Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120/2008/QĐ-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 05 tháng 5 năm 2008 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2007 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐCP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2007 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận tại Tờ trình số 82/TTr-SGD&ĐT ngày 08 tháng 4 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Đề án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007 - 2015, với nội dung cơ bản như sau:
1. Mục tiêu chung:
a) Phát triển Giáo dục mầm non phù hợp với các quan điểm hiện hành và thực tiễn của tỉnh Ninh Thuận. Tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác chăm sóc giáo dục trẻ; củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở Giáo dục mầm non về quy mô và chất lượng; đặc biệt chú trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi;
b) Đa dạng hoá các phương thức chăm sóc giáo dục; bảo đảm chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non theo đúng quy định;
c) Phấn đấu đến năm 2015 hầu hết trẻ em trong độ tuổi (từ 0 - 6 tuổi) đều được chăm sóc giáo dục bằng những hình thức phù hợp, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng;
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về quy mô và mạng lưới trường, lớp:
- Củng cố và mở rộng mạng lưới trường lớp, đẩy mạnh về phát triển quy mô và chất lượng Giáo dục mầm non;
- Nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ từ 5,79% năm 2007 lên 8% vào năm 2010 và đạt 15% vào năm 2015; trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 56,58% năm 2007 lên 67% vào năm 2010 và đạt 75% vào năm 2015; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 79% năm 2007 lên 85% vào năm 2010 và đạt 95% vào năm 2015.
- Tại các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nâng tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 19% năm 2007 lên 40% năm 2010 và đạt 55% vào năm 2015. Phấn đấu để tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt chỉ tiêu chung của toàn quốc;
b) Về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ:
- Đến 2010, 100% trẻ học trong các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo công lập và ngoài công lập đều được tiếp cận theo chương trình, nội dung, phương pháp mới tiến bộ và hiện đại. Có khoảng 1/3 số cơ sở Giáo dục mầm non được tiếp cận với tin học và ngoại ngữ từ nay đến 2010 và tỷ lệ này sẽ tăng lên là 2/3 vào năm 2015.
- Phấn đấu để tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn phát triển là 80% năm 2010 và 95% năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các cơ sở Giáo dục mầm non xuống dưới 11% năm 2010 và dưới 9% năm 2015.
- Nâng tỷ lệ cha mẹ được cung cấp kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ lên 70% năm 2010 và 90% năm 2015;
c) Về xây dựng cơ sở vật chất và trường đạt chuẩn quốc gia:
- Đến năm 2010, phấn đấu 10% (khoảng 8 trường) và 20% vào năm 2015 (khoảng 16 trường) đạt chuẩn quốc gia.
- Củng cố, hoàn thiện các cơ sở Giáo dục mầm non công lập ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cho 19 xã vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, miền núi theo Đề án 149 để các cơ sở đạt chuẩn về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ nhà giáo; đồng thời Nhà nước có sự hỗ trợ thích hợp để từng bước nâng cao chất lượng các cơ sở đạt chuẩn ở những vùng kinh tế phát triển và kinh tế nông thôn.
- Phấn đấu đến năm 2010, không còn phòng học nhờ, học tạm và trẻ đến lớp không có đồ dùng và đồ chơi;
d) Về chuyển đổi loại hình:
- Đến năm 2010, mỗi huyện, thành phố có từ 1 đến 2 trường trọng điểm hoạt động theo hình thức công lập tự chủ tài chính.
- Đến năm 2015, 100% cơ sở trường công lập vùng điều kiện kinh tế phát triển chuyển đổi sang loại hình ngoài công lập theo quy định. 100% các xã miền núi vùng đặc biệt khó khăn và các xã bãi ngang có phòng học kiên cố với đầy đủ các trang thiết bị học tập cho trẻ;
e) Về đội ngũ nhà giáo:
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phấn đấu để có 90% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010 và 100% vào năm 2015, trong đó có 50% đạt trên chuẩn vào năm 2010 và 70% vào năm 2015.
- 100% cán bộ quản lý mầm non được học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý (hiện hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý giáo dục).
- Phấn đấu vào năm 2010, 100% cán bộ quản lý các trường công lập đều là Đảng viên.
- Tiếp tục thực hiện chế độ cử tuyển giáo viên mầm non ở các vùng dân tộc thiểu số;
3. Yêu cầu: phát triển Giáo dục mầm non là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, các cấp quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo có vai trò hết sức to lớn trong việc tổ chức thực hiện triển khai, sơ kết, tổng kết về việc thực hiện Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015, Nghị quyết số 19/NQ-TU ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao đến năm 2010 đã được cụ thể hoá trong Đề án; đảm bảo Đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm học 2007 - 2008 đến năm học 2014 - 2015.
Điều 2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch cụ thể, chi tiết để trình Hội đồng nhân dân ra Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định; chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết và Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2007 - 2015;
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách quản lý các trường ngoài công lập;
c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình đầu tư cho Giáo dục mầm non trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
d) Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết trong từng giai đoạn và định kỳ báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho Giáo dục mầm non;
b) Căn cứ trên các mục tiêu phát triển Giáo dục mầm non để xây dựng kế hoạch đầu tư hằng năm cho các huyện, thành phố trong giai đoạn 2007 - 2015;
c) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phân bổ ngân sách hằng năm cho Giáo dục mầm non.
3. Sở Tài chính:
a) Bố trí ngân sách thường xuyên, chương trình mục tiêu chi cho Giáo dục mầm non, bảo đảm phát triển Giáo dục mầm non theo đề án xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định hiện hành;
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan cải tiến công tác phân bổ ngân sách, xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách tài chính thuộc lĩnh vực Giáo dục mầm non.
4. Sở Nội vụ: thực hiện và hướng dẫn các quy định về định mức biên chế và các chế độ chính sách đối với giáo viên cho các cơ sở Giáo dục mầm non thuộc các loại hình.
5. Sở Y tế:
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà;
b) Chủ trì xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ em; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện các chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo cán bộ y tế học đường.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với giáo viên và trẻ mầm non (đặc biệt là giáo viên hợp đồng và giáo viên ngoài công lập).
7. Ủy ban nhân dân các cấp:
a) Xây dựng các đề án, chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn theo các mục tiêu của đề án Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt;
b) Chỉ đạo xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục mầm non trên các địa bàn; kế hoạch đào tạo giáo viên, huy động trẻ mầm non đến trường cho từng giai đoạn, phù hợp với kinh tế - xã hội của địa phương;
c) Tăng cường đầu tư thực hiện xây dựng cơ sở Giáo dục mầm non trên các địa bàn; đầu tư trang thiết bị, đồ chơi phục vụ việc triển khai chương trình Giáo dục mầm non mới; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định;
d) Có chính sách ưu đãi nhằm phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn;
e) Bảo đảm bố trí ngân sách chi cho Giáo dục mầm non theo đúng quy định hiện hành;
g) Tổ chức huy động mọi nguồn lực trên địa bàn phục vụ thực hiện các mục tiêu Giáo dục mầm non;
8. Sở Văn hoá - Thông tin, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông, thông tin về công tác chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non, công tác phát triển Giáo dục mầm non tỉnh nhà và các nội dung liên quan đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ như: dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các dịch bệnh, các kiến thức nuôi con theo khoa học.
9. Các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể khác: Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Khuyến học, cùng các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp ban, ngành phát triển Giáo dục mầm non, trong công tác vận động, hỗ trợ việc phổ biến kiến thức về Giáo dục mầm non đến toàn xã hội.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định này thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2007 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 120/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
THỰC TRẠNG GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH NINH THUẬN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Đặc điểm tình hình:
Ninh Thuận là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Đông giáp biển Đông. Diện tích toàn tỉnh có 3360,06 km2 trong đó miền núi chiếm 2034,9km2 bằng 2/3 diện tích toàn tỉnh, bờ biển dài 105 km với hơn 18.000 km2 vùng lãnh hải.
Dân số toàn tỉnh có 577.000 người trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 77% còn lại đồng bào dân tộc thiểu số, người chủ yếu là 2 dân tộc: dân tộc Chăm khoảng 69.000 người (chiếm 13%) và dân tộc Raglai khoảng 49.800 người (chiếm 9,4%), và một số dân tộc ít người khác như người K'ho, người Hoa, ... Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 155 người/km2. Dân cư phân bố không đồng đều, tập trung ở thành phố, thị trấn và vùng đồng bằng ven sông gần các trục giao thông. Vùng miền núi đất rộng, người thưa, mật độ dân số khoảng từ 25 người/km2, cơ sở hạ tầng kém phát triển, việc đi lại của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Toàn tỉnh hiện có một thành phố, 5 huyện với 62 xã, phường, thị trấn trong đó có 3 huyện miền núi, vùng cao là những xã hầu hết nằm trong vùng kháng chiến cũ, tập quán sản xuất lạc hậu, bệnh tật thường phát sinh, trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hoá vẫn còn thấp; điều kiện ăn ở, sinh hoạt đi lại, chăm sóc sức khoẻ, ... vẫn còn nhiều khó khăn.
Sau hơn 20 năm đổi mới, với cơ chế chính sách thích hợp, kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, song vẫn còn là một trong những tỉnh nghèo nhất trong toàn quốc. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 14 xã đặc biệt khó khăn rất thấp, các xã vùng nông thôn luôn bị thiên tai lũ lụt, hạn hán. Nhà nước đã có những chương trình hỗ trợ cho đồng bào thiểu số nhưng cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Tóm lại với một địa phương mà 2/3 diện tích là miền núi, vùng cao, vùng sâu và dân cư phân bố không đều là một áp lực lớn đối với việc phát triển mạng lưới trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận và là một thách thức lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong tỉnh.
Ngày 04 tháng 8 năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 167/2004/QĐ-UB phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non Ninh Thuận đến năm 2010. Đề án ra đời đã tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng Giáo dục mầm non tỉnh nhà song vẫn còn nhiều bất cập cần phải có những biện pháp tích cực để đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả.
2. Kết quả thực hiện Quyết định số 167/2004/QĐ-UB:
2.1. Thành tựu:
a) Quy mô mạng lưới trường lớp:
- Tiếp tục được mở rộng khắp các xã phường, huyện thành phố. Đặc biệt đã xoá được xã trắng mầm non trên địa bàn tỉnh nhất là các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Số lượng trường lớp trong 3 (ba) năm đã tăng đáng kể: nếu trong năm 2005 có 80 trường thì đến tháng 9 năm 2007 có 83 trường. Số nhóm lớp từ 655 nhóm, lớp (năm 2005) đã tăng lên 683 nhóm lớp (năm 2007).
- Số trẻ em đi đến nhà nhóm trẻ, trường mầm non, mẫu giáo trong ba năm đã tăng. Trẻ nhà trẻ từ 1.597 trẻ (năm học 2004 - 2005) chiếm tỷ lệ 4,24%; năm học 2007 - 2008 số trẻ nhà trẻ ra lớp là 1.557 trẻ chiếm tỷ lệ 5,2%. Số trẻ mẫu giáo từ 15.027 trẻ (năm học 2004 - 2005) chiếm 41,56% số cháu trong độ tuổi, lên 16.200 trẻ (năm học 2007 - 2008) chiếm tỷ lệ 56,58% tổng số cháu trong độ tuổi. Trong đó trẻ 5 tuổi từ 8.799 (năm học 2004 - 2005) lên 9.170 trẻ (năm học 2007 - 2008) chiếm tỷ lệ 76,23% (theo số liệu dân số của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng theo số liệu của Cục Thống kê thì trẻ 5 tuổi ra lớp chiếm tỷ lệ 95% trong tổng số trẻ trong độ tuổi).
- So với các cấp học khác thì cấp học mầm non được xã hội hoá cao nhất. Trong khi các cấp học phổ thông chưa có loại hình trường tư thục thì mầm non hiện có 16 trường trên tổng số 83 trường (tỷ lệ 19,3%). Số cháu đi nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục chiếm tỷ trọng ngày càng cao (từ 57,65% năm 2004 lên 80,67% năm 2007); tỷ lệ trẻ ra lớp ở loại hình tư thục chiếm tỷ lệ 25,28% (tăng hơn so với năm 2004 là 4,87%).
b) Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục:
- Không ngừng được quan tâm xây dựng và trưởng thành về nhiều mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển và từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Cán bộ quản lý giáo dục là 107 người năm học 2005 - 2006 (công lập là 103, tư thục là 4) và tăng lên 115 vào năm 2007 - 2008 (công lập là 103, tư thục là 12), hầu hết có trình độ chuyên môn đạt chuẩn cao chiếm tỷ lệ là 89,72% trong năm học 2005 - 2006 và đạt tỷ lệ 95,65% vào năm học 2007 - 2008; cán bộ quản lý giáo dục là đảng viên có 34 người trong năm học 2005 - 2006 và có 56 người trong năm học 2007 - 2008.
- Đội ngũ giáo viên có 747 người trong năm học 2005 - 2006 (công lập là 540, tư thục là 207) và có 800 người trong năm học 2007 - 2008 (công lập là 587, tư thục là 213), hầu hết được đào tạo qua trường lớp chính quy; trình độ giáo viên đạt chuẩn ngày càng tăng, cụ thể trong năm học 2005 - 2006 tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 76,97% (trong đó công lập chiếm 90,37%, tư thục chiếm 42,03%), trong năm học 2007 - 2008 tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 79,88% (trong đó công lập chiếm 92,84%, tư thục chiếm 44,13%); số lượng giáo viên là đảng viên có 22 người trong năm học 2005 - 2006 và đến năm học 2007 - 2008 có 37 người. Cùng với số lượng giáo viên được bồi dưỡng chuẩn hoá và số lượng giáo viên tốt nghiệp Sư phạm mầm non ra trường hằng năm cơ bản đáp ứng được nhu cầu và có đủ năng lực đảm nhận việc đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy trong thời kỳ mới.
- Bước đầu đã có sự quan tâm khích lệ của Nhà nước trong việc hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và đầu tư cho miền núi như: đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất theo Chương trình 135 của Chính phủ cho các xã đặc biệt khó khăn; trong năm 2007 Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư mua sắm trang thiết bị như: hỗ trợ 750 triệu đồng cho 6 huyện, thành phố và trường Mầm non 16/4 để trang bị đồ dùng đồ chơi, ngoài ra còn đầu tư xây dựng Trường mẫu giáo Măng Non huyện Ninh Phước với mức kinh phí là 351 triệu đồng để trường đạt chuẩn quốc gia;
2.2. Tồn tại và bất cập:
- Quy mô về mạng lưới trường, lớp tuy có phát triển nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự đầu tư vững chắc. Trường học chủ yếu vẫn là do tư nhân tự xây dựng. Vì vây, cơ sở vật chất trường lớp và các trang thiết bị để chăm sóc, giáo dục trẻ hiện nay còn thiếu về số lượng và xuống cấp về chất lượng. (Hiện nay, còn rất nhiều cơ sở Giáo dục mầm non phải học nhờ, học tạm, ở đình, chùa, nhà kho, nhà dân như: các trường ở xã Thành Hải, phường Đạo Long, phường Mỹ Đông thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các trường Mầm non của huyện Bác Ái, các trường Mầm non của các xã Khánh Hải, xã Hộ Hải, xã Tân Hải thuộc huyện Ninh Hải (Phụ lục 1).
- Các chính sách cụ thể để phát triển Giáo dục mầm non còn rất hạn chế, đặc biệt là các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đồ dùng dạy học. Trong 3 (ba) năm từ khi ban hành Đề án đến nay, một số huyện, thành phố đã xây dựng được Đề án Phát triển Giáo dục mầm non của huyện, thành phố như: huyện Ninh Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Phước, nhưng việc đầu tư cho Giáo dục mầm non vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đối với với cấp học này.
- Việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chưa được các cấp quan tâm (đến tháng 11 năm 2007 Ninh Thuận là tỉnh duy nhất trong toàn quốc chưa có trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia).
- Trẻ được chăm sóc chủ yếu tập trung ở trẻ 5 tuổi. Riêng trẻ trong độ tuổi mầm non (từ 6 tháng đến 4 tuổi) chưa được quan tâm và chưa được đưa vào mục tiêu phát triển. Vì vậy, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp chưa cao so với toàn quốc.
* Cụ thể năm học 2006 - 2007:
Các mục tiêu | Ninh Thuận | Toàn quốc |
- Trẻ nhà trẻ ra lớp | 5,83% | 19,0% |
- Trẻ mẫu giáo ra lớp | 55,2% | 71,0% |
- Trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp | 76,23% | 94,8% |
- Đội ngũ nhân viên, cán bộ quản lý chưa đầy đủ như đa số các trường đều không có nhân viên phụ trách công tác tài chính (kế toán, thủ quỹ) nhân viên văn phòng, y tế, bảo vệ, thậm chí một số trường hạng 1 và 2 không có Hiệu phó phụ trách chuyên môn nhà trường;
- Số lượng giáo viên dưới chuẩn còn cao (126/724 giáo viên chiếm tỷ lệ 17,4%) đa số tập trung ở đội ngũ giáo viên tư thục (70/152 giáo viên chiếm 46,05%);
- Đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng vùng nông thôn ở một số đơn vị chưa có chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ lương và các chế độ chính sách khác do đó cuộc sống và việc làm không ổn định; thậm chí đội ngũ giáo viên này tuy có thời gian công tác trên 15 năm nhưng lương vẫn đang hưởng ở mức thấp, không được nâng lương theo định kỳ (Ninh Phước);
- Đội ngũ giáo viên tư thục không ổn định, luôn thay đổi. Chế độ đối với giáo viên hệ tư thục còn thấp hơn so với giáo viên công lập cùng trình độ trên địa bàn; số giáo viên chưa được ký hợp đồng và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của bộ luật lao động còn nhiều (tỷ lệ giáo viên tham gia bảo hiểm ở tư thục là 38,16%);
- Ngân sách Nhà nước chi cho Giáo dục mầm non còn quá thấp chỉ ở mức 5% trong tổng chi ngân sách giáo dục. Riêng các xã đặc biệt khó khăn là 11% (theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về định mức phân bổ ngân sách ổn định trong 4 năm từ năm 2007 đến 2010);
- Trong khi theo Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT/BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2003 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về hướng dẫn một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non quy định tỷ lệ này tối thiểu phải là 10% và Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2006 về phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015 quy định phải “Cải tiến việc phân bổ ngân sách Nhà nước chi cho Giáo dục mầm non theo hướng tính định mức theo số trẻ em trong độ tuổi mầm non trên địa bàn”;
- Với tất cả những tồn tại và bất cập trên thì việc phải có Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2007 - 2015 là cần thiết, nhằm nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của Giáo dục mầm non nói riêng và giáo dục Ninh Thuận nói chung trong tình hình mới và đồng thời phù hợp với các quy định, các văn bản mới được ban hành.
II. NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005;
- Pháp lệnh Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em;
- Chiến lược Phát triển Giáo dục mầm non đến năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28 tháng 12 năm 2001;
- Nghị quyết Trung ương II (khoá VIII) về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo nước ta trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá;
- Chỉ thị số 18/2001/CT-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân;
- Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non;
- Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế;
- Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT/BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2003 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về hướng dẫn một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non;
- Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về định mức biên chế về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường mầm non công lập;
- Điều lệ Trường mầm non ban hành theo Quyết định số 27/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 20 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường mầm non;
- Quyết định số 45/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 12 năm 2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005;
- Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao;
- Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015;
- Nghị quyết số 19/NQ-TU ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao đến năm 2010.
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON GIAI ĐOẠN 2007 - 2015
1. Quan điểm:
a) Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Phát triển Giáo dục mầm non là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước;
b) Nhà nước có trách nhiệm quản lý, tăng cường đầu tư cho Giáo dục mầm non; hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhà giáo; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển Giáo dục mầm non. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển Giáo dục mầm non cho các vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển;
c) Xây dựng sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh, cha mẹ của trẻ nhằm phối hợp, đa dạng hoá nhiều phương thức chăm sóc, giáo dục trẻ em;
d) Từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp Giáo dục mầm non theo nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, phù hợp với đổi mới giáo dục phổ thông, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1 và có tác dụng tích cực cho việc nâng cao chất lượng nền giáo dục Việt Nam.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
- Phát triển Giáo dục mầm non phù hợp với các quan điểm hiện hành và thực tiễn của tỉnh Ninh Thuận. Tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác chăm sóc giáo dục trẻ; củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non về quy mô và chất lượng; đặc biệt chú trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi.
- Đa dạng hoá các phương thức chăm sóc giáo dục; bảo đảm chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non theo quy định.
- Phấn đấu đến năm 2015 hầu hết trẻ em trong độ tuổi (từ 0 - 6 tuổi) đều được chăm sóc giáo dục bằng những hình thức thích hợp, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng;
b) Mục tiêu cụ thể: trên cơ sở các mục tiêu đến năm 2010 được ban hành theo Quyết định số 167/2004/QĐ-UB ngày 04 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh, mục tiêu phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2007 - 2015 tập trung vào các vấn đề phù hợp với tình hình phát triển thực tế của địa phương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Cụ thể:
- Về quy mô và mạng lưới trường, lớp:
+ Củng cố và mở rộng mạng lưới trường lớp, đẩy mạnh về phát triển quy mô và chất lượng Giáo dục mầm non.
+ Nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ từ 5,79% năm 2007 lên 8% vào năm 2010 và đạt 15% vào năm 2015; trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 56,58% năm 2007 lên 67% vào năm 2010 và đạt 75% vào năm 2015; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 79% năm 2007 lên 85% vào năm 2010 và đạt 95% vào năm 2015.
+ Tại các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nâng tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 19% năm 2007 lên 40% năm 2010 và đạt 55% vào năm 2015. Phấn đấu để tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt chỉ tiêu chung của toàn quốc.
- Về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ:
+ Đến 2010, 100% trẻ học trong các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo công lập và ngoài công lập đều được tiếp cận theo chương trình, nội dung, phương pháp mới tiến bộ và hiện đại. Có khoảng 1/3 số cơ sở Giáo dục mầm non được tiếp cận với tin học và ngoại ngữ từ nay đến 2010 và tỷ lệ này sẽ tăng lên là 2/3 vào năm 2015.
+ Phấn đấu để tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn phát triển là 80% năm 2010 và 95% năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các cơ sở Giáo dục mầm non xuống dưới 11% năm 2010 và dưới 9% năm 2015.
+ Nâng tỷ lệ cha mẹ được cung cấp kiến thức cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ lên 70% năm 2010 và 90% năm 2015.
- Về xây dựng cơ sở vật chất và trường đạt chuẩn quốc gia:
+ Đến năm 2010 phấn đấu 10% (khoảng 8 trường) và 20% vào năm 2015 (khoảng 16 trường) đạt chuẩn quốc gia.
+ Củng cố, hoàn thiện các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cho 19 xã vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, miền núi theo Đề án 149 để các cơ sở đạt chuẩn về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ nhà giáo; đồng thời Nhà nước có sự hỗ trợ thích hợp để từng bước nâng cao chất lượng các cơ sở đạt chuẩn ở những vùng kinh tế phát triển và kinh tế nông thôn.
+ Phấn đấu đến năm 2010 không còn phòng học nhờ, học tạm và trẻ đến lớp không có đồ dùng và đồ chơi.
- Về chuyển đổi loại hình:
+ Đến năm 2010, mỗi huyện, thành phố có từ 1 đến 2 trường trọng điểm hoạt động theo hình thức công lập tự chủ tài chính.
+ Đến năm 2015, 100% cơ sở trường công lập vùng điều kiện kinh tế phát triển chuyển đổi sang loại hình ngoài công lập theo quy định. 100% các xã miền núi vùng đặc biệt khó khăn và các xã bãi ngang có phòng học kiên cố với đầy đủ các trang thiết bị học tập cho trẻ.
- Về đội ngũ nhà giáo:
+ Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phấn đấu để có 90% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010 và 100% vào năm 2015, trong đó có 50% đạt trên chuẩn vào năm 2010 và 70% vào năm 2015.
+ 100% cán bộ quản lý mầm non được học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý (hiện hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý giáo dục).
+ Phấn đấu vào năm 2010 - 100% cán bộ quản lý các trường công lập đều là Đảng viên.
+ Tiếp tục thực hiện chế độ cử tuyển giáo viên mầm non ở các vùng dân tộc thiểu số.
1. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý Giáo dục mầm non:
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý Giáo dục mầm non. Tạo mọi điều kiện cho giáo viên và cán bộ quản lý được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ chuyên môn đáp ứng với yêu cầu thực tế;
- Bảo đảm các chế độ, chính sách đối với giáo viên trong các cơ sở công lập và ngoài công lập theo quy định tại Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non như: về đào tạo, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng lương và các quyền lợi khác, tạo sự bình đẳng về quyền lợi cho giáo viên công tác ở các loại cơ sở Giáo dục mầm non khác nhau;
- Củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có đủ tiêu chuẩn vào biên chế Nhà nước theo quy định;
- Ưu tiên bố trí đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cho các trường xây dựng đạt chuẩn;
- Đảm bảo tuyển đúng, đủ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý cho các cơ sở Giáo dục mầm non công lập theo quy định của Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về định mức biên chế về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường mầm non công lập;
- Có chính sách, có biện pháp tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về chế độ tiền lương, bảo hiểm của giáo viên mầm non hợp đồng với nhiều hình thức:
+ Quy định mức thu học phí cho cả công lập và ngoài công lập.
+ Chỉ đạo chuyển đổi một số trường mầm non sang loại hình công lập tự chủ, dân lập, tư thục theo lộ trình nhưng phải thận trọng, đảm bảo các trường đủ kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên và công bằng giữa các loại hình về chính sách tiền lương, đào tạo, nâng lương, bảo hiểm xã hội, ...
+ Quy định mức hỗ trợ lương cụ thể cho giáo viên hợp đồng; đảm bảo giữa mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh và mức thu học phí theo quy định đủ cho giáo viên và các trường duy trì hoạt động thường xuyên (theo quy định của Quyết định số 161/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và được nâng lương theo quy định.
+ Bảo đảm 100% các trường, nhóm, lớp mầm non tư thục tham gia hoạt động Công đoàn và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên và nhân viên công tác tại trường, lớp, nhóm; đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng tại các trường công lập được đóng bảo hiểm xã hội bù theo quy định của công văn liên tịch số 2150/GDĐT&BHXHVN ngày 22 tháng 3 năm 2004 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
2. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp Giáo dục mầm non:
- Tích cực thực hiện và triển khai chương trình Giáo dục mầm non mới theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc, giáo dục theo chủ đề, chủ điểm; đồng thời tổ chức tốt các hoạt động cho trẻ, đặc biệt là hoạt động vui chơi phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ;
- Tăng cường cung cấp thiết bị, đồ chơi phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp Giáo dục mầm non. Cung cấp chương trình trò chơi và bộ đồ chơi làm quen với tin học và ngoại ngữ;
- Chú trọng việc dạy Tiếng Việt và tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc trong chương trình Giáo dục mầm non mới;
- Tăng cường công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đảm bảo giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vào năm 2015 xuống dưới 9% bằng nhiều hình thức:
+ Nâng số lượng trường, lớp và trẻ được ăn tại trường.
+ Cải thiện và nâng chất lượng bữa ăn cho trẻ với nhiều hình thức.
3. Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục mầm non, tăng cường đầu tư phát triển Giáo dục mầm non:
- Thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục mầm non phù hợp với mục tiêu phát triển Giáo dục mầm non và điều kiện của từng huyện, thành phố;
- Điều chỉnh các loại hình phát triển phù hợp với Luật Giáo dục quy định đó là: cơ sở Giáo dục mầm non được thành lập theo 3 loại hình: công lập, dân lập, tư thục.
+ Công lập chủ yếu thành lập ở 14 xã miền núi đặc biệt khó khăn và 5 xã bãi ngang ven biển.
+ Đối với khu vực thành phố, thị trấn khuyến khích phát triển loại hình mầm non tư thục.
+ Đối với khu vực nông thôn duy trì loại hình công lập hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính ở những vùng kinh tế khó khăn và mức thu học phí thấp.
+ Chuyển đổi một số trường công lập ở vùng kinh tế phát triển sang loại hình ngoài công lập.
- Đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 cơ sở Giáo dục mầm non; đồng thời Nhà nước đầu tư xây dựng cho mỗi huyện, thành phố một trường mầm non trọng điểm làm nòng cốt cho sự phát triển;
- Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi để triển khai thực hiện chương trình Giáo dục mầm non mới từ nguồn kinh phí Nhà nước và hỗ trợ của xã hội, cá nhân trong và ngoài nước. Đến năm 2015 đảm bảo tất cả các cơ sở Giáo dục mầm non đủ điều kiện dạy trẻ 2 buổi/ngày;
- Đầu tư trường Mầm non 16/4 để trở thành trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2002 - 2005, giai đoạn 2006 - 2010 và đúng nghĩa của trường trọng điểm cấp tỉnh làm nòng cốt trong việc chỉ đạo các hoạt động chăm sóc giáo dục của bậc học mầm non;
- Đến năm 2010 mỗi huyện, thành phố có ít nhất từ 1 - 2 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2015 có từ 2 - 3 trường đạt chuẩn quốc gia.
4. Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về giáo dục mầm non:
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong sự phát triển nguồn lực con người;
- Tăng cường sự phối kết hợp của các ban, ngành cơ quan trong việc chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác truyền thông và thông tin về Giáo dục mầm non; đồng thời phổ biến kiến thức và kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bậc phụ huynh và toàn xã hội tham gia phát triển Giáo dục mầm non.
5. Tăng cường quản lý Giáo dục mầm non:
- Thực hiện triệt để phân cấp quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị định số 166/2004/NĐ-CP về phân cấp quản lý giáo dục.
- Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, thông tin và truyền thông giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các ban, ngành địa phương về chăm sóc, giáo dục;
- Các địa phương chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc xây dựng và phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn.
6. Bổ sung hoàn thiện các chế độ, chính sách, đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá, nâng nguồn lực về tài chính cho Giáo dục mầm non:
- Cải tiến việc phân bổ ngân sách Nhà nước chi cho Giáo dục mầm non theo hướng “tính định mức theo số trẻ em trong độ tuổi mầm non trên địa bàn” (trang 5 - Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ);
- Thực hiện các chính sách phát triển Giáo dục mầm non theo quy định của Nhà nước, Chính phủ và trong giai đoạn trước mắt chi ngân sách cho Giáo dục mầm non phải theo như: Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT/BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2003 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về hướng dẫn một số chính sách phát triển Giáo dục mầm non quy định: “Phấn đấu dành tối thiểu 10% tổng chi ngân sách Nhà nước về giáo dục cho Giáo dục mầm non; ưu tiên bố trí vốn xây dựng trường, lớp mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định”; Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015;
Thực hiện các chính sách xã hội hoá Giáo dục mầm non theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế;
- Khuyến khích các trường mầm non tư thục đảm bảo tối thiểu các chế độ chính sách cho giáo viên về lương, chế độ bảo hiểm và các chế độ chính sách khác đối với giáo viên không thấp hơn các cơ sở Giáo dục mầm non công lập hoặc dân lập;
- Tăng cường đầu tư các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh và thực hiện triệt để công tác xã hội hoá Giáo dục mầm non theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;
- Thực hiện tốt và có hiệu quả ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đầu tư cho 23 xã miền núi mỗi xã 1 trường với 3 phòng học, từ 2 - 3 cơ sở lẻ và cung cấp cho 1/4 số trường công lập bộ đồ chơi phục vụ làm quen với tin học và ngoại ngữ. Để góp phần từng bước hiện đại hoá Giáo dục mầm non trong việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục mầm non mới.
- Về chế độ chính sách:
+ Đảm bảo vào năm 2008 mức chi cho Giáo dục mầm non đạt từ 10 - 15% trong tổng chi ngân sách.
+ 100% giáo viên mầm non đảm bảo vào năm 2010 đều được hưởng các chính sách, chế độ đều công bằng như nhau (không phân biệt loại hình).
+ Hỗ trợ 30 (ba mươi) triệu đồng cho một phòng học được xây mới kiên cố và 80 (tám mươi) triệu đồng cho các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia để trang bị thiết bị, đồ chơi.
+ Đầu tư 100% kinh phí từ ngân sách Nhà nước xây dựng cho trường Mầm non 16/4 để được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2002 - 2005 và giai đoạn 2006 - 2010, làm nồng cốt cho toàn tỉnh trong công tác chỉ đạo.
- Từ ngân sách Nhà nước;
- Từ các chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình 135), Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường;
- Chương trình kiên cố hoá trường lớp đến năm 2010;
- Các dự án và chương trình của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, …
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch cụ thể, chi tiết để trình Hội đồng nhân dân ra Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định; chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết và Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2007 - 2015;
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách quản lý các trường ngoài công lập;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình đầu tư cho Giáo dục mầm non trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết trong từng giai đoạn và định kỳ báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho Giáo dục mầm non;
- Căn cứ trên các mục tiêu phát triển Giáo dục mầm non để xây dựng kế hoạch đầu tư hằng năm cho các huyện, thành phố trong giai đoạn 2007 - 2015;
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phân bổ ngân sách hằng năm cho Giáo dục mầm non.
3. Sở Tài chính:
- Bố trí ngân sách thường xuyên, chương trình mục tiêu chi cho Giáo dục mầm non, bảo đảm phát triển Giáo dục mầm non theo đề án xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định hiện hành;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan cải tiến công tác phân bổ ngân sách, xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách tài chính thuộc lĩnh vực Giáo dục mầm non.
4. Sở Nội vụ: thực hiện và hướng dẫn các quy định về định mức biên chế và các chế độ chính sách đối với giáo viên cho các cơ sở Giáo dục mầm non thuộc các loại hình.
5. Sở Y tế:
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà;
- Chủ trì xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ em; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện các chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo cán bộ y tế học đường, ...
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với giáo viên và trẻ mầm non (đặc biệt là giáo viên hợp đồng và giáo viên ngoài công lập).
7. Ủy ban nhân dân các cấp:
- Xây dựng các đề án, chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn theo các mục tiêu của đề án Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt;
- Chỉ đạo xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục mầm non trên các địa bàn; kế hoạch đào tạo giáo viên, huy động trẻ mầm non đến trường cho từng giai đoạn, phù hợp với kinh tế - xã hội của địa phương;
- Tăng cường đầu tư thực hiện xây dựng cơ sở Giáo dục mầm non trên các địa bàn; đầu tư trang thiết bị, đồ chơi phục vụ việc triển khai chương trình Giáo dục mầm non mới; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định;
- Có chính sách ưu đãi nhằm phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn;
- Bảo đảm bố trí ngân sách chi cho Giáo dục mầm non theo đúng quy định hiện hành;
- Tổ chức huy động mọi nguồn lực trên địa bàn phục vụ thực hiện các mục tiêu Giáo dục mầm non.
8. Sở Văn hoá - Thông tin, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông, thông tin về công tác chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non, công tác phát triển Giáo dục mầm non tỉnh nhà và các nội dung liên quan đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ như: dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các dịch bệnh, các kiến thức nuôi con theo khoa học, …
9. Các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể khác: Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Khuyến học, cùng các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp ban, ngành phát triển Giáo dục mầm non, trong công tác vận động, hỗ trợ việc phổ biến kiến thức về giáo dục mầm non đến toàn xã hội.
Kết luận:
Đề án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Ninh Thuận đến năm 2015 là phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước và thực tế khách quan của tỉnh Ninh Thuận; tạo điều kiện cho Giáo dục mầm non tỉnh nhà phát triển ổn định và bền vững; tạo nền tảng vững chắc cho các bậc học tiếp theo. Đề án được thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục do Chính phủ đề ra; đồng thời làm đòn bẩy thúc đẩy cấp học Giáo dục mầm non phát triển và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Thuận trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
- 1Quyết định 151/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 2Nghị quyết 42/2011/NQ-HĐND phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 3Chỉ thị 52/2006/CT-UBND về đẩy mạnh công tác triển khai Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn từ 2005-2010 do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Nghị quyết 17/2009/NQ-HĐND phát triển giáo dục mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Quyết định 45/2001/QĐ-BGD&ĐT về Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Quyết định 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục
- 5Thông tư liên tịch 05/2003/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn một số chính sách phát triển giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và đào tạo-Bộ Tài chính ban hành
- 6Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
- 7Quyết định 27/2000/QĐ-BGDĐT về Điều lệ trường mần non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8Chỉ thị 18/2001/CT-TTg về biện pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 161/2002/QĐ-TTG về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 11Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004
- 12Nghị định 166/2004/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục
- 13Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 14Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 15Thông tư liên tịch 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập do Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành
- 16Quyết định 151/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 17Nghị quyết 42/2011/NQ-HĐND phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 18Chỉ thị 52/2006/CT-UBND về đẩy mạnh công tác triển khai Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn từ 2005-2010 do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 19Nghị quyết 17/2009/NQ-HĐND phát triển giáo dục mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
Quyết định 120/2008/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- Số hiệu: 120/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/05/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Hoàng Thị Út Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra