Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1015/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 05 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN NĂM 2020-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 143/TTr-STP ngày 20 tháng 4 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn năm 2020-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy);
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- TAND, Viện KSND, Cục THA dân sự tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh BT;
- Báo Bình Thuận, Đài PT-TH Bình Thuận;
- Lưu: VT, NCKSTTHC. N

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN NĂM 2020-2025
(Kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 05 5/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Qua đó, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự, đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xã hội hóa hoạt động Thừa phát lại là giải pháp cải cách tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước, huy động nguồn lực và tăng cường trách nhiệm của xã hội đối với các hoạt động của Nhà nước mà nội dung trọng tâm là chuyển giao công việc của Nhà nước đang trực tiếp thực hiện cho các tổ chức xã hội, góp phần giảm và từng bước chuyển giao công việc không cần thiết phải do Nhà nước thực hiện với mục đích phát huy tiềm năng của cá nhân, tổ chức trong xã hội; giảm sự cồng kềnh của bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho nhân dân lựa chọn phương thức yêu cầu thi hành án thích hợp, hiệu quả; tránh được tình trạng bất cập hiện nay trong công tác thi hành án dân sự do số lượng bản án, quyết định phải thi hành ngày càng nhiều, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí và đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự tuy từng bước được củng cố, tăng cường nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác thi hành án dân sự đặt ra.

Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ việc xã hội hóa trong hoạt động thi hành án dân sự: “Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.

Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 và Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018 của Văn phòng Quốc hội. Theo đó, có nội dung triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương.

2. Các văn bản pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại và công tác triển khai thực hiện

Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; đến ngày 18/10/2013 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP .

Triển khai Quyết định số 1335/QĐ-BTP ngày 25/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng thừa phát lại giai đoạn 2017-2018 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 02 Văn phòng Thừa phát lại (gồm 01 tại thành phố Phan Thiết và 01 tại thị xã La Gi). Trong năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Văn phòng Thừa phát lại La Gi. Hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại La Gi trong thời gian qua bước đầu đã đạt được mục tiêu đặt ra cho việc thực hiện chế định Thừa phát lại ở địa phương.

Đến ngày 08/01/2020, trên cơ sở kế thừa nội dung của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP trước đây).

Triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP , theo đó tại Điều 21 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Về hoạt động tống đạt các loại văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án

3.1. Trong lĩnh vực xét xử

- Năm 2018, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bình Thuận thụ lý 9.357 vụ, việc; giải quyết 7.797 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 83,3% (Hình sự giải quyết 733/857 vụ; dân sự giải quyết 2.163/3.007 vụ, việc; hôn nhân gia đình giải quyết 4.710/5.152 vụ, việc; kinh doanh thương mại giải quyết 88/119 vụ, việc; lao động giải quyết 19/22 vụ, việc; hành chính giải quyết 84/198 vụ). Bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 7,47 vụ/tháng. So với cùng kỳ năm 2017 thụ lý tăng 1.478 vụ, việc; giải quyết giảm 82 vụ, việc; tỷ lệ giải quyết giảm 7,3% (năm 2017 giải quyết 7.139/7.879 vụ, việc, tỷ lệ giải quyết 90,6%).

- Năm 2019, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bình Thuận đã thụ lý 9.643 vụ, việc; giải quyết 7.235 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 75% (Hình sự giải quyết 974/1.115 vụ, đạt tỷ lệ 87,4%; dân sự giải quyết 2.017/3.358 vụ, việc, đạt tỷ lệ 60,1%; hôn nhân gia đình giải quyết 4.035/4.718 vụ, việc, đạt tỷ lệ 85,5%; kinh doanh thương mại giải quyết 69/133 vụ, việc, đạt tỷ lệ 51,9%; lao động giải quyết 46/51 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,2%; hành chính giải quyết 94/268 vụ, việc, đạt tỷ lệ 35,1%). Bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 6,92 vụ/tháng. So với cùng kỳ năm 2018 thụ lý tăng 1.264 vụ, việc; giải quyết tăng 714 vụ, việc; tỷ lệ giải quyết giảm 2,8% (cùng kỳ năm đã thụ lý 8.379 vụ, việc; giải quyết 6.521 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 77,8%).

Theo quy định pháp luật và thực tiễn của công tác tố tụng, đối với việc giải quyết một vụ án thì Tòa án phải thực hiện tống đạt những loại văn bản tố tụng, giấy triệu tập như: thông báo thụ lý vụ án; thông báo hòa giải; giấy triệu tập đương sự; quyết định xem xét thẩm định tại chỗ; quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định, bản án và các văn bản tố tụng khác của Tòa án…

3.2. Trong lĩnh vực thi hành án

Năm 2018, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh thụ lý khoảng 451 vụ việc; các Chi cục thi hành án dân sự của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh thụ lý 18.982 vụ việc. Năm 2019, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh thụ lý 503 vụ việc; các Chi cục thi hành án dân sự của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh thụ lý 19.412 vụ việc, tăng so với năm 2018.

Bình quân mỗi năm mỗi Chi cục thi hành án dân sự thụ lý giải quyết gần 1.900 vụ việc. Chấp hành viên thụ lý tổ chức thi hành mỗi vụ việc cần phải tống đạt cho đương sự nhiều giấy tờ về thi hành án, nhất là đối với những vụ việc đương sự không tự nguyện thi hành, cần phải áp dụng các biện pháp đảm bảo, cưỡng chế thi hành án thì phải tống đạt giấy tờ về thi hành án nhiều hơn.

Việc tống đạt giấy tờ, văn bản có liên quan đến việc xét xử và thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc giao Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản đảm bảo tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết các vụ việc thụ lý tại Tòa án, cơ quan thi hành án đạt hiệu quả.

3.3. Về công tác thi hành các bản án, quyết định của Tòa án

Cùng với sự phát triển, các quan hệ kinh tế - xã hội ngày càng phức tạp và phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, nên số lượng án của ngành Tòa án tỉnh hàng năm đều tăng như đã nêu trên, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, nhất là các tranh chấp có liên quan đến đất đai, từ đó phát sinh nhiều về vấn đề khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh cũng trong tình trạng quá tải công việc so với số lượng chấp hành viên hiện có. Việc quá tải trong thi hành bản án, quyết định tại các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án còn chậm, dễ phát sinh khiếu nại.

Xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tạo thuận lợi cho nhân dân, tổ chức có quyền lựa chọn cơ quan thi hành để yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án được nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

3.4. Về tạo lập, bổ sung chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Khoản 5 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong lĩnh vực dân sự mà còn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, hành chính, lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế thì việc thực hiện quy định của pháp luật giao trách nhiệm chứng minh cho các bên đương sự trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án... do trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều đương sự không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ theo quy định của pháp luật, gây khó khăn, trở ngại và làm cho việc giải quyết nhiều vụ án bị kéo dài dẫn đến tình trạng án quá thời hạn giải quyết, xét xử.

Bên cạnh đó, một cơ chế cụ thể, quy định pháp luật hữu hiệu để cá nhân, tổ chức có thể thu thập, xác lập chứng cứ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình lại chưa có. Hơn nữa, văn bản xác lập chứng cứ của bên có quyền lợi có thể không đảm bảo giá trị pháp lý, độ tin cậy và tính chính xác. Do đó, việc thu thập và xuất trình chứng cứ chứng minh tại Tòa án của đương sự là rất khó khăn.

Chính vì vậy, việc xác lập chứng cứ chứng minh thông qua hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại sẽ góp phần giúp các bên thực hiện quyền được xác lập chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động; hỗ trợ bổ sung; hỗ trợ cơ quan công chứng khi thực hiện công chứng các giao dịch và đặc biệt là nguồn cung cấp chứng cứ trong hoạt động tố tụng tại Tòa án.

4. Kết quả hoạt động của Thừa phát lại tại tỉnh trong năm 2019

Ngày 01/8/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1980/QĐ-UBND cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại La Gi và ngày 13/9/2018, Sở Tư pháp tỉnh đã cấp Giấy đăng ký hoạt động số 01/TP-ĐKHĐ cho Văn phòng. Hiện nay, có 02 Thừa phát lại đang hành nghề tại Văn phòng Thừa phát lại La Gi.

Về số lượng vi bằng: Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019, Văn phòng Thừa phát lại La Gi lập 283 vi bằng, thực hiện đăng ký 263/283 vi bằng tại Sở Tư pháp vi bằng; từ chối 240 vi bằng; đạt doanh thu 698.300.000 đồng/năm 2019.

5. Từ tình hình thực tế trong công tác xét xử, thi hành án của Tòa án các cấp và cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong những năm qua và kết quả hoạt động của Thừa phát lại trong năm 2019 như đã nêu trên, việc phát triển, thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố là cần thiết và phù hợp.

Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh bao gồm các phần sau:

I. Cơ sở xây dựng Đề án.

II. Quan điểm và mục tiêu của Đề án.

III. Nội dung Đề án (thực hiện phát triển Văn phòng Thừa phát lại).

IV. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện Đề án.

V. Tổ chức thực hiện.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

a) Tổ chức và thực hiện chế định Thừa phát lại phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

b) Phát huy và tích cực vận động nguồn lực của toàn xã hội trong quá trình thực hiện, tạo môi trường thuận lợi cho việc xã hội hóa hoạt động Thừa phát lại trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước, đặt dưới sự giám sát của Nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong hoạt động Thừa phát lại.

c) Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của việc phát triển, thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh theo Quyết định số 1335/QĐ-BTP ngày 25/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại giai đoạn 2017-2018 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; xem xét, cho phép thành lập đối với hồ sơ, đề án đã đề nghị thành lập.

2. Mục tiêu

a) Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; việc phát triển, thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo định hướng của Chính phủ và có giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

b) Huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự tỉnh.

c) Việc xây dựng và cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 21 của Nghị định số 08/2020/NĐ- CP, cụ thể như sau:

- Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

- Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

d) Phát triển, thành lập không quá 12 (mười hai) Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, phân bổ, thành lập không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn thành phố Phan Thiết; không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn thị xã La Gi1; các huyện còn lại mỗi huyện không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại (Huyện Đức Linh: 01, huyện Tánh Linh: 01, huyện Hàm Tân: 01, huyện Hàm Thuận Nam: 01, huyện Hàm Thuận Bắc: 01, huyện Bắc Bình: 01, huyện Tuy Phong: 01, huyện Phú Quý: 01).

Giai đoạn đầu thực hiện Đề án (năm 2020-2023) phấn đấu phát triển Văn phòng Thừa phát lại theo vùng (các huyện, thị xã, thành phố có vị trí địa lý giáp với nhau); một số địa bàn trọng yếu, có điều kiện, nhu cầu thực hiện chế định Thừa phát lại.

Giai đoạn năm 2023-2025 phấn đấu phát triển đủ về số lượng Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo Đề án đã phê duyệt.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Trên cơ sở căn cứ điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại; mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ; trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án (năm 2020-2023), khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập, phát triển mạng lưới Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn trong tỉnh phải dựa trên cơ sở tiếp tục kế thừa Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại đã được Bộ Tư pháp phê duyệt trước ngày Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đồng thời, dựa trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại tồn tại và phát triển, có tính đến nhu cầu thi hành án dân sự của tỉnh nhằm giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của các tổ chức và công dân, quyết định cho phép thành lập số lượng Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn cấp huyện theo đúng định hướng của Chính phủ.

Trên địa bàn tỉnh đã có 01 Văn phòng Thừa phát lại La Gi được UBND tỉnh cho phép thành lập vào năm 2018 và hoạt động ổn định đến nay. Đối với hồ sơ, đề án đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Phan Thiết đang thụ lý nhưng chưa thành lập trước ngày Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện (có 02 hồ sơ đề nghị).

2. Từ năm 2023-2025, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tiến tới thực hiện chủ trương phát triển, thành lập Văn phòng Thừa phát lại đủ về số lượng theo định hướng tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

3. Lộ trình thực hiện

3.1. Giai đoạn năm 2020-2023

a) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chế định Thừa phát lại, về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại để người dân, doanh nghiệp hiểu về hoạt động của Thừa phát lại, thấy được vai trò và sự cần thiết của tổ chức này trong thực tiễn đời sống pháp lý, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về hoạt động Thừa phát lại.

Thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại (nếu có).

b) Xây dựng Đề án và phát triển Văn phòng Thừa phát lại một số địa bàn trong tỉnh dựa trên kết quả thi hành án dân sự và thụ lý giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Căn cứ kết quả công tác thi hành án dân sự và công tác xét xử đã nêu trên, đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ- CP: “Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc...”; trước mắt trong giai đoạn năm 2020-2023 phấn đấu phát triển, thành lập 06 Văn phòng Thừa phát lại, khuyến khích phân bổ cụ thể theo vùng (các huyện, thị xã, thành phố có vị trí địa lý giáp với nhau) nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập, phát triển sớm và đồng đều các tổ chức hành nghề Thừa phát lại ở các địa bàn, trong đó tập trung ở những nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; căn cứ vào mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại, đáp ứng điều kiện thuận lợi để thực hiện chế định Thừa phát lại.

c) Thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ đã xét duyệt và trình UBND tỉnh xem xét quyết định thành lập Văn phòng Thừa phát lại Phan Thiết đối với 02 Đề án đã đề nghị thành lập trước ngày Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập Văn phòng tại Phan Thiết. Đồng thời, thông báo tiếp nhận hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại để cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, phấn đấu thành lập, phát triển đủ 06 Văn phòng Thừa phát lại trong giai đoạn năm 2020-2023.

d) Thực hiện duy trì, ổn định củng cố tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại La Gi (tại thị xã La Gi) đã thành lập.

3.2. Giai đoạn 2023-2025

a) Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại; duy trì, ổn định các Văn phòng Thừa phát lại đã thành lập; củng cố, phát triển Văn phòng Thừa phát lại theo định hướng phân bố hợp lý từng địa bàn; phù hợp với tiêu chí, định hướng phát triển của Chính phủ.

b) Tiếp tục phát triển, cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Thực hiện thông báo tiếp nhận hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại, phấn đấu phát triển đủ về số lượng Văn phòng Thừa phát lại, đảm bảo mỗi huyện trên địa bàn tỉnh đều có Văn phòng Thừa phát lại theo tiêu chí và định hướng của Chính phủ, phấn đấu có 12 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo Đề án đã đề ra.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN TRONG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh

a) Phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện và các đơn vị trực thuộc hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

b) Hỗ trợ chuyển giao và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện hỗ trợ chuyển giao các văn bản tố tụng cần tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại; hướng dẫn nghiệp vụ tống đạt cho Thừa phát lại và Thư ký Thừa phát lại.

2. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

a) Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại.

b) Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

c) Thông tin cho Sở Tư pháp việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án, các văn bản về thi hành án và trong hoạt động thi hành án của Thừa phát lại.

3. Sở Tư pháp

a) Giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP .

b) Thông báo Đề án và số lượng phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh sau khi UBND tỉnh phê duyệt.

c) Rà soát, củng cố hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đã được xét duyệt theo Quyết định số 1405/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Tiêu chí xét duyệt Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

d) Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác triển khai thực hiện hiệu quả Đề án và xây dựng Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và các ngành có liên quan trong thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

4. Cơ quan thi hành án dân sự

Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Nghị định số 08/2020, cụ thể như sau:

a) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại; chuyển giao quyết định thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại đã đề nghị trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm hỗ trợ việc thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại, hướng dẫn việc phối hợp trong thi hành án giữa các Chi cục Thi hành án dân sự với Văn phòng Thừa phát lại và giữa các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn.

b) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và thanh toán tiền thi hành án theo quy định.

Việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở là theo hợp đồng dịch vụ thoả thuận giữa cơ quan thi hành án dân sự với Văn phòng Thừa phát lại hoặc các thủ tục xác minh, cưỡng chế, thanh toán tiền… được thực hiện theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật thi hành án dân sự.

5. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin liên quan về đăng ký đối với những xe cơ giới phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

b) Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố và Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại tổ chức bảo vệ cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và quy định của pháp luật có liên quan trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ.

c) Chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án theo quy định của pháp luật về tố tụng theo khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

d) Chỉ đạo Trại tạm giam, Nhà tạm giữ phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 180 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật liên quan.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

7. Sở Giao thông vận tải

Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa, xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật liên quan.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Định hướng các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chế định Thừa phát lại, dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền phổ biến trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật về nội dung của các văn bản pháp luật liên quan đến Thừa phát lại.

9. Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, các văn bản pháp luật của Nhà nước về Thừa phát lại trên các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; theo dõi và đưa tin thường xuyên về hoạt động của Thừa phát lại để Nhân dân và các tổ chức nắm bắt, thực hiện.

10. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận

a) Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện các công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 176 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chế định Thừa phát lại đến các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn.

11. Kho bạc Nhà nước tỉnh

Thực hiện và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 176 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

12. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Thực hiện và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 177 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

13. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại: thực hiện công việc về thi hành án dân sự quy định tại Điều 175 và Điều 180 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan; thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng và quy định pháp luật có liên quan.

c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 178 Luật Thi hành án dân sự và quy định pháp luật có liên quan.

14. Các cơ quan, tổ chức có liên quan khác

Có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

15. Chế độ thông tin, báo cáo

Thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP , cụ thể như sau:

1. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm báo cáo định kỳ 03 tháng, 06 tháng và hàng năm cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về tổ chức và hoạt động của mình.

Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động Thừa phát lại tại địa phương.

Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.

2. Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát về hoạt động, quản lý tài chính, thu, quản lý lao động theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trong quá trình tổ chức thực hiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, giao Sở Tư pháp xem xét nhu cầu phát triển của từng giai đoạn để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định cho phù hợp.

Sở Tư pháp tham mưu, giúp UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp và UBND tỉnh theo quy định./.



1 Đã thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại (Văn phòng Thừa phát lại La Gi tại Quyết định số 1980/QĐ-UBND ngày 01/8/2018 của UBND tỉnh).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1015/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn năm 2020-2025

  • Số hiệu: 1015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản