Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1152/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 59/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa IX) về nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài nguyên - Môi trường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ban VH-XH HĐND tỉnh;
- Các ban, ngành đoàn thể tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC/KGVX. Thg (03).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1152/QĐ-UBND-HC ngày 11 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ CỦA ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Thực hiện Chương trình hành động số 188-CTr/TU ngày 28 tháng 12 năm 2013 của Tỉnh ủy Đồng Tháp về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, chất lượng GDĐT tỉnh nhà đã có một số chuyển biến tích cực: Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX và Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giữa thành thị và nông thôn trong tỉnh; một số chỉ tiêu địa phương thực hiện vượt mặt bằng chung của khu vực như: số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, giữ vững nhiều năm liền trong 03 đơn vị dẫn đầu khu vực, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng tăng cao qua từng năm học. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống hiếu học của quê hương, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của địa phương.

Giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình đổi mới về GDĐT (đổi mới thi cử, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông...). Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, nhằm tạo bước phát triển đột phá về chất lượng nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020”. Nội dung Đề án tập trung đánh giá những thành tựu, một số tồn tại, hạn chế của GDĐT tỉnh nhà giai đoạn 2011 - 2015; đề ra mục tiêu và những giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà giai đoạn 2016 - 2020.

1. Cấp Trung ương

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị TW lần thứ 8 (Khóa XI) Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Nghị quyết số 44/NQ ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ 08 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”; Quyết định 404/QĐ- TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ 08 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Cấp tỉnh

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X;

Chương trình hành động số 188-CTr/TU ngày 28 tháng 12 năm 2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2014 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 188-CTr/TU ngày 28 tháng 12 năm 2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT;

Nghị quyết số 59/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa IX) về nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020.

Phần 2

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. Những thành tựu

Mạng lưới trường, lớp các bậc học, cấp học của tỉnh tiếp tục phát triển. Đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 708 trường, so với năm 2010 tăng 08 trường.

Tỷ lệ huy động học sinh trong các độ tuổi đều tăng, nhiều chỉ tiêu đạt cao so với mục tiêu chung; công tác phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 05 tuổi đúng tiến độ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục duy trì vững chắc kết quả PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD trung học cơ sở (100% xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thị xã, thành phố duy trì chuẩn); công tác PCGD bậc trung học theo Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đúng tiến độ, đến cuối năm 2015 100% thành phố, thị xã và thị trấn đạt chuẩn.

Số lượng trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) dạy học 2 buổi/ngày tiếp tục tăng. Đến cuối năm 2015 tỷ lệ học sinh học 02 buổi/ngày cấp TH 55%, cấp THCS 45,1% , cấp THPT 76,7%; so với mục tiêu giai đoạn 2011-2015: cấp TH tăng 5%, cấp THCS tăng 5,1%, cấp THPT tăng 26,7%

Chất lượng giáo dục các bậc học, cấp học có tiến bộ. Đến cuối năm 2015 cấp THCS học sinh xếp loại hạnh kiểm từ mức Khá trở lên 98,5% tăng 2,9% so với mục tiêu giai đoạn 2011-2015; xếp loại học lực 97% tăng 2%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, đến cuối năm 2015 đạt 3,1% giảm 3,9% so với mục tiêu giai đoạn 2011-2015. Số học sinh đỗ vào đại học và cao đẳng năm sau cao hơn năm trước; các nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh được tăng cường thực hiện và đạt kết quả khả quan.

Số trường đạt chuẩn quốc gia đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến cuối tháng 6/2016 toàn tỉnh có 195 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: mầm non 40 trường, TH 86 trường, THCS 46 trường, THPT 23 trường; so với mục tiêu giai đoạn 2011-2015: mầm non tăng 6,97%, TH tăng 1,88%, THCS tăng 2,39%, THPT tăng 3,49 %.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp được tăng cường, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS có chuyển biến tích cực.

Thực hiện tốt các chế độ chính sách, đầu tư từ ngân sách nhà nước hiệu quả, đảm bảo đúng quy định.

Các kỳ thi trên địa bàn tỉnh được tổ chức đúng quy chế, an toàn và có tác dụng trong việc đánh giá chất lượng giảng dạy, giáo dục của các đơn vị (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2015-2016 đạt 93,33% tương đương tỷ lệ đỗ chung của cả nước). Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được đẩy mạnh, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) các cấp có nhiều tiến bộ. Tỉnh thực hiện triển khai có hiệu quả kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội ở nhà trường phổ thông các trường trung học.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) các cấp có nhiều tiến bộ. Tỉnh thực hiện triển khai có hiệu quả kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội trong các trường trung học.

Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong công tác quản lý và giảng dạy đã góp phần nâng cao hiệu quả việc đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Đến cuối năm 2015:100% các trường mầm non có Internet; tỷ lệ giáo viên mầm non có ứng dụng CNTT đạt 85%, tăng 5% so với mục tiêu giai đoạn 2011-2015; giáo viên tiểu học có chứng chỉ A Tin học 72%, tăng 22% so với mục tiêu giai đoạn 2011-2015.

Hàng năm, ngành GDĐT tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá hoàn thành nhiều lĩnh vực công tác, xếp trong nhóm 5 Khối thi đua các Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (năm học 2013 - 2014 và 2014 - 2015 dẫn đầu Khối, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

(Phụ lục 1 kèm theo)

II. MỘT SỐ HẠN CHẾ, TỒN TẠI

Đối với ngành học mầm non: Quy mô phát triển tăng nhanh nhưng các điều kiện đảm bảo (cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, đội ngũ giáo viên...) chưa đáp ứng được yêu cầu làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục.

Đối với ngành học phổ thông: Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khoảng cách giữa các địa phương trong tỉnh. Một số chỉ tiêu về chuyên môn chưa đạt (huy động trẻ 5 tuổi chỉ đạt 98,8%/99%; giáo viên mầm non đạt chuẩn 99,1%/100%; tỷ lệ giáo viên THPT có bằng Thạc sĩ trở lên chỉ đạt 13,8%/20%; giáo viên cấp trung học có chứng chỉ A Tin học chỉ đạt 65%/100%). Chất lượng đào tạo mũi nhọn tuy duy trì được về số lượng nhưng chưa nâng cao được chất lượng (chưa có học sinh đạt giải I trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia). Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa có giải pháp hữu hiệu để thực hiện.

Chất lượng đào tạo mũi nhọn tuy duy trì được về số lượng nhưng chưa nâng cao được chất lượng. Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa có giải pháp hữu hiệu để thực hiện (chỉ đạt 2,69%/30%)

Năng lực, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận CBQL và GV còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời theo yêu cầu đổi mới nên ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở các ngành học, cấp học (ngành học MN và TH thiếu; cấp THCS và THPT thừa) đã làm ảnh hưởng đến việc ổn định quy mô phát triển, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng do khó khăn chung về khả năng cân đối nguồn vốn nên tiến độ thực hiện chậm, số lượng chưa đáp ứng yêu cầu... đã làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, thực hiện công tác phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng.

Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục có chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn rất chậm, chưa có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác quản lý giáo dục tuy có đổi mới, chuyển biến nhưng chưa thật sự đồng bộ. Một bộ phận CBQL các trường học và cơ sở giáo dục chậm đổi mới nội dung và phương thức quản lý.

Phần 3

MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển toàn diện GDĐT tỉnh nhà trên cơ sở khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn 2011 - 2015, kết hợp huy động mọi nguồn lực để tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo cơ hội học tập suốt đời cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GDĐT địa phương theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin vào học tập, nghiên cứu và vận dụng kiến thức vào thực tế. Đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng GDĐT, ưu tiên xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn; kết hợp với đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2020, chất lượng GDĐT của tỉnh nằm trong nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Huy động học sinh trong độ tuổi đến trường:

Giáo dục mầm non: huy động trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 30%; trẻ từ 3 đến 5 tuổi học mẫu giáo đạt 85%; trẻ 5 tuổi học mẫu giáo trên 99%.

Giáo dục phổ thông: cấp TH: huy động học sinh trong độ tuổi đi học từ 99,9% trở lên; cấp THCS: huy động học sinh trong độ tuổi đi học trên 95%; cấp THPT: huy động học sinh trong độ tuổi đi học đạt 65%.

Giáo dục thường xuyên: huy động học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT đạt 10%.

b) Chất lượng chăm sóc và giáo dục:

- Giáo dục mầm non: trẻ suy dinh dưỡng tối đa 3%; trẻ 05 tuổi đạt chuẩn phát triển: 99%.

- Giáo dục phổ thông:

Cấp TH: trên 99% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; tỷ lệ bỏ học tối đa 0,1%.

Cấp THCS: xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 99,9%; xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 95%; tỷ lệ bỏ học tối đa 1,5%.

Cấp THPT: xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 99,6%, xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 92%. Tỷ lệ bỏ học tối đa 1,5%.

- Giáo dục thường xuyên: tỷ lệ bỏ học tối đa 15%.

c) Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:

Xóa mù chữ: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ.

Phổ cập giáo dục: duy trì vững chắc kết quả PCGD mầm non cho trẻ em 05 tuổi, PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD trung học cơ sở và PCGD bậc trung học ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

d) Trường học đạt chuẩn quốc gia:

Giáo dục mầm non: 30% trường đạt chuẩn.

Giáo dục phổ thông: cấp TH: 40% trường đạt chuẩn; cấp THCS: 60% trường đạt chuẩn; cấp THPT: 80% trường đạt chuẩn.

e) Xây dựng đội ngũ

- Giáo viên:

Giáo dục mầm non: 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo; trong đó 90% trên chuẩn; 80% đạt trình độ “Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản” theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục phổ thông: 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo (trong đó trên chuẩn: cấp TH: 97%, cấp THCS: 85%, cấp THPT: 22%); 80% đạt trình độ “Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản” theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Cán bộ quản lý: 100% CBQL đạt chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quản lý giáo dục, tin học căn bản theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

f) Một số chỉ tiêu nâng cao:

- Giáo dục mầm non: mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm ít nhất 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

- Giáo dục phổ thông:

Cấp TH: 100% trường TH có tổ chức dạy học ngoại ngữ; 75% trường TH có dạy học 02 buổi/ngày. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Có ít nhất 30% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn PCGD TH đúng độ tuổi mức độ II.

Cấp THCS: Mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm ít nhất 01 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ II. Đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 35% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ II.

Cấp THPT: Học sinh giỏi văn hóa THPT cấp quốc gia duy trì xếp trong nhóm 3 khu vực, phấn đấu có học sinh đạt giải I. Mỗi huyện có thêm ít nhất 01 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD bậc trung học.

- Giáo dục kỹ năng sống: 100% các trường mầm non, phổ thông công lập, giáo dục thường xuyên có tổ chức ít nhất 01 lần/học kỳ các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

II. GIẢI PHÁP

1. Đổi mới quản lý giáo dục

a) Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ phân cấp quản lý, hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa các ngành và địa phương trong quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

b) Thực hiện quản lý theo quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực của địa phương trong từng giai đoạn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

c) Tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục: chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ và khoa học quản lý; công khai về chất lượng giáo dục, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính của các trường học và cơ sở giáo dục; thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; thực hiện tốt công tác kiểm định về chất lượng giáo dục.

d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

e) Tập trung đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh

2. Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

a) Phối hợp với các trường đại học có Khoa sư phạm đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ sức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2018 - 2019. Đảm bảo từng bước có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông.

b) Tăng cường tính công khai, minh bạch, chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn, thuyên chuyển, sử dụng, đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên.

c) Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần cho nhà giáo và cán bộ quản lý theo quy định của Nhà nước nhất là với giáo viên mầm non; có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển giáo dục địa phương.

3. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục

a) Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ năm học 2018 - 2019 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, vừa phù hợp với đặc thù địa phương. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống.

b) Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với bản thân, môi trường chung quanh; giáo dục lao động, hướng nghiệp học sinh phổ thông, thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy học chính khóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và ngoại khóa.

c) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục thường xuyên, mở rộng các hình thức học tập đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người, giúp người học hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.

d) Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học.

e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Tiếp tục thực hiện các chủ trương đổi mới về thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

a) Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội.

b) Đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục trong tổng ngân sách địa phương từ 20% trở lên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quản lý sử dụng có hiệu quả. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục có trọng điểm, không bình quân dàn trải. Đầu tư ưu tiên cho giáo dục phổ cập; giáo dục ở những vùng sâu, vùng khó khăn, biên giới và các đối tượng chính sách xã hội.

c) Từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo đủ thiết bị và phương tiện dạy học tối thiểu của tất cả các cơ sở giáo dục. Quy hoạch, đảm bảo quỹ đất để xây dựng trường học, nhà công vụ.

d) Thực hiện tốt chế độ học phí mới theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đảm bảo sự chia sẻ hợp lý giữa nhà nước, người học và các thành phần xã hội.

e) Tiếp tục kêu gọi đầu tư hệ thống trường, lớp ngoài công lập, nhất là ở ngành học mầm non. Đẩy mạnh triển khai việc đầu tư cho giáo dục bằng hình thức hợp tác công tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ.

5. Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với vùng sâu, vùng khó khăn, biên giới và đối tượng chính sách xã hội

a) Triển khai các chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập, hỗ trợ và ưu tiên phát triển GDĐT nhân lực cho vùng khó khăn, biên giới và các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo.

b) Thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đã được quy định đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng khó khăn, biên giới.

c) Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng khó khăn, biên giới.

III. KINH PHÍ

Khái toán kinh phí thực hiện: 1.648.604 triệu đồng. Trong đó:

- Xây dựng cơ bản: 1.400.000 triệu đồng

- Sách giáo khoa, trang thiết bị: 225.314 triệu đồng

- Đào tạo, bồi dưỡng: 23.290 triệu đồng

Kinh phí trên được cân đối từ các kế hoạch, đề án, chương trình có liên quan đến GDĐT đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, bổ sung hàng năm theo thực tế thực hiện, ngân sách địa phương và từ nguồn vốn Trung ương.

(Phụ lục 2 kèm theo)

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Có trách nhiệm tổ chức quán triệt sâu rộng và chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề án đến từng giáo viên, cán bộ quản lý các bậc học, cấp học trong ngành và theo dõi giám sát kiểm tra việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Đề án theo từng năm và cả giai đoạn đối với các đơn vị trực thuộc.

Phối hợp Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc đặt hàng cung cấp dịch vụ công nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Trước mắt thực hiện thí điểm một vài cơ sở giáo dục theo hình thức cho thuê, hợp tác liên kết (ở khu vực đô thị đối với những trường đủ điều kiện).

Tổ chức tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ vào cuối tháng 6 hàng năm; thực hiện tổng kết đề án vào cuối năm 2020.

2. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo điều tra, đánh giá, khảo sát đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về trình độ quản lý nhà nước, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức kiểm tra việc điều động, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các địa phương trong tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện Đề án.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế cho giáo dục bằng hình thức hợp tác công tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối nguồn vốn từ các kế hoạch, đề án, chương trình có liên quan đến giáo dục và đào tạo đang thực hiện trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn ngân sách địa phương và trung ương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bố trí vốn hàng năm.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện các nội dung liên quan của Đề án đúng tiến độ; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí dành cho việc triển khai Đề án theo đúng quy định; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

5. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch mặt bằng công trình xây dựng trường học, đảm bảo các tiêu chuẩn xây dựng trường lớp theo quy định; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án xây dựng trường học đảm bảo tính hiện đại, phục vụ tốt việc học tập của học sinh.

Chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo yêu cầu phát triển các trường học và cơ sở giáo dục.

Xây dựng và thiết kế mẫu các hạng mục xây dựng cơ bản cho các trường học đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hoàn thiện hồ sơ giao quyền sử dụng đất cho các nhà trường; đảm bảo quỹ đất cho các hoạt động dạy và học, xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ, phòng ở bán trú, nhà bếp, nhà vệ sinh… kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp đất và hoàn thiện hồ sơ đất cho các trường trong tỉnh.

6. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình y tế trường học; chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức bồi dưỡng kiến thức nhóm các chương trình y tế trường học cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục và trường học.

7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và các chính sách xã hội khác cho giáo viên, học sinh.

Thực hiện các chế độ quy định đối với học sinh, học viên thuộc đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước.

8. Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về GDĐT.

Tăng cường thời lượng phát sóng, tin, bài về GDĐT, các nội dung có liên quan đến đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT; nâng cao chất lượng giáo dục địa phương giai đoạn 2016 - 2020 thông qua chuyên mục “Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp” trên sóng phát thanh và truyền hình của đài và chuyên trang “Giáo dục Đồng Tháp” trên báo tỉnh.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ Đề án của tỉnh, điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể các mục tiêu của Đề án theo từng năm.

Phối hợp với các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thực hiện tốt việc phân kỳ đầu tư, chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo kế hoạch trung hạn 05 năm giai đoạn 2016-2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện nghiêm công tác đấu thầu, quản lý thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng công trình hàng năm để đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ công trình.

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường lập kế hoạch thực hiện cụ thể các mục tiêu của Đề án theo từng năm.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Tham gia tuyên truyền, vận động các đoàn, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện Đề án đạt hiệu quả./.

 

PHỤ LỤC 1

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1152/QĐ-UBND-HC ngày 11 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Đơn vị tính: tỷ lệ phần trăm (%)

1. Giáo dục Mầm non

TT

Tên chỉ tiêu

Chỉ tiêu đến 2015

Thực hiện

2011

2012

2013

2014

2015

1

Huy động ra lớp

 

 

 

 

 

 

- Nhà trẻ

25

14,4

14,0

15,4

17,6

19,4

- Mẫu giáo 3-5 tuổi

80

73,6

75,1

79,9

80,2

78,8

- Mẫu giáo 5 tuổi

99

95,0

99,5

99,7

99,9

99,9

+ 5 tuổi học 2b/ngày

95

72,0

80,2

86,0

93,0

98,7

2

Trường đạt chuẩn QG

15

05,9

06,3

09,7

13,5

17,03

3

Chăm sóc, nôi dạy

 

 

 

 

 

 

- Suy dinh dưỡng

< 7

05,5

05,0

05,0

03,9

03,1

- Trẻ 5t đạt chuẩn

≥ 90

Chưa đánh giá

Chưa đánh giá

93,5

92,8

95,0

4

CB, GV đạt chuẩn

 

 

 

 

 

 

- Đạt chuẩn

100

96,2

97,9

98,3

98,6

99,1

- Trên chuẩn

50

55,9

61,4

66,0

70,7

72,7

5

Ứng dụng CNTT

 

 

 

 

 

 

 

- Trường có Internet

100

90,0

95,0

100,0

100,0

100,0

 

- GV ứng dụng CNTT

80

65,0

70,0

75,0

80,0

85,0

2. Giáo dục phổ thông

TT

Tên chỉ tiêu

Chỉ tiêu đến 2015

Thực hiện

2011

2012

2013

2014

2015

1

Huy động ra lớp

 

 

 

 

 

 

- Tiểu học

 

 

 

 

 

 

+ Trẻ 6t vào lớp 1

99

99,9

99,9

99,9

99,9

99,9

+ Trong độ tuổi đến trường

99

99,9

99,9

99,9

99,9

99,9

- 11 - 14 T học THCS

95

92,1

93,4

95,2

95,8

95,83

- 15 - 17 T học THPT

55

45,5

45,6

46,3

52,1

55,0

2

Học trên 6 buổi/tuần

 

 

 

 

 

 

- HSTH học 2b/ngày

50

49,2

52,1

54,3

58,0

55,0

- THCS học > 6b/tuần

40

08,3

22,5

35,5

40,5

45,1

- THPT học > 6b/tuần

50

32,0

50,2

65,8

70,7

76,7

3

Trường đạt chuẩn QG

 

 

 

 

 

 

- Tiểu học

25

12,2

14,1

18,5

18,8

26,0

- Trung học cơ sở

30

12,0

15,5

21,1

25,4

30,3

- Trung học phổ thông

50

09,3

16,3

27,9

39,5

50,5

4

Tỷ lệ GV đạt chuẩn

 

 

 

 

 

 

- Tiểu học

99

98,9

99,9

99,9

99,9

99,97

+ Trên chuẩn

60

80,8

86,4

90,2

92,2

93,5

- Trung học cơ sở

99

98,7

99,8

99,9

100,0

99,98

 

+ Trên chuẩn

50

63,3

69,6

76,9

80,0

82,3

- Trung học phổ thông

99

96,9

99,0

99,4

99,6

99,98

+ Trên chuẩn

20

05,8

08,5

11,5

13,1

13,8

5

GV có CCA Tin học

 

 

 

 

 

 

 

+ Tiểu học

50

43,4

57,1

65,3

70,4

72,0

 

+ Trung học

100

38,4

42,5

60,7

64,4

65,0

6

Chất lượng giáo dục

 

 

 

 

 

 

 

- Tiểu học

 

 

 

 

 

 

 

+ HK t/hiện đầy đủ

> 99

99,5

99,6

99,7

99,8

(*)

 

+ HL TB

≥ 99

96,5

97,8

98,1

98,8

 

* Loại Giỏi

42

39,5

39,9

40,5

40,7

 

* Loại Khá

35

33,1

33,2

33,3

33,4

 

- Trung học cơ sở

 

 

 

 

 

 

 

+ HK Khá

≥ 96

97,5

97,9

98,0

98,5

98,9

 

+ Học lực TB

≥ 95

93,0

91,7

93,9

95,9

97,0

 

* Loại Giỏi

 

21,6

22,9

22,6

25,2

26,9

 

* Loại Khá

 

35,5

33,5

35,7

36,8

38,2

7

Tốt nghiệp THPT

≥ 95

94,6

99,8

99,7

99,5

92,0

(*): Năm 2015, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách đánh giá theo Thông tư 30/2014/BGDĐT nên các kết quả của cấp tiểu học như sau (Đạt yêu cầu theo quy định của Thông tư)

Nội dung

Hoàn thành

Hoạt động học tập, giáo dục

99,20

Hình thành và phát triển năng lực

99,85

Hình thành và phát triển phẩm chất

99,93

3. Giáo dục thường xuyên

TT

Tên chỉ tiêu

Chỉ tiêu

2015

Thực hiện

2011

2012

2013

2014

2015

1

Học viên lên lớp

≥ 80

82,0

81,2

86,2

84,2

93,5

2

Học viên bỏ học

<15

03,9

17,8

10,4

05,6

04,9

3

Tốt nghiệp BTTHPT

 

81,1

86,9

87,9

72,9

50,1

4. Chống mù chữ và phổ cập giáo dục

TT

Tên chỉ tiêu

Chỉ tiêu 2015

Thực hiện

2011

2012

2013

2014

2015

1

Chống mù chữ

 

 

 

 

 

 

- 15-35 biết chữ

99,7

99,0

99,5

99,4

99,6

99,7

- 36 trở lên

97,5

86,0

98,3

99,0

98,4

98,5

2

Phổ cập giáo dục

 

 

 

 

 

 

- Mầm non (xã)

100

 

23,6

43,1

73,6

100,0

- THĐĐT (xã)

100

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

- THCS (xã)

100

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

- PCGDTrH

 

 

 

 

 

 

+Thành phố

100

 

 

 

 

100,0

+Thị xã

100

 

 

 

 

100,0

+Thị trấn

100

 

 

11,1

33,3

100,0

 

PHỤ LỤC 2

KINH PHÍ ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1152/QĐ-UBND-HC ngày 11 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Đơn vị tính: triệu đồng

1. Vốn xây dựng cơ bản

Tổng kinh phí:

1.400.000

triệu đồng.

Trong đó:

- Vốn tỉnh: 805.404 triệu đồng, tương đương 58% (vốn NST: 102.500 triệu đồng và vốn XSKT: 702.904 triệu đồng) cân đối theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

- Vốn TW: 594.596 triệu đồng, tương đương 42% (thực hiện theo Quyết định 1625/QĐ-TTg).

Danh mục thực hiện: theo Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, ưu tiên đầu tư xây dựng các phòng học còn lại chưa thực hiện theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008 - 2012; xây dựng các phòng học, phòng chức năng cho các trường xuống cấp nặng có nhu cầu bức xúc và đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình; đầu tư các phòng học, phòng chức năng theo danh mục còn lại của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học theo giai đoạn mới.

2. Sách giáo khoa, thiết bị dạy học, thiết bị công nghệ thông tin

2.1. Sách giáo khoa phục vụ thay sách, đổi mới chương trình

TT

Nội dung

Diễn giải cách tính

Ghi chú

Số trường

bộ/trường

Số bộ

Đơn giá

Thành tiền

1

Năm học 2018 - 2019

 

 

 

 

3.579

 

 

- Lớp 1

333

20

6.600

0,25

1.665

 

 

- Lớp 6

145

20

2.900

0,50

1.450

 

 

- Lớp 10 (phổ thông)

45

20

900

0,50

450

 

 

- Lớp 10 (GDTX)

02

20

40

0,35

14

 

2

Năm học 2019 - 2020

 

 

 

 

3.579

 

 

- Lớp 2

333

20

6.600

0,25

1.665

 

 

- Lớp 7

145

20

2.900

0,50

1.450

 

 

- Lớp 11 (phổ thông)

45

20

900

0,50

450

 

 

- Lớp 11 (GDTX)

02

20

40

0,35

14

 

3

Năm học 2020 - 2021

 

 

 

 

3.579

 

 

- Lớp 3

333

20

6.600

0,25

1.665

 

 

- Lớp 8

145

20

2.900

0,50

1.450

 

 

- Lớp 12 (phổ thông)

45

20

900

0,50

450

 

 

- Lớp 12 (GDTX)

02

20

40

0,35

14

 

Cộng

10.737

 

2.2. Thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị công nghệ thông tin, dạy học ngoại ngữ

Thiết bị dạy học ngành học mầm non: 49.322 triệu đồng đã được phê duyệt trong Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi.

Thiết bị dạy học ngoại ngữ: 65.255 triệu đồng đã được phê duyệt trong Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020.

Thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho thay sách giáo khoa phổ thông 03 năm học 2018 - 2019, 2019 - 2020 và 2020 - 2021: 100.000 triệu đồng, cân đối theo khả năng thực tế của nguồn vốn địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ trong thời gian tới (nếu có).

Tổng cộng kinh phí thiết bị = 214.577 triệu đồng

2.3. Tổng cộng kinh phí sách, thiết bị

Kinh phí =(2.1)+(2.2) = 10.737 + 214.577 =

225.314 triệu đồng

3. Đào tạo và bồi dưỡng

TT

Nội dung

Diễn giải cách tính

Ghi chú

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

1

Đào tạo

10.770

 

1.1

Tiến sĩ

05

120,0

600

 

1.2

Thạc sĩ

150

55,0

8.250

 

1.3

Trung cấp lý luận chính trị

240

8,0

1.920

 

2

Bồi dưỡng

12.520

 

2.1

Nghiệp vụ quản lý trường học

320

4,0

1.280

 

2.2

Thay sách giáo khoa

 

 

11.240

 

 

- Cán bộ quản lý

1.650

4,0

6.600

 

 

- Giáo viên

23.200

0,2

4.640

 

Cộng (1)+(2):

23.290

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1152/QĐ-UBND-HC năm 2016 về Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 1152/QĐ-UBND-HC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Đoàn Tấn Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản