Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1042/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2018 - 2025”

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”;

Xét đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TW (để b/c);
- Ủy ban Văn hóa TNTNNĐ của Quốc hội (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Trung ương Đoàn TNCSHCM (để p/h);
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các cơ sở GDNN (để t/h);
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2018 - 2025”
(Kèm theo Quyết định số 1042/QĐ-LĐTBXH ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” (gọi tắt là Đề án), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch triển khai Đề án như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

- Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung của Đề án, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và địa phương trong việc triển khai Đề án, đảm bảo thời gian theo kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Xác định nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương; đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, chất lượng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Việc triển khai kế hoạch được tổ chức rộng khắp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức và có tác động mạnh mẽ đến học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

II. CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Giai đoạn 2019 - 2020

- 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường.

- 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

- Có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đoàn thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

- 90% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

2. Giai đoạn 2021 - 2025

- 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

- Có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

- 95% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về văn hóa ứng xử dành cho cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

b) Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng:

- Xây dựng tuyến các bài viết, phóng sự tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học trên các báo in, báo điện tử và truyền hình.

- Tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về chủ đề văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên các báo điện tử, truyền hình.

c) Tổ chức truyền thông trên mạng xã hội:

- Xây dựng và phát hành các videoclip và infographic, app... theo các chuyên đề truyền thông về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên mạng xã hội.

d) Tổ chức các phong trào thi đua; tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc; tuyên truyền các mô hình văn hóa ứng xử cho nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

e) Tổ chức cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho nhà giáo, người học tham gia.

2. Xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Bộ quy tắc ứng xử trong trường học quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử.

- Bộ quy tắc ứng xử phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và văn hóa đặc trưng của các vùng miền.

b) Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và thực hiện văn bản quy định quy tắc ứng xử trong trường học

- Trên cơ sở Bộ quy tắc ứng xử trong trường học của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, sinh viên).

- Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và học sinh, sinh viên biết và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử.

- Bộ quy tắc ứng xử phải được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, website và những nơi cần thiết khác của nhà trường.

- Phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong xây dựng văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng nhân cách người thầy. Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên; tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

c) Ban hành văn bản hướng dẫn quy định tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

3. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Đổi mới về nội dung giáo dục văn hóa ứng xử

- Bổ sung nội dung giáo dục văn hóa ứng xử vào các hoạt động giáo dục, thực hành, thực tập, tình nguyện vì cộng đồng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường, các đoàn thể, địa phương tổ chức.

- Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống văn hóa, nhân ái, bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; đặc biệt là sự tự trọng bản thân và trách nhiệm đúng mực, nhân ái với người khác của học sinh, sinh viên thông qua việc tự học, tự rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết phù hợp với cấp học, lứa tuổi, trình độ đào tạo trong các chương trình, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

b) Đổi mới phương pháp, hình thức trong giáo dục văn hóa ứng xử

- Đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, sinh viên, đặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của học sinh, sinh viên; giáo dục kiến thức pháp luật; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh, sinh viên.

- Đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục góp phần trong công tác thi đua xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp văn hóa, văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên thiết thực, thường xuyên, hiệu quả trong mỗi năm học.

- Khuyến khích học sinh, sinh viên phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, rèn luyện và tham gia giám sát các hoạt động nhà trường, việc thực hiện văn hóa ứng xử và dân chủ trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ngăn chặn các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

4. Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử

a) Xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn về năng lực ứng xử văn hóa cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, đội ngũ cán bộ công tác học sinh, sinh viên, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập.

b) Tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

5. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử

a) Tổ chức gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với gia đình học sinh, sinh viên để tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thông tin để phối hợp, xử lý trong quá trình giáo dục, đào tạo.

b) Chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị, tổ chức trên địa bàn để tuyên truyền, xây dựng môi trường văn hóa, phối hợp tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên trong và ngoài nhà trường; biểu dương kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích; nhân rộng điển hình nói lời hay, cử chỉ đẹp.

c) Xây dựng và phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của nhà trường, các hình thức phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin từ người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình học sinh, sinh viên, các cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường mạng; góp phần thực hiện dân chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thiết lập cơ chế tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời, đạt hiệu quả giáo dục đối với các hành vi bạo lực học đường, vi phạm quy tắc ứng xử cần xử lý.

6. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát

a) Tổ chức khảo sát, thống kê dữ liệu, đánh giá thực trạng Bộ Quy tắc ứng xử tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

b) Hằng năm, tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai Đề án tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

c) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án.

IV. KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí thường xuyên sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước.

2. Nguồn thu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

3. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

a) Là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Đề án này.

b) Chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm.

c) Ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy tắc chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

d) Ban hành công văn hướng dẫn và các văn bản liên quan để chỉ đạo, đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện.

e) Tổ chức kiểm tra, đánh giá, theo dõi và báo cáo việc triển khai Kế hoạch Đề án.

2. Vụ Kế hoạch - Tài chính

a) Phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện kế hoạch hàng năm.

b) Chủ động tham mưu việc bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch theo năm và cả giai đoạn 2019 - 2025.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Kế hoạch triển khai Đề án tại địa phương.

b) Chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

4. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a) Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai các nội dung trong Đề án.

b) Xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở khung quy định chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường.

c) Định kỳ hàng năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp./.

 

PHỤ LỤC

NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2018 - 2025”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1042/QĐ-LĐTBXH ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

TT

Hoạt động

Sản phẩm hoàn thành

Thời gian thực hiện

Cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện

Cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện

1

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a

Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về văn hóa ứng xử dành cho cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền

2019 - 2025

Tổng cục GDNN

Cơ quan, đơn vị liên quan

b

Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng: xây dựng tuyến các bài viết, phóng sự tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên các báo in, báo điện tử và truyền hình; tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về chủ đề văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên các báo điện tử, truyền hình

Các chương trình, chuyên mục tuyên truyền

2019 - 2025

Tổng cục GDNN

Cơ quan, đơn vị liên quan

c

Tổ chức truyền thông trên mạng xã hội: làm các videoclip và infographic, app... theo các chuyên đề truyền thông về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Các chương trình, chuyên mục tuyên truyền trên mạng xã hội

2019 - 2025

Tổng cục GDNN

Cơ quan, đơn vị liên quan

d

Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng văn hóa ứng xử các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo dõi, báo cáo

Hàng năm

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cơ quan, đơn vị liên quan

d

Tổ chức cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho nhà giáo, người học tham gia

Theo dõi, báo cáo

Hàng năm

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cơ quan, đơn vị liên quan

2

Xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a

Xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bộ khung quy tắc ứng xử

2019 - 2020

Tổng cục GDNN

Cơ quan, đơn vị liên quan

b

Xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở quy định chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường

Bộ quy tắc ứng xử

2020

Các cơ sở GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

c

Hướng dẫn quy định tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Văn bản hướng dẫn

2019 - 2025

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

3

Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

a

Xây dựng tài liệu, chuyên đề đổi mới phương pháp, hình thức trong giáo dục văn hóa ứng xử

Bộ tài liệu

2020

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

b

Tổ chức sinh hoạt chuyên đề ứng xử đối với học sinh, sinh viên

Chuyên đề

2020

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

4

Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử

a

Xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn về năng lực ứng xử văn hóa cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, đội ngũ cán bộ công tác học sinh, sinh viên, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập

Bộ tài liệu

2019 - 2025

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

b

Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đoàn thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bộ tài liệu

2019 - 2025

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

5

Tăng cường sự phối hợp giũa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử

a

Xây dựng hệ thống thông tin kết nối giữa nhà trường, gia đình và địa phương về văn hóa ứng xử trong trường học

Hệ thống thông tin

2020 - 2021

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

b

Phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình người học tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề về văn hóa ứng xử trong trường học.

Kế hoạch phối hợp

2019 - 2025

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Các đơn vị, tổ chức liên quan

6

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát

a

Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai Đề án

Báo cáo kết quả

2020-2025

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

b

Hội nghị triển khai sơ kết, tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Báo cáo kết quả

2020-2025

Tổng cục GDNN

Các đơn vị liên quan; cơ sở GDNN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1042/QĐ-BLĐTBXH năm 2019 về Kế hoạch triển khai Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1042/QĐ-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/07/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản