Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1174/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 08 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHỔ BIẾN NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 452/QĐ-BTP ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân giai đoạn 2015 - 2020”;

Xét Tờ trình số 895/TTr-STP ngày 19/6/2015 của Giám đốc Sử Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ lịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (b/c);
- TTTU; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UDND tỉnh;
- Như Điều 3;
- CVP, PVPNC;
- Lưu: VT, NCNC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHỔ BIẾN NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh)

Thực hiện Quyết định số 452/QĐ-BTP ngày 11/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân giai đoạn 2015 - 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức tinh thần, nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (sau đây gọi tắt là Công ước ICCPR), các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các luật do Quốc hội ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, từ đó tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền dân sự, chính trị của con người và công dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu đến năm 2020, có 60 - 70% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ở các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh được phổ biến, bồi dưỡng nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để lồng ghép trong quá trình thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, giảng dạy pháp luật trong nhà trường ở địa phương;

b) Phấn đấu đến năm 2020, có 70 - 80% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được phổ biến, nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để vận dụng trong thực thi công vụ;

c) Những nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành được phổ biến sâu rộng đến Nhân dân địa phương bằng nhiều hình thức phù hợp, giúp Nhân dân hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ về dân sự, chính trị, đồng thời giám sát việc thực hiện những quyền này, phát hiện hành vi vi phạm, qua đó tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN

1. Đối tượng

a) Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh;

b) Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên báo chí viết về pháp luật, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ở các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh;

2. Nội dung phổ biến

a) Nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR;

b) Các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các luật do Quốc hội ban hành.

c) Tình hình thực hiện các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và pháp luật, những thành tựu đạt được của Việt Nam về bảo đảm quyền dân sự, chính trị.

3. Hình thức, biện pháp phổ biến

a) Tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ, cụ thể nhu cầu phổ biến Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các luật do Quốc hội ban hành (khảo sát trực tiếp và khảo sát qua phiếu) tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, để qua đó xác định nhu cầu, hình thức, mô hình phổ biến hiệu quả.

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

+ Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan ở cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

+ Thời gian thực hiện: Năm 2015 và năm 2016.

b) Tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm; trên cơ sở kết quả cuộc thi, xây dựng video clip các tiểu phẩm đạt giải phục vụ việc đẩy mạnh phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị trên Đài phát thanh - truyền hình, tuyên truyền lưu động.

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

+ Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan ở địa phương, UBND các huyện, thành phố.

+ Thời gian thực hiện: Năm 2016 và năm 2017.

c) Tiếp nhận và phát hành các tài liệu (do Trung ương cấp phát) để phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các luật do Quốc hội ban hành. Cụ thể, tổ chức tiếp nhận, nhân bản, phát hành các tài liệu của Trung ương gửi về để phục vụ các Sở, ngành, địa phương trong phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các luật do Quốc hội ban hành, bao gồm: Sách tìm hiểu, hỏi đáp pháp luật, tờ gấp phổ biến pháp luật dành cho đối tượng khác nhau; tài liệu tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở cơ sở.

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

+ Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành tỉnh.

+ Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm theo quy định của Đề án.

d) Tổ chức và tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức về nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành; nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên, giảng viên...

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

+ Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Trà Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2015 đến năm 2017.

đ) Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành, phản ánh tình hình thực hiện pháp luật về quyền dân sự, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở của địa phương.

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông.

+ Cơ quan phối hợp: Các cơ quan báo chí của địa phương.

+ Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.

e) Tổ chức chỉ đạo điểm thực hiện Đề án tại một số địa bàn cấp xã đại diện cho các vùng thuộc đô thị, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên những xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các xã nghèo theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

Việc chọn các xã nghèo trên địa bàn tỉnh để thực hiện chỉ đạo điểm theo yêu cầu của Đề án do Sở Tư pháp lựa chọn, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi tổ chức chỉ đạo điểm thực hiện Đề án, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương (nơi chỉ đạo điểm) tập trung thông qua các hình thức, biện pháp phổ biến sau đây:

- Tổ chức phổ biến trực tiếp cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng và nhân dân thông qua sinh hoạt ấp, khóm, tổ dân phố hoặc các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, v.v...

- Thực hiện thông qua hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở liên quan đến việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị của nhân dân;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trực quan qua các hình thức như tranh in cổ động, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, phát các tờ gấp, tài liệu tuyên truyền, v.v...

- Tổ chức các chương trình truyền thông, phổ biến thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; các tiểu phẩm pháp luật; thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa;

- Có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tài liệu, sách báo nhằm tăng cường năng lực, kỹ năng phổ biến cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng tại địa bàn chỉ đạo điểm.

+ Cơ quan đồng chủ trì: Sở Tư pháp và UBND xã, phường, thị trấn (nơi thực hiện chỉ đạo điểm);

+ Cơ quan phối hợp: Phòng Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn huyện, thành phố (nơi có xã, phường, thị trấn được chọn chỉ đạo điểm);

+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến hết năm 2020.

g) Tổ chức phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành trong các cơ sở giáo dục quốc dân, trong trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Cụ thể như sau:

- Tổ chức biên soạn, phát hành tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật liên quan đến quyền dân sự, chính trị trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phù hợp với nội dung giáo dục pháp luật đối với từng cấp học và trình độ đào tạo; hướng dẫn tổ chức và làm điểm tổ chức một số hình thức phổ biến phù hợp trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

+ Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo; các Trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2015 đến hết năm 2017.

- Tổ chức biên soạn, phát hành tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật, giáo dục công dân trong trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; hướng dẫn tổ chức và làm điểm tổ chức một số hình thức phổ biến phù hợp cho phạm nhân, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc trên địa bàn tỉnh.

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

+ Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh.

+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2015 đến năm 2017.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm

a) Sở Tư pháp

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể 5 năm và kế hoạch chi tiết hàng năm của từng cơ quan, tổ chức để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, đồng thời gửi chương trình, kế hoạch tổng thể 5 năm (2015 - 2020), kế hoạch chi tiết hàng năm của cơ quan, tổ chức về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để theo dõi, chỉ đạo.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch này theo định kỳ hàng năm (trước ngày 20 tháng 11) và tổng kết 5 năm việc thực hiện Kế hoạch này (trong tháng 10 năm 2020), để UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

b) Các Sở, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và UBND các huyện - thành phố

Hàng năm, căn cứ Đề án, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và nội dung nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, thủ trưởng các Sở, ban - ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc tổ chức triển khai thực hiện những nội dung công việc có liên quan được giao tại Kế hoạch này; định kỳ 06 tháng, hàng năm báo kết quả thực hiện Đề án về Sở Tư pháp, để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh

Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở xã, phường, thị trấn tích cực vận động Nhân dân tự giác tìm hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về quyền dân sự, chính trị kết hợp với đẩy mạnh việc giám sát hoạt động thi hành pháp luật về quyền dân sự, chính trị của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

d) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh: chỉ đạo, hướng dẫn việc phổ biến pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thông qua các hoạt động truy tố, xét xử.

2. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài trợ khác (nếu có).

b) Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được phân công, Sở Tư pháp có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch tổng hợp chung trong dự toán của cơ quan, gửi Sở Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

c) Căn cứ vào nhiệm vụ dược giao tại Kế hoạch này, hàng năm, các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Trà Vinh, UBND huyện, thành phố chỉ đạo bộ phận chuyên môn lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch cùng với dự toán hằng năm của cơ quan, tổ chức, địa phương, gửi Sở Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách.

Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện - thành phố kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1174/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công, viên chức và Nhân dân giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

  • Số hiệu: 1174/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Kim Ngọc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản