Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập
- Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1180/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 21 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÂNG CAO THU NHẬP CHO NÔNG DÂN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ kết quả phiên họp thường kỳ tháng 4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, họp ngày 24/4/2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Văn bản số 672/SNN&PTNT-KHTC ngày 24/4/2020 về việc đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh cho chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua chính sách đề nghị xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Với các nội dung cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

- Đối với chính sách phát triển nông nghiệp: HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại (gọi chung là Người sản xuất).

- Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, Tổ hợp tác (gọi chung là tổ chức); hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh (gọi chung là cá nhân).

- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ và các văn bản pháp lý có liên quan; đồng thời đảm bảo các nguyên tắc:

- Ưu tiên các ngành hàng, sản phẩm quan trọng, chủ lực của tỉnh, sản phẩm thuộc chương trình OCOP.

- Khuyến khích các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

4. Điều kiện hỗ trợ

- Căn cứ vào quy mô, diện tích đối với từng nội dung hỗ trợ được quy định.

- Các Văn bản pháp lý khác có liên quan đến từng lĩnh vực như: Luật đầu tư công, Luật Thương mại,… các Nghị định, Thông tư liên quan và các quy chuẩn kỹ thuật.

5. Nội dung chính sách

5.1. Cơ chế chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập người nông dân

a) Chính sách 1: Thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hàng năm khác thành vùng tập trung, quy mô lớn

- Phân loại chính sách: Chính sách đặc thù của tỉnh.

- Mục tiêu chính sách: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây hàng năm khác sang cây lâu năm thành vùng tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mở rộng mô hình sản xuất theo hình thức tập trung quy mô lớn, tạo thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, thúc đẩy liên kết sản xuất.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương; tạo thuận lợi, đảm bảo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác và nâng cao thu nhập cho nông dân.

- Nội dung của chính sách: Hỗ trợ Người sản xuất chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây hàng năm khác sang cây lâu năm thành vùng tập trung, quy mô lớn.

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, tổ chức, triển khai các chính sách hỗ trợ Người sản xuất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho Người sản xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành vùng sản xuất hàng hóa.

 Huy động nguồn lực từ Người sản xuất và các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Khuyến khích HTX, Tổ hợp tác kiểu mới tại các vùng chuyển đổi để thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có thể dễ dàng thực hiện.

b) Chính sách 2: Cơ cấu lại giống nông, lâm nghiệp, thủy sản

- Phân loại chính sách: Chính sách đặc thù của tỉnh, tiếp tục kế thừa chính

- Mục tiêu chính sách: Hỗ trợ Người sản xuất tiếp cận giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế góp phần cải thiện chất lượng giống nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

- Nội dung của chính sách:

(1). Hỗ trợ giống lúa chất lượng cho Người sản xuất.

(2). Hỗ trợ trồng cây dược liệu.

(3). Hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên đất trồng rừng sau khai thác.

(4). Hỗ trợ mua lợn nái ngoại hậu bị cấp bố mẹ.

(5). Hỗ trợ liều tinh lợn ngoại cho các hộ chăn nuôi lợn để thụ tinh nhân tạo.

(6). Hỗ trợ liều tinh bò và vật tư thụ tinh nhân tạo.

(7). Hỗ trợ nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực, đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế.

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, tổ chức, triển khai các chính sách hỗ trợ Người sản xuất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp cận hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tích cực đổi mới tổ chức, hợp tác sản xuất; phát triển các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản quy mô lớn, chuyên môn hóa: Trang trại, hợp tác xã.

Tăng đầu tư sự nghiệp kinh tế cho phát triển, ứng dụng giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có thể dễ dàng thực hiện.

c) Chính sách 3: Phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi

- Phân loại chính sách: Chính sách thực hiện theo quy định của Trung ương.

- Mục tiêu của chính sách: Hỗ trợ người sản xuất trong công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất, ổn định thu nhập và đời sống nông dân.

- Nội dung của chính sách:

(1). Hỗ trợ kinh phí mua các loại vắc xin tiêm phòng cho GSGC và thuốc sát trùng để khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi.

(2). Hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với chăn nuôi bò sữa, lợn, gà.

(3). Hỗ trợ xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Sử dụng các loại hóa chất, vắc-xin trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có thể dễ dàng tham gia, thụ hưởng.

d) Chính sách 4: Hạ tầng, thiết bị và máy móc

- Phân loại chính sách: Chính sách đặc thù của tỉnh, tiếp tục kế thừa chính

- Mục tiêu của chính sách: Hỗ trợ Người sản xuất nông nghiệp xây dựng hạ tầng hiện đại, mua máy móc, thiết bị nông nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Nội dung của chính sách:

(1). Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi lợn, bò sữa.

(2). Hỗ trợ nguyên vật liệu kè bờ và đổ bê tông bờ ao, hồ nuôi trồng thủy sản.

(3). Hỗ trợ máy nông nghiệp, thủy sản.

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.

Tập trung, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ hạ tầng theo vùng sản xuất trọng điểm, các ngành hàng chủ lực.

Ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có thể dễ dàng tham gia, thụ hưởng.

đ) Chính sách 5: Khoa học & công nghệ, công nghệ cao

- Phân loại chính sách:

Chính sách đặc thù của tỉnh, tiếp tục kế thừa chính sách của giai đoạn trước (hỗ trợ xuất rau an toàn theo VietGAP; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ tư vấn, chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, HACCP trong chế biến nông sản, thực phẩm); hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ hệ thống tưới tiết kiệm cho cây ăn quả.

Chính sách thực hiện theo quy định của Trung ương: Hỗ trợ sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa các loại theo hướng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao.

- Mục tiêu của chính sách: Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cho Người sản xuất.

- Nội dung của chính sách:

(1). Hỗ trợ sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ.

(2). Hỗ trợ sản xuất rau an toàn theo VietGAP.

(3). Hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nông nghiệp, thủy sản.

(4). Hỗ trợ tư vấn, chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000; HACCP trong chế biến nông sản, thực phẩm.

(5). Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa các loại theo hướng công nghệ cao.

(6). Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao

(7). Hỗ trợ đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao

(8). Hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ hệ thống tưới tiết kiệm cho cây ăn quả.

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Tiếp cận hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

Mở rộng đối tượng tiếp cận hỗ trợ nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cho khu vực tư nhân (trang trại, HTX,…).

Ưu tiên đầu tư vào việc tăng chất lượng giống, công nghệ kỹ thuật cao, công nghệ sạch, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, nâng cao kỹ năng người sản xuất. Tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học chính sách, thể chế phục vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có thể dễ dàng tham gia, thụ hưởng.

5.2. Cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) : Hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP

- Phân loại chính sách: Chính sách đặc thù của tỉnh (xây dựng mới).

a) Chính sách 1: Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến để sản xuất sản phẩm OCOP

- Mục tiêu của chính sách: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình OCOP áp dụng tiêu chuẩn, hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến để tạo ra các sản phẩm an toàn nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

- Nội dung của chính sách: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến.

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, tổ chức, triển khai chính sách hỗ trợ Người sản xuất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp cận hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP, có sản phẩm đạt chất lượng; phát triển sản xuất ngành hàng chủ lực, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có thể dễ dàng thực hiện.

b) Chính sách 2: Hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP

- Mục tiêu của chính sách: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trong quảng bá giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tham gia trong chuỗi cung ứng của sản phẩm.

- Nội dung của chính sách:

(1). Hỗ trợ mở trang website riêng quảng cáo bán hàng.

(2). Hỗ trợ chi phí vận chuyển tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm, xúc tiến thương mại

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, tổ chức, triển khai các chính sách hỗ trợ Người sản xuất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp cận hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP, có sản phẩm đạt chất lượng quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân có thể dễ dàng thực hiện.

5.3. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại

- Mục tiêu của chính sách: Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, Người sản xuất về tầm quan trọng của đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất hàng hóa. Khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân, Người sản xuất đăng ký và thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; cải tiến mẫu mã bao bì, tem nhãn sản phẩm phù hợp với quy định và thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Nội dung của chính sách: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, Người sản xuất thực hiện sản xuất, chế biến nông sản an toàn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

- Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn:

Tích cực tuyên truyền, triển khai chính sách.

Ưu tiên hỗ trợ các chuỗi ngành hàng chủ lực có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đơn giản hóa tối đa các bước tiếp cận chính sách để Người sản xuất, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tham gia, thụ hưởng.

6. Kinh phí và thời gian thực hiện

a) Kinh phí: Dự kiến trong 5 năm 2021-2025 là 820 tỷ đồng.

b) Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh; trong đó dự kiến: Nguồn đầu tư phát triển 150 tỷ đồng, nguồn sự nghiệp kinh tế: 670 tỷ đồng.

c) Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2025;

d) Thời gian dự kiến trình tại kỳ họp giữa năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các thủ tục và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận đề nghị xây dựng Nghị quyết theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1180/QĐ-UBND năm 2020 thông qua chính sách xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 1180/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Khước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản