Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1090/QĐ-UB

Long Xuyên, ngày 20 tháng 10 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐỀN BÙ THIỆT HẠI KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT ĐỂ SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG AN NINH, LỢI ÍCH QUỐC GIA, LỢI ÍCH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBNĐ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21.06.1994;

- Căn cứ Luật Đất đai được Quốc Hội thông qua ngày 14.07.1993;

- Căn cứ Nghị định số 90/CP ngày 17.08.1994 của Chính phủ ban hành quy định về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

- Căn cứ Nghị định số 60/CP ngày 05.07.1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;

- Căn cứ Nghị định số 45/CP ngày 03.06.1996 của Chính phủ về việc bổ sung điều 10 của Nghị định số 60/CP ngày 05.07.1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;

Được sự chấp thuận của Thường trực HĐND tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bán quy định về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản đã ban hành trước đây có nội dung trái với bản quy định ban hành kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Giám đốc sở Địa chính, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá chịu trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai và hướng dẫn thi hành quyết định này.

Điều 4: Ông Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, Ban, Ngành và Chủ tịch UBND các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU,
- TT HĐND tỉnh,
- Sở, ban, ngành, đoàn thể,
- UBND các cấp,
- Lưu.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐỀN BÙ THIỆT HẠI KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT ĐỂ SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH, LỢI ÍCH QUỐC GIA, LỢI ÍCH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo quyết định số 1090/QĐ.UB ngày 20.10.1996 của UBND tỉnh An Giang).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy định này là căn cứ pháp lý để áp dụng cho việc đền bù thiệt hại về đất và đền bù thiệt hại về tài sản hiện có trên đất khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

1. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh: Là đất sử dụng cho các đơn vị đóng quân; làm các căn cứ không quân, hải quân và căn cứ quân sự khác; làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt; làm các ga, cảng quân sự; làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng kết hợp làm kinh tế; sử dụng làm kho tàng của lực lượng vũ trang, làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí; xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang; sử dụng vào việc xây dựng các công trình quốc phòng an ninh khác theo quy định của chính phủ.

2. Đất sử dụng vào mục đích công cộng và lợi ích quốc gia: Là đất dùng để xây dựng đường giao thông, vỉa hè, cầu, cống, hệ thống cấp thoát nước; xây dựng sông, hồ, đê, đập, trường học, bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí công cộng, quảng trường, sân vận động, sân bay, bến cảng, nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng đập hoặc hồ thủy điện, đường dây tải điện, các công trình kết cấu hạ tầng, công trình thủy lợi công trình nghiên cứu khoa học; xây dựng công sở (trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội) và các công trình khác theo quy định của chính phủ.

Điều 2: Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất (sau đây gọi chung là người sử dụng đất) thuộc diện hợp pháp, hợp lệ khi Nhà nước thu hồi đất thì được đền bù thiệt hại về đất, đền bù thiệt hại về tài sản, hoa lợi trên đất thu hồi.

Đất thuộc diện hợp pháp, hợp lệ được nêu trong bản quy định này bao gồm:

1. Đất thuộc diện hợp pháp: Là đất đã được hợp thức hóa quyền sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau ngày 15.10.1993.

2. Đất thuộc diện hợp lệ:

a. Là đất mà người sử dụng có các loại giấy tờ do Chính phủ CMLTCHMNVN và Nhà nước CHXHCNVN cấp:

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất ở của Chủ tịch UBHC tỉnh trong thời kỳ cải cách ruộng đất;

+ Quyết định giao, cấp đất ở của UBND tỉnh hoặc quyết định giao, cấp đất ở của UBND huyện - thị xã, cơ quan nhà, đất, xây dựng cấp tỉnh theo ủy quyền của UBND tỉnh trước ngày 15.10.1993;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức hay tạm thời do UBND tỉnh cấp hoặc do UBND huyện - thị xã cấp theo ủy quyền của UBND tỉnh;

+ Đất ở đang sử dụng và đã được đăng ký vào sổ địa chính theo quy định của Nhà nước;

+ Giấy tờ về quyền sở hữu nhà theo quy định của Thông tư 47/BXD/XDCBĐT ngày 5.8.1989 và Thông tư 02/BXD-ĐT ngày 29.4.1992 của Bộ Xây dựng từ trước ngày 15.10.1993 hoặc từ ngày 15.10.1993 đến trước ngày 05.07.1994 mà trong giá nhà đã tính giá đất ở của nhà đó;

+ Các giấy tờ mua bán đất ở trước ngày 01.07.1980 được chính quyền cấp xã xác nhận đất có nguồn gốc hợp pháp;

+ Các giấy tờ về thừa kế, cho tặng nhà đất không có tranh chấp và được chính quyền cấp xã xác nhận nhà đất có nguồn gốc hợp pháp;

+ Bản án có hiệu lực thi hành của Tòa án về việc giải quyết tranh chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

b. Là đất mà người sử dụng có những giấy tờ sau đây do cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp, không có tranh chấp hoặc không thuộc diện Chính phủ CMLTCHMNVN và Nhà nước CHXHCNVN đã giao cho người khác sử dụng:

+ Bằng khoán điền thổ;

+ Trích lục, trích sao, bản đồ điền thổ, bản đồ phân chiết thửa, chứng thư đoạn mãi đã thị thực, đăng tịch, sang tên tại Văn phòng chưởng khế, Ty điền địa, Nha trước bạ;

+ Giấy tờ mua bán sang nhượng đất có nguồn gốc hợp pháp được chính quyền đương thời các cấp chứng nhận;

+ Đơn xin thuê đất ở của Nhà nước được chính quyền đương thời xác nhận;

+ Giấy của Ty điền chứng nhận đất ở do chế cũ cấp.

Điều 3: Nhà ở thuộc diện hợp pháp, hợp lệ được nêu trong bản quy định này bao gồm:

1. Nhà ở thuộc diện hợp pháp: là nhà ở đã đăng ký và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở sau ngày 05.07.1994.

2. Nhà ở thuộc diện hợp lệ: là nhà ở có các giấy tờ hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ CMLTCHMNVN hoặc Nhà nước CHXHCNVN cấp và nhà ở mà chủ nhà có các giấy tờ hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp, hiện nay không có tranh chấp về nhà và đất hoặc không thuộc diện. Chính phủ CMLTCHMNVN và Nhà nước CHXHCNVN đã giao cho người khác sử dụng.

Điều 4: Người sử dụng đất không hợp pháp, không hợp lệ, hoặc sử dụng đất thuộc phạm vi hành lang lộ giới; hành lang bờ sông, kênh, rạch...; phạm vi công trình công cộng, công trình kỹ thuật khi Nhà nước thu hồi đất không được đền bù thiệt hại về đất và tài sản trên đất đó.

Nhà ở, vật kiến trúc, công trình không thuộc diện hợp pháp, hợp lệ hoặc xây dựng trái phép khi Nhà nước thu hồi đất không được đền bù thiệt hại, chỉ được trợ cấp di dời.

Điều 5: Cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải thực hiện trách nhiệm đền bù thiệt hại, trợ cấp di dời cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất theo đúng các quy định của bản quy định này và các văn bản pháp luật hiện hành.

Chương II

ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ ĐẤT

Điều 6: Căn cứ để tính giá trị đất khi đền bù thiệt hại là khung giá đất do UBND tỉnh ban hành kèm theo quyết định số 125/QĐ.UB ngày 22.02.1995, trường hợp Nhà nước điều chỉnh lại khung giá đất thì áp dụng theo khung giá mới ban hành.

Điều 7: Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền sử dụng đất bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất thì không được đền bù thiệt hại về đất Trường hợp có nhu cầu sử dụng đất thì UBND tỉnh sẽ xem xét giao sử dụng đất mới.

Điều 8: Các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị kinh tế tập thể, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh được Nhà nước giao đất và nộp tiền sử dụng đất không thuộc nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp, hiện đang sử dụng đúng mục đích, khi Nhà nước thu hồi đất thì được đền bù thiệt hại 100% giá trị đất hoặc được hoán đổi đất theo quy hoạch và được đền bù thiệt hại về tài sản trên đất bị thu hồi.

Trường hợp khi Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền sử dụng đất bằng nguồn vốn của ngân sách Nhà nước thì không được đền bù thiệt hại về đất.

Điều 9: Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang Các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị kinh tế tập thể, được Nhà nước giao đất mà sử dụng đất không đúng mục đích được giao, khi Nhà nước thu hồi đất thì không được đền bù thiệt hại về đất.

Điều 10: Khi Nhà nước thu hồi đất người sử dụng đất được Nhà nước hoán đổi đất hoặc tự chuyển nhượng đất thì không phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) và chuyển quyền sử dụng đất đối với phần diện tích tương đương với diện tích đất bị thu hồi.

Nếu diện tích đất hoán đổi lớn hơn diện tích đất bị thu hồi thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền chuyển mục đích (nếu có) và chuyển quyền sử dụng đất phần diện tích chênh lệch.

Nếu diện tích đất tự chuyển nhượng lớn hơn diện tích đất bị thu hồi thì người sử dụng đất phải nộp tiền chuyển mục đích (nếu có) và chuyển quyền sử dụng đất phần diện tích chênh lệch.

Điều 11: Khi Nhà nước thu hồi đất để mở rộng đường thì Nhà nước sẽ đền bù thiệt hại diện tích đất được sử dụng để mở rộng mặt đường, lề đường, vỉa hè, diện tích đất sử dụng để mở rộng hành lang lộ giới không được đền bù thiệt hại.

MỤC I: ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ ĐẤT Ở

Điều 12: Người sử dụng đất thuộc diện hợp pháp/ hợp lệ khi Nhà nước thu hồi đất được đền bù thiệt hại bằng tiền theo nguyên tắc sau đây:

1. Đất ở tại đô thị thuộc diện hợp pháp được đền bù thiệt hại 100% giá trị đất theo khung giá đất của Nhà nước.

2. Đất ở tại đô thị thuộc diện hợp lệ được đền bù thiệt hại theo các mức như sau:

a. Người sử dụng đất ổn định từ trước ngày 18.12.1960 thì được đền bù thiệt hại 100% giá bị đất bị thu hồi.

b. Người sử dụng đất ổn định từ sau ngày 18.12.1980 đến ngày 15.10.1993 thì được đền bù thiệt hại bằng 80% giá trị đất bị thu hồi.

c. Người sử dụng đất ổn định từ sau ngày 15.10.1993 đến ngày bị thu hồi đất mà chưa nộp tiền sử dụng đất, thì không được đền bù thiệt hại về đất ở.

3. Đất ở tại khu dân cư nông thôn thuộc diện hợp pháp, hợp lệ được đền bù thiệt hại bằng 100% giá trị đất theo khung giá đất của Nhà nước.

Điều 13: Trường hợp người bị thu hồi đất thuộc diện hợp pháp, hợp lệ không nhận đền bù thiệt hại bằng tiền, mà có nhu cầu được hoán đổi đất ở thì giải quyết theo nguyên tắc sau đây:

1. Được hoán đổi một diện tích đất ở theo quy hoạch của Nhà nước.

2. Trường hợp đất ở được hoán đổi có diện tích chênh lệch so với đất ở bị thu hồi thì giải quyết như sau:

a. Nếu diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn diện tích đất ở được hoán đổi thì phần diện tích chênh lệch được Nhà nước đền bù thiệt hại bằng tiền theo khung giá đất của Nhà nước.

b. Nếu diện tích đất ở được hoán đổi lớn hơn diện tích đất ở bị thu hồi thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất phần diện tích chênh lệch theo khung giá đất của Nhà nước.

MỤC II: ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ ĐẤT NÔNG NGHIỆP, ĐẤT LÂM NGHIỆP, ĐẤT CHUYÊN DÙNG

Điều 14: Người sử dụng đất thuộc diện hợp pháp, hợp lệ khi Nhà nước thu hồi đất thì được đền bù thiệt hại bằng tiền theo nguyên tắc sau đây:

1. Đất bị thu hồi thuộc diện hợp pháp được đền bù thiệt hại bằng 100% giá trị đất theo khung giá đất của Nhà nước.

2. Đất bị thu hồi thuộc diện hợp lệ được đền bù thiệt hại bằng 90% giá trị đất theo khung giá đất của Nhà nước.

Điều 15: Trường hợp người bị thu hồi đất thuộc diện hợp pháp, hợp lệ không nhận đền bù thiệt hại bằng tiền, mà có nhu cầu được hoán đổi đất thì giải quyết theo nguyên tắc sau đây:

1. Được hoán đổi một diện tích đất tương đương với diện tích đất bị thu hồi.

2. Trường hợp đất bị thu hồi có giá trị lớn hơn đất được hoán đổi thì phần chênh lệch về giá trị đất được Nhà nước đền bù thiệt hại bằng tiền, theo khung giá đất của Nhà nước.

3. Trường hợp đất được hoán đổi có giá trị lớn hơn đất bị thu hồi thì người được hoán đổi đất phải nộp phần chênh lệch về giá trị đất cho Nhà nước, giá trị chênh lệch tính theo khung giá đất của Nhà nước.

Điều 16: Các trường hợp bao chiếm, chiếm dụng, sử dụng đất bất hợp pháp hoặc không đủ điều kiện xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi đất thì không được đền bù thiệt hại về đất và hoa lợi trên đất bị thu hồi.

Trường hợp đất do Nhà nước tạm giao sử dụng, khi thu hồi thì không được đền bù thiệt hại về đất chỉ được đền bù thiệt hại về hoa lợi trên đất bị thu hồi.

Chương III

ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN VÀ TRỢ CẤP DI DỜI

MỤC I: ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ NHÀ Ở, VẬT KIẾN TRÚC

Điều 17: Nguyên tắc tính đền bù thiệt hại đối với nhà ở, vật kiến trúc, công trình phụ trợ như sau:

1. Được đền bù bằng giá trị hiện có của công trình, giá trị này được xác định bằng tỷ lệ (%) giá trị còn lại của công trình nhân với giá xây dựng mới theo mức giá chuẩn về xây dựng do UBND tỉnh quy định.

2. Nhà ở, vật kiến trúc xây dựng đơn giản (bằng cây, tre, lá...) không có trong mức giá chuẩn về xây dựng do UBND tỉnh quy định, thì tính theo giá vật tư cộng với giá nhân công tại địa phương vào thời điểm thu hồi đất.

3. Đối với nhà ở, vật kiến trúc hoặc công trình phụ trợ có thể tháo rời và di chuyển đến chỗ ở mới để lắp đặt thì được đền bù chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại và chi phí vật tư hao hụt hư hỏng trong quá trình tháo dỡ vận chuyển lắp đặt và được hưởng trợ cấp di dời.

Mức đền bù chi phí tối đa không được vượt quá 10% mức giá chuẩn của ngôi nhà, vật kiến trúc, công trình cùng tiêu chuẩn kỹ thuật do UBND tỉnh quy định.

Điều 18: Đối với nhà ở, vật kiến trúc, công trình thuộc diện hợp pháp:

1. Nếu phải giải tỏa, di dời toàn bộ công trình hoặc phải tháo dỡ từ 70% công trình trở lên thì tính và được đền bù thiệt hại bằng 100% giá trị còn lại của toàn bộ công trình.

2. Nếu phải tháo dỡ dưới 70% công trình thì đền bù thiệt hại bằng 100% giá trị sử dụng còn lại của phần tháo dỡ.

3. Diện tích xây dựng không đúng theo giấy phép thì không được đền bù thiệt hại.

Điều 19: Đối với nhà ở, vật kiến trúc, công trình thuộc diện hợp lệ:

1. Nếu phải giải tỏa, di dời toàn bộ công trình hoặc phải tháo dỡ từ 70% công trình trở lên thì được tính và được đền bù thiệt hại bằng 98% giá trị sử dụng còn lại của toàn bộ công trình.

2. Nếu phải tháo dỡ dưới 70% công trình thì đền bù thiệt hại bằng 96% giá trị sử dụng còn lại của phần tháo dỡ.

Điều 20: Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho cá nhân, hộ gia đình thuê hoặc tạm cấp, tạm giao sử dụng khi Nhà nước thu hồi thì giải quyết như sau:

1. Không được đền bù thiệt hại, chỉ được trợ cấp di dời.

2. Người thuê nhà ở có thể được xem xét cho thuê nơi ở mới, nếu quỹ nhà ở của Nhà nước còn nhà cho thuê.

3. Trong quá trình sử dụng nhà ở, nếu có đầu tư sửa chữa, cải tạo hoặc nâng cấp diện tích sử dụng (có sự cho phép bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà ở) thì được bồi hoàn phần giá trị sử dụng còn lại.

MỤC II: ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ CÂY TRỒNG, HOA LỢI VÀ TRỢ CẤP DI DỜI

Điều 21: Đối với cây ăn trái:

1. Cây đang trong thời kỳ thu hoạch được đền bù thiệt hại bằng hai năm sản lượng tính theo mức sản lượng cao nhất của kỳ thu hoạch trước đó và theo giá nông sản cùng loại ở địa phương.

2. Cây chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được đền bù chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất (tính theo chi phí thực tế ở địa phương).

Điều 22: Đối với cây lấy gỗ:

1. Cây đến thời kỳ thu hoạch thì được trợ cấp chi phí cho việc thu hoạch (tính theo chi phí thực tế tại địa phương).

2. Cây chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được đền bù chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất (tính theo chi phí thực tế tại địa phương).

Điều 23: Đối với hoa màu, vật nuôi (thủy sản):

1. Đến thời kỳ thu hoạch thì được trợ cấp chi phí thu hoạch (tính theo chi phí thực tế tại địa phương).

2. Chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được đền bù chi phí đầu tư ban đầu, chi phí chăm sóc và thiệt hại sản lượng thực tế đến thời điểm thu hồi đất (tính theo chi phí thực tế và giá thị trường tại địa phương).

Điều 24: Trợ cấp di dời:

1. Khi di dời nhà ở, vật kiến trúc, công trình phụ trợ, mỗi hộ gia đình được trợ cấp 2.000.000 đồng.

2. Trợ cấp di dời mồ mả:

+ Mộ đất 500.000 đồng/1 ngôi mộ.

+ Mộ xây, mộ đúc 3.000.000 đồng/1 ngôi mộ.

3. Đối với đồng hồ điện, đồng hồ nước, điện thoại thì trợ cấp theo đơn giá thanh toán của đơn vị kinh doanh chuyên ngành,

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25: Thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất:

1. UBND cấp có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền ra quyết định thu hồi đất đó.

2. Trước khi ra quyết định thu hồi đất, cấp có thẩm quyền phải thông báo cho người sử dụng đất biết về lý do thu hồi đất; thời gian và kế hoạch di dời, giải tỏa; mức đền bù thiệt hại và trợ cấp di dời.

Điều 26: Thẩm quyền ra quyết định di dời, giải tỏa, cưỡng chế:

1. UBND tỉnh ra quyết định đối với khu vực nội ô đô thị và những khu quy hoạch thuộc cấp tỉnh thực hiện.

2. UBND huyện, thị xã ra quyết định đối với khu dân cư nông thôn.

3. UBND cấp nào ra quyết định thu hồi đất, di dời, giải tỏa thì ra quyết định cưỡng chế thi hành đối với những trường hợp không chấp hành quyết định.

4. UBND xã, phường, thị trấn không được ra các quyết định thu hồi đất di dời, giải tỏa hoặc các quyết định cưỡng chế thuộc phạm vi quy định trong bản quy định này.

Điều 27: Sở Địa chính, Sở Xây dựng, Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm:

1. Cử cán bộ chuyên môn giúp Ban Chỉ đạo thu hồi đất của UBND huyện, thị xã lập phương án thu hồi đất, đền bù thiệt hại

2. Thẩm định phương án thu hồi đất và đền bù thiệt hại do UBND huyện, thị xã lập.

3. Trực tiếp lập kế hoạch và phương án thu hồi đất, đền bù thiệt hại đối với các công trình thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Điều 28: UBND huyện, thị xã chỉ được ra quyết định thu hồi đất quyết định di dời, giải tỏa sau khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án thu hồi đất phương án đền bù thiệt hại và trợ cấp di dời.

Điều 29: Trường hợp thu hồi đất thuộc khu di tích lịch sử văn hóa, chùa chiền, thánh thất nghĩa trang, khu quân sự, trụ sở cơ quan Nhà nước...phải có sự trao đổi, bàn bạc với các cơ quan quản lý các công trình đó và trình UBND tỉnh quyết định từng trường hợp cụ thể.

Điều 30: Để bảo đảm cho việc di dời mồ mả khi thu hồi đất UBND huyện, thị xã phải quy hoạch nghĩa địa. Nghĩa địa phải đảm bảo về cảnh quan, vệ sinh môi trường và thuận tiện cho việc mai táng, chỉ được thực hiện việc di dời mồ mả sau khi đã quy hoạch xong nghĩa địa mới.

Điều 31: Giải quyết khiếu nại về thu hồi đất:

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về thu hồi đất di dời, giải tỏa, đền bù thiệt hại, nếu thấy không đảm bảo các quyền lợi của mình, người nhận được quyết định có quyền khiếu nại tới Chủ tịch UBND của cấp đã ra quyết định, quá thời hạn này đơn khiếu nại không được xem xét xử lý.

2. Khi nhận được khiếu nại của công dân, Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải trực tiếp giải quyết. Sau khi đã giải quyết khiếu nại, người bị thu hồi đất tiếp tục khiếu nại tới Chủ tịch UBND tỉnh thì UBND huyện, thị xã phải tạm ngừng ngay việc thực hiện quyết định của mình.

3. Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày nhận được khiếu nại UBND tỉnh xem xét quyết định và trả lời cho người khiếu nại. Quyết định của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1090/QĐ-UB năm 1996 về bản quy định đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 1090/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/1996
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 20/09/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản