Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 101/2007/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH QUẢN LÝ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/09/2006 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/06/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/07/2003 của liên Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp việc UBND Thành phố quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-TNMT ngày 29/12/2006 của liên Bộ: Tài chính - Tài nguyên môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường;
Căn cứ Quyết định số 157/2002/QĐ-UB ngày 21/11/2002 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2006/NQ-HĐND ngày 22/07/2006 của HĐND Thành phố về phân cấp một số lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách năm 2007;
Theo đề nghị của liên Sở: Tài chính - Tài nguyên Môi trường và Nhà đất - Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 73/TTrLN:TC-TNMTNĐ-KHĐT ngày 01/08/2007; Báo cáo thẩm định số 545/STP-VBPQ ngày 30/05/2007 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các Bộ: TC, TN và MT;   (để
- TT T/ủy, TT HĐND TP;      báo
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;      cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- VPUB: các PVP, các phòng CV, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Mạnh Hiển

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 101/2007/QĐ-UBND ngày 18/09/2007 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy định này quy định việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Các nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường do ngân sách Nhà nước bảo đảm thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

1. Hằng năm, ngân sách Thành phố bố trí kinh phí chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đảm bảo không thấp hơn 01% tổng số chi ngân sách địa phương.

2. Các đề án, dự án về bảo vệ môi trường phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ điều kiện để bố trí kinh phí và triển khai thực hiện.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng kinh phí do ngân sách cấp cho hoạt động sự nghiệp môi trường bảo đảm đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền và thực hiện quyết toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, thực hiện chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp Thành phố

1. Chi duy trì hoạt động hệ thống quan trắc và phân tích môi trường do Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất quản lý (bao gồm cả mạng lưới trạm quan trắc và phân tích môi trường); Chi xây dựng, thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố.

2. Chi về điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá tác động môi trường; Tổng hợp, dự báo diễn biến môi trường trên địa bàn Thành phố.

3. Chi về điều tra, thống kê, đánh giá chất thải, tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn Thành phố.

4. Chi về điều tra nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường.

5. Chi cho các hoạt động xây dựng năng lực cảnh báo, dự báo và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn Thành phố, kể cả hỗ trợ trang thiết bị và hoạt động về ứng cứu các sự cố môi trường cho các tổ chức, đơn vị.

6. Hỗ trợ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: các kho thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm bị thu giữ, các khu vực tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, các bãi rác đã đóng cửa, các bệnh viện thuộc danh mục theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 04 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

7. Hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, chôn lấp chất thải thông thường và chất thải nguy hại do các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo phân cấp của UBND Thành phố; Vận hành hoạt động các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; Hỗ trợ mua sắm các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải.

8. Hỗ trợ việc xử lý chất thải đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học công lập do Thành phố quản lý không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp.

9. Chi duy trì vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các trạm xử lý tập trung của Thành phố.

10. Chi xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường (bao gồm thu thập, xử lý và trao đổi thông tin); hệ thống thông tin cảnh báo môi trường cộng đồng.

11. Chi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường.

12. Chi hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.

13. Chi hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng thường trực Thành phố về bảo vệ môi trường; Chi vốn đối ứng các dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường (nếu có).

14. Chi khen thưởng về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định.

15. Hỗ trợ kinh phí hoạt động Quỹ Bảo vệ môi trường Thành phố.

16. Chi hoạt động triển khai thực hiện các chương trình, Đề án và dự án cấp Thành phố trong chương trình hành động của Thành phố về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 203/2005/QĐ-UBND ngày 30/11/2005).

17. Chi các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, vùng ngập nước.

18. Xây dựng các đề án, dự án nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trình UBND Thành phố quyết định.

19. Điều tra, khảo sát, đánh giá và bảo tồn các giống loài động vật, thực vật, vi sinh vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng trong danh mục cần bảo vệ thuộc thẩm quyền của Thành phố.

20. Chi các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.

Điều 4. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp quận, huyện

1. Chi hoạt động điều tra, thống kê, đánh giá nguồn chất thải và tình hình ô nhiễm, xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn quận, huyện.

2. Chi về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường.

3. Hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, chôn lấp chất thải thông thường theo phân cấp của UBND Thành phố, hoặc thực hiện các mô hình thí điểm do UBND Thành phố giao.

4. Hỗ trợ việc xử lý chất thải cho các cơ sở y tế, trường học do quận, huyện quản lý không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp.

5. Chi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân để xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp tập trung trên địa bàn.

6. Chi hoạt động kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

7. Xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường định kỳ và đột xuất trên địa bàn quận, huyện.

8. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch; Xây dựng và thẩm định các dự án, đề án về bảo vệ môi trường trên địa bàn quận, huyện.

9. Điều tra nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường trên địa bàn quận, huyện.

10. Các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quận, huyện.

Điều 5. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã, phường, thị trấn

1. Chi về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2. Chi hoạt động phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thuộc đối tượng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

3. Hỗ trợ hoạt động thu gom rác thải thông thường trên địa bàn do xã, thị trấn tổ chức, quản lý.

Điều 6. Một số mức chi cụ thể

Việc thực hiện các nội dung chi ngân sách về bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố. Ngoài ra, một số mức chi được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-TNMT ngày 29/12/2006 của liên Bộ: Tài chính - Tài nguyên môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

Điều 7. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước

1. Hàng năm, các sở ngành, quận, huyện và UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ vào nhiệm vụ chi ngân sách về bảo vệ môi trường của cấp mình, để lập dự toán chi về nhiệm vụ bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Căn cứ để lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường được lập theo điểm a, mục 3, phần II, Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-TNMT ngày 29/12/2006 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định hướng dẫn lập dự toán, chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

3. Hàng năm, việc lập dự toán, phân bổ dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí sự nghiệp môi trường thuộc nhiệm vụ chi của mỗi cấp ngân sách, được thực hiện cùng với các quy định về thời gian lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán thu, chi NSNN theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật NSNN của Bộ Tài chính và UBND Thành phố.

Điều 8. Thanh tra, kiểm tra

Các cơ quan, tổ chức có sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Kế hoạch và Đầu tư cùng cấp trong việc kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị trực thuộc về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp môi trường nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của Sở, ngành thuộc Thành phố

1. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất

a) Là cơ quan thường trực giúp UBND Thành phố tổng hợp các hoạt động, kinh phí chi cho lĩnh vực môi trường chung toàn Thành phố; giúp UBND Thành phố hướng dẫn về chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.

b) Hằng năm, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp dự toán chi về bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương, báo cáo UBND Thành phố để trình HĐND Thành phố, bảo đảm không thấp hơn chỉ tiêu hướng dẫn chi sự nghiệp môi trường do Bộ Tài chính thông báo;

c) Chịu trách nhiệm thực hiện các công việc và chủ trì xây dựng dự toán ngân sách chi sự nghiệp môi trường đối với các nhiệm vụ nêu tại điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 20 Điều 3 Quyết định này, tổng hợp vào dự toán hàng năm gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

d) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường Thành phố.

f) Báo cáo môi trường định kỳ, đột xuất theo chỉ đạo của UBND Thành phố;

g) Chủ trì xây dựng dự án, đề án bảo vệ môi trường trình UBND Thành phố phê duyệt; Thẩm định dự án, đề án sự nghiệp môi trường trên địa bàn Thành phố.

h) Xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.

i) Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường trên địa bàn Thành phố.

2. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện các nội dung công việc và chủ trì xây dựng dự toán ngân sách chi sự nghiệp môi trường thuộc ngành quản lý cho các công việc được nêu tại các điểm 6, 16, 17, 18, 19 Điều 3 Quyết định này, gửi Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, đồng thời tổng hợp vào dự toán hàng năm gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

3. Trách nhiệm của Sở Giao thông công chính.

Thực hiện các nội dung công việc và chủ trì xây dựng dự toán ngân sách chi sự nghiệp môi trường thuộc ngành quản lý cho các công việc được nêu tại các điểm 7, 8, 9, 16 Điều 3 Quyết định này, gửi Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, đồng thời tổng hợp vào dự toán hàng năm gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

4. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tổng hợp, cân đối kế hoạch đầu tư ngân sách hàng năm trong kế hoạch chung của Thành phố cho các nội dung, nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường do các Sở, ngành đề xuất, báo cáo UBND Thành phố quyết định.

5. Trách nhiệm của Sở Tài chính.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối và bố trí nguồn ngân sách thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường do các Sở, ngành chủ trì đề xuất, báo cáo UBND Thành phố.

6. Trách nhiệm của các Sở, ngành khác có liên quan.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì đề xuất kế hoạch, đề án, nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách, gửi Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất tổng hợp trình UBND Thành phố phê duyệt.

Thực hiện các chương trình, dự án, đề án trong lĩnh vực sự nghiệp môi trường theo phân công của UBND Thành phố.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện

1. Có trách nhiệm xây dựng, xác nhận và tổ chức thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý cấp mình. Hằng năm, bố trí ngân sách cấp mình chi cho các hoạt động sự nghiệp môi trường trên địa bàn theo phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và theo Điều 4 Quyết định này, đồng thời gửi Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất để tổng hợp.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Thành phố thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường trên địa bàn quận, huyện.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Điều 11. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi bổ sung, các Sở, ngành, quận, huyện có trách nhiệm phản ánh về Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 101/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 101/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Mạnh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản