Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1185/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 17 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CHIẾN DỊCH DIỆT LĂNG QUĂNG, PHUN HÓA CHẤT DIỆT MUỖI CHỦ ĐỘNG VÀ TRUYỀN THÔNG HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG NĂM 2022

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue;

Căn cứ Công văn số 2129/BYT-DP ngày 27/4/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng chống Sốt xuất huyết;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 2143/TTr-SYT ngày 10/6/2022 của Giám đốc Sở Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động và truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022 (Kèm theo Kế hoạch số 2113/KH-SYT ngày 09/6/2022 của Giám đốc Sở Y tế).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- PVP UBND tỉnh;
- Báo Vĩnh Long, Đài PTTH Vĩnh Long;
- Phòng VX;
- Lưu: VT, 3.09.05.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Trung

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2113/KH-SYT

Vĩnh Long, ngày 09 tháng 06 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CHIẾN DỊCH DIỆT LĂNG QUĂNG, PHUN HÓA CHẤT DIỆT MUỖI CHỦ ĐỘNG VÀ TRUYỀN THÔNG HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG NĂM 2022

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC LẬP KẾ HOẠCH

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ và vùng ven biển miền Trung.

Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau, ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Ở miền Bắc những tháng khác bệnh ít xảy ra vì thời tiết lạnh, ít mưa, không thích hợp cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi Aedes aegypti. Bệnh SXHD phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10 trong năm.

Đến nay, bệnh SXHD chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống SXHD.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 22/4/2022 cả nước ghi nhận 16.412 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 10 trường hợp tử vong tại Bình Dương (4), TPHCM (2), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1), Sóc Trăng (1). So với cùng kỳ năm 2021, số mắc là 21.366 ca, tử vong 5 ca. Bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại khu vực phía Nam (KVPN) đang có diễn tiến phức tạp, tỷ lệ ca nặng chiếm 3%, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 3 lần so với cùng kỳ giai đoạn 2018-2020.

Tại Vĩnh Long, tính đến tuần 19/2022, số ca mắc SXHD so sánh với cùng kỳ giai đoạn 5 năm (2017-2021) ghi nhận có 16 xã/phường/thị trấn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXHD (có số ca ca mắc tiệm cận hoặc gần bằng với đường cong chuẩn), tỷ lệ nặng 5,56% cao hơn so với trung bình của KVPN. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc và ca nặng do SXHD sẽ tiếp tục tăng cao trên địa bàn tỉnh do đang bắt đầu vào thời điểm dịch, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc, số ca nặng và tử vong (nếu có).

Sở Y tế xây dựng Kế hoạch Chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động và truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022, cụ thể:

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue;

Căn cứ Công văn số 2129/BYT-DP ngày 27/4/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng chống Sốt xuất huyết;

Căn cứ Công văn khẩn số 453/KCB-NV ngày 25/4/2022 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị SXHD;

Căn cứ Công văn số 1584/PAS-KSBT ngày 25/4/2022 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về việc tăng cường phòng chống Sốt xuất huyết;

Căn cứ Công văn số 2288/UBND-VX ngày 04/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết;

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động và truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022, cụ thể:

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya trong năm 2022 giảm số mắc, số tử vong, không để dịch lớn xảy ra.

- Nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tự phòng bệnh và tăng cường sự hợp tác của Chính quyền, Ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống bệnh Sốt xuất huyết.

- Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết (15/06/2022)” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- ≥ 90% các xã/ấp có nguy cơ bùng phát dịch được triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động diệt muỗi.

- ≥ 90% hộ gia đình, dụng cụ chứa nước tại nơi triển khai được kiểm tra và xử lý triệt để không còn lăng quăng và 90% các hộ gia đình tại nơi triển khai được phun hóa chất diệt muỗi.

- ≥ 95% các xã/ấp tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, phun thuốc được điều tra, đánh giá các chỉ số côn trùng trước và sau chiến dịch, đảm bảo chỉ số nhà có lăng quăng (HI) < 10% và chỉ số Breteau (BI) ≤ 30 sau chiến dịch, và giảm ít nhất 90% mật độ muỗi sau mỗi đợt phun hóa chất.

- ≥ 90% cơ quan chính quyền, Ban ngành Đoàn thể, Trường học, cơ sở y tế đóng trên địa bàn tổ chức thực hiện tham gia hưởng ứng và 50% các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức chiến dịch cùng tham gia hưởng ứng.

- ≥ 95% xã, huyện trong toàn tỉnh được truyền thanh về lợi ích của chiến dịch, thông tin về sốt xuất huyết và được phát tờ bướm, treo các băng rol, áp phích.

IV. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TRIỂN KHAI

1. Thời gian triển khai

- Đợt 1: từ ngày 01 đến ngày 15/6/2022.

- Đợt 2: từ ngày 15 đến ngày 20/9/2022.

2. Địa điểm triển khai: Thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 16/107 xã, phường, thị trấn có nguy cơ, cụ thể:

STT

Huyện

Xã nguy cơ

Số hộ

Số dân

1

TP. Vĩnh Long

Phường 5

4.010

17.035

Phường Tân Hội

1.697

7.169

2

Long Hồ

Thị trấn Long Hồ

2.120

9.457

xã Hòa Phú

3.204

10.352

3

Mang Thít

xã Tân Long

1.692

6.296

xã Tân An Hội

1.969

5.889

4

Vũng Liêm

xã Hiếu Phụng

2.519

7.917

xã Thanh Bình

3.197

10.064

5

Tam Bình

xã Long Phú

2.322

8.265

xã Loan Mỹ

3.397

11.443

6

Trà Ôn

Thị trấn Trà Ôn

2.929

11.922

xã Nhơn Bình

2.726

11.429

7

TX. Bình Minh

xã Đông Thạnh

1.701

7.844

xã Đông Bình

1.635

17.438

8

Bình Tân

xã Thành Lợi

2.729

9.998

xã Tân An Thạnh

2.510

9.419

 

Tổng cộng

40.357

161.937

V. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành

Tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động và truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022 trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đảm bảo vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đủ điều kiện tổ chức, triển khai kế hoạch.

Kiện toàn Ban chỉ đạo Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến huyện, tuyến xã.

Tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết và phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực có nguy cơ cao theo quy định.

2. Công tác chuyên môn

2.1. Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng

2.1.1. Chọn điểm nguy cơ thực hiện chiến dịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cập nhật và hoàn tất các số liệu theo quy mô lấy xã làm đơn vị hành chính, ấp/khu vực (ấp) làm địa bàn và hộ dân làm đơn vị thực hiện các biện pháp phòng, chống SXHD:

- Báo cáo tình hình SXHD tuần hiện tại.

- Vẽ biểu đồ đường cong mắc hiện tại theo tuần, so sánh với đường trung bình chuẩn và đường cong chuẩn 5 năm.

TTYT huyện/thị xã/thành phố chọn ra những xã nguy cơ: là xã có đường cong SXH mắc hiện tại vượt đường trung bình chuẩn 5 năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra và phối hợp với TTYT huyện lập danh sách các xã được chọn làm chiến dịch.

TTYT huyện thảo luận với TYT xã đề xuất thời gian thực hiện chiến dịch và phản hồi cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tiêu chuẩn chọn các xã triển khai dập dịch:

- Nơi có số mắc SXHD/100.000 dân vượt trung bình cộng 5 năm (2017-2021).

- Nơi có số ổ dịch, số ca mắc SXH tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2022, nhất là một tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Lưu ý:

- Phải xác định ranh giới cụ thể (tổ/ấp nào, cụm dân nào) nhất là vùng giáp ranh (tổ-tổ, ấp-ấp, xã-xã) để tiện cho việc giám sát dịch tễ, côn trùng trước và sau xử lý cũng như việc triển khai các hoạt động dập dịch.

- Xác định hướng dập dịch cho toàn địa bàn (đi từ ngoài vào tâm ổ dịch). Tâm ổ dịch là nơi tập trung nhiều ca bệnh/nhiều ổ dịch nhỏ nhất.

- Xác lập bản đồ khu vực cần dập dịch (mật độ dân cư, các hẻm nhỏ), hướng đi của máy phun đeo vai.

- Các địa phương chọn xã nguy cơ triển khai đúng theo tiêu chí của Bộ Y tế, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn và tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn.

- Có thể thay đổi xã làm chiến dịch khi số mắc tăng cao vào thời điểm triển khai và có thể mở rộng địa bàn tùy theo diễn biến dịch sốt xuất huyết tại các xã có ca bệnh tăng cao hoặc chỉ số côn trùng BI, DI cao).

2.1.2. Lập kế hoạch thực hiện

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh căn cứ theo diễn biến và đánh giá tình hình bệnh Sốt xuất huyết và rà soát các xã nguy cơ tham mưu Sở Y tế xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Căn cứ theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, TTYT huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện chiến dịch trên địa bàn. Kế hoạch chi tiết:

- Các xã làm chiến dịch, thời gian triển khai.

- Thời gian tập huấn, mítting và diễu hành, vãng gia.

- Thông tin chung về xã chiến dịch: Số ấp, số hộ, trục lộ chính đi diễu hành, bản đồ phân nhóm đi vãng gia, kết quả điều tra côn trùng (nếu có).

- Lực lượng tham gia chiến dịch dự kiến: Số người, thành phần, nhiệm vụ.

- Công cụ hỗ trợ khác: Số băng rôn cần, số bướm, số cá, kinh phí dự kiến.

- Biện pháp làm sạch lăng quăng và bảo vệ dụng cụ chứa nước

2.1.3. Chuẩn bị cho chiến dịch diệt lăng quăng

2.1.3.1. Chuẩn bị truyền thông

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm cơ quan đầu mối chuẩn bị tài liệu truyền thông cho chiến dịch diệt lăng quăng và cấp phát về các địa phương kịp thời, đúng số lượng dự kiến.

Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm: bàn giao tài liệu truyền thông cho TYT xã; Thông báo cho TYT xã thời gian và địa điểm sử dụng các vật liệu truyền thông: địa điểm treo băng rôn, áp phích, thời gian phát băng tuyên truyền,…; Xác định tuyến đường cần tuyên truyền và diễu hành, vẽ lộ trình di chuyển; Chương trình mít tinh, tuyến đường diễu hành, phân chia nhóm điều tra côn trùng, nhóm kiểm tra giám sát thực địa cùng nhóm vãng gia.

Trạm y tế xã chịu trách nhiệm: tiếp nhận và triển khai sử dụng vật liệu truyền thông theo kế hoạch của TTYT huyện; Phân nhóm dẫn đường, nhóm vãng gia phát tờ rơi và diệt lăng quăng.

2.1.3.2. Tổ chức hội nghị/họp công tác chuẩn bị triển khai chiến dịch

Tổ chức hội nghị triển khai công tác diệt lăng quăng tại địa bàn xã nguy cơ với các thành phần tham dự gồm: Cấp xã/phường/thị trấn: Thường trực UBND, HĐND xã, tất cả các thành viên BCĐ Chăm sóc sức khỏe nhân dân, đại diện các hội, đoàn thể trên địa bàn (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên,…); Cấp khóm/ấp: Trưởng khóm/ấp, tổ y tế, tình nguyện viên sức khỏe cộng đồng. Đề nghị mời Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố, Đại diện Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện, Đại diện Phòng y tế huyện, Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Ban giám hiệu các trường

học các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tham dự.

Nội dung triển khai chuẩn bị thực hiện chiến dịch, cụ thể:

- Phổ biến nội dung Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế.

- Đánh giá kết quả thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng, chống SXHD trong thời gian qua.

- Triển khai kế hoạch chi tiết tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun thuốc diệt muỗi chủ động phòng chống dịch SXH.

- Tập huấn ngắn gọn những nội dung cụ thể cần kiểm tra, vận động khi đến hộ gia đình cho những thành viên tham gia vãng gia.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban chỉ đạo và các cá nhân liên quan tham gia để đảm bảo triển khai kế hoạch.

- Hướng dẫn các thành viên tham gia các việc cần làm khi đến hộ gia đình: đi từng nhà, nhà liền nhà, vào kiểm tra, ghi vào phiếu, vận động hướng dẫn hộ gia đình thường xuyên thực hiện biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết (theo nội dung tờ rơi) và cuối cùng dán tờ rơi vào nơi dễ nhìn và xa tầm tay trẻ em.

- Chia ấp ra từng cụm dân cư từ 50 - 75 hộ gia đình. Lập danh sách chia các thành viên tham gia mỗi nhóm 02-03 người phụ trách từng cụm dân cư như đã chia ở trên (Ví dụ: từ nhà ông A đến nhà ông T có 50 hộ do nhóm 1 phụ trách gồm có đồng chí X là trưởng nhóm này theo mẫu đính kèm.

Lưu ý: Việc tổ chức phun thuốc căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn cần dập dịch và do Trung tâm Y tế quận/huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực với sự hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.

2.1.3.3. Khảo sát ổ lăng quăng nguồn nơi dự định làm chiến dịch

- Thực hiện: TTYT huyện và TYT xã, có thể tăng cường thêm tuyến tỉnh hỗ trợ.

- Thời điểm: trước ngày ra quân Chiến dịch diệt lăng quăng ít nhất 1-2 ngày và có thể lồng ghép cùng với hoạt động điều tra chỉ số véc tơ trước ra quân Chiến dịch diệt lăng quăng.

- Biểu mẫu sử dụng: Phiếu khảo sát lăng quăng tại thực địa (mã số BMCTĐV 05-13); Phiếu tổng kết khảo sát lăng quăng tại thực địa (mã số BMCTĐV 04-13).

2.1.4. Tổ chức lễ ra quân thực hiện chiến dịch

- Bước 1: Tổ chức mít tinh với sự chủ trì của UBND xã với sự tham gia của Ban, ngành, đoàn thể (nòng cốt là Mặt trận tổ quốc, Cựu chiến binh, Thanh niên, Hội phụ nữ, Giáo dục, Công an...)

- Bước 2: Diễu hành 30 - 60 phút trên các trục lộ chính của xã/phường kèm sử dụng băng rôn, phát loa khẩu hiệu và phát tờ bướm theo kế hoạch.

- Bước 3: Vãng gia tại hộ dân: nhóm vãng phụ trách ấp nào, tập trung về ấp đó và vãng gia theo kế hoạch. Nhiệm vụ mỗi nhóm là:

+ Tuyên truyền, phát tờ rơi, dán áp phích,…: Tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân để phối hợp trong hoạt động phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Hướng dẫn các biện pháp diệt lăng quăng và vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng tại nhà: Đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng ngăn không cho muỗi bay vào đẻ trứng; Thả cá, Mesocyclop hoặc các tác nhân sinh học khác trong dụng cụ chứa nước; Lật úp các vật dụng chứa nước nhỏ như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm...; Thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên, nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn, đốt; Lọc nước loại bỏ lăng quăng/bọ gậy; Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, điều hòa: cho dầu hoặc muối vào để ngăn lăng quăng/bọ gậy phát triển; cọ rửa bằng bàn chải thành dụng cụ chứa nước sử dụng thường xuyên để diệt trứng muỗi bám trên bề mặt ít nhất 1 tuần/lần; Xử lý bằng hóa chất diệt ấu trùng muỗi ở những nơi đọng nước như: hố ga thoát nước, hốc cây, kẽ lá cây, bế cảnh và các ổ đọng nước khác; Kiểm tra các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các ổ lăng quăng được phát hiện; Ghi chép kết quả vãng gia.

2.2. Công tác phun hóa chất diệt muỗi chủ động

2.2.1. Công tác tổ chức

Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chủ trì, chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung sau:

- Chỉ đạo Đài Phát thanh huyện: Thực hiện tuyên truyền qua loa phát thanh với thời lượng 3 lần/ngày với nội dung: nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền, sự nguy hiểm và các biện pháp phòng bệnh Sốt xuất huyết Dengue.

- Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin: Tổ chức 1 tổ phát loa đi trước thông báo thời gian đoàn phun thuốc đến và những việc hộ gia đình trong vùng phun thuốc cần làm.

- Chỉ đạo Công an xã, lực lượng dân quân tự vệ: hỗ trợ đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự trong ngày triển khai chiến dịch.

+ Phun dọc theo các đường thẳng góc với hướng gió. Phun từ cuối gió và di chuyển ngược theo chiều gió.

+ Những khu vực có các đường song song cũng như vuông góc với hướng gió chỉ phun khi xe chạy ở đầu gió trên đường song song với hướng gió.

+ Tại những khu vực đường rộng, nhà cửa nằm cách xa trục đường, nên đẻ đầu vòi phun chếch về bên phải của xe và cho xe chạy sát lề đường.

+ Tại những nơi có đường hẹp, nhà cửa sát lề đường, đầu vòi phun nên chĩa thẳng về phía sau xe.

+ Đối với đường cụt thì phun từ ngõ cụt ra ngoài.

+ Đầu phun chếch 45° so với mặt phẳng ngang để hóa chất được phát tán tối đa.

2.3.2. Chuẩn bị máy phun đeo vai

Trạm y tế xã cử cán bộ thực hiện kiểm tra chỉ số Bréteau và mật độ muỗi trước & sau phun thuốc với sự giám sát của cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố .

- Đảm bảo cung cấp ít nhất từ 2-3 máy phun/huyện.

- Thành lập ít nhất từ 2-3 tổ phun thuốc, mỗi tổ bao gồm: 01 cán bộ giám sát và chịu kỹ thuật phun, 01 cán bộ y tế xã dẫn đường, 02 người chịu trách nhiệm phun thuốc (có thể thuê mướn tại địa phương).

Lưu ý: Cán bộ kỹ thuật pha hóa chất phải được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phun.

2.3.3. Kỹ thuật phun bằng máy phun ULV đeo vai

- Kỹ thuật phun bằng máy phun ULV đeo vai trong nhà: Phun theo nguyên tắc cuốn chiếu.

+ Máy phun: Kiểm tra nhiên liệu, kiểm tra đầu phun (sử dụng máy phun có đầu vòi phun ULV với kích thước hạt nhỏ hơn 30mm). Chạy máy để thử liều lượng phun.

+ Người đi mang máy đứng ở cửa ra vào hoặc cửa sổ, để chếch vòi phun khoảng 45°, không kê sát vòi phun vào vách hay các vật dụng trong nhà. Mỗi phòng (nhà) có diện tích từ 20 - 30m2 thời gian phun khoảng 5 - 10 giây với mức phun mạnh nhất.

+ Đối với phòng lớn thì phun theo kiểu đi giật lùi, từ trong ra ngoài, phòng nhỏ, phòng đơn chỉ cần chĩa vòi phun qua cửa chính hoặc qua cửa sổ mà không cần vào trong phòng.

+ Đối với nhà chung cư, nhà ở có nhiều tầng, nhiều phòng cần phun tất cả các phòng, các góc, cầu thang, sân thượng... với nguyên tắc phun từ tầng trên xuống tầng dưới, từ trong ra ngoài bằng cách đi giật lùi hết phòng này qua phòng khác. Khi di chuyển từ phòng này sang phòng kia giữ đầu vòi hướng lên trên để phần còn lại của thuốc được phát tán ra khu vực. Không chĩa đầu vòi xuống đất.

+ Không phun trực tiếp vào người và động vật nuôi.

+ Diện tích của từng nhà, từng phòng cần được tính ra mét vuông (m2) trên cơ sở đó tính lượng hóa chất cần có để pha thành dung dịch.

- Kỹ thuật phun bằng máy phun ULV đeo vai ngoài nhà: Người mang máy đi bộ bình thường với vận tốc khoảng 3-5 km/giờ, đi ngược hướng gió, hướng đầu phun về phía nhà cần phun. Phun ở tốc độ máy tối đa, hướng vòi phun lên 45° phun xung quanh nhà.

2.3.4. An toàn sau phun

- Sau khi phun xong phải xúc rửa bình đựng hóa chất, vòi phun và vệ sinh máy sạch sẽ bằng nước thường.

- Không được đổ nước rửa máy xuống nguồn nước (ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch..).

- Người đi phun xong phải vệ sinh cá nhân, loại trừ hóa chất bám dính trên quần áo, cơ thể.

- Hóa chất diệt muỗi sau khi pha chỉ được sử dụng trong vòng 72 giờ.

2.3.5. Can thiệp tăng cường

- Nếu chiến dịch KHÔNG ĐẠT chỉ tiêu đề ra, phải thực hiện lại chiến dịch diệt lăng quăng.

- Ngoài ra, nếu sau 02 tuần kể từ lúc kết thúc chiến dịch diệt lăng quăng, số ca mắc SXHD vẫn không giảm cần xem xét đến biện pháp Phun chủ động diện rộng kết hợp mở thêm đợt chiến dịch diệt lăng quăng tăng cường, có thể được thực hiện hàng tuần trong thời gian ổ dịch hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần vào những tháng cao điểm (tháng 4 đến tháng 11 hàng năm).

- Phun hóa chất chủ động diện rộng khi:

+ Số mắc SXHD cao hơn đường cong trung bình VÀ;

+ Chỉ số mật độ muỗi cao DI ≥0,5 con/nhà hoặc BI ≥30.

3. Công tác truyền thông

3.1. Công tác tổ chức truyền thông chiến dịch

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6), cụ thể:

- Thời gian: Các địa phương tăng cường thực hiện công tác truyền thông trước ngày 15/06/2022.

- Địa điểm thực hiện: tại 107/107 xã, phường, thị trấn.

- Hình thức truyền thông: truyền thông trực tiếp, truyền thông gián tiếp bằng nhiều hình thức, cụ thể:

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã quan tâm, chỉ đạo và huy động các Ban, ngành, tổ chức chính trị, cộng tác viên, y tế khóm ấp phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động tại các vùng có nguy cơ cao theo đúng quy định của Bộ Y tế1.

+ Kết hợp với với truyền thông ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết ngày 15/6/2022: Truyền thông các biện pháp phòng, chống Sốt xuất huyết hưởng ứng ngày ASEAN ngày 10/6/2022: treo băng rôn ở tất cả các Trạm Y tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và Bệnh viện. Hàng tuần Trạm Y tế truyền thông, nhắc nhở với cộng tác viên địa phương truyền thông trực tiếp với người dân khi đi vãng gia hộ gia đình.

+ Cấp phát tờ rơi/giấy cam kết cho các hộ gia đình tại các điểm triển khai chiến dịch.

+ Truyền thông trên loa phát thanh địa phương/ xe loa truyền thông trên các trục đường lớn (tùy vào điều kiện sẵn có của từng địa phương).

Lưu ý:

- Đối với 91 xã/phường/thị trấn không tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/phun hóa chất: thực hiện truyền thông qua loa phát thanh tại đại phương, trường học,…

- Đối với 16 xã/phường/thị trấn có tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất: thực hiện truyền thông qua các loa đài đại phương, xe loa kết hợp với phát tờ rơi trên các trục đường chính.

3.2. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng

3.2.1. Tuyến tỉnh, huyện

Phối hợp với các cơ quan thông tin tại địa phương bao gồm: đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và các phương tiện thông tin khác truyền thông về công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

3.2.2. Tuyến xã, phường, thị trấn

Tổ chức các buổi phổ biến kiến thức phòng chống sốt xuất huyết trong các trường học, các buổi họp dân, khẩu hiệu, tờ tranh, các cuốn sách nhỏ, thăm hỏi của cộng tác viên y tế, truyền thanh, các buổi chiếu video... bằng những thông tin đơn giản, dễ hiểu, minh họa rõ ràng. Tùy theo đối tượng nghe mà phổ biến các thông tin như:

- Tình hình SXHD trong nước, tại tỉnh, huyện hoặc xã về số mắc và chết trong một vài năm gần đây.

- Triệu chứng của bệnh, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.

- Nhận biết vòng đời, nơi sinh sản, trú đậu, hoạt động hút máu của muỗi truyền bệnh.

- Những biện pháp cụ thể, đơn giản mà mỗi người dân có thể tự áp dụng để loại bỏ ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh.

- Định ngày và thời gian thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

3.3. Công tác huy động cộng đồng

3.3.1. Đối với cộng đồng

- Vận động từng thành viên gia đình thực hiện các biện pháp thông thường phòng chống SXHD bao gồm loại bỏ các ổ lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, bảo vệ cá nhân không bị muỗi đốt.

- Phòng muỗi đốt: làm lưới chắn muỗi vào nhà. Thường xuyên ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài nếu có thể, nhất là đối với trẻ nhỏ.

- Xua, diệt muỗi: sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, hun khói bằng đốt vỏ cau, dừa hoặc lá cây. Treo mành tre, rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ hoặc sử dụng vợt điện...

3.3.2. Đối với cộng đồng

- Hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy cần sự tham gia tích cực của mỗi hộ gia đình, trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở của chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng của tất cả các tổ chức chính trị - chính trị xã hội.

- Tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần ở những tháng cao điểm để loại trừ nơi sinh sản của véc tơ nơi công cộng và tư nhân. Tuyên truyền rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, áp phích, tranh tuyên truyền, các cuốn sách nhỏ, mạng lưới cộng tác viên y tế, hoạt động của nhà trường. Đánh giá tình hình dịch và những kết quả tham gia của cộng đồng.

- Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về các biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của véc tơ ở nhà cũng như ở trường học. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về SXHD, các biện pháp phòng chống, động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp thiết thực.

- Khuyến khích các công ty thương mại, du lịch với tư cách là nhà tài trợ tham gia vào việc nâng cao cảnh quan và cải thiện môi sinh trong cộng đồng, làm giảm nguồn sinh sản của véc tơ truyền bệnh. Cần cho họ biết rằng kết quả phòng chống SXHD sẽ có tác động tốt đến kinh doanh và lợi nhuận của công ty.

- Kết hợp các hoạt động phòng chống SXHD với các lĩnh vực phát triển dịch vụ cộng đồng khác như: dịch vụ thu gom rác, cung cấp nước sinh hoạt... nhằm làm giảm nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

5. Công tác kiểm tra, giám sát

5.1. Giám sát trong chiến dịch (Do tuyến cao nhất tham gia chịu trách nhiệm thực hiện)

- Lập danh sách nhân sự cho các nhóm kiểm tra giám sát trong ngày chiến dịch. Mỗi nhóm giám sát tối thiểu có 2/3 tuyến thành phần (tỉnh - huyện - xã).

- Nhóm kiểm tra giám sát (tỉnh - huyện - xã) thực địa kiểm tra các đoàn tại nơi được phân công trong thời gian diễn ra chiến dịch.

- Giám sát 50% số ấp/xã triển khai, tập trung các nội dung: Tổ chức phân công, hoạt động vãng gia; Hoạt động diệt lăng quăng của nhóm vãng gia.

5.2. Đánh giá hiệu quả trước & sau chiến dịch (do TTYT huyện chịu trách nhiệm)

5.2.1. Đánh giá trước chiến dịch

- Lập nhóm điều tra côn trùng với thành phần tối thiểu phải có tuyến huyện.

- Điều tra các chỉ số côn trùng trước & sau chiến dịch 1 ngày theo quy trình điều tra côn trùng trước chiến dịch.

- Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả CDDLQ:

+ Trên 95% hộ gia đình được vãng gia trong ngày chiến dịch VÀ;

+ Chỉ số lăng quăng ĐẠT khi thỏa 1 trong 2 điều kiện sau: Chỉ số BI <20 (sau chiến dịch) hoặc Giảm trên 90% các chỉ số côn trùng so với trước khi ra quân CDDLQ.

5.2.2. Đánh giá sau chiến dịch

- Đánh giá hiệu quả: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố giám sát lại côn trùng để đánh giá hiệu quả chiến dịch gồm:

+ Chiến dịch diệt LQ: 03 chỉ số HI, CI, BI lăng quăng.

+ Phun hóa chất diệt muỗi: 03 chỉ số HI, CI, BI lăng quăng và 02 chỉ số HI, DI muỗi.

- Báo cáo kết quả: Các ấp báo cáo về xã ngay sau chiến dịch, xã tổng hợp báo về huyện sau 02 ngày, TTYT huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện chiến dịch về tỉnh sau 01 tuần.

5.2.3. Tổng kết, đánh giá

Sau chiến dịch các địa phương họp đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất ý kiến đóng góp để chiến dịch lần sau đạt hiệu quả hơn.

6. Công tác thống kê, báo cáo

Các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện báo cáo chiến dịch trong vòng 14 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động của mỗi đợt theo mẫu quy định của chương trình phòng, chống Sốt xuất huyết và giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo tổng kết chiến dịch gửi về Sở Y tế theo quy định và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện để đáp ứng tình hình dịch (nếu có).

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện theo Quyết định số 564/QĐ-UBND ngày 23/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (chương trình phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue - Zika - Chikungunya năm 2022).

Lưu ý: Ngoài kinh phí được cấp theo Kế hoạch, các chi phí khác liên quan đến chiến dịch, đề nghị Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, bố trí theo phân cấp ngân sách hiện hành.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đến các UBND huyện/thị xã/thành phố: Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/ bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy.

2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

- Lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện chiến dịch diệt Lăng quăng, phun thuốc.

- Xây dựng kế hoạch tham mưu Sở Y tế, thực hiện các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya tuyên truyền cho người dân về lợi ích của chiến dịch diệt Lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi.

- Kết hợp TTYT thành phố, thị, huyện tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng, phun thuốc và các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết và Zika.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.

3. Phòng Y tế

- Tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND xã phường trực tiếp chỉ đạo cũng như phối hợp các ban ngành đoàn thể cùng tham gia chiến dịch.

- Tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện chiến dịch phát sinh (nếu có).

- Phối hợp với TTYT giám sát thực hiện, đánh giá hiệu quả chiến dịch.

4. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch cụ thể và tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt và triển khai theo quy định.

- Kết hợp kiểm tra giám sát thực hiện, đánh giá hiệu quả chiến dịch.

- Tổng hợp báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sau chiến dịch (2 tuần).

5. Trạm Y tế

- Chính quyền giữ vai trò nòng cốt, tổ chức chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp tham gia triển khai thực hiện theo kế hoạch và hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện.

- Trạm Y tế xã lên kế hoạch, đóng vai trò làm tham mưu về kỹ thuật khi triển khai trên địa bàn.

- Cộng tác viên, Y tế khóm ấp, tổ trưởng tổ tự quản đóng vai trò chủ chốt hướng dẫn và thực hiện các biện pháp loại bỏ lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi.

- Phối hợp với các trường học, Hội chữ thập đỏ, phụ nữ, đoàn thanh niên, dân phòng, tổ tự quản, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên...cùng tham gia thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng theo kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

Chủ trì, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung chiến dịch theo Kế hoạch trên địa bàn.

Đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch cho công tác diệt lăng quăng, thuê mướn người phun hóa chất.

7. Các Ban, ngành, đoàn thể các cấp

Phối hợp ngành y tế trong việc thực hiện Kế hoạch chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động và truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022.

Trên đây là Kế hoạch chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động và truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (báo cáo);
- Cục Y tế Dự phòng (báo cáo);
- Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (báo cáo);
- Thường trực UBND, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể (p/h thực hiện);
- UBND huyện, thị xã, thành phố (p/h chỉ đạo);
- Đài PTTH Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long;
- Các đơn vị trực thuộc Sở (thực hiện);
- Lưu VT, NV.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC





Hồ Thị Thu Hằng

 



1 Công văn số 2129/BYT-DT ngày 27/04/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống Sốt xuất huyết.