Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 338/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH THÚ Y GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành thú y giai đoạn 2012 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh bảo đảm phát triển chăn nuôi, thủy sản hiệu quả, bền vững, góp phần cung cấp thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khống chế, tiến tới thanh toán một số bệnh nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây từ động vật sang người; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; tăng cường quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất dùng trong thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả.
b) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước ngành thú y, đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế.
c) Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan quản lý ngành thú y theo hướng tiên tiến, hiện đại phục vụ yêu cầu của công tác quản lý và hội nhập quốc tế.
II. NHIỆM VỤ
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật ngành thú y.
a) Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật ngành thú y nhằm phục vụ hiệu quả cho các hoạt động quản lý nhà nước của ngành.
b) Nội dung:
- Xây dựng, trình ban hành Luật thú y.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành cho phù hợp với các quy định trong nước và cam kết với quốc tế.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh thú y trong chăn nuôi, thu gom sản phẩm; các quy chuẩn kỹ thuật đối với động vật, sản phẩm động vật vận chuyển, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn và quy định quốc tế.
c) Thời gian thực hiện: Từ 2012 - 2020.
2. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm và quản lý thuốc thú y.
a) Mục tiêu: Kiểm soát hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên động vật, chất lượng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất dùng trong thú y và đảm bảo an toàn thực phẩm.
b) Nội dung:
- Giám sát chặt chẽ và ứng phó kịp thời dịch bệnh trên động vật; thực hiện các chương trình quốc gia khống chế các bệnh nguy hiểm trên động vật.
- Tăng cường năng lực về kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y của các cơ quan kiểm dịch động vật.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn và hiệu quả thuốc thú y.
- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật.
c) Thời gian thực hiện: Từ 2012 - 2020.
3. Kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước ngành thú y
a) Mục tiêu: Kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành thú y từ Trung ương đến địa phương.
b) Nội dung:
- Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý ngành thú y theo hướng hiệu quả, bền vững.
- Bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị ngành thú y.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với cơ quan quản lý về thú y; giữa các cơ quan thú y ở trung ương với các cơ quan thú y của địa phương; giữa các cơ quan quản lý với các cơ quan nghiên cứu ngành thú y.
c) Thời gian thực hiện: Từ 2012 - 2015.
4. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống ngành thú y
a) Mục tiêu: Đầu tư xây dựng và nâng cấp nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống chẩn đoán, kiểm tra, kiểm soát của ngành theo hướng tiên tiến, hiện đại phù hợp với sự phát triển của ngành và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
b) Nội dung:
- Xây dựng mới Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương nhằm đáp ứng năng lực chẩn đoán các bệnh ngoại lai, các bệnh truyền lây từ động vật sang người.
- Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các Cơ quan Thú y vùng nhằm đảm bảo đủ điều kiện chẩn đoán, xét nghiệm phục vụ công tác quản lý thú y trên từng vùng: Bổ sung thiết bị cho Trung tâm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật của Cơ quan Thú y vùng VI trở thành phòng thí nghiệm tham chiếu của OIE về bệnh dịch tả lợn và lở mồm long móng; Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I và II; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I, II đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ 3.
- Xây dựng hệ thống trạm Kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông trọng điểm, cửa khẩu biên giới trên đất liền, cảng hàng không, cảng biển theo quy hoạch được duyệt.
- Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chi cục Thú y, Trạm thú y của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
c) Thời gian thực hiện: Từ 2012 - 2020.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Về cơ chế chính sách
a) Chính sách:
- Nghiên cứu thiết lập cơ chế tài chính phù hợp cho hoạt động thú y theo hướng kết hợp hài hòa nguồn thu phí và lệ phí với nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
- Nghiên cứu chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia các hoạt động chẩn đoán, xét nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm, khảo nghiệm.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ người tham gia công tác thú y tại các thôn, ấp.
b) Cơ chế đầu tư:
- Ngân sách trung ương ưu tiên đầu tư: Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, các trang thiết bị, công nghệ cho các cơ quan quản lý nhà nước ngành thú y ở Trung ương; xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước ngành thú y; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng công chức, viên chức ở Trung ương; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
- Ngân sách địa phương cùng với hỗ trợ của Trung ương thực hiện: Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho các cơ quan quản lý nhà nước ngành thú y thuộc địa phương quản lý; củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức thú y ở địa phương; hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ thú y cơ sở.
- Vốn của các tổ chức, cá nhân: Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các phòng chẩn đoán, xét nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm, khảo nghiệm; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thú y.
c) Căn cứ vào nhiệm vụ, nội dung Đề án, các dự án ưu tiên và khả năng của ngân sách nhà nước, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư để thực hiện.
2. Củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thú y
a) Khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực quản lý nhà nước ngành thú y ở các cấp; lập kế hoạch đào tạo giai đoạn 2012 - 2020.
b) Bổ sung đội ngũ công chức, viên chức ngành thú y phù hợp với nhiệm vụ mới.
c) Tham gia chỉnh lý, cập nhật các giáo trình, tài liệu giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp có đào tạo chuyên ngành thú y. Xây dựng các tài liệu đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực quản lý cho công chức, viên chức ngành thú y. Xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành về khống chế dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thú y thủy sản và thú y cộng đồng.
d) Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về phòng chống dịch bệnh; kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; thuốc thú y; vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật. Tập huấn kỹ năng truyền thông, tham vấn cho đội ngũ thú y địa phương.
đ) Xây dựng các tiêu chuẩn hành nghề cho những người hoạt động trong lĩnh vực thú y.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thú y tại Cục Thú y để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời và hiệu quả.
- Xây dựng phần mềm dự báo và quản lý dịch bệnh; phầm mềm quản lý vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nước và xuất nhập cảnh.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý an toàn thực phẩm và bệnh lây giữa người và động vật.
4. Đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ
- Ứng dụng các công nghệ - kỹ thuật mới, tiến bộ trong công tác quản lý; ưu tiên vào lĩnh vực chẩn đoán xét nghiệm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
- Xây dựng các phương pháp phân tích, phát hiện, xác định nhanh, chính xác và có hiệu quả các xét nghiệm chẩn đoán, chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
- Xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành thú y đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế
- Đàm phán với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) trong việc hỗ trợ xây dựng, công nhận một số cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh; một số phòng thí nghiệm của Việt Nam là phòng tham chiếu cấp khu vực với một số bệnh ưu tiên.
- Tham gia, đàm phán ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về yêu cầu vệ sinh thú y và công nhận, thừa nhận lẫn nhau hệ thống kiểm dịch động vật.
- Phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về thuốc thú y hài hòa, phù hợp với yêu cầu của ASEAN và quốc tế.
- Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn và diễn tập phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật và vệ sinh an toàn thực phẩm với các nước trong khu vực.
- Tăng cường quan hệ với các nước láng giềng trong việc kiểm soát dịch bệnh động vật truyền lây qua biên giới, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhằm thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa các bên.
- Tham gia xây dựng dự thảo luật của Tổ chức Thú y Thế giới.
6. Các dự án ưu tiên (Phụ lục kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì triển khai thực hiện Đề án; quản lý các chương trình, dự án do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện; hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án.
b) Phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương củng cố đội ngũ nguồn nhân lực ngành thú y theo nội dung được phê duyệt.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một số chính sách triển khai thực hiện Đề án; hàng năm cân đối ngân sách hỗ trợ các cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện Đề án.
3. Các Bộ, ngành khác có liên quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nội dung của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân cấp dưới tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; kiện toàn bộ máy cơ quan quản lý ngành thú y tại địa phương; quản lý các dự án do các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Dự án 1: Tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh động vật
a) Cơ quan chủ trì: Cục Thú y
b) Cơ quan phối hợp: Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố; Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, các cơ quan có liên quan.
c) Các tiểu dự án:
- Xây dựng và nâng cấp hệ thống thu thập, quản lý, phân tích thông tin và cảnh báo dịch bệnh.
- Nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật của Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, các cơ quan thú y vùng và các Chi cục Thú y trọng điểm.
- Triển khai và xây dựng chương trình quốc gia khống chế một số bệnh nguy hiểm ở động vật.
- Tăng cường năng lực giám sát, ứng phó dịch bệnh.
- Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống Cúm gia cầm, đại dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác (2011 - 2015).
- Dịch tễ học phân tử, giám sát và các công cụ dự báo cho phòng chống dịch lở mồm long móng ở Việt Nam (2011 - 2015), do Bộ Nông nghiệp Mỹ tài trợ.
- Công cụ và cách tiếp cận mới để khống chế Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) ở lợn tại châu Âu và châu Á (2010 - 2015), do Ủy ban châu Âu tài trợ.
- Hợp tác song phương về thú y giữa Thụy Điển và Việt Nam thông qua tăng cường khống chế dịch bệnh động vật (2011 - 2014), do Cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ.
- Nghiên cứu vi rút cúm lưu hành trên đàn lợn ở Việt Nam (2010 - 2012) hợp tác với Viện Thú y Nhật Bản.
d) Thời gian thực hiện: 2012 - 2020.
2. Dự án 2: Tăng cường năng lực kiểm dịch.
a) Cơ quan chủ trì: Cục Thú y
b) Cơ quan phối hợp: Các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục Thú y.
c) Các tiểu dự án:
- Tăng cường năng lực về kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y của các cơ quan kiểm dịch động vật.
- Nâng cao năng lực cập nhật thông tin dịch bệnh, đánh giá nguy cơ, truy xuất nguồn gốc và quản lý dữ liệu của hệ thống kiểm dịch thú y.
d) Thời gian thực hiện: 2012 - 2020.
3. Dự án 3: Nâng cao năng lực quản lý thuốc và vắc xin thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả.
a) Cơ quan chủ trì: Cục Thú y
b) Cơ quan phối hợp: Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, chuyên gia của OIE, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y.
c) Các tiểu dự án:
- Đánh giá chất lượng thuốc thú y sau đăng ký lưu hành.
- Tăng cường năng lực phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm thuốc thú y.
- Tăng cường quản lý giống vi sinh vật dùng trong thú y.
d) Thời gian thực hiện: 2012 - 2020.
4. Dự án 4: Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bệnh truyền lây từ động vật sang người và bảo vệ môi trường
a) Cơ quan chủ trì: Cục Thú y
b) Cơ quan phối hợp: Bộ Y tế, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các phòng thí nghiệm và chuyên gia nước ngoài, Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục Thú y.
c) Các tiểu dự án:
- Tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, bệnh truyền lây từ động vật sang người từ trung ương đến địa phương.
- Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật và bệnh truyền lây từ động vật sang người tương đương chuẩn mực khu vực từ trung ương đến địa phương.
- Giám sát về ô nhiễm vi sinh vật, dư lượng thuốc thú y và hóa chất, kim loại nặng trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và bệnh truyền lây từ động vật sang người.
- Đánh giá hiệu quả của văn bản quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật và bệnh truyền lây từ động vật sang người.
- Xây dựng chương trình phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật và bệnh truyền lây từ động vật sang người.
- Quản lý cơ sở giết mổ, sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cả nước.
d) Thời gian thực hiện: 2012 - 2020.
- 1Công văn 4708/BNN-KH hoàn thiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước ngành Thú y giai đoạn 2011-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 607/BNN-TY giải trình cơ sở tính toán kinh phí thực hiện đề án “Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành thú y, giai đoạn 2012-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Công văn 4708/BNN-KH hoàn thiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước ngành Thú y giai đoạn 2011-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 607/BNN-TY giải trình cơ sở tính toán kinh phí thực hiện đề án “Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành thú y, giai đoạn 2012-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 338/QĐ-TTg năm 2012 Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành thú y giai đoạn 2012 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 338/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/03/2012
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/03/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra