Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1234/QĐ-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN TRI TÔN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 71/TTr-SKHĐT, ngày 17/4/2017 về việc phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tri Tôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tri Tôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Xuất phát từ một nền kinh tế nhỏ, Tri Tôn phải khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng mọi lợi thế so sánh của huyện, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững - chất lượng theo hướng Dịch vụ - Nông nghiệp - Công nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đặc biệt là các sản phẩm mang tính lợi thế của huyện.

Tri Tôn đặc biệt quan tâm nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đẩy nhanh phát triển kinh tế phải gắn với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đi đôi với bảo vệ tài nguyên - môi trường, an toàn vệ sinh lương thực - thực phẩm để phát triển bền vững; Đồng thời đi đôi với phát triển văn hoá xã hội, đảm bảo cho mọi người dân có cơ hội tham gia chia sẻ thành quả phát triển.

Tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng vùng biên giới, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ làm tiền đề cho tất cả các ngành nghề khác phát triển, tăng nhanh tốc độ giao lưu và thu hút đầu tư. Tri Tôn cần đẩy nhanh phát triển thương mại với nước bạn Campuchia và các loại hình du lịch dựa trên lợi thế biên giới, địa hình rừng - núi - kênh rạch, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, sản phẩm truyền thống,…..

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội; ưu tiên cao độ cho việc giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm, đẩy mạnh hơn nữa công tác xoá đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt chú ý đến các vùng núi và các vùng đồng bào dân tộc ít người. Hoàn thiện cơ chế sử dụng nhân tài đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học - kỹ thuật.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu:

Tiếp tục phát huy lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh sẳn có và lợi thế của huyện làm tăng nhanh mức thu nhập của người dân thật sự bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng phát triển, phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy dân chủ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt quan hệ đối ngoại, duy trì hòa bình, ổn định khu vực biên giới với Campuchia.

Chú trọng phát triển các lợi thế tự nhiên vùng núi và đồng bằng phù hợp để kết hợp khai thác du lịch sinh thái với nông nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp - xây dựng. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, phát triển toàn diện, bền vững, có năng suất, chất lượng cao và tăng sức cạnh tranh, nhất là các sản phẩm mang tính lợi thế của huyện (lúa Nàng Nhen, mè đen, đậu phộng, kiệu, các loại nấm, cây dược liệu, chăn nuôi bò, heo thịt, heo đặc sản, sản phẩm gỗ các loại,... ).

Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; Không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, giảm mạnh các tệ nạn xã hội. Các chỉ tiêu xã hội và môi trường phấn đấu đạt bằng mức bình quân chung của tỉnh qua từng giai đoạn.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:

+ Theo giá hiện hành: năm 2020 đạt 9.357 tỷ đồng; năm 2025 đạt 14.728 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 21.997 tỷ đồng.

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 6.831 tỷ đồng; năm 2025 đạt 10.898 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 16.179 tỷ đồng

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Công nghiệp - Xây dựng:

+ Theo giá hiện hành: năm 2020 đạt 3.639 tỷ đồng; năm 2025 đạt 7.553 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 15.712 tỷ đồng

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 2.552 tỷ đồng; năm 2025 đạt 5.000 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 9.600 tỷ đồng.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá tiêu dùng xã hội đến năm 2020 đạt 3.812 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt 5.718 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 8.577 tỷ đồng.

- Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 130-150 triệu đồng/ha, đến năm 2025 là 150-180 triệu đồng/ha và đến năm 2030 trên 200 triệu đồng/ha.

- Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn năm 2020 đạt khoảng 124 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt khoảng 173 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt khoảng 247 tỷ đồng.

- Qui mô dân số đến năm 2020 ước đạt 138.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 25% đến năm 2025 ước đạt 143.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 27% và đến năm 2030 ước đạt 148.000 người , tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân phấn đấu đạt 36% vào năm 2020, 45% năm 2025 và 60% vào năm 2030.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, giảm bình quân mỗi năm 1,5-2,0% (tùy theo chuẩn nghèo cho từng giai đoạn) .

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế phấn đấu đạt 98,47% vào năm 2020, 99,0% vào năm 2025 và 99,5% vào năm 2030.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân phấn đấu đạt 13,5 giường vào năm 2020, 16 giường vào năm 2025 và 20 giường vào năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân phấn đấu giảm còn 11,5% vào năm 2020, 9,5% vào năm 2025 và dưới 7% vào năm 2030.

