THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1106/1999/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1999 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG CẦU THANH TRÌ VÀ ĐOẠN TUYẾN PHÍA NAM VÀNH ĐAI III HÀ NỘI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 459/TT-GTVT-KHĐT ngày 09 tháng 02 năm 1999) và ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư (công văn số 62/TĐNN ngày 06 tháng 5 năm 1999),
QUYẾT ĐỊNH:
1. Tên dự án : Cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai III Hà Nội.
2. Phạm vi dự án : bao gồm cầu Thanh Trì, đường dẫn hai đầu cầu nối với quốc lộ 1 và quốc lộ 5. Điểm đầu xuất phát từ phía Nam hồ Linh Đàm (ngã ba Pháp Vân tại Km8 - quốc lộ 1 trên đoạn Hà Nội - Văn Điển), cắt qua sông Hồng bằng cầu Thanh Trì cách Phà Đen khoảng 3,5 km về phía hạ lưu, qua địa phận Sài Đồng - Gia Lâm, nối với quốc lộ 5 tại vị trí khoảng Km5 + 500.
Chiều dài toàn tuyến là 12,4 km, gồm :
- Cầu Thanh Trì : 3,1 km.
- Đoạn đường nối từ Pháp Vân đến đầu Nam cầu Thanh Trì : 6,1 km.
- Đoạn đường nối từ đầu Bắc cầu Thanh Trì đến quốc lộ 5 (Sài Đồng) : 3,2 km.
3. Quy mô công trình và tiêu chuẩn thiết kế.
a) Tiêu chuẩn thiết kế :
Tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho công trình : chủ yếu áp dụng theo quy trình, quy phạm Việt Nam và có tham khảo tiêu chuẩn AASHTO (Hoa Kỳ) :
- Đối với đường bố trí xe chạy suốt (cao tốc) cho đoạn Nam vành đai III Hà Nội : tốc độ thiết kế 100 km/h; chiều rộng làn xe là 3,75m (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729 - 1998).
- Đối với đường gom : tốc độ thiết kế 40 km/h; chiều rộng làn xe 3,50m (theo tiêu chuẩn TCVN 4054 - 85).
- Đối với cầu : áp dụng tiêu chuẩn thiết kế cầu của Việt Nam (theo tiêu chuẩn 22 TCVN 018 - 79), có tham khảo theo tiêu chuẩn AASHTO; tĩnh không thông thuyền B = 80m, H = 10m.
b) Quy mô và giải pháp kết cấu công trình :
- Phần cầu Thanh Trì :
Quy mô : cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép (BTCT) và bê tông cốt thép dự ứng lực (BTCTDƯL), tổng chiều dài cầu là 3.120m.
Khổ cầu : rộng 32m bố trí cho 4 làn xe cao tốc (4 x 3,75m) + 2 làn xe hỗn hợp (2 x 3m) + hai lề cho xe thô sơ và người đi bộ (2 x 3m) + dải phân cách giữa 2m + gờ chắn lan can.
Kết cấu : phần cầu chính bố trí các nhịp phù hợp với điều kiện tĩnh không thông thuyền và đáp ứng tính đổi dòng, mở rộng dòng chảy của dòng chủ. Dùng dầm hộp liên tục BTCTDƯL thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng, phần cầu dẫn dùng dầm BTCT thi công bằng công nghệ đúc hẫng hoặc đúc đẩy. Mố trụ bằng BTCT với móng dùng cọc khoan nhồi đường kính lớn.
- Phần đường nối vào cầu :
+ Đoạn Pháp Vân - đầu Nam cầu Thanh Trì : chiều dài tuyến khoảng 6.100m, thiết kế theo đường thành phố, bao gồm 4 làn xe cao tốc, đường gom hai bên, hè đường và các công trình kỹ thuật thích hợp có chú ý tới nhu cầu phát triển theo quy hoạch.
+ Đoạn đầu Bắc cầu Thanh Trì - quốc lộ 5 (Sài Đồng) : chiều dài tuyến khoảng 3.200m, thiết kế mặt cắt ngang phần đường cao tốc đảm bảo thống nhất với đầu đường phía Nam.
Kết cấu mặt đường : áp dụng kết cấu dạng mặt đường mềm bảo đảm tải trọng thiết kế.
- Các công trình trên tuyến : dọc tuyến thiết kế đường gom và các cầu chui, cầu vượt cho dân sinh.
- Các nút giao : các nút giao lập thể bao gồm :
+ Nút giao lập thể nửa hoa thị được xây dựng gần hồ Linh Đàm để nối với đoạn quốc lộ 1 cũ.
+ Nút giao lập thể dạng chữ Y dự kiến cách quốc lộ 1 hiện tại khoảng 800m nối với quốc lộ 1 mới (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ).
+ Hai nút giao lập thể kiểu nửa hình thoi tại các vị trí giao cắt với đê tạo lối ra, vào ở 2 đầu cầu.
+ Nút giao lập thể kiểu nửa hoa thị nối với quốc lộ 5 tại Sài Đồng.
- Trạm thu phí : xây dựng 1 trạm thu phí hoàn chỉnh với hình thức bán tự động.
4. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn :
- Nhu cầu vốn đầu tư để làm cơ sở đàm phán vay vốn : khoảng 410 triệu USD tương đương khoảng 5.700 tỷ đồng (tính theo tỷ giá 1 USD = 13.900 đồng). Tổng mức đầu tư được xác định sau khi có thiết kế và giá trị tổng dự toán được duyệt.
- Nguồn vốn : vốn vay JBIC của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước Việt Nam.
5. Tổ chức thực hiện :
- Chủ đầu tư : Bộ Giao thông vận tải.
- Đại diện chủ đầu tư : Ban Quản lý dự án Thăng Long thuộc Bộ Giao thông vận tải.
- Tiến độ thực hiện : Khởi công năm 2001, hoàn thành năm 2004.
6. Phương thức thực hiện dự án :
- Tư vấn thiết kế kỹ thuật : thực hiện bằng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và do phía Nhật Bản chỉ định.
- Tư vấn giám sát và nhà thầu thi công : đấu thầu cạnh tranh quốc tế.
1. Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải :
- Quyết định phương án kỹ thuật trong quá trình thiết kế kỹ thuật trên cơ sở nghiên cứu những điểm lưu ý của Hội đồng thẩm định nhà nước đã nêu tại văn bản số 62/TĐNN ngày 06 tháng 5 năm 1999 và thống nhất với ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về các phương án kỹ thuật cụ thể để đảm bảo lựa chọn phương án hợp lý, sử dụng vốn tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Xác định tổng mức đầu tư theo thiết kế được duyệt phù hợp với mặt bằng giá thực tế, các chi phí theo quy định, chế độ của Nhà nước thông qua thẩm định theo quy định hiện hành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để làm cơ sở lập kế hoạch đấu thầu.
- Phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Chỉ đạo triển khai dự án theo quy định hiện hành.
2. ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ của dự án và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngành có liên quan thực hiện theo chức năng và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình đàm phán vay vốn và triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, thông lệ quốc tế và đúng cam kết về vay, trả nợ.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông năm 1994
- 2Nghị định 42-CP năm 1996 ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
- 3Thông báo số 75/TB-BGTVT về việc kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cầu Thanh Trì và đường Vành Đai 3 Hà Nội do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 1106/1999/QĐ-TTg phê duyệt đầu tư dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai III Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1106/1999/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/11/1999
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 08/01/2000
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 11/12/1999
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực