Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1183/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 06 tháng 05 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHUNG VỀ MÔ HÌNH KHU NGHĨA TRANG NHÂN DÂN KIỂU MẪU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH, GIAI ĐOẠN 2019-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng;
Căn cứ Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành quy định phân cấp quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Thái Bình của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình;
Căn cứ Quyết định số 3005/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phê duyệt đề án quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân theo mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 40/TTr-SXD ngày 22/4/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định khung về mô hình khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2019-2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
KHUNG VỀ MÔ HÌNH KHU NGHĨA TRANG NHÂN DÂN KIỂU MẪU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH, GIAI ĐOẠN 2019-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 06/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy khung về mô hình khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2019-2025.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các xã trên địa bàn tỉnh Thái bình.
b) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng, sử dụng đánh giá, xét công nhận khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện.
1. Tuân thủ các quy định của Nhà nước và của tỉnh về đầu tư, đất đai và xây dựng.
2. Các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu phải bảo đảm đủ các chỉ tiêu, yêu cầu tại Quy định này.
3. Đánh giá, xét công nhận nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu được tổ chức hằng năm đối với xác nghĩa trang đủ điều kiện đạt chuẩn tại Quy định này
Chương II
QUY ĐỊNH KHUNG VỀ MÔ HÌNH KHU NGHĨA TRANG NHÂN DÂN KIỂU MẪU
Điều 3. Quy định về lựa chọn địa điểm đầu tư.
1. Yêu cầu về địa điểm xây dựng nghĩa trang.
a. Khi lựa chọn địa điểm nghĩa trang, phải nghiên cứu khả năng phục vụ cho một xã, thị trấn (hoặc cụm xã, trị trấn);
b. Nghĩa trang xây dựng mới phải bố trí ở ngoài đô thị, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường;
c. Chú trọng lựa chọn mở rộng nghĩa trang hiện có.
2. Yêu cầu về tổng mặt bằng nghĩa trang:
a. Mặt bằng nghĩa trang phải đảm bảo đất bố trí cho các khu vực: mai táng, hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ khu mộ hung táng, đường đi, nhà quản trang, nhà tiếp linh, sân hành lễ, cây xanh, hàng rào thích hợp và hệ thống biển báo để nhận biết mộ chí.
b. Đối với nghĩa trang hỗn hợp, phải có các khu vực mai táng khác nhau (hung táng, cát táng, hỏa táng), khu vực dành riêng cho trẻ em, tôn giáo...
c. Công trình nghĩa trang phải đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo quy định tại QCVN 10:2014/BXD.
3. Khoảng cách an toàn về môi trường (Theo QCXDVN 01:2008):
Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở... được quy định như sau:
a. Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu của nghĩa trang hung táng là 1.500m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng;
b. Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu của nghĩa trang cát táng là 100m.
Điều 4. Quy định về diện tích
Căn cứ vào TCVN 4454:2012 diện tích đất nghĩa trang được xác định trên cơ sở Tỷ lệ tử vong tự nhiên và Diện tích đất xây dựng cho một mộ phần, từ đó có thể tính toán xác định mỗi xã cần 01 khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu có diện tích từ 1-2,0 ha/xã (hoặc 2-4 ha/ cụm xã) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nghĩa trang của nhân dân.
Điều 5. Quy định về cơ cấu sử dụng đất
1. Diện tích nghĩa trang bao gồm diện tích đất dành cho các loại hình táng, các công trình chức năng, phụ trợ và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
2. Tỷ lệ sử dụng đất (tính trên tổng diện tích đất) nghĩa trang (Theo Mục 2.2.2, QCVN 07-10:2016/BXD):
a. Diện tích khu đất mai táng tối đa 60 %;
b. Các công trình chức năng và hạ tầng kỹ thuật tối thiểu 40 %, trong đó diện tích cây xanh tối thiểu 25 %, giao thông chính tối thiểu 10 %.
Điều 6. Quy định về kích thước mộ và đường giao thông nội bộ. (Theo QCVN 07-10:2016/BXD)
1. Diện tích đất sử dụng cho mỗi mộ (không tính diện tích đường đi xung quanh mộ):
a. Mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa 5 m2/mộ;
b. Mộ cát táng tối đa 3 m2/mộ;
c. Mộ chôn cất lọ tro cốt sau hỏa táng tối đa 3 m2/mộ;
d. Thể tích ô để lọ tro cốt hỏa táng tối đa là 0,125 m3/ô.
2. Kiến trúc, cảnh quan môi trường.
a. Nghĩa trang được chia thành các khu/lô mộ. Các khu/lô mộ được giới hạn bởi các đường đi bộ. Trong mỗi khu/lô mộ được chia ra thành các nhóm mộ. Trong mỗi nhóm mộ có các hàng mộ.
b. Kích thước mộ và huyệt mộ tối đa:
- Mộ hung táng hoặc chôn cất 1 lần:
+ Kích thước mộ (dài x rộng x cao): 2,4 m x 1,4 m x 0,8 m;
+ Kích thước huyệt mộ (dài x rộng x sâu): 2,2 m x 0,9 m x 1,5 m.
- Mộ cát táng và mộ chôn cất lọ tro cốt sau hỏa táng:
+ Kích thước mộ (dài x rộng x cao): 1,5 m x 1 m x 0,8 m;
+ Kích thước huyệt mộ (dài x rộng x sâu): 1,2 m x 0,8 m x 0,8 m.
+ Kích thước ô để lọ tro cốt hỏa táng (dài x rộng x cao): 0,5 m x 0,5 m x 0,5 m.
c. Chiều rộng lối đi trong nghĩa trang:
- Trục giao thông chính (đường phân khu) tối thiểu là 7 m;
- Đường giữa các lô mộ (đường phân lô) tối thiểu là 3,5 m;
- Lối đi bên trong các lô mộ (đường phân nhóm) tối thiểu là 1,2 m;
- Khoảng cách lối đi giữa hai hàng mộ liên tiếp tối thiểu là 0,8 m;
- Khoảng cách giữa 2 mộ liên tiếp cùng hàng tối thiểu là 0,6 m.
d. Các biển, bảng hướng dẫn người đi thăm mộ phải bố trí tại mỗi nhóm mộ, lô mộ.
e. Hình thức mộ, bia mộ, hàng rào trong các khu mộ, hướng mộ của nghĩa trang phải được xây dựng thống nhất theo thiết kế trong dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt.
g. Thu gom và xử lý chất thải
- Thu gom và xử lý chất thải rắn:
+ Trong nghĩa trang phải đặt các thùng rác công cộng, điểm tập kết chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo môi trường.
+ Các chất thải có liên quan đến người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc thi hài đã bị thối rữa phải được xử lý theo quy định của Bộ Y tế về xử lý chất thải y tế lây nhiễm.
- Thu gom và xử lý nước thải:
+ Nghĩa trang phải có hệ thống thoát nước riêng cho nước mặt, nước thải, nước thấm từ huyệt mộ. Hệ thống thoát nước phải tính đến điều kiện biến đổi khí hậu (thường xuyên bị ngập lụt, triều cường, nước biển dâng).
+ Nếu cấu tạo địa chất không bảo đảm chống thấm nước (hệ số thấm lớn hơn 10-6 cm/s và chiều dày lớp đất chống thấm nhỏ hơn 5 m) thì phải có giải pháp kỹ thuật chống thấm và thu gom nước thấm từ các mộ hung táng để xử lý tập trung hợp vệ sinh, trước khi thải xả ra môi trường. Vị trí khu xử lý nước thải của khu mộ hung táng phải đặt ở hạ lưu nguồn tiếp nhận nước thải, nơi có địa hình thấp nhất của nghĩa trang.
+ Nước thải từ nghĩa trang phải được thu gom, xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải.
Điều 7. Điều khoản thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về sở Xây dựng để nghiên cứu, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Kế hoạch 7854/KH-UBND năm 2014 triển khai xây dựng mô hình chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2Quyết định 41/2018/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ cảng, nhà ga đối với cảng biển do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 3Kế hoạch 476/KH-UBND năm 2018 về Bộ tiêu chí và thực hiện xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020
- 1Quyết định 3005/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân theo mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 2Kế hoạch 7854/KH-UBND năm 2014 triển khai xây dựng mô hình chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng
- 5Quyết định 08/2017/QĐ-UBND về Quy định phân cấp Quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 6Quyết định 41/2018/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ cảng, nhà ga đối với cảng biển do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 7Kế hoạch 476/KH-UBND năm 2018 về Bộ tiêu chí và thực hiện xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020
Quyết định 1183/QĐ-UBND năm 2019 quy định khung về mô hình khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2019-2025
- Số hiệu: 1183/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/05/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Đặng Trọng Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra