Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 161/2002/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 161/2002/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nhiệm vụ phát triển giáo dục mầm non đến năm 2010

1. Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư phát triển giáo dục mầm non, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá sự nghiệp giáo dục mầm non, mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các xã vùng núi cao, hải đảo; tăng cường phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các gia đình, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em trước 06 tuổi, tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách.

2. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Đến năm 2005:

- Tỷ lệ trẻ em dưới 03 tuổi đến nhà trẻ đạt ít nhất 15%;

- Tỷ lệ trẻ em từ 03 đến 05 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt ít nhất 58%;

- Tỷ lệ trẻ em 05 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt ít nhất 85%.

b) Đến năm 2010:

- Tỷ lệ trẻ em dưới 03 tuổi đến nhà trẻ đạt 18%;

- Tỷ lệ trẻ em từ 03 tuổi đến 05 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 67%;

- Tỷ lệ trẻ em 05 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 95%.

Điều 2. Định hướng phát triển các loại hình cơ sở giáo dục mầm non đến năm 2010

1. Các loại hình cơ sở giáo dục mầm non.

a) Cơ sở giáo dục mầm non công lập bao gồm các trường, lớp giáo dục mầm non do ngân sách nhà nước đảm bảo cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và kinh phí hoạt động.

b) Cơ sở giáo dục mầm non bán công bao gồm:

Các cơ sở giáo dục mầm non do nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng nông thôn trước đây do hợp tác xã nông nghiệp đầu tư nay do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý và hoạt động trên cơ sở tự quản lý về tài chính, nhân lực hoặc được ngân sách địa phương hỗ trợ cần thiết để bảo đảm chất lượng giáo dục.

c) Cơ sở giáo dục mầm non dân lập bao gồm các trường, lớp mầm non do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được phép thành lập, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

d) Cơ sở giáo dục mầm non tư thục bao gồm các trường, lớp mầm non do cá nhân hoặc một nhóm cá nhân được phép thành lập và đầu tư.

2. Định hướng phát triển.

a) Cơ sở giáo dục mầm non công lập được xây dựng chủ yếu ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quy định.

b) Cơ sở giáo dục mầm non bán công được xây dựng chủ yếu ở vùng nông thôn không thuộc diện nêu ở điểm a nói trên và ở các địa bàn có mức sống thấp của thành phố, thị xã, thị trấn;

c) Khuyến khích việc lập trường, lớp mầm non dân lập, tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp và những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển;

d) Thực hiện việc chuyển các trường, lớp mầm non công lập ở địa bàn kinh tế - xã hội phát triển, thành phố, thị xã, thị trấn và khu công nghiệp sang hoạt động theo mô hình trường, lớp ngoài công lập hoặc mô hình đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định của Nhà nước.

Điều 3. Xây dựng chương trình giáo dục mầm non

Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo biên soạn và hướng dẫn thực hiện. Chương trình phải phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi trước tiểu học; tạo cơ sở để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách; là cầu nối giữa mẫu giáo với lớp một.

Điều 4. Phát triển đội ngũ giáo viên mầm non

1. Biên chế giáo viên mầm non:

a) Biên chế giáo viên mầm non được tập trung phân bổ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã vùng núi cao, hải đảo để làm nòng cốt về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý phát triển giáo dục mầm non của các địa phương này.

b) Tỷ lệ giáo viên mầm non trong biên chế nhà nước phải được xác định và bố trí theo đặc điểm vùng, miền, mật độ dân cư; từng bước khắc phục tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu biên chế giáo viên mầm non hiện nay.

c) Ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như các thành phố, thị xã, thị trấn, các địa bàn có khu công nghiệp tập trung, nhà máy, xí nghiệp chỉ tuyển mới giáo viên mầm non làm việc theo hợp đồng lao động.

d) Năm 2002 và 2003 tập trung chỉ đạo để các trường công lập thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có biên chế hiệu trưởng, hiệu phó và một số giáo viên nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ; các trường mầm non bán công ở nông thôn có biên chế hiệu trưởng, hiệu phó.

đ) Các cơ sở giáo dục mầm non còn thiếu giáo viên theo quy định của Nhà nước, được tuyển đủ giáo viên theo hình thức hợp đồng lao động (dưới đây gọi tắt là giáo viên hợp đồng).

2. Chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non

Giáo viên hợp đồng được hưởng chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, các danh hiệu tôn vinh nhà giáo như giáo viên trong biên chế; tiền lương, phụ cấp, các khoản bảo hiểm phải đóng được chi trả từ nguồn thu học phí và các khoản thu hợp pháp khác.

Đối với những cơ sở giáo dục mầm non bán công, nếu nguồn thu nêu trên không đủ để chi trả tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên hợp đồng thì phần còn thiếu được ngân sách nhà nước chi hỗ trợ để bảo đảm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trả tiền lương của những giáo viên này không thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định.

Điều 5. Chính sách đầu tư và quy hoạch phát triển giáo dục mầm non

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển giáo dục mầm non trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ.

Việc xây dựng trường, lớp; mua sắm trang thiết bị phát triển giáo dục mầm non được thực hiện theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước tập trung đầu tư cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi cao, hải đảo.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch xây dựng củng cố cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục mầm non, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục mầm non. Phấn đấu đạt 20% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia vào năm 2005 và 50% vào năm 2010.

3. Nhà nước dành một phần ngân sách hàng năm để chi cho phát triển giáo dục mầm non. Nguồn tài chính để phát triển giáo dục mầm non gồm:

a) Nguồn ngân sách nhà nước.

b) Nguồn thu học phí, đóng góp xây dựng trường theo quy định hiện hành.

c) Các khoản tài trợ, viện trợ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

d) Vốn góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất.

đ) Vốn vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi.

e) Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:

a) Quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non công lập, ngoài công lập cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, xác định quỹ đất dành cho việc xây dựng trường, lớp mầm non trên địa bàn từng xã.

b) Thực hiện kế hoạch xây dựng trường, lớp học theo Quy hoạch mạng lưới, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.

c) Quyết định mức học phí và đóng góp xây dựng trường, lớp mầm non công lập, bán công phù hợp với quy định hiện hành của nhà nước, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở phê chuẩn của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

d) Xây dựng kế hoạch và thực hiện giải pháp cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn theo quy định cuả Luật Giáo dục.

đ) Xây dựng và thực hiện kế hoạch biên chế, hợp đồng giáo viên mầm non hàng năm, báo cáo kết quả với Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

e) Dành ngân sách để bảo đảm thực hiện các chính sách chế độ cho giáo viên theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên mầm non làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và bán công.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

Xây dựng chương trình, đề án phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp trên; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và xây dựng cơ bản các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn và tổ chức thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn về chế độ và chính sách cho giáo viên mầm non trên địa bàn.

Thực hiện xã hội hoá đối với sự nghiệp giáo dục mầm non trên địa bàn.

4. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng trường, lớp mầm non công lập, bán công trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)