- Phấn đấu tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1/1.000 trẻ sống đạt dưới 4°/oo cho cả giai đoạn 2020-2030.

- Phấn đấu tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1/1.000 trẻ sống đạt dưới 7°/oo vào năm 2020 và dưới 6°/oo cho giai đoạn 2021-2030.

- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học phấn đấu đạt 98% vào năm 2020 và 100% vào năm 2025.

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc trung học cơ sở phấn đấu đạt 80% vào năm 2020, 86% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc trung học phổ thông phấn đấu đạt 55% vào năm 2020, 70% vào năm 2025 và trên 80% vào năm 2030.

- Phấn đấu tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 96% vào năm 2020 và 100% vào năm 2025.

- Phấn đấu đến năm 2020 đạt 30% số xã nông thôn mới (xã Vĩnh Gia, Tà Đảnh, Lương Phi, Lương An Trà); đến năm 2025 đạt 50% số xã nông thôn mới; và đến năm 2030 đạt 70-80% số xã nông thôn mới.

3. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực:

3.1. Ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp:

Phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp hướng về xuất khẩu đồng thời phát triển thị trường nội địa. Trong 5-10 năm tiếp, ngành nông - lâm - ngư nghiệp của Tri Tôn vẫn là nền tảng, là cơ sở để phát triển công nghiệp và dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Cụ thể hơn là ngành nông - lâm - ngư nghiệp được phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn chặt với ngành công nghiệp chế biến và các hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu, nhằm tạo đà phát triển mạnh kinh tế nông thôn.

Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn huyện trên cơ sở phát huy tối đa mọi nguồn lực hiện có, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Phát triển nông – lâm - ngư nghiệp phải gắn liền với việc phát huy tối đa lợi thế so sánh của huyện trên địa bàn tỉnh. Phát triển nông – lâm - ngư nghiệp phải gắn liền công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn và công tác bảo vệ môi trường sinh thái.

Ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản chế biến. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao rất cần thiết và phải tiến hành từng bước phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực hiện việc phối hợp giữa công nghiệp - nông nghiệp ngày càng chặt chẽ để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản. Phát triển đa dạng ngành nghề ở nông thôn, nhất là ngành nghề có giá trị kinh tế cao; từng bước nâng cao mức sống bà con nông dân, nhất là bà con dân tộc Khmer.

3.2. Ngành Công nghiệp - Xây dựng:

a) Phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp:

Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung vào phát triển ngành công nghiệp chế biến nhằm khai thác lợi thế về nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ và các nguồn nguyên liệu tại chỗ. Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, thiết bị máy móc và tiến tới hiện đại hóa từng phần các ngành sản xuất công nghiệp, trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thị trường, kể cả thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế; tập trung phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của huyện.

Tạo điều kiện thuận lợi tốt một số nghề truyền thống như: làm đường thốt nốt, bánh phòng nếp, cà ràng, nồi đất... có điều kiện trang bị thiết bị công nghệ mới nâng cao chất lượng mở rộng thị trường. Củng cố và phát triển làng nghề theo hướng đa dạng sản phẩm và mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa. Trong đó, sản phẩm đường thốt nốt ở huyện Tri Tôn được xem là sản phẩm đặc hữu duy nhất chỉ có ở vùng Bảy Núi - An Giang hiện đã, đang và sẽ giới thiệu như là những nét đặc thù của Tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình khuyến công, đào tạo nghề. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng khu vực nông thôn.

b) Phát triển ngành xây dựng:

Ngành xây dựng trên địa bàn Huyện trong các thời kỳ tới tiếp tục tập trung đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp thoát nước, các công trình phúc lợi, y tế, giáo dục, mạng lưới chợ-siêu thị, trung tâm thương mại và các khu du lịch,….

Tăng cường công tác quản lý và phát triển các đô thị đúng quy hoạch, theo hướng văn minh - hiện đại, phục vụ cho phát triển du lịch. Đến năm 2020, phấn đấu xây dựng thị trấn Tri Tôn xứng tầm là đô thị trung tâm hành chính-kinh tế của Huyện, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; thị trấn Ba Chúc đạt tiêu chuẩn đô thị loại V; xây dựng Cô Tô đạt chuẩn đô thị loại V. Đồng thời, phát triển thêm các điểm đô thị như: thị tứ, trung tâm xã, khu dân cư,… có tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từng bước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

3.3. Ngành dịch vụ:

a) Ngành thương mại:

Hoàn chỉnh các điểm chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối và chợ trung tâm huyện, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, cân đối cung cầu về những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, đa dạng mặt hàng, nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

Chủ động tìm kiếm thị trường; quan tâm phát triển thị trường nông thôn và kích cầu hợp lý; đa dạng hóa các hoạt động thương mại theo các hình thức hợp tác, liên kết, tổ chức hệ thống đại lý mua, bán, trao đổi hàng hoá dịch vụ trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Tập trung đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất và kêu gọi đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, hình thành trung tâm mua sắm khu vực cửa khẩu phụ Vĩnh Gia nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại vùng biên, đẩy mạnh giao thương các mặt hàng nông sản với nước bạn.

b) Ngành du lịch:

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, khai thác các loại hình du lịch gắn với đặc trưng văn hóa của người Khmer để tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, mang sắc thái riêng. Địa bàn huyện Tri Tôn sẽ phát triển các loại hình du lịch: thắng cảnh thiên nhiên, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch an dưỡng, thăm hang động, cưỡi ngựa, leo núi, du lịch về nguồn, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch liên quan đến hoạt động cộng đồng.

Có chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư về vốn, kỹ thuật, trí thức và lao động của các thành phần kinh tế để phát triển du lịch. Gắn lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội. Chú trọng việc phát triển du lịch bền vững cùng với chính sách bảo vệ môi trường.

c) Ngành Tài chính - Ngân hàng:

Về tài chính: Tích cực khai thác, phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu; thực hiện tốt các biện pháp quản lý thu, tăng cường chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, nghiên cứu khoa học... Tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ tài chính như kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính.

Về tín dụng - ngân hàng: nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành lợi thế của địa phương, đẩy mạnh thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân và các đơn vị nhằm đáp ứng một cách tốt nhất mọi nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế. Phát triển hơn nữa các dịch vụ tín dụng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan ngành ngân hàng.

d) Phát triển dịch vụ vận tải

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ đáp ứng nhu cầu vận chuyển thông suốt. Đầu tư, củng cố, nâng cấp những phương tiện hiện có đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đầu tư mới phương tiện phục vụ tốt các nhu cầu, xây dựng mô hình hoạt động chất lượng cao, liên kết các tuyến, khai thác mở thêm một số tuyến mới.

Khuyến khích rộng rãi mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy. Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải. Phát triển mạnh vận tải đa phương thức tạo điều kiện thuận lưu thông hàng hóa và tiết kiệm chi phí xã hội.

3.4. Ngành giáo dục - đào tạo

Tập trung huy động trẻ đến trường. Hoàn thành chương trình kiên cố trường lớp học theo đề án; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo triển khai tốt và đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa. Đến năm 2020 cơ bản phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông đạt theo mục tiêu đề ra của ngành. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy nhanh tiến trình phổ cập trung học cơ sở và ngăn chặn tình trạng tái mù chữ, bỏ học.

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục với việc nâng cao nhận thức của người dân và tinh thần khuyến học của học sinh với việc thành lập các quỹ học bổng, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, của cộng đồng. Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề theo hướng bám sát các ngành nghề là thế mạnh của địa phương. Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đổi mới trang thiết bị dạy và học, nâng cao trình độ đội ngũ giảng dạy.

3.5. Ngành y tế và chăm sóc sức khỏe

Đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu hạng III; cân đối số giường giữa các khoa trong bệnh viện phù hợp với mô hình bệnh tật; đào tạo cán bộ chuyên môn để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị; tăng cường kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong khám chữa bệnh.

Tăng cường huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, trung tâm chẩn đoán y khoa tư nhân. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mở rộng các hình thức chăm sóc sức khỏe tại nhà. Từng bước phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe mới, tăng cường công tác quản lý để bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thân thể.

3.6. Ngành văn hóa - thể dục thể thao

Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới xin, tang gia và lễ hội. Bảo tồn, tôn tạo đồng bộ các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó chú trọng đầu tư tu bổ hoàn thành các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Phát triển mạnh các phong trào thể dục, thể thao quần chúng trong huyện góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng, tầm vóc và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, lối sống lành mạnh của người dân. Nâng cao thể chất của người dân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động thể dục - thể thao.

3.7. Ngành Thông tin - Truyền thông

Phát triển các điểm phục vụ bưu chính, bưu cục, điểm bưu điện văn hoá xã, chú trọng phát triển hình thức đại lý nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí nhân công và huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội tham gia phát triển bưu chính. Nâng cấp bưu điện huyện và các bưu điện văn hóa xã/thị trấn.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông và internet phủ khắp huyện với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá rẻ, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của người dân, làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông và internet. Phát triển mạng viễn thông công cộng với công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn huyện.

3.8. Ngành Lao động, việc làm

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; chú trọng đào tạo lao động có tay nghề cao phục vụ cho nhu cầu lao động các thị trường có thu nhập cao; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, may mặc, thủ công mỹ nghệ, sửa chữa cơ khí... là những ngành sử dụng nhiều lao động.

Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chương trình, dịch vụ xã hội và được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi để thoát nghèo bền vững. Có cơ chế, chính sách khuyến khích hộ, xã thoát nghèo; khuyến khích doanh nghiệp dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người nghèo, tôn vinh các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nghèo vào làm việc. Thực hiện tốt các chính sách xã hội như chăm sóc người có công, gia đình thương binh - liệt sĩ; bảo trợ xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội. Thực hiện các quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em và bình đẳng giới.

3.9. Khoa học và công nghệ

Tập trung ưu tiên, phát triển các trạm trại thực nghiệm về nhân giống cây trồng, vật nuôi và tăng cường các nghiên cứu về khoa học dự báo phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, về công nghiệp chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Đưa nhanh các thành tựu khoa học công nghệ đã có để ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, từng bước gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh. Phát triển và nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về lúa cao sản, đặc sản, nghiên cứu phát triển giống lúa mới, phẩm chất gạo tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên của huyện.

Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra (nghiên cứu về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, nghiên cứu các giải pháp về thủy lợi, giao thông, xây dựng nông thôn...). Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới phục vụ phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện và sản xuất vật liệu, kết cấu công trình,...thích hợp với vùng đất yếu, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.

3.10. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

Phát triển hệ thống giao thông thủy, bộ hoàn chỉnh, đồng bộ và liên hoàn, đảm bảo chất lượng giao lưu giữa huyện và các nơi khác trong và ngoài tỉnh, làm tiền đề thúc đẩy phát triển tất cả các ngành nghề khác. Đặc biệt trong xây dựng mạng lưới đường bộ, cần triển khai đồng bộ giữa công trình lớn với công trình nhỏ (nhất là các đường quốc lộ, đường tỉnh với đường huyện và giao thông nông thôn).

Xây dựng cơ chế quỹ duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, giao thông; trong đó nhà nước bố trí một khoản kinh phí nhất định theo kế hoạch hàng năm, vận động nhân dân đóng góp cùng tham gia; đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc duy tu, bảo dưỡng công trình.

3.11. Bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu

Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là chiến lược của phát triển bền vững, đầu tư cho bảo vệ môi trường phòng chống thiên tai là đầu tư phát triển, là nhiệm vụ của toàn xã hội; phương châm là lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và cải thiện môi trường.

Quản lý tốt quy hoạch, kế hoạch và khai thác sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất là đất đai, nguồn nước ngầm, tài nguyên rừng,… đảm bảo phát triển bền vững. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, ứng cứu kịp thời các sự cố môi trường. Tăng cường đầu tư phát triển cho việc bảo vệ môi trường, kết hợp xử lý ô nhiễm trên địa bàn.

4. Một số giải pháp chủ yếu:

4.1. Nhóm giải pháp huy động vốn:

Huy động mọi tiềm lực về vốn, lao động và khoa học công nghệ; địa phương và nhân dân cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn, thuỷ lợi nhỏ, lưới điện hạ thế, các công trình văn hoá phúc lợi,... Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, bảo đảm huy động đúng mức các nguồn thu từ các thành phần kinh tế theo chính sách thuế hiện hành, tăng cường nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các dự án du lịch, hạ tầng xã hội; Thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội; Khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, khôi phục các làng nghề truyền thống,…. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, nhất là ở các vùng nông thôn bằng cách tạo thuận lợi trong việc đăng ký kinh doanh, giao đất, cho thuê đất, thuê mặt bằng, miễn giảm thuế và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất,..

Chủ động xây dựng các dự án để tranh thủ vốn từ các tổ chức tài trợ quốc tế (WB, ADB, ODA,...) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trọng tâm là những dự án phát triển giao thông nông thôn, các dự án nâng cao năng lực các công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp, dự án phát triển mạng lưới điện nông thôn, dự án hỗ trợ giáo dục miền núi- dạy nghề, y tế, cấp nước sinh hoạt, ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất.

4.2. Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình nhằm đạt quy mô dân số và cấu trúc tuổi hợp lý. Nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động qua đào tạo có tay nghề cao. Khuyến khích đa dạng hoá các hình thức đào tạo, nhất là đào tạo nghề. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động.

Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm: Nâng cao ý thức chính trị, nắm vững đường lối của Đảng và Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đúng với chức trách được giao.

4.3. Nhóm giải pháp khoa học - công nghệ

Chú trọng chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chế biến, sản xuất sạch, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin. Thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ và đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ đi đôi với đào tạo và đào tạo lại lao động để có năng lực tiếp thu trình độ khoa học công nghệ của thế giới, từ đó cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Đầu tư thoả đáng vào việc khai thác có hiệu quả mạng lưới thông tin khoa học - công nghệ trên cơ sở áp dụng tin học. Phân bổ nguồn vốn ngân sách cho công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ để thực hiện được chức năng động lực gia tăng phát triển kinh tế của công tác khoa học - công nghệ. Chú trọng hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao với các đơn vị nghiên cứu và các trường đại học trên một số lĩnh vực.

4.4. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch

Sau khi quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện quy hoạch, như: Tổ chức công bố quy hoạch để phổ biến rộng rãi trong toàn dân, các cấp, các ngành, các nhà đầu tư tham gia thực hiện quy hoạch có hiệu quả; thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của quy hoạch vào kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm, các chương trình, các dự án phát triển trên địa bàn trong từng thời kỳ; chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng các kế hoạch thực hiện, trong đó thể hiện cụ thể các nhiệm vụ và giải pháp lớn để thực hiện trong từng giai đoạn. Đồng thời, huyện sẽ rà soát những nhiệm vụ trong quy hoạch ngoài thẩm quyền của mình, để tổng hợp, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan của tỉnh thực hiện hoặc hỗ trợ huyện.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: (Phu lục kèm theo)

Điều 2. Quy hoạch này là định hướng, cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Tri Tôn theo quy định.

Điều 3. Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong Quyết định này, chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan chỉ đạo các bộ phận chuyên môn lập và trình duyệt các chương trình, dự án và triển khai thực hiện theo quy định:

- Nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành một số chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của huyện và pháp luật của nhà nước trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

- Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để đầu tư tập trung hoặc từng bước đầu tư theo hướng ưu tiên hợp lý.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh trong từng giai đoạn quy hoạch.

Điều 4. Các Sở, Ban ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hỗ trợ huyện Tri Tôn nghiên cứu lập các kế hoạch, chương trình, dự án nói trên và hỗ trợ huyện tìm và bố trí các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện quy hoạch; huyện Tri Tôn phối hợp các Sở, ban ngành nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của huyện đã được quyết định đầu tư.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VTLT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2016 - 2030 CỦA HUYỆN TRI TÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2017 của UBND tỉnh)

TT

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

I

Lĩnh vực giao thông

1

Nâng cấp ĐT.941

2

Nâng cấp ĐT.943

3

Nâng cấp ĐT.945

4

Nâng cấp ĐT.948

5

Nâng cấp ĐT.955B

6

Nâng cấp ĐT.958

7

Nâng cấp thành ĐT.949

8

XD đường Lý Tự Trọng nối dài, TT.Tri Tôn

9

NCLN đường Thanh Lương Núi Nước, TT.Ba Chúc

10

NCLN đường Ngọa Long Sơn, TT.Ba Chúc

11

XD cầu kinh 24 cây Dầu, Lê Trì

12

CN đường Ba Chúc - Sóc Tức, TT.Tri Tôn

13

XD đường Nguyễn Văn Trỗi nối dài, TT.Tri Tôn

14

NCLN đường Ngô Quyền, TT.Tri Tôn

15

NCLN đường Điện Biên Phủ, TT.Tri Tôn

16

XD đường Số 1, Số 2, TT.Tri Tôn

17

NCLN đường Kênh 8 ngàn, xã Châu Lăng

18

NCLN đg K.T5+02 cầu VT1,VT2, L.Qưới - V.Phước

19

XD đường Vành đai TT.Ba Chúc

20

XD bến xe mới Tri Tôn

21

XD bến xe Ba Chúc

22

XD đường 3/2 nối dài, TT.Tri Tôn

23

NCLN đường An Định, TT.Ba Chúc

24

XD cầu Châu Lăng 2

25

XD cầu Huệ Đức kênh 10. Tân Tuyến

26

NC mở rộng đg Kinh Ninh Phước, LATrà - Cô Tô

27

XD đường suối vàng - An Tức, Núi Tô - An Tức

II

Lĩnh vực công nghiệp

1

Cụm CN Lương An Trà

2

Cum CN Thị trấn Tri Tôn

3

Nhà máy chế biến nông sản

4

Nhà máy nước khoáng Tri Tôn

5

Nhà máy chế biến phân vi sinh

6

NM sản xuất đóng lon nước thốt nốt, TT.Tri Tôn

7

NM khai thác và chế biến các SP từ cao lanh, Chi Lăng

8

Nhà máy sản xuất gốm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu

9

Nhà máy sản xuất gạch ép thủy lực

10

Nhà máy xay xát lúa gạo Lương An Trà

11

Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Vĩnh Gia

12

Nhà máy chế biến cây trầm hương Lê Tri (Núi Dài)

III

Lĩnh vực nông nghiệp

1

Xây dựng hệ thống tưới cây dược liệu

2

Dự án chăn nuôi bò, heo, gà (nhập giống nước ngoài)

3

Dự án trồng chuối cấy mô

4

DA cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm TT.Ba Chúc

5

Hoàn thiện đê bao kiểm soát lũ sản xuất 3 vụ

6

XD 03 hồ chứa nước: hồ Suối Vàng (Lê Tri), hồ Ô Tu Lơ (Cô Tô), hồ Ô Đá (TT.Ba Chúc)

7

Hệ thống các công trình kênh cấp I + II

8

Hệ thống các công trình kênh nội đồng

IV

Lĩnh vực xây dựng:

1

XD hệ thống thoát nước TT.Tri Tôn

2

XD hệ thống thoát nước TT.Ba Chúc

3

Nâng cấp hệ thống cấp nước huyện Tri Tôn (6 tỷ đ)

4

Xây dựng siêu thị TT.Tri Tôn

5

Xây dựng 02 siêu thị TT.Ba Chúc và TT.Cô Tô

6

NC hạ tầng xã Cô Tô

7

Dự án xây dựng cửa khẩu Vĩnh Gia

8

Lò đốt rác sinh hoạt xã Vĩnh Gia

9

DA nhà ở: Cụm tuyến dân cư vượt lũ GĐ2 mở rộng; Khu dân cư kênh Ông Tà; Ctrình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Ctrình hỗ trợ nhà ở cho người có công với CM; Ctrình nhà ở tái định cư cho các hộ khu vực ven sông - kênh - rạch; DA nhà ở xã hội TT.Tri Tôn.

V

Các lĩnh vực khác

1

Khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin

2

Hạ tầng giáo dục - đào tạo (25 công trình)*

3

Hạ tầng văn hóa (07 công trình)*

4

Hạ tầng quản lý nhà nước (21 công trình)*

5

Hạ tầng quốc phòng (09 công trình)*

6

Hạ tầng an ninh (09 công trình)*

7

Hạ tầng các khu du lịch Ô Đá, Hồ Soài So, Ô Tà Sóc, Đồi Tức Dụp

8

Dự án khu bảo tồn loài và bảo vệ cảnh quan Cô Tô - Tức Dụp - Tà Pạ (2.168 ha); Khu bảo tồn loài, sinh cảnh rừng tràm Tri Tôn 500 ha.

* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1234/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 1234/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản