Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/2003/QĐ-UB

Quảng Ngãi, ngày 07 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN VÀ TỔ DÂN PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố;

Căn cứ Quyết định số130/2002/QĐ-UB ngày 14 tháng 11 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 09-Ctr/TU ngày 21 tháng 6 năm 2002 của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ địa điểm, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Ngãi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức hoạt động của thôn và tổ dân phố.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 86/1999/QĐ-UB ngày 26 tháng 4 năm 1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức thôn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các Phó CT UBND tỉnh;
- Ban TC Tỉnh uỷ;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Như Điều 2;
- Lưu VT, TH, KH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Kim Hiệu

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN VÀ TỔ DÂN PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 126 /2003/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thôn, làng,… (gọi chung là thôn); tổ dân phố, khối phố,… (gọi chung là tổ dân phố) không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản và tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Về tổ chức và tên gọi: Dưới xã là thôn. Dưới phường, thị trấn là tổ dân phố.

Điều 2. Thôn và tổ dân phố chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố do nhân dân trực tiếp bầu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra Quyết định công nhận; là người đại diện cho nhân dân và đại diện cho chính quyền xã, phường, thị trấn để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính tại thôn và tổ dân phố. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chịu sự lãnh đạo của Chi bộ thôn, Chi bộ Tổ dân phố hoặc Chi bộ cấp xã, Chi bộ khối phố (nơi chưa có Chi bộ thôn và Chi bộ tổ dân phố); chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận Tổ quốc, các Hội, Đoàn thể ở thôn, tổ dân phố trong quá trình triển khai công tác.

Điều 4. Mỗi Thôn, Tổ dân phố có 01 Phó thôn, 01 Tổ phó tổ dân phố giúp việc cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Phó thôn, Tổ phó tổ dân phố do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đề nghị (sau khi có sự thống nhất của Ban công tác Mặt trận Tổ quốc), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét ra Quyết định công nhận.

Điều 5. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Phó thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố tối đa không quá hai năm rưỡi. Trong trường hợp thành lập thôn, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ định Trưởng thôn, Tổ truởng tổ dân phố, nhưng chậm nhất không quá 03 tháng phải tổ chức cho nhân dân bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mới.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN

Điều 6. Giữ nguyên các thôn hiện có, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận các thôn hiện có cho từng xã nhằm ổn định tổ chức và hoạt động của các thôn.

Điều 7. Về thành lập thôn mới (bao gồm cả việc chia tách, sáp nhập thôn):

1. Chỉ định thành lập thôn mới khi tổ chức định canh, định cư, di dân giải phóng mặt bằng và khi thực hiện quy hoạch dãn dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Qui mô thôn mới: ở vùng đồng bằng có từ 150 hộ trở lên; vùng miền núi, hải đảo có từ 50 hộ trở lên.

3. Quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới:

a. Sau khi Uỷ ban nhân dân tỉnh có Quyết định về chủ trương, Uỷ ban nhân dân xã xây dựng phương án thành lập thôn mới, nội dung chủ yếu gồm:

- Sự cần thiết phải thành lập thôn mới.

- Tên thôn.

- Vị trí địa lý của thôn.

- Dân số (số hộ, số nhân khẩu).

- Diện tích thôn (đơn vị tính là ha).

- Kiến nghị.

b. Lấy ý kiến cử tri trong khu vực thành lập thôn mới về phương án, tổng hợp thành văn bản nêu rõ tổng số cử tri, số cử tri đồng ý, không đồng ý.

c. Nếu đa số cử tri đồng ý, Uỷ ban nhân dân xã hoàn chỉnh phương án, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua (có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân).

d. Sau khi có Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã, Uỷ ban nhân dân xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã xem xét, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm thẩm định phương án, hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh gồm:

+ Tờ trình của Uỷ ban nhân dân xã trình Hội đồng nhân dân xã.

+ Phương án thành lập thôn mới.

+ Biên bản lấy ý kiến cử tri.

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.

+ Tờ trình của Uỷ ban nhân dân xã trình Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã.

+ Tờ trình của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

e. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét ra Quyết định thành lập thôn mới.

Điều 8. Hoạt động của thôn:

1. Cộng đồng dân cư trong thôn cùng nhau thảo luận, quyết định và thực hiện các công việc tự quản, bảo đảm đoàn kết giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; xây dựng cuộc sống mới; giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; gữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của thôn; xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn; xây dựng và thực hiện hương ước, qui ước trong cộng đồng dân cư.

2. Bàn biện pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ do Uỷ ban nhân dân xã giao và thực hiện nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.

3. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

4. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn.

Các hoạt động của thôn được thực hiện thông qua hội nghị thôn.

Điều 9. Hội nghị của thôn được tổ chức ba tháng hoặc sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. Thành phần hội nghị là toàn thể cử tri hoặc chủ hộ hay cử tri đại diện hộ. Hội nghị do Trưởng thôn triệu tập và chủ trì. Hội nghị được tiến hành khi có ít nhất nửa số cử tri hoặc chủ hộ tham dự. Nghị quyết của thôn chỉ có giá trị khi được quá nửa số chủ hộ hoặc cử tri đại diện tán thành và không trái pháp luật.

Điều 10. Tiêu chuẩn Trưởng thôn:

Trưởng thôn phải là người có hộ khẩu và cư trú thường xuyên ở thôn, đủ 21 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, có sức khoẻ, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác, đạo đức và tư cách tốt, được nhân dân tín nhiệm, bản thân và gia đình gương mẫu, có năng lực và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc của cộng đồng và cấp trên giao.

Điều 11. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Trưởng thôn:

1. Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn.

2. Tổ chức thực hiện các Quy chế của thôn.

3. Tổ chức nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

4. Tổ chức xây dựng và thực hiện hương ước.

5. Bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn trong thôn.

6. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ do Uỷ ban nhân dân xã giao.

7. Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền xã giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

8. Trên cơ sở Nghị quyết của hội nghị thôn, ký hợp đồng dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn.

9. Được Uỷ ban nhân dân xã mới họp về các vấn đề liên quan. Hàng tháng báo cáo kết quả công tác của Uỷ ban nhân dân xã; sáu tháng, cuối năm phải báo cáo công tác và tự phê bình trước hội nghị thôn.

Điều 12. Quy trình bầu Trưởng thôn:

1. Toàn thể cử tri hoặc chủ hộ hay cử tri đại diện tham gia bầu trực tiếp Trưởng thôn theo hình thức bỏ phiếu kín hoặc giơ tay. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Quyết định ngày tổ chức bầu Trưởng thôn và ra Quyết định thành lập Ban bầu cử. Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ và giúp đỡ tổ chức tốt hội nghị bầu Trưởng thôn.

2. Giới thiệu nhân sự:

a. Căn cứ vào tiêu chuẩn Trưởng thôn, sự lãnh đạo của Chi bộ thôn hoặc Chi bộ xã, Ban Công tác Mặt trận thôn phối hợp với các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh trong thôn dự kiến giới thiệu người ra ứng cử, sau đó tổ chức họp cử tri để thảo luận tiêu chuẩn, danh sách giới thiệu của Ban Công tác Mặt trận thôn và những người ứng cử do cử tri giới thiệu hoặc tự ứng cử.

b. Căn cứ danh sách ứng cử tại hội nghị cử tri, Trưởng Ban Công tác Mặt trận chủ trì cuộc họp thảo luận thống nhất ấn định danh sách ứng cử viên chính thức. Thành phần cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo của tổ chức Đảng, Chi đoàn Thanh niên, các Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh. Danh sách để bầu Trưởng thôn phải dư ít nhất một người.

3. Ban bầu cử:

Ban bầu cử có không quá 7 thành viên do Trưởng Ban Công tác Mặt trận là Tổ trưởng. Các thành viên khác làm đại diện của tổ chức Đảng và một số đoàn thể như Thành niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh của thôn. Ban bầu cử có nhiệm vụ:

a. Lập và công bố danh sách cử tri tham gia bầu Trưởng thôn.

b. Công bố danh sách ứng cử viên.

c. Tổ chức hộ nghị bầu Trưởng thôn.

d. Công bố kết quả bầu cử.

e. Báo cáo kết quả hội nghị bầu Trưởng thôn và nộp các tài liệu bầu cử cho Uỷ ban nhân dân xã.

4. Kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử:

a. Trước khi bỏ phiếu, hội nghị bầu Tổ kiểm phiếu do Ban bầu cử giới thiệu, Tổ kiểm phiếu gồm có 03 người.

b. Kiểm phiếu: Việc kiểm phiếu được tiến hành ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu. Tổ kiểm phiếu lập biên bản kết quả bỏ phiếu, bàn giao biên bản và phiếu bầu cho Ban bầu cử.

c. Ban bầu cử công bố kết quả số phiếu được bầu (bỏ phiếu kín) hoặc số người tín nhiệm (giơ tay) cho từng người ứng cử và người trúng cử Trưởng thôn. Người trúng cử Trưởng thôn là người có số phiếu bầu hợp lệ hoặc số người tín nhiệm trên 50% số cử tri tham gia bầu cử. Kết quả bầu chỉ có giá trị khi có ít nhất trên 50% số cử tri trong danh sách tham gia bỏ phiếu.

5. Căn cứ vào biên bản kết quả bầu cử của Tổ bầu cử và báo cáo kết quả hội nghị bầu Trưởng thôn của Ban bầu cử, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xem xét ra Quyết định công nhận người trúng cử Trưởng thôn. Trưởng thôn chính thức hoạt động khi có Quyết định công nhận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

6. Kinh phí bầu cử Trưởng thôn do ngân sách xã cấp.

Trong trường hợp số cử tri tham gia bỏ phiếu dưới 50% và trong trường hợp vi phạm các quy định về bầu cử Trưởng thôn tại khoản 2, 3, 4 Điều này thì phải tổ chức bầu lại. Ngày tổ chức bầu lại do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp bầu cử lại lần thứ hai cũng không đạt kết quả, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chỉ định Trưởng thôn lâm thời trong số những người ứng cử chính thức để hoạt động cho đến khi bầu được Trưởng thôn mới.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ

Điều 13. Việc thành lập tổ dân phố mới (bao gồm cả việc chia tách, sáp nhập tổ dân phố) do Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn lập phương án, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp thẩm định, UBND cấp trên trực tiếp trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Quy mô một tổ dân phố được thành lập mới có từ 100 hộ trở lên. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, phường, thị trấn tiến hành sắp xếp tổ chức tổ tổ dân phố đúng quy định; phù hợp với từng khu vực dân cư, đường phố.

Điều 14. Quy trình và hồ sơ thành lập tổ dân phố mới; hoạt động của tổ dân phố, hội nghị tổ dân phố, tiêu chuẩn và việc bầu cử Tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện theo Điều 7, 8, 9, 10, 12 của Quy chế này.

Điều 15. Nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Tổ trưởng tổ dân phố:

1. Triệu tập và chủ trì hội nghị tổ dân phố để bàn và tổ chức thực hiện các quyết định của tổ dân phố về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; tu sửa, xây dựng cơ sở hạ tầng ngõ phố và vệ sinh môi trường; xây dựng đời sống văn hoá, đoàn kết giúp đỡ nhau trong đời sống và sản xuất; thực hiện tốt các nhiệm vụ do Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn giao.

2. Vận động và tổ chức nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

3. Tổ chức thực hiện qui ước ở tổ dân phố.

4. Tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh và đề nghị Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn giải quyết.

5. Được Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn mời dự họp về các vấn đề liên quan. Hàng tháng báo cáo kết quả công tác với Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn; sau tháng, cuối năm phải báo cáo công tác và tự kiểm điểm trước hội nghị tổ dân phố.

Chương IV

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 16. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định; được miễn lao động công ích trong thời gian công tác được cử đi huấn luyện, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết.

Điều 17. Trưởng thôn, Phó thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì tuỳ mức độ sai phạm sẽ bị phê bình, cảnh cáo, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi chức hoặc truy cứu trách nhiệm theo pháp luật. Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc và cử tri đề nghị hội nghị chủ hộ hoặc cử tri đại diện hộ xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xem xét quyết định hình thức kỷ luật phê bình, cảnh cáo hoặc cho thôi chức đối với Trưởng thôn, Phó thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Quy chế này được thực hiện thống nhất đối với các thôn thuộc xã, tổ dân phố thuộc phương, thị trấn trong toàn tỉnh.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Quy chế này.

Điều 19. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn nội dung, quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước ở thôn và tổ dân phố; hàng năm tổng hợp và báo cáo kết quả cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Trung ương.

Điều 20. Ban Tổ chức chính quyền tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này và theo dõi, tổng hợp việc thực hiện ở các địa phương báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, cấn đối ngân sách, chi trả và quyết toán phụ cấp cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 21. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các cấp, các ngành báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Ban Tổ chức chính quyền tỉnh) để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.