Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1207/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 12 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH LỘ TRÌNH TĂNG SỐ LƯỢNG VẮC XIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1185/TTr-SYT ngày 07 tháng 4 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (có Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch này và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các cơ quan Trung ương có liên quan.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Y tế, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (chỉ đạo);
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (th/hiện);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (th/hiện);
- Lưu: VT, VXsln.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đầu Thanh Tùng

 

KẾ HOẠCH

LỘ TRÌNH TĂNG SỐ LƯỢNG VẮC XIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG GIAI ĐOẠN 2021 -2030 TẠI THANH HÓA
(phê duyệt kèm theo Quyết định số 1207/QĐ-UBND ngày 12/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới thông qua việc tăng số lượng vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng; giảm tỷ lệ mắc/tử vong do các bệnh có thể phòng được bằng vắc xin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Yêu cầu

- Việc đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải phù hợp với chủ trương, đường lối chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân của Đảng, theo đúng các quy định của Chính phủ và Bộ Y tế.

- Các vắc xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.

- Tổ chức thực hiện tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và các quy định có liên quan của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng.

II. QUY MÔ, ĐỐI TƯỢNG VÀ LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI

1. Quy mô triển khai

Triển khai các loại vắc xin mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Đối tượng

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đối với từng loại vắc xin và từng đối tượng được thụ hưởng.

3. Lộ trình

- Các vắc xin được triển khai là vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng, trong đó lộ trình cụ thể như sau: Đưa vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota từ năm 2023, vắc xin phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vắc xin phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

- Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, lộ trình này có thể được thực hiện sớm hơn theo hướng dẫn và quyết định của Bộ Y tế.

III.CÁC HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo

Ngành Y tế tham mưu cho UBND các cấp xây dựng kế hoạch triển khai tiêm các loại vắc xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Y tế, chương trình tiêm chủng Quốc gia; tổ chức hội nghị triển khai tiêm các loại vắc xin mới cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã; tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện khi có vắc xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

2. Công tác truyền thông

- Tăng cường công tác truyền thông về đối tượng, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng, lợi ích, tính an toàn và hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc xin mới đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các phản ứng có thể gặp phải sau tiêm chủng.

- Đa dạng các hình thức tuyên truyền: Trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện; đài truyền thanh tuyến xã.

3. Đào tạo, tập huấn triển khai

- Tổ chức hội nghị triển khai tiêm chủng các loại vắc xin mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở các tuyến.

- Tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc xin, khám sàng lọc, tiêm chủng an toàn, phòng và xử trí sốc phản vệ theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, công tác khám sàng lọc theo Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 của Bộ Y tế về khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em và các quy định khác về tiêm chủng của Bộ Y tế, chương trình tiêm chủng Quốc gia.

- Đảm bảo tất cả cán bộ tham gia tiêm chủng phải được tập huấn và thực hiện đúng các quy định về tiêm chủng.

3. Công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng

- Công tác tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, cấp phát, sử dụng vắc xin và vật tư tiêm chủng ở tất cả các tuyến phải được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và các quy định khác của Bộ Y tế về Tiêm chủng.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng từ chương trình tiêm chủng Quốc gia; căn cứ vào số lượng đối tượng thực tế của mỗi địa phương để xây dựng kế hoạch cấp vắc xin, vật tư tiêm chủng cho các đơn vị.

- Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ thiết bị dây chuyền lạnh để thực hiện tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối vắc xin và vật tư tiêm chủng theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, điều kiện dây chuyền lạnh để tiếp nhận vắc xin; thực hiện tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng vắc xin theo quy định.

4. Công tác kiểm tra, giám sát và thống kê báo cáo

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác điều tra, rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch, thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn trước khi triển khai tiêm chủng các loại vắc xin mới; kiểm tra, giám sát công tác tổ chức buổi tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

- Thiết lập hệ thống thông tin báo cáo; tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất. Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai cho UBND tỉnh, Bộ Y tế, chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia theo quy định.

IV. KINH PHÍ

- Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí mua vắc xin theo lộ trình.

- Kinh phí mua bơm kim tiêm, hộp an toàn triển khai tiêm chủng các loại vắc xin mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu Y tế - dân số, nguồn chi thường xuyên đã giao cho đơn vị và các nguồn huy động hợp pháp khác.

- UBND huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí cho các hoạt động: Điều tra, lập danh sách đối tượng, chi trả tiền công tiêm chủng, tiếp nhận, bảo quản vận chuyển vắc xin từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, từ huyện đến xã; vật tư tiêu hao, in ấn biểu mẫu, giấy mời, phiếu khám sàng lọc, kinh phí giám sát của tuyến huyện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai lộ trình đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

- Tổ chức hội nghị triển khai tiêm chủng các loại vắc xin mới khi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương triển khai tiêm chủng vắc xin mới đạt tiến độ và chất lượng, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

- Thực hiện tiếp nhận, quản lý, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc xin, vật tư tiêm chủng theo đúng quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Theo dõi và quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng trên phần mềm Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia.

- Tổ chức tiêm chủng đúng quy định, đảm bảo các điều kiện đối với điểm tiêm chủng cố định và điểm tiêm chủng lưu động theo Nghị định 104/2016/NĐ- CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định khác của Bộ Y tế về tiêm chủng.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, các địa phương để đẩy mạnh các hoạt động về tuyên truyền về việc đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng; chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm chủng trong toàn tỉnh.

- Là đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình triển khai lộ trình đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng về UBND tỉnh và Bộ Y tế.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các sở, ngành, cơ quan có liên quan tham mưu bố trí nguồn kinh phí trong kế hoạch sử dụng ngân sách giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh để triển khai lộ trình đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu đảm bảo đủ kinh phí cho việc triển khai lộ trình đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trường học trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương trong việc xây dựng Kế hoạch và triển khai tiêm chủng các loại vắc xin mới mà đối tượng tiêm chủng là học sinh tại các trường trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với cơ quan Y tế tại địa phương thông báo cho các bậc cha mẹ hoặc người giám hộ về loại vắc xin trẻ được tiêm, địa điểm tiêm, thời gian tiêm và hướng dẫn theo dõi các phản ứng phụ sau tiêm chủng để cùng phối hợp.

- Phối hợp với cơ quan Y tế tại địa phương trong công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích, tầm quan trọng, tính an toàn và khả năng phòng bệnh của các loại vắc xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho cán bộ, giáo viên, người phục vụ, cha mẹ hoặc người giám hộ, học sinh tham gia tiêm chủng; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát trước trong và sau khi triển khai tiêm chủng.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng ngành Y tế trong công tác rà soát, lập danh sách đối tượng, phối hợp triển khai tiêm chủng cho các đối tượng thuộc diện tiêm.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thực hiện Kế hoạch lộ trình đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, của việc đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Ban hành kế hoạch triển khai các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tại địa phương.

- Chỉ đạo phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố bố trí đủ kinh phí đảm bảo cho công tác triển khai tiêm chủng.

- Huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia tiêm chủng đầy đủ, đạt tỷ lệ cao.

- Chỉ đạo các trường học đóng trên địa bàn phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt công tác điều tra, lập danh sách đối tượng, bố trí nhân lực tham gia hỗ trợ phục vụ tiêm chủng đối với các loại vắc xin có đối tượng tiêm chủng là học sinh; phối hợp tổ chức điểm tiêm tại trường học.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, các đơn vị Y tế trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện tiêm chủng theo theo kế hoạch.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tiêm chủng, triển khai thực hiện kế hoạch.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Y tế).

8. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh

- Phối hợp với ngành Y tế và các sở, ngành có liên quan trong chỉ đạo tổ chức, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện lộ trình đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và lợi ích của việc đưa các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1207/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Kế hoạch lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 1207/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Đầu Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản