Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/1999/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ CHI PHÍ THỰC HIỆN CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;

- Căn cứ Nghị định 44/1998/NĐ/CP ngày 29/6/1998 của Chính phủ về việc chuyển Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần;

- Căn cứ Thông tư số 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính về hướng dẫn những vấn đề tài chính khi chuyển Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần;

- Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về quản lý chi phí thực hiện cổ phần hoá Doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 2: Quyết định này thay thế cho quyết định số 3385/QĐ-UB ngày 20/8/1998 của UBND Thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh văn phòng UBND Thành phố, Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp của Thành phố, Cục trưởng Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận huyện, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan thuộc UBND Thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Vượng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC QUẢN LÝ CHI PHÍ THỰC HIỆN CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Kèm theo quyết định số 11/1999/QĐ-UB ngày 15/3/1999 của UBND thành phố Hà Nội

I/ phạm vi, nguyên tắc và nội dung chi phí

1- Phạm vi và nguyên tắc chi:

Các chi phí cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là các khoản chi có liên quan đến quá trình chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần kể từ khi có quyết định triển khai của UBND Thành phố đến khi bàn giao vốn và tài sản cho Công ty cổ phần.

Tất cả các khoản chi đều do doanh nghiệp trực tiếp làm thủ tục xuất quỹ (các nhóm công tác của Ban đổi mới doanh nghiệp cử người ký nhận tiền với doanh nghiệp). Hạch toán kế toán, báo cáo quyết toán.

Công việc thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp nếu thuê chuyên gia (thí dụ như thuê kiểm toán, thuê viết điều lệ. . .) thì phải ký hợp đồng làm căn cứ chi tiền.

2- Nội dung.

a/ Chi phí chung cho doanh nghiệp.

Công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho mọi người về chủ trương chính sách và quy định của Chính phủ, các Bộ, Ngành về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Tổ chức đại hội công nhân viên chức bất thường để thông qua phương án cổ phần hoá.

Tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất thông qua điều lệ công ty, bầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

b/ Chi cho công tác xác định và công bố giá trị doanh nghiệp đến thời điểm làm cổ phần.

Chi cho công tác chuẩn bị tài liệu có liên quan đến tài sản vật tư, tiền vốn cụ thể là:

- Báo cáo tài chính ba năm cuối đến thời điểm tiến hành cổ phần hoá.

- Báo cáo chi tiết công nợ (kèm theo bản đôi chiếu) tài sản vật tư, hàng hoá ứ đọng kém phẩm chất và công nợ khó đòi . . .phân tích nguyên nhân.

- Báo cáo kiểm kê vật tư hàng hoá tồn kho, tài sản cố định theo sổ sách và tự đánh giá.

- Chi thẩm định của cơ quan chức năng hoặc chi thuê kiểm toán (nếu tình hình tài chính phức tạp) như chi cho công tác quyết toán thuế, kiểm tra báo cáo công nợ, kiểm tra báo cáo kiểm kê đánh giá tài sản, kiểm tra báo cáo tài chính để chốt số dư các tài khoản tại thời điểm cổ phần hoá để xác định giá trị doanh nghiệp.

c/ Chi cho công tác lập phương án cổ phần hoá theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, lập phương án sản xuất kinh doanh cho 3 năm sau khi cổ phần hoá.

- Chi cho việc viết điều lệ công ty cổ phần, dựa vào điều lệ mẫu công ty tự viết hoặc ký hợp đồng thuê viết.

- Chi cho việc thẩm định dự án sản xuất kinh doanh, phương án cổ phần hoá và thẩm định điều lệ công ty cổ phần hoá.

d/ Chi cho công tác lập phương án xử lý lao động và chính sách cho người lao động. Chi cho công tác thẩm định phương án xử lý lao động và chính sách cho người lao động.

e/ Chi cho một số công việc khác như đăng ký kinh doanh, khắc dấu,. . .

II/ Phân bố cơ cấu các khoản chi

1/ Quy định mức khống chế.

Giám đốc doanh nghiệp căn cứ vào tính chất phức tạp của từng việc mà quyết định mức chi, tổng mức chi cho quá trình cổ phần hoá ở doanh nghiệp khống chế tối đa như sau:

- Doanh nghiệp có giá trị thực tế phần vốn Nhà nước dưới 3 tỷ đồng, được chi không quá 3% giá trị thực tế vốn Nhà nước.

- Doanh nghiệp có giá trị thực tế phần vốn Nhà nước từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì được cộng thêm 2% của giá trị vốn Nhà nước tăng thêm. Doanh nghiệp có giá trị thực tế phần vốn Nhà nước trên 10 tỷ đồng được cộng thêm 1% của giá trị vốn Nhà nước tăng thêm.

- Trường hợp vốn Nhà nước quá nhỏ nên mức được chi tính theo tỷ lệ quy định trên nhỏ hơn 25 triệu đồng thì mức được chi bằng 25 triệu đồng.

2/ Cơ cấu khoản chi.

Tổng mức chi trên đây quy ra 100% thì mức chi cho từng công việc xác định như sau:

- Doanh nghiệp chi cho tuyên truyền, quảng cáo, đại hội công nhân viên chức và đại hội cổ đông 25%.

- Doanh nghiệp chi cho việc thuê kiểm toán hoặc kiểm tra báo cáo tài chính, tự kiểm kê đánh giá tài sản, vật tư, tiền vốn, xử lý các vấn đề tài chính, thanh lý, nhượng bán tài sản . . .12%.

- Chi cho nhóm xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định giá trị doanh nghiệp 20%.

- Chi cho công tác viết phương án viết cổ phần và viết điều lệ 3% (mức tuyệt đối tối đa không vượt quá 2 triệu đồng) của doanh nghiệp.

- Chi cho nhóm chuyên viên thẩm định phương án cổ phần hoá, SXKD và điều lệ công ty 10%.

- Chi cho xây dựng và thẩm định phương án lao động 10% (Trong đó chi cho xây dựng phương án của doanh nghiệp 5% và nhóm chuyên viên 5%).

- Chi cho thẩm định đề án (Toàn bộ hồ sơ đề án: Giá trị doanh nghiệp, điều lệ công ty cổ phần, phương án sản xuất kinh doanh, . . .) của ban chỉ đạo Thành phố 7%.

- Chi khác, chi in ấn và soạn thảo quyết định, báo cáo, biểu mẫu . . .8% (Chi cho cơ quan điều hành).

- Chi dự phòng 5%.

Tỷ lệ xác định cho từng chi tiết chi trên đây là tỷ lệ tối đa, tuỳ mức độ phức tạp của từng công việc giám đốc doanh nghiệp quyết định mức chi cụ thể. Nếu do yêu cầu công việc mà tiết chi nào đó vượt quá mức tối đa thì phải giảm mức của tiết chi khác để đảm bảo tổng mức chi không vượt quá mức khống chế quy định tại điểm 1 mục 2 nói trên.