BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 120-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2012 |
VỀ VIỆC CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ SAU CÁC KỲ HỌP CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI;
- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng;
- Căn cứ các quy định của Đảng, Nhà nước về việc cung cấp thông tin cho báo chí;
- Căn cứ Thông báo kết luận số 317-TB/TW, ngày 23-3-2010 của Bộ Chính trị và Thông báo kết luận số 226-TB/TW, ngày 03-3-2009 của Ban Bí thư về tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng;
- Xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương,
Ban Bí thư quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như sau:
Quy định này xác định mục đích, nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung, hình thức cung cấp thông tin cho báo chí; chỉ đạo, định hướng việc quản lý và đăng tải thông tin sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhằm:
1- Công khai những kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của tổ chức đảng, đảng viên để phát huy ưu điểm, biểu dương điển hình tiên tiến.
2- Nêu rõ những thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm (nếu có) của các tổ chức đảng và đảng viên để nâng cao tính giáo dục trong Đảng; giúp tổ chức đảng, đảng viên sửa chữa, khắc phục.
3- Bác bỏ những thông tin sai sự thật để định hướng dư luận, tạo sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Điều 3. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1- Phạm vi điều chỉnh:
Việc cung cấp thông tin của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho báo chí gồm những nội dung sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
b) Thực hiện 6 nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo quy định của Điều lệ Đảng.
c) Những văn bản hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được tuyên truyền công khai trên báo chí.
2- Đối tượng điều chỉnh của Quy định này là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí sử dụng thông tin sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Điều 4. Nguyên tắc cung cấp và đăng tải thông tin
1- Việc cung cấp, đăng tải thông tin phải từ nguồn chính thống do Ủy ban Kiểm tra Trung ương cung cấp; đăng tải thông tin phải chính xác, đầy đủ.
2- Thông tin cung cấp, đăng tải là những thông tin không thuộc danh mục, tài liệu mật theo quy định của Đảng và Nhà nước.
3- Chỉ có người phát ngôn hoặc người được ủy quyền mới được cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
4- Không cung cấp, đăng tải các thông tin chi tiết phục vụ cho kết luận vụ việc như tài liệu thẩm tra, xác minh nội dung thảo luận, kết quả bỏ phiếu.
5- Việc đăng tải thông tin sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong một số trường hợp đặc biệt phải theo đúng sự chỉ đạo, định hướng của Ban Bí thư hoặc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
1- Những nội dung được cung cấp thông tin:
a) Kết quả giám sát, kết luận kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật đảng, gồm: kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; xem xét, thi hành kỷ luật đảng; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; giám sát đảng viên và tổ chức đảng; kiểm tra tài chính đảng.
b) Những tập thể và cá nhân đã có hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên do cấp ủy có thẩm quyền quyết định và đồng ý cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 5, Điều 39 Điều lệ Đảng.
c) Những vụ việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang trong giai đoạn kiểm tra, giám sát, xem xét, chưa có kết luận nhưng cần được thông tin để định hướng dư luận thì xin ý kiến và được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư mới được cung cấp cho báo chí.
d) Văn bản, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (được phép tuyên truyền công khai trên báo chí).
đ) Những cảnh báo cần lưu ý trong quá trình kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
2- Những nội dung không được cung cấp thông tin:
a) Những nội dung thuộc nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao theo Điều 30 Điều lệ Đảng (chỉ được cung cấp thông tin sau khi Thường trực Ban Bí thư đồng ý).
b) Những vụ việc đang trong giai đoạn kiểm tra, giám sát, chưa có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc đã có kết luận nhưng chưa được phép công bố.
c) Kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có liên quan đến bí mật của Đảng, Nhà nước và những bí mật khác do pháp luật quy định.
3- Cán bộ của Cơ quan Ủy ban và thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương không được:
a) Nhân danh Ủy ban và Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho cơ quan báo chí hoặc cộng tác viên, phóng viên dưới bất kỳ hình thức nào khi không được giao nhiệm vụ.
b) Tiết lộ bí mật nội dung đang kiểm tra, giám sát; nội dung đề nghị hoặc quyết định thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên khi chưa được Ủy ban kết luận hoặc đã có kết luận, quyết định nhưng chưa công bố hoặc chưa được phép công bố.
1- Nội dung thông báo cho báo chí phải được Chủ nhiệm ủy ban, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban duyệt. Trường hợp cần thiết thì tập thể Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương thảo luận, có trao đổi với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi cung cấp thông tin cho báo chí. Trường hợp đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức họp báo hoặc cung cấp thông tin bằng hình thức thích hợp theo quy định nhằm chủ động thông tin chính xác, kịp thời để định hướng công tác tuyên truyền trong dư luận.
2- Trong một số trường hợp đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi thống nhất việc chỉ đạo, định hướng cho cơ quan báo chí thực hiện việc đăng tải thông tin đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
3- Cơ quan báo chí quản lý và sử dụng nội dung thông tin do Ủy ban Kiểm tra Trung ương cung cấp theo quy định của Luật Báo chí và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nếu có vi phạm thì Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ quản, tổng biên tập, phóng viên, cộng tác viên theo quy định.
4- Các thông tin khác về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng không thuộc điều chỉnh của Quy định này thì được cung cấp thông tin theo quy định hiện hành.
5- Đối với những trường hợp bị kỷ luật đã thông tin trên báo chí, nhưng sau đó có khiếu nại; nếu kết quả giải quyết khiếu nại kỷ luật có sự thay đổi về nội dung, hình thức kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật căn cứ từng vụ việc, tình tiết cụ thể để quyết định việc đăng tin kết quả giải quyết khiếu nại sau khi đã kết luận và quyết định.
6- Khi có căn cứ khẳng định cơ quan báo chí đăng tải thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc sai sự thật về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật. Đồng thời thông báo cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông biết để phối hợp chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc việc đăng tin phản hồi, cải chính và chỉ đạo việc xem xét, xử lý các trường hợp có khuyết điểm, vi phạm.
1- Ủy ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm:
a) Phổ biến đến toàn thể các thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; cán bộ, công chức của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương để thống nhất thực hiện.
b) Hướng dẫn các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng Quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
2- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức quán triệt, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc Quy định này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
3- Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy định số 334-QĐ/TW, ngày 05-11-2010 của Ban Bí thư về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nơi nhận: | T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Quyết định 1288/QĐ-BTNMT năm 2014 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 2Quyết định 2093/QĐ-BKHCN năm 2014 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Khoa học và Công nghệ
- 3Công văn 1056/TCTHADS-VP năm 2015 thực hiện nghiêm túc Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống do Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành
- 1Luật Báo chí 1989
- 2Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011
- 3Quyết định 1288/QĐ-BTNMT năm 2014 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 4Quyết định 2093/QĐ-BKHCN năm 2014 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Khoa học và Công nghệ
- 5Công văn 1056/TCTHADS-VP năm 2015 thực hiện nghiêm túc Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống do Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành
Quyết định 120-QĐ/TW năm 2012 về cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 120-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/07/2012
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Lê Hồng Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/07/2012
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết