Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1158/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA, KHẢO SÁT CÔNG TÁC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;

Căn cứ Quyết định số 79/2011/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về kiểm soát thủ tục hành chính trân địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 80/2011/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 trên địa bàn Thành phố;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1079/TTr-STP ngày 06 tháng 3 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- UBMTTQ TP và các thành viên (6);
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: các PVP;
- Cục Thuế TP;
- Công an TP;
- Bảo hiểm xã hội TP;
- Sở Tài chính;
- Sở Tư pháp (Phòng Kiểm soát TTHC);
- Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố;
- TT Công báo TP, TT Tin học TP;
- Sở Thông tin và Truyền thông (trang web TP);
- Lưu: VT, (CCHC/Đ). 80

CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, KHẢO SÁT CÔNG TÁC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2014 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, nhất là việc rà soát, đánh giá tác động, công bố, công khai thủ tục hành chính;

b) Kiểm tra, khảo sát các mô hình liên thông hiện đang áp dụng tại các cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm hoặc nhân rộng áp dụng trên phạm vi toàn thành phố;

c) Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp tự đặt ra thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu đối với cá nhân, tổ chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính;

d) Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời có giải pháp tháo gỡ; biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả;

đ) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính mà trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính.

2. Yêu cầu:

a) Công tác kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo các nội dung kiểm tra theo Điều 1 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP;

b) Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, xác định công tác kiểm soát thủ tục hành chính là công việc trọng tâm, thường xuyên và liên tục trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Công tác chỉ đạo, điều hành về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị:

a) Việc triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 (Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố);

b) Việc kiện toàn và thực hiện hỗ trợ tài chính cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính;

c) Các nội dung khác có liên quan đến hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

2. Thực hiện đánh giá tác động dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính đối với các Sở, ban, ngành Thành phố.

3. Thực hiện rà soát, công bố, công khai thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị.

4. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị:

a) Việc tuân thủ quy định thủ tục hành chính đã được công bố, niêm yết công khai trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức (kiểm tra thực tế hồ sơ giải quyết ở một số lĩnh vực);

b) Việc giải quyết thủ tục hành chính: tổng số hồ sơ đã tiếp nhận; tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn; tổng số hồ sơ giải quyết trễ hạn - nguyên nhân chủ quan, khách quan.

c) Việc thực hiện mô hình liên thông nhóm thủ tục hành chính đang áp dụng tại các cơ quan, đơn vị.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công tác truyền thông phục vụ cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.

6. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ, Quyết định số 80/2011/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố):

a) Việc công khai địa chỉ cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; thư điện tử; website; email; số điện thoại chuyên dùng tại trụ sở cơ quan hành chính;

b) Việc xử lý phản ánh, kiến nghị được chuyển đến để xử lý theo thẩm quyền (gồm tổng số phản ánh, kiến nghị được chuyển đến; tổng số phản ánh, kiến nghị đã xử lý; sổ phản ánh, kiến nghị chưa xử lý - nguyên nhân).

7. Những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị:

Nêu cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; đề xuất giải pháp khắc phục (nếu thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân Thành phố); kiến nghị đối với thẩm quyền của Trung ương.

III. THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA:

1. Thành phần Đoàn kiểm tra, gồm:

- Lãnh đạo Sở Tư pháp (Trưởng đoàn), Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp;

- Đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố;

- Đại diện Sở Nội vụ;

- Đại diện một số Sở, ngành có liên quan.

2. Thành phần cơ quan, đơn vị được kiểm tra, gồm:

- Đối với Sở, ngành: Giám đốc (hoặc Phó Giám đốc), Trưởng phòng Pháp chế (hoặc Chánh Văn phòng), cán bộ đầu mối phụ trách công tác kiểm soát thủ tục hành chính và các phòng ban có liên quan.

- Đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch), Trưởng Phòng Tư pháp, Chánh Văn phòng (hoặc Phó Chánh Văn phòng phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả), cán bộ đầu mối phụ trách công tác kiểm soát thủ tục hành chính và và các phòng ban có liên quan.

IV. CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TRA, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN

1. Cơ quan, đơn vị được kiểm tra và thời gian dự kiến: Theo Phụ lục đính kèm.

Ngoài các đơn vị được kiểm tra theo Kế hoạch, Đọàn kiểm tra có thể thực hiện việc kiểm tra đột xuất tại một số cơ quan, đơn vị có phản ánh, kiến nghị trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức hoặc qua thông tin báo chí...

2. Địa điểm: Tại trụ sở các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Xây dựng Kế hoạch kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát thủ tục hành chính chi tiết trên cơ sở của Kế hoạch này;

b) Phối hợp với Sở, ngành có liên quan trong việc cử người tham gia Đoàn kiểm tra; ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra;

c) Hướng dẫn theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được kiểm tra thực hiện việc báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác kiểm tra;

d) Tổ chức kiểm tra thực tế tại các cơ quan, đơn vị theo nội dung Kế hoạch chi tiết và tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố sau khi kết thúc thời gian thực hiện kiểm tra.

2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong Đoàn kiểm tra:

a) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong quá trình thực hiện kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính;

b) Cử cán bộ, công chức tham gia Đoàn kiểm tra đúng thành phần.

3. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được kiểm tra:

a) Báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra;

b) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

c) Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận của Đoàn kiểm tra; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các thiếu sót (nếu có) trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị.

4. Trách nhiệm của Sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện:

a) Sở, ban, ngành Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các phòng ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc.

b) Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các phòng ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thuộc quận, huyện.

c) Báo cáo kết quả kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính về Sở Tư pháp để theo dõi.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Giao Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn Sở Tư pháp sử dụng kinh phí hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 và quyết toán kinh phí theo quy định để thực hiện Kế hoạch này./.

 

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

STT

ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TRA

THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA

I. DỰ KIẾN KIỂM TRA TRONG THÁNG 5 NĂM 2014

1

Sở Giao thông vận tải

Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Kiểm soát TTHC; đại diện Văn phòng UBND Thành phố; Sở Nội vụ và Sở, ngành có liên quan

2

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

nt

3

Sở Quy hoạch - Kiến trúc

nt

4

Ban Quản lý Khu Nam

nt

5

Ủy ban nhân dân Quận 3

nt

6

Ủy ban nhân dân Quận 6

nt

7

Ủy ban nhân dân Quận 9

nt

8

Ủy ban nhân dân Quận 12

nt

9

Ủy ban nhân dân quận Tân Phú

nt

10

Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè

nt

II. DỰ KIẾN KHẢO SÁT TRONG THÁNG 8 NĂM 2014

1

Cục Thuế Thành phố

Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Kiểm soát TTHC; đại diện Văn phòng UBND Thành phố, Sở Nội vụ và Sở, ngành có liên quan

2

Công an Thành phố và Công an một số quận, huyện

nt

3

Bảo hiểm xã hội Thành phố và Bảo hiểm xã hội một số quận, huyện

nt

III. DỰ KIẾN KIỂM TRA TRONG THÁNG 9 NĂM 2014

1

Sở Nội vụ

Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Kiểm soát TTHC, đại diện Văn phòng UBND Thành phố, Sở Nội vụ và Sở, ngành có liên quan.

2

Sở Khoa học và Công nghệ

nt

3

Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy

nt

4

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

nt

5

Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận

nt

6

Ủy ban nhân dân Quận 7

nt

7

Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh

nt

8

Ủy ban nhân dân quận Gò vấp

nt

9

Ủy ban nhân dân quận Tân Bình

nt

10

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ

nt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1158/QĐ-UBND về Kế hoạch kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 1158/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/03/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 13/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản