Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 25 tháng 5 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH CHÍNH SÁCH VỀ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ban hành được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1989;

Căn cứ yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai;

Xét tờ trình số 02/TT-NQD ngày 24/4/1993 của ông Chủ tịch Hội đồng lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế ngoài quốc doanh”.

Điều 2. Chính sách này được áp dụng cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn Lào Cai và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh theo chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

Điều 3. Các ông chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng lâm thời doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Lào Cai, thủ trưởng các sở ban ngành trực thuộc UBND tỉnh Lào Cai và chủ tịch UBND huyện, tỉnh Lào Cai thị chịu trách nhiệm thi hành quyết định này tỉnh Lào Cai

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản của tỉnh trái với quyết định này đều bãi bỏ.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Ngọc Lâm

 

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH TỈNH LÀO CAI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 124/QĐ-UB ngày 25/5/1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)

Thực hiện đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần theo tinh thần Nghị quyết 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, các văn bản pháp quy của Nhà nước về thành phần kinh tế ngoài quốc doanh: Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Nghị định 66/HĐBT ngày 2/2/1992 và các thông tư hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành TW. Để phù hợp với điều kiện thực tế ở tỉnh Lào Cai và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển nền kinh tế của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành “Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ngoài quốc doanh” làm căn cứ để mọi tầng lớp nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và các cấp các ngành tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển sản xuất kinh doanh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

I. Quan điểm của UBND tỉnh Lào Cai đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh:

1. Trong thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có vị trí quan trọng, lâu dài trong quá trình phát triển nền kinh tế xã hội ở tình Lào Cai.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai bảo hộ quyền sở hữu, quyền thừa kế tài sản, thu nhập hợp pháp và vị trí pháp lý bình đẳng trong sản xuất kinh doanh của mọi công dân thuộc các thành phần kinh tế.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành của tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ hướng dẫn thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển sản xuất kinh doanh theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai.

2. Người kinh doanh thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có quyền quyết định mọi vấn đề về sản xuất kinh doanh và dịch vụ của mình trên cơ sở chấp hành đầy đủ chính sách, pháp luật của nhà nước.

3. Các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh phải chịu sự kiểm tra hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước của địa phương theo chuyên ngành kinh tế kỹ thuật.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai khuyến khích người kinh doanh đầu tư phát triển những ngành nghề mới, ngành nghề sử dụng nguyên liệu tại chỗ, những ngành nghề giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, những ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu.

5. Các cơ sở sản xuất kinh doanh được Nhà nước bảo hộ quyền về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã đăng ký theo hướng dẫn của Ban khoa học kỹ thuật tỉnh. Mọi sản phẩm hàng hóa của các đơn vị sản xuất kinh doanh bắt buộc phải đăng ký chất lượng tại Chi cục tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh Lào Cai. Các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục áp dụng TCVN phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn đã ban hành.

II. Căn cứ pháp lý để thành lập các doanh nghiệp ngoài quốc doanh:

Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về thành lập doanh nghiệp ngoài quốc doanh và đăng ký kinh doanh trong quyết định số 196/CT ngày 5/6/1992 và Nghị định 361/HĐBT ngày 1/10/1992 như sau:

1. Nếu tổ chức thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần thì thực hiện theo luật công ty ngày 21/2/1990 và Nghị định 222/HĐBT ngày 28/7/1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Nếu thành lập doanh nghiệp tư nhân thì thực hiện theo luật doanh nghiệp tư nhân ngày 21/12/1990 và Nghị định 221/HĐBT ngày 23/7/1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

3. Nếu tổ chức thành lập HTX, tổ hợp tác thì thực hiện theo các Nghị định số 28/HĐBT ngày 9/3/1990, Nghị định số 146/HĐBT ngày 24/9/1988 và quy định số 49/HĐBT ngày 22/5/1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

4. Người kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định 221/HĐBT ngày 23/7/1991 của Hội đồng Bộ trưởng... thì thực hiện theo nghị định số 66/HĐBT ngày 2/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Người kinh doanh theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và phạm vi áp dụng của các văn bản pháp quy nói trên để đối chiếu vốn kinh doanh (quy mô sản xuất) của mình với vốn pháp định quy định trong Nghị định 221/HĐBT và Nghị định 222/HĐBT ngày 23/7/1991 của Hội đồng Bộ trưởng để lập hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.

III. Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xem xét quyết định thành lập các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có vốn kinh doanh bằng hoặc lớn hơn vốn pháp định trong Nghị định 222/HĐBT và Nghị định 221/HĐBT.

2. Các sở kinh tế kỹ thuật theo chuyên ngành.

- Hướng dẫn lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.

- Cấp giấy phép hành nghề cho các nghề yêu cầu phải có chuyên môn kỹ thuật theo luật định.

- Đề nghị UBND tỉnh quyết định thành lập doanh nghiệp.

- Thông báo ý kiến thẩm định để UBND huyện, thị cấp giấy phép kinh doanh cho người kinh doanh có vốn nhỏ hơn vốn pháp định trong Nghị định 221/HĐBT.

- Đề nghị mức thuế phải nộp trong các kỳ kế hoạch theo luật định để UBND tỉnh quyết định cho các ngành hữu quan và người kinh doanh thực hiện.

3. Trọng tài kinh tế tỉnh Lào Cai chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, sau khi có quyết định thành lập của UBND tỉnh trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

4. UBND huyện, thị sau khi có thông báo bằng văn bản của các cơ sở kinh tế kỹ thuật, cấp giấy phép kinh doanh cho người kinh doanh có vốn kinh doanh nhỏ hơn vốn pháp định trong nghị định 221/HĐBT trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ.

Chương II

MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TỀ NGOÀI QUỐC DOANH

I. Về vật tư, nguyên liệu:

Người kinh doanh được chủ động tìm kiếm vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất bằng mọi nguồn hợp pháp, có căn cứ pháp lý mua bán, vận chuyển hàng hóa.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai khuyến khích việc liên kết, liên doanh giữa các đơn vị kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong, ngoài tỉnh và kể cả với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài theo quy chế hiện hành của Nhà nước, nhằm khai thác mọi nguồn vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho phép các tổ chức kinh tế, cá nhân ở địa phương khác đưa thiết bị vật tư đến Lào Cai tổ chức sản xuất - kinh doanh theo sự hướng dẫn của sở kinh tế kỹ thuật chuyên ngành.

3. Người kinh doanh trực tiếp nhận nguyên liệu, thiết bị, máy móc của nước ngoài về gia công sản xuất hàng xuất khẩu.

II. Về tiêu thụ sản phẩm:

1. Người kinh doanh được quyết định giá cả, hình thức tiêu thụ sản phẩm của cơ sở sản xuất ra.

2. Được Nhà nước giúp đỡ trong việc tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, được quyền hưởng ngoại tệ theo quy định của Nhà nước để nhập khẩu vật tư thiết bị.

3. UBND tỉnh Lào Cai cho phép các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh được tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Lào Cai.

4. Khuyến khích hệ thống thương nghiệp quốc doanh bao tiêu, đại lý sản phẩm do các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh sản xuất.

III. Về tài chính tín dụng:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư vốn, thiết bị, kỹ thuật tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn Lào Cai.

Trong trường hợp cần thiết, có đầy đủ căn cứ khoa học, luận chứng kinh tế kỹ thuật chứng minh được lợi ích kinh tế xã hội của dự án và công việc đang tiến hành, UBND tỉnh Lào Cai có thể hỗ trợ một phần vốn cho các cơ sở sản xuất từ các nguồn giải quyết việc làm, vốn phát triển kinh tế xã hội vùng cao và vốn viện trợ quốc tế nhằm tạo điều kiện phát triển nền kinh tế.

2. Người kinh doanh được phép mở tài khoản giao dịch và vay vốn ở ngân hàng kinh doanh thuận tiện nhất theo thể lệ quy định của ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tỷ lệ lãi suất và điều kiện cho vay được bình đẳng như các xí nghiệp quốc doanh trên cùng địa bàn.

3. Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai quy định một số điểm miễn giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh như sau:

- Miễn tất cả các loại thuế trong 3 tháng đầu sản xuất sản phẩm

- Miến thuế lợi tức 1-2 năm đối với tất cả các cơ sở sản xuất mới thành lập, kể từ khi bắt đầu sản xuất sản phẩm.

- Miễn thuế lợi tức 3 -4 năm (kể từ khi bắt đầu sản xuất) đối với cơ sở sản xuất mới phải đầu tư vốn lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm tương đương hàng ngoại nhập, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế địa phương nhưng với điều kiện phải có xác nhận và đề nghị của sở quản lý kinh tế kỹ thuật và Ban khoa học kỹ thuật tỉnh.

- Khi gặp khó khăn do những trường hợp bất khả kháng, gây thiệt hại trên 50% doanh thu chịu thuế trong năm thì được miễn thuế doanh thu của năm đó.

IV. Về khoa học kỹ thuật:

1.Các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có quyền chủ động liên kết, hợp tác, ký kết các hợp đồng nghiên cứu KHKT, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến trang thiết bị và dây chuyền công nghệ với các cơ quan nghiên cứu KHKT, các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật, thợ lành nghề trong các cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu để hướng dẫn đào tạo ngành nghề chuyển giao công nghệ, thiết kế cải tiến kỹ thuật sản xuất.

2. Các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chế thể sản phẩm mới có tầm quan trọng đối với địa phương, thu hút nhiều lao động, sản phẩm làm ra có thể xuất khẩu hoặc thay thế cho hành nhập khẩu đều được xem xét, tạo điều kiện thực hiện và hỗ trợ vốn.

3. UBND tỉnh Lào Cai khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lập dự án và triển khai thực hiện các dự án gọi vốn đầu tư với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.

4. Mọi hoạt động khoa học và công nghệ phải đăng ký tại Ban khoa học kỹ thuật tỉnh Lào Cai theo quy định hiện hành.

V. Về lao động xã hội:

1. Về lao động:

- Các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh được phép ký kết các hợp đồng thuê khoán lao động theo đúng pháp lệnh về hợp đồng lao động để phục vụ sản xuất kinh doanh theo thời vụ hoặc lâu dài.

- Việc thuê khoán lao động trong các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh cần ưu tiên thu hút lao động là người địa phương.

- Người kinh doanh phải thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế... cho người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh của mình theo quy định của Nhà nước.

2. Về xã hội:

Người lao động trong các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật và được quyền tham gia thành lập các tổ chức chính trị - xã hội và ngành nghề theo hệ thống Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức từ thiện, hiệp hội ngành nghề trong khuôn khổ luật định.

- Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nếu tán thành Điều lệ, được kết nạp vào Hội đồng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Lào Cai.

- Những người có nhiều thành tích cống hiến trong lao động, sản xuất mang lại lợi ích xã hội đều được khen thưởng thích đáng, được quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ ở các hệ thống đào tạo trong và ngoài nước hoặc được bố trí đi tham quan học tập, du lịch ở nước ngoài.

Chương III

HƯỚNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH

Để giải phóng mọi năng lực sản xuất, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng nguyên liệu, đất đai, lao động và điều kiện địa lý tự nhiên phong phú ở Lào Cai đẩy mạnh tốc độ phát triển nền kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư vào sản xuất kinh doanh và dịch vụ thuộc các lĩnh vực sau:

I. Chế biến lương thực, thực phẩm:

1. Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị và thời gian bảo quản các mặt hàng chế biến từ hoa màu, vật nuôi...

2. Sản xuất và phổ biến các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, khối lượng và sản xuất lơn thích ứng với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của nhân dân địa phương.

3. Mở các điểm dịch vụ trong nông thôn: Xay sát, nghiền bột, chế biến thức ăn gia súc, thu mua dược liệu cung cấp cho các cơ sở y tế, công nghiệp....

II. Chế biến lâm sản:

1. Mở mang các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, đan lát tận dụng nguyên liệu gỗ cành, ngọn, lâm sản khác.

2. Sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu XDCB, đồ dùng học tập và sinh hoạt hàng ngày.

3. Đầu tư mua sắm các thiết bị chuyên dùng, du nhập kỹ thuật và đào tạo nghề để sản xuất các mặt hàng chất lượng cao.

III. Cơ kim khí:

1. Đầu tư chiều, đổi mới thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng các mặt hàng nông cụ, phụ tùng thay thế sửa chữa, các cấu kiện phục vụ giao thông, XDCB...

2. Tổ chức các điểm, tổ sản xuất cơ khí ở nông thôn. Khuyến khích việc sản xuất nông cụ bằng công nghệ truyền thống vùng cao phù hợp tập quán canh tác của đồng bào dân tộc.

3. Mở các điểm sửa chữa cơ khí nhỏ, sửa chữa phương tiện vận tải, thiết bị máy móc...

IV. Sản xuất vật liệu xây dựng:

1. Tận dụng hoang hóa, phi nông nghiệp sản xuất VLXD khai thác và sản xuất đá vỉa, đá Grenito, cát, sỏi, gạch men, ngói, xi măng, vôi cục...

2. Tận dụng nguyên liệu địa phương mở các lò sành gồm sứ dân dụng phục vụ nhu cầu vùng cao và các tỉnh lân cận.

3. Tổ chức dịch vụ sửa chữa nhà ở, bao thầu xây dựng các công trình vừa và nhỏ hợp với khả năng trình độ nghề nghiệp, dịch vụ san đắp nền.

V. Vận tải hàng hóa, hành khách:

1. Đầu tư các phương tiện vận tải chuyên dùng, chất lượng phục vụ tốt. Khai thác các tuyến vận tải đến vùng xa vùng sâu... trên các hệ thống giao thông thủy bộ.

2. Đầu tư sửa chữa các công trình giao thông, cầu cống nhỏ, giao thông nông thôn.

3. Nghiên cứu cải tiến, sản xuất các phương tiện giao thông ở nông thôn, vùng cao.

VI. Khai thác các nguồn năng lượng và mỏ nhỏ:

1. Tận dụng năng lượng nguồn nước, đầu tư xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ, tổ chức kinh doanh nguồn năng lượng này phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

2. Khai thác thu gom các loại khoáng sản mỏ nhỏ bán cho đơn vị có chức năng kinh doanh khoáng sản của tỉnh theo hợp đồng kinh tế.

3. Nghiên cứu sản xuất các loại bếp lò dùng than, trấu, cám cưa và sản xuất các loại chất đốt không phải thực vật để phục vụ cho các điểm dân cư tập trung của tỉnh và các tỉnh bạn, góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên và cân bằng sinh thái.

VII. Các hoạt động sản xuất kinh doanh khác:

1. Sản xuất vải dân tộc ở vùng cao, sản xuất hàng da, cao su ở thị trấn, thị xã. Các sản phẩm bằng nguyên liệu địa phương có sự giúp đỡ về kỹ thuật công nghệ của các tổ chức, và cá nhân ngoài tỉnh như: bột pha, phèn chua, hóa mỹ phẩm...

2. Tổ chức dịch vụ khoa học kỹ thuật, đa ngành và liên ngành đại lý tiêu thụ tư liệu tiêu dùng.

3. Mở tín dụng đầu tư, kinh doanh vàng bạc đá quý, sửa chữa kim hoàn, chế tác sản phẩm mỹ nghệ cao cấp.

4. Mở các điểm dạy nghề thủ công, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng, điện tử.

5. Thu hái chế biến dược liệu, dịch vụ khám và điều trị bệnh bằng thuốc nam và y học dân tộc.

Chương IV

KHOÀN THI HÀNH

1. Quy định này là cụ thể hóa của văn bản pháp luật của Nhà nước áp dụng vào kiện cụ thể của tỉnh Lào Cai là văn bản pháp quy dùng cho các doanh nghiệp, người kinh doanh thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và các sở, ban, ngành huyện thị trong tỉnh.

2. Các sở, ngành kinh tế kỹ thuật chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và hướng dẫn thực hiện quy định trên các lĩnh vực thuộc chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật cụ thể như sau:

- Sở công nghiệp chịu trách nhiệm với các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng, điện tử, tin học, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ công nghiệp và khai thác tài nguyên trong lòng đất

- Sở nông lâm nghiệp chịu trách nhiệm với các ngành nghề thuộc lĩnh vực khai thác rừng, trồng rừng, dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ bảo vệ gia súc và thực vật.

- Sở thương mại và du lịch chịu trách nhiệm với các ngành nghề thuộc lĩnh vực xây lắp, thiết kế công trình xây dựng, sửa chữa nhà ở.

- Sở giao thông vận tải chịu trách nhiệm với các ngành nghề thuộc lĩnh vực vận tải hàng hóa, vận tải hành khách bằng các phương tiện giao thông thủy bộ, xây dựng sửa chữa cầu cống, đường xá và các công trình phục vụ giao thông.

- Sở thủy lợi chịu trách nhiệm với các ngành nghề thuộc lĩnh vực xây dựng các hệ thống đập, mương máng, cấp nước.

- Ban khoa học kỹ thuật tỉnh chịu trách nhiệm giám định công nghệ, hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo luật định và kiểm tra các hoạt động khoa học kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.

- Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm với các hoạt động tín dụng, kinh doanh vàng bạc, vật quý và chế tác đồ vàng, bạc, đá quý.

- Sở văn hóa thông tin và thể thao chịu trách nhiệm với các ngành nghề thuộc lĩnh vực nghe nhìn, đại lý sách báo, băng hình, biểu diễn nghệ thuật, quay video chụp ảnh, sinh hoạt văn hóa thể thao.

- Sở y tế chịu trách nhiệm với các ngành nghề chế biến dược liệu, đại lý thuốc chữa bệnh, khám điều trị bệnh.

- Sở giáo dục chịu trách nhiệm quản lý đối với việc dạy học, học nghề, dạy nghề, nuôi dạy trẻ.

3. Các ông chánh văn phòng, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị thuộc tỉnh Lào Cai có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn cho các địa phương, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và người kinh doanh thực hiện những quy định trong văn bản này.

4. Trong quá trình thực hiện các ngành, các địa phương và các đơn vị trong tỉnh báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi bổ sung vào văn bản với UBND tỉnh Lào Cai.