Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 122/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 03 năm 1989

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐỢT KHẢO SÁT THỰC TRẠNG CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG TẠI CƠ SỞ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
Xét đề nghị của Phân viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội trên cơ sở trao đổi với Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động – Thương binh và xã hội thành phố;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay tổ chức đợt khảo sát thực trạng chế độ tiền lương tại các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố (theo nội dung đề cương kèm theo).

Điều 2. Thành phần Đoàn khảo sát bao gồm:

1. Phân viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

2. Liên đoàn Lao động thành phố.

3. Sở Lao động – Thương binh và xã hội thành phố.

4. Trường Đại học kinh tế thành phố.

Điều 3. Các đơn vị do Đoàn khảo sát đến làm việc sẽ do Đoàn thông báo riêng.

- Đoàn công tác có trách nhiệm phải báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả khảo sát.

Điều 4. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân Quận, huyện, các đơn vị cơ sở (bao gồm cả các đơn vị ngoài quốc doanh) và các thành viên nêu trên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M.UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Công Ái

 

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CẢI TIẾN HỆ THỐNG TIỀN LƯƠNG THÔNG QUA VIỆC NGHIÊN CỨU HIỆN TRẠNG CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC TỈNH PHÍA NAM

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA NỀN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG.

1. Các thành phần kinh tế thu hút nguồn lao động và sự biến động cùa nó do yếu tố tiền lương và thu nhập.

- Các thành phần kinh tế hiện nay thu hút nguồn lao động.

- Sự cạnh tranh lao động do yếu tố “giá cả” sức lao động đã làm giảm lực lượng lao động kỹ thuật từ khu vực nhà nước do khu vực này tiền lương và thu nhập thấp, các chế độ khuyến khích không đảm bảo.

- Dự đoán về sự cạnh tranh sắp tới có hại cho khu vực quốc doanh nếu như cơ chế, chế độ tiền lương chưa được sửa đổi cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.

2. Mối quan hệ giữa tiền lương và thu nhập các thành phần kinh tế xác định mức thu nhập thấp, trung bình và cao nhất hiện nay bao gồm:

- Tiền lương và thu nhập ở khu vực nhà nước (sản xuất kinh doanh).

- Tiền lương và thu nhập ở các thành phần kinh tế khác: tập thể, cá thể, tư doanh, đầu tư nước ngoài …

- Sự chênh lệch tiền lương, thu nhập của người lao động giữa các thành phần kinh tế có phải do có sự khác biệt về hiệu quả sản xuất kinh doanh, do cơ chế hay còn có lý do khác?

- Từ các mức thu nhập thực tế giữa các thành phần, cần thiết đưa ra mức thu nhập chung về tối thiểu, trung bình, tối đa trong tình hình giá cả biến động, trượt giá, thu nhập như thế nào qua các thành phần kinh tế).

- Có nên khắc phục về chênh lệch quá đáng? Nếu khắc phục thì khắc phục bằng cách nào?

3. Đánh giá tình hình tiền lương và thu nhập hiện nay trong khu vực nhà nước ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả và phát triển sản xuất.

- Tiền lương và thu nhập ở khu vực hành chính sự nghiệp giáo dục, y tế khoa học, quản lý Nhà nước và sự nghiệp khác … xác định mức và nguồn thu nhập.

- Tiền lương và thu nhập ở khu vực kinh doanh: Nội dung xuất nhập khẩu (cả trung ương và địa phương), mức và nguồn thu nhập, mối quan hệ với hiệu quả kinh doanh, năng suất lãi.

- Tiền lương và thu nhập trong khu vực sản xuất:

* Công nghiệp nặng (cơ khí, năng lượng).

* Công nghiệp nhẹ (trung ương và địa phương)

* Nông nghiệp (cao su, cá, lâm sản)

Mức và nguồn thu nhập, mối quan hệ của nó với năng suất, hiệu quả (tổng kết theo Chỉ thị 118/HĐBT).

4. Đánh giá các chính sách kinh tế hiện hành ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập, phát triển sản xuất ở khu vực sản xuất kinh doanh thông qua một số mô hình.

- Những mô hình kinh tế và trả lương, phân phối có tính tích cực của người lao động, đòn bẩy kinh tế của tiền lương.

- Mối quan hệ giữa cơ chế tiền lương, phân phối với cơ chế khác.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ HỆ THỐNG TIỀN LƯƠNG HIỆN HÀNH:

1. Đánh giá mức lương tối thiểu hiện hành, sự đáp ứng nhu cầu tối thiểu hiện nay của người lao động.

- Nhu cầu tối thiểu. Mức sống tối thiểu

- Cơ cấu lương tối thiểu hiện nay.

2. Đánh giá hiện trạng bảng lương theo Nghị định 235/HĐBT và những hạn chế của nó khi vận dụng vào thực tiễn.

- Khu vực sản xuất: (quản lý, nghiệp vụ, công nhân).

- Hành chánh sự nghiệp (quản lý, nghiệp vụ)

3. Phân tích cơ chế quản lý tiền lương hiện nay:

- Cơ chế quản lý tập trung, hạn chế của nó.

- Cơ chế bao cấp trong tiền lương, những hạn chế của nó.

III. NHỮNG KẾT LUẬN RÚT RA TỪ NHỮNG PHÂN TÍCH TRÊN VÀ KIẾN NGHỊ VỀ CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG TRONG KIỆN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG HÓA NHIỀU THÀNH PHẦN.

1. Những tồn tại chủ yếu cần phải giải quyết qua phần đánh giá tình hình thực tế.

- Nhận thức các lý luận và thực tiễn khi hình thành hệ thống tiền lương Việt nam.

- Tồn tại cơ bản (lương tối thiểu, hệ thống thang bảng lương, cơ chế quản lý tiền lương).

2. Những kiến nghị sửa đổi trong chế độ tiền lương hiện nay.

- Quan điểm về hệ thống tiền lương hiện nay (qua hội thảo phỏng vấn, ý kiến các chuyên gia) về vấn đề lý luận cũng như thực tiễn.

- Quan điểm và căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu, mức sống tối thiểu.

- Hướng sửa đổi hệ thống thang bảng lương: xác định lương tối thiểu, lương tối đa, lương trung bình.

- Thay đổi cơ chế tiền lương, cơ chế quản lý tiền lương vĩ mô, vi mô từng khu vực:

+ Khu vực hành chánh sự nghiệp (phân loại có sự nghiệp phụ thuộc vào ngân sách hay không)

+ Khu vực sản xuất kinh doanh.

- Giao quyền tự chủ cho các đơn vị như thế nào? Nhà nước quản lý những gì? Kiểm tra, kiểm soát các nguồn chi trả không qua ngân sách.

- Thuế thu nhập đối với người có thu nhập quá cao.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:

- Từ tháng 3-1988 đến tháng 6-1989: Đánh giá hiện trạng về mức sống tối thiểu, mức lương tối thiểu, cơ chế tiền lương hiện hành và thang bảng lương theo 235/HĐBT.

- Từ tháng 7-1989 đế tháng 7-1990: Hình thành quan điểm xây dựng phương án tiền lương mới.

V. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:

- Các thành phần kinh tế tập thể, cá thể, đầu tư nước ngoài.

- Một số đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước theo ngành kinh tế quốc dân.

- Khu vực hành chánh sự nghiệp bao gồm:

+ Giáo dục

+ Y tế

+ Khoa học

+ Văn hóa - nghệ thuật

+ Quản lý Nhà nước, đoàn thể ...

VI. XÂY DỰNG NGHIÊN CỨU:

- Cơ quan chủ trì: Phân viện Khoa học Lao động và các vấn đề xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh – Liên đoàn Lao động thành phố - Trường Đại học kinh tế TP.HCM – Các Ban, ngành, Cơ sở sản xuất kinh doanh.

VII. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

- Khảo sát, trao đổi, hội thảo chuyên gia.

- Phân tích tổng hợp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 122/QĐ-UB năm 1989 về việc tổ chức đợt khảo sát thực trạng chế độ tiền lương tại cơ sở do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 122/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/1989
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Công Ái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản