- 1Thông tư 09/2005/TT-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng do Bộ Công An ban hành
- 2Thông tư 23/2012/TT-BCA quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh, trật tự" do Bộ Công an ban hành
- 3Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 4Quyết định 1617/QĐ-TLĐ năm 2014 Quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 5Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2016 về tăng cường biện pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 6Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 3081/QĐ-UBND năm 2012 về phê duyệt Đề án "Hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng quy định của pháp luật tại Khu kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015"
- 1Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng
- 2Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 3Quyết định 1129/QĐ-TTg năm 2008 ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 22-CT/TW về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 22-CT/TW năm 2008 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Luật Công đoàn 2012
- 6Bộ Luật lao động 2012
- 7Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 8Luật Doanh nghiệp 2014
- 9Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 10Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 11Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2016 thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1003/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 03 tháng 4 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012;
Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20/6/2012;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014;
Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư TW Đảng khóa X;
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 92/TTr-CAT- PV11 ngày 15 tháng 3 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2017 - 2020”.
Điều 2. Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về UBND tỉnh để chỉ đạo.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT, PHÁ RỐI AN NINH TRẬT TỰ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ, GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1003/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ CĂN CỨ THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh, số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất tăng lên cả về quy mô và số lượng, tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp đã xảy ra nhiều cuộc đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường thu hút đầu tư và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Hiện nay, các chủ trương, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trên địa bàn tỉnh còn quy định ở nhiều văn bản khác nhau, không thống nhất, chưa có các giải pháp đồng bộ.
Thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có ít nhất 20.000 doanh nghiệp, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2015; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII xác định trong 5 năm 2016 - 2020 tạo ra việc làm mới cho 330.000 người lao động. Quá trình thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh, số lượng các doanh nghiệp và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Khu kinh tế dự báo sẽ tăng nhanh; ngành dệt may, da giày sẽ tiếp tục phát triển và thu hút đông người lao động tham gia. Trong khi đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật và tác phong lao động công nghiệp của người lao động còn hạn chế; việc quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề bất cập chưa được khắc phục nên dễ nảy sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ lao động, dẫn đến nguy cơ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng những vụ việc phức tạp, nhạy cảm; sơ hở, thiếu sót, yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý lao động để tác động hướng lái, phá hoại kinh tế, chuyển hoá chính trị nội bộ; lôi kéo, kích động người lao động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; liên kết giữa người lao động với học sinh, sinh viên, đối tượng cực đoan trong tôn giáo, dân tộc để tiến hành “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố”, lật đổ chính quyền; gây sức ép để Nhà nước ta thông qua các luật “mang màu sắc dân chủ”, tạo hành lang pháp lý cho sự hình thành, ra đời các tổ chức chính trị đối lập, tổ chức công đoàn độc lập ngay trong lòng các doanh nghiệp, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, tiến hành hoạt động chống phá, gây mất ổn định ANTT trên địa bàn.
Tình hình trên nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của các cấp, các ngành; không tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ những điều kiện, nguyên nhân để xảy ra tình hình trên, thì thời gian tới tình hình đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT sẽ diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020” là hết sức cần thiết.
1. Các văn bản của Đảng
- Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 06/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.
2. Các văn bản luật, quy phạm pháp luật
- Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012.
- Luật Công đoàn ngày 20/6/2012.
- Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014.
- Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ về quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
- Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 và Nghị định 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế.
- Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng.
- Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư khóa X.
- Chỉ thị số 04/CT-BCA-A81 ngày 01/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác Công an phòng, chống tập trung đông người phá rối an ninh, trật tự và bạo loạn trong tình hình mới”.
- Quyết định số 2006/QĐ-BCA-A81 ngày 01/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy trình giải quyết tập trung đông người phá rối an ninh, trật tự và Quy trình giải quyết bạo loạn.
1. Tình hình đình công, tập trung đông người, phá rối ANTT
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2014 đến tháng 6 năm 2016, cả nước đã xảy ra 553 vụ đình công trái pháp luật của người lao động tại các doanh nghiệp, hầu hết các vụ đình công diễn ra tại doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động làm việc. Nhiều vụ đình công, tập trung trái pháp luật hàng nghìn người tham gia, trong đó các đối tượng cực đoan, quá khích đã có hành vi đập phá tài sản của doanh nghiệp, chống lại lực lượng thi hành công vụ, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và môi trường đầu tư của cả nước. Điển hình như: Vụ đình công, biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam diễn ra tại 08 tỉnh, thành với khoảng 49.000 lượt người tham gia; vụ đình công phản đối Điều 60 - Luật Bảo hiểm xã hội diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An..., với khoảng 163.000 lượt người tham gia (hai vụ việc trên gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng).
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 01 Khu kinh tế và 08 Khu công nghiệp. Tính đến tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh có 8.400 doanh nghiệp (trong đó có 63 doanh nghiệp FDI, tổng vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD) với khoảng 240.000 người lao động Việt Nam và 2.607 người nước ngoài thường xuyên sinh sống, làm việc. Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn Khu kinh tế, các Khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững ổn định, không để xảy ra các vụ việc “đột xuất, bất ngờ”, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp đe dọa đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ đình công trái pháp luật, 01 vụ tuần hành, biểu tình tại 23 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày) với hơn 100.000 lượt người tham gia. Có những vụ đình công với quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài, như: Vụ gần 10.000 công nhân công ty TNHH Aresa và Công ty Sunjade thuộc Khu công nghiệp Lễ Môn - TP. Thanh Hoá tham gia đình công trong 09 ngày (xảy ra tháng 5/2012); vụ hơn 5.000 công nhân thuộc Khu công nghiệp Hoàng Long - TP. Thanh Hoá tham gia tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại thềm lục địa Việt Nam diễn ra trên nhiều tuyến đường và quảng trường trung tâm thành phố tháng 5/2014 v.v...
2. Hậu quả, tác hại
Về chính trị: Đình công, tập trung đông người trái pháp luật đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội. Khi vụ việc xảy ra, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, ban ngành chức năng phải dành nhiều thời gian, công sức để tập trung chỉ đạo, giải quyết, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Về kinh tế: Đình công, tập trung đông người trái pháp luật đã làm ngừng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động; tác động xấu đến môi trường thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Quá trình giải quyết các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật gây lãng phí, tốn kém kinh phí của địa phương (theo ước tính, phải chi phí bình quân hàng tỷ đồng để giải quyết mỗi vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật...). Ngoài ra, Nhà nước còn phải hỗ trợ kinh phí, miễn giảm các loại thuế..., để doanh nghiệp khắc phục hậu quả do đình công, tập trung đông người trái pháp luật gây ra, nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về xã hội: Đình công, tập trung đông người trái pháp luật đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và người lao động; làm tăng nguy cơ người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Về an ninh, trật tự: Đình công, tập trung đông người trái pháp luật đã bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương; kêu gọi, kích động người lao động đập phá tài sản của doanh nghiệp, chống người thi hành công vụ, phản đối nhà đầu tư nước ngoài; tạo ra các vụ cháy, nổ, khủng bố, phá hoại..., các loại tội phạm cũng lợi dụng tình hình phức tạp để trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp và người lao động. Nhiều vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, người lao động đã căng băng zôn, khẩu hiệu kéo ra đường quốc lộ gây ùn tắc giao thông, làm mất ANTT nghiêm trọng.
3. Kết quả phòng ngừa, giải quyết
Nhận thức được hậu quả, tác hại của đình công, tập trung đông người trái pháp luật, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, giải quyết đình công trái pháp luật trên địa bàn tỉnh, như: Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 13/6/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành “Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định pháp luật xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; Quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND tỉnh về việc “Giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; Quyết định số 3081/QĐ-UBND ngày 18/9/2012 của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án hạn chế tranh chấp lao động và hoạt động đình công không đúng quy định pháp luật tại Khu kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2012-2015”; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 03/02/2016 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng quy định pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn để lắng nghe, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và yêu cầu chính đáng của người lao động; chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND cấp huyện tăng cường biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật; chủ động nắm chắc tình hình, xác định nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật để kịp thời giải quyết, không để các vụ việc kéo dài phức tạp.
Các ngành chức năng đã tổ chức triển khai công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người lao động, người quản lý lao động và cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; từ năm 2011 đến năm 2015 tiến hành 348 cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai sót, vi phạm của doanh nghiệp và người lao động, như: Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, không ký hợp đồng lao động, trả lương không đúng thời hạn, chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định; Người lao động không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích các phương tiện bảo hộ lao động được trang cấp...Từ đó, chấn chỉnh, xử lý và hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, từng bước loại bỏ nguyên nhân dẫn đến đình công, tập trung đông người trái pháp luật.
Lực lượng Công an đã xây dựng và triển khai, thực hiện có hiệu quả Phương án số 248/PA-CAT(PA81) ngày 04/5/2011 về "Phòng ngừa, giải quyết đình công bất hợp pháp tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh"; thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng, UBND cấp huyện, tranh thủ số cốt cán trong các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, xây dựng hàng nghìn quan hệ hữu ích để nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết ổn định những mâu thuẫn, tranh chấp trong doanh nghiệp, ngăn chặn hàng trăm vụ việc chuẩn bị đình công; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI với những nội dung, hình thức cụ thể, thiết thực; phối hợp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động và hàng trăm đối tượng chủ mưu, cầm đầu, quá khích kích động người lao động đình công, tập trung đông người trái pháp luật.
4. Tồn tại, hạn chế
Hiệu quả công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. vẫn còn để xảy ra nhiều vụ đình công, tập trung đông người, phá rối ANTT gây phức tạp về ANTT, ảnh hưởng xấu đến môi trường thu hút đầu tư (Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ đình công trái pháp luật, 01 vụ tuần hành, biểu tình tại 23 doanh nghiệp).
Khi xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT, một số ban, ngành chức năng chưa chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, triển khai lực lượng để xử lý, giải quyết. Trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, bị động và thiếu thống nhất; còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, không tham gia hoặc chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ được phân công. Chưa kịp thời xử lý dứt điểm các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT, còn để nhiều vụ diễn ra trong thời gian dài (có vụ kéo dài từ 10 - 15 ngày).
5. Nguyên nhân
Thứ nhất: Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực lao động và quản lý lao động còn có nhiều bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời, nhất là văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Thứ hai: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại các doanh nghiệp; chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thứ ba: Công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật cho người lao động và chủ doanh nghiệp còn hạn chế. Các ban, ngành chức năng chưa quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn và tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho lực lượng tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công, tập trung đông người trái pháp luật; việc điều chỉnh, bổ sung Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế còn chậm; chưa xây dựng được quy trình giải quyết tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
Thứ tư, Tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp phát triển chậm, cơ chế tổ chức chưa phù hợp với tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động kém, chưa đại diện được cho tiếng nói và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Cán bộ công đoàn khối doanh nghiệp FDI chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu hiểu biết luật lao động, thiếu kinh nghiệm do không được đào tạo bài bản (Đến năm 2016, toàn tỉnh mới có 530 công đoàn cơ sở/8.400 doanh nghiệp; khối doanh nghiệp FDI có 28 công đoàn cơ sở, đạt 44,44% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động với 57.985 đoàn viên). Tổ chức công đoàn chưa phát huy vai trò kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật, giám sát các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; chưa đại diện quyền lợi, chưa đủ sức bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Thứ năm, Một bộ phận người lao động chưa có tác phong và trình độ lao động công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật kém, nhận thức về pháp luật nói chung và luật lao động nói riêng còn hạn chế; chưa có phương pháp tự bảo vệ quyền, lợi ích phù hợp theo quy định pháp luật, dễ bị kích động, lôi kéo vào các cuộc đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
Thứ sáu: Các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm luôn có âm mưu, hoạt động chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; kích động đình công, tập trung đông người, gây mất ổn định an ninh chính trị và TTATXH; lợi dụng những sơ hở thiếu sót của cấp ủy, chính quyền các cấp, sai phạm của doanh nghiệp để tuyên truyền xuyên tạc, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trong các doanh nghiệp phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND các huyện, thị, thành phố; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng Công an làm tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
2. Thực hiện tốt phương châm “Phòng ngừa là chính”, trên cơ sở triển khai các hình thức “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải” trong các doanh nghiệp; tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc xảy ra các tranh chấp lao động tập thể, đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT, đồng thời ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
1. Mục tiêu
- Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
- Chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn vô hiệu hoá mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm lợi dụng kích động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Hạn chế thấp nhất việc xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trên địa bàn. Khi xảy ra đình công đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT phải khẩn trương triển khai các biện pháp giải quyết ổn định vụ việc trong thời gian nhanh nhất, không để xảy ra hậu quả phức tạp.
2. Các chỉ tiêu cụ thể
Trong thời gian thực hiện Đề án, cần đạt được các chỉ tiêu cụ thể sau:
(1) 100% lực lượng làm nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh, trật tự trên địa bàn được đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ.
(2) 60% doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày có mô hình tự quản về ANTT. Hàng năm có từ 85% các doanh nghiệp trở lên đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” theo Thông tư 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an.
(3) 100% doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan; xây dựng nội quy lao động, quy chế bảo vệ doanh nghiệp, thang bảng lương, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT với lực lượng Công an; 100% lực lượng bảo vệ doanh nghiệp được tập huấn công tác chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật.
(4) 80% doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày có tổ chức công đoàn cơ sở. 55% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và 80% doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.
(5) 100% các huyện, thị xã, thành phố có lực lượng Hoà giải viên lao động và cán bộ chuyên trách theo dõi công tác lao động, việc làm, dạy nghề; 100% Hòa giải viên lao động được tập huấn chuyên sâu về pháp luật lao động, kỹ năng hòa giải và kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động.
(6) Giải quyết ổn định 100% các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động xảy ra trên địa bàn.
1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT
- Xây dựng các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. Chỉ đạo nội dung công tác đảm bảo ANTT trong các doanh nghiệp, nhất là công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
- Thành lập, củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc các cấp để chỉ đạo công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp.
- Thành lập các tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của doanh nghiệp, phấn đấu tại các doanh nghiệp trọng điểm đều phải có tổ chức Đảng lãnh đạo.
- Tổ chức quán triệt nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác đảm bảo ANTT, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động trong các doanh nghiệp. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các doanh nghiệp vững mạnh về lập trường, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, có ý thức tích cực vận động người lao động tham gia công tác bảo đảm ANTT tại các doanh nghiệp.
- Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên về công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp và người lao động
- Tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư; tầm quan trọng của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; các quy định của luật lao động về tiền lương, BHXH, BHYT, thời gian làm việc đối với người lao động; truyền thống văn hoá, cách ứng xử cho chủ doanh nghiệp, cán bộ, chuyên gia người nước ngoài để họ nâng cao ý thức, tôn trọng pháp luật, danh dự, nhân phẩm của người lao động, nhằm cải thiện mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại các doanh nghiệp.
- Thường xuyên thông báo âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng người lao động để kích động chống Đảng, Nhà nước; phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn để nâng cao ý thức cảnh giác cho người lao động, không bị mắc mưu kẻ địch và các loại tội phạm.
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, nghiệp vụ quản lý nhà nước về ANTT, pháp luật về lao động và quản lý lao động cho đội ngũ cán bộ cốt cán, chủ doanh nghiệp và người lao động; đưa nội dung giáo dục pháp luật về đảm bảo ANTT, lao động, bảo hiểm... vào chương trình bắt buộc của các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động; biên soạn tài liệu về công tác đảm bảo ANTT, lao động, quản lý lao động, bảo hiểm... để cấp phát cho các đối tượng liên quan.
- Sử dụng đồng bộ, linh hoạt các hình thức, biện pháp để tuyên truyền như: Phát thanh, truyền hình, panô, áp phích tại các doanh nghiệp, khu vực công cộng, khu tập thể, nhà trọ của người lao động...; thông qua các cuộc họp, hội nghị, các buổi sinh hoạt có đông người lao động để tuyên truyền; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các diễn đàn, giao lưu gặp mặt, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hoặc qua các chương trình văn hóa, văn nghệ... Sử dụng có hiệu quả lợi ích của dịch vụ viễn thông, Internet để tuyên truyền cho người lao động, chủ doanh nghiệp.
3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp
- Thẩm định yếu tổ quốc phòng, an ninh, đảm bảo môi trường sinh thái... đối với các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham mưu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo năng lực về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, quy trình sản xuất, không ảnh hưởng đến môi trường, kiên quyết đề xuất không lựa chọn nhà đầu tư năng lực yếu.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan đến đầu tư, môi trường, lao động...của các doanh nghiệp trên địa bàn.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động của các doanh nghiệp; việc chấp hành pháp luật đầu tư, xây dựng, công tác phòng chống cháy, nổ, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền... Cương quyết xử lý nghiêm các sai phạm của doanh nghiệp tạo niềm tin cho người lao động; phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
- Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về cư trú; phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về địa phương, nhất là số thường xuyên làm việc tại các doanh nghiệp, trực tiếp tham gia thi công tại các dự án, công trường hoặc lưu trú dài ngày trên địa bàn; kịp thời phát hiện những đối tượng phản động, cực đoan, quá khích, người nước ngoài có dấu hiệu kích động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trong các doanh nghiệp.
- Quản lý chặt chẽ việc đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng nội bộ, trang thông tin điện tử và việc trang bị, sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước, lợi dụng mạng Internet để viết bài, đưa tin sai sự thật, kêu gọi, lách động người lao động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trọng tâm là công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cầm đồ, lưu trú... không để phát sinh phức tạp liên quan đến hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Tăng cường tiếp xúc, tranh thủ đội ngũ cán bộ cốt cán trong các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp để: Nắm chắc diễn biến tư tưởng, hoạt động của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tố giác tội phạm, không tham gia đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời các âm mưu tổ chức đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
4. Phát huy năng lực tự bảo đảm ANTT của các doanh nghiệp
- Các doanh nghiệp chủ động xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ doanh nghiệp; thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ doanh nghiệp, trang bị đủ phương tiện làm việc cho lực lượng bảo vệ doanh nghiệp, lực lượng tự vệ, lực lượng phòng cháy chữa cháy bán chuyên trách...
- Xây dựng phương án bảo đảm ANTT doanh nghiệp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn và diễn tập xử lý các tình huống phức tạp về ANTT, phòng cháy, chữa cháy... cho các lực lượng liên quan.
- Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” về ANTT (như: “Tổ, đội sản xuất, phân xưởng tự quản”; “Đội an ninh công nhân”...) và các điển hình tiên tiến làm “điểm sáng” cho việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại các doanh nghiệp. Chủ động phát hiện sớm để hòa giải, xử lý, giải quyết ngay từ đầu những vụ việc phức tạp mới phát sinh liên quan đến quyền, lợi ích, chế độ chính sách của người lao động. Dành khoản kinh phí nhất định để lắp đặt các phương tiện kỹ thuật giám sát ANTT (như camera, thiết bị báo động...) để chủ động bảo vệ các khu vực quan trọng; ký kết hợp đồng bảo vệ với các công ty bảo vệ chuyên trách; xét duyệt, lựa chọn nhân sự làm công tác bảo vệ và nhân sự ở những bộ phận thiết yếu, cơ mật trong doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không làm tốt công tác “tự bảo vệ”, gây phức tạp ANTT, ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, sản xuất của doanh nghiệp.
- Xây dựng, củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội tại các doanh nghiệp như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh...
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đề nghị UBND cấp có thẩm quyền xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” cho các doanh nghiệp. Phổ biến kinh nghiệm, các điển hình tiên tiến trong doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp và người lao động có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ANTT tại các doanh nghiệp.
5. Nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả phối hợp của các lực lượng trong phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT
- Thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngay từ khi mới đi vào hoạt động, tạo mọi điều kiện để tổ chức Công đoàn cơ sở phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, Bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách cho doanh nghiệp từ 1000 lao động trở lên theo Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ ngày 31/12/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm công tác cho cán bộ Công đoàn cơ sở để kịp thời theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
- Kiện toàn đội ngũ Hoà giải viên lao động đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết và hoà giải các vụ tranh chấp lao động phát sinh tại doanh nghiệp. Tạo mối quan hệ gắn kết giữa lực lượng Hoà giải viên lao động với chủ doanh nghiệp và cán bộ lãnh đạo cốt cán trong doanh nghiệp, phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục pháp luật của lực lượng Hoà giải viên. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho thành viên Hội đồng trọng tài, đội ngũ Hòa giải viên để họ làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Nâng cao năng lực hoạt động của Thanh tra chuyên ngành lao động cấp tỉnh; củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra cấp huyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động và quản lý nhà nước về ANTT.
- Thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ công tác liên ngành giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật của cấp tỉnh và cấp huyện (theo Quy trình được ban hành).
- Trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành và phục vụ lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực công tác thực tiễn cho đội ngũ cán bộ quản lý, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Tổ chức ký kết Quy chế phối hợp về công tác đảm bảo ANTT giữa doanh nghiệp với lực lượng Công an cấp huyện, Đồn Biên phòng (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng triển khai, thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT.
- Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Liên đoàn lao động, Lao động TBXH và các ban, ngành có liên quan trong công tác phối hợp phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Thường xuyên tổ chức các buổi giao ban, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, chủ doanh nghiệp, người lao động trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ; kịp thời có các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật tại doanh nghiệp.
- Thiết lập các kênh thông tin để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động; đồng thời kiểm tra, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.
6. Xây dựng và triển khai, thực hiện các quy trình, phương án, kế hoạch giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự
- Sửa đổi Quy chế phối hợp và xây dựng Quy trình giải quyết tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định pháp luật tại các doanh nghiệp phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương.
- Xây dựng Quy trình giải quyết tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động tại các doanh nghiệp (theo Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ; Quyết định số 843/1998/QĐ-BCA(A11) ngày 18/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Công an; Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/9/2005 và Quyết định số 2006/QĐ-BCA-A81 ngày 01/6/2010 của Bộ Công an).
- Xây dựng Kế hoạch, kịch bản tổ chức diễn tập các tình huống giả định giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp cho các lực lượng liên quan.
- Xây dựng Phương án tổng thể huy động lực lượng giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai.
- Xây dựng Kế hoạch công tác nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các hoạt động tuyên truyền, móc nối, lôi kéo kích động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Xây dựng Phương án giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra tại doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do với các nước.
7. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án gồm:
- Đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban.
- Đ/c Giám đốc Công an tỉnh - Phó trưởng ban Thường trực.
- Đ/c Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - Phó trưởng ban.
- Đ/c Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh - Phó trưởng ban.
- Đ/c Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh - Phó trưởng ban.
- Đ/c Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách An ninh - Ủy viên thường trực.
- Đ/c Chánh Văn phòng UBND tỉnh - Ủy viên.
- Đ/c Trưởng ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh - Ủy viên.
- Đ/c Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh - Ủy viên.
- Đ/c Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh - Ủy viên.
- Đ/c Giám đốc Sở Tư pháp - Ủy viên.
- Đ/c Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Ủy viên.
- Đ/c Giám đốc Sở Y tế - Ủy viên.
- Đ/c Giám đốc Sở Tài chính - Ủy viên.
Mời tham gia Ban Chỉ đạo:
- Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
- Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy.
- Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án có Tổ giúp việc. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đặt tại Công an tỉnh do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách An ninh trực tiếp chỉ đạo.
1. Công an tỉnh
- Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện tổ chức triển khai, thực hiện Đề án.
- Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm đối với người lao động tại các doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại các doanh nghiệp; tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT, các điển hình tiên tiến để duy trì, phát triển phong trào trong các doanh nghiệp.
- Làm tốt công tác phát huy vai trò của đội ngũ cốt cán trong doanh nghiệp đối với công tác đảm bảo ANTT để chủ động nắm thông tin, tình hình, kiểm soát diễn biến tư tưởng, hoạt động của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động không tham gia đình công, tập trung đông người trái pháp luật.
- Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, trang bị các kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cốt cán và lực lượng bảo vệ doanh nghiệp.
- Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tập huấn pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ; kỹ năng, kiến thức trong xử lý các tình huống phức tạp về ANTT. Chủ trì xây dựng Kế hoạch, kịch bản tổ chức diễn tập các tình huống giả định giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp cho các lực lượng liên quan trình Chủ tịch UBND tỉnh duyệt.
- Chủ trì xây dựng Phương án tổng thể huy động lực lượng giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai.
- Chủ trì, xây dựng, triển khai các phương án đảm bảo ANTT đối với các doanh nghiệp trên địa bàn khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do với các nước. Tổ chức ký kết các quy chế, chương trình phối hợp trong công tác đảm bảo ANTT với các doanh nghiệp.
- Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch công tác nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các hoạt động tuyên truyền, móc nối, lôi kéo kích động đình công, tập trung đông người, phá rối ANTT và tổ chức điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
- Chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện Quy trình giải quyết tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT phù hợp với tình hình thực tế trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
- Chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Đề án.
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh duyệt, mua sắm các trang, thiết bị phục vụ các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh, trật tự.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí thực hiện đề án báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
- Tập hợp tình hình, kết quả thực hiện Đề án hàng năm báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo. Định kỳ tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án theo quy định.
2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai kịp thời chính sách pháp luật lao động đến các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các chính sách mới ban hành.
- Phối hợp nắm tình hình quan hệ lao động; hướng dẫn đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật lao động.
- Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan củng cố kiện toàn và tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng Hòa giải viên lao động và đội ngũ cán bộ làm công tác lao động cấp huyện, cán bộ làm công tác lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp về pháp luật lao động, kỹ năng hòa giải, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hòa giải viên lao động.
- Củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của Thanh tra chuyên ngành lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Tăng cường công tác thanh tra trong việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động.
- Tổ chức diễn đàn thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, các chuyên gia, các tổ chức đại diện người lao động, chủ doanh nghiệp và người lao động.
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định pháp luật và xây dựng Quy trình giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đồng thời thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ công tác liên ngành phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công của cấp tỉnh và cấp huyện theo Quy trình được ban hành.
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 về “Giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, đình công xảy ra tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá” cho phù hợp với phân công chủ trì công tác giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật của Đề án này.
3. Liên đoàn Lao động tỉnh
- Chỉ đạo công đoàn các cấp hướng dẫn, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngay từ khi đi vào hoạt động và định hướng phát triển tổ chức công đoàn cơ sở, đoàn viên mới tại các doanh nghiệp, trong đó chú trọng tăng cường sổ cán bộ công đoàn cơ sở chuyên trách tại các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI theo Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ ngày 31/12/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn cơ sở để tổ chức công đoàn thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
- Phối hợp với Sở Lao động, TBXH, UBND cấp huyện, các ban ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, việc làm, BHXH... cho chủ doanh nghiệp và người lao động; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật tại các doanh nghiệp.
- Phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật lao động; chỉ đạo công đoàn cơ sở thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, hướng dẫn, hỗ trợ việc đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; kịp thời phát hiện nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp lao động để yêu cầu doanh nghiệp thương lượng, giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.
4. Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp
- Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lao động đối với các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý các vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội... của doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế, Khu công nghiệp; kịp thời phát hiện và kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh.
- Chỉ đạo Công đoàn KKT Nghi Sơn nắm tình hình lao động, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc KKT, KCN; kiến nghị giải quyết có hiệu quả những vướng mắc chính đáng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.
- Phối hợp với UBND cấp huyện và các ban, ngành chức năng kịp thời giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật xảy ra trong các doanh nghiệp thuộc địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND tỉnh về việc “Giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn việc thành lập lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp. Hướng dẫn việc huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia thực hiện nhiệm vụ giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trong các doanh nghiệp. Thường xuyên phối hợp tập huấn kiến thức quốc phòng cho cán bộ cốt cán, lực lượng tự vệ của doanh nghiệp.
- Tổ chức lực lượng phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng và các cấp, ngành có liên quan phòng, chống hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp, chuyên gia, người nước ngoài, người lao động tại doanh nghiệp theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ trì công tác xử lý, rà phá bom mìn, chất nổ tại các khu vực xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.
6. BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chủ trì xây dựng phương án và triển khai thực hiện các biện pháp công tác đảm bảo ANTT cho các doanh nghiệp đóng tại khu vực biên giới; Tổ chức ký kết các quy chế, chương trình phối hợp trong công tác đảm bảo ANTT với các doanh nghiệp ở khu vực biên giới.
- Triển khai lực lượng phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và các cấp, ngành có liên quan phòng chống hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp, chuyên gia, người nước ngoài, người lao động tại doanh nghiệp theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
7. Cảnh sát PCCC tỉnh
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và triển khai hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho chủ doanh nghiệp và người lao động.
- Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành và tập huấn nghiệp vụ về PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì xây dựng và triển khai phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra các hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
8. Sở Tư pháp
Thực hiện tốt chức năng Thường trực Hội đồng tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Thường xuyên phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND cấp huyện mở các lớp phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho chủ doanh nghiệp và người lao động.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền về phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, nhất là thông tin trên mạng xã hội, Internet, các phương tiện thông tin đại chúng... không để các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, kích động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn. Chủ trì đề xuất, xử lý các sai phạm về thông tin truyền thông liên quan đến công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.
- Chủ trì hướng dẫn kiểm tra việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo việc giải quyết tình hình đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.
10. Sở Y tế
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh án huy động lực lượng y, bác sỹ, phương tiện và trang thiết bị y tế thực hiện nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu người bị thương, xử lý các tình huống phức tạp về y tế trong quá trình giải quyết các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.
11. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan thẩm định dự toán ngân sách đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án theo quy định phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành, báo cáo HĐND, UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện trong kế hoạch ngân sách hàng năm.
12. Các Cơ quan thông tấn, báo chí.
Thường xuyên đưa tin, bài phản ánh về công tác đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, mô hình tiêu biểu. Đưa tin về tình hình đình công; tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, không để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc tình hình, kích động, gây phức tạp về ANTT.
13. Các sở, ban ngành khác ở cấp tỉnh
Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
14. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh, VCCI Chi nhánh Thanh Hoá
- Tổ chức các hoạt động phù hợp để vận động, khuyến khích hội viên xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho chủ doanh nghiệp về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động.
- Đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên thực hiện các quy định của pháp luật lao động cũng như cách ứng xử với người lao động. Đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức các buổi đối thoại định kỳ hoặc đột xuất với người lao động để nắm bắt và giải quyết những vấn đề mâu thuẫn phức tạp, phát sinh về lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.
- Dự báo, nắm bắt thông tin hoạt động tại các doanh nghiệp để kịp thời phản ánh với các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ lao động.
15. UBND các huyện, thị, thành phố
- Tổ chức công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội... trên địa bàn.
- Thường xuyên bổ sung, kiện toàn và tạo điều kiện cho lực lượng Hòa giải viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác hòa giải các tranh chấp lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
- Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cấp huyện chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động đình công trái pháp luật của người lao động.
- Chủ trì giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật xảy ra trên địa bàn theo Quy trình và Quy chế phối hợp đã ban hành. Khi xảy ra tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT phải chỉ đạo các lực lượng có liên quan tham gia giải quyết theo sự tham mưu, hướng dẫn của lực lượng Công an.
- Bố trí kinh phí cho các ngành chức năng cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại địa phương.
1. Dự trù tổng kinh phí thực hiện Đề án: 20.928.500.000đ (Hai mươi tỷ, chín trăm hai mươi tám triệu, năm trăm nghìn đồng) (Có Phụ lục số 2 kèm theo).
2. Nguồn kinh phí đảm bảo: Từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).
1. Đề án được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, tại tất cả các loại hình doanh nghiệp (kể cả số doanh nghiệp mới được thành lập sau thời điểm Đề án được ban hành).
2. Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2020.
3. Chế độ giao ban
- Ban Chỉ đạo Đề án họp sơ kết mỗi năm 01 lần.
- Các sở, ban ngành, địa phương định kỳ 6 tháng/lần tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
- Bộ phận giúp việc và cơ quan tham mưu của các ngành được giao thực hiện Đề án định kỳ tổ chức giao ban 03 tháng/lần.
4. Chế độ thông tin báo cáo
Căn cứ nhiệm vụ được phân công trong Đề án, các sở, ban ngành, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch, quy chế, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Công an tỉnh) vào ngày 15/11 để tập hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN,KẾ HOẠCH, VĂN BẢN TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 1003/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
STT | ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ THỰC HIỆN | NHIỆM VỤ THỰC HIỆN | CẤP PHÊ DUYỆT |
1 | Công an tỉnh | Xây dựng Quy trình giải quyết tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT | Chủ tịch UBND tỉnh |
Xây dựng Phương án tổng thể huy động lực lượng giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT. | Chủ tịch UBND tỉnh | ||
Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Đề án. | Chủ tịch UBND tỉnh | ||
Xây dựng Kế hoạch, kịch bản tổ chức diễn tập các tình huống giả định giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp cho các lực lượng liên quan. | Chủ tịch UBND tỉnh | ||
Xây dựng các kế hoạch công tác nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các hoạt động tuyên truyền, móc nối, lôi kéo kích động đình công, tập trung đông người, phá rối ANTT và tổ chức điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. | Công an tỉnh | ||
Xây dựng, triển khai các phương án đảm bảo ANTT đối với các doanh nghiệp trên địa bàn khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do với các nước. Ký kết các quy chế, chương trình phối hợp công tác đảm bảo ANTT với các doanh nghiệp | Công an tỉnh
| ||
2 | Sở Lao động, Thương binh và Xã hội | Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hòa giải viên lao động. | Chủ tịch UBND tỉnh |
Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định pháp luật và xây dựng Quy trình giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đồng thời thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ công tác liên ngành phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công của cấp tỉnh và cấp huyện theo Quy trình được ban hành. | Chủ tịch UBND tỉnh | ||
Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 về "Giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, đình công xảy ra tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá" cho phù hợp với phân công chủ trì công tác giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật của Đề án. | Chủ tịch UBND tỉnh | ||
3 | Liên đoàn Lao động tỉnh | Xây dựng văn bản chỉ đạo công đoàn các cấp hướng dẫn, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngay từ khi đi vào hoạt động và định hướng phát triển tổ chức công đoàn cơ sở, đoàn viên mới tại các DN. | Liên đoàn Lao động tỉnh |
4 | Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp | Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý các vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội... của doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế, Khu công nghiệp. | Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp |
Xây dựng văn bản chỉ đạo Công đoàn KKT Nghi Sơn nắm tình hình lao động, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc KKT, KCN; kiến nghị giải quyết có hiệu quả những vướng mắc chính đáng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. | Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp | ||
5 | UBND các huyện, thị, thành phố | Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội... trên địa bàn. | UBND các huyện, thị, thành phố |
Xây dựng kế hoạch bổ sung, kiện toàn và tạo điều kiện cho lực lượng Hòa giải viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác hòa giải các tranh chấp lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. | UBND các huyện, thị, thành phố | ||
Xây dựng văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cấp huyện chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động đình công trái pháp luật của người lao động. | UBND các huyện, thị, thành phố | ||
6 | Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh | Xây dựng văn bản hướng dẫn việc thành lập lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp. | BCH Quân sự tỉnh |
Xây dựng hướng dẫn việc huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia thực hiện nhiệm vụ giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trong các DN. | BCH Quân sự tỉnh | ||
Xây dựng kế hoạch tập huấn kiến thức quốc phòng cho cán bộ cốt cán, lực lượng tự vệ của doanh nghiệp. | BCH Quân sự tỉnh | ||
7 | BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh | Xây dựng phương án đảm bảo ANTT cho các doanh nghiệp đóng tại khu vực biên giới. | BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh |
Ký kết các quy chế, chương trình phối hợp trong công tác đảm bảo ANTT với các doanh nghiệp ở khu vực biên giới. | BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh | ||
8 | Cảnh sát PCCC tỉnh | Xây dựng phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra các hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT. | Chủ tịch UBND tỉnh |
Xây dựng văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành và tập huấn nghiệp vụ về PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng theo quy định của pháp luật. | Cảnh sát PCCC tỉnh | ||
9 | Sở Tư pháp | Xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND cấp huyện mở các lớp phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho chủ doanh nghiệp và người lao động. | Sở Tư pháp |
10 | Sở Thông tin và Truyền thông | Xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền về phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn tỉnh. | Sở Thông tin và Truyền thông |
Xây dựng văn bản hướng dẫn kiểm tra việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo việc giải quyết tình hình đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn. | Sở Thông tin và Truyền thông | ||
11 | Sở Y tế | Xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh án huy động lực lượng y, bác sỹ, phương tiện và trang thiết bị y tế thực hiện nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu người bị thương, xử lý các tình huống phức tạp về y tế trong quá trình giải quyết các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn. | Sở Y tế |
Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Đề án được phê duyệt, các đơn vị hoàn thành việc xây dựng phương án, kế hoạch, văn bản thực hiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền duyệt ký và gửi về Ban Chỉ đạo Đề án (qua Công an tỉnh) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.
BIỂU DỰ TRÙ KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Phòng ngừa, xử lý đình công, biểu tình trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1003/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Đơn vị tính: Triệu đồng
STT | NỘI DUNG | Tổng kinh phí thực hiện Đề án | Trong đó | Đơn vị chủ trì | |||
Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | ||||
TỔNG CỘNG | 21,466.677 | 10,731.100 | 4,155.577 | 3,290.000 | 3,290.000 |
| |
I | MUA SẮM PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ | 8,746.677 | 7,551.100 | 975.577 | 110.000 | 110.000 | Công an tỉnh chủ trì |
1 | Hệ thống DIG IN (thu thập và cảnh báo sự kiện trên mạng xã hội) | 5,321.450 | 5,321.450 |
|
|
| |
1.1 | Mua phần mềm | 2,250.000 | 2,250.000 |
|
|
| |
1.2 | Hạ tầng phần cứng | 3,041.450 | 3,041.450 |
|
|
| |
10 Máy chủ PY RX4770 M3. Nhật x 236.995.000 đ/máy | 2,639.950 | 2,639.950 |
|
|
| ||
Tường lửa bảo vệ mạng. ASA5525-FPWR-K9. Singapor | 86.500 | 86.500 |
|
|
| ||
Bộ lưu điện Online cho máy chủ 6000 VA | 65.000 | 65.000 |
|
|
| ||
Swich và mạng LAN | 72.000 | 72.000 |
|
|
| ||
Tủ rack 27U và phụ kiện đồng bộ | 10.000 | 10.000 |
|
|
| ||
Đường mạng internet: 40MBps trở lên 42.000.000/năm x 4 năm | 168.000 | 168.000 |
|
|
| ||
1.3 | Đào tạo, chuyển giao. 02 lớp x 15.000.000đ/lớp | 30.000 | 30.000 |
|
|
| |
2 | Hệ thống giám sát thông tin tại nguồn | 2,179.650 | 2,179.650 |
|
|
| |
2.1 | Mua phần mềm | 1.500.000 | 1,500.000 |
|
|
| |
2.2 | Phần cứng, mạng | 649.650 | 649.650 |
|
|
| |
Máy chủ PY RX4770 M3. Nhật | 230.150 | 230.150 |
|
|
| ||
Máy trạm | 18.000 | 18.000 |
|
|
| ||
Tường lửa bảo vệ mạng ASA5525-FPWR-K9 Singapor | 86.500 | 86.500 |
|
|
| ||
Bộ lưu điện Online cho máy chủ 6000 VA | 65.000 | 65.000 |
|
|
| ||
Swich và mạng LAN | 72.000 | 72.000 |
|
|
| ||
Tủ rack 27U và phụ kiện đồng bộ | 10.000 | 10.000 |
|
|
| ||
Đường mạng internet: 40MBps trở lên 42.000.000/năm x 4 năm | 168.000 | 168.000 |
|
|
| ||
2.3 | Đào tạo, chuyển giao. 02 lớp x 15.000.000đ/lớp | 30.000 | 30.000 |
|
|
| |
3 | Máy bộ đàm cầm tay Motorola P8668 VHF/UHF số cầm tay 5w/4w có màn hình, bàn phím module GPS kèm 01 anten, 01 pin xạc Li-ion 1500mAh, kèm xạc nhanh và bản quyền trung kế đã điểm: 30 cái x 28.852.578đ/cái | 865.577 |
| 865.577 |
|
| |
4 | Xây dựng cơ sở dữ liệu về đình công, biểu tình trái pháp luật, gây rối ANTT | 200.000 | 50.000 | 50.000 | 50.000 | 50.000 | |
5 | Sửa chữa tài sản, phương tiện, thiết bị và chi phí khác | 180.000 |
| 60.000 | 60.000 | 60.000 | |
II | DIỄN TẬP PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, BIỂU TÌNH TRÁI PHÁP LUẬT, PHÁ RỐI ANTT | 2,000.000 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | Công an tỉnh chủ trì |
III | KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG | 10,720.000 | 2,680.000 | 2,680.000 | 2,680.000 | 2,680.000 | Công an tỉnh chủ trì |
1 | Chi hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo và Bộ phận giúp việc 10.000.000đ/người/năm x 27 người x 4 năm | 1,080.000 | 270.000 | 270.000 | 270.000 | 270.000 | |
2 | Chi tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ, sơ kết, tổng kết Đề án (05 hội nghị triển khai, 01 hội nghị sơ kết, 01 hội nghị tổng kết) | 200.000 | 50.000 | 50.000 | 50.000 | 50.000 | |
3 | Kinh phí chi phục vụ công tác nghiệp vụ: | 7,240.000 | 1,810.000 | 1,810.000 | 1,810.000 | 1,810.000 | |
3.1 | Mua tin: - 2.000.000đ/tin x 15 tin/năm x 4 năm - 1 .000.000đ/tin x 30 tin/năm x 4 năm - 500.000đ/tin x 100 tin/năm x 4 năm | 440.000 | 110.000 | 110.000 | 110.000 | 110.000 | |
120.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | |||
120.000 200.000 | 30.000 50.000 | 30.000 50.000 | 30.000 50.000 | 30.000 50.000 | |||
3.2 | Tiếp xúc tranh thủ cốt cán, người biết việc - 2.000.000đ/người x 50người x 2 lần/năm x 4 năm - 1.000.000đ/người x 500người x 3lần/năm x 4 năm | 6,800.000 | 1,700.000 | 1,700.000 | 1,700.000 | 1,700.000 | |
800.000 6,000.000 | 200.000 1,500.000 | 200.000 1,500.000 | 200.000 1,500.000 | 200.000 1.500.000 | |||
4 | Kinh phí tập huấn, tuyên truyền | 2,200.000 | 550.000 | 550.000 | 550.000 | 550.000 | Công an tỉnh chủ trì, Sở Lao động, TB và XH, Liên đoàn lao động tỉnh, BQL KKT Nghi Sơn và các KCN phối hợp |
4.1 | Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động | 1,820.000 | 455.000 | 455.000 | 455.000 | 455.000 | |
| Tuyên truyền tư vấn trực tiếp, nói chuyên chuyên đề cho người lao động tại doanh nghiệp (5.000.000đ/buổi X 20 buổi/năm x 4 năm) | 400.000 | 100.000 | 100.000 | 100.000 | 100.000 | |
Tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người lao động tại nhà trọ, khu dân cư vào buổi tối (3.000.000đ/buổi x 80 buổi/năm x 4 năm) | 960.000 | 240.000 | 240.000 | 240.000 | 240.000 | ||
Truyền thông gắn tập huấn phổ biến pháp luật lao động cho các doanh nghiệp: 20.000.000đ/lớp x 20 lớp/4 năm (2 ngày/lớp, 50 người /lớp,) | 400.000 | 100.000 | 100.000 | 100.000 | 100.000 | ||
Biên soạn và in sổ tay hỏi đáp pháp luật phục vụ công tác tuyên truyền (20.000đ/cuốn x 3.000 cuốn) | 60.000 | 15.000 | 15.000 | 15.000 | 15.000 | ||
4.2 | Công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác lao động | 380.000 | 95.000 | 95.000 | 95.000 | 95.000 | |
| Tập huấn kỹ năng xử lý đình công, biểu tình trái pháp luật cho các lực lượng liên quan: 50.000.000đ/lớp x 4 lớp/4 năm (2 ngày/lớp, 300 người/lớp) | 200.000 | 50.000 | 50.000 | 50.000 | 50.000 | |
Tập huấn kỹ năng xử lý đình công cho cán bộ cơ sở: 15.000.000đ/lớp x12 lớp/4 năm (2 ngày/lớp, 50 người/lớp) | 180.000 | 45.000 | 45.000 | 45.000 | 45.000 |
- 1Quyết định 02/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 21/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 3Quyết định 39/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 4Quyết định 3759/2008/QĐ-UBND Quy chế phối hợp trong việc tham gia giải quyết ngừng việc tạm thời của tập thể người lao động do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 5Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2017 tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật lao động, công đoàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 6Quyết định 10/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 7Quyết định 21/2020/QĐ-UBND quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 8Quyết định 4714/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá” giai đoạn 2021-2025
- 1Thông tư 09/2005/TT-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng do Bộ Công An ban hành
- 2Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng
- 3Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 4Quyết định 1129/QĐ-TTg năm 2008 ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 22-CT/TW về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 23/2012/TT-BCA quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh, trật tự" do Bộ Công an ban hành
- 6Chỉ thị 22-CT/TW năm 2008 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Luật Công đoàn 2012
- 8Bộ Luật lao động 2012
- 9Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 10Quyết định 02/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh
- 11Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 12Luật Doanh nghiệp 2014
- 13Quyết định 1617/QĐ-TLĐ năm 2014 Quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 14Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 15Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 16Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2016 về tăng cường biện pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, đình công không đúng quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 17Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 18Quyết định 21/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 19Quyết định 39/2016/QĐ-UBND Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 20Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2016 thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 21Quyết định 3759/2008/QĐ-UBND Quy chế phối hợp trong việc tham gia giải quyết ngừng việc tạm thời của tập thể người lao động do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 22Quyết định 3081/QĐ-UBND năm 2012 về phê duyệt Đề án "Hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng quy định của pháp luật tại Khu kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015"
- 23Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2017 tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật lao động, công đoàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 24Quyết định 10/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 25Quyết định 21/2020/QĐ-UBND quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Quyết định 1003/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2017-2020
- Số hiệu: 1003/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/04/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Nguyễn Đình Xứng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực