Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1239/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 20 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH CÁC ĐIỂM ĐẤU NỐI CÁC TUYẾN ĐỊA PHƯƠNG VÀO QUỐC LỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020"

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Công văn số 2103/BGTVT-KCHT ngày 15/3/2013 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thỏa thuận quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 380/TTr-GTVT ngày 25/4/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch các điểm đấu nối các tuyến địa phương vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020", với các nội dung như sau:

I. Quan điểm:

1. Điểm đấu nối từ các tuyến đường giao thông công cộng:

- Các tuyến đường hiện hữu hoặc quy hoạch đã có quyết định phê duyệt nằm trong khu vực đô thị, khi đấu nối phải đảm bảo quy hoạch chung đô thị không bị phá vỡ;

- Các tuyến đường tỉnh hiện hữu hoặc quy hoạch đã có quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh được phép đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ;

- Vị trí các điểm đấu nối đảm bảo thống nhất, cân đối, đồng bộ vừa đảm bảo theo đúng Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, vừa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Điểm đấu nối từ các Cửa hàng xăng dầu:

- Đối với các cửa hàng xăng dầu nằm trong đô thị thuộc khu vực thành phố, thị xã, thị trấn đã hình thành hoặc có quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt thì nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của quy hoạch này;

- Đối với các Cửa hàng xăng dầu nằm ngoài khu vực đô thị, có vị trí nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì phải đẩy lùi ra khỏi hành lang an toàn đường bộ theo đúng quy định; Chỉ tổ chức đấu nối một số Cửa hàng xăng dầu có cự ly đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định, xây dựng đường dẫn các Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào Quốc lộ, còn các Cửa hàng xăng dầu còn lại sẽ tổ chức đấu nối vào đường gom dọc Quốc lộ;

3. Đường gom:

- Những đoạn Quốc lộ hiện hữu đi qua thành phố, thị xã, thị trấn đã có hoặc được phê duyệt quy hoạch và những đoạn Quốc lộ dự kiến sẽ nằm trong khu vực đô thị thì không tiến hành lập quy hoạch đường gom và đấu nối; Những đoạn này sẽ nằm trong quy hoạch chi tiết của đô thị;

- Những đoạn Quốc lộ dự kiến quy hoạch đường cao tốc trên cao, đường dưới mặt đất có chức năng như một tuyến đường gom của Quốc lộ;

- Đối với những đoạn Quốc lộ đi qua trong khu vực đông dân cư như trung tâm các xã, khu dân cư nông thôn tập trung không có khả năng về quỹ đất đường gom sẽ được bố trí nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ các Quốc lộ;

4. Đối với những đoạn đi qua khu vực có ít dân cư hoặc không có dân cư, đường gom nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường bộ các Quốc lộ.

II. Mục tiêu quy hoạch:

- Quy hoạch đấu nối đường giao thông cộng cộng vào các tuyến Quốc lộ nhằm tổ chức lại các điểm đấu nối theo đúng quy định hiện hành nhằm tách dòng giao thông liên tỉnh với dòng giao thông địa phương trên Quốc lộ, tăng tốc độ lưu thông và đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn giao thông.

- Bổ sung hệ thống tín hiệu giao thông tại các nút giao đồng mức như: Biển báo, biển chỉ dẫn, vạch sơn, các đảo dẫn hướng, hệ thống đèn tín hiệu,… nhằm hạn chế tối đa các xung đột giữa dòng giao thông trên các tuyến Quốc lộ với dòng giao thông địa phương.

- Xây dựng hệ thống đường gom dọc các tuyến Quốc lộ nhằm tách dòng giao thông liên tỉnh với dòng giao thông địa phương và đảm bảo an toàn giao thông.

III. Nội dung quy hoạch các điểm đấu nối đường giao thông công cộng địa phương vào Quốc lộ:

1. Nguyên tắc quy hoạch vị trí đấu nối: Vị trí các điểm đấu nối được thực hiện trên nguyên tắc giữ nguyên các điểm được lựa chọn làm điểm đấu nối vào Quốc lộ. Các điểm đấu nối này là điểm giao cắt của đường giao thông công cộng địa phương với Quốc lộ, cụ thể: Quốc lộ với Quốc lộ; Đường tỉnh hiện trạng và quy hoạch với Quốc lộ; Đường chuyên dùng hiện trạng và quy hoạch với Quốc lộ; Các tuyến đường huyện; đường xã; đường gom đấu nối.

2. Lựa chọn đường đấu nối: Ngoài các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, việc lựa chọn các điểm đấu nối theo thứ tự ưu tiên sau:

- Ưu tiên 1: Đường ra vào Khu công nghiệp, đường huyện;

- Ưu tiên 2: Đường xã, đường vào khu dân cư nông thôn.

3. Cấp đường đấu nối vào Quốc lộ:

- Các tuyến đường tỉnh hiện trạng và quy hoạch được phép đấu nối vào Quốc lộ theo cấp quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt.

- Ngoài các tuyến đường tỉnh, các tuyến đường khác như đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng đấu nối vào Quốc lộ có cấp kỹ thuật thấp hơn cấp kỹ thuật quy hoạch của Quốc lộ đó một cấp để đáp ứng cấp đấu nối, bao gồm: Đường huyện, liên xã, trục xã hiện có và quy hoạch với Quốc lộ; Đường vào các khu công nghiệp, bến xe, khu dân cư nông thôn hiện có và quy hoạch.

4. Đối với những điểm đấu nối ở hai đầu cầu: Phải nằm ngoài hành lang bảo vệ của cầu.

5. Quy hoạch các điểm đấu nối đường giao thông cộng cộng vào Quốc lộ

a) Quốc lộ 13: Quy hoạch đến năm 2020, các điểm đấu nối đường giao thông công cộng vào Quốc lộ 13 được thực hiện như sau: Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một thực hiện theo các Quy hoạch chung xây dựng đô thị đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đoạn Quốc lộ 13 còn lại được quy hoạch hệ thống đường gom, được đấu nối vào các điểm thích hợp; với tổng số 26 điểm đấu nối, bao gồm: Đường vành đai có 2 điểm, đường tỉnh 6 điểm, đường huyện 4 điểm, đường xã 8 điểm, đường chuyên dùng 6 điểm.

b) Quốc lộ 1K: Quy hoạch đến năm 2020, các điểm đấu nối đường giao thông công cộng vào Quốc lộ 1K thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị Dĩ An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt; với tổng số 5 điểm đấu nối, trong đó: Đường tỉnh 01 điểm, đường huyện 03 điểm, đường xã 01 điểm.

6. Quy hoạch đấu nối cửa hàng xăng dầu dọc các tuyến Quốc lộ:

- Quốc lộ 13: Đối với các cửa hàng xăng dầu nằm trong khu vực nội thị không đề cập phương án quy hoạch đấu nối, quy hoạch các cửa hàng xăng dầu này sẽ nằm trong quy hoạch chung đô thị; Đối với các cửa hàng xăng dầu nằm ngoài khu vực đô thị, quy hoạch đấu nối đến năm 2020 sẽ đẩy lùi tất cả ra ngoài hành lang an toàn đường bộ và tiến hành đấu nối tại vị trí mới.

- Quốc lộ 1K: Quy hoạch đến năm 2020, số lượng các điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu vào Quốc lộ 1K có 06 điểm, sau khi quy hoạch có 01 điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu vào Quốc lộ và 05 điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu vào đường gom.

7. Quy hoạch hệ thống đường gom dọc Quốc lộ:

a) Quốc lộ 13: Đoạn qua thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và huyện Bến Cát, Thị xã Thuận An thực hiện theo quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Riêng đoạn từ ranh thị trấn Mỹ Phước đến cầu Tham Rớt: Đường gom nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ của Quốc lộ 13.

b) Quốc lộ 1K: Đoạn qua thị xã Dĩ An thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị Dĩ An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt.

IV. Vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư xây dựng hệ thống đường gom và các điểm đấu nối:

Xây dựng hệ thống đường gom và điểm đấu nối ước tính với kinh phí khoảng 1.402,4 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn cụ thể như sau:

- Giai đoạn I (2013 - 2015): Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống đường gom, điểm đấu nối là 565,6 tỷ đồng.

- Giai đoạn II (2016 - 2020): Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống đường gom, điểm đấu nối là 836,8 tỷ đồng.

- Kinh phí giải phóng mặt bằng trên cơ sở ước tính khối lượng kinh phí đền bù và giải phóng mặt bằng đối với các khu vực có tuyến đường gom đi qua với tổng kinh phí 2.504.636 triệu đồng.

- Nguồn vốn thực hiện: Vốn ngân sách.

Điều 2. Giao Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, công bố, công khai quy hoạch theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1239/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch điểm đấu nối các tuyến địa phương vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020"

  • Số hiệu: 1239/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Lê Thanh Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản