Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/NH-QĐ

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, ĐIỀU CHUYỂN VÀ GIAO NHẬN CÁC LOẠI QUỸ TIỀN TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được công bố tại lệnh số 37/LCT/HĐNN8 ngày 24-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

- Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ;

- Căn cứ Nghị định số 138/HĐBT ngày 8-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước.

- Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Nay ban hành kèm theo quyết định này "Quy định về Quản lý, bảo quản, điều chuyển và giao nhận các loại quỹ tiền trong ngành Ngân hàng".

Điều 2

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy định ban hành kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3

Các ông Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Viện, trường, các chi nhánh đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các ông Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại Quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Tổng Công ty kinh doanh vàng bạc đá quý Việt Nam, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Cao Sỹ Kiêm

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, ĐIỀU CHUYỂN VÀ GIAO NHẬN CÁC QUỸ TIỀN TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 113/NH-QĐ ngày 24-8-1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Mục I. Điều khoản chung

Điều 1

Hệ thống các quỹ tiền trong ngành Ngân hàng được tổ chức gắn với cơ chế tổ chức điều hoà tiền mặt và điều hoà vốn trong hệ thống Ngân hàng.

Điều 2

Việc quy định chế độ quản lý, bảo quản, giao nhận và điều chuyển các loại quỹ tiền trong ngành ngân hàng, do thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Điều 3

Các quỹ tiền của Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý và bảo quản tại các kho tiền Ngân hàng Nhà nước; Quỹ nghiệp vụ của Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Tổng công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý, thì do đơn vị có quỹ nghiệp vụ quản lý và bảo quản tại kho tiền của đơn vị mình.

Mục II. Các quỹ tiền

A. Quỹ dự trữ tiền phát hành của Nhà nước

Điều 4

Quỹ dự trữ tiền phát hành của Nhà nước (gọi tắt là "Quỹ dự trữ phát hành"), là quỹ tiền dùng chủ yếu để bổ sung điều hoà tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, theo mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và những trường hợp cần thiết bất thường của lưu thông tiền tệ hoặc trường hợp đặc biệt do Nhà nước chỉ định.

Quỹ dự trữ phát hành được hình thành từ nguồn tiền in; đúc, dập của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ tổ chức việc in, đúc, dập, tiếp nhận, bảo quản, xuất, nhập và hạch toán quỹ dự trữ phát hành theo chế độ đã quy định.

Điều 5

Quỹ dự trữ phát hành bao gồm các loại tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố phát hành và các loại tiền chưa công bố phát hành, thuộc quyền quản lý của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 6

Quỹ dự trữ phát hành của Nhà nước được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bảo quản tại các kho tiền Ngân hàng Nhà nước trung ương, có gian kho để riêng biệt; kho cấu trúc chắc chắn và đảm bảo an toàn.

Thủ trưởng, kế toán trưởng, thủ kho, có trách nhiệm thực hiện chế độ giữ chìa khoá, vào, ra kho, canh gác bảo vệ, kiểm tra, kiểm kê và bàn giao. .. đúng quy định tại "chế độ quản lý kho tiền" của hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (dưới đây gọi tắt là chế độ quản lý kho tiền), ban hành theo quyết định số 93/NH-QĐ ngày 20-7-1984 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 7

Việc nhập và xuất quỹ dự trữ phát hành được thực hiện đúng theo những nội dung quy định sau đây:

7.1. Nhập tiền mới in, mới dập, mới đúc;

7.2. Nhập tiền thu hồi từ lưu thông về theo chỉ tiêu của Nhà nước;

7.3. Nhập đổi loại tiền không thích hợp trong lưu thông, do Ngân hàng Nhà nước đổi;

7.4. Nhập quỹ dự trữ phát hành điều chỉnh từ kho khác đến;

7.5. xuất kho Quỹ điều hoà tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước theo kế hoạch phát hành tiền và bổ sung cho quỹ điều hoà tiền mặt đủ dự định mức lệnh của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng;

7.6. Xuất để thay thế các loại tiền rách nát, hư hỏng, không đủ tiêu chuẩn lưu thông, đã tiêu huỷ;

7.7. Xuất đổi các loại tiền cần thiết cho lưu thông, đúng số tiền của Ngân hàng Nhà nước nhập đổi;

7.8. Xuất để phát hành và lưu thông, thay thế các loại tiền đã có lệnh đình chỉ lưu hành của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng;

7.9. Xuất quỹ dự trữ phát hành từ kho tiền này, điều chuyển nhập kho tiền khác của Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Khi có lệnh xuất quỹ dự trữ phát hành, Vụ Phát hành và kho quỹ chịu trách nhiệm làm các thủ tục trình xuất các loại tiền để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định. Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước thực hiện đầy đủ thủ tục xuất tiền và hạch toán kế toán theo chế độ phát hành tiền đã quy định.

Điều 8

Chỉ có Thống đốc hoặc Phó Thống đốc được Thống đốc uỷ quyền bằng văn bản mới được ký quyết định cho xuất hoặc nhập quỹ dự trữ phát hành.

- Việc điều chuyển tiền thuộc quỹ dự trữ phát hành từ kho tiền này đến kho tiền khác, thuộc Ngân hàng Nhà nước trung ương quản lý đều phải có lệnh của thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Phó Thống đốc được Thống đốc uỷ quyền.

Điều 9

9.1. Định kỳ 6 tháng vào ngày 1-1 và ngày 1-7 hàng năm, hoặc đột xuất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định kiểm tra và kiểm kê quỹ dự trữ phát hành của Nhà nước, đối chiếu sổ sách kế toán, sổ kho với hiện vật, kiểm tra việc chấp hành chế độ bảo quản theo quy định tại điều 35, 36, 37, 38 chế độ quản lý kho tiền lập báo cáo gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

9.2. Thành phần Hội đồng kiểm kê và kiểm tra, gồm:

- Tổng kiểm soát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng;

- Vụ trưởng vụ Kế toán, uỷ viên;

- Vụ trưởng Vụ Phát hành và kho quỹ, uỷ viên.

Hội đồng được trưng tập một số cán bộ giúp việc Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

Điều 10

Kiểm kê quỹ dự trữ phát hành hàng tháng vào cuối ngày 30 (hoặc 31), do Hội đồng kiểm kê vụ Phát hành và kho quỹ thực hiện theo nội dung: đối chiếu sổ sách kế toán, sổ kho với hiện vật, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý kho tiền. Lập báo cáo gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

B. Quỹ điều hoà tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước.

Điều 11

Quỹ điều hoà tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập bằng 25% số tiền trong lưu thông; (nhằm tạo điều kiện quản lý tập trung, thống nhất công tác phát hành tiền và chủ động điều hoà tiền mặt, đáp ứng các nhu cầu sản xuất, lưu thông trong cả nước, trong từng thời gian và từng khu vực).

Quỹ điều hoà tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước được hình thành trên cơ sở:

- Số tiền được Hội đồng Bộ trưởng cho phép phát hành vào lưu thông hàng tháng, quỹ trích ngay từ quỹ dự trữ phát hành của Nhà nước, để sử dụng theo mục tiêu chỉ định của Hội đồng Bộ trưởng;

- Số tiền trích từ quỹ dự trữ phát hành chuyển sang quỹ điều hoà tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước

- Số tiền vượt định mức tồn quỹ thuộc các quỹ nghiệp vụ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nộp vào quỹ điều hoà tiền mặt.

Điều 12

Quản lý, bảo quản, quỹ điều hoà tiền mặt trong Ngân hàng Nhà nước quy định như sau:

- Quỹ điều hoà tiền mặt thuộc quyền quản lý thống nhất của thống đốc Ngân hàng Nhà nước; chỉ có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc người được Thống đốc uỷ quyền mới có quyền ra lệnh xuất quỹ điều hoà tiền mặt.

- Quỹ điều hoà tiền mặt được bảo quản tại các kho tiền Ngân hàng Nhà nước Trung ương và kho tiền các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu (dưới đây gọi tắt là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước). Quản lý quỹ điều hoà tiền mặt phải chấp hành đầy đủ các quy định về chế độ quản lý kho tiền.

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, trưởng các kho tiền Ngân hàng Nhà nước trung ương, chịu trách nhiệm bảo quản tuyệt đối an toàn quỹ điều hoà tiền mặt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để tại kho tiền thuộc mình quản lý. Việc xuất quỹ điều hoà tiền mặt, chỉ thực hiện khi có lệnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (lệnh phát hành, lệnh điều chuyển tiền, lệnh cho xuất đổi). Khi quỹ nghiệp vụ vượt định mức tồn quỹ quy định từ 10% trở lên, thì Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trích nhập toàn bộ phần vượt (ví dụ định mức là 100 triệu, thực tế 115 triệu, nhập 15 triệu) vào quỹ điều hoà tiền mặt tại kho tiền thuộc mình quản lý, đồng thời điện báo về Ngân hàng Nhà nước trung ương theo chế độ đã quy định.

Mỗi lần xuất, nhập quỹ điều hoà tiền mặt phải làm đầy đủ thủ tục kế toán đã quy định tại chế độ kế toán phát hành tiền.

Điều 13

Định mức quỹ điều hoà tiền mặt:

Căn cứ tình hình thực tế thu, chi tiền mặt, tình hình kinh tế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tình hình giao thông vận tải và các điều kiện về an toàn kho; sổ tiền quỹ điều hoà tiền mặt để tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước được định mức tồn quỹ 6 tháng 1 lần.

Việc định mức quỹ điều hoà tiền mặt tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Vụ trưởng Vụ Phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước xác định, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Điều 14

Điều chuyển tiền của quỹ điều hoà tiền mặt:

Căn cứ định mức tồn quỹ điều hoà tiền mặt, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước duyệt và số tiền thực tế tồn quỹ tiền mặt, tại các kho tiền chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Vụ Phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề xuất, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc điều chuyển tiền trong quỹ điều hoà tiền mặt, giữa các kho tiền với nhau. Việc vận chuyển, áp tải, bảo vệ tiền từ kho tiền Ngân hàng Nhà nước Trung ương đến kho tiền chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và ngược lại (trừ việc điều chuyển tiền rách nát, hư hỏng và không lưu hành, có quy định riêng), do Ngân hàng Nhà nước trung ương đảm nhiệm. Vận chuyển, áp tải, bảo vệ tiền điều chuyển từ quỹ điều hoà tiền mặt tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước này sang chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khác, do chi nhánh Ngân hàng đảm nhiệm và thực hiện lệnh điều chuyển của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong phạm vi 15 ngày, kể từ ngày nhận được lệnh. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm điều chuyển tiền, đã ban hành tại quyết định số 99/NH-QĐ ngày 8 tháng 8 năm 1984 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và chịu toàn bộ chi phí vận chuyển.

C. Quỹ nghiệp vụ Ngân hàng

Điều 15

Tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, các Hội sở và các chi nhánh thuộc Ngân hàng thương mại quốc doanh , Ngân hàng đầu tư và phát triển Tổng công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý, nếu đơn vị có giao dịch bằng tiền mặt và kinh doanh, dịch vụ với khách hàng, được thành lập một quỹ nghiệp vụ Ngân hàng để giao dịch hàng ngày với khách hàng.

Quỹ nghiệp vụ Ngân hàng là số tiền mặt (tiền đồng và ngoại tệ) và số hiện kim, đá quý, chứng chỉ có giá trị cần thiết nhất định do các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thanh toán... với khách hàng. Tại mỗi quỹ nghiệp vụ được quy định mức tồn quỹ nhất định để đảm bảo hoạt động bình thường.

Điều 16

Thủ trưởng đơn vị nơi có quỹ nghiệp vụ Ngân hàng, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, bảo đảm an toàn tiền mặt trong quỹ, theo quy định tại chế độ quản lý quỹ nghiệp vụ ban hành theo quyết định số 129/NH-QĐ ngày 21-9-1989 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 17

Định mức quỹ nghiệp vụ Ngân hàng;

- Việc định mức tồn quỹ nghiệp vụ Ngân hàng thực hiện theo các quy định tại công văn số 88/NH-CV ngày 22-3-1991 và công văn số 239/NH-CV ngày 5-7-1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Trong quá trình thu, chi tiền mặt, nếu phát hiện những tờ bạc rách nát, nhàu cũ của các khách hàng, đem nộp hoặc xin đổi, các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý, xem xét đổi cho khách hàng: Sau đó, chọn lọc, đóng bó theo đúng quy định, đem nộp cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thu nhận hoặc đổi cho các đơn vị nói trên 1 tháng 1 lần. Việc đổi tiền rách nát, nhàu cũ, hư hỏng áp dụng theo "Quy định về việc thu hồi và đổi tiền tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông" ban hành theo quyết định số 97/NH-QĐ ngày 7-8-1984 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.

Mục III. Về đóng gói, giao nhận, kiểm đếm và xử lý các khoản tiền thừa, thiếu

Điều 17

Tiền thu từ lưu thông về, nộp vào quỹ nghiệp vụ trong ngành Ngân hàng, phải thực hiện đầy đủ các quy định. Tại điều 16, 17, 18 và 20 mục IV đếm kiểm, chọn lọc, sắp xếp đóng bó, niêm phong tiền, tại quy định về quản lý quỹ nghiệp vụ trong ngành Ngân hàng ban hành kèm theo quyết định số 129-NH-QĐ ngày 21-9-1989 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 18

Niêm phong bó, bao (túi) tiền trong các loại quỹ tiền quy định như sau:

- Giấy để niêm phong loại tiền, phải dùng bằng một loại giấy mỏng, in sẵn, đúng kích cỡ, đủ các yếu tố càn thiết quy định trên tờ niêm phong (giấy niêm phong loại tiền thống nhất giao công ty vật tư Ngân hàng in và phân phối), niêm phong của loại tiền nào thì dùng cho loại tiền đó. Mỗi hệ thống Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Tổng Công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý, được quy định màu giấy riêng biệt để in niêm phong loại tiền, sử dụng thống nhất trong toàn hệ thống các Ngân hàng đó.

- Các yếu tố ghi trên niêm phong loại tiền phải ghi đúng mẫu đã quy định.

- Niêm phong loại tiền của Ngân hàng nào phải đóng dấu của Ngân hàng đó trên niêm phong bó, túi tiền, thí dụ: dấu Ngân hàng phát triển Nông nghiệp huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) kho tiền I Ngân hàng Nhà nước v.v... dấu đóng phía trên bên phải, ở vị trí 1/3 chiều dài tờ niêm phong, rõ ràng, đọc được chữ và ký hiệu của con dấu.

Điều 19

Việc giao, nhận tiền giữa các quỹ tiền thuộc Ngân hàng thương mại quốc doanh trong nội bộ cùng hệ thống hoặc khác hệ thống trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố, đặc khu, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khác địa phương hoặc với các kho tiền Trung ương và ngược lại, quy định như sau:

19.1. Đối với tiền đã lưu thông, thì việc giao nhận tiền giữa Ngân hàng này với Ngân hàng khác với các kho tiền Trung ương và ngược lại, thực hiện giao nguyên bó, đủ 10 thiếp có niêm phong. Trường hợp bó nào có nghi vấn, phải cắt ra kiểm đếm tờ tại chỗ. Khi nhận phải kiểm tra đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong như đã quy định ở điều 18 nói trên và thủ quỹ đơn vị giao tiền phải ký xác nhận trên niêm phong từng bó bạc. (chữ ký này được đăng ký trước tại Ngân hàng Nhà nước để phân biệt trách nhiệm khi xảy ra nhầm lẫn thừa, thiếu.

19.2. Đối với các loại tiền mới còn nguyên bao, nguyên gói của Nhà in thì giao nguyên bao, nguyên gói, niêm phong cặp chì.

Điều 20

Việc tổ chức kiểm, đếm lại tờ sau khi dã giao, nhận xong bó, thếp giữa các địa phương tỉnh, thành phố, đặc khu quy định như sau:

a. Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận tiền điều chuyển đến, Ngân hàng nhận phải tổ chức hội đồng kiểm đếm lại tờ, tại hội sở của mình. Ngân hàng giao, cử người có nghiệp vụ và có trách nhiệm đến ngân hàng nhận để chứng kiến việc đếm lại tờ. Trường hợp hai Ngân hàng tín nhiệm lẫn nhau, thì có văn bản uỷ nhiệm cho Ngân hàng nhận tổ chức hội đồng kiểm nhận tờ, thừa thiếu lập biên bản, kèm niêm phong của bó tiền có thừa, thiếu gửi Ngân hàng giao chịu trách nhiệm thanh toán. Trường hợp tiền của Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Tổng công ty vàng bạc, đá quý đem nộp vào chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn, nhưng tiền đó được điều chuyển đi tỉnh khác, thì đơn vị Ngân hàng cử người đi chứng kiến việc đếm lại tờ là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi điều chuyển tiền đi.

b. Tiền đã lưu thông của các Ngân hàng (Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển Trung ương, Tổng công ty kinh doanh vàng bạc đá quỹ; các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước) nhập về quỹ điều hoà tiền mặt các kho tiền Ngân hàng Nhà nước Trung ương, việc giao nhận thực hiện như điều 19.1 nhưng sau đó số tiền này được chuyển đi từ các địa phương, thì việc chứng kiến đếm tờ, tổ chức tại hội sở Ngân hàng nhận, có sự chứng của Ngân hàng Nhà nước Trung ương (do trưởng kho tiền nơi điều chuyển tiền đi cử cán bộ đến chứng kiến).

Điều 21

Việc xử lý thừa, thiếu tiền khi kiểm đếm quy định như sau:

- Thừa, thiếu thếp trong bó bạc, thì ghi có hoặc Nợ Ngân hàng giao và ghi rõ tên người nhận bó bạc đó (trường hợp giao nhận theo điều 19.1).

- Thừa, thiếu tờ trong bó bạc, sẽ ghi Có hoặc Nợ Ngân hàng có tên người đếm và niêm phong bó bạc đó (đếm, kiểm theo điều 20).

Tất cả các trường hợp phát hiện thừa, thiếu tiền, Hội đồng lập biên bản, có sự xác nhận của người giao tiền hoặc người được cử đến chứng kiến, kèm các giấy từ cần thiết như niêm phong bó tiền có thừa, thiếu gửi Ngân hàng có tiền thừa, thiếu để xử lý về trách nhiệm và bồi hoàn vật chất, theo chế độ hiện hành đồng thời Ngân hàng nơi nhận tiền làm thủ tục cho xuất quỹ nghiệp vụ Ngân hàng và ghi Nợ Ngân hàng bạn (Ngân hàng có tiền thiếu) để lấy số tiền mặt bù vào số tiền thiếu đó, hoặc nhập quỹ số tiền thừa và ghi Có Ngân hàng thừa để bảo đảm hiện vật (tiền mặt) khớp đúng với sổ sách kế toán tại các kho tiền.

Mục IV. Chế độ kiểm kê, kiểm tra, báo cáo

Điều 22

Thủ trưởng các cáp Ngân hàng có quỹ điều hoà tiền mặt, quỹ nghiệp vụ Ngân hàng phải kiểm tra, kiểm kê thường kỳ 1 tháng 1 lần về hiện vật và việc chấp hành chế độ an toàn kho quỹ, để có biện pháp khắc phục tồn tại. Những trường hợp vi phạm dẫn đến mất tài sản phải được xử lý ngay. Những vụ việc thiếu, mất tiền trong quỹ nghiệp vụ Ngân hàng từ 1 triệu đồng trở lên (quỹ điều hoà tiền mặt thì không kể số tiền mất lớn hay nhỏ), thủ trưởng đơn vị phải điện báo cáo Ngân hàng Nhà nước (vụ Phát hành và kho quỹ để báo cáo Thống đốc, chậm nhất sau 24 giờ).

Điều 23

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Công ty kinh doanh vàng bạc, đá quỹ, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu, trưởng kho tiền Ngân hàng Nhà nước phải chấp hành nghiêm chế độ kiểm kê, điện báo, báo cáo Thống kê định kỳ; báo thiếu, mất tiền và điều tra tiền thừa cho khách hàng (nếu có); tình hình tồn kho, tồn quỹ, biên bản kiểm tra, kiểm kê quỹ điều hoà tiền mặt, quỹ nghiệp vụ Ngân hàng... gửi Ngân hàng cấp trên theo hệ thống dọc, đồng gửi chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn để theo dõi và tổng hợp báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển Trung ương, Tổng công ty kinh doanh vàng bạc, đá quỹ, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo toàn hệ thống gửi Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Phát hành và kho quỹ để tổng hợp trình thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

Mục V. Tổ chức thực hiện

Điều 24

Tại Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển Trung ương; Tổng công ty kinh doanh vàng bạc, đá quỹ.

a. Vụ trưởng vụ phát hành và kho quỹ:

- Dự thảo và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định mức tồn quỹ điều hoà tiền mặt để tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; trình duyệt lệnh điều chuyển vốn tiền mặt trong quỹ điều hoà tiền mặt giữa các kho tiền, tổ chức theo dõi việc thực hiện định mức quỹ điều hoà tiền mặt và lệnh điều chuyển tiền đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.

- Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển phần vốn tiền mặt từ quỹ dự trữ phát triển sang quỹ điều hoà tiền mặt, hoặc ngược lại, theo kế hoạch phát hành thì được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.

- Chỉ đạo và kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, bảo quản, vận chuyển, giao nhận quỹ dự trữ phát hành, quỹ điều hoà tiền mặt và quỹ nghiệp vụ Ngân hàng; tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

b. Các đồng chí thủ trưởng các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương các Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Tổng công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện bản quyết định này.

c. Tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước:

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phân công trưởng phòng tiền tệ - quản lý ngoại hối, vàng bạc, trưởng phòng kế toán và tài vụ, Trưởng phòng kinh tế và kế hoạch tiến hành theo dõi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bản quy định này. Định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.

d. Tại các chi nhánh Ngân hàng thương mại quốc doanh Ngân hàng đầu tư và phát triển, công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển trung ương; Tổng Công ty kinh doanh vàng bạc, đá quỹ Việt Nam.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 113/NH-QĐ năm 1991 ban hành quy định về quản lý, bảo quản, điều chuyển và giao nhận các loại quỹ tiền trong ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 113/NH-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/08/1991
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Cao Sỹ Kiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản