. Nâng cao điều kiện vệ sinh, trong giết mổ gia súc gia cầm; vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh, ATTP.

2.4. Kiểm soát được vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật:

- Đối với các thành phố lớn đảm bảo trên 95% được kiểm soát.

- Đối với các tỉnh đồng bằng đảm bảo trên 80% được kiểm soát.

- Đối với các tỉnh còn lại đảm bảo trên 70% được kiểm soát.

II. NHIỆM VỤ

Để thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

2.1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.

2.1.1. Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với sự phát triển của ngành và các cam kết quốc tế.

2.1.2. Nội dung:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giết mổ và vận chuyển phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...

- Cập nhật, bổ sung các quy định mới có liên quan của quốc gia và quốc tế trong quá trình nghiên cứu ban hành văn bản mới.

- Xây dựng các Quy chuẩn về giết mổ đảm bảo vệ sinh, phù hợp với các mô hình giết mổ. Xây dựng Quy định/Hướng dẫn tạm thời về quản lý giết mổ, kiểm soát giết mổ đối với các điểm giết mổ nhỏ lẻ.

- Rà soát, chuyển đổi, xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật đối với quá trình giết mổ, điều kiện vệ sinh đối với cơ sở giết mổ gia súc gia cầm.

- Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn việc áp dụng hệ thống GMP, GHP, HACCP trong hoạt động giết mổ gia súc gia cầm.

2.1.3. Thời gian thực hiện: 2014 -2016.

2.2. Kiện toàn, củng cố hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật từ trung ương đến địa phương

2.2.1. Mục tiêu: Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước từ trung ương đến các địa phương, đảm bảo yêu cầu quản lý, phù hợp với sự phát triển của ngành và hội nhập trong thời gian tới.

2.2.2. Nội dung:

- Rà soát, đánh giá lại hệ thống quản lý ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật từ trung ương đến các địa phương.

- Kiện toàn việc thành lập phòng chức năng để củng cố hệ thống quản lý ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng quản lý thống nhất từ trang trại đến bàn ăn theo từng chuỗi ngành hàng từ Cục Thú y cho tới các Chi cục Thú y theo sự phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Xây dựng khung định biên nhân lực theo vị trí việc làm và đề xuất bổ sung đủ biên chế cho hệ thống kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh đảm bảo ATTP trong vận chuyển và giết mổ.

2.2.3. Thời gian thực hiện: 2014 -2020

2.3. Tăng cường điều kiện vệ sinh của các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm trên toàn quốc để bảo đảm ATTP

2.3.1. Mục tiêu: Đến năm 2020 từng bước cải thiện công tác giết mổ gia súc gia cầm đảm bảo ATTP trên toàn quốc trên cơ sở phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền.

2.3.2. Nội dung:

- Xây dựng mô hình cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm quy mô cơ giới, quy mô bán cơ giới, quy mô thủ công và áp dụng các thiết kế mẫu đó phù hợp với điều kiện của từng vùng trong cả nước.

- Nâng cấp cải tạo cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển để giảm thiểu nguy cơ và đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, ATTP.

2.3.3. Thời gian thực hiện: 2014-2020.

2.4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý về giết mổ vận chuyển gia súc gia cầm

2.4.1. Mục tiêu: Đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực về quản lý ATTP.

2.4.2. Nội dung:

- Đào tạo tập huấn các kiến thức về GHP, GMP, HACCP và các chương trình quản lý chất lượng cho cán bộ làm công tác thú y quản lý ATTP từ trung ương đến địa phương.

- Đào tạo kỹ năng kiểm soát giết mổ, kỹ năng lấy mẫu, kỹ năng kiểm tra điều kiện vệ sinh đối với cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm trong tình hình hiện nay.

- Đào tạo kỹ năng tuyên truyền tập huấn về ATTP cho các cán bộ từ trung ương đến địa phương.

- Xây dựng chương trình quản lý dữ liệu về cơ sở giết mổ trên toàn quốc.

- Phổ biến, tuyên truyền kiến thức và thực hành đúng về ATTP trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm.

- Đào tạo về phân tích nguy cơ trong chuỗi ngành hàng thịt gia súc gia cầm cho các cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở trung ương.

2.4.3. Thời gian thực hiện: 2014-2020.

2.5. Tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm về an toàn thực phẩm

2.5.1. Mục tiêu: Các phòng thí nghiệm chuyên ngành có đủ năng lực phân tích các chỉ tiêu về ATTP.

2.5.2. Nội dung:

- Tăng cường trang thiết bị đảm bảo đủ năng lực phân tích các chỉ tiêu về ATTP trong lĩnh vực của ngành.

- Đào tạo cán bộ, nhân viên phòng thí nghiệm đáp ứng được với yêu cầu thực tế.

2.5.3. Thời gian thực hiện: 2014-2020.

2.6. Nguồn nhân lực

2.6.1. Mục tiêu: Đủ nhân lực có trình độ chuyên môn để quản lý và giám sát trong công tác vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm theo chuỗi.

2.6.2. Nội dung

Bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan liên quan nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2.6.3. Thời gian thực hiện: 2014-2020.

Triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án đã được phê duyệt theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 22/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành thú y giai đoạn 2012 - 2020.

III. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp chung:

1.1. Cơ chế, chính sách:

a) Cấp trung ương

- Nghiên cứu đề xuất thiết lập cơ chế tài chính phù hợp và đặc thù cho hệ thống quản lý, giám sát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm theo hướng kết hợp hài hòa nguồn thu phí, lệ phí với nguồn tài chính từ ngân sách quốc gia.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ giết mổ nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề.

- Đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp nhằm kiểm soát công tác giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Xây dựng chế độ tài chính thích hợp cho lực lượng tham gia quản lý giám sát hoạt động giết mổ đảm bảo tính phù hợp, khả thi với các vùng, miền trong cả nước.

- Hoàn thiện những quy định về thu nộp và quản lý phí, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.

- Nghiên cứu đề xuất khung định biên nhân lực về quản lý nhà nước của các cấp từ trung ương tới địa phương trong lĩnh vực quản lý giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm.

b) Cấp địa phương

- Hỗ trợ đầu tư đóng mới, cải tạo phương tiện vận chuyển thịt gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP và môi trường, kiểm soát tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm trên phương tiện không đảm bảo ATTP.

- Tùy theo điều kiện của từng địa phương, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, tổ chức và giám sát hoạt động giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật.

- Song song với cơ chế chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, địa phương cần có chính sách hỗ trợ các hộ giết mổ nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế.

1.2. Về chuyên môn kỹ thuật:

- Xây dựng các mô hình giết mổ cho phù hợp với từng vùng miền và triển khai nhân rộng trong thực tế.

- Nghiên cứu phương án vận chuyển gia súc, gia cầm và thịt gia súc gia cầm cho phù hợp với điều kiện thực tế.

- Khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo lực lượng Thú y các cấp trong lĩnh vực giám sát kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm giết mổ, thịt và sản phẩm thịt.

- Xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ của lực lượng Thú y các cấp trong hoạt động giám sát kiểm soát giết mổ, thịt và sản phẩm thịt.

- Xây dựng các mô hình trình diễn về đảm bảo ATTP trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, tăng cường tập huấn và phổ biến các quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các văn bản hướng dẫn việc áp dụng hệ thống GMP, GHP, HACCP trong cơ sở giết mổ gia súc gia cầm.

- Xây dựng chương trình quản lý dữ liệu đối với cơ sở giết mổ và vận chuyển động vật và sản phẩm động vật.

1.3. Về thông tin tuyên truyền:

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến các kiến thức về ATTP cho các tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, kinh doanh sản phẩm giết mổ tươi sống và các tổ chức xã hội nhằm góp phần tích cực vào thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thịt, sản phẩm thịt...

- Nâng cao kiến thức cho những người hành nghề, người lao động trực tiếp giết mổ gia súc gia cầm, thu mua vận chuyển gia súc gia cầm về những kiến thức vệ sinh thú y và quy định của Nhà nước đối với hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm.

1.4. Tăng cường hợp tác quốc tế:

- Dựa vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tiếp cận với các kiến thức về an toàn thực vệ sinh thực phẩm trong giết mổ và vận chuyển, xây dựng và nhân rộng mô hình giết mổ áp dụng GHP, GMP, HACCP. Hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở vật chất nhằm tăng cường năng lực quản lý ATTP trong lĩnh vực thú y.

- Mở rộng hợp tác trao đổi kinh nghiệm quốc tế các lĩnh vực có liên quan đến ATTP.

2. Các giải pháp cụ thể:

2.1. Giải pháp 1: Thực hành ATTP trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm:

- Cải thiện nâng cao điều kiện vệ sinh thú y đảm bảo ATTP đối các điểm giết mổ nhỏ lẻ phù hợp với thực tiễn và vùng miền, từng bước xóa bỏ điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

- Xây dựng các mẫu mô hình cơ sở giết mổ gia súc gia cầm bảo đảm ATTP, phù hợp, khả thi với các điều kiện địa lý, hình thái kinh tế khác nhau của các vùng miền trong nước.

- Xây dựng các mô hình mẫu áp dụng hệ thống GMP, GHP, HACCP trong hoạt động giết mổ gia súc gia cầm:

+ Áp dụng hệ thống GMP, GHP đối với CSGM bán công nghiệp.

+ Áp dụng hệ thống HACCP đối với CSGM tập trung quy mô công nghiệp.

- Xây dựng và áp dụng các mô hình giải pháp kỹ thuật khả thi với các phương tiện vận chuyển hiện hành tại các vùng miền khác nhau trong nước thực hiện việc đảm bảo ATTP trong vận chuyển thịt và sản phẩm giết mổ phù hợp.

- Xây dựng mô hình khép kín, chuỗi quản lý, giám sát kiểm soát hoạt động vận chuyển cung cấp gia súc gia cầm vận chuyển, giết mổ thịt và sản phẩm giết mổ giữa các thành phố trọng điểm với các vùng phụ cận liên quan.

2.2. Giải pháp 2: Tăng cường năng lực quản lý an toàn thực phẩm:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp qui về quản lý ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật.

- Điều tra đánh giá năng lực cán bộ Thú y thực hiện công tác ATTP ở các địa phương.

- Khảo sát, đánh giá, tập hợp nhu cầu đào tạo công tác ATTP ngắn hạn và dài hạn đối với lực lượng chuyên ngành thú y làm công tác ATTP từ trung ương đến địa phương.

- Đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, kiểm nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng chuyên ngành thú y làm công tác ATTP từ trung ương đến các địa phương.

- Đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về ATTP cho lực lượng công chức được giao nhiệm vụ thanh tra.

2.3. Giải pháp 3: Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ về mất ATTP đối với hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm:

- Thiết kế bộ chỉ tiêu dữ liệu quốc gia về quản lý ATTP đối với sản phẩm động vật.

- Xây dựng các phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu, website cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, báo cáo nhanh về hoạt động ATTP.

- Tổ chức thống kê dữ liệu, nhập dữ liệu về các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tình hình biến động của các cơ sở giết mổ và các hoạt động liên quan khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cục Thú y:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, Đề án và nhiệm vụ đã đề ra.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo năm, định kỳ báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện.

2. Các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ: Phối hợp với Cục Thú y thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể của Đề án.

- Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Cục Thú y tham mưu cho Bộ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí kinh phí để thực hiện Đề án; Nghiên cứu và đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để triển khai Đề án đảm bảo ATTP trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm có hiệu quả.

- Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án kiện toàn hệ thống tổ chức ngành thú y và của Cục Thú y; tổng hợp kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP trong lĩnh vực thú y.

- Vụ Pháp chế chủ trì hướng dẫn rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý ATTP trong lĩnh vực thú y, phối hợp với Cục Thú y hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

- Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đảm bảo ATTP trong lĩnh vực thú y về vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

- Các đơn vị khác thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Thú y để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố

- Tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án tại địa phương; xây dựng ban hành cơ chế chính sách có tính chất đặc thù theo quy định nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đề án đảm bảo ATTP trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm tại địa phương; lập dự toán kinh phí cụ thể cho các nhiệm vụ/hoạt động đề nghị cơ quan có chức năng xem xét bố trí kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định.

4. Các tổ chức, cá nhân liên quan

- Tuân thủ các quy định hiện hành trong quản lý nhà nước về thú y.

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện đảm bảo ATTP trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT; TC; Công Thương; KH&CN; TN&MT.
- Lưu: VT, TY.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1267/QĐ-BNNPTNT năm 2014 phê duyệt Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014 - 2020” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1267/QĐ-BNN-TY
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/06/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản