Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1109/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 21 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐƠN GIÁ TRỒNG RỪNG VÀ QUY TRÌNH ĐẦU TƯ, CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI TRỒNG RỪNG SAU GIẢI TỎA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/20177QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm 2019 hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh; số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2019 về việc quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;

Căn cứ Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng: số 68/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2005 ban hành bộ định mức dự toán công trình lâm sinh của một số loài cây trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; số 69/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2005 ban hành bộ đơn giá dự toán công trình lâm sinh của một số loài cây trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 112/TTr-SNN ngày 09 tháng 06 năm 2022; Văn bản thẩm định số 1156/STC-ĐT ngày 01 tháng 06 năm 2022 của Sở Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đơn giá trồng rừng sau giải tỏa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau

1. Đơn giá trồng Thông ba lá có tiêu chuẩn cây con đem trồng từ 06-08 tháng tuổi; mật độ trồng 2.220 cây/ha. Đơn giá áp dụng theo Quyết định 2155/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

2. Đơn giá trồng Sao, Dầu (trồng xen cây Keo phụ trợ hoặc loài cây phù trợ khác phù hợp) có tiêu chuẩn cây con đem trồng từ 06-08 tháng tuổi; mật độ trồng 833 cây/ha xen Keo phụ trợ 833 cây/ha. Đơn giá áp dụng theo Quyết định 2155/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

3. Đơn giá trồng Thông ba lá có tiêu chuẩn cây con đem trồng từ 18-20 tháng tuổi (cây năm 2), mật độ trồng 1.666 cây/ha.

Đơn giá trồng rừng: 113.760.213 đồng/ha.

Cụ thể như sau:

STT

Nội dung

Đơn giá (đồng/ha)

1

Chi phí trồng và chăm sóc các năm

 

-

Trồng và chăm sóc năm 1

86.003.635

-

Chăm sóc năm 2

14.032.298

-

Chăm sóc năm 3

13.724.280

Tổng cộng

113.760.213

Điều 2. Quy trình thực hiện dự án trồng rừng sau giải tỏa

1. Trình tự thực hiện đầu tư:

a) Đơn vị chủ rừng đề xuất lập danh mục dự án trồng rừng sau giải tỏa phải đảm bảo các nội dung bao gồm: vị trí, diện tích trồng rừng, thời gian thực hiện trồng rừng, biên bản giải tỏa, biên bản cam kết của hộ dân lấn chiếm, dự kiến kinh phí và nguồn lực trình UBND huyện, thành phố phê duyệt danh mục dự án để triển khai thực hiện; đối với hiện trường trồng rừng thuận lợi về mặt bằng, đường vận chuyển cây giống để thực hiện trồng rừng bằng loài cây Thông ba lá tiêu chuẩn cây con đem trồng từ 18- 20 tháng tuổi (cây năm 2) thì UBND huyện, thành phố gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thống nhất chủ trương trước khi triển khai thực hiện trồng rừng.

b) Đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện các nội dung công việc sau khi được phê duyệt danh mục triển khai dự án, bao gồm: lựa chọn đơn vị cung cấp cây giống, vật tư và đơn vị trồng rừng để khẩn trương triển khai ngay việc trồng rừng đảm bảo tính cấp bách.

c) Trong quá trình thi công trồng rừng, đơn vị chủ rừng có trách nhiệm tổ chức lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình, bao gồm: thiết kế dự án trồng rừng trình cấp thẩm quyền phê duyệt; nhật ký trồng rừng và các hình ảnh ghi nhận quá trình trồng rừng; các biên bản nghiệm thu, kết quả trồng rừng (nếu có); hồ sơ quản lý vật tư, cây giống; các căn cứ, cơ sở để xác định khối lượng công việc trồng rừng và hồ sơ, văn bản, tài liệu khác có liên quan hoạt động trồng rừng.

d) Thực hiện trồng lại cây rừng bị rủi ro nhổ bỏ để tái lấn chiếm năm 1, năm 2 trên hiện trường trồng rừng sau giải tỏa: Đơn vị chủ rừng lập biên bản hiện trường kèm xác định vị trí, số lượng cây bị nhổ bỏ tái lấn chiếm có xác nhận của hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương (kèm hình ảnh trước và sau khi trồng lại), trên cơ sở biên bản xác nhận, đơn vị chủ rừng chủ động tổ chức thực hiện trồng lại cây rừng bị nhổ từ nguồn kinh phí hỗ trợ trồng lại cây rừng trong tổng mức dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thủ tục về mua sắm, đấu thầu thực hiện dự án:

a) Về mua sắm cây giống, vật tư phân bón: Thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.

b) Gói thầu thực hiện thi công trồng rừng: Đơn vị chủ rừng có thể tự thực hiện trồng rừng nếu đủ năng lực, kinh nghiệm và nguồn lực.

Điều 3. Hỗ trợ kinh phí trồng lại rừng bị phá hoại dẫn tới không thành rừng do tái lấn chiếm

a) Điều kiện được hỗ trợ:

Số cây bị thiệt hại dẫn tới không thành rừng (do bị phá, nhổ) năm 1, năm 2 dưới 20% số cây được trồng/ha thì thực hiện trồng dặm từ nguồn chi phí trồng dặm đã được tính trong đơn giá trồng rừng; số cây bị thiệt hại dẫn tới không thành rừng (do bị phá, nhổ) năm 1, năm 2 vượt quá 20% số cây được trồng/ha thì được hỗ trợ kinh phí để trồng lại rừng.

b) Quy trình trồng và chăm sóc rừng: Thực hiện theo quyết định hướng dẫn của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Mức hỗ trợ:

Đối với quy trình trồng Thông ba lá có tiêu chuẩn cây con đem trồng từ 06-08 tháng tuổi, mật độ trồng 2.220 cây/ha; đơn vị chủ rừng trồng lại và lập hồ sơ dự toán bằng số cây bị thiệt hại (do bị phá, nhổ) theo thực tế kiểm đếm nhân đơn giá 6.257 đồng/cây (là chi phí trồng lại cây rừng gồm chi phí cây giống, vận chuyển cây trồng, đào hố, lấp hố), số cây hỗ trợ trồng lại không vượt quá số cây được tính theo công thức: 2.220 cây/ha - (2.220 cây/ha x 20% số cây được trồng dặm/ha) và hỗ trợ 01 lần.

Đối với quy trình trồng Thông ba lá có tiêu chuẩn cây con đem trồng từ 18-20 tháng tuổi (cây năm 2), mật độ trồng 1.666 cây/ha; đơn vị chủ rừng trồng lại và lập hồ sơ dự toán bằng số cây bị thiệt hại (do bị phá, nhổ) theo thực tế kiểm đếm nhân đơn giá 25.941 đồng/cây (là chi phí trồng lại cây rừng gồm chi phí cây giống, vận chuyển cây trồng, đào hố, lập hố), số cây hỗ trợ trồng lại không vượt quá số cây được tính theo công thức: 1.666 cây/ha - (1.666 cây/ha x 20% số cây được trồng dặm/ha) và hỗ trợ 01 lần.

Đối với quy trình Trồng Sao, Dầu (có trồng xen cây Keo phụ trợ hoặc loài cây phù trợ khác phù hợp) có tiêu chuẩn cây con đem trồng từ 06-08 tháng tuổi. Mật độ trồng Sao, Dầu 833 cây/ha xen Keo phụ trợ 833 cây/ha: Đơn vị chủ rừng trồng lại và lập hồ sơ dự toán bằng số cây bị thiệt hại (do bị phá, nhổ) theo thực tế kiểm đếm nhân đơn giá 9.179 đồng/cây (là chi phí trồng lại cây rừng gồm chi phí cây giống, vận chuyển cây trồng, đào hố, lấp hố), số cây hỗ trợ trông lại không vượt quá số cây được tính theo công thức: 1.666 cây/ha - (1.666 cây/ha x 20% số cây được trồng dặm/ha) và hỗ trợ 01 lần.

d) Tạm ứng kinh phí trồng rừng sau giải tỏa:

Trường hợp các chủ rừng, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp sau giải tỏa lớn hơn kế hoạch vốn được phân bổ để trồng rừng sau giải tỏa thì địa phương, chủ rừng được phép chủ động ứng kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai việc trồng rừng sau giải tỏa, sau đó tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Đơn giá trồng rừng tại Điều 1 nêu trên làm cơ sở để các đơn vị chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan lập hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng, thẩm định, phê duyệt, thanh quyết toán kinh phí trồng rừng sau giải tỏa.

2. Trong trường hợp có biến động lớn về chi phí vật liệu, chi phí nhân công và các yếu tố liên quan, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh đơn giá trồng rừng sau giải tỏa trên địa bàn tỉnh.

3. Giao UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc phê duyệt danh mục trồng rừng sau giải tỏa trên địa bàn để kịp thời triển khai thực hiện.

4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hàng năm, tham mưu đề xuất UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện cơ chế tài chính đặc thù.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng thành viên/Giám đốc các công ty TNHH MTV lâm nghiệp; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Trưởng các ban quản lý rừng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 5;
- LĐVP;
- Lưu: VT, LN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1109/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt đơn giá trồng rừng và quy trình đầu tư, cơ chế tài chính đặc thù đối với trồng rừng sau giải tỏa do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 1109/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản