Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1206/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 20 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, TẦM NHÌN 2030”

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại tờ trình số 1201/SYT-TTr ngày 14/9/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Kế hoạch phòng chống bệnh lao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thành

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh)

Phần I

TÌNH HÌNH BỆNH LAO VÀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LAO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm mạn tính nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng người mắc bệnh, nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn. Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp, đủ thời gian. Công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Trong những năm qua hoạt động phòng, chống lao bước đầu đã đạt được một số thành quả quan trọng. Kết quả này là do sự chỉ đạo sát sao của Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của cộng đồng mà nòng cốt là mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi từ Trung ương đến địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Sự bùng phát của đại dịch HIV/AIDS và việc di dân trong những năm gần đây đã khiến bệnh lao trỗi dậy. Các chủng lao kháng đa thuốc (MDR, multiple drug resistant) gia tăng. Việc duy trì các hoạt động phòng, chống lao là việc làm hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

1. Tình hình bệnh lao

1.1. Tình hình bệnh lao tại Việt Nam

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là một trong số các nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao, xếp thứ 4 tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 14 trong số 27 nước có tỷ lệ bệnh lao đa kháng thuốc cao trên thế giới.

Theo số liệu của Chương trình chống Lao năm 2014, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta như sau:

- Lao hiện mắc các thể: 200.000 người (209/100.000 dân);

- Lao mới mắc các thể: 130.000 người (144/100.000 dân);

- Tỷ lệ phát hiện các thể: 76%;

- Tỷ lệ kháng đa thuốc trong bệnh lao mới: 4% (2,5 - 5,4);

- Tử vong lao: 17.000 người (19/100.000 dân);

- Số HIV dương tính trong số người mắc lao được xét nghiệm: 7%.

Năm 2014, Chương trình chống lao Quốc gia đã phát hiện 102.070 bệnh nhân lao các thể, tỷ lệ phát hiện là 111/100.000 dân, trong đó số bệnh nhân lao phổi AFB (+) phát hiện mới là 49.844, tỷ lệ phát hiện AFB (+) là 54,5/100.000 dân, tỷ lệ điều trị khỏi: 89,9%.

1.2. Tình hình bệnh lao tại Bắc Ninh

Theo kết quả Chương trình phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015, số phát hiện mắc bệnh lao mới hàng năm trung bình trên địa bàn tỉnh là trên 700 ca, tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh lao chiếm tỷ lệ 2,3% so với tử vong chung. Tỷ lệ mắc lao mới phát hiện qua chương trình chống lao năm 2014 là 62/100.000 dân, tuy nhiên đây là con số phát hiện mới thông qua Chương trình, thực tế tỷ lệ hiện mắc tại cộng đồng cao hơn nhiều.

Kết quả quản lý bệnh nhân lao các thể qua Chương trình phòng, chống lao từ 2010 đến hết năm 2014 thể hiện qua bảng sau:

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

Dân số trung bình

1078.685

1096.342

1116.117

1139.092

1170.657

Phát hiện mới

706

722

731

744

723

Số bệnh nhân quản lý điều trị

1073

1057

1088

1106

1113

Tử vong

27

24

26

25

22

Tình hình dịch tễ bệnh lao: Bệnh lao xuất hiện rải rác ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh (tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố), tập trung chủ yếu ở người già yếu, người nghèo có mức sống thấp, điều kiện sống khó khăn, môi trường sống ẩm thấp, chật chội, những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch…

2. Tổ chức và hoạt động của hệ thống phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh

Hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào cộng đồng, nòng cốt là mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến các thôn xóm bao gồm các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

2.1. Tuyến tỉnh

Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, có 76 cán bộ viên chức, 90 giường bệnh, được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối tham mưu giúp Sở Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh,các Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện khám phát hiện và điều trị cho những bệnh nhân mắc lao và các bệnh về phổi trên địa bàn. Định kỳ hàng năm triển khai các hoạt động phòng chống bệnh lao như:

- Lập kế hoạch và triển khai hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.

- Điều phối hoạt động chống lao của các đơn vị y tế công.

- Đảm bảo chất lượng xét nghiệm trên địa bàn, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm tuyến tỉnh đáp ứng yêu cầu giải quyết các thách thức mới như lao/HIV và lao kháng thuốc…

- Lập kế hoạch và đào tạo, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chống lao trên địa bàn.

- Dự trù, quản lý, phân phối thuốc, vật tư trang thiết bị đầy đủ, hợp lý.

- Chẩn đoán, hội chẩn và điều trị người bệnh quá khả năng tuyến dưới.

- Kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến dưới thực hiện các hoạt động phòng, chống lao nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động.

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai chương trình chống lao tại địa phương.

2.2. Tuyến huyện

Tại các huyện, thị xã, thành phố có một tổ chống lao gồm 04 cán bộ thuộc Trung tâm Y tế (Tổng số trên địa bàn tỉnh có 32 cán bộ thuộc tuyến huyện làm công tác phòng chống bệnh lao). Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố làm đầu mối phối hợp với Bệnh viện đa khoa tuyến huyện triển khai các hoạt động chống lao trên địa bàn, cụ thể:

- Khám, chữa bệnh lao: Triển khai việc đăng ký và điều trị các trường hợp phát hiện AFB (+) và những bệnh nhân lao khác được chẩn đoán từ các tuyến gửi về. Phối hợp chẩn đoán và điều trị lao phổi AFB (-) ở người nhiễm HIV.

- Thực hiện xét nghiệm phát hiện cho những người nghi lao và lao kháng thuốc trên địa bàn.

- Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống lao: Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tuyến xã triển khai các hoạt động chống lao trên địa bàn; tổ chức kiểm tra giám sát tuyến xã, phường, thị trấn và bệnh nhân đang điều trị; thực hiện chế độ báo cáo.

- Đảm bảo việc quản lý, sử dụng thuốc chống lao theo chương trình chống lao trên địa bàn.

- Phối hợp với các tổ chức, ban ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.

2.3. Tuyến xã, phường, thị trấn

Mỗi xã, phường, thị trấn có một cán bộ chuyên trách quản lý hoạt động chống lao (126 xã, phường, thị trấn). Cán bộ chuyên trách có nhiệm vụ:

- Xác định người có triệu chứng nghi lao để chuyển tới tuyến huyện.

- Giám sát việc điều trị ngoại trú có kiểm soát của bệnh nhân lao tại Trạm Y tế xã và tại nhà trong giai đoạn củng cố.

- Khám sàng lọc, theo dõi trẻ em và người lớn có tiếp xúc với nguồn lây, đặc biệt tiếp xúc với người bệnh lao kháng đa thuốc.

- Chuyển người nhiễm HIV có triệu chứng nghi lao đi khám sàng lọc bệnh lao.

- Giám sát 100% thời gian đối với người bệnh lao kháng thuốc và điều trị Phác đồ II (Phác đồ tái trị).

- Giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu biết về bệnh lao và các tác nhân ảnh hưởng tới bệnh lao.

3. Kết quả thực hiện công tác phòng chống lao giai đoạn 2011 – 2015

3.1. Kết quả hoạt động

Trong giai đoạn 2011 - 2015, kết quả công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm giảm số mắc, giảm lây nhiễm lao trong cộng đồng. Mỗi năm phát hiện trên 700 bệnh nhân nhiễm lao mới, các bệnh nhân lao phổi AFB (+) được phát hiện, cách ly và điều trị, giảm lây lan trong cộng đồng. Các bệnh nhân nhiễm lao đã được phát hiện, theo dõi và điều trị theo phác đồ, tỷ lệ điều trị khỏi đạt trên 90%; giảm số bệnh nhân lao kháng thuốc và giảm người bệnh tử vong do lao trên địa bàn tỉnh.

Bảng: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình phòng, chống lao

STT

Tên chương trình mục tiêu quốc gia

Đơn vị tính

Giai đoạn 2011 - 2014

Năm 2015

Kế hoạch

Thực hiện

% so với KH

Kế hoạch

Ước 6 tháng

1

Số bệnh nhân phát hiện

Người

3.763

3.626

96,3

785

398

2

Lao phổi AFB (+)

Người

1.631

1.594

97,7

299

189

3

Lao phổi AFB (-) và LNP

Người

2.132

2.032

95,3

413

209

4

Điều trị khỏi và HTĐT

%

93

93

93

93

93

5

Số người khám bệnh

Người

18.580

26.388

142

7110

4.041

6

Tiêu bản xét nghiệm

Tiêu bản

34.620

36.758

106

6.628

3.586

7

Tiêu bản kiểm định

Tiêu bản

11.8504

11.78

99,4

2.37

1182

3.2. Kinh phí hoạt động

Bảng tổng hợp kinh phí cho hoạt động chống lao giai đoạn 2011 - 2015

Đơn vị tính: Triệu đồng

Nguồn vốn

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng

Trung ương

326

247

441,400

80

401

1.495,400

Địa phương

92

570

500

752

770

2.659,000

(Chi tiết Phụ lục 01 đính kèm)

4. Khó khăn, tồn tại

- Đội ngũ cán bộ tham gia phòng, chống bệnh lao trên địa bàn toàn tỉnh còn thiếu và đặc biệt là bác sỹ, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống bệnh lao tuyến huyện, xã không ổn định, luôn có sự thay đổi.

- Kinh phí cấp cho các hoạt động phòng, chống bệnh lao hiện nay còn hạn chế so với nhu cầu sử dụng. Nguồn kinh phí chủ yếu từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia, một phần từ Quỹ Toàn cầu, người bệnh được cấp phát thuốc điều trị bệnh lao miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia và Quỹ Toàn cầu đã cắt giảm 80%, đến năm 2016 sẽ cắt hoàn toàn vì vậy rất khó khăn trong việc triển khai các hoạt động.

- Hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh lao chưa được duy trì thường xuyên, chủ yếu tập trung vào ngày phòng, chống lao (23/4) hàng năm.

- Công tác khám phát hiện bệnh nhân lao mới ước tính đạt khoảng 70% số người mắc thực tế vì vậy số mắc bệnh lao phổi chưa được phát hiện, quản lý điều trị còn cao trong cộng đồng, đây là nguồn lây chính rất khó kiểm soát. Vẫn còn hiện tượng bệnh nhân bỏ liệu trình điều trị, do đó dẫn đến xu hướng lao kháng thuốc có xu hướng ngày càng gia tăng.

- Các cơ sở khám phát hiện và điều trị bệnh lao tại cấp huyện xuống cấp, thiếu trang thiết bị, đặc biệt là phòng xét nghiệm.

- Một số địa phương sự vào cuộc của chính quyền chưa mạnh mẽ, chưa thấy được sự cần thiết và tính cấp bách của công tác phòng, chống bệnh lao, coi công tác phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ của ngành y tế.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH LAO GIAI ĐOẠN 2016 – 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH BẮC NINH

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Quyết định số 2357/QĐ-BYT ngày 05/7/2011 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến 2020.

Thông tư Liên Bộ số 113/TTLB-BTC-BYT ngày 15/8/2013 của liên Bộ Tài chính - Bộ Y tế về quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia Y tế giai đoạn từ 2012 đến 2015.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm số người mắc, tử vong do bệnh lao, khống chế nhiễm lao đa kháng thuốc, để hướng tới giảm loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh lao dưới 20/100.000 dân vào năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2016

Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống 95/100.000 dân, giảm số người chết do lao xuống dưới 5/100.000 dân, khống chế lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số bệnh nhân lao mới phát hiện.

2.2. Đến năm 2020

Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng dưới 75/100.000 dân, giảm số người chết do lao dưới 3/100.000 dân, khống chế số người mắc lao đa kháng thuốc dưới 3% trong tổng số bệnh nhân lao mới phát hiện.

2.3. Một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2020

- Năm 2016 tỷ lệ xét nghiệm đờm 0.8%/dân số, đến năm 2020 là 0.6%/dân số.

- Năm 2016 tỷ lệ người phát hiện mới bệnh lao dưới 62/100.000 dân giảm dần đến năm 2020 còn 47/100.000 dân.

- Năm 2016 tỷ lệ lao phổi AFB (+) 40/100.000 dân giảm dần đến năm 2020 còn 30/100.000 dân.

- Năm 2016 tỷ lệ điều trị khỏi lao phổi AFB (+) mới trên 90% đến năm 2020 tỷ lệ trên 92%.

- Năm 2016 số người chết do lao dưới 2,3% trên tổng số người mắc lao các thể, giảm dần đến năm 2020 còn dưới 1% trên tổng số người mắc lao các thể.

- Năm 2016 tỷ lệ lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện, giảm dần đến năm 2020 còn dưới 3% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

* Bảng chỉ tiêu cơ bản

TT

Chỉ tiêu

2015

2016

2017

2018

2019

2020

1

Tỷ lệ % dân số được bảo vệ

100

100

100

100

100

100

2

Số người bệnh lao các thể được phát hiện mới trên 100.000 dân

62

59

56

53

50

47

TT

Chỉ tiêu

2015

2016

2017

2018

2019

2020

3

Số người bệnh lao phổi AFB (+) trên 100.000 dân

40

37

35

33

31

30

4

Tỷ lệ (%) điều trị khỏi AFB (+)

90

90,5

91

91,5

92

92,5

5

Tỷ lệ tử vong lao (%)

2,3

2,0

1,7

1,4

1,1

0,8

3. Tầm nhìn đến năm 2030

- Duy trì kết quả phòng, chống lao đạt được vào năm 2020 và tiếp tục giảm số người chết do lao; giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 dân vào năm 2030.

- Tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao bằng việc ứng dụng tối ưu các công nghệ mới và tiếp cận mới trong kiểm soát bệnh lao; hướng tới can thiệp chủ động hiệu quả với tiếp cận phổ cập dịch vụ trong phòng, chống bệnh lao miễn phí cho người dân, để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo

Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh lao giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lao của tỉnh (lồng ghép trong Ban chỉ đạo Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh) và tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo; Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lao tuyến huyện.

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống lao trên địa bàn; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác phòng, chống bệnh lao.

- Tiếp tục củng cố hệ thống phòng, chống lao từ tỉnh tới các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

- Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách ưu đãi đối với cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế đang làm công tác phòng, chống bệnh lao theo quy định. Nghiên cứu sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác truyền thông

- Đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, chủ trương chính sách về phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống bệnh lao, tránh mặc cảm kỳ thị với bệnh nhân bệnh lao và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.

- Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cộng đồng tham gia tích cực vào tuyên truyền phòng, chống bệnh lao để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh.

3. Công tác chuyên môn

- Tăng cường phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao:

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh lao tại các cơ sở y tế trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện đa khoa, các Bệnh viện chuyên khoa khác và các cơ sở y tế ngoài công lập đảm bảo thực hiện tốt công tác khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao cho người dân.

+ Nâng cao chất lượng dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở, tạo điều kiện để người dân thuận tiện, dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao có chất lượng. Khuyến khích cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ bệnh nhân lao sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.

- Áp dụng các kỹ thuật mới trong khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.

+ Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật mới của Chương trình chống lao nhằm thực hiện dịch vụ khám phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao toàn diện, kết hợp sử dụng tối ưu các kỹ thuật truyền thống trong khám, chẩn đoán và phòng bệnh lao hiệu quả.

+ Triển khai ứng dụng các mô hình phòng, chống bệnh lao qua hệ thống y tế công lập và ngoài công lập huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng.

- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh lao với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh phổi mãn tính và các hoạt động y tế dự phòng khác.

4. Củng cố hệ thống tổ chức

- Tiếp tục củng cố và phát triển Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ công tác phòng chống lao tại Bệnh viện; quản lý, điều phối, chỉ đạo hệ thống phòng chống lao trên địa bàn.

- Đảm bảo duy trì các tổ chống lao tại Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ là đầu mối tổ chức thực hiện khám phát hiện, điều trị bệnh lao và triển khai công tác phòng, chống lao trên địa bàn.

- Đảm bảo mỗi trạm y tế xã có 01 cán bộ y tế làm công tác phòng chống lao, được đào tạo kiến thức về quản lý bệnh lao.

5. Cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật

- Đảm bảo đáp ứng đầy đủ thuốc, vật tư trong dự phòng, khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lao, không để bệnh nhân thiếu thuốc điều trị.

- Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở y tế nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Tạo điều kiện tốt hơn về dinh dưỡng, điều kiện sống và sinh hoạt cho bệnh nhân lao trong quá trình điều trị.

- Theo dõi sát tình hình kháng thuốc và phản ứng có hại của thuốc trong quá trình điều trị bệnh lao.

6. Nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh lao

- Ưu tiên và ổn định nguồn nhân lực cho mạng lưới phòng chống lao tại các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã và thôn, tổ dân phố, đặc biệt các cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong chuyên ngành lao.

- Ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác phòng, chống lao.

- Tổ chức đào tạo cập nhật kiến thức phòng, chống bệnh lao cho các thầy thuốc đa khoa và chuyên khoa khác; bồi dưỡng kiến thức liên tục thông qua tập huấn, hội nghị, hội thảo, hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ phòng, chống lao tuyến huyện, xã và y tế thôn.

- Nâng cao năng lực quản lý về phòng, chống bệnh lao cho cán bộ quản lý các cấp thông qua các chương trình đào tạo, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

7. Công tác kiểm tra, giám sát

- Tăng cường lượng giá, đánh giá và kiểm soát chất lượng dịch vụ phòng, chống bệnh lao ở tất cả các tuyến, áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra giám sát.

- Nâng cao năng lực giám sát dịch tễ bệnh lao và đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống bệnh lao ở các tuyến thông qua các chương trình đào tạo, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh lao tại các tuyến; giám sát chặt chẽ bệnh nhân lao trong quá trình điều trị nhằm giảm tỷ lệ bỏ trị và kháng thuốc.

8. Hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế: Quỹ toàn cầu, WHO... trong lĩnh vực phòng, chống lao.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện phòng, chống lao giai đoạn 2016 - 2020 là: 4.195.000.000 đồng (Phụ lục 02 đính kèm), được lấy từ các nguồn:

- Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.

- Nguồn quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

- Nguồn thu viện phí của bệnh nhân.

- Nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đảm bảo việc triển khai và thực hiện một số hoạt động chính như sau:

- Kinh phí cho hoạt động tuyên truyền phòng chống bệnh lao.

- Chế độ phụ cấp cho cán bộ chuyên trách theo quy định.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng chống lao.

- Thuốc, vật tư, hoá chất phục vụ điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao.

- Các hoạt động khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống lao ở các địa phương, cơ sở. Định kỳ, đột xuất hàng năm báo cáo UBND tỉnh; Bộ Y tế kết quả thực hiện kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn lực (con người, kinh phí) phục vụ công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống bệnh lao tại các cơ sở y tế; đảm bảo thực hiện tốt các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật và thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ cán bộ tham gia phòng, chống lao và bệnh nhân bệnh lao trên địa bàn.

- Định kỳ hàng năm, căn cứ hướng dẫn của trung ương, các chế độ chính sách quy định hiện hành và nhu cầu thực tế của công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính rà soát, thẩm định, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện.

2. Sở Tài chính

Hướng dẫn, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định. Tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất tình hình sử dụng kinh phí phòng, chống lao, bảo đảm đúng mục tiêu, nhiệm vụ, sử dụng có hiệu quả kinh phí và tuân thủ các quy định hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường, huy động vốn đầu tư phát triển cho hoạt động phòng chống lao trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống lao trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định hướng dẫn phòng, chống bệnh lao cho người lao động tại nơi làm việc, quan tâm đến các đối tượng là lao động nữ và nhóm lao động di biến động dễ bị tổn thương; Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ người lao động bị mắc bệnh lao.

- Phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức triển khai, giám sát và kiểm tra thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ người mắc bệnh lao là người lao động trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

5. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao tại các đơn vị thuộc Công an tỉnh quản lý, trong đó chú trọng tới công tác phòng, chống bệnh lao trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng... do Công an tỉnh quản lý.

- Phối hợp tổ chức đào tạo, truyền thông, giáo dục sức khoẻ và phòng, chống bệnh lao cho cán bộ, chiến sĩ công an, phạm nhân, trại viên, học sinh trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng... do Công an tỉnh quản lý.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí phối hợp với ngành Y tế xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thường xuyên phối hợp với Chương trình phòng, chống bệnh lao các cấp thực hiện xây dựng các chuyên mục, tài liệu tuyên truyền phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo Đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền phòng, chống bệnh lao trên địa bàn thường xuyên.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với ngành Y tế thực hiện lồng ghép các nội dung phòng, chống bệnh lao trong chương trình, hoạt động giáo dục và hoạt động ngoại khoá của nhà trường. Tổ chức hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng, chống bệnh lao cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp với các hình thức phong phú, hiệu quả.

8. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống bệnh lao trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; Khuyến khích các văn nghệ sỹ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật: Tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, tranh cổ động, âm nhạc, sân khấu... để tuyên truyền giúp người dân dễ hiểu, dễ thực hiện và chủ động phòng, chống bệnh lao.

9. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

Triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao trong các đơn vị quân đội phù hợp với đặc thù của ngành; Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế mở rộng hoạt động mô hình quân dân y kết hợp nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống bệnh lao trong nhân dân.

10. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế đề xuất và thực hiện các chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bệnh lao.

11. Đề nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên

Phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi hoạt động của mình; phối hợp với Sở Y tế giám sát thực hiện Kế hoạch.

12. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc địa bàn quản lý triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương. Xây dựng các mục tiêu phòng, chống bệnh lao phù hợp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.

- Bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống bệnh lao tại địa phương theo kế hoạch hàng năm.

- Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức ở địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thường xuyên giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch; Phối hợp với Sở Y tế tổ chức các hoạt động và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống lao tại địa phương.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch kịp thời và hiệu quả. Định kỳ, đột xuất hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh kịp thời về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

PHỤ LỤC 01

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG LAO (CTMT) GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

Đơn vị tính: 1.000 đồng

TT

Chỉ tiêu

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

1

Chi tuyên truyền phòng chống bệnh lao

20,000

30,000

82,800

66,134

25,000

66,574

2

Chi tập huấn cho cán bộ y tế thôn xóm

26,898

83,200

 

38,640

 

62,000

3

Chi mua thuốc, vật tư phục vụ điều trị bệnh nhân Lao

237,147

117,310

546,655

622,376

727,000

906,526

4

Chi bồi dưỡng cho người làm công tác chống lao

212,955

187,490

187,545

178,350

80,000

135,900

5

Thanh toán tiền nhiên liệu

 

 

 

21,060

 

 

6

Công tác phí

 

 

 

14,840

 

 

 

Tổng cộng

497,000

418,000

817,000

941,400

832,000

1,171,000

 

PHỤ LỤC 02

NHU CẦU KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG LAO GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

Hoạt động

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng

1

Chi bồi dưỡng cho người làm công tác chống lao

145,000

140,000

135,000

130,000

125,000

675,000

2

Đẩy mạnh công tác truyền thông và huy động sự tham gia của cộng đồng

70,000

70,000

70,000

70,000

70,000

350,000

3

Chi phí điều trị bệnh nhân lao BK (+)

650,000

610,000

580,000

550,000

530,000

2,920,000

4

Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống lao

50,000

50,000

50,000

50,000

50,000

250,000

 

Tổng kinh phí

915,000

870,000

835,000

800,000

775,000

4,195,000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1206/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch phòng chống bệnh lao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030

  • Số hiệu: 1206/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